Chương 4: Câu Chuyện Xóm Thiềng Đức
Ông Lê Tấn Bền vốn dân xóm Thiềng Đức, làng Long Đức Đông, tỉnh Vĩnh Long. Ông được đắc cử Hội dồng Địa hạt khi ông được 40 tuổi. Vợ ông là bà Lý thị Xuyến thuộc loại chủ phụ đảm đương hiền thục. Hai cô em kế của ông là cô Ba Túy Khuê, cô Tư Túy Châu đều lấy chồng hơi xa, nhưng thuộc con nhà giàu. Cô Ba Túy Khuê lấy chồng ở Hòa Mỹ, thuộc vùng phụ cận, cách tỉnh Vĩnh Long 8 cây số. Cô Tư Túy Châu lấy chồng ở Chợ Lách, cách tỉnh Vĩnh Long 15 cây số. Chỉ có cô Út Túy Ngọc lấy chồng ở xóm Cái Sơn Bé, gần Đình Khao, cách cầu Thiềng Đức 2 cây số. Chồng cô là ông Cai Tổng Trương Minh Khôn lớn hơn cô 10 tuổi, nhưng nhờ tập khí công và dượt võ Bình Định rất siêng chăm nên thể chất ông vẫn phì mỹ và cường tráng lắm.
Ông Hội Đồng Bền có người anh con nhà bác tên là Lê Tấn Vững có hai đời vợ. Người vợ trước tên Ngô thị Kiết Tường sanh cho ông một cô con gái tên Tuyết Nga. Khi bé Tuyết Nga lên 2 tuổi thì cô Bảy Kiết Tường qua đời. Nguyên cô Bảy vốn có hai người bạn thân là cô Năm Tố Mai và cô Út Túy Ngọc. Cô Năm vốn là chồn tinh tu trên núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn) biến hóa được thành người. Vận sự nầy, cô Bảy và cô Út đều biết, nhưng vì cả ba đã theo gương Đào Viên kết nghĩa nên cô Bảy và cô Út giấu cái bổn thể huyền bí của cô Năm. Cô Năm dạy cả hai phép chồn nên cô Bảy Kiết Tường vốn có nhan sắc hơi dưới trung bình mà vẫn được cậu Lê Tấn Vững đẹp trai, con ông Tri Huyện danh dự (tức là Huyện hàm) Lê Tấn Tới cưới làm vợ, lại được chồng rất mực cưng yêu. Còn cô Út Túy Ngọc cũng không đẹp, nhưng có duyên mặn mòi, chẳng những được anh chồng đường đường một đấng anh hào say mê mà còn được họ hàng và lối xóm cảm tình chan chứa.
Trong khi nằm trên giưòng chờ chết, cô Bảy Kiết Tường ngõ ý cô Năm Tố Mai làm kế thất cho chồng mình để nuôi dạy Tuyết Nga. Cô Năm Tố Mai đắn đo:
- Em ơi, chị là chồn tinh. Chồng em vốn nhuợc chất. Hắn mà giao hiệp với chị chừng vài năm là nối gót theo em về xóm ma làng quỉ. Chi bằng cả hai cứ làm vợ chồng ăn nằm thiệt sự được bao lâu hay bấy lâu; sau đó, mạnh ai nấy sống cuộc đời riêng của mình, tuy ở chung một nhà đi nữa. Có vậy chị mới có thể nuôi con Tuyết Nga tới khi gả nó lấy chồng.
Ông Lê Tấn Vững khóc, bảo vợ:
- Anh chỉ yêu thương có một mình em mà thôi. Em chết, đời anh cũng theo em mà xuống mồ.
Vậy là Lê Tấn Vững đành chắp nối với cô Năm Tố Mai. Tuy họ không yêu nhau, nhưng vẫn kính nể nhau, vẫn ăn nằm lai rai, vẫn chung chăm sóc dưỡng nuôi Tuyết Nga. Lê Tấn Vững luôn đau yếu. Cô Năm Tố Mai chăm lo việc cơm cháo thuốc thang cho chồng. Lê Tấn Vững ái ngại:
- Tội cho em.! Em lấy nhằm kẻ bịnh hoạn yếu đuối như anh cũng chẳng hưởng được hạnh phước bao nhiêu.
Dĩ nhiên, sau lưng Lê Tấn Vững, cô Năm ngoại tình lung tung, nhưng vẫn không quên săn sóc an ủi chồng. Trong số tình nhân của cô có tên tào cáo Jean Michel Dupont, nhỏ hơn Lê Tấn Vĩnh 16 tuổi và lớn hơn Tuyết Nga 8 tuổi. Hắn bảnh trai, cường tráng, giỏi chuyện gối chăn. Chẳng biết Lê Tấn Vững có hay biết việc ngoại tình của cô Năm Tố Mai hay không? Nhưng ông vẫn tỏ vẻ tri ân cô ta, ái ngại cho cô ta lấy nhằm thứ chồng yếu đuối như ông.
Trước khi chết, ông lập chúc ngôn để hết gia tài cho cô Năm Tố Mai. Cô coi Tuyết Nga như con ruột, luôn o bế săn sóc cô gái và hy vọng mai sau nếu không trở thành một mỹ nhơn thì Tuyết Nga cũng phải vượt mọi cô khác trong tỉnh về nét duyên dáng và sức quyến rũ.
Khi độc giả bước vào truyện nầy thì ông Hội Đồng Bền đã 48 tuổi, bà vợ 47 tuổi. Còn bà Út Túy Ngọc được 42 tuổi. Còn bà Năm Tố Mai đã thất lộc hồi 4 năm trước. Tuyết Nga bây giờ đã 26 tuổi, kết hôn với tên tào cáo Jean Michel Dupont, người tình của kế mẫu mình. Nguyên cô Hai Tuyết Nga có cái tật thích nói tục, nói trây, hay cười cợt giỡn hớt với trai tráng trong tỉnh, dù không trắc nết, cũng mang tiếng xảnh xẹ lẳng lơ. Trai tráng dù mê say cô ta như lậm bùa, nhưng cha mẹ họ không chịu cầm trầu cầm cau đi cưới cô ta cho con trai họ. Hễ bà Út Túy Ngọc phàn nàn về hạnh kiểm cô Hai Tuyết Nga là bà Năm Tố Liên gạt qua một bên:
- Tánh nết nó như vậy, dẫu có bị cạo đầu khô tô dầu con ráy, nó cũng chẳng chừa đâu. Cứ để nó sống tự nhiên. Nó ưa đong đưa với trai, nhưng chưa hề ô danh xủ tiết. Rồi đây, nó sẽ gặp giai ngẫu cho em coi.
Giai ngẫu đến với cô Hai Tuyết Nga là tên tào cáo đẹp trai. Tào cáo tức là Tây đoan chuyên đi khám xét và bắt phạt những kẻ nấu rượu lậu trong lãnh thổ tỉnh lỵ. Mỗi lần đi vào miệt thôn quê để khám xét rượu, hắn đi bằng xe hơi và có hai tên lính cận vệ theo hầu.
Ông bà Hội Đồng Bền có một trai tên Lê Tấn Vinh, năm nay 22 tuổi và một gái tên Lê thị Diệm Quang, năm nay 19 tuổi.
Bà Út Túy Ngọc rất cưng ba đúa cháu, nhưng có lẽ rất tương đắc với cô Hai Tuyết Nga hơn; trong tình cô cháu còn hàm chứa tình bạn. Bà chưa biết phải dạy cháu gái ruột của mình phép gì trong 9 phép chồn vì cô Ba Diệm Quang đẹp lắm, đẹp lộng lẫy như một đóa mẫu đơn. Một đêm nọ, bà nằm chiêm bao thấy bà Bảy Kiết Tường cho biết:
- Nè Út, chị cho em biết chị Năm Tố Mai không chết đâu. Khi con gái của chị trưởng thành thì chị Năm muốn về núi Két (Anh Võ Sơn) để tu tiên, nhưng chỉ giả chết để khỏi có ai đòi lên núi thăm viếng chỉ. Còn vợ chồng chị tuy có chết, nhưng được làm thần cai quản 5 nhánh Tiền Giang. Mới đây, chị Năm ra cửa Hàm Luông cứu cặp cá nược nên gặp chị, nhờ chị nhắn với em rằng đừng huấn luyên con Ba Diệm Quang ngón nghề gì hết. Nó có sao thì mình để vậy. Như vậy nó mới có cái duyên thâm trầm sâu sắc.
Vía bà Út Túy Ngọc mới hỏi:
- Trong ba đứa cháu của em, đứa nào em cũng yêu thương như nhau, nhưng em tương đắc với con Hai Tuyết Nga hơn. Nay, con Nga đã yên phận với thằng chồng Phiên tặc Phú-lang-sa rồi. Còn bạn đời của con Ba Diệm Quang là ai?
Hồn bà Năm Kiết Tường bảo:
- Nào ai xa lạ. Thằng đó là con ghẻ của cô Tư Túy Châu chớ ai trồng khoai đất nầy?
Bà Út Túy Ngọc kêu lên:
- Thằng đó là con cô, lấy con cậu là con Ba Diệm Quang thì coi sao được? Vả lại con Ba có nhan sắc như tiên nga mà lấy thằng chồng mặt rổ như té thùng đinh thì uổng công nó tô lục chuốc hồng tự bấy lâu nay.
Hồn bà Bảy Kiết Tường bảo:
- Duyên trời mà em. Trốn sao cho khỏi? Để rồi em sẽ rõ. Chị Năm có phép tiên lẫn phép chồn sẽ làm cho con Ba được sắc cầm hảo hiệp. Biết đâu, về sau con Ba mê chồng như lậm bùa vướng ngải.
Vía bà Út Túy Ngọc lại hỏi:
- Còn con vợ tương lai của thằng Hai Tấn Vinh là ai?
- Thì có ai đâu xa lạ, đó là con Năm Thể Tần, cháu chồng của cô Ba Túy Khuê đó em à.
- Trời đất ơi, thằng Hai đẹp trai mà lấy nhằm con vợ dẹp đép như con khô cá lẹp, ốm ròm như cây tre miểu, da dẻ thì xanh chành, tròng mắt thì vàng ngàu, môi tái thâm. Cưới con đó là cưới cái đại lý bịnh hoạn đem về nhà.
Hồn bà Bảy Kiết Tường bảo:
- Ay, duyên nghiệp mà em. Thiên cơ bất khả lậu, chị không tiện nói nhiều. Khi tỉnh giấc chiêm bao, bà Út Túy Ngọc thuật lại chuyện bà Năm Kiết
Tường hiện hồn báo mộng cho chồng nghe. Ông Hội Đồng Khôn bảo:
- Việc gì cũng do nghiệp lực đẩy đưa, nghiệp lực trói buộc. Hơi nào mà em quan tâm! Thằng Hai Thể Phụng là bực trượng phu, lòng dạ ngay thẳng, lại học giỏi. Nó đâu cần cái long dung phụng mạo. Vả lại, nó là con ghẻ chị Ba, đâu có chút huyết thống nào với con Ba. Ở đời, cha lấy cô, con lấy cháu gái của mẹ kế là thường. Cũng vậy, con Năm Thể Tần nết na, lại khéo léo. Nó lấy thằng Hai Thế Vinh thì cũng chỉ là trường hợp cháu ông mà lấy cháu bà vậy thôi. Biết đâu khi có chồng rồi, con Năm sẽ được máu huyết thay đổi, sẽ mập mạp xinh xắn hơn. Em nên nhớ con Năm có khuôn mặt với ngũ quan phân minh, đường nét trên mặt cực kỳ thanh tú.
o O o
Nói về cậu Lâm Thể Phụng vốn người can trường khí khái. Mặt mũi cậu khôi ngô, ngặt vì những vết rỗ làm cho mặt cậu xấu đi, con mắt bên trái lại đóng vảy cá. Nhưng cậu không buồn vì cậu nghĩ làm trai phải rèn đức dục và chí khí hào hùng cùng hai chữ công danh.
