Tứ Thư epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2
ỐI CŨ, TỘI NHÂN LỤC
1. “LỐI CŨ”
Cứ thế, thuyền trôi theo nước, tôi bắt đầu sáng tác.
Có giấy, có bút, có mực xanh đen, tôi viết cuốn “Tội nhân lục” được trên đặt cho cái tên sát, hợp hết chỗ nói, yêu cầu tôi viết tỉ mỉ từng ly từng tí của tội nhân khu chín mươi chín, rồi nộp lên một cách như mây đến mưa xuống. Tôi khao khát viết ra một cuốn sách, nhưng không phải như cuốn “Tội nhân lục”. Giờ phút tôi cầm cây bút chấm lọ mực xanh và tập giấy bản thảo do Con Trời đưa cho, hai tay tôi run run. Tôi đã sang độ tuổi nửa trăm, ngoài viết năm cuốn truyện dài, hai mươi mấy cuốn truyện vừa và hàng trăm truyện ngắn, tôi còn có cả mấy tập tản văn. Tiểu thuyết của tôi được dịch ra tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Italia, tiếng Triều Tiên và tiếng Việt Nam. Nhà làm phim Du Hộ Hiểu cải biên theo tiểu thuyết của tôi đã được giải thưởng nghệ thuật phim quốc tế. Lãnh đạo nhà nước sang thăm nước ngoài, đã từng nhiều lần bảo tôi ký tên trên tiểu thuyết nổi tiếng nhất của tôi để họ làm quà tặng cho lãnh tụ và tổng thống nước bạn. Nhưng chính tôi có vinh dự như thế, bởi vì đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu cải tạo cấp trên rót xuống, tôi tổ chức các nhà văn, nhà phê bình có tên tuổi toàn tỉnh, tổ chức một cuộc họp thảo luận dân chủ. Cuộc họp bắt đầu từ tám giờ sáng đến một giờ chiều vẫn chưa xong. Muốn chọn ra một nhân sĩ phản động cần phải cải tạo còn khó hơn nước ngoài bầu ra một tổng thống. Cuộc họp kéo dài suốt ba ngày, các nhà văn nhà phê bình chán ngán giống như nước duyềnh lên vì mưa lớn. Sang ngày thứ ba đã quá giờ cơm trưa hơn một tiếng đồng hồ, ai nấy đói bụng sôi ùng ục, môi lưỡi khô rát, cuối cùng tất cả đều gọi tên tôi nói, anh là chủ tịch hội nhà văn có tiếng tăm, anh bảo ai phản động thì người đó là phản động. Anh nói tên ai chúng tôi đều giơ hai tay hô tán thành.
Tôi biết chắc thời cuộc phức tạp, nước biển mặn đắng, đương nhiên không tuỳ tiện nói tên nhà văn, nhà phê bình nào.
Tôi phát cho mỗi người một tờ giấy, thực hiện chế độ bầu cử bỏ phiếu kín, để mọi người viết lên tờ giấy trắng kẻ thẩm quyền phản động trong con mắt và trái tim của họ, đồng thời nói một cách dân chủ và khôn khéo, nếu các bạn sợ lộ bút tích, có thể viết bằng tay trái, có thể bắt chiếc bút tích của người khác, có thể không chỉ dùng tay trái mà còn nhắm mắt viết mò. Tóm lại, dùng biện pháp cho rằng người khác không nhận ra bút tích của mình để viết tên kẻ phản động trong lòng bạn lên giấy rồi nộp lên.
Bằng phương pháp dân chủ lạ lùng đặc biệt nhất, mọi người đã tự viết tên một người ra tờ giấy. Thu những tờ giấy đã viết tên lại, đương nhiên tên ai nhiều nhất thì người đó trúng tuyển. Nhưng kết quả là, tên tôi đã xuất hiện gần như trên tất cả phiếu bầu.
Tôi được bầu với số phiếu cao nhất.
Do đó tôi đã viết cho lãnh tụ một bức thư liệt kê toàn bộ mục lục tác phẩm, thành tựu nghệ thuật và bày tỏ lòng trung thành của tôi đối với nhà nước, cuối cùng hy vọng cấp trên ở Kinh thành có thể can thiệp vào việc này, xoá tên tôi khỏi danh sách phản động. Cấp trên khẩn trương lắm, nhanh chóng có thư trả lời tôi:
- Thành tựu văn học của anh rất cao, chính vì thế anh có thể đến khu cải tạo viết ra một tác phẩm văn học cách mạng chân chính vì nhân dân.
