Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Trong Mưa Núi
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 3: Mũi Dụ Của Người Cà Tu
T
ôi rất ham hỏi những chuyện miền núi của anh A Xơơp (Quách Xân). Đặc biệt, anh biết rất nhiều về dân tộc Cà-tu, viết đúng là Ctu hoặc Ktu, ở Tây Quảng Nam. Tôi đã từng qua lại vùng Cà-tu hồi đánh Pháp, có thể hình dung được những gì anh kể, nghe càng mê.
Lâu nay anh hay đi vắng, bận chuẩn bị cho một hội nghị lớn của Liên khu ủy bàn về công tác miền núi. Đến nay, khi Ban miền núi của anh sắp tách khỏi Ban tuyên huấn để ra ở riêng, anh mới dành ba buổi tối kể cho tôi hai mảng hồi ức về người Ca-tu: chiến đấu và học chữ.
Nhờ cây đèn dầu bằng ve màu bạc hà thắp nhỏ ngọn của anh, tôi mới ghi chép được ban đêm theo lời kể.
Năm xưa đánh Pháp, đường hành lang của Quân tình nguyện Việt Nam từ Liên khu 5 lên Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia đi qua Quảng Nam, từ Bến Giằng chạy về hướng tây, qua vùng Cà-tu và nhiều vùng dân tộc khác.
Trên đường sang Lào, nhóm cán bộ quân đội chúng tôi gặp một trận càn quét dài ngày ở huyện Đak Chưng bên kia biên giới, phải lùi lại ở vùng Cà-tu và phục vụ chiến dịch vận tải muối lên Lào đang gặp khó khăn. Qua hơn 30 năm, tôi còn nhớ những tên làng dọc đường hành lang ấy: Pốt Xít, Ôk Run, A Ró, La Bơ, Kim T'rơn, Đak Ôk, sau đó vượt dốc Tang Đam là đến nước bạn.
A Ró là một làng Cà-tu lớn, dạo ấy chưa từng bị bom đạn, có nhiều nhà gỗ bề thế và nhà làng khá to.
Dân làng rất gắn bó với Chính phủ Cụ Hồ, làm ăn no đủ lắm gạo bắp heo gà. Vùng này có một đặc sản quý là cây tà-vạc còn gọi là cây đoát, mọc tự nhiên.
Tôi thường đi với mấy cậu trai làng A Ró lấy rượu tà-vạc. Cây này giống cây dừa nhưng quả nhỏ hơn, kết thành buồng. Đồng bào khía dao vào cuống buồng, đặt một ống tre có bỏ sẵn thứ vỏ đắng làm men, kê vào thân một cây tre cao có những cành chặt ngắn làm thang. Chỉ cần leo lên tháo ống đầy cho vào gùi đeo lưng, thay ống rỗng vào đấy, rót ống rượu vào cái ché cõng theo. Đầy ché thì cõng về đặt trong nhà làng, lấy ché khác đi trút tiếp. Mỗi tối, tắm rửa cơm nước xong, đàn ông con trai kéo đến nhà làng, đốt lửa sáng, ngồi uống tà-vạc bằng những ống tre gọt vát miệng, bàn việc làng việc rẫy. Rượu tà-vạc bốc men nhẹ, vị ngọt và đắng, ngon hơn bia nhiều và chắc chắn là rất bổ.
Các bà các chị không đến nhà làng, đều thích uống thứ tà-vạc ngam (nước đoát ngọt). Thấy tôi cũng ngại vị đắng, anh em đặt những ống tre không bỏ vỏ đắng để lấy nước ngọt cho tôi, nhưng chất men ngấm sẵn trong ống vẫn làm cho tà-vạc lên men dìu dịu, uống rất tuyệt.
Bộ đội Hạ Lào qua lại thường đổi áo quần lấy heo gà, nhiều gia đình trong làng mặc không hết. Muối và rìu rựa rất sẵn do dân công và đàn voi vận tải đưa lên, các trạm trả công hay mua gạo bằng các thứ ấy, giá phải chăng hơn nhiều so với thương lái. Chỉ có một thứ hồi ấy đồng bào cần đổi mà khó kiếm: thuốc xtô-vác-xôn. Rất nhiều người hỏi tôi: "Mày vài vác-xôn cà, cu cơn?" (Anh có vác xôn không, tôi đổi?). Anh em ở trạm cho biết: một số dân làng bị nhiều mụn cóc, chữa và cúng mãi không lành, sau một ai đó cho uống thuốc viên xtô-vác-xôn thì rụng hết. Người bị ly a-míp uống cũng khỏi, tất nhiên.
Từ đó đồng bào rất mê vác-xôn, coi trọng hơn cả xi-nâng (đa-giê-năng). Trạm phải nhắc anh em qua lại tuyệt đối không được đổi bậy bằng thuốc linh tinh khác. Tin dùng thuốc chữa bệnh là một nét mới của đồng bào ở đây.
Theo tài liệu của Ban miền núi Liên khu 5, vào năm 1961 dân tộc Cà-tu có độ 18 ngàn người, là dân tộc đông người nhất ở tây Quảng Nam, phần lớn sống trong hai huyện Hiên và Giằng, lan ra đến tây Thừa Thiên. Thực dân Pháp rất căm người Cà-tu, gọi họ cùng với người Ya-rai là "bọn uống máu", bởi luôn luôn bị họ chống cự dữ dội. Anh Xân nói thêm: đi đôi với truyền thống thượng võ, ngang tàng, người Cà-tu còn có tính hào phóng, hiếu khách, rất coi trọng thể diện dân tộc. Một hội nghị mở ở vùng Cà-tu, đồng bào mấy làng chung quanh cho ngay chín con trâu và ép Ban tổ chức phải nhận: "Cho chung cách mạng chớ có cho riêng tụi bay đâu, đừng sợ nhiều!".
