Võ Sĩ Lên Đài epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 3
iang Sơn, Liên Hiệp, Tia Sáng, Sinh Lực, báo mới đây. Thông cáo của bộ chỉ huy Pháp: ở xứ Thái Trắng, các lực lượng Liên Hiệp Pháp vừa rồi đã có cuộc giao tranh quyết liệt với các phần tử Việt Minh!
— Báo mới đây. Cựu vô địch Đông Dương, võ sĩ Vĩnh Nguyên đã hồi cư về với chính nghĩa quốc gia: Đờsenhăng và Căngto, cựu vô địch Pháp quốc và Bắc Phi nay mai sẽ so găng biểu diễn tại võ đài Thủ đô!
— Thời mới đây... Quốc trưởng Bảo Đại sắp ra thăm bắc hà. Vụ cháy Nhà dầu Shell đang được điều tra cấp tốc. Các cơ quan an ninh và dư luận chính giới cho rằng, rất có thể đây là một vụ đột kích táo tợn của Việt Minh!
— Thuốc ho bà Lang Trọc đây! Dầu cù là, thuốc ghẻ, thuốc sâu quảng, sâu răng, hôi nách, hắc lào hiệu nghiệm nhất Bắc Kỳ, nhì Đông Dương đây...
Giữa những tiếng rao quảng cáo thuốc khàn rè của một gã đàn ông và tiếng rao lanh lảnh của các chú bé bán những số báo buổi chiều, một ông sẩm vẫn dẻo tay kéo nhị, cất giọng khê nồng và hào hứng: Hà Nội như động tiên sa/Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần/Vui nhất là chợ Đông Xuân...
Ngồi cạnh ông sẩm, trong cái toa xe điện lỉnh kỉnh những quang gánh, thúng mủng, ông Thân lơ đãng nhìn cảnh phố phường. Tiếng chuông tầu leng keng, tiếng bánh xe tầu rít trên đường ray và những âm thanh hỗn tạp trên toa tầu khiến cho không khí sinh hoạt ở những nơi con tầu đi qua thật sự là thêm phần vui vẻ náo động. Ông Thân thích đi tầu điện. Đi tầu điện có cái thú là được tiếp xúc một cách trực tiếp với đời sống thật. Như lúc này đây, tầu về tới hàng bông thì có hai người đàn ông ăn mặc theo lối tây lên tầu. Lên tầu là hai người cứ toang toang như chốn không người. Thôi thì đủ chuyện. Cháy Nhà dầu Shell phố hàng bột và tài xuất quỷ nhập thần của Việt Minh. Việt Minh có mặt ở khắp nơi trong thành phố rồi. Thì đấy, vì sao mà có truyền đơn, có cờ đỏ sao vàng ở chợ bưởi, ở đuôi cá...
Mải mê dõi theo câu chuyện của hai người đàn ông cho tới lúc tầu đến Cửa Nam, nghe rộ lên tiếng trẻ con rao báo, ông Thân mới như chợt giật mình, tỉnh thức. Chà! Thì ra cái tin hôm rồi bà Nhự nói hóa ra là thật! Võ sĩ Vĩnh Nguyên, người bạn thân thiết của ông từ thủa thiếu thời đã hồi cư, đã trở về thành phố thật rồi! Nhưng mà trở về rồi để lại tiếp tục mở lò võ, lên võ đài trong cái thành phố địch tạm chiếm này ư? Ông vì mất liên lạc với tổ chức, không kịp ra được với kháng chiến, đành phải ở lại với kẻ thù; chứ còn người đã ở bên ngoài vùng tự do chẳng lẽ lại tự nguyện nhẩy vào cái lồng chật hẹp tù túng này?
Ý nghĩ của ông Thân đứt đoạn. Khuỷu tay một gã đàn ông mới lên tầu, ngồi cạnh ông vừa thúc vào mạng sườn ông, khiến ông thấy tưng tức.
— Ê! Lão già! Lui ra cho tao ngồi, mày!
