Trên Đường epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
[3]
ó là một chuyến xe khách bình thường, trẻ con khóc, mặt trời đổ lửa, dân nhà quê ở Pennsylvania lên xe ở thành phố này rồi lại xuống ngay ở thành phố tiếp theo, cho đến tận lúc tới vùng đồng bằng bang Ohio sau khi vòng vèo một chập thì xe mới thực sự chạy một lèo, ngược lên Ashtabula và qua Indiana ngay trong đêm. Hôm sau tôi đến Chicago khá sớm, thuê một phòng trọ, và đi ngủ, trong túi chỉ còn mấy đô la. Tôi quyết định khám phá Chicago sau một ngày ngủ ngon lành.
Theo những cơn gió thổi về từ hồ Michigan, tôi nhịp chân theo điệu bebop xuống Loop - khu trung tâm Chicago, mấy lần lang thang rất lâu quanh khu Nam Halsted và Bắc Clark, và một lần cuốc bộ sau nửa đêm, cũng rất lâu, giữa những dãy phố ken dày đặc như cây rừng. Một xe cảnh sát tuần tra cứ bám lấy tôi hoài, có lẽ bởi trông tôi có vẻ khả nghi. Vào thời kỳ này, năm 1947, điệu bebop tràn lan như trận gió điên dại trên khắp nước Mỹ. Mấy chú ở Loop cũng không phải ngoại lệ, nhưng bầu không khí nơi đây có vẻ ủ dột, bởi điệu bebop ở đây có cái kiểu gì đấy lừng khừng giữa giai đoạn thống trị của những điệu jazz nguyên sơ kiểu Ornithology của Charlie Parker* và một thời đại mới của những bản cool jazz do Miles Davis khởi xướng. Trong khi ngồi nghe âm thanh của màn đêm, âm thanh của điệu bebop quen thuộc đã trở thành đại diện cho tất cả chúng tôi, tôi nghĩ tới tất cả bè bạn mình từ đầu đến cuối đất nước và rằng họ đều thực sự đang trong một cái sân mênh mông, làm điều gì đó thật điên rồ và chạy loạn lên. Rồi, lần đầu tiên trong đời, vào buổi chiều hôm sau, tôi vù tới miền Tây. Đó là một buổi chiều ấm áp đẹp trời rất thuận tiện cho việc nhờ xe quá giang. Để thoát ra khỏi những con đường rối rắm của Chicago, tôi đáp xe buýt tới Joliet ở bang Illinois, đi qua nhà tù Joliet, dừng lại ở cửa ngõ thành phố sau khi đã mỏi chân cuốc bộ qua ngoại ô. Từ New York đến Joliet, tôi đã tiêu hết già nửa số tiền dự trữ của mình.
Thoạt tiên tôi trèo lên xe tải chở mìn có cắm cờ đỏ, đi nhờ khoảng ba mươi dặm giữa màu xanh ngát vùng Illinois, bác tài chỉ cho tôi chỗ đường 6 (là đường chúng tôi đang đi) gặp đường 66 trước khi cả hai đâm thẳng xuống miền Tây tít tắp. Khoảng ba giờ chiều, sau khi chén qua loa ở một quán bên đường - bánh táo và kem, tôi nhìn thấy một cái xe nhỏ kiểu thể thao xịch đỗ, bên tay lái là một phụ nữ. Tôi mừng quýnh vội vàng chạy đến. Đó là một bà nạ dòng, đáng tuổi mẹ tôi, và đang cần tìm người cùng cầm lái từ đây tới Iowa. Tôi như được chỉ định sẵn để làm công việc này. Iowa! Không xa Denver là mấy, và khi tới Denver rồi thì tôi sẽ có thể thở phào. Thoạt tiên bà lái chừng mấy tiếng đồng hồ, cứ khăng khăng đòi vào thăm một ngôi nhà thờ cổ, như thể chúng tôi đang đi du lịch thật vậy. Tiếp đó đến lượt tôi lái, và dù tôi lái xe không được cừ khôi lắm thì chúng tôi cũng chạy một mạch hết phần đất bang Illinois, sang địa phận Iowa, đến tận Davenport, qua Rock Island. Và ở đây, lần đầu tiên trong đời, tôi được nhìn thấy dòng Mississippi yêu dấu, cạn khô trong đám sương mù mùa hạ, với đôi bờ phả ra mùi nồng của chính bản thân nước Mỹ, vì lẽ nó đã chảy qua từ đầu đến cuối đất nước. Rock Island - những nhánh đường sắt, các dãy nhà lụp xụp, khu phố buôn bán nhỏ bé; và bên kia cầu là thành phố Davenport thơm nức mùi vỏ bào dưới bầu trời nóng nực. Đến đây, người đàn bà phải rẽ về nhà bà ta. Chúng tôi chia tay nhau.