Năm 18 tuổi, Thể Phụng đậu Tú Tài Toàn Phần vào kỳ nhứt nên chàng đâm đơn học trường Báo chế thuốc (tức là Dược Khoa Đại Học) tại tỉnh Strasbourg, miền Đông Bắc nước Pháp. Trong khi đợi ngày lên đường, chàng ở chơi nhà ông Hội Đồng Khôn. Mỗi ngày, chàng đi câu hay đi dạo cánh đồng Cái Sơn Bé ăn thông qua dải ruộng xóm Cầu Kè.
Hôm nọ, khi câu trên con sông Long Hồ thì chàng gặp cơn mưa, liền vào cái miểu Văn Thánh tức là miểu thờ ngài chí sĩ Phan Thanh Giảng để đụt mưa. Sấm nổ ầm ầm, chớp lóe liên hồi, mưa tuôn xối xả. Bỗng một con chồn chạy vào miểu, núp sau chàng, có vẻ lăng xăng, hoảng hốt. Động lòng trắc ẩn, Lâm Thể Phụng đứng án ngữ để che chở cho nó. Khi mưa tạnh, chồn kiểng chân sau, chụm hai chân trưóc vái lạy chàng rồi bỏ đi.
Còn nửa tháng là tới ngày lên Sài Gòn để đáp tàu thủy đi Marseille, chàng lại trở về Chợ Lách để hủ hỉ với cha và dì ghẻ. Một hôm chàng chèo tam bản đi chơi miệt Mỹ An. Trời xế chiều. Cảm thấy bụng đói cồn cào, chàng toan về nhà thì thấy một người đờn bà đứng tuổi nhưng có dung nhan mặn mòi mời chàng ghé nhà mụ ta để dùng một chút cháo. Chàng nhận lời theo mụ. Đi quanh co theo con đường uốn éo ruột dê, chàng đến một ngôi nhà trần thiết theo bực trung lưu với mái ngói, tường gạch, cột gỗ căm-xe. Trong nhà đèn đốt sáng trưng. Mụ đàn bà mời chàng ngồi, rồi gọi:
- Diệm Quang đâu? Mau đem liễn cháo ra đây.
Một cô gái nhan sắc tuyệt đẹp mang liễn cháo cá giò heo ra. Cháo bốc mùi tanh đến lộn mửa. Lâm Thể Phụng còn đang ngần ngừ thì mụ dìm đầu chàng xuống liễn cháo, rối hất cháo vào mình chàng. Chàng hoảng hồn dụi mắt thì thấy nhà cửa biến mất, còn mình đứng bơ vơ trong cảnh đồng không mông quạnh. Khi về đến nhà, Lâm Thể Phụng chợt thấy cháo dính một lớp dầy cui lên mặt mình. Còn cháo hất vào quần áo chàng thì thấm vào da thịt chàng loang khắp thân thể chàng không còn một chỗ trống nhỏ như sợi tóc mảy lông. Chàng vào buồng tắm, dội nước và xoa xà bông lên khắp mình mẩy và đầu tóc mình. Lạ thay! Khi nước xối lên mình chàng, chất nhớt tanh tưởi của cháo bị cuốn đi, cuốn vảy cá trên mắt chàng, cuốn hết những vết rỗ, đem lại nước da mịn màng, hồng hào và xán lạn cho chàng.
Lâm Thể Phụng thuật lại chuyện quái dị vừa qua cho ông bà Bang Biện Lâm Thể Long, tức là tía và dì ghẻ chàng nghe. Cả nhà đều lấy làm lạ, nhưng đều mừng rỡ vì chàng trở nên đẹp trai quá chừng chừng! Hai ngày sau, Thể Phụng lên đường du học.
Bốn năm sau, Lâm Thể Phụng xách bằng cấp bào chế sư (tức là duợc sĩ) về nước. Bà Tư Túy Châu (kế mẫu chàng) sự có chỗ khác rinh mất thằng con ghẻ học giỏi của mình nên nằng nặc bắt chồng phải dắt Thể Phụng đi coi mắt cô Ba Diệm Quang. Khi bưng nước chào khách, cô Ba Diệm Quang sững sờ, rồi rút vào buồng. Thể Phụng cũng bàng hoàng nhìn cô, nghĩ thầm:
- Trời ơi, bốn năm về trước mình đã gặp cô gái nầy trong ngôi nhà ma. Cô ta đã bưng liễn cháo ra mời mình ăn. Không lẽ người giống người? Hay là hôm nay mình lại nằm chiêm bao? Lạ thiệt!
Cô Ba Diệm Quang khi vào buồng, nói với cô Năm Thể Tần, cô bạn thân của mình:
- Chị ôi! Vào một buổi chiều nọ, em đang ngồi thêu vụt ngủ quên. Trong chiêm bao, em thấy bác Hai Vững gái, kế mẫu của chị Hai Tuyết Nga rủ em tới căn nhà lạ, đèn đốt sáng trưng. Bác gái em biểu em đem cháo cho một anh chàng mặt rỗ giống anh chàng đang đi coi mắt em đó. Chàng ta chưa kịp ăn thì bác gái em dìm đầu chàng xuống liễn cháo và hất cháo lên thân thể chàng. Rồi hồn vía em chơi vơi đến ngôi nhà chàng. Em thấy chàng tắm rửa sạch sẽ, da dẻ tuy không trắng mịn như bột, nhưng cũng mơn mởn. Chàng đang thuật lại cho cô dương em nghe cái quái tượng trong căn nhà của bác gái ma em. Hai cảnh tượng đó dù đã trải qua 5 năm qua mà vẫn còn in rõ nét trong ký ức của em.
Đêm đó, cô Ba Diệm Quang nằm chiêm bao thấy bà Năm Tố Liên, hiện hồn về mách bảo:
- Cháu ôi, cậu Thể Phụng có cái ơn lớn đối với bác. Cậu ta cứu con cháu gái của bác khỏi bị Thiên Lôi nổi sấm sét đánh cháy thành than khi nó trốn trong Văn Thánh Miếu. Chính bác dùng nhớt cá ở dưới đáy biển Đông để chữa lành vết rỗ cho cậu ta và xui khiến cô Tư cháu dắc cậu ta đi coi mắt cháu đó.
Còn cô Năm Võ thị Thể Tàn nầy là con ông bà Hội Đồng Võ Tấn Vui. Em ông Hội Đồng Vui là ông Ba Võ Tấn Mừng, một nghiệp chủ kiêm điền chủ giàu có ở Hòa Mỹ. Ông Ba Mừng là chồng bà Ba Túy Khuê vì không có con gái nên cả hai coi cô Năm như trưởng nữ của mình. Họ tính làm mai cậu Hai Thế Vinh cho cô Năm, ngặt cô đau yếu hoài nên ba má cô hãy còn do dự.
Cô Năm Thể Tàn ưa làm van làm phước, lại sùng mộ đạo Phật nên thường tụng kinh Lương Hoàng Sám Pháp và Kinh Kim Quang Minh. Cô nghĩ rằng sở dĩ mình hay đau yếu như vậy chẳng qua là phải trả cái ác quả gì đó trong các thời tiền kiếp nên cô vẫn một mực làm van làm phước, một mặt tu tâmsửa tánh để được nhờ phước quả ở kiếp sau hoặc khi qua đời, cô sẽ thác sanh vào quốc độ tốt lành.
Một đêm nọ, cô nằm chiêm bao thấy một người đàn ông xấu xí, nhưng mặt mũi hiền lành, bảo:
- Ta là tướng Dạ Xoa theo hầu Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai đây.
Ta thấy cô em hiền lương và có đạo hạnh nên đến mách bảo cô em một chuyện: chỉ có khoa châm cứu của một vi hồ tiên, cô mới khỏe mạnh và xinh tốt để kết hôn với trang mỹ mạo nam tử mà thôi.
Ngày hôm sau, cô Năm Thể Tàn được con Nhạn là đứa tớ gái cô cho cô biết:
- Cô ơi, ngoài bến sông có bà ăn mày, bả nói rằng bả có khoa châm cứu, sẽ trị dứt bá bịnh cho ai có lòng thành kính với Trời Phật.
Sực nhớ tới điềm chiêm bao, cô cho mời mụ ăn mày lên nhà. Nói là ăn mày chớ mụ phục sức sạch sẽ, quần áo tuy bằng vải thô xấu nhuộm đen, nhưng thần thái mụ sáng hực hỡ, dung nhan mặn mòi. Mụ vừa dùng phép châm và dùng phép cứu cho cô Năm Thể Tần ba lần trong một ngày thôi. Sáng ngày hôm sau thì mụ biến đâu mất.
Từ đó, cô Năm hoàn toàn khương kiện về thể chất. Cô đẹp hẳn lên nên bà Ba Mừng (nhũ danh là Lê thị Túy Khuê) mới nhắn ông bà Hội Đồng Lê Tấn Bền đưa cậu trưởng nam của anh mình là Hai Tấn Vinh đến Hòa Mỹ coi mắt cô. Sau đó, cô trở thành hôn thê của cậu Hai.
o O o
Trước khi gả cô Ba Diệm Quang cho Hai Lâm Thể Phụng, ông bà Hội Đồng Bền suy nghĩ lung lắm. Chu choa ơi, cô con gái cưng của ông bà ngoài cái bóng sắc lộng lẫy, còn làm bếp rành rọt, thêu đan thiệt khéo, làm bánh vừa đẹp vừa ngon. Tài nữ công phụ xảo của cô từ phụ nữ trong vòng họ hàng đến phụ nữ khắp vùng lân cận chưa có ai vượt qua. Nhưng quỉ ơi, cô Ba Diệm Quang dở chịu đựng. Mỗi khi có ai chơi rắn mắc bỏ chuột hoặc thằn lằn, rắn mối vào túi áo cô thì cô ngã xỉu nằm dài như cây chuối con bị dao yếm đốn một nhát thiệt ngọt. Cô không dám cắt cổ gà. Cô không dám đập đầu cá lóc, móc họng cá trê. Hễ đứt tay chảy máu là cô xây xẩm chóng mặt. Hễ đau ốm một chút là cô rên hù hù, ra tuồng ai oán thống khổ lắm. Thiệt tình, cô vốn nhát gan và dở chịu đựng. Khổ đau làm cô rên rỉ đã đành, nhưng vui mừng cũng làm cô rên siết nữa. Cái gì chạm tới cô là cô rên, chạm nhẹ thì cô rên nhẹ, chạm mạnh thì cô rên mạnh. Nhưng đôi khi, dường như thần kinh cô non mềm, yếu ớt và bở rệt, cho nên chỉ cần bị chạm nhẹ cô, cô cũng rên trầm thống. Hồi xưa, Tây Thi nhăn mặt vì đau bụng, cách nhăn nhó của nàng làm nàng đẹp bất hủ, làm đẹp lịch sử thời Xuân Thu Chiến Quốc. Còn tiếng rên của cô Ba, ông bà ông vải ơi, sao mà dễ thương quá chừng chừng! Cô càng rên, lệ ngọc cô càng đầm đìa, giòng châu cô càng lả chả trên cặp má đào hây hây.
Bà Hội Đồng Bền biết con gái mình không hoàn toàn điệu đà, không cốt ý nhõng nhẽo với người xung quanh. Bởi cô Ba Diêm Quang giống tánh bà Út Túy Ngọc. Mụ em chồng của bà tuy cũng có phần dở chịu đựng cảm xúc mạnh, nhưng cũng có phần bắt người thân thích, nhứt là ông chồng si vợ một cách khờ khạo của bà ta phải chia sẻ cái cảm xúc của bà ta. Cho nên từ một ít bà ta xích cái đau gấp rưởi hoặc gấp đôi ra.