Nghe một tiếng quát gằn, quay lại, ông Thân nhận ra đó là một gã trai trẻ, vóc hình kềnh càng, da đen cháy, môi thâm sì, mặc bộ quần áo vàng lính Bảo Chính, trên vai đính chiếc lon cai. Đã dùng khuỷu tay thục vào mạng sườn ông, gã còn lên giọng thô lỗ nạt nộ ông. Chưa hết. Yên vị rồi, gã liền quay sang hai người đàn ông đang trò chuyện vui vẻ với nhau ở bên hàng ghế đối diện, hất hàm, thật trơ trẽn:
— Hai ông này bộ ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản hay sao mà ca ngợi Việt Minh dữ vậy!
Hai người đàn ông nọ thấy vậy liền im bặt. Và tầu vừa chớm vào ga Hàng Cỏ, họ liền bảo nhau rời bỏ con tầu bằng cách nhảy xuống tầu ngay khi tầu chưa dừng hẳn. Bảo Chính đoàn, tổ chức lính tráng gồm toàn bọn du thủ du thực tay sai của Tây. Hơi đâu mà dây với chúng. Đó cũng là ý nghĩ và cách ứng xử của ông Thân với gã cai Bảo Chính này. Nhưng mà, hình như cây muốn lặng mà gió chẳng đừng; thấy ông càng nhún nhường thì hắn càng lấn tới thì phải.
— Tao bảo ngồi lui vào nữa kia mà.
— Thì tôi đã ngồi sát vào tận cửa đây rồi.
— Lui nữa ra! Cho bố mày ngồi chứ!
— Ông không nhìn thấy à? Còn chỗ nào nữa đâu mà lui?
Quả thật là đã bị ép chặt vào vách tầu, hết chỗ lui rồi, nên ông Thân chỉ còn cách nhịn nhường là đứng dậy. Vậy mà lạ chưa, đúng lúc ấy gã Bảo Chính cũng khuỳnh hai tay, ngông nghênh phắt dậy. Về chiều cao, gã nhỉnh hơn ông, nhưng bề ngang hắn to gấp rưỡi ông. Tô điểm cho thói bạo ngược của gã là hình hai con rồng giương vây, xòe vuốt, nhe răng xăm từ mu bàn tay lên tận khuỷu tay. Chống tay lên sườn, hếch cái cằm lấm chấm những chân râu đen sì, gã nhìn chòng chọc vào mặt ông Thân:
— Thế nào! Không biết bố mày là ai hả?
— Nhưng mà...
— Dám cãi lại bố mày, hả?
— Thì ông hãy... Mở mắt ra nhìn xem.
— Nhìn cái mả bố mày, hả!
Bộp! Răng nghiến chèo chẹo, gã cai Bảo Chính vung nắm đấm.
Bả vai ê ê. Ông Thân bật lui về phía sau. Và trong một phản ứng tức thời, ông giơ tay lên như võ sĩ trong động tác thế thủ. Bịch, bịch... Liên tiếp mấy cú đấm nhằm vào mặt ông của gã nọ đều bị cánh tay ông cản lại.
Mấy người đàn bà vội kéo thúng mủng ở sàn tầu, kêu the thé:
— Thôi, thôi, ông cai. Ông tha cho bác ấy.
— Chạy đi, bác gì ơi!
— Khổ quá! Tầu đã chật! Có đau không, bác ơi!
Đấm với thêm một quả nữa, gã Bảo Chính lại chống tay lên sườn, xịt một tia nước bọt:
— Tiên sư thằng già! Mày không lạy ông ba lạy ngay tại đây, ông đánh cho mày về chầu ông bà ông vải nhà mày!.
Hai con mắt trắng dã hất lên, gã nọ dấn thêm một bước. Và tưởng rằng gã chỉ dậm dọa vậy thôi, có ngờ đâu, gã áp sát vào ông rồi chỉ tay vào mặt ông, giật giọng ra lệnh:
— Thằng già! Nghe đây! Quỳ xuống! Quỳ!