Hôm tôi đi khỏi tỉnh hội, toàn bộ anh chị em bầu chọn tôi của đơn vị đều đến đưa tiễn. Mọi người cùng nói với tôi, anh là người duy nhất có thể dùng thanh danh, uy tín và thành tựu của mình để chống đối cải tạo. Anh đi rồi, chúng tôi đều sẽ đối xử tốt với người nhà, con cái và bạn thân của anh.
2. “LỐI CŨ ”
Khu chín trăm mười chín nằm ở phía nam sông Hoàng Hà vùng Trung nguyên, còn cách con sông mẹ ấy những bốn mươi mấy ki-lô-mét. Trong vùng rộng lớn bốn mươi mấy ki-lô-mét toàn là bãi cát của sông Hoàng Hà vốn không ngừng cải tạo để lại. Bởi vì hàng ngàn năm nay Hoàng Hà lũ lụt lan tràn, chất đất rất kém, phần đông nông dân bỏ đi nơi khác, đất cát để lại, cỏ dại và hoang vu mênh mông cùng với một số ít thôn bản và nhân khẩu, chính là nơi tốt để xây nhà tù, lưu đày phạm nhân. Nhà tù ở đây từ đời nhà Minh cho đến sau ngày giải phóng đều thịnh vượng phát đạt, phạm nhân tăng một cách kinh khủng. Lúc đông nhất có tới hơn ba vạn năm ngàn người. Các loại phạm nhân tử hình, phạm nhân cải tạo lao động làm việc chủ yếu ở đây là đắp chắc thêm con đê lớn Hoàng Hà, rồi sau đó đào đất dưới lối cũ Hoàng Hà, chôn cát vàng trên mặt xuống dưới đất, biến bãi cát thành đồng ruộng màu mỡ, khôi phục bãi cát thành ruộng cấy. Khi bãi cát rộng hàng vạn mẫu hàng ngàn héc-ta đã biến thành ruộng tốt, nhà nước cũ chấm dứt, nhà nước mới ra đời, nơi đây không còn là nhà tù và bãi xử tử phạm nhân tử hình, mà là nông trường cải tạo lao động, là nông trường lớn để những tù nhân có thời hạn lao động cải tạo ở đây trồng lương thực trồng bông. Sau khi thành lập Nước cộng hoà mấy năm, nơi đây không còn là nông trường cải tạo lao động mà là “khu dục tân”, một từ mới hay hơn, thay cho từ cải tạo lao động, cũng tức là giáo dục đổi mới tội nhân giống như nông trường.
Khu dục tân dựa theo sự phân bố và nhà ở của tù nhân ngày xưa, trên lối cũ Hoàng Hà mênh mông, đặt ra Tổng bộ và phân khu. Tổng bộ ở thị trấn, các phân khu và đất đai chung quanh Tổng bộ, có nơi hàng ngàn mẫu, có nơi gần một vạn mẫu. Có tất cả bao nhiêu đất đai và tội nhân cần phải cải tạo đổi mới, kỳ thực không ai thật sự biết rõ. Có người nói, ở đây có tất cả hơn một vạn tám ngàn bảy trăm người cải tạo. Lại có người bảo, có cả thẩy hơn hai vạn ba ngàn ba trăm người, Trong khoảng hai vạn phạm nhân cải tạo này, có chín mươi phần trăm là giáo sư, học giả, nhà giáo, nhà văn và trí thức trong các ngành các giới, còn có khoảng mười phần trăm là cán bộ và quan chức cao cấp nhà nước. Riêng khu chín trăm mười chín chúng tôi, có tất cả một trăm hai mươi bảy người, chín mươi nhăm phần trăm đều là trí thức.
Khu chín trăm mười chín ở cách Tổng bộ xa nhất, hẻo lánh nhất, sát ven bờ Hoàng Hà nhất. Bởi vì sát bờ sông Hoàng Hà nhất, khỏi cần lo có người bỏ trốn. Đạp lên bãi hoang, bạn đi mười dặm, hai mươi dặm về bên trái, bên phải hay lên phía trước, ngoài phạm nhân của khu khác, bạn khó gặp một người và thú hoang. Cuối cùng bạn đi thêm mười dặm, hai mươi dặm, đồng hoang và cây tạp qua đi, trông thấy đồng ruộng và hoa màu, cứ tưởng có người, có thôn bản, nhưng bạn nhìn thấy vẫn là một khu dục tân khác cùng đám phạm nhân cuốc ruộng trồng lúa. Bọn họ là phạm nhân như bạn, cần phải cải tạo đổi mới.