Năm nay, bà Út Túy Ngọc tuy ngoại tứ tuần, nhưng hãy còn non nheo nhẻo như cỡ 30 tuổi. Cho nên bà ăn diện theo gái tân thời, tóc chải chín lượn mười mồng trên đầu rồi bới cái bí bo dẹp dẹp tròn tròn như cái bánh tiêu sau ót. Hễ bước ra khỏi nhà là bà tô son giồi phấn hực hỡ, mặc áo dài bợ ngực bó eo, đeo nữ trang rườm rà choáng lộn.
Ngày mai là ngày đám giỗ ông Hương Cả Lê Tấn Chắc, tía của ông Hội Đồng Bền và bà Út Túy Ngọc nên bà Út xin phép chồng ở chơi nhà anh của mình một ngày. Nhà ông Hội Đồng Bền ném về miệt vườn. Tuy nhà cổ, nhưng sân lót gạch tàu, nền đá da qui, mái lợp ngói lưu ly màu vảy kim ngư, cột gỗ căm-xe. Trong nhà có bày liễn ngói sơn son thếp vàng, liễn bảng cẩn xa cừ, bộ bàn ghế và các tủ thờ cũng đều cẩn xa cừ. Trong hai dãy tủ kiếng, các món ngoạn hảo được chưng bày những món cổ ngoạn thiệt bự, thiệt đẹp hực hỡ: dĩa lớn xấp xỉ cái mâm, tô lớn cỡ cái ô ăn trầu, lộc bình cao gần tới gối. Tất cả đều tráng men bạch ngọc, nét họa trang trí màu thúy lam.
Chiều mai là bữa giỗ tiên, sáng mốt là bữa giỗ chánh. Bà Hội Đồng Bền, bà Út Túy Ngọc, cô Hai Tuyết Nga, cô Năm Thể Tàn và cô Ba Diệm Quang ngồi xung quanh chiếc bàn tròn ăn quà vặt. Trước hết, họ khỉa hột vịt lộn úp mề và hột gà lộn trái vải với rau răm, muối tiêu. Kế đó, họ thiếm xực món gỏi đu đủ trộn khô bò. Sau hết, họ ăn ốc lác ốc bươu chấm nước mắm gừng, món ốc đắng ốc dừa chấm nước mắm sả.
Bà Út Túy Ngọc nhìn cô Năm rồi liếc qua cô Ba, có vẻ hài lòng lắm:
- Nè chị Hội Đồng, nay mai chị có dâu rể đầy đủ, chị mặc sức mà ngồi đánh xệp lu bù, đánh tứ sắc tối ngày sáng đêm. Việc nhà sẽ có con vợ thằng Hai Vinh lo. Còn khi đau yếu, chị sẽ uống thuốc không tốn tiền. Theo em thấy, khắp làng khắp tổng mình chẳng cô thiếu nữ nào đầy đủ công dung ngôn hạnh như cháu Năm đây. Em vốn mua bán hột xoàn cẩm thạch, không bao giờ lầm giá trị của ngọc. Cho nên, khỏi cần coi thói ăn cách ở của cháu, mà chỉ liếc qua tướng mạo của cháu, em biết ngay đây là thứ phụ nữ ích phu vượng tử. Chị không thấy hay sao? Cháu Năm giống cháu Ba ở cái tướng thắt đáy lưng ong.
Những người thắt đáy lưng ong
Vừa khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con.
Bà Hội Đồng nói xuôi:
- Chỗ nào mà cô Ba, cô Tư và cô thày lay làm mai cho hai cháu đều phải là chỗ tốt lành. Tui ít giao thiệp nên nào có biết gia đình ai hơn, gia đình ai kém. Nào biết con cháu ai xuất sắc, con cháu ai chỉ có cái vỏ lộng lẫy bên ngoài, còn ruột bên trong thì đen thui như trái cứt quạ đâu.
Cô Hai Tuyết Nga cười:
- Con Ba có tướng nhõng nhẽo với chồng. Con Năm có tướng chiều chồng. Tướng nào cũng dễ hương ráo trọi!
Cô Năm Thể Tần nghe hai bà và chị Hai Tuyết Nga bàn việc hôn nhơn của mình, mặt cô đỏ thén vì thẹn thùa. Cô chợt thấy lòng mình hây hây rạo rực khi nghĩ tới hôn phu của mình. Hai Lê Tấn Vinh hiện học trường Pháp Chánh ngoài Hà Nội, năm nay nếu thi đậu sẽ làm cò-mi, đường hoạn lộ bảo đảm lắm. Riêng cô Ba Diệm Quang và cô Năm Thể Tần đều đậu bằng Thành Chung, rồi xoay qua học nữ công phụ xảo để mai sau trở thành một chủ phụ xuất sắc trong một đại gia đình. Hai cô hễ rảnh rang là đọc sách báo, viết nhựt ký và làm thơ. Cô Ba Diệm Quang chỉ rành thơ lục bát và thơ song thất lục bát. Còn cô Năm điêu luyện loại thơ thất ngôn bát cú. Mỗi khi cô Ba vung vít bút ngọc để sáng tác những bài lục bát và bài song thất lục bát réo rắt như nhã nhạc tiêu thiều thì cô
Năm vẫy tuôn bút hoa để sản xuất một bài thơ liên hườn dài soọc và du dương như yến hót oanh ca. Thơ cô nào cũng dịu vợi tình người, cũng thơm phức mùi đạo nghĩa.
Xế hôm nay, cô Năm Thể Tần từ làng Hòa Mỹ quá giang ghe chở dừa khô lên chợ Vĩnh Long, rồi đi xe kéo qua Thiềng Đức. Cô sẽ ở chơi tại nhà ông Hội Đồng Bền cho tới khi bữa giỗ chánh chấm dứt. Tuy cô không giỏi tài nữ công phụ xảo, nhứt là tài làm các món ăn Quảng Đông như cô Ba Diệm Quang, nhưng tài quán xuyến gia đình và cách khéo léo trong thói ăn nết ở, cô vượt hẳn cô Ba. Dù vậy, cô cũng biết làm vài ba món cổ truyền mà khi vào thập niên 30 đã dần dần thất truyền. Và tài làm những các món phổ thông của cô, ít có ai sánh kịp.
Cô Năm Thể Tần lớn hơn cô Ba Diệm Quang hai tuổi. Cô chín chắn, thông minh, lại nhân từ độ lượng nên được bà Ba Mừng cưng yêu lắm. Nếu cô Ba Diệm Quang đẹp lộng lẫy ở cách tô hồng chuốc lục thì cô Năm đẹp thùy mị đoan trang ở chỗ ăn mặc và cư xử thanh lịch. Cô Ba trắng hồng thì cô Năm trắng mát. Cô Ba nồng nàn sinh lực thì cô Năm mảnh mai, thanh cảnh. Cặp mắt cô Ba sáng loang loáng ánh thu ba thì cặp mắt cô Năm thuộc loại lá răm, hơi xếch (loại mắt phụng) tỏa ánh êm dịu hiền từ.
Khi tới nhà cha mẹ chồng tương lai, cô Năm thay chiếc áo dài bằng hàng Thượng Hải màu hột gà thêu hoa ti-gôn tím để mặc chiếc áo bà ba bằng xuyến tím tươi như màu xôi lá cẩm. Cô cũng thay chiếc quần bằng sa teng tuyết nhung để mặc chiếc quần cẩm tự đen. Tai cô đeo đôi bông cẩm thạch, cổ đeo xâu chuỗi cẩm thạch, đôi cườm tay lồng hai chiếc vòng cẩm thạch, hai ngón tay áp út cô đeo cà rá cẩm thạch cắt mặt vuông. Những món cẩm thạch của cô có nước xanh thắm như nước cốt lá dứa. Còn cô Ba Diệm Quang mặc áo bà ba bằng nhiễu màu tím than, quần xá xị đen. Tai cô đeo đôi bông nhận hột xoàn cỡ bốn ly, đôi cườm tay đeo cặp vòng vàng chạm bát bửu, hai ngón tay áo út đeo cà rá cẩn ngọc saphir xanh biếc như hai ngôi sao.
Bà Út Túy Ngọc ngắm hai cô thiếu nữ, trầm trồ với bà Hội Đồng Bền:
- Hai con cháu của em đây vốn không thuộc loại sắc nước hương trời như
Tây Thi, Trịnh Đán. Nhưng khi hai chị em nó ngồi gần nhau, mấy người ưa coi hát Hồ Quảng đố khỏi so sánh tụi nó như Đoàn Hồng Ngọc và Vương Lan Anh trong tuồng Đãi Yến Đoàn Hồng Ngọc, đố khỏi liên tưởng đến Phàn Phụng Cơ và Tạ Nguyệt Kiểu trong tuồng San Hậu. Bởi vậy em mới tình nguyện làm mai con Ba cho trang hảo hớn trượng phu Lâm Thể Phụng, mới làm mai con Năm cho trang văn thái tinh hoa Lê Tấn Vinh.
Cô Ba Diệm Quang cười hóm hỉnh, nhìn mụ cô thày lay của mình:
- Cháu thấy anh Hai Thể Phụng có cặp mắt dữ. Ảnh cao lớn dình dàng như con bò hống, như con trâu pháo. Ảnh chỉ cần ôm cháu thôi, chớ chẳng cần xiết mạnh thì xương cốt cháu bể nát liền.
Bà Út Túy Ngọc cười:
- Thằng Thể Phụng hùng tráng, lại biết cách nịnh đầm. Nó mà cưới một con vợ xinh đẹp và khéo léo nữ công như cháu, nó sẽ cưng cháu như cưng trứng mỏng, đâu có dám ăn hiếp cháu. Nó có bảo cô rằng nó cưới được một trang kiều diễm như cháu, thiệt là tam sanh hữu hạnh cho nó vậy.
Cô Ba Diệm Quang lo lắng:
- Chu choa ơi, mới nhắc tới ảnh là cháu phập phồng bất an. Bà Út Túy Ngọc an ủi:
- Đừng sợ. Nó là bực tân học, biết cư xử hào hoa với phụ nữ. Cô Năm Thể Tần e dè:
- Thưa cô Út, anh Tấn Vinh của cháu có khác với cậu Thể Phụng ở điểm nào vậy?
Bà Út Túy Ngọc có vẻ suy nghĩ:
- Thằng Tấn Vinh của cô dễ thương lắm. Nó nhu mì chớ không có nhu nhược. Vóc nó thanh cảnh, mảnh mai, nhưng thể chất nó lành mạnh. Nó có nội lực chớ không hoa bột từ thể chất đến tinh thần như bọn công tử khác.
Cô NămThể Tần cười buồn:
- Kỳ thi ra trường nầy có lẽ gay go lắm hay sao. Ảnh chưa gởi thơ cho cháu biết kết quả. Chẳng biết ảnh đậu rớt ra sao? Thiệt tình, cháu lo lung lắm!
Bà Hội Đồng Bền trấn an nàng dâu tương lai của mình:
- Nó có cho má biết, hễ coi kết quả xong, nó sẽ đánh giây thép cho cả nhà biết liền.
Bà Út Túy Ngọc an ủi:
- Bấy lâu nay, thằng Hai học hành chăm chỉ, mỗi năm nó đều đậu hạng cao. Lẽ nào vào kỳ thi chót, nó để xệ xuống đâu. Cháu chớ quá lo mà hao tâm ổn trí.