Tình thế căng thẳng. Mấy người đàn bà vội xô lại, che chắn cho ông Thân, rối rít lạy van gã cai. Thôi thì một sự nhịn chín sự lành. Ông Thân nghĩ vậy nên lùi thêm một bước. Nhưng ông Thân lùi một bước thì gã cai hung hãn lại gạt mấy người đàn bà nọ, lấn thêm một bước và xem ra càng lúc càng hùng hổ, ngạo ngược hơn. Cuối cùng, thì đã hết chỗ để lùi rồi, sau lưng ông Thân đã là cái cửa và bậc lên xuống toa tầu và tầu thì đang vun vút chạy qua vùng hồ bảy Mẫu. Đưa mắt nhìn mấy người đàn bà ở phía trước, ông Thân nhận ra, họ đang muốn chia sẻ với ông niềm xót thương, ái ngại và vì vô cùng lo sợ, nên họ đang muốn ông thừa cơ lúc tầu đang qua vùng hồ vắng vẻ này, hãy nhẩy tầu trốn tránh đi!
Thoáng chút đắn đo hiện lên ở cái nhíu mày, ông Thân kéo lại cái gấu áo săng đay, đưa tay xoa mặt; và giữa lúc mọi người tưởng ông sẽ nghe theo họ, sẽ lủi ra cửa, nhẩy xuống tầu, thực hiện kế sách trốn chạy, thì lạ chưa kìa, ông né mình, nhích lên nửa bước, ngả bàn tay, cất giọng phân trần thật từ tốn:
— Các ông các bà ở trên tầu chứng kiến câu chuyện xẩy ra từ đầu đến cuối nhé. Tôi đã nhường nhịn hết mức mà anh này không biết điều, cứ lấn lướt. Bây giờ xin phép bà con... Để tôi cho anh ta biết... Thế nào là phép lịch sự.
Thoắt cái, ông Thân dấn lên. Gương mặt ông lúc này lặng lẽ, thản nhiên, nhưng rõ ràng là hết sức kìm nén. Cặp mắt đang chúc xuống của ông hất lên một cái nhìn thật oán giận và quyết liệt. Nửa người trên đang trong tư thế đứng thẳng bỗng như hơi chùng xuống, rồi thật bất ngờ, dựng đứng đôi vai lên, ông nhao tới phía trước cùng với hai bàn tay nắm lại và một quả đấm múc hất ngược lên, nhằm trúng quai hàm gã cai Bảo Chính.
— Hự!
Không sao có thể kịp chống đỡ. Quả đấm múc hất lên quá bất ngờ, lại vừa mạnh vưà hiểm quá thể. Cây thịt người gã cai Bảo Chính nẩy lên tưởng như đụng tới nóc toa tầu, rồi rơi đánh ạch xuống sàn tầu.
— Úi giời ơi! Không khéo cậu chàng về với ông bà ông vải mất rồi!
— Hà hà... Đánh được người mặt đỏ như vang. Còn bây giờ xem mặt đã vàng như nghệ chưa nào!
— Thằng này là con nhà kim hoàn Nghĩa Lộc, đăng lính Bảo Chính để bợ đít Tây đây, bà con ạ.
Toa tầu inh ỏi khoái trá. Gã Bảo Chính vẫn nằm im bất động. Ông Thân bình thản kéo lại gấu áo. Anh sẩm từ nẫy im bặt, chợt nổi cơn phấn hứng, người rún rẩy, tay cò cưa, miệng lại dẻo ngọt véo von:
Hà Nội như động tiên sa
Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần
Vui nhất có chợ Đồng Xuân
Mùa nào thức nấy xa gần đến mua
Cổng giữa có chị hàng dừa
Hàng cau hàng quýt hàng dưa hàng hồng....
Tầu vào Ga Vọng. Chụp vội cái mũ cát lên đầu, ông Thân xuống tầu. Mấy người đàn bà nhìn theo ông, vẫn chưa hết kinh ngạc: Trông ông ấy hiền lành mà bạo tợn quá nhỉ! Một người đàn ông mặc áo vét len, ngồi ở đầu toa phía sau, suốt từ lúc xảy ra chuyện vẫn im lặng, giờ gấp tờ báo, đút túi, gật gù:
— Các bà không biết võ sĩ Thân nổi tiếng đã từng thượng đài so găng với thằng Đờ Gátxơ võ sĩ à? Trêu vào mẹ mướp thì sơ có ngày, người xưa nói cấm có sai câu nào, có phải không, các bà!