Qui chế cải tạo là một phạm nhân tố giác một phạm nhân khác có ý định bỏ trốn sẽ được thưởng về thăm gia đình một tháng. Bắt được một kẻ đang chạy trốn sẽ được thưởng về thăm nhà ba tháng. Bắt được ba kẻ chạy trốn, bạn có thể được thả tự do về đơn vị công tác cũ và thành phố bạn ở trước kia. Trong khu dục tân, mỗi người đều mong chờ tố giác người khác, mong chờ bắt kẻ chạy trốn để lập công. Đương nhiên kẻ chạy trốn có thể đi về hướng bắc, vượt qua sông Hoàng Hà đến các thôn trang mạn bắc sông Hoàng Hà. Nhưng Hoàng Hà bên ấy từ Cam Túc đi qua Thiểm Tây, sau khi đến miền trung Hà Nam, nước lũ mùa mưa dâng cao gầm rú, luồng bùn cát trôi hỗn độn, xưa nay không ai dám cả gan lội nước đi qua. Đến mùa đông, mặt sông ven bờ đóng băng, người có thể bước đi trên băng, nhưng trong lòng sông rộng mấy chục trượng, vẫn là dòng chảy xiết không có băng, nước lạnh thấu xương, không ai có cách đi qua được.
Hoàng Hà là vật chắn thiên nhiên của khu dục tân, giống như một đường biên giới, ai qua tất phải chết. Khu chín trăm mười chín chúng tôi nằm trong vòng sông vây người kẹp. Có người đã từng bỏ chạy, nhưng anh ta lại bị phạm nhân khác bắt đưa về. Nếu ở đây anh ta tăng tội một nấc, thì người ta đã cải tạo thành người mới về quê thăm gia đình. Có kẻ nhận định, cuối thu đầu đông, sông Hoàng Hà nước cạn, định lội sông qua. Kết quả bơi chưa được bao xa, đã bị chết đuối giữa dòng, xác trôi dạt vào bãi cát dưới hạ du hai mươi mấy dặm.
Cũng có người quả nhiên bỏ trốn thành công, nhưng về đến nhà, vợ con vì sợ hãi hoặc giác ngộ, lại đưa chồng trở lại khu dục tân. Cuối cùng người đó bị giải từ khu dục tân vào nhà tù. Vợ người đó về từ giáo viên thường lên chức hiệu trưởng, từ trưởng khoa lập công lên chức trưởng phòng.
Từ đó trở đi không còn ai muốn bỏ trốn.
Huống hồ, đời sống ở đây đúng là sướng hơn nhiều đời sống của phạm nhân trong nhà tù. Được ăn no, mặc ấm, không khí trong lành tươi mới như đào, như lê tháng sáu tháng bảy từ trên cây vừa hái về. Càng huống hồ, nhiều người sống ở đây mùa đông sưởi nắng, mùa hè hóng gió mát. Một năm bốn mùa chỉ làm việc lúc mùa màng bận mải, khi nông nhàn thì như đi nghỉ mát. Chẳng hạn như tôi, ở đây không chỉ có thể đi dạo, hít thở, tán chuyện, đánh bài, nằm ngủ, đồng thời tôi còn có thể viết truyện. Nếu không phải người nào cũng phải nói sản lượng mẫu không thể đạt đến 600 cân, thì gần như mỗi người đều còn có thể xem sách mình muốn xem, nghĩ những chuyện riêng tư mình muốn nghĩ.
Nhưng, mọi người đều mắc tội sai phạm. Tội sai phạm đó là ai cũng bảo sản lượng mẫu không thể đạt 600 cân.Vậy thì sự việc sẽ khác đi, đã thai nghén sự thay đổi, cát biến thành đá, gió hiu hiu chuyển thành mưa bão.
3. “TỘI NHÂN LỤC”
Trong bình lặng buổi chiều ngày 26 tháng 12, đầy rẫy các cuộc tranh nổi đấu chìm giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Nhìn bề ngoài mọi người đang lao động cải tạo, đồng thuận với trào lưu, xuôi theo dòng thác. Nhưng dưới cái bình lặng bề nổi, giai cấp tư sản đang ngấm ngầm rủa sả và đánh lén giai cấp vô sản. Ví dụ nghệ sĩ pi-a-nô trẻ đẹp, tôi phát hiện khi chị ta ra đồng đã đút vào trong túi quyển “Trà hoa nữ ”. Đây là cuốn tiểu thuyết phản động nhất của nước Pháp tư bản chủ nghĩa, ca tụng một con đĩ. Nữ nghệ sĩ không những không tự giác nộp lên trên cuốn truyện phản động này, mà còn dám đem nó ra đồng, lúc mọi người lao động nghỉ giải lao, chị ta nấp một chỗ lén lút xem cuốn sách phản động. Chị ta đọc chăm chú, nước mắt rưng rưng, hơn nữa ánh mắt cứ đăm đắm nhìn như dán mắt vào bức tranh đi kèm vẽ minh hoạ con đĩ Magelite phấn son lòe loẹt, hàng mấy chục giây không chịụ dời. Từ việc này có thể thấy tư tưởng của nữ nghệ sĩ hủ bại và dơ bẩn biết chừng nào. Để quyến rũ đàn ông, con đĩ Magelite bao giờ cũng cài trên người một bông hoa trà đỏ. Trên người cô ta lúc nào cũng toả mùi kem hoa tuyết như hoa trà. Mái tóc của cô ta bao giờ cũng xoắn tít buông xoã như thác nước, còn mái tóc của nữ nghệ sĩ ngày nào cũng rủ chấm vai, y hệt dòng thác. Việc này chứng tỏ cái gì nhỉ?