Mặt trời vừa chênh bóng. Mực nước sông Long Hồ dâng cao, đổ dồn vào các con rạch Cầu Đào, Cầu Kè. Chèn ơi, nước sông tháng mười âm lịch vừa lai láng vừa trong leo lẻo, thấy thương quá! Cô Ba Diệm Quang ngó giề lục bình lạc loài trôi vào xẻo nước sau nhà, giữa khóm lá xanh điểm chùm bông tím lợt. Một niềm vui nhè nhẹ mơn man tâm hồn cô. Chu choa ơi, đấng trượng phu tương lai của cô sao mà hùng tráng lẫn cường tráng đáng đi vào thiên hùng ca lẫn tráng ca còn đang vần vũ trong dự định của cô biết bao! Chàng có vóc mình Từ Hải, lưng dài, vai rộng, tay chơn cuồn cuộn bắp thịt, ngực nở nang như cánh buồm căng gió ngàn khơi. Chàng chơi quần vợt thiệt thạo, bơi ếch bơi bướm thiệt đẹp mắt. Mỗi khi cô nghĩ tới chàng là cảm giác ấm nóng từ trái tim cô lan ra, ướp nóng châu thân cô rồi. Đã vậy, chàng còn giỏi nói pha lửng để chọc cô cười, biết khen cô đúng chỗ cho cô sướng, biết nói những câu tình tứ tuy hơi xạo một chút để cô hài lòng. Sum la vạn tượng ơi, lời nói của chàngsao mà êm như mộng, dịu như nhung, bóng bẩy như bánh ướt thoa mỡ hành; lời tán tỉnh lúc nào cũng ngọt như mật, huê mỹ như gấm thêu. Thú vị làm sao, miệng chàng Hai Thể Phụng kia có một lần thoảng nhẹ ra một câu xạo thiệt nên thơ vào một chiều vàng rực ánh tà dương, bên cây vông đồng trổ ê hề bông đỏ rực:
- Anh không giàu, chẳng có gì tặng em bằng trái tim chung thủy nầy.
Chàng lấy tay cô áp lên ngực mình. Thiệt ra, tim chàng đập theo nhịp bình thường, nhưng vì hôm trước chàng đã tặng cô trái tim bằng vàng móc vào sợi dây chuyền bằng vàng. Chèn ơi, trái tim vàng kiasao mà mập núc, lớn cỡ khu tô, chạm trổ tinh xảo. Mở đôi trái tim ra thì thấy cái hình lồng của hai người chụp chung với nhau, má kề vai tựa, mùi mẫn ác ôn! Cho nên giờ đây, cô Ba Diệm Quang có cảm tưởng dưới bàn tay cô áp vào ngực chàng, tim chàng đập đùng dùng để sóng tình lẫy lừng lan khắp châu thân chàng. Thể Phụng là con một. Tía chàng có 200 mẫu ruộng. Đó là không kể tiền muôn bạc vạn ổng gởi nhà băng và vàng bạc châu báu ổng cất trong tủ sắt. Riêng chàng, chàng có nhà thuốc tây, lợi tức mỗi tháng dám leo lên 300 đồng, trong khi mỗi tô hủ tíu chỉ có 5 xu mà thôi.
Tuy mê say câu xạo của Lâm Thể Phụng, nhưng cô Ba Diệm Quang vẫn thầm ao ước trong thời gian đính hôn nầy, chàng tặng thêm cho cô vài trái tim nữa. Giờ đây, tim vàng, mai mốt tim bạch kim chạm trổ tinh xảo hơn và móc vào sợi dây chuyền bạch kim to bản hơn, rồi sau nữa, gần tới ngày đám cưới là trái tim bạch kim không cần chạm trổ mà chỉ cần cẩn hột xoàn chớp lia chớp lịa làm nhức mắt người ngắm. Miếng mề đai ấy phải bự hơn, phải móc vào sợi dây chuyền cũng bằng bạch kim, tuy hơi mức hơn, tuy hơi nhuyễn hơn, nhưng phải buông dài gần tới rún thì cô mới chịu. Có vậy, cô mới có thể khoe khoang đía dóc với bạn bè để tụi nó ghen tức chơi!
Còn cô Năm Thể Tần xế nay cũng đang nghĩ tới cậu Hai Tấn Vinh quay quắt. Qua cửa sổ, cây bằng lăng trổ hoa tím ê hề. Cây khuynh diệp lao xao trong gió. Bông tím nào mà chẳng gợi nên một tình cảm lãng mạn? Nhưng bông bằng lăng lại tím tươi; tím nầy là tím vui, tím hớn hở xôn xao khi cô nghĩ tới lá thơ của Hai Tấn Vinh gởi cho cô tuần rồi. Chắc chàng tin tưởng khả năng của mình trong kỳ thi nầy mới xây dựng một tương lai huy hoàng trên những dòng thơ viết bằng mực tím tươi dường ấy! Chàng nhìn viễn ảnh sao mà lộng lẫy! Cho nên đêm nào nằm ngủ cô cũng thấy chiêm bao lộng lẫy nườm nượp kéo về. Người lạc quan vốn vụt chạc, lanh chanh. Nhưng Hai Tấn Vinh chỉ vụt chạc, lanh chanh khi viết thơ cho cô hoặc tâm sự riêng với cô mà thôi. Còn đối với ai khác, cậu tỏ ra thận trọng, dè dặt, thâm trầm. Cao xanh ơi, người yêu của cô có hai bộ mặt tương phản, nhưng bộ mặt nào cũng mê hoặc cô cả. Khi lanh chanh, cậu làm cô nghĩ tới dòng suối chảy qua các gộp đá bật lên tiếng reo thánh thót. Cậu nghiêm trang trầm lặng làm cô liên tưởng tới một cái đầm nước giữa khu vườn hoang phế rậm rạp. Hình ảnh nào cũng thơ mộng, cũng dễ thương nên cô mới trước tác nên một bài liên hườn mỗi khi đọc lên thì nó vang lên âm điệu ngọt lịm như mía Gò Mây, như cam Cái bè, như măng cụt Lái Thiêu.
o O o
Sau bữa giỗ chánh, bà Hội Đồng Bền nhứt định cầm bà Út Túy Ngọc và cô Năm Thể Tần ở lại sáng hôm sau hẳng về. Cô Năm nhờ con Nhãn về Hòa Mỹ báo tin cho tía má cô kẻo họ trông đợi. Riêng ông Cai Tổng Khôn vốn cưng chiều vợ, nên bảo bà Út:
- Trưa mai, tui sẽ sai thằng sớp-phơ lái xe đến đây đón mình về. Mình ở đây mặc sức mà hàn huyên với anh chị Hội Đồng và hai cháu gái.
Xế trưa, ông bà Hội Đồng Bền ngồi ghe đi bến bắc Cổ Chiên để viếng ông bà chủ lò gạch Thái Xương vốn là bạn thân của họ. Cô Ba Diệm Quang sai con Bưởi nấu nồi chè hột sen bạch quả để cùng bà Út Túy Ngọc và cô Năm Thể Tần ăn cho mát tỳ mát vị. Bà Út bảo hai cô cháu:
- Chị Hội Đồng ngõ ý nhờ cô dạy hai cháu chuyện giao hoan hiệp cẩn để hai cháu biết cách chiều chồng trong đêm huê chúc. Chỉ phàn nàn với cô rằng con Ba không được thâm trầm kín đáo. Hễ ai chỉ rờ nhẹ nó thôi, nó cũng nhảy thót lên, la oải oải. Vào cái đêm tân hôn mà thằng Thể Phụng xung bức phá trinh nó, nó chịu đau không nổi, sẽ hét inh ỏi lên như heo bị thọc huyết thì sẽ bị kẻ ăn người ở bên chồng cười cho sượng mặt. Rồi đó, khi vợ chồng nó mặn mòi chuyện loan điên phụng đão, giữa lúc ái ân, biết đâu nó sẽ không kềm hãm nổi cái lạc thú gắt gay? Đáng lẽ nó phải im miệng hến, khép miệng sò để tận hưởng khoái lạc thì biết đâu nó sẽ nói sảng quàng, rên rỉ huyên náo; người ngoài mà hay được thì chồng của nó sẽ đội quần thiên hạ khắp trong làng ngoài tổng. Hai cô cháu nhà nầy vốn cùng một tánh nhau, vốn dở chịu đựng. Mấy chuyện mà cô vừa nói đây, thiệt ra thì cô đã từng làm, đã trải qua. Cho nên cô phải khuyên nhủ con Ba lẫn con Năm nên tránh là hơn.
Cô Ba Diệm Quang từ lâu cũng đã nghe mấy mụ trời ơi đất hỡi trong xóm kể chuyện phòng the, nhưng cô làm bộ ngây thơ:
- Thưa cô Út, chuyện giao hoan hiệp cẩn là chuyện gì? Xung bức phá trinh là làm sao mà cô dâu phải đau đớn đến vậy? Muốn chiều chồng trong cái đêm... lịch sử đời cháu thì cháu phải làm sao?
Cô làm mặt nghiêm để tỏ ra mình hãy còn dốt nát chuyện... tai họa sắp tới làm bà Út Túy Ngọc nguýt lia nguýt lịa:
- Đồ quỷ nà! Cháu muốn hỏi trếu cô, phải không? Quả thiệt cháu không biết chuyện đó hay sao? Có lẽ cháu chưa biết rạch ròi. Nhưng cô chắc chắn rằng cháu cũng biết bộn bàng rồi, chớ lẽ nào bù trơ bù trất hay sao? Nhưng mà, chỉ có chồng cháu mới dạy cho cháu biết theo kiểu nước nóng hay lạnh, ai uống nấy biết mà thôi. Cô chỉ dạy cháu bằng lời kể vậy thôi. Chỉ có thằng Thể Phụng mới dạy cháu hiểu từ ngọn tới gốc, từ trong ra ngoài. Bây giờ cô mà giở chuyện đó ra, sẽ làm cho hai đứa bây nôn nóng thêm, tà tâm kia sẽ nổi sóng cồn, ý dục nọ cũng gây bão lớn... Để chừng nào trước đám cưới một hôm, cô sẽ dạy bây cách chiều chuộng chồng để cho chồng bây mê bây như lậm bùa, cưng yêu bây đêm bảy ngày ba, ra vô không kể. Hễ bây khui hụi là tụi nó ngoan ngoãn đóng hụi cho bây liền liền... Giờ đây, cô chỉ khuyên hai đứa bây một điều: đờn bà con gái phải giữ vẻ thâm trầm kín đáo, không nên bộc lộ sa đà quá trớn như cô đây hồi chầu xưa. Đờn bà mà sướng rên, khổ rên, kinh ngạc rên, hoảng sợ rên là thứ đờn bà bộc tuệch như cái nhà trống trước hở sau, làm sao giữ gìn của cải, cầm chơn được chồng, dưỡng nuôi con cái vẹn toàn? Xời ơi, cứ coi con Ba ăn xoài tuợng chấm nước mắm đường, ăn chùm ruột chấm mắm ruốc giã tỏi ớt thì biết tánh nó ngay. Lúc khoái khẩu, nó rên rỉ suýt soa, khi cắn nhằm miếng ớt cay, nó rít lên the thé làm như lưỡi nó rát phỏng thiếu điều luỡi thụt tuốt trong cuống họng. Mai kia mốt nọ, nó sẽ gặp nhiều chuyện mà nó chưa từng nếm qua, chưa từng hưởng qua, nó sẽ tán thưởng rùm beng, ngợi ca ỏm tỏi, ai mà chịu cho nổi?
Nói xong, bà Út bỏ lên nhà trên vừa đọc bộ truyện Tái Sanh Duyên vừa đợi anh ruột và chị dâu về cùng ăn cơm chiều. Cô Ba Diệm Quang rủ cô Năm Thể Tần xuống bếp nấu cơm, luôn tiện kể chuyện ngồi lê đôi mách cho nhau nghe. Thức ăn bữa giỗ hãy còn ê hề, nên cô chỉ cần hâm lại. Và cô nhứt định làm món bánh canh bột lọc nấu với tôm thịt và ăn đệm với bún và rau xắt ghém.
Cô Ba Diệm Quang thì thầm:
- Nói thiệt với chị, chuyện vợ chồng cụp lạc với nhau, em được chị Hai
Tuyết Nga kể từ lâu rồi. Còn chị thì sao?
Cô Năm Thể Tần đỏ mặt:
- Chị Hai Tuyết Nga ưa phổ biến chuyện bí mật trong phòng the. Ban đầu chị đây có chịu nghe đâu? Nhưng cái chị yêu lồi ấy quyết lòng nhồi sọ chị thì làm sao chị thoát khỏi những câu chuyện đá đổ mồ hôi của chị ta, hả em?