o O o
Đúng là người đã đấm ngã tên cai Bảo Chính hung hăng càn rỡ trên toa tầu điện nọ là võ sĩ Thân. Võ sĩ Thân, ông Phạm Xuân Thân, cha đẻ của Nhân ngay từ khi còn trẻ, vào làm thợ ở hãng Avia, vốn là người say mê chơi nhiều môn thể thao. Thiên bẩm bắt nguồn từ huyết thống gia đình sẵn có nên ở bộ môn nào ông cũng đạt thành tích cao. Giải nhì cuộc thi chạy 100m vượt rào, vào chung kết nhảy cao ở mức xà 1, 65m, bằng chân đất, với lối chính diện quay người cùng với một sĩ quan Pháp trên là Găngđông đồng chiếm giải quán quân Hà Nội năm 1939. Chưa hết, năm 1940, ông cũng đã từng đọ vành xe đạp với các cuarơ danh tiếng như bồng, cống, Lộc... Trên đường đua lòng chảo Hà Nội. Khoác áo tuyển thủ Bắc Kỳ, ông đã từng chạm trán với võ sĩ Khánh đại diện Trung Kỳ trong cúp vô địch Đông Dương; từng được bạn bè thân mật gọi là Thân bốcxơ vì đoạt giải vô địch Bắc Kỳ hạng gà [8] năm 1941. Tuy nhiên kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông và cũng vì vậy mà dân chúng hà thành càng cảm mến ngưỡng mộ ông, là do ông đã có lần đọ găng với tây culít Đờ Gátxơ và không chút để hổ thẹn danh hiệu võ sĩ người Việt mình trên sàn đấu. Chà! Tây culít Đờ Gátxơ, vô địch xứ Brơtanhơ nước đại Pháp, có cú đấm mạnh có thể giết chết một con bò mộng, huênh hoang tưởng là ăn sống nuốt tươi ngay được, vậy mà cuối cùng cũng có lúc sơ hở, bị dính đòn đau, đành chấp nhận thủ hòa với ông, một võ sĩ Việt trẻ tuổi chưa mấy tên tuổi thì hiển nhiên là một sự lạ rồi!
[8] Cân hạng võ sĩ lúc này có 12 hạng. Dưới 48kg: hạng dưới ruồi. 48-51kg: hạng ruồi. 51-84kg: hạng gà. 54-57kg: hạng lông. 57-60kg: hạng nhẹ. 60-63, 5kg: hạng trên nhẹ. 63, 5-87kg: hạng Welter (vừa). 67-71kg: hạng dưới trung. 71-75kg: hạng trung. 75- 81kg: hạng dưới nặng. 81-91kg: hạng nặng. Từ 91kg trở lên: hạng trên nặng...
— Bác Thân đã về rồi đấy à?
Ông Nhự đang tra dầu vào ổ trục chiếc xích lô thấy ông Thân từ ngõ đi vào liền ngẩng lên. Cạnh ông, bà Nhự đang lóc xóc trút hầu bao đếm tiền trên cái mẹt để cạnh chiếc xe, miệng làu bàu tức tối đang rủa xả thằng tây culít nào đó. Ông Thân cất tiếng vui vẻ:
— Chào hai bác. Bác giai sửa soạn đi làm ca chiều à? Còn bác gái hôm nay hàng họ thế nào?
— Bác Thân đã về đấy à! Có gì vui mà trông bác hớn hở thế! Ôi dào, vừa lên đến chợ đã gặp thằng Tây mắm tôm thì còn buôn với bán gì nữa, hở bác!
Đổi mặt nhẹ nhõm, không trả lời vào câu hỏi của ông Thân, bà Nhự ngẩng đầu dậy. Ông Thân vội đưa tay lên sờ mặt mình, không đáp, rồi bước nhanh về cửa nhà mình.
Trong nhà có tiếng hai anh em Nhân và Cường. Ông Thân đẩy cánh cửa, bước vào:
— Có chuyện gì thế, hai anh em?
— Dạ! Không có gì ạ.
Nhân gọn ghẽ trong cái bu dông dạ tím, cổ áo sơmi carô bẻ phủ ngoài, mắt lấm lét, hai tay thu thu dưới gầm bàn học.
— Sao thế?
Ông Thân kêu, chợt nhận ra hai má Nhân có vết bầm và mé bên trái trán nổi một cục u nhỏ. Nhân rụt rè:
— Con bị đau...