Giữa hội nghị, một đồng chí mở máy thu thanh trúng buổi Đài Tiếng nói Việt Nam lần đầu phát bằng tiếng Cà-tu, mọi người bỏ bữa cơm ào ào chạy đi nghe, các ông già chảy nước mắt: "Mình làm tốt, Bác Hồ biết hết, biểu anh em nói cho cả nước biết nữa!".
Bên cạnh cây ná và tên thuốc độc, người Cà-tu quen chiến đấu bằng cây dụ, một kiểu giáo có thể dài đến hai sải tay, thân nhẹ và dẻo chắc, có đốc nhọn để cắm ngược xuống đất, mũi mảnh và sắc như dao cạo, người bị đâm bằng dụ có khi lòi ruột ra mà không biết.
Mũi dụ của người Cà-tu không phải lúc nào cũng chĩa đúng hướng vào Pháp hay Mỹ.
Từ đời ông đời cha truyền lại tục xấu đi đâm người vì mê tín. Họ còn đánh nhau với người Kinh, người Ve, người Cà-doạt, đánh đến tận Thừa Thiên và Lào. Những khoản nợ đầu do mê tín và oán thù cứ chồng chất lên mãi, trong khi bọn thống trị không ngớt đổ thêm dầu vào lửa. Nếu không có Đảng ta kiên nhẫn cởi gút các hiềm khích, dân tộc Cà-tu ắt không tránh khỏi suy yếu, hao mòn, đi dần đến diệt vong.
Có thể thấy rõ điều này qua câu chuyện "giặc mùa" và "ăn đầu trả đầu" do anh Xân kể 1.
Những năm xưa, hồi Pháp thuộc...
Đến khoảng gần Tết ta, trời lạnh không mưa, sau những dãy núi nhấp nhô phía tây hiện lên ráng chiều đỏ bầm. Người Kinh lo lắng nói: "Tới kỳ động mọi rồi đó!".
Đám thương lái vùng cao hối hả về nhà, rỉ tai nhau những tin làng này làng nọ trên núi đã luộc chim, tức là luộc gà để xem cặp chân báo điềm tốt xấu. Các làng Kinh ở giáp ranh vội vã sửa rào quanh làng, quanh nhà, mài dáo mác, sửa soạn trống mõ và đồng la để báo động dây chuyền. Ai còn người thân đi làm ăn trên núi chưa về, không sao ăn ngủ được nữa.
Sau đó, liên tiếp được tin người lấy dầu rái trúng dụ đổ ruột, nhóm kéo gỗ bị hãm (vây), chết một thoát hai, một lái buôn bị đâm ngay trước cổng nhà mình.
Khủng khiếp lan tràn. Người huyện Đại Lộc phía Hà Nha lên núi bị nhiều. Mọi Bến Hiên ít dữ hơn, chỉ đâm vài người rồi thôi. Bến Giằng, dọc nhánh sông lớn, lại ít (đâm) người Kinh hiền lành đi làm ăn mà đánh nhau với quan quân Pháp khá mạnh, dùng tên thuốc độc nhiều, không cố đâm để lấy máu trên lưỡi dụ về cúng. Lại còn nghe những vụ chém giết khác trên núi cao, "mọi trả đầu nhau" còn dữ dội hơn mé dưới này.
Tất cả đều xảy ra ở vùng dân tộc Cà-tu hoặc chung quanh đấy. Hết sức khó hiểu.
Có năm giặc mọi nổi rộ lên, như hồi Pháp bắt dân đi xâu (sưu) đắp đường 14. Đồn trưởng Mi-sông dẫn quân lùng sục bị trúng tên độc, nghe nói hắn tự hớt thịt và gọi tàu bay thả thuốc xuống, sống sót. Mọi xuống vây đốt cả đồn An Điềm. Pháp và quan Nam vây bắt mọi khắp nơi đem về tra tấn rất ác, không truy được gì, cũng không làm giảm được sự chống cự. Những người cách mạng đều biết là các dân tộc vùng núi nổi dậy chống sưu thuế, đó là phần đúng và tốt trong những vụ làm giặc rối bời của người Cà-tu.
Đến Cách mạng tháng Tám bỗng hết động mọi. Hết hẳn. Đồng bào Thượng xuống thăm chơi vùng Kinh nhiều, cán bộ và đồng bào Kinh lên núi tự do. "Bây giờ Cụ Hồ biểu lo đánh Tây, không được đâm tầm bậy".
Yên ổn được khá lâu Đột ngột, năm 1952 xảy ra một vụ đâm nhau giữa người Thượng ở huyện Hiên và huyện Giằng. Tiếp ở Hiên hai anh bộ đội tình nguyện Hạ Lào bị đâm chết, mất một súng. Qua 1953 dồn dập hơn: một giao liên bị đâm ở Lấp (trên đường núi Quảng Nam đi Thừa Thiên), rồi một người đi rừng ở Hiên, tiếp một dân buôn cũng ở Lấp, một dân buôn nữa ở Giằng. Biệt kích của Pháp chăng? Hay là gián điệp luồn vào xúi bẩy dân làm bậy?