Hồi còn độc thân, chị Hai Tuyết Nga ưa nói tục nói trây kinh khủng lắm rồi. Bây giờ có nhiều kinh nghiệm gối chăn, chị càng nói nhiều chuyện kinh thiên động địa hơn nữa. Các bực trưởng thượng khinh ghét chị, nhưng nhóm phụ nữ trẻ bộc trực như cô Ba Diệm Quang hay trây trúa như bà Út Túy Ngọc thậm chí đến một thiếu nữ đoan trang như cô Năm Thể Tần đều ưa thích chị ta. Câu chuyện tục tằn, nhớp nháp nào mà tuôn từ cái miệng liến thoắng và duyên dáng của chị đều mặn nồng và hấp dẫn khó tả.
Bà Hội Đồng Bền tuy có cảm tình với cô cháu hào hiệp nầy, nhưng bà phải làm nghiêm để ngăn bớt lời nói tục tĩu sa đà của thị. Còn Ông Hội Đồng vốn cảm tình nồng hậu với vợ chồng chị nên coi cả hai là phần tử gia đình mình. Hễ khi ông gặp chuyện trục trặc nan giải thì tên tào cáo Jean Michel Dupont kia hết lòng giúp đỡ. Nhờ hắn ta mà ông giao du với các bực tai to mặt bự trong tỉnh như quan chánh tham biện, ông cò-mi, quan thanh tra tiểu học, ông biện lý, toàn là những người Pháp. Lại nữa, chị Hai Tuyết Nga lấy chồng Tây có làm hôn thú đàng hoàng chớ chẳng phải là hạng gái bao hoặc vợ ngày vợ bữa của hạng Pháp Kiều. Dân trong tỉnh không ưa chị ta là bởi chị ưa đỏng đảnh nhõng nhẽo với chồng trước thập mục sở thị, không kiêng nể ai hết. Con người nầy không tôn trọng nữ tắc nữ huấn gì cả. Trong tứ đức của phụ nữ là công, dung, ngôn, hạnh thì cái ngôn của chị mất hết phẩm chất thanh tao cao quí. Nhưng lời nói của chị thành thiệt, không có cam ngôn mỹ từ tô điểm, không có điêu ngôn xảo ngữ ngụy trang. Đã vậy, khi cái miệng véo von của chị vọt ra một câu là ai nấy đều cười lăn. Cho nên bà Út Túy Ngọc, cô Năm Thể Tần và cô Ba Diệm Quang lẫn con Nhãn, con Bưởi không thích chị sao được?
Nhà chị Hai Tuyết Nga ở đầu xóm, đít quay xuống sông Long Hồ. Khúc nhà trên thì xây nền trên bờ, khúc sau thì cất gie xuống sông theo kiểu nhà sàn. Bốn cột chưn sàn đều đúc bằng bê-tông, còn cái sàn thay vì lót ván thì lại cũng đúc bằng xi-măng, lót gạch tráng men. Buồng vợ chồng chị xây ở trên phần gie ra mặt sông. Trưa trưa, ông thợ câu neo xuồng gần đó câu tôm, hoặc mấy cô đi gánh nước từ cầu nhủi sát hông nhà chị thường nghe chị rên la nho nhỏ, nhưng thiệt bi ai thống thiết:
- Thằng chó đẻ! Mày đâm, mầy chém, mầy ngoáy tao. Quỉ ơi! Tao sung sướng mà chết đây!
- Ông bà ông vãi ơi! Thằng thiên lôi nầy giết tui đây nè! Nó mà ngoáy tui, tui không trào đờm sôi bọt quáp sao được? Tui biết nó là quỉ, là hổn thế ma vương mà!
- Thằng khốn nạn, muốn giết tao thì mầy đâm tao lút cán đi. Cứ nhấp nha nhấp nhứ hoài làm tao phát điên đây! Tiên nhơn tổ đường ơi! Thằng mắc dịch nầy bày nhiều trò dễ ghét quá!
Tóm lại, đây là hạng đờn bà quá... bén nhạy với khoái lạc, biết rên siết để tăng cường khoái lạc trong lúc... giao chiến với chồng. Cho nên có lần bà Út Túy
Ngọc cắc cớ hỏi:
- Nè Nga, thằng tào cáo hành thân hoại thể cháu cách nào mà cháu rên rỉ như tội nhơn bị lính kín khảo tra vậy, cháu?
Chị Hai Tuyết Nga nhìn xéo người cô họ, cười lỏn lẻn, sóng mắt sáng ướt như sóng thu:
- Ối, chuyện vợ chồng lúc làm chuyện hảo sự với nhau có thiên hình vạn trạng lạc thú, nói sao cho hết, diễn tả sao cho trúng, hả cô Út? Má Năm cháu nói cách rên của cháu chẳng những làm cháu thất điên bát đão vì sướng khoái mà còn làm cho ba hồn bảy vía chồng cháu bay lên 9 từng trời hạnh phước đó cô.
Bà Út Túy Ngọc cười khẩy:
- Tuy nói không trúng, không hết, nhưng cháu làm trúng, làm tuốt luốt được hết, có phải vậy không?
Chị Hai Tuyết Nga trả đũa:
- Phép chồn mà cô. Nhờ cô giáo hóa chuyện ăn nằm, nhờ má Năm cháu dạy thêm cách thêm nhưn thắt nhị ở tiếng rên la chửi mắng mà thằng Tây tào cáo mắc dịch kia dẫu không hiểu nghĩa trong tiếng chửi, nhưng khi cháu ré lên la mắng tưới hột sen nó là nó bàng hoàng mê mẩn, chết trân trên thân thể cháu.
Chiều nay, đang lúc cô Năm Thể Tần và cô Ba Diệm Quang đang o bế nồi cháo cá giò heo thì chị Hai Tuyết Nga trở lại chơi. Chị mặc chiếc áo bà ba bằng mousseline đen in bông huệ hường và bông huệ vàng, quần sa-teng tuyết nhung đen. Tóc chị cuốn tay rế, giắt lược đồi mồi có nạm trân châu trên sống lược. Tai chị đeo bông hột xoàn, cổ đeo xâu chuỗi ngọc thạch, đôi cườm tay lồng đôi vòng huyết ngọc. Chị giả bộ than vãn:
Mấy hôm có đám giỗ gần
Trong bụng bần thần chẳng muốn nấu cơm.
Cô Ba Diệm Quang ân cần mời mọc:
- Chiều nay, mời chị ở lại dùng bữa với cả nhà cho vui. Chị Hai Tuyét Nga lắc đầu:
- Chị đã ăn bữa giỗ tiên ở đây hồi chiều hôm qua, đã ăn bữa giỗ chánh sáng hôm nay nên bụng chị hãy còn rêm. Chiều nay, chị sẽ làm cơm Tây cho thằng tào cáo nó vui. Chị đã luộc mì ống, ướp thịt bò rồi. Chiều nay, thằng ngưu ma vương đó muốn ăn bít-tết với mì ống sốt cà. Thằng ôn dịch đó không quen ăn rặc ròng các món của dân bổn xứ. Thỉnh thoảng, chị làm món Tây cho nó ăn. Cũng bởi hễ thèm món Tây là nó lôi kéo chị ra bungalow, tốn tiền lắm! Thiệt tình, chị chiều thằng nghiệt súc, thằng dâm tặc đó như chiều vong. Chưa chắc đối với tía má chị, chị cưng chiều đến mức ấy. Thiệt tình, bởi chị nghiệp dầy đức mỏng nên mới đụng nhằm thằng chồng cường khấu lục lâm kia.
Cô Ba Diệm Quang lẫn cô Năm Thể Tần nhìn nhau như thầm hỏi nhau: Chẳng biết tên tào cáo bảnh trai kia đã làm gì chị Hai Tuyết Nga mà hễ mở miệng ra là chị rủa sả hắn tưới hột sen làm như chị phải căm thù hắn tới cố đế thâm căn, phải hận hắn tới truyền kiếp vạn đại. Nhưng cớ sao khi nói tới hắn, cặp mắt chị lóng lánh như sao Bắc Đẩu hay sao Nam Tào, miệng chị cười như sen nở lan xòe, sắc mặt như huê tuơi nguyệt rạng, thần thái chị bừng bừng phấn khởi, diện mạo chị phơi phới hân hoan.
Bà Út Túy Ngọc hỏi:
- Thằng dâm tặc của mầy hành sự ra sao? Nó có bày vẽ nhiều kiểu bướm bay huê dạng không? Có chỉ biểu mầy những món lạ hoắc cầu kỳ không?
Chị Hai Tuyết Nga ỏn ẻn:
- Thằng đó chẳng những có cái bửu bối tuyệt vời mà còn được con dâm phụ nào đó bày biểu mấy chuyện vẽ vời vọc ao khuấy nước cho nó. Nó cưới cháu xong, ngay đêm đầu là nó chỉ biểu cho cháu biết bao ngón nghề. Rồi đó, cứ bổn cũ soạn lại để hành sự với nhau cả tháng cũng chưa hết. Nhưng mà, những bổn cũ nầy là do phép tiên lẫn phép chồn phối hiệp nhau. Nhờ thông minh ngoan ngoãn, chẳng những cháu học hỏi tập sự đều thành thạo mau lẹ như có năng khiếu từ hồi kiếp trước mà còn biết sáng chế một vài kiểu mới nên nó mới cưng cháu hơn. Thiệt ra, cháu vốn sẵn nhiễm hơi chồn, tánh chồn mới thông minh bén nhạy dường ấy.
o O o
Mùa bãi trường vừa tới, Lê Tấn Vinh thi đậu tốt nghiệp trường Pháp Chánh. Nhờ ông Hội Đồng Bền chạy chọt nên chàng được làm việc ở tỉnh nhà. Lâm Thể Phụng không đi nghỉ hè. Chàng tu bổ ngôi nhà bánh ếch ở Tân Ngãi mà chàng mới mua. Chuyện vui, cơ hội may mắn cứ tới tấp đến ba gia đình: gia đình ông Bang Biện Lâm Thể Long (tía của Hai Lâm Thể Phụng), gia đình ông Hội Đồng Bền (tía của Hai Lê Tấn Vinh và của cô Ba Diệm Quang), gia đình ông Hội Đồng Võ Tấn Vui (tía của cô Năm Thể Tần).
Trong những ngày chờ đợi đám cưới, Lâm Thể Phụng thường qua Thiềng Đức thăm hôn thê của mình. Từ chợ Vãng đến Thiềng Đức chưa tới 3 cây số, đi bộ còn được nửa là, huống chi chàng có chiếc xe Mô-tô hiệu Norton?
Trong khung cảnh êm đềm tịch mạc của khu vườn sau, bên cạnh ao bông súng, cô Ba Diệm Quang thỏ thẻ với người yêu:
- Má em chê em dở chịu đựng, vui sưóng hay khổ sở đều rên.
Thể Phụng ôm cô thiệt chặt, hun cô thiệt ngấu nghiến. Cô rên gù gù như chim bồ câu, mồ hôi cô vã ra ở trán, ở cổ và ở mép tóc. Chàng cười:
- Em dở chịu đựng thiệt mà. Bởi vậy khi cưới em xong, anh sẽ đưa em về nhà mới để tụi mình làm lễ hiệp cẩn.
Cô Ba Diệm Quang nhõng nhẽo:
- Còn gì hạnh phước hơn được hưởng đêm huê chúc và tuần trăng mật trong ngôi nhà biệt lập! Cái tổ uyên ương của tụi mình càng lánh xa người đời càng tốt.
Lâm Thể Phụng tán thành:
- Lời em rất hạp ý anh. Trước đây một tháng, anh có mua lại ngôi biệt thự của thằng bạn ở Tân Ngãi. Chung quanh nhà có nửa mẫu vườn. Em thích chuối cau, chuối lá ta, chuối xiêm mẳn, ổi ruột tím, mận da người, quít đường, cam hồng mật, xoài cát... Anh sẽ kiếm cây ương cho em trồng. Ở đó, em tu tiên còn được nữa là lánh xa thế gian.