Tôi đề nghị, cấp trên phải đặc biệt chú ý hành vi và biểu hiện của giai cấp tư sản thối nát này của nữ nghệ sĩ. Con đê ngàn dặm, vỡ bởi tổ mối. Tôi tuyệt đối không thể để người đàn bà sành điệu đặc sệt của giai cấp tư sản, gậm nhấm dần và thay đổi khu dục tân của chúng ta.
4. “LỐI CŨ ”
Cấp trên yêu cầu tôi viết một cuốn “Tội nhân lục”, có nghĩa là đòi hỏi tôi ghi chép lại toàn bộ lời nói hành động của đồng đội trong khu chín mươi chín mà họ không nhìn thấy, không nghe thấy với điều kiện là tôi sẽ rất nhanh chóng thành người mới, được về nhà. Tôi sẽ viết lại những điều tai nghe mắt thấy, có những đoạn tôi cất trong ngăn kéo của mình, có những đoạn tôi nộp lên trên. Những đoạn nộp đi là công tích và sự trung thành của tôi trong đổi mới, những đoạn để lại là những ghi chép và tư liệu sống để sau khi tôi cải tạo xong sẽ viết một bộ tiểu thuyết. Tôi không biết cái nào quan trọng hơn đối với tôi, giống như không biết mạng sống của một nhà văn và mạng sống của tác phẩm nhà văn viết, cái nào quan trọng hơn cái nào. Thế nào tôi cũng có thể viết, có thể lấy danh nghĩa viết một cuốn tiểu thuyết cách mạng để viết cuốn “Tội nhân lục”chuẩn bị nộp lên trên trước mặt tất cả phạm nhân trong khi họ không có chút bút mực, cũng có thể trước mặt cấp trên, với danh nghĩa viết cuốn “Tội Nhân lục”để tôi ghi chép tư liệu sống và suy nghĩ cho cuốn tiểu thuyết tương lai của mình. Tôi là người tín nhiệm nhất của Con Trời của khu chín trăm mười chín. Con Trời tín nhiệm tôi như tin vào tai mắt và ngón tay của Ngài.
Đã bắt đầu gieo giống.
Không còn ai mè nheo chuyện sản lượng mẫu không đạt được 600 cân. Không còn ai há cái mồm hôi thối của kẻ trí thức nói như đánh rắm tum tủm, nào là hư báo, thổi phồng, phản khoa học. Mọi người bảo:
- Khoa học là một bọng nước dải, là cứt dẫm lên bẩn nhoe nhoét, tốt nhất là vùi xuống ruộng.
Đất được chia cho các trung đội, bình quân mỗi người bảy mẫu. Mỗi trung đội đều có hơn hai trăm mẫu đất hỗn hợp bùn cát và đất sét. Khoảnh nhỏ có mấy mẫu, khoảnh to mấy chục, cho đến hàng trăm mẫu. Giữa đất với đất là những ao, chuôm, hồ do ở thấp đọng nước mà thành và bãi chua mặn bỏ hoang khô cứng trắng xoá. Ruộng đất kẹp giữa những ao hồ hoang dã này. Mười dặm hai mươi dặm không có một bóng người. Để gấp rút gieo cấy trong một tuần xong toàn bộ ruộng đất, bốn trung đội của khu chín mươi chín, cứ bảy tám người một nhóm bám giữ máy gieo hạt, còn lại đều kéo dây chão ở hai bên. Trước kia sản lượng mẫu 200 cân, hạt giống mỗi mẫu nửa bao khoảng 40 cân. Bây giờ đòi hỏi mỗi mẫu 600 cân, hạt giống phải gieo dầy, mỗi mẫu là một bao giống 150 cân. Trên bình nguyên hoang dã, sang mùa vụ này, nóng bức đã qua đi, giá lạnh vẫn chưa đến. Trong thu, gió mang theo mùi chua mặn và bùn đất từ bên kia sông Hoàng Hà thổi sang bên này, đầu và mặt người mát mẻ, nhưng thân kéo chão máy gieo hạt, nên bức toát mồ hôi, y như tắm chưa lau khô đã vội mặc quần áo.