Tôi (Quách Xâm) về huyện Hiên vào cuối 1953. Mới đặt ba-lô xuống mấy tiếng thôi, đến tối lại có người bị đâm ngay gần huyện ly. Các nơi báo cáo có nhiều dấu chân lùng lội ngoài núi, "dấu giặc rừng". Đồng bào Thượng vùng thấp đều lo sợ, làm rẫy phải đi muộn về sớm, đàn bà đi đâu có đàn ông theo giữ, mỗi làng cắt người canh gác ngày đêm. Họ đoán: giặc không đâm được người Kinh sẽ đâm tới người Thượng thấp, hết cá thì bắt tới tôm thôi? Cơ quan huyện luôn luôn bị rình, càng tối trời càng căng thẳng. Chó sủa rộ từng hồi. Ta bắn lên trời, gọi loa ra chung quanh bảo không được làm bậy, chỉ vắng một lát lại nghe chó sủa rầm rầm. Các nhà Kinh đều rào kỹ, sắp sẵn dáo mác và đá cục để ném ra, ăn cơm sớm, đêm tránh thắp đèn sợ bị tên độc bắn vào. Đã thế vẫn có nhà bị một mũi dụ đâm xuyên qua phên, sượt một bên đầu người ngủ. Bộ đội có súng vẫn không thể đi riêng lẻ: biết ai là dân, ai là giặc trong số đồng bào Thượng vác dụ cầm ná gặp dọc đường? Một đồng chí gác cơ quan hoảng quá bắn bậy, tôi bị viên đạn chui qua dưới háng. Các đội tuyên truyền võ trang lội núi gọi loa suốt ngày, nhưng giặc vẫn ẩn hiện như ma.
Cứ như thế trong hai tháng rồi, không có gì báo trước, giặc rừng chợt biến mất sạch. Đó là lúc tiếng rìu đốn cây phát rẫy bắt đầu dội xa gần trên các triền núi.
Mùa rẫy mở ra, mùa giặc chấm dứt.
Đảng bộ các cấp họp liên tiếp, tìm nguồn gốc và cách giải quyết nạn giặc mùa rối rắm vô cùng của dân tộc Cà tu.
Truy về thời xa xưa, ta biết phong kiến Việt Nam thống trị cả Kinh lẫn Thượng, chuyên dùng quân lính người Kinh lên đánh người Thượng để lại mối hiềm khích khó nguôi. Thực dân Pháp sau này cũng làm hệt vậy.
Người Cà-tu với cặp mắt mộc mạc quen xem người Kinh như kẻ thù. Sau Cách mạng tháng Tám, cán bộ và bộ đội người Kinh đến với người Thượng như anh em ruột thịt, đã tạo nên hình ảnh mới của người Kinh tốt bụng, loan truyền khắp nơi lời dạy đoàn kết của Bác Hồ. Người Cà tu quên dần chuyện cũ, đã xoay mũi dụ căm hờn của mình vào đúng kẻ thù chính. Nhưng vẫn có một số thương lái Kinh quen bóp chẹt lừa đảo, một số cán bộ hống hách, một số bộ đội phạm chính sách, khiến cho những kẻ bất mãn trong làng được dịp rỉ tai xui chống đối...
Bên cạnh đấy, còn những khoản nợ đầu giữa người Cà-tu với các dân tộc láng giềng không dễ quên đi. Sau mấy năm nghe lời Cụ Hồ dạy mà ngừng đánh nhau, chỉ cần một đốm lửa va chạm nào đó cũng đủ làm bùng lại những đám cháy cũ. Dễ nổ nhất là kho thuốc súng giữa người Cà-tu và người Ve.
Cộng vào đó, trực tiếp châm ngòi gây nên giặc mùa hàng năm là những mê tín dị đoan lâu đời của người Cà tu mà Đảng ta chưa đủ thì giờ giúp họ tự xóa bỏ.
Cách mạng vừa thắng thì kháng chiến ập tới, công súc dồn cả vào việc đánh Tây trước hết, và những tục xấu kín đáo trỗi dậy.
Vào tháng chạp lịch âm, người Cà-tu có lệ đào lên và khiêng dồn xác tất cả những người chết trong năm ấy đem chôn vào một chỗ, cùng làm mồ một lần rất to rồi thôi luôn. Mồ mả bị quật lên rất thối, cả làng chịu khổ và bức rức, buồn bã. Bọn chuyên nghề đồng bóng trông chừng, thấy số người chết tăng hơn mọi năm và mùa màng thua kém (hai mặt này thường đi đôi với nhau), bắt đầu ợ, ngáp, trùm khăn, ngồi lắc lư đảo đầu, lẩm bẩm lảm nhảm một lát rồi phán: Yang 2 đòi ăn máu, không được ăn thì phạt nặng nữa.
Dân làng xôn xao ngày một tăng. Các ông già đốt lửa uống rượu tà-vạc buổi tối trong nhà làng, bàn việc đi bắt trâu bò về cúng Yang, dần dà gợi chuyện kiếm một thứ gì đó quý hơn con trâu, nói cạnh khóe: "Mình già rồi, sức đâu mà tìm cái thứ hơn trâu...". Nói bâng quơ thế thôi, ví von bóng gió như kiểu "hát lý" của người Cà-tu, mặc cho đám trai trẻ phân vân ngó nhau. Rồi cũng như tình cờ, các bà già lựa lúc cơm nước nghỉ ngơi mà rỉ rả kể chuyện "ăn đầu trả đầu" với các dân tộc khác, trầm trồ khen những chàng trai gan góc năm xưa dám đi đâm kẻ thù truyền kiếp. Các cô gái làng hát lý với trai, tỏ ý tiếc không múa cho anh coi được, không nấu xôi cho anh ăn được, vì một lẽ khó nói...
Trai làng bị kích ngày một ít từ mọi phía, không cưỡng nổi nữa, lần lượt về bảo người nhà bắt gà làm thịt.
Ông già hiểu, lặng lẽ luộc chim và nói lơ lửng rằng giò gà báo điềm tốt. Bà già chặt nứa, vo nếp, đốt mười ống cơm lam dựng thành dãy bên gói thịt nướng và muối ớt.
Mỗi trai làng mài cây dụ tốt nhất, giắt vào lek 3 con dao rừng, đá và mồi đánh lửa, trầu cau, thuốc hút. Họ không họp lại bàn bạc ồn ào, chỉ trông chừng nhau cùng làm.