Cô Ba Diệm Quang than dài:
- Ở đó, mỗi khi anh đi làm việc ở Tòa Bố, em thui thủi một mình ở nhà. Em có tật sợ ma...
Thể Phụng nhìn người yêu thiệt sâu, cười hóm hỉnh:
- Em đừng lo. Sẽ có bà tớ già điếc lác bậu bạn với em, giúp em trông coi việc nhà.
Cô Ba Diệm Quang sung sướng:
- Chèn ơi, may quá hén! Thiệt tình, em không hiểu tại sao anh chọn bà tớ già điếc lác để bậu bạn với em?
Thể Phụng lại hun chùn chụt ngưòi yêu:
- Rồi em sẽ rõ. Anh tính đâu ra đó.
Vào hôm đám giỗ bà Năm Tố Liên, chị Hai Tuyết Nga mời gia đình ông Hội Đồng Bền, gia đình ông Bang Biện Long, gia đình ông Ba Mừng, gia đình ông Cai Tổng Khôn cùng cô Năm Thể Tần đến dự đám. Ba bà Túy gặp nhau, lăng líu chuyện trò. Bà Bang Biện Long (Tư Túy Châu) khen:
- Thiệt tình, mấy con cháu thuộc vi kiếng họ Lê tụi mình đều xinh tốt. Con
Hai Tuyết Nga càng ngày càng càng mơn mởn nuột nà.
Bà Út Túy Ngọc nói:
- Mấy ông mấy bà Bắc Kỳ thường nói: Gái phải hơi trai như thài lài phải cứt chó. Bộ chị quên rồi sao?
Bà Ba Mừng (Ba Túy Khuê) nhăn mặt phàn nàn:
- Con cháu mình xinh tốt như vầy mà con Út thuộc loại Chằn ăn trăn quấn nầy lại so sánh với thài lài bén phân cứt chó!
Riêng Lâm Thể Phụng nhìn bức ảnh phóng đại của bà Năm Tố Liên trên bàn thờ, rên thầm:
- Trời đất quỉ thần ơi, hình bà nầy sao mà giống cái bà trong ngôi nhà ma năm xưa vậy kìa!
Cô Năm Thể Tàn cũng nhìn ảnh bà Năm Tố Liên, bứt rứt nghĩ:
- Chu choa ơi, rõ ràng bà nầy châm cứu cho tôi đây mà!
Tháng bảy âm lịch, dù nước sông cái, sông con ngầu đục phù sa, nhưng nước trong ao, bàu, lung, vũng cũng khá trong. Từ tháng năm âm lịch, ốc gạo và hến ở lườn đáy sông Long Hồ bắt đầu mập tròn. Mùa sanh sản của ốc gạo và của hến kéo dài cho tới cuối tháng tám âm lịch. Hoa xoài, hoa mận cũng thai nghén bắt đầu tứ tháng năm tính theo lịch trăng, tới hai tháng sau là kết trái ê hề. Trong những thửa ruộng sâm sấp nước, ốc bươu, ốc lác bắt đầu giao hoan, cua đồng bắt đầu sanh sản. Chèn ơi, giữa mùa mưa, chẳng những loại nghêu, sò, ốc, hến, cua, còng mài miệt giao hoan, xôn xao sanh sản mà lũ cá chài, cá úc, cá mè vinh trong sông cũng mê tơi kết trứng thụ tinh.
Trước khi vu qui một tuần, cô Năm Thể Tần thỏ thẻ với Hai Tấn Vinh:
- Con Diệm Quang chắc được đẻ bọc điều hay sao? Cho tới bây giờ nó toàn gặp chuyện thuận buồm xuôi gió. Giờ đây, nó sắp lấy chồng và sẽ không ở chung với gia đình bên chồng, khỏi hầu hạ tía má chồng. Bởi chồng nó phải trông coi nhà thuốc Tây ở chợ tỉnh. Nó phải theo săn sóc chồng và phụ tá việc buôn bán. Còn riêng em, em phải ở chung với gia đình bên chồng. Trời ôi, nghĩ tới mình phải phụ giúp mẹ chồng chăm sóc một đại gia mà em lo lắng bất an, chẳng biết mình cán đán giang san nhà chồng có xuể không đây?
Hai Tấn Vinh an ủi:
- Tía má anh hiền lành, dễ dãi, em cũng thừa biết rồi. Trong nhà có ông già bà cả vẫn hơn vì họ có nhiều kinh nghiệm truyền lại cho mình.
Rồi chàng đỏ mặt ngập ngừng:
- Con Ba xấu nết, dở chịu đựng. Ở chung với các bực trưởng thượng thì sao ổn đây? Cô dượng Bang Biện của anh sở dĩ cho nó ra riêng là để vợ chồng nó được sum hiệp khi tuổi còn trẻ, máu huyết còn nồng nàn, tinh lực còn chan chứa. Vả lại, họ có nuôi hai con cháu gái mồ côi cha làm con để họ hủ hỉ sớm hôm nên cảnh nhà khỏi hiu quạnh. Thiệt ra, má anh và cô Út phải đề phòng cái xấu nết của con quỉ nhát gan đó, kẻo không bên chồng nó sẽ chê bai nó.
Cô Năm Thể Tần cưòi xòa:
- Má và cô Út lo xa đó thôi, chớ con Ba đâu đến nỗi... tệ. Cô Út bảo rằng rồi đây khi ăn nằm với chồng, nó sẽ rên rỉ rùm beng. Phép chồn ở trong tiếng rên kia sẽ làm cho chồng nó mê mẫn lậm lú nó, không bao giờ thèm liếc trộm các giai nhơn tố nữ nào khác.
Hai Tấn Vinh cuời ngượng nghịu:
- Dòng họ anh, gái cũng như trai, ai ai cũng xấu nết lúc ăn nằm với người bạn đời của mình. Cho nên má anh dọn căn buồng tân hôn của vợ chồng mình ở căn khít lẫm lúa, cách nhà một cái sân phơi lúa lót gạch tàu.
Cô Năm chỉ biết đắm đuối nhìn người yêu của mình bằng cặp mắt ướt rượt, bằng cái nhìn chứa chan tin cậy.
Đám cưới của Hai Tấn Vinh thiệt tưng bừng nhộn nhịp. Ông Hội Đồng Bền cho làm một con bò và hai con heo. Sau ba ngày nhóm họ và rước dâu, chàng ngủ trưa cho tới chiều tối để lấy sức. Đêm hiệp cẩn, cô Năm Thể Tần mới biết cái xấu nết của chồng. Chàng thở hùng hục, chàng rên ậm è, chàng cựa quây lung tung beng. Đôi lúc, chàng thảng thốt vừa nói sảng quàng vừa cười vu vơ, dù tiếng nầy dính qua tiếng kia, không vang từng vần rõ rệt.
Cô Năm chỉ biết ôm chặt chồng, quên cái đau của cơn bị xé rách đầu đời. Sau đó, cô đâu có cần rên rỉ để biểu diễn lạc thú tuyệt vời đang len lỏi vào từng sớ thịt tế bào của cô. Cô chỉ cần nương theo tiếng thở, tiếng rên của chồng mà nghiền ngẫm cái lạc thú của mình cũng đủ thả hồn bay lên tuyệt đỉnh của thiên đuờng cảm giác rồi. Nam Tào Bắc Đẩu ơi, cô chỉ cần lắng tai thôi, nhưng tiếng vang hạnh phúc của chồng cô được diễn tả bằng những thứ tiếng nóng bỏng nhục cảm ấy lọt sâu vào đáy thẳm của trái tim cô, vào các ngõ ngách của tâm hồn cô, biến thành tiếng hoan ca lảnh lót. Mỗi tiếng rên, tiếng thở như ăn nhịp theo cái đít của chồng cô trồi lên hụp xuống trên thân thể cô.
Lúc tan cuộc, cô Năm Thể Tần thì thào:
- Thằng cha nầy... xấu nết thiệt mà! Em thích có một tấm chồng xấu nết như vầy. Thử đem ông vua tới đổi, em cũng không thèm.
Hai Tấn Vinh cười:
- Anh rên cho anh, mà cũng rên luôn dùm cho em. Nếu em không bằng lòng thì từ rày về sau, anh sẽ im như cái cối đá, như cái mộ bia.
Cô Năm Thể Tần, cười lỏn lẻn:
- Đồ quỉ nà! Có sao thì nên để vậy chớ bộ. Em có chê cười hay ngăn cản gì anh đâu? Mà nè, khi giao hiệp với em, anh dùng điệu Tây hay điệu Tàu?
Hai Tấn Vinh nói:
- Chẳng có điệu gì ráo trọi hết. Hễ cưng em thì anh tự chế biến mấy cách kiểu cọ vậy mà.
Cô Năm Thể Tần về nhà chồng không cần sắm sửa đồ tuế nhuyễn nhiều. Cô chỉ đem theo hai rương quần áo và một mớ nữ trang trong đó có những món sính lễ: đôi bông tai, cặp vòng tay, sợi dây chuyền bướm, cặp cà rá cẩn hột xoàn từ 3 ly rưỡi trở lên. Sưu bộ cẩm thạch mà cô đang đeo là quà tặng của ông bà Ba Mừng. Đôi vòng huyết ngọc, cặp cà rá nhận ngọc điệp, xâu chuỗi trân châu, cặp vòng chạm Tứ Linh (long, lân, qui, phụng), kiềng chạm, kiềng trơn, tuy thuộc loại nửa cổ nửa kim, nhưng vì đó là do bà Hội Đồng Vui sắm cho cô nên cô không phá ra để làm các món nữ trang tân thời. Ông bà Hội Đồng Vui vốn thực tế, nên cho cô 20 mẫu ruộng làm của hồi môn, chớ không cho cô một viên hột xoàn nào.
Về phần cô Ba Diệm Quang, bởi cô sẽ có nhà riêng sau khi lấy chồng nên bà Hội Đồng Bền sắm cho cô những vật dụng trong nhà toàn là vật quý: náp bàn lẫn khăn ăn, áo gối, khăn tay đều kết reng hoặc thêu đục lỗ; chén dĩa bằng sứ; thau chậu, nồi niêu bằng đồng đỏ hoặc thau vàng; bàn ghế toàn bằng danh mộc... Còn nữ trang, đàng trai làm sính lễ đôi bông tai nạm cặp kim cương mỗi hột lớn cỡ 5 ly rưỡi, một sợi dây chuyền bạc với miếng mề-đai nhận chín viên hột xoàn, mỗi hột cỡ 4 ly ngoài, một cặp vòng vàng chạm phụng giao đầu, một cặp cà rá nhận một viên huyền châu cặp với viên trân châu, viên nào cũng bự cỡ trái trứng cá. Còn nữ trang do cô làm của hồi môn ngoài đôi bông tai kim cương, cặp vòng chạm bát bửu, cặp cà rá nhận ngọc saphir còn gồm một sưu bộ ngọc lựu chen huyết ngọc gồm chuyền bướm, cà rá, vòng tay, bông tai, kiểu tinh xảo... Cũng như cô Năm Thể Tần, cô Ba Diệm Quang đem về nhà mới của mình hai rương quần áo. Nếu quần áo cô Năm, trừ bộ áo cặp ba hôm đám cưới gồm chiếc áo gấm son tươi hoa bạc, áo the màu hường, áo the màu huỳnh yến, còn toàn là những áo quần bằng lụa nội hóa như cẩm nhung, cẩm châu, cẩm vân, cẩm tự, cẩm trước, nhiễu, xuyến, lãnh Tân Châu, the bông nhung ép, lụa Hà Đông, lụa Duy Xuyên... thì quần áo cô Ba bằng gấm Thượng Hải, nhung Tây Dương, mousseline, crêpe de Chine, hàng đăng-ten...