Trung đội một của chúng tôi ở phía nam khu những mấy dặm, đi qua đất trũng chua mặn trong vòng ba dặm, một cánh đồng hình tam giác năm mươi mấy mẫu đất phủ lên vùng hoang dã. Ruộng đất đã cày xới, đất mới màu đỏ vàng rực rỡ. Ở nơi chung quanh đều là đồng chua cát mặn xám xịt, mọi người hì hục kéo chão gieo giống, cứ từng bước từng bước từ đầu này ruộng đến đầu kia, rồi lại từ đầu kia ruộng quặt lại đầu này. Cứ thế đi qua đi lại, liên tục không dừng nghỉ, đang đi đang động, song lại như không đi không động, chẳng khác nào bầy chim đang bay, song như ngưng đọng dưới bầu trời mênh mông tít tắp không bờ bến. Tôi là kẻ giữ máy rung gieo hạt, mà nông dân gọi là thợ lái máy gieo.Việc ấy không khó hơn viết tiểu thuyết, dúi một hàng bốn răng máy ăn sâu trong đất hai tấc, để trục moay-ơ ngẩng lên ba mươi độ, nhờ vào sức kéo máy gieo hạt của mọi người, lắc đồng đều cán máy làm cho hạt mạch men theo lỗ máy rơi vào bốn răng máy cắm xuống đất. Máy đi qua, hạt giống được gieo vào đất. Tôi chỉ học hai lượt đi về là biết gieo hạt, học bốn lần là thành thạo. Nhìn người kéo chão trước mặt, tôi cứ ngỡ nhìn con lừa bịt mắt kéo cối đá.
Người đánh lừa hỏi:
- Đều mệt cả rồi chứ?
Họ đáp:
-Mệt rồi, năm mươi cân giống có thể sản xuất 200 cân, 150 cân không có thể đạt sản lượng 600 cân một mẫu hay sao!
Người đánh lừa bảo:
- Khát nước thì ra đầu bờ mà uống.
Họ nói: - Sách thu hết rồi, tối nào bọn mình cũng chơi tú-lơ-khơ.
Người đánh xe lừa nói:
- Con Trời là người tốt, không đốt hết sách.
Họ kể:
-Nghe đâu, nghe đâu mấy hôm trước khu dục tân bên kia có một giáo sư bỏ trốn bị người ta bắt về, cởi quần chụp lên đầu, bảo ông ta đội quần đếm sao trời qua ống quần.
Gieo giống từ lúc mặt trời đứng bóng cho đến khi nắng xiên khoai, ai nấy mệt bã người, khô quắt lại như mảnh vải mềm hoặc như cây cỏ qua đông, thế là ngồi bệt giữa ruộng nghỉ, tháo giầy ra, hất đất trong giầy đi, lại từ trong đất ấy hất con sâu chui vào trong giầy bị dẫm nát bét. Tôi đi xem vai người kéo bị chão cọ phồng rộp máu, rộp nước, tôi lấy gai nhọn chọc vỡ, nặn hết máu và nước, khiến người bị chọc cứ kêu oai oái giữa đất trời.
Người thanh niên chủ động tranh đi tìm sách cho Con Trời vốn là nhân viên thực nghiệm của Phòng thực nghiệm của một trường đại học. Sau khi giáo sư hướng dẫn của cậu bị quy là đối tượng cải tạo, ông nói ta cao tuổi rồi không thể đến khu dục tân, thầy trò một phận, con đi thay cho thầy được không. Cậu nuốt nước mắt lên gặp nhà trường. Trên hỏi, em quyết định đi thay thầy giáo thật sao? Cậu gật gật đầu, nói thầy trò một phận, bố con một phận, em không có cách nào khác báo đáp thầy giáo hướng dẫn em. Sau đó cậu đến khu dục tân chín mươi chín và về trung đội chúng tôi. Khi nghỉ giải lao, cậu ra sau một bụi cây gai bờ ruộng tiểu tiện. Bụi cây gai cách ruộng bên này xa, cậu phải đi một đoạn mới đến bên bụi gai. Nhưng vừa đến đấy, cậu liền đứng sững.
Đột nhiên cậu nấp vào một bụi gai khác.
Lại đột nhiên từ đó cậu chạy về, cậu chạy trong ruộng như một con hươu nhảy giữa cánh đồng. Cậu thở hổn hà hổn hển kéo tay tôi, lại chạy hơn 800 mét đến bụi gai đó. Tôi hỏi- Chuyện gì vậy?