— Đưa ba xem nào?
Cường đang soạn sách vở ở bàn bên, quay lại:
— Anh ấy đánh nhau với bọn học trò Tây ở trường Anbe Sarô. Mặt nó không nhằm lại nhằm vào bờ tường.
— Đưa tay ba xem nào!
Ông Thân ngồi xuống, nhấc cánh tay Nhân. Bàn tay phải của Nhân co co. Hốt hoảng ông Nhân nhận ra, khớp ngón tay cái của Nhân đang gập lại tụ máu sưng húp.
— Ái ái.
— Duỗi ra thử xem nào!
— Không duỗi ra được ạ.
— Im... Im... Cường, lấy cho ba lọ cồn.
— Ái, ối, đau lắm!
Ngoài cửa bỗng có tiếng bà Nhự:
— Chuyện gì thế, mấy ông con?
Ông Thân quay ra:
— Thằng Nhân đánh nhau với trẻ con Tây, khéo gẫy ngón tay cái mất, bà ạ.
Ông Thân vừa dứt lời thì người đàn bà đã loạt xoạt bước vào. Ghé xuống cạnh Nhân, nhanh nhẹn đỡ bàn tay có ngón cái sưng húp của Nhân, bà gượng nhẹ đặt nó lên mặt bàn.
— Để yên! Để yên! Chị mát tay lắm, đừng sợ.
Ối! Nhân chỉ kịp bật lên một tiếng kêu và rụt phắt bàn tay lại, trong khi khắp người mồ hôi đổ ra như tắm. Ông Thân kinh hoảng, đứng bật dậy. Chỉ có Cường là nhẩy cẫng lên, vừa reo vừa vỗ tay ầm ĩ:
— Khỏi rồi! Hay quá! Khỏi rồi!
Ngơ ngác, Nhân đưa bàn tay lên nhìn. Không thể hiểu nổi. Một phép lạ đã xuất hiện. Ngón cái tưởng sẽ suốt đời mang thương tật thế là đã duỗi ra được, tuy vẫn còn ê ê đau và ngường ngượng.
Bà Nhự cười:
— Tôi đoán nó là cái sự sai khớp và chữa liều theo mẹo của các cụ tôi ở nhà quê, nghĩa là đặt nó lên, ấn thật lực một nhát cho nó vào khớp, mấy ông con nhà võ sĩ ạ.
Ông Thân cảm động:
— Cám ơn bác nhé - Rồi quay lại với Nhân - đấm bừa thì gẫy tay như chơi đấy. Phải học, phải tập thì mới đánh được chứ! Cả một nghệ thuật đấy, con ạ.
o O o
“Cả một nghệ thuật đấy, con ạ” câu nói ấy ngân nga mãi trong óc ông Thân. Kể cả khi bà Nhự đã ra về và ông Nhự vào chơi. Hai ông bạn láng giềng vẫn có thói quen ngồi uống trà và đàm đạo tối tối với nhau. Mùa đông thì ở trong nhà, mùa hạ thì ở trên gác thượng. Họ vốn là tri kỷ, ít ra đã chục năm nay.
Rót chén trà cho ông Nhự, ông Thân ngồi lặng lẽ. Ông nhớ tới chuyện xảy ra trên tầu điện vừa rồi, lòng vẫn thấy áy náy thế nào. Thật tình, đó là chuyện vạn bất đắc dĩ. Ông là võ sĩ. Võ sĩ đấm nhau trên võ đài, có tiếng còi, tiếng cồng trọng tài đàng hoàng kia. Đó là một bộ môn thể thao nghệ thuật, khỏe, đẹp và cao thượng. Đâu có phải là thứ võ biền có thể đem dùng bất cứ chỗ nào.
— Hừ, thời buổi nhố nhăng này sao nẩy nòi lắm đứa du côn thế không biết.
Ông Thân buột miệng than. Ông Nhự đặt chén nước, vòng hai tay ôm cái chân co:
— Thì thời buổi thằng lên làm ông, ông thành thằng mà bác!
— Hôm nay, bác có đi làm không? Nghe mọi người bàn về vụ cháy Nhà dầu Shell ghê quá!