Tối đến, trong cuộc uống tà-vạc ở nhà làng, một ông già chợt nói trống không rằng mai là ngày tốt, đi đâu làm gì cũng được. Hôm sau trai làng lặng lẽ mang lek vác dụ ra rừng. Một người đi, các bạn trông thấy đều lần lượt nhổ dụ đi theo.
Gặp nhau ngoài rừng, họ chuẩn bị "hành quân chiến đấu": chẻ cây dang lấy ruột trắng nịt ngang trán, cuộn tấm dồ đeo chéo hình chữ X trước ngực, đó là hai dấu hiệu ra trận. Xong là đi. Họ nói rất ít, chỉ hành động theo bắt chước, chàng trai nào khỏe và gan nhất sẽ đi trước làm mẫu mà không ra lệnh.
Đi rất khổ. Từ vùng cao hay vùng trung xuống tới vùng giáp ranh phải qua vô số dốc cao suối sâu, họ đi đêm để tránh gặp bất cứ ai dọc đường. Ngày vào rừng sâu nghỉ, ăn cơm lam, uống nước suối, rét tháng chạp mà phải tránh đốt lửa dễ lộ. Đến sát trung châu họ tìm hang đá ngủ một đêm cho lại sức. Hôm sau họ đến bên các đường mòn, leo cây, rình suốt ngày xem mấy người lên, mấy người xuống, hạng người nào dễ đâm nhất. Tối đến, họ ra làm chỗ phục kích sát đường: cắm cành lá ngụy trang, đóng nạng chữ Y để gác cây dụ dài thượt, phát sẵn con đường rút lui sau khi đâm. Nếu gặp những ngày mưa to hoặc giáp tết, không có ai lên xuống, họ phải rình xem các nhà ở lẻ loi, đợi lúc còn ít người thì nhào vào đâm rồi chạy. Không thể dùng ná bắn vì cần máu dính lưỡi dụ để về cúng Yang.
Các nạn nhân không đứng im cho mà đâm. Họ đi thành nhóm đủ vũ khí, có chó chạy trước đánh hơi, cùng nhau chống cự, đánh trả, kêu cứu. Người làm giặc mùa lắm khi ăn hết mười ống cơm lam mà không làm gì được, thân xác gầy rộc và đầy vết gai cào đá xé, lại trở về làng mình sắm sửa thêm, đi lần khác. Đâm người Kinh có phần dễ hơn, họ không lên núi làm giặc lại. Lắm lúc bí kế phải đâm người Thượng thấp, làng bị đâm theo dấu vết kéo lên bắt trả đầu chứ không yên.
Cuộc đâm diễn ra mỗi nơi một khác. Trúng người đi lẻ thì nhanh gọn. Có khi cả một đoàn người đánh trả dữ dội. Có khi cả làng ùa ra với dáo mác, ná tên, súng đạn, thêm chó săn rượt đuổi quyết liệt.
Được máu vấy lưỡi dụ rồi, đoàn giặc mùa rút chạy về theo kiểu cũ, tránh bị lộ. Gần đến làng, họ lên chỗ cao cắm ngược dụ nghỉ ngơi, ngắm vuốt cho chững chạc, rồi người tốt giọng hú lên theo lối riêng báo tin được thịt.
Dân làng nghe, đang làm gì cũng kéo về cả. Đàn bà con gái giã nếp, soạn rượu. Ông già tìm bắt trâu bò heo dê.
Một đoàn cao tuổi ra rước đoàn giặc mùa vào, nổi trống chiêng theo điệu thắng trận. Có nơi làm kiệu ngồi, khiêng cả đoàn như đám rước. Cây dụ vấy máu được đặt ngang trên mâm giữa nhà làng. Lễ cúng vái kéo dài. Dân làng tha hồ múa hát, ăn uống, hát lý đến khuya, vài làng ở gần cũng mang heo rượu đến mừng bà con và vui chơi thỏa thích, chỉ riêng mấy người làm giặc phải kiêng uống rượu ăn gà suốt một năm ròng!
Đôi khi một anh trai làng tự ý đi làm giặc, không đợi dân làng khuyến khích. Anh này cha mẹ chết, vợ con chết, tức quá đi đâm cho hết đau cái bụng. Anh nọ mê vợ, cưới xong bị vợ xua đuổi không cho ngủ chung, đâm xong vợ sợ oai phải chiều ý. Anh khác nữa khi mua bán bị thương lái đánh lừa, đang giữa mùa rẫy không được phép trả thù, tới mùa giặc mới đi đâm bất cứ con buôn nào cho hả giận.
Ngoài những trận đâm chém đẫm máu với người Ve do chất chứa oán thù truyền qua nhiều đời, dân tộc Cà-tu còn xung đột với các dân tộc khác ở chung quanh, và ngay giữa một số làng Cà-tu với nhau cũng xảy ra nợ máu. Mỗi năm hai mùa làm giặc là hai dịp họ rình giết nhau rất hung bạo.
Giặc mùa đợt đầu diễn ra từ giữa tháng chạp đến giữa tháng ba lịch âm, đợt nhì vào khoảng các tháng sáu, bảy, tám, nhẹ hơn đợt trước. Các tháng khác không được đi đâm, nếu ai làm ẩu thì cả làng đều chê trách, lên án, vì máu về trong mùa bận rộn làm rẫy là sai phép Yang.
Người Thượng vùng thấp không có tục xấu giặc mùa, không ưa đâm chém. Họ gờm và ghét số Thượng ở cao khi thấy những nhóm lảng vảng xuống với sắc mặt đáng ngờ.