- Có kịch xem hay lắm.
Mặt cậu đỏ tưng bừng như ánh mặt trời sắp lặn. Để chạy nhanh hơn, cậu đã bỏ giầy ra cầm trong tay như cầm hai cái mô hình thuyền. Bởi vì cậu ngã nên một chiếc văng đi, cậu liền vứt luôn cái cầm trong tay trên ruộng, lao người lên phía trước như ném chiếc giầy đi.
Những người gieo hạt không biết đã xảy ra chuyện gì, đều chạy theo cậu, đuổi cậu như đuổi bắt kẻ trộm. Trong khi chạy, cậu đột nhiên đứng lại, hình như chợt nghĩ đến việc gi, cậu nhìn tôi hỏi:
- Tố giác một lần được thưởng về nhà một tháng phải không?
Tôi gật đầu hỏi:
- Có kẻ chạy trốn phải không?
Cậu ta cười:
- Còn nặng hơn chạy trốn.
Sau đó cậu quay đầu thanh minh với mọi người.
- Này, chuyện hôm nay em phát hiện ra, em tố giác đấy nhé! Mọi người không được ai tranh phần với em.
Tuyên bố xong, cậu đưa tay ra hiệu, sau khi ai nấy yên tĩnh, cậu rón ra rón rén bước lên. Trời đã cuối hè đầu thu, cây du và cây hoè hoang dã có gai cùng những cây gai dại khác mọc chung quanh cây du dại và cây hoè gai, cứ từng khóm từng vồng, như những đám khói nhấp nhô giăng trên mặt đất, vốn màu đen nhưng vì héo rụng theo mùa, nên trong màu xanh đen dầy, có lá cây gai bắt đầu rụng, bụi gai rậm rạp đã thưa thoáng đi nhiều. Trong mùi sực nức của bãi hoang xanh lục, có mùi héo vàng rơi rụng mùa thu. Tán bụi cây gai cao ngang đầu một hai người, giống như đám người họp đứng chen chúc tại chỗ. Mọi người đều bước theo chân cậu nhân viên thực nghiệm, cậu nhanh, mọi người cũng nhanh, cậu chậm mọi người cũng chậm. Khi đến trước tán bụi gai kia, cậu từ từ dừng lại, giơ chân ra hiệu cho mọi người đều tụt giầy như mình. Ai nấy đều tháo giầy, cầm trong tay theo cậu, đi chân đất đến gần bụi gai.
Đã đến sát.
Người nào cũng lom khom chui từ bụi gai này đến bụi gai kia rộng bằng mấy gian nhà. Nhưng cuối cùng không thấy gì hết, chỉ có cỏ dại giữa các bụi gai bị người đè dẫm nát từng mảng.Còn có cả cỏ dại bị nhổ lên dải thành chiếu nằm bị thân người đè thành lốt. Còn lại là mùi hăng hắc của cây cỏ để lại giữa các khóm gai dại. Cậu nhân viên thực nghiệm đứng trước đệm cỏ, mặt tưng hửng và đầy vẻ nuối tiếc như người mất sổ gạo. Cậu đá vào tán cỏ chửi đổng:
- Mẹ kiếp!
Tất cả giáo sư, thầy giáo và trí thức các kiểu các loại khác cũng chửi theo cậu:
- Mẹ kiếp!
Ai cũng nhìn ra xa xa, chỉ thấy hai chiếc máy gieo hạt của trung đội hai và ba cùng đám người cải tạo đang gieo hạt trong nắng chiều tà, như hai đàn lừa hoặc bò quanh đi quẩn lại.
5. “LỐI CŨ ”
Cho đến lúc trời tối, nhân viên thực nghiệm vẫn còn thẫn thờ hối tiếc bởi không bắt được quả tang phạm nhân thông dâm đáng bắt trong bụi gai. Nét mặt cậu cứ xị ra như cái thớt. Mãi về sau cậu vẫn nhăn nhó, cúi đầu, hùng hục kéo dây chão máy gieo hạt về phía trước, khiến chiếc máy cứ lồng lên chỉ chực nhảy khỏi ruộng.
Hôm sau, khi vẫn gieo hạt tại đó, chốc chốc cậu lại chạy đến bụi gai đi tiểu. Đến trước bụi gai, cậu lại rón ra rón rén, cẩn thận, nhút nhát nhìn sâu vào trong, hy vọng có thể tóm được màn kịch hôm qua nhìn thấy.
Nhưng thường là cậu ta hớn hở hào hứng khi đi, song lại buồn thỉu buồn thiu khi về.
Một giáo sư đứng tuổi hỏi cậu:
- Rút cuộc cậu đã nhìn thấy gì?
Cậu im lặng.
Vị giáo sư đứng tuổi sốt ruột nói:
- Cậu tưởng ta không biết hay sao? Chẳng phải đã có kẻ thông dâm trong đó.
Cậu nhân viên thực nghiệm trợn mắt:
- Nhưng em là người phát hiện đầu tiên.
- Cậu phát hiện ở đâu? Bắt thông dâm phải bắt quả tang, trai trên gái dưới, cậu có chứng cớ tố giác không?
Vị giáo sư đứng tuổi cười gằn- Cậu phát hiện có kẻ thông dâm trong bụi gai, người bên cạnh cũng có thể phát hiện thông dâm trong bụi gai khác.
Vừa nói,vị giáo sư vừa đi về những khóm gai phía đông, Ông đi đàng hoàng chững chạc, tự nhiên thoải mái, đi mấy bước, ông còn ngoái lại bảo:
– Ta phải phát hiện tố giác, tết năm nay ta có thể về nhà đón xuân.
Bỗng nhiên, người ta tản ra, đi đến những bụi gai chung quanh. Bỗng nhiên bỏ lại máy gieo hạt và bao hạt giống cho tôi, không còn ai kéo máy gieo giống nữa. Tất cả đều đi đến các bụi gai, khu đất trũng, mương rãnh ở một hướng nào đó. Trông dáng như giải tán đi đại tiện, tiểu tiện, kỳ thực đều là đi bắt kẻ thông dâm, hy vọng chỗ mình đến đang có một cặp trai gái cải tạo cởi quần áo nằm trên bãi cỏ, hoặc nấp tránh mọi người, ôm nhau trong bụi hoang. Lúc này, ông giáo sư đã đến kịp thời, đứng sững trước một đôi trai gái, ông ngạc nhiên quát to:
- Trời ạ, chúng ta đến đây để cải tạo, mà các người lại dám trộm gà mò chó, trai ăn cắp gái làm đĩ thế này sao!
Sau đó ông lệnh cho đôi nam nữ mặc quần áo tử tế, đi theo ông. Ông dẫn đôi trai gái sợ tái mét mặt, toàn thân run lẩy bẩy về nộp cho Con Trời.
Ông đã lập công trước mặt Con Trời.
Trước tết xuân mấy ngày, ông có thể được thưởng về nhà ăn tết, đoàn tụ với vợ con.
Cứ thế người ta tản ra, đi đến bụi gai này, quay sang chỗ trũng kia, lại đến chung quanh ruộng ba trung đội khác gieo hạt tìm kiếm. Mà đã đi là đi suốt cả buổi, đến khi mặt trời đứng bóng, mọi người lại lục tục từ bốn phương tám hướng trở về. Sau khi gặp nhau, không ai hỏi ai rốt cuộc đã nhìn thấy gì, đã phát hiện gì. Mặt người nào cũng nở nụ cười tê tái, ngượng ngập và thất vọng.
Một vị giáo sư không có chuyện gì cũng kiếm chuyện để hỏi:
- Đại tiện xong rồi chứ?
Một giáo sư khác cười:
- Mình lâm râm đau bụng.
Một người nữa nói với đám đông:
- Hôm nay uống hơi bị nhiều nước, cứ buồn đi tiểu tiện.
Mọi người lại bắt đầu im lặng kéo chão gieo giống, không còn trêu đùa và lười nhác, không còn ngó ngó nghiêng nghiêng lơ đễnh nữa.
Cứ thế đến ngày thứ sáu, cuối cùng không còn bắt được đôi thông dâm nào nữa. Nhưng hơn hai trăm mẫu ruộng chia cho chúng tôi phải trồng tiểu mạch đã sắp gieo xong nhanh hơn so với trung đội khác. Xong việc, nhưng người nào cũng mệt ra bã, nằm lăn ra đất. Về đến nhà là ngã vật lên giường. Tôi cũng thế. Bởi lái máy gieo hạt cứ lắc lên lắc xuống liên tục, rung đều xuống đều, hai cánh tay tôi tê dại thành hai thanh củi không thuộc về mình. Tôi véo vào thịt cánh tay như véo vào hai đoạn chân lợn tay chó không có tri giác. Giữa lúc đang đêm ngủ say như chết, thì cậu nhân viên thực nghiệm lay tôi dậy, ghé vào tai giục rối rít.
- Nhanh lên, em phát hiện trung đội bốn có năm cô không về ngủ.
Tôi ngớ người ngồi dậy, nhờ ánh trăng lọt vào cửa sổ, tôi xỏ giầy, kéo cậu ấy ra bên ngoài, đứng trong bóng cây trước cửa, nghe cậu ấy nói, lần nào trong bữa cơm, khi mọi phạm nhân đều từ ruộng về nhà ăn, cậu ấy liền quan sát trai nào gái nào ngồi ăn với nhau, hai bên thân thiết đến mức vượt quá người thường. Cậu ấy nói, ít nhất cậu đã nắm chắc mười đôi trai gái bữa nào không ngồi chung bàn, cũng ngồi xổm, còn trông thấy nam gắp thức ăn cho nữ, nữ bỏ vào bát nam màn thầu ăn không hết, hoặc tiếc không ăn. Cậu ấy nói để chứng thực quan hệ của mười đôi phạm nhân nam nữ thân thiết không bình thường, tối nay, sau khi ăn vội ăn vàng cơm tối, cậu nấp ở góc tường trước nhà tập thể nữ, quan sát xem cô nào không về nhà tập thể, hoặc có về nhà tập thể, nhưng lại đi ra.
- Cả thẩy có năm người.
Cậu ấy khẽ bảo tôi.
- Bây giờ đã nửa đêm, tất cả hai mươi bảy phạm nhân nữ, nhưng chỉ có hai mươi hai ở trong nhà,Đêm đã khuya, tối om om như một giếng nước cạn. Ánh trăng trên đỉnh đầu trắng lạnh như đóng băng trên trời. Từ trong nhà tiếng ngáy vọng ra mệt mỏi, nhão nhoét như tương đổ trên đường đất ngày mưa. Tôi nhìn mặt cậu nhân viên thực nghiệm trong đêm, như nhìn bức tranh hình bóng lờ mờ vì chưa vẽ xong.
- Tại sao cậu không ra ngoài bắt?
- Đang nửa đêm, một mình em bắt được họ, họ lại cãi phắt, không nhận thông dâm, mà vu cho em hãm hại thì sao. Anh cũng đi, anh sẽ làm chứng.
Tôi suy nghĩ:
- Vậy sau khi chúng ta tố giác, thì coi là của ai?
- Em nghĩ cả rồi.
Cậu nói.
- Bắt được một đôi coi là công của hai người, bắt hai đôi, anh và em mỗi người một nửa, bắt được ba đôi, công của chúng ta bốn sáu, anh bốn phần, em sáu phần, xét đến cùng không ai bỏ công sức bằng em.
Cậu ấy công bằng, tôi hết do dự, chợt nghĩ liền cùng cậu ấy đi ra ngoài khu doanh trại. Đi qua cổng, thấy trong nhà ngủ của Con Trời vẫn sáng ánh đèn. Trong nhà có tiếng xoèn xoẹt như kéo cưa gỗ, hình như Con Trời đang làm gì trong nhà. Đương nhiên, chúng tôi không làm Ngài giật mình, chúng tôi nhón cao ngón chân, nhẹ nhàng đi qua cửa và dưới cửa sổ của Ngài.
Dưới tường vây phía đông của khu doanh trại, hai chúng tôi đã nhìn thấy một đôi ngồi ở đó, rón rén bước đến, đột nhiên soi đèn vào, chúng tôi lại nhìn thấy hai phạm nhân trai khác của trung đội chúng tôi cũng đến đó rình bắt kẻ thông dâm. Chúng tôi đi về phía sau tường vây, lại nhìn thấy dưới tường có bóng người lay động, rê ánh đèn vào, lại nhìn thấy có một nam phạm nhân của trung đội ba phục trên bãi cỏ. Tôi hỏi làm gì thế? Anh ta đáp, nghe nói trong khu có gian tình, hy vọng mình bắt được có thể lập công. Ba người chúng tôi cùng đi sang một cánh rừng trước mặt. Người vẫn chưa đến bìa rừng, đã có bốn ánh đèn pin cùng đồng thời chiếu đến. Trong ánh sáng, cả bốn cùng nói một lúc:
- Tại sao lại là một đống nam phạm nhân.
Trong đêm ấy, khi trăng lặn sao thưa, ai cũng thấy lành lạnh, cảm thấy trời sắp sáng nên quay về. Mọi người đi về khu với hai bàn tay không, mới phát hiện có tất cả sáu mươi mấy phạm nhân nam đi lùng bắt kẻ gian, chiếm già một nửa quân số khu chín trăm mười chín, cao tuổi nhất là sáu mươi hai, nhỏ tuổi nhất là hai mươi mấy. Họ đi thành một hàng dọc dài dãi dài dài, y như một con rồng trườn trên bãi hoang đêm.
Tứ Thư Tứ Thư - Diêm Liên Khoa Tứ Thư