— Đúng là xôn xao lắm. Và phấn khởi nữa chứ, bác! Mà không phải là quân biệt động ta xuất quỷ nhập thần thì còn ai vào đây nữa.
— Bên hãng tôi, lão chủ có vẻ hoảng. Hôm nay nó lệnh cho cai cất những cái bồ đựng roi đi rồi. Nghĩ mà ức. Cứ năm thước lại có một cái bồ đựng roi để cai ký rút ra đánh thợ cho... Thuận tiện.
— Thế thì nó coi mình quá con trâu, con ngựa còn gì!
— Một bận, tôi ức quá, theo anh em đón đường đánh cho lão cai bân một trận.
Chuyện ở cái hãng Avia của ông Thân, ông Nhự đã nghe nhiều lần rồi. Ông cười hờ hờ:
— Ấy, ngoài kia cứ nện khỏe vào là trong này chúng nó co vòi lại cho mà xem. Hờ hờ... Mà bác Thân à. Không hiểu sao, cứ thi thoảng tôi lại ngủ mê thấy cáí trận bác thượng đài so găng với cái thằng Đờ Gátxơ. Chà! Cái lúc nó bị bác ghi điểm, bác có biết bọn tây đầm chúng rú rít kinh sợ thế nào không?
Ông Thân cắn môi:
— Thật ra, hồi ấy lúc đầu nghe nó thách võ sĩ người Việt mình lên võ đài, tôi cũng ngại. Trước nay, tây nó có thèm đấu, nói cho đúng nó có cho mình đấu với nó đâu. Lần này nó cũng chỉ coi như đấu biểu diễn thôi. Ngại là ngại thế. Sau mình mới nhớ tới một câu nói của một võ sĩ da đen. Anh ta tên là Giô Lui, vô địch thế giới hạng nặng. Bác có biết, anh ta nói thế nào không? Chỉ trên võ đài chúng tôi mới có quyền công khai đánh lại người da trắng!
— Chà!
— Buổi ấy thật tình tôi ở vào tâm trạng vô cùng căng thẳng!
— Là người xem mà có lúc tôi còn nghẹn thở nữa là. Bác có biết không, hôm ấy, Nhà hát Lớn như nứt ra vì chật ních Tây đầm. Chúng chiếm hết tầng dưới, đẩy dân mình ít tiền lên tận nóc Nhà hát. Ôi chà! Chúng xì xồ tíu tít bắt tay, ôm hôn thằng Đờ Gátxơ suốt hành lang, đầy tiền sảnh. Vào hiệp một, xem ra bác và nó hai bên còn dò đòn nhau. Bắt đầu vào hiệp hai, thấy nó đấm như mở máy, mà bác thì cứ lùi, nên tôi càng lo. Nhất là khi thấy bọn đầm áo trần vai hở ngực, chúng đút cả hai tay vào mồm huýt sao inh ỏi cả nhà hát, cổ vũ cho thằng Đờ Gátxơ, cứ như hối thúc thằng này ăn gỏi bác vậy!
— Phải công nhận Đờ Gátxơ là dân bốcxơ lão luyện. Cách đánh của nó vừa già dặn vừa thận trọng lại rất táo bạo. Còn về kỹ thuật thì phải nói là chuẩn mực, cổ điển, mà lại rất bay bướm, đẹp mắt nữa chứ.
— Thề... Làm sao mà bác vẫn cứ ngang ngửa được với nó. Ở hiệp mấy nhỉ? Ở hiệp mấy mà bác có một cú đánh mà khán giả hoan hô rầm trời lên nhỉ?
Ông Thân lim dim mắt:
— Để tôi nhớ lại xem nào. Ờ ờ... Hiệp bốn. Tôi nhớ là mình sau khi ăn mấy quả đấm nhẹ của nó, cũng nổi cơn, lăn xả vào nó, trả đòn tới tấp, đáo để chả kém cạnh. Còn nó, cậy to con, tay dài như cai đòn gánh, đánh xa áp đảo mình, rồi mỗi lúc một thêm nóng ruột chỉ muốn hạ thủ mình ngay lập tức, nên bắt đầu ra đòn loạn xạ.
Nó bị “mái xùy” từ mấy con đầm non mà!