Có một lần người Thượng cao xuống rình đâm, bị một làng Thượng thấp giết luôn, chặt đầu cắm cọc ngoài hàng rào, mở hội trâu rượu ăn mừng. Người Thượng cao tức điên, kéo xuống đòi đầu, rơi luôn vào bẫy: trong làng kia người già và phụ nữ cứ trống chiêng múa hát rầm rĩ, còn tất cả trai làng ra nằm dọc rào đêm này qua đêm khác, phe giặc mùa vừa nhào qua hàng rào liền bị chém chết luôn tám người, phải chạy tháo thân. Một lần khác, Thượng cao xuống đâm Thượng thấp xong, hai người trong làng bị nạn rút dụ đuổi ngay theo dấu chân. Nhóm làm giặc về đến nơi, vừa nổi trống chiêng thắng trận liền bị hai người nhào tới giết luôn ba mạng, xong biến vào rừng không thấy tăm hơi.
Người Thượng thấp hay tỏ bụng tốt trước để ngăn ngừa giặc mùa. Nghe tin một làng vùng cao bắt đầu luộc chim, họ cho người lên làm một việc gì đó thật táo bạo nhưng không hại ai, ví dụ giữa khuya họ leo lên nhà làng, buộc dây làm dấu ở tóc hay chân mấy người đang ngủ, hoặc nhổ một loạt dụ đem cắm chỗ khác. Sau đó họ nhắn tin cho làng trên biết rằng họ thừa sức đâm chém nhưng không muốn ra tay đấy thôi.
Nắm được qui luật và nguồn gốc nạn giặc mùa Cà-tu, cán bộ Kinh và Thượng cùng bàn cách xóa bỏ tận gốc.
Bàn mãi, sau thấy phải giáo dục là chính, kết hợp trừng trị khi thật cần thiết. Qua điều tra chật vật mới biết được làng nào, người nào đã đâm vụ nào.
Nghiêm trọng nhất là vụ thằng Bê đâm bộ đội và lấy súng. Trong khi ta chưa quyết định ra sao, bỗng một người làng A Xò vác cây súng không đạn đến huyện, tự nhận là anh ruột thằng Bê đem súng xuống "xin Chánh phủ một trâu". Ta không cho trâu, hắn đòi đổi muối.
Không đổi được, hắn giao súng cho huyện, bỏ đi, đêm dắt luôn hai con trâu của người Kinh. Về sau nhân dân báo mới biết chính hắn là Bê, nhưng hắn đã biến mất cùng cặp trâu ăn trộm.
Huyện mở một đợt học tập cho tất cả các làng Thượng.
Ai là bạn, là thù? Tại sao phải đoàn kết đánh Pháp? Đâm người là đúng hay sai? Hầu hết các làng đều nghe theo miệng Đảng. Cũng có làng đề nghị: "Trung châu thiếu chi người, cho đồng bào Thượng xin một người để cúng mới là tốt bụng, mới đoàn kết!". Phải đến tận nơi khuyên nhủ chật vật họ mới đổi ý.
Một làng nọ đã luộc chim, cắm lá cữ 4 để sửa soạn đi đâm, anh cán bộ Kinh rất quen thân đến nói thẳng thừng: "Tôi biết vì sao làng cữ rồi. Tôi là Kinh đây, muốn đâm thì đâm tôi luôn. Đi giết người khác, tôi cũng có tội với Bác Hồ, tại tôi ăn ở miết với đồng bào mà để đồng bào làm tầm bậy". Anh treo lek, buộc võng, nằm ngủ ngay bên cổng làng. Dân làng bối rối bàn mãi đến khuya. Sau họ vất lá xanh đưa anh vào, nghe anh giảng giải rất lâu mới thôi làm giặc mùa.
Anh R. có vợ đẹp chết, buồn quá uống rượu cả ngày, lảm nhảm đòi đi đâm. Anh cán bộ Thượng trong làng khuyên nhủ mãi, thiếu điều lạy sống, anh ta vẫn một mực lè nhè: "Đau cái bụng quá! Làng chết nhiều vợ chết, chắc mình cũng chết, không làm rẫy chi nữa, phải đâm thôi!". Nhiều người xúm vào dỗ mãi anh mới nguôi. Về sau anh tiến bộ rõ, thành đảng viên nay là bí thư đảng ủy một khu trong huyện, sẵn sàng kể lại hồi xưa mình khờ dại thế nào.
Đối với kẻ lì lợm như thằng Bê, cấp tỉnh đồng ý phải trị. Cán bộ lên nói với dân làng A Xò: thằng Bê đâm người vào tháng Năm là sái, lấy súng và ba-lô của bộ đội là tham, ăn trộm hai trâu về không nộp làng là coi khinh hết thảy. Bước đầu hẵng nói bấy nhiêu. Dân làng nghe lọt tai, bằng lòng đưa thằng Bê đi cải tạo, nhưng từ anh chủ tịch làng trở xuống đều dặn đừng giết hắn. Thằng Bê vào tù, những người lỡ làm giặc đều hoảng kinh: "Cọp núi bị Chánh phủ bắt rồi, lũ heo nai mình có ra chi!".
Liên tiếp có người nhắn tin với ủy ban xin tự thú, xin tha tội, xin đền nhiều trâu và mật ong. Dân các làng vẫn tiếp tục học nữa, bàn cãi nhiều, rốt cuộc đều thấy đâm người là sai to, phải dứt.
Chợt có tin đồn ngược lại: một ông đồng nọ lè lưỡi dài đến rốn bảo cứ đi đâm. Huyện cho bộ đội đến gọi ông này xuống le lưỡi coi thử, ông ta sợ trốn biệt, nhân đó ta vạch mặt luôn. Các ông đồng được gọi về học tập ở huyện, đều hứa không xui dân làm bậy nữa.
Song song với mũi vận động chính trị, chính quyền ta đưa muối, vải, rìu rựa lên núi ngày một nhiều. Hợp tác xã đứng ra mua bán công bằng, không để đám thương lái bắt chẹt hay lừa bịp người Thượng nữa. Thầy giáo lên dạy chữ, dạy luôn mọi điều hay lẽ phải. Thầy thuốc bày cách chữa bệnh bằng thuốc nam, thuốc tây thay cho cúng vái kiêng cữ. Các cuộc họp chung, vui chung giữa Kinh và Thượng diễn ra khắp nơi, các làng giúp nhau làm ăn no đủ.