Mặt trời lặn. Tôi đi về phía ngoại ô, lâng lâng vì mấy cốc bia. Sau tay lái, người nào cũng thấy đội mũ, mũ có nhãn hiệu công ty đường sắt, mũ đội để chơi bóng chày, các loại mũ, y như quang cảnh những buổi tan giờ làm ở bất cứ đâu, bất cứ thành phố nào. Một xe đồng ý chở tôi lên đỉnh đồi rồi thả tôi xuống một ngã tư lẻ loi ngay sát cánh đồng. Nơi này rất đẹp. Quãng này chỉ thấy toàn xe của cánh trang trại, họ nhìn tôi ngờ vực, rồi cót két chạy qua, những đàn bò lững thững về chuồng. Không một chiếc xe tải. Vài xe con vụt qua. Một thằng nhóc phóng xe Hot Rod vượt qua, khăn bay trong gió. Mặt trời lúc này đã xuống sát đường chân trời. Tôi đứng lặng trong bóng chiều tím thẫm. Giờ thì tôi thấy sợ. Thậm chí còn không thấy ánh đèn nào le lói ở vùng nông thôn Iowa này; chỉ mấy phút nữa là không ai còn nhìn thấy tôi. Cũng may có một bác trở về Davenport cho tôi đi nhờ về thành phố. Thế là lại quay về đúng nơi mình vừa xuất phát.
Tôi ra ngồi ở bến xe khách và suy nghĩ về toàn bộ chuyện này. Tôi lại ăn bánh táo và kem - đấy gần như là món ăn duy nhất tôi ăn trên suốt chuyến ngao du này; vừa bổ vừa ngon, hẳn thế rồi. Tôi quyết định thử vận may. Sau khi mất nửa tiếng đồng hồ soi một em phục vụ ở quán ăn nhà ga, tôi bắt xe khách ở trung tâm Davenport và ra khỏi thành phố, nhưng lần này thì theo hướng trạm bán xăng. Ở đây có nhiều xe tải cỡ lớn đang ầm ầm nổ máy; khoảng hai phút sau, một cái phanh kít lại và cho tôi lên. Tôi chạy tới, hồn như bay lên bảy tầng trời. Một ông tài mới chiến làm sao, tài xế ra tài xế, cao lớn, vạm vỡ, mắt lồi, có giọng nói oang oang như lệnh vỡ của người sẵn sàng quát tháo và san phẳng mọi thứ. Bác ta cho xe lao đi, chả thèm để ý đến tôi. Càng may, tôi có dịp cho cái đầu mệt mỏi của mình thư giãn một chút. Một trong những nỗi phiền muộn đáng sợ nhất của kẻ đi nhờ xe là cứ phải nói chuyện với đủ loại người, làm cho người vừa cho mình đi không cảm thấy việc họ cho mình đi nhờ là sai lầm, thậm chí còn phải làm họ vui nữa. Chuyện này đòi hỏi một cố gắng lớn khi anh cứ rong ruổi trên đường suốt mà lại chẳng thèm bước chân vào ngủ ở một khách sạn nào. Bác tài này cứ gào lên át tiếng máy xe, và tất cả những gì tôi phải làm là gào lại, rồi cả hai chúng tôi cùng thư giãn. Bác tài cho xe phóng thẳng đến Iowa City và cứ gào vào tai tôi đủ thứ chuyện kỳ cục nhất về cái vụ bác ta đã qua mặt cảnh sát ở tất cả các thành phố quy định giới hạn tốc độ bất hợp lý thế nào, cứ nói đi nói lại là “Bọn cá vàng ấy làm sao đủ trình phạt chú!” Vừa lúc chúng tôi đi vào Iowa City, thấy một xe tải khác ở đằng sau, bác ta bèn bấm đèn hậu nhấp nháy ra hiệu cho cái xe đó rồi chạy chậm lại cho tôi quăng túi xách ra nhảy xuống, vì bác ta phải rẽ đi lối khác. Nhận được tín hiệu, xe sau cũng chấp nhận đỗ lại cho tôi nhảy lên. Một lần nữa tôi lại được rơi vào một cái cabin rộng và cao, sẵn sàng xông pha hàng trăm dặm suốt đêm trường, và tôi cảm thấy thật là hạnh phúc! Bác lái xe mới cũng khùng như bác trước, cũng gào thét liên tục như vậy còn tôi chỉ có mỗi một việc là ngồi tựa ra sau và để mặc xe đi. Giờ đây tôi đã thấy Denver thấp thoáng phía xa như vùng Đất Hứa, dưới bầu trời sao, bên kia vùng hoang mạc Iowa và đồng bằng Nebraska, xa hơn nữa là cảnh tượng kỳ vĩ của San Francisco, giống như châu báu trong đêm. Vừa lái xe, bác tài vừa kể chuyện hàng giờ liền, rồi ngủ ngay trên ghế khi chạy đến một thành phố thuộc bang Iowa mà nhiều năm sau Dean và tôi bị giữ lại trong một cái Cadillac bị nghi là xe ăn cắp. Tôi cũng ngủ, rồi lúc tỉnh dậy nhảy xuống đi bách bộ dọc theo dãy tường gạch cô đơn dưới ánh sáng một cây đèn. Con phố nhỏ nào cũng dẫn đến hoang mạc và mùi ngô sực nức như đọng lại trong đêm.