— Lúc ấy, đang đánh ở cự ly gần, mình bỗng thấy nó đưa mặt ra sau lưng mình để né tránh, nghĩa là cậu chàng lộ ra chỗ sơ hở rồi; thế là mình lập tức chuyển từ đòn thẳng ra đòn quặt, tay phải vòng ra phía sau tạo nên một cú đánh hất lên. Và kỳ lạ chưa, bỗng nhiên thấy khán giả người mình hô rầm lên theo nhịp ba: Phạm - Xuân - Thân! Phạm - Xuân - Thân! Rồi sau đó tan cuộc, anh em xô lại công kênh mình đi suốt phố Tràng Tiền!
— Thật là tuyệt hết chỗ nói!
— Nhưng cú đòn này chỉ có tính chất trình diễn kỹ thuật và khiến Tây nó phải thán phục, phải gờm bản lĩnh mình thôi, cứ không có sức mạnh hạ gục nó được, bác ạ.
Trong góc buồng, Nhân và Cường ngồi cạnh nhau vừa cắm cúi làm bài vừa nghe cha và ông Nhự trò chuyện. Có tiếng xe háptrắc gầm xiết ngoài đường phố Sinh Từ. Bỗng Cường ngẩng lên:
— Anh Nhân này. Anh Tấc học cùng anh ấy mà...
— Sao?
— Anh ấy thờ Thần mặt trời, sáng nào dậy cũng nhìn mặt trời, đọc thần chú.
— Thằng ấy là cái đồ bị thịt! Hôm qua, cả bọn tao xông vào đả bọn lõ con, trong khi đó thì nó đánh bài chuồn. Mày có biết không? Anh Tùng nhà ta loẻo khoẻo thế mà hăng gớm, cứ vung cái cặp như Quan Vân Trường vung thanh long đao nhé.
— Thế anh có định học bốc không?
— Học mạnh đi chứ!
o O o
Nửa đêm, ông Nhự tỉnh giấc, đánh cái xích lô đi. Giờ này, khách tầu Phòng về.
Gia phả ông Nhự nếu có thì đời đời kế tiếp đều là hạng cùng đinh nghèo khổ. Cụ kỵ, một thước đất cắm dùi không có. Bố ông Nhự từ thời trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, chịu không nổi cảnh tổng lý ức hiếp và lệ làng nhiêu khê, đã đâm ra thành phố, gia nhập đội ngũ những người lao động cùng khổ nhất -kéo xe tay. Ông bố chết, ông Nhự kế nghiệp cha. Lại ngửa ngực, ráo phổi mà kéo. Lại nát gan bàn chân trên đường đá răm. Lại bỏng rộp da chân trên mặt đường nhựa nóng cháy.
Chung quy trước sau, đời cha cho đến đời con, bố ông Nhự và ông Nhự chỉ là đem cái sức lao động của mình ra mà bán cho người đời để kiếm ăn lần hồi thôi. Xe phải thuê. Thuê được chiếc xe không dễ. Phải có thẻ căn cước, phải lo lót đầy đủ cho cai ký, phải được chủ xe tin cậy. Hồi đầu, chưa được thuê xe, ngày ngày, ra quán cơm đầu phố ngồi, chờ anh xe nào nghỉ, xin chạy vài cuốc kiếm cơm, rồi trả lại với mấy xu gọi là vi thiềng. Vài năm quen thuộc dần, mới xin được làm culi xe chính ngạch.
Từ nghề culi xe tay chạy bộ chuyển sang nghề xe xích lô đạp chân có đỡ vất vả hơn. Nhưng vẫn là cái kiếp culi xe, chịu mọi sự khinh miệt và bị culít bắt phạt như cơm bữa. Ông Nhự có năm con. Cả năm đứa đều rách rưới nhếch nhác, đứa bán báo, đứa đánh giầy, đứa theo mẹ chạy chợ.