Cứ thế, ánh sáng lấn tới từng bước. Giặc mùa tan dần và biến mất.
Giặc mùa tan biến, để rồi lại hiện ra khác hẳn xưa.
Quân Mỹ-Diệm tiếp quản đất Quảng Nam, bước lên vùng ven núi được nghe ngay vô số chuyện rùng rợn về giặc mùa. Ở tây Hòa Vang, quân Diệm ngủ đêm trong đình chợt nghe một nhà gần bên nổi hét vang: "Nó đâm tôi bớ làng!". Các nhà khác vơ dáo mác chạy ra, trống mõ rầm rầm. Mấy ông già hớt hải gọi lính: "Đừng bắn ẩu, giặc dữ lắm, nó bắn tên độc vô chết ráo bây giờ"'.
Quân địch tới đâu cũng đêm đêm nghe tiếng người rú, chó sủa, phải ở dồn cục trong nhà gạch to, chất ba-lô chung quanh, che đỡ, tắt hết đèn, canh gác liên miên.
Sáng ra chúng đi đồng còn phải chờ người dẫn. Chung quanh chỗ đóng quân thường thấy những dấu đâm chém, những vết chân trần in ngang dọc. Chúng không dám lùng lọi nữa, cuốn gói về đồn sớm. Đồng bào cười với nhau, đón cán bộ ta vào nhà ăn ở thoải mái.
Đến 1958, địch đóng quân dày đặc hơn, gài điệp nhiều, khủng bố ráo riết. Ta cần diệt một số ác ôn hung hãn nhất, không hù dọa bằng mồm được nữa.
Cán bộ ta cử một số cơ sở Thượng xuống mua bán, nói với thương lái: "Trên núi, cả chục làng luộc chim rồi đó. Đi đâu phải đợi tụi tôi dẫn, không chết uổng". Tiếng đồn đến tai gián điệp, Mỹ-Diệm ra lệnh cho cấp dưới đề phòng. Liên tiếp nhiều gia đình tới xã, quận báo cáo bị đâm hụt. Muốn địch tin hơn, ta diễn tập luôn một trận giặc mùa với một xã ủy viên, năm đoàn viên Thanh niên lao động, một cán bộ Kinh Đêm khuya, nhà một bà cảm tình cách mạng ở gần đồn bị một mũi dụ đâm xuyên qua phên trúng ngay thùng rượu, thêm mấy mũi tên độc bay găm vào cột kèo. Hàng xóm thấy rõ những bóng cởi trần, ruột dang trắng nịt ngang trán, cầm dụ chạy thấp thoáng trong đêm. Địch kéo tới thấy rõ dấu vết, bắn súng cối rầm rầm ra núi.
Bà con Thượng thấp nghe tin lạ, kéo đến hỏi thăm, xem mũi tên thấy cái me (đầu nhọn) làm bằng đồng chứ không phải bằng sắt, chỉ bôi đen giả thuốc độc, về rỉ tai nhau: "Giặc mùa ni là cán bộ mình đây, đừng sợ!". Khi gặp cán bộ họ hỏi cặn kẽ. Cán bộ cười cười, dặn hễ gặp giặc thì đừng bắn, có cơm cho ăn cũng được! Luồn trong cơn náo động ấy, ta lặng lẽ khử luôn mấy tên gian ác nhất. Địch không phân biệt được đâu là cách mạng đâu là giặc mùa, không dám khủng bố tràn lan như ở vùng Kinh sau mỗi lần ta diệt ác ôn. Lính đi lại rất dè dặt, gián điệp co vòi, trong khi cán bộ ta mặc khố ngồi họp chi bộ ngay trong làng Thượng gần đồn. Có lẽ cho đến năm 1961 này, địch cũng không biết rằng bảy năm trước ta đã thanh toán xong nạn giặc mùa, và tất cả những vụ đâm người giả cũng như thật từ ấy đến nay đều là những mũi dụ đúng hướng nhất trong lịch sử người Cà tu.
Nay lề thói xưa còn đọng lại ít nhiều ở lớp trai trẻ Cà-tu. Du kích ưa cầm ná vác dụ đi dành riêng, không thích đi chung với bộ đội có súng: "Súng bắn dễ trúng mà ồn ào, dây ná mình chưa bật đã bị địch bắn lại như mưa..." Giết được giặc, họ chạy về hú vang làng, cao hứng nổi trống chiêng chẳng kể bí mật. Du kích các làng bên bồn chồn hỏi nhau. "Họ được thịt rồi, mình sao đây?". Lại từng đội nối nhau ra đi...
Nạn đâm người vì mê tín chấm dứt. Đảng ta cố xóa tiếp những món nợ đầu dồn đống giữa các dân tộc. Dai dẳng nhất là mối thù oán giữa người Cà-tu với người Ve (viết đúng là Bhêê). Các vụ đâm chém Cà-tu - Ve cũng thường diễn ra trong mùa làm giặc, nhưng có nguồn gốc riêng biệt.
Dân tộc Ve ở vùng tây nam Quảng Nam, thêm một nhóm ở đông bắc Kon Tum, cộng lại ít dân hơn Cà-tu. Sống nơi hẻo lánh, ưa kia họ thiếu thốn mọi thứ, hay bị đói kém, không quen biết rộng như người Cà-tu, nhưng cũng không chịu để ai hà hiếp. Họ có nghề trồng bông, chuyên dệt những tấm dồ đem xuống đổi muối, rựa, chiêng, ché. Người Cà-tu ở giữa vùng Ve và trung châu, thường làm trung gian kiếm lời, thật ra mối lợi chỉ tuôn vào tay các chúa làng và nhà giàu. Người Ve thấy mình bị Cà-tu ăn chặn, thường đi thẳng xuống trung châu đổi cho được giá. Cà-tu mất ăn lời, tức, đánh tiếng hăm dọa, muốn chặn Ve không cho qua vùng mình. Cuộc xung đột do một số người Cà-tu có quyền có của gây ra, dần dần ăn sâu vào nhân dân.
Các ông bà già còn nhớ vụ đâm đầu tiên xảy ra hơn 60 năm trước. Một vụ cãi vã nổ ra chung quanh một gùi đá đánh lửa do người Ve đem xuống đổi. Một trai Cà-tu ở Hiên qua làm rể bên Giằng, bị khích mạnh, đón đường chém một người Ve đem đồ thẳng xuống trung châu đổi muối. Chém rất bí mật. Họ hàng người chết kéo xuống đâm ba người Cà-tu, lại trúng người ở làng khác không gây thù. Làng bị đâm lên Ve trả đầu, gặp lúc đối phương đề phòng ráo riết, bèn đâm người Ve ở làng gần đấy và nhắn họ đi tìm thủ phạm mà đòi nợ máu.
Cuộc tàn sát diễn ra khi ồ ạt, khi thong thả, nhưng không hề đứt đoạn suốt 2/3 thế kỷ. Người Cà-tu chạy hết lên hết phía bắc sông Giằng, người Ve cũng rút xa về phía nam sông, bỏ vùng đất không người rộng tới hai ngày đường bộ. Hai bên thường tìm giết nhau vào hai vụ giặc mùa tháng giêng và tháng bảy âm. Làng Pa-meo bị giết và chạy tản lạc chỉ còn lại 30 người. Về sau hai bên cùng tính sổ, riêng số chết vì gươm dáo còn nhớ tên đã lên tới 234 đầu, không kể những ai chết vì đau ốm, đói kém, tai nạn mỗi khi chạy giặc. Các làng có oán thù đều đói to vì phải ngày đêm lo rào thật chắc, canh gác kỹ, lâu lâu lại đổi chỗ. Ra rẫy, chỉ có đàn bà địu con trên lưng lúi húi làm, đàn ông phải lo gác, con chồn sạt qua trong bụi thì đàn bà vùng chạy, đàn ông vội giương ná, chĩa dụ. Bà mẹ Cà tu hát ru con gái: "Chồng mi là đứa giết giặc, chồng mi là đứa đâm Ve...". Mắng con trai thật tệ thì nói: xấu như Ve, dơ như Ve, đồ theo Ve.
Thật ra, ai cũng chán ngán cuộc xung đột dằng dặc ấy, nhưng lại xem nó như cái nạn lũ lụt hay nắng hạn không tránh khỏi, như một bệnh dịch không sao chữa lành. Riêng có hai làng Cà-tu nhất quyết đứng ngoài cuộc đâm chém là A Ró và Là Bơ, nhờ đó làm ăn khá giả, sống yên ổn.
Khi Đảng ta kêu gọi đoàn kết Kinh với Thượng cùng đánh Pháp, đồng bào Thượng gật đầu cả vì người Kinh không có tục trả đầu. Nói đến đoàn kết Cà-tu với Ve thì mọi người trố mắt: "Cán bộ điên à? Có trời sụp mới đoàn kết được!". Cán bộ giải thích lâu lắm, đôi bên mới thỏa thuận ngừng đâm nhau, tạm gác thù cũ để đánh Pháp trước đã, sau ngày độc lập sẽ hay.
Ngót được ít lâu, đến 1953 chợt nổ ra một vụ giết lớn. Người Ve xuống trung châu mua bán ghé vào làng Bà Tôi cãi cọ sao đó, bị người Cà-tu bắt đánh chết hai mạng. Vợ hai người chết kêu khóc, hỏi làng bỏ qua hay trả đầu. Dân Ve đã hứa ngừng đâm, nay rùng rùng đi phục thù, lại đâm phải người làng Ta Moong. Hai người vợ góa không chịu kiểu trả đầu kém cỏi ấy "Đưa cái khố tao mặc, tao đi đánh thay cho. Sao không dám đâm người Bà Tôi?". Trai làng lại xuống, rình đâm chết hai vợ chồng làng Bà Tôi, gần sát hành lang đi Hạ Lào.
Cấp trên hạ quyết tâm gấp rút xóa bỏ oán thù. Cán bộ tỏa đi khắp nơi, bước đầu chỉ yêu cầu giữ đúng lời hứa ngừng đâm, còn chuyện đoàn kết tính sau.
Dân Cà-tu họp bàn nhiều đêm, cùng nhau đếm số bà con bị giết và số người ve bị mình giết, rùng mình trước con số cộng kinh khủng. Họ cũng ôn lại tất cả khổ cực đắng cay do cái tệ quái ác "ăn đầu trả đầu" gây ra.
Lỗi tại ai? Tại mình nhiều, tại người Ve một phần, nhưng tội chính là tại giặc Pháp, nó bỏ mặc và xúi bẩy thêm cho các dân tộc đâm chém nhau đến kiệt sức, để không ai đủ sức chống lại nó, đều chịu đi xâu nộp thuế cho nó...
Dân tộc Ve cũng được phát động như thế. Có đôi người Cà-tu gây sự thật đấy, nhưng mình không cần biết ai xấu ai tốt, trả thù quá tay, giết người không đếm. Họ khóc ròng, hứa nghe lời Bác Hồ dạy thôi đâm, đoàn kết được thì càng quý.
Kết quả vượt mức chờ đợi: đồng bào không hẹn tới độc lập nữa mà đòi làm lễ ăn thề đoàn kết đánh Pháp càng sớm càng hay. Tất nhiên cán bộ ta mừng quá đỗi! Đợt đầu mỗi dân tộc cử đến một đoàn đại biểu, dắt theo một trâu, gặp nhau tại làng Ôk Run mé trên huyện Giằng. Hai đoàn đổi trâu cho nhau làm thịt, đổi thịt cho nhau nấu ăn. Sau đó họ đưa dụ và ná ra đổi cho nhau trong lễ đoàn kết.
Thành công ấy được cán bộ Kinh và Thượng đi tuyên truyền rộng khắp. Lại làm tiếp luôn một lễ "thề đạp sắt" ở Pa Meo, cái làng Cà-tu bị tàn hại ghê gớm nhất. Hai bên cùng giết đủ ba giống dê, heo, chó, bày cỗ cúng, đặt hết vũ khí xuống đất, dân tộc này dẫm trên vũ khí của dân tộc kia và nói lời thề đoàn kết chống Pháp thiêng liêng nhất. Không ai dám phản một lời thề như vậy.
Oán thù thực sự được xóa bỏ. Đến Giơ-ne-vơ 1954, đề phòng Mỹ-Diệm khêu lại chuyện cũ, ta mở một hội nghị lớn chia ranh giới rừng núi giữa Cà-tu với Ve thật công bằng. Hội nghị biến thành hội hè luôn! Các làng đã chạy xa lần lượt quay về dựng nhà, phát rẫy chỗ đất tốt năm xưa. Ta cố ý sắp xếp cho cán bộ hai dân tộc vào chung một tổ trong các cuộc họp, cho giao liên hai dân tộc ở chung một trạm, giúp họ ngày càng hiểu nhau, mến nhau. Bây giờ hai vùng đã hoàn toàn gắn bó, biếu xén đổi chác luôn, mời nhau dự hội hè, gả con cho nhau nữa.
Ở nơi ngày trước thường xảy ra đổ máu, nay chỉ Cà-tu ra rẫy một mình, buộc võng dưới bóng mát ru con ngủ. Anh con trai Ve ghé lại uống bát nước chè nóng, trút cho vài vốc dâu ngọt mới hái, cười đùa giòn tan.
Vùng Ve hết gạo, đã thấy những người Cà-tu lũ lượt cõng nặng leo dốc đi tới: bạn đói cũng như mình đói, đem cho bạn ăn đoàn kết, thề rồi mà! Chặt được gốc cây xấu thì cành lá cũng đổ theo.
Những mối oán hờn chằng chịt giữa các dân tộc khác lần lượt cởi dứt được cả. Hai làng A Ró ở Giằng và Lìa Tía ở Hiên cùng là Cà-tu nhưng có thù với nhau, nghe kể chuyện đoàn kết được với Ve đều khóc cả, tự xóa thù không cần làm lễ: "Miệng Đảng nói, coi như miệng mình thề rồi. Ta làm hội mời nhau qua chơi thôi!".
Từ khi cán bộ đặt chữ riêng cho dân tộc Cà-tu, in ra tờ báo Gung dưr (Vùng lên), những đêm uống tà-vạc quanh bếp lửa ồn ào hẳn lên. Những người được học chữ thay nhau làm cho tờ giấy biết nói tiếng Cà-tu. Đài Bác Hồ ở tận Hà Nội cũng nói và hát tiếng Cà-tu, vừa nghe vừa sợ mau hết. Đài và giấy đều bày cho bà con trồng nhiều lúa sắn, kiếm thuốc nam chữa bệnh, ăn ở tốt bụng với hết thảy mọi người. Nghe xong, cả làng sôi nổi bàn cách làm theo miệng Đảng.
Thỉnh thoảng có người nhắc lại những vụ trả đầu quái gở, mới chấm dứt đây thôi mà nghe cứ xa lắc xa lơ như chuyện đời xưa:
- Lạ, hồi đó gan ruột mình ra răng mà đi đâm người ta hè? Bác Hồ nói răng mà mình bỏ bụng cũ, lấy bụng mới được hè?
- Nghĩ lui nghĩ tới, giựt mình đổ mồ hôi. Thiệt đó! Không có miệng Đảng nói lời phải, trước sau chi làng mình cũng chết hết. Không chết đâm cũng chết đói. Bỏ làng chạy miết, lấy chi ăn mà sống!
Những câu chuyện ấy ngấm dần vào mấy người "hát lý" tài hoa, biến thành chuỗi câu hát bổng trầm luyến láy. Tới một đêm hội nào đó, sau khi số giọng mới đã đua tài chán chê, người giỏi nhất mới cạn chén rượu ngon và cất tiếng hát. Những loài chim, giống cá, cây này hoa kia nối nhau hiện lên trước mắt dân làng, vẽ lại số phận khủng khiếp dành cho dân tộc Cà-tu ngày xưa, tô đậm thêm mãi những nét màu rạng rỡ của cuộc sống trên núi rừng từ khi có Đảng. Và lũ con em mới lớn lên đã ngạc nhiên khi thấy các bậc đàn anh khét tiếng ngang tàng đều cúi đầu kín đáo lau một giọt nước mắt biết ơn.
Chú thích
1.Tháng 12-1983, tôi được đọc một tập hồi ký 36 trang đánh máy của anh Quách Xân về công tác văn hóa giáo dục ở vùng Cà-tu, hồi chống Mỹ. Riêng phần chiến đấu anh chỉ viết lướt qua, đặt trọng tâm ở chỗ khác. Tôi xin bổ sung phần này dựa theo lời kể của anh năm 1961.
2.Hoặc Giàng: ông Trời.
3.Kiểu gùi đan bằng dây mềm, hình dẹt, đeo trên lưng.
4.Cắm lá xanh báo hiệu cấm người ngoài vào làng hay vào nhà.
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Trong Mưa Núi
Phan Tứ
Trong Mưa Núi - Phan Tứ
https://isach.info/story.php?story=trong_mua_nui__phan_tu