Bác tài choàng tỉnh dậy khi mặt trời thức giấc. Chúng tôi lại khởi hành và một tiếng sau, khói thành phố Des Moines đã xuất hiện trước mặt, trên những cánh đồng ngô xanh ngát. Lúc này bác tài ăn sáng và muốn được thoải mái, nên tôi tiếp tục đi thẳng tới Des Mornes, cách đó chừng bốn dặm bằng cách vẫy xe đi nhờ hai thanh niên từ Đại học Iowa quay về; tôi cảm thấy ngồ ngộ khi được ngồi vào một chiếc xe sang trọng, mới cứng, nghe nói chuyện thi cử trên đường vào thành phố trong tiếng máy chạy êm như ru. Giờ thì tôi muốn được ngủ đẫy giấc cả một ngày. Tôi đi kiếm một phòng ngủ, quanh đây không đâu có, và theo bản năng tôi xuôi xuống mạn ga tàu - ở Des Moines có rất nhiều ga - rồi chọn đại một quán trọ cũ tồi tàn gần nhà để đầu máy xe lửa, đánh một giấc thật lâu trên cái giường lớn không đệm trắng bong, sạch sẽ, gối nằm ngay bên cạnh những dòng chữ bẩn thỉu viết bậy trên tường và những tấm ri đô cửa sổ nhăn nhúm vàng khè mở ra cảnh sân ga hỗn tạp. Tôi tỉnh dậy khi mặt trời bắt đầu đỏ lựng. Và đây là lần duy nhất trong đời, giây phút lạ lùng nhất, tôi không còn biết đích thực mình là ai nữa - tôi đang ở rất xa nhà mình, bị ám ảnh và mệt nhoài vì chuyến đi, một mình trong một căn phòng trọ tồi tàn chưa từng thấy bao giờ, nghe thấy tiếng đầu máy hơi nước rít lên ngoài kia, tiếng sàn gỗ cọt kẹt, tiếng bước chân ngay trên đầu mình và các thứ tiếng động buồn thảm khác. Tôi nhìn lên cái trần nhà cao nứt nẻ và trong vòng mười lăm giây đồng hồ kỳ lạ thực sự không còn biết mình là ai. Tôi không hoảng sợ, chỉ đơn giản thấy mình là ai khác, một kẻ xa lạ, và cả đời tôi đã bị ma ám, cuộc đời của một bóng ma. Tôi đã đi qua nửa nước Mỹ, trên ranh giới giữa miền Đông của thời thơ ấu tôi và miền Tây của tương lai tôi. Và có lẽ vì điều đó mà chuyện này đã xảy ra ở chính nơi này, trong khoảnh khắc này, trong một buổi chiều đỏ ối.
Nhưng phải ngừng rên rỉ và lên đường thôi. Tôi xách túi lên, chào tạm biệt ông già chủ khách sạn đang ngồi như đóng đinh bên cạnh cái ống nhổ và đi tìm cái ăn. Lại bánh táo và kem. Càng đi sâu vào Iowa tình hình lại càng sáng sủa hơn: bánh táo to hơn, kem cũng nhiều hơn. Có hàng lô hàng lốc các cô em học trung học xinh tươi ở mọi nơi tôi đặt mắt đến trong buổi chiều nay tại Des Moines - các em đi học về - nhưng tôi đâu có dư dật thì giờ để nghĩ tới chuyện này và tự hẹn với mình sẽ mở rộng lòng ra đón nhận khi trở về tới Denver. Carlo Marx hiện đã ở Denver, cả Dean nữa; Chad King và Tim Gray hiện cũng ở đó; nhà hai thằng ở đó mà; cả Marylou nữa; và