Có nhà riêng, sống bên cạnh bà tớ già chẳng những điếc lác mà còn chiều chiều nhậu nửa xị rượu nên ngủ say như chết, cô Ba Diệm Quang cảm thấy lòng mở cờ, dạ nở huê, đắc chí lắm. Đêm hiệp cẩn, cô tuy không dám hét la như heo bị thọc huyết, nhưng cô khóc nhễu nhão, khóc dầm dề. Hai Thể Phụng vỗ về vợ:
- Anh cưng em mà. Anh có hành quyết em đâu. Xin em cố gắng một chút.
Mấy đêm sau, cô Ba Diệm Quang rên rỉ những lời sảng quàng phảng phất ý tình những câu mà chị Hai Tuyết Nga đã từng rên rỉ với tên tào cáo Jean Michel Dupont. Nhưng cô đổi những tiếng mầy, tao, thằng chó đẻ, thằng thiên lôi... thành những tiếng âu yếm hơn như: em yêu của anh đây, vợ của anh đây, cưng của em, kho tàng của em, giấc mơ tuyệt đối của em, bửu bối của em... Cô thách thức: giết em đi! rồi cô đòi chết, quả quyết thế nào mình cũng giảm thọ vì hưởng tràn trề thỏa thuê khoái lạc tuyệt vời. Theo cô, chết vì hạnh phưóc thì cũng nên chết.
Và rồi đó, hai tháng trôi qua, tiếng rên rỉ của cô Ba Diệm Quang được vặn nhỏ volume hơn. Cô không thách thức chồng cô giết cô nữa. Cô cũng không than chết, không đòi chết và không quả quyết thế nào mình cũng chết nữa. Cô tuyên bố mình sẵn sàng đậu thai, tình nguyện có chửa và hứa sẽ không chửi chồng lúc lâm bồn, khác hẳn thứ đờn bà hung dữ xấu nết. Cô còn hứa sẽ đẻ cho chồng thiệt nhiều con, đẻ sai như chuột bạch đẻ con, đẻ ê hề như cá lóc hoặc cá chái đẻ trứng. Cô hứa cô hẹn tưới hột sen, miễn là tối tối chồng cô giúp cô được đê mê ngây ngất như bao buổi tối trong tuần trăng mật.
Riêng chàng Hai Thể Phụng kia, tiếng rên và những câu nói sảng quàng của vợ giúp chàng hưởng những giây phút mê ly nồng nàn, những khoái lạc gay gắt. Chàng đâu ngờ ở những thứ đó là do bí thuật của bà Út Túy Ngọc và của chị Hai Tuyết Nga đưa vào khiến tiếng rên du dương và gợi dục ác ôn, khiến lời sảng quàng kích thích tột độ!
Nói chung cặp Tấn Vinh & Thể Tần tràn trề hạnh phước và cặp Thể Phụng & Diệm Quang lai láng ái ân. Biển hạnh phước thì bao la, còn trời ái ân thì bát ngát. Cô Năm Thể Tần thừa biết mình phải gánh vác giang san nhà chồng sau tuần trăng mật. Cô tỏ ra một chủ phụ đảm đương, giỏi dắn, siêng năng, giàu sáng kiến. Các món phổ thông thường nhựt nào mà được cô chiên nấu kho xào thì ngon tuyệt diệu tuyệt vời. Cô nấu canh bí đao, canh chua, canh rau cao kỷ, canh cải ngọt... thì nước trong văn vắt. Chưa ai nấu canh khoai mỡ, canh khoai tím khéo hơn cô, khoai không đóng cục lợn cợn. Các món cá kho của cô cũng khéo không kém. Cá biển, cá đồng, cá trắng, cá đen hoặc cá lụn vụn (như cá lòng tong, cá linh, cá rói, cá chốt, cá cơm, cá bống trứng...) có phước lắm mới được cô kho. Chèn ơi, các món kho đều thấm tháp mặn mòi, nước kho ngon béo thơm tho. Cô mà chấy tép, chấy tôm trứng thì con tép và con tôm trong vắt như chuỗi hổ phách. Cô mà luộc rau, xào cải thì rau cải xanh thắm như màu cẩm thạch hoàng gia hay màu ngọc loại thạch anh.
Mọi đồ đạc trong nhà đã sắp đặt theo khuôn nếp bà Hội Đồng Bền, cô Năm Thể Tần không dám biến cải. Cô chỉ lau chùi mọi món đồ vật thiệt sạch sẽ bóng lộn. Cha mẹ chồng cô có cảm tưởng một hột bụi là kẻ thù của cô, còn một miếng rác là kẻ nghịch của cô. Rèm màn cửa sổ được cô giặt giũ thường xuyên nên giữ được màu trắng mới. Tình yêu của cô đối với chồngcô, tình yêu của chồng cô đối với cô làm cô hăng hái trong việc nội trợ.
Còn cô Ba Diệm Quang, sau tuần trăng mật cũng bắt đầu trang hoàng tổ ấm.
Ngoài sân, cô bày hòn non bộ, các chậu cau kiểng, trạng nguơn, lạp mai, kim đồng, ngọc nữ... Trong nhà, cô bày bàn ghế bằng gỗ quí, tranh ảnh, đồ cổ ngoạn... Ngôi nhà với mọi phòng ốc được trang trí theo điệu nửa cổ nửa kim. Cô có biệt tài nấu các món Tây, món Tàu, làm các loại bánh Tây. Cô thêu đan kiểu Tây, kiểu Tàu avà đan áo len rất thạo. Vì mải mê yêu chồng, yêu cảnh nhà biệt lập và yêu việc nội trợ nên cô ít về Thiềng Đức thăm tía má cô. Chính bà Hội Đồng Bền thường rủ rê bà Út Túy Ngọc, chị Hai Tuyết Nga, cô Năm Thể Tần lặn lội đi Tân Ngãi thăm cô. Chị Hai Tuyết Nga phàn nàn với bà Út:
- Con Ba mặn chuyện vợ chồng nên lợt tình mẹ nghĩa cha, nên phôi pha với bà con láng giềng cũ. Chẳng biết thằng Hai Thể Phụng dùng bùa ngải gì mà con dâm phụ kia mê lú dường ấy?
o O o
Lật bật mà tháng chạp lai đến. Trưóc đó, chị Hai Tuyết Nga theo bà Út Túy Ngọc làm áp-phe và mua đi bán lại hột xoàn cẩm thạch nên cả hai mặc sức mà ăn diện choáng lộn, tha hồ mà giồi phấn thoa son hực hỡ, tha hồ mà vàng đeo ngọc khảm rườm rà. Cả hai đều có xe hơi lại còn biết tự tay lái xe nên tha hồ mà lui với nhau và đánh đôi đánh đọ giao thiệp với các bà nhà giàu, các bà danh giá trong tỉnh.
Đầu tháng Chạp, bà Út trúng mối vì bàn được 100 cây lãnh Tân Châu, thứ lãnh nhuộm mặc-nưa đen như mun. Chị Hai Tuyết Nga trúng mối bán vài món nữ trang cẩn hột xoàn, lời gấp đôi tiền lời bà Út. Cả hai nhờ miệng lưỡi chồn, nói gì ai cũng nghe. Họ chẳng những làm áp-phe ở tỉnh nhà mà còn làm áp-phe ở các tỉnh lân cận như Sa Đéc, Trà Vinh, Cần Thơ, Mỹ Tho. Ruộng đất ông Cai Tổng Khôn năm nay trúng mùa nên bà Út Túy Ngọc và chị Hai Tuyết Nga nhứt định năm nay ăn Tết lớn.
Hai Tấn Vinh và Hai Thể Phụng thường đến hội quán thể thao (cercle sportif) để chơi quần vợt vào mỗi chiều đẹp trời hoặc vào mỗi sáng Chúa nhựt. Tại đây, họ gặp tên tào cáo Jean Michel Dupont. Sự giao du thân thiết của cả ba ngoài tình bạn còn có tình họ hàng sui gia gắn bó.
Nghe bà Út Túy Ngọc và chị Hai Tuyết Nga tuyên bố ăn Tết lớn nên cô Năm Thể Tần và cô Ba Diệm Quang phát nôn. Cô Năm làm bánh tráng nước cốt dừa rắc mè đen, báng tráng ngọt rắc mè trắng, bánh phồng nếp để dành cho gia đình bên chồng và biếu một ít cho chị Hai Tuyết Nga vì chị nầy chỉ biết làm vài món Tây thông thường, nhưng vốn vụng về trong việc làm bánh làm trái, làm gái làm mụ. Xong xả, cô làm bánh tráng rắc tôm khô, bánh phồng tôm, bánh phồng cá thác lác cùng vài món mức để biếu bà Út Túy Ngọc, bà Ba Mừng, chị Hai Tuyết Nga và cô Ba Diệm Quang. Cô Ba làm bánh gai, bánh con đuông, bánh men, bánh petite madeleine có thể để dành lâu khi đựng trong những cái quả sơn son thếp vàng. Bánh men của cô lớn cỡ khu tô được bắt bông đường màu tím hay màu hường trong khóm lá xanh lục, đẹp quá là đẹp nên ai cũng thích ngắm chớ không nỡ ăn. Bánh phục linh của cô trắng như thạch cao và mịn như phấn được in trong các khuôn gỗ nên có hình vuông, hình quả trám viền răng cưa nổi bông mai hoặc bông cúc, hoặc bông sen hay bông huệ. Bánh gai và bánh con đuông của cô được nướng vàng đều, không một vệt cháy. Bánh petite madeleine của cô xốp như bông đá, có màu vàng ấm áp.
Bà Út Túy Ngọc làm nhiều món mứt cùng dưa giá, dưa cải, dưa kiệu, dưa gừng, dưa củ hành để dành cho cả nhà và biếu xén bà con. Mứt của bà vừa đẹp vừa ngon, còn các món dưa của bà vừa trắng phau phau vừa dòn rụm.
Ngày 24 tháng Chạp, tức là sau hôm đưa ông Táo chầu Trời một ngày, bà Hội Đồng Bền nhắn vợ chồng bà Út Túy Ngọc, vợ chồng chị Hai Tuyết Nga, vợ chồng cô Ba Diệm Quang ăn tiệc tất niên tại nhà mình. Bà sẽ đãi món suông, món chạo và món cà-ri vịt. Nhưng vào 7 giớ tối mới nhập tiệc. Các đấng râu mày vẫn còn đi lo công kia việc nọ nên không có ai tề tụ dưới mái nhà hương hỏa. Vào lối 11 giờ sáng, bà Út Túy Ngọc, chị Hai Tuyết Nga, cô Ba Diệm Quang xách quà lễ mễ tới. Cô Năm Thể Tần đã dọn bữa ăn trưa trên chiếc bàn tròn ở phòng ăn. Cả ba cùng bà Hội Đồng Bền và cô Năm Thể Tần trước hết ăn mực xào rau cần chấm nưóc mắm chanh ớt. Sau đó, họ khỉa món cá nhám hấp và thoa mỡ hành, cuốn với bánh tráng, rau sống và chấm với mắm nêm giã tỏi ớt.
Chị Hai Tuyết Nga vuốt cái bụng khá thon của mình duới lớp áo nhung xanh phớt lớp phấn tuyết nhung trắng mỏng:
- Kẹt rồi thím Hội Đồng và cô Cai Tổng ôi! Bấy lâu nay cháu nằm nhà để chồng nuôi thì không sao hết. Giờ đây, mới vừa bươn chải kiếm sống thì đùng một cái cháu dính chủng tử Pháp tặc trong bụng.
Và chị xoa cái bụng của mình:
- Thấy thương quá! Mới có ba tháng mà cái thai nầy máy động liền liền. Nó làm cho cháu thèm của chua dữ dội. Cháu ăn chùm ruột, me, cóc, khế, ổi, xoài sống lại còn thiếm xực dưa cải chua nữa đó.