Đưa đón xong mấy lượt khách từ tầu Phòng về, thấy trời vẫn mù mịt khói sương, ông Nhự cho xe chạy ra đường Gămbetta trước ga Hàng Cỏ. Rồi từ đó, xe ông rẽ ngoặt liên tục. Qua những con phố ngời ngời những dòng ánh sáng điện nối nhau lung linh như những vòng cung lửa. Qua những dãy phố sương đêm ngưng quanh những bóng điện đường âm u tịch mịch. Cuối cùng xe ông Nhự đi vào một con phố nhỏ, thưa thớt nhà cửa, thấp thoáng đôi ba bóng đèn đường. Quen thuộc các ngõ ngách phố xá, như người chủ quen thuộc căn nhà của mình, nhưng ông Nhự rất thích đến những phố nhỏ, nhất là vào những giờ này. Những con phố nho nhỏ thoáng chút hắt hiu, tách ra khỏi bối cảnh nhộn nhàng hỗn tạp, với bầu không khí riêng biệt, thật êm ả, thanh bình
Con người lao động thô tháp này hóa ra lại là một người có tâm hồn, yêu thích sự dung dị, thân mật, êm đềm? Hay là đi vào trong những con phố nhỏ này, ông tránh được cảnh phải động chạm, giáp mặt với bọn Tây say đi chơi đêm; bọn này không chỉ dở trò ăn quỵt, lại còn lợi dụng bóng đêm hoạnh họe, hành hạ người ta nữa kia? Cũng có thể!
Chà! Những con phố nhỏ! Như con phố này đây. Chỉ có độc một số nhà. Với một bức tường dài kiên cố, cao vót, đỉnh cắm mảnh chai, chằng chịt dây điện. Nó chính là cái nhà pha Hỏa Lò, nơi giam giữ những người bị Tây bắt. Tây bắt những ai? Côn đồ du thủ du thực, thì đã đành. Nhưng còn những ai nữa? Năm ngoái, cũng chập này, ông Nhự đánh xe qua đây thì thấy có hai bóng người nhẩy từ trên đỉnh ngọn tường cái nhà pha giam giữ người kia xuống. Thì ra đó là hai anh cán bộ Việt Minh hoạt đông trong nội thành bị Tây bắt đêm ấy vượt ngục. Hai anh đã gặp chiếc xích lô của ông Nhự đang dong duổi trên đường mà như có chủ tâm đón đợi họ.
Phố nhỏ thanh vắng và các cuộc gặp gỡ bất ngờ!
Nhưng đêm nay thì hình như không còn là bất ngờ nữa. Ông Nhự vừa ghé xe vào một gốc cây bằng lăng, thì từ bóng đêm đã bước ra một bóng thiếu niên tay xách một bọc vải nặng.
Im lặng, ông Nhự quay xe. Chiếc xe lăn bánh, lặng lẽ như con thuyền trôi đi trên một dòng chảy êm xuôi. Qua những con phố vàng ngời ánh điện quanh. Qua phố Tràng Thi rợp bóng cổ thụ. Cửa Nam vắng ngơ. Một cái đầu tầu hỏa phụt lên trời một làn khói đen hú còi qua đầu phố Khâm Thiên. Nhận ra hơi gió lạnh rượi vừa chờm vào da mặt, cả ông Nhự và cậu thiếu niên ngồi trên xe mới biết rằng, họ sắp ra tới ngoại vi thành phố; đây là vùng hồ bảy Mẫu.
— Sao các chuyến tầu dạo này đông khách thế, bác Nhự?
— Nó bắt lính ở nhà quê tợn quá!
— Bác có tin gì thêm về đám người hồi cư về tập trung ở Nhà cầm đồ Vạn Bảo không?
— Có cả một số trí thức, nhà báo, nhà thể thao!
Thiếu niên quay lại. Đó là một khuôn mặt trẻ trung nhưng rắn rỏi. Ông Nhự cúi thấp xuống sát tay lái:
— Chú Tuấn này, các anh trên dặn chú phải đẩy mạnh phong trào học sinh, thanh niên. Trong họ có nhiều khuynh hướng, nhưng phải tập hợp họ lại. Truyền đơn, tôi để ở dưới đệm xe, lúc xuống xe, chú lấy đi luôn.
— Vâng.
— Vụ Nhà dầu Shell ta an toàn cả chứ?
— An toàn cả, bác ạ.
Một chuyến tầu Nam từ Cống Vọng lên, huýt còi tu tu, sầm sập lao nhanh bên phải chiếc xích lô.
Võ Sĩ Lên Đài Võ Sĩ Lên Đài - Ma Văn Kháng Võ Sĩ Lên Đài