Bà Hội Đồn Bền ngó qua cô Năm Thể Tần:
- Nàng dâu của thím cũng đang cấn thai.
Cô Năm Thể Tần không nói không rằng, cứ chúm chím miẹng cười, má đỏ rạo rực, mắt sáng long lanh. Sau cùng, cô phàn nàn:
- Thời buổi nầy con chờ cha là vậy. Vợ chồng con mới ăn ở với nhau một năm rưỡi chớ mấy và mà bụng con đã kết trái rồi.
Bà Út Túy Ngọc an ủi:
- Vậy thì anh chị Hội Đồng và thằng Hai có phước chớ sao? Cô Ba Diệm Quang ngứa miệng:
- Lóng rày, con cảm thấy trong người khang khác mọi lần. Ông thầy Chín
Tể coi mạch hốt thuốc cho con quả quyết chừng 7 tháng sau, gia đình riêng của tụi con có thêm một miệng ăn nữa.
Đang lúc đó có khách tới thăm. Gặp lúc ông Hội Đồng Bền và Hai Tấn Vinh vắng nhà nên bà Hội Đồng Bền phải lên trung đường tiếp khách. Cô Năm Thể Tần lo việc châm trà đãi khách xong rồi trở về phòng ăn để tiếp chuyện với bà Út Túy Ngọc, chị Hai Tuyết Nga và cô Ba Diệm Quang.
Bà Út Túy Ngọc tinh quái nhìn chị Hai Tuyết Nga:
- Cô thấy lóng rày mặt mày thằng tào cáo hốc hác, tóc tai bơ phờ. Chu choa ơi, cháu hành hạ nó cách nào mà nó xệ dữ vậy, Hai? Đờn bà có thai thường sung sức nên chồng họ dã dượi bèo nhèo, mặt mày tó ré...
Chị Hai Tuyết Nga nguýt:
- Cháu đâu được vậy. Có thai, cháu cảm thấy bễ nghễ trong người nên không nhiệt thành chiều chuộng tên dâm dâm tặc đó. Thằng cha tào cáo sung sức mà không thõa mãn nên nó mới lửng đửng lừ đừ, sật sừ sật sưỡng dường ấy. Thấy nó mà cháu bắt động lòng. Tối nay, cháu phải bù sớt cho nó kẻo không, nó đến bộc-đền (bordel, tức là nhà thổ) hành sự với mấy con điếm thúi thây lầy lụa... thì cháu có nước tức hộc máu.
Cô Ba Diệm Quang nói nho nhỏ:
- Mỗi tháng, dù không tức giận chồng em, em vẫn cứ hộc máu đều đều. Nhưng mấy tháng rồi thì không. Hèn chi thầy Chín Tể quả quyết em có chửa. Thằng chồng dê đực của em... khỏi nói. Ảnh siêng năng, cần mẫn việc... đó đó, hèn nào mà em chẳng dính cái mầm sống của ảnh trong bụng mình?
Bà Út Túy Ngọc quay qua hỏi cô Năm Thể Tần:
- Sao, vợ thằng Hai Vinh? Thằng cháu của cô phục vụ cháu ra sao? Cô Năm Thể Tần cười đỏ mặt:
- Dạ, cũng thường.
Chị Hai Tuyết Nga háy dài:
- Thường là sao? Em phải cắt nghĩa cho rõ ràng mới được. Bà Út Túy Ngọc cắt nghĩa:
- Thường có nghĩa là không đặc sắc, phải không cháu?
Cô Năm Thể Tần ấp úng:
- Ý cháu không phải vậy. Cháu muốn nói nghĩa khác... Cô Ba Diệm Quang tức tối ngó sững chị dâu:
- Coi bộ chị dâu tui bắt đầu ăn nói trặc trẹo rồi đây!
Cô Năm Thể Tần cúi mặt xuống bàn tròn, ngập ngừng ngâp ngữi:
- Thưa cô Út, anh Tấn Vinh của cháu mặn nồng với cháu thường... xuyên! Tụi cháu còn trẻ, kết hôn kịp thời đúng lúc. Cho nên cháu khỏi cần nói nhiều, cô cùng chị Hai và em Ba cũng đoán ra sao rồi.
Cô Ba Diệm Quang đắc chí:
- Ừ hén, vợ chồng em cũng vậy, toàn bày chuyện trời long đất lỡ không hè. Không biết anh Hai em và ông tào cáo kia kinh khủng tới bực nào, chớ thằng chồng đẹp trai ngó hoài không chán của em... ghê lắm! Rùng rợn lắm lắm!
Mọi người hét lên cười. Bà Hội Đồng Bền vừa khi khách cáo lui nên trở lại phòng ăn. Biết là không thể nói tục, nói trây được nữa nên bà Út Túy Ngọc cùng ba cô cháu xuống bếp để sửa soạn bữa tiệc tất niên.
Cô Năm Thể Tần ra sàn nước để mổ vịt. Bây giờ là giữa mùa nắng, nước lắng trong xanh. Gió chướng mát rượi thổi xôn xao, lướt trên đám vông đồng trổ bông đỏ thắm. Đó đây, trên nhánh cao của cây mù u, cây dâu miền dưới, cây mít nghệ, chim tu hú ttỉnh thoảng kêu văng vẳng. Một cảm giác êm ả mơn trớn tấm lòng cô. Giờ đây, dưới bà Hội Đồng Bền, cô là chủ phụ trong đại gia đình nầy. Bà Ba Túy Khuê, bà Tư Túy Châu, bà Út Túy Ngọc, cô Ba Diệm Quang, chị Hai Tuyết Nga, tuy là những phần tử của gia đình đó, nhưng tựu trung, họ là những người khách. Cha mẹ chồng cô tỏ ra dễ dãi đối với cô. Chồng cô cưng yêu cô. Cô phải tỏ ra một bà chủ phụ xứng đáng, biết châu toàn trách nhiệm. Bà Hội Đồng từ khi có nàng dâu hiền hậu đảm đương, có rể giàu sang danh giá nên sanh tâm mộ đạo. Bà giới hạn công việc nội trợ để có thời giờ rảnh rang, để đi chùa dưng hương, nghe thuyết pháp và làm công quả.
Con vịt đã làm xong, được chặt từng miếng vuông vuông để nấu cà-ri chà. Chị Hai Tuyết Nga giữ phần lặt rau và rửa rau. Bà Út Túy Ngọc quết tôm để cô Ba Diệm Quang làm chạo, làm suông. Cô Năm Thể Tàn nghĩ tới niềm hạnh phước bền bĩ và thắm đượm trong cuộc hôn nhơn giữa ông Cai Tổng Khôn và bà Út Túy Ngọc. Cô thường nghe chị Hai Tuyết Nga rỉ tai cho biết là bà dùng phép chồn để nịch ái chồng, biến đổi ông chồng vào thời chưa kết hôn với bà, ưa việc mèo mỡ tùm lum tà la. Tới 40 tuổi ngoài mà bà hãy còn non nheo nhẻo như phụ nữ ngoài 20. Còn ông Cai Tổng Khôn dù đã ngũ tuần, nhưng vẫn tráng kiện, tươi tắn nhu đờn ông ngoài 30. Phép chồn chắc không qua niềm lạc quan từ thâm tâm của vợ chồng bà chiếu ra, nên biến họ trẻ trung sinh động dường ấy!
Riêng chị Hai Tuyết Nga, lúc đầu bị mẹ kế gả ép cho tên tào cáo dị chủng, chị than khóc áo não, đòi tự vận. Vậy mà bà Năm Tố Liên cam đoan với họ hàng bên chồng rằng bà không gả lầm cô con ghẻ cưng ngọc cưng vàng của bà vào chỗ đoạn trường oan nghiệt; rồi đây chị Hai Tuyết Nga sẽ hạnh phước ngỏa nguê. Và khi bà nằm trên giường chờ chết, không hiểu chị Hai Tuyết Nga nói nhỏ gì bên tai bà nên bà nở một nụ cưòi tươi rạng trước khi tắt nghỉ.
Còn cô Ba Diêm Quang, từ khi lấy chồng, bởi quá hạnh phước nên cô trào lộng một cách duyên dáng mặn mòi. Nhưng cô Năm Thể Tàn thì khác, càng hạnh phước cô càng trầm lặng để nghiền ngẫm hạnh phước. Theo cô, hạnh phước phải có khuôn mặt huyền ảo thì nó càng sắc đậm hơn. Nhưng khi có ai hỏi đến chuyện ái ân của vợ chồng cô thì cô không hề che giấu, cũng không nói huỵch tẹt ra. Cô ưa nói lửng lơ, nửa tỏ nửa mờ cốt để người nghe tưởng tượng thêm.
o O o
Khi ông Hội Đồng Bền và Hai Tấn Vinh lần lượt về tới nhà thì ông Cai Tổng Khôn, tên tào cáo Jean Michel Dupont, Hai Thể Phụng cũng lần lượt đến, mang nhiều thứ trái cây nhập cảng, bánh hộp, rượu Tây. Bà Út Túy Ngọc thay mặt chị dâu tiếp khách. Cô Năm Thể Tần chiên bánh phồng tôm, chiên tôm lăn bột và xào dĩa mực tươi với dưa leo và cà chua cho họ đưa cay trước.
Trong bếp, cô Ba Diệm Quang hỏi chị Hai Tuyết Nga:
- Hồi bác Hai gái (chỉ bà Năm Tố Liên) hấp hối, chẳng biết chị nói giống gì mà coi bộ bác hoan hỉ lắm vậy?
Chị Hai Tuyết Nga lộ vẻ cảm động:
- Chị tạ ơn má Năm của chị gả chị nhằm chỗ xứng đào xứng kép về thể chất. Em biết không, chị chỉ có thể lấy Tây, chớ lấy chồng đồng chủng thì có khác nào hũ mỡ để cho đuôi chuột vọc, lơ lơ lửng lửng, không chạm vào đâu.
Má Năm của chị cũng có cái cấu tạo thể chất như chị vậy. Cho nên bả không hạnh phước với tía của chị. Bởi đó, với kinh nghiệm đau thương, bả không muốn chị đi theo vết xe của bả. Bả quyết biến thằng tình nhân dị chủng của bả thành thằng rể của bả, nhưng nó có thể đem lại hạnh phước và lạc thú gối chăn cho chị. Có vậy, chị khỏi thay đào đổi mận và khỏi ngoại tình lung tung beng, khỏi gieo tiếng xấu cho gia tộc. Má Năm chị tuy không phải là người vợ trung thành với chồng, nhưng rất mực tử tế với chồng, giàu lòng vị tha và thông cảm với cô con ghẻ của bả là chị đây.Tía của chị không bao giờ phiền trách má Năm của chị, chỉ biết mang ơn bả mà thôi. Hình như giữa họ có một giao ước gì đó.
Cô Năm Thể Tần bảo:
- Hơi đâu mà nghe theo miệng đời. Cô Út bảo với em rằng bà kế mẫu của chị là người phụ nữ tuyệt vời.
Chị Hai Tuyết Nga hướng về tiếng cười nói của bà Út Túy Ngọc:
- Hạnh phước vốn có thiên hình vạn trạng bộ mặt. Nhưng với tấm lòng thành thiệt, chúng ta dễ bắt gặp cái chơn hạnh phước. Đừng có mang mặt nạ đạo đức, đừng có hổ thẹn không đúng chỗ thì chúng ta không lầm lạc khi gặp cái chơn hạnh phúc. Mình sướng hay khổ thì chỉ có mình biết thôi; chẳng ai vào đây thay thế mình để gánh vác hoàn cảnh và tâm trạng của mình. Có tội hay không là cướp giựt hay tiêu hủy cái hạnh phước của tha nhơn. Hai em từ đây về sau thử chiêm nghiệm cách sống của má Năm chị để coi có khế hợp với cái bổn hoài của các phụ nữ kém may mắn hơn các em không?
Truyền Kỳ Trên Quê Nam Truyền Kỳ Trên Quê Nam - Hồ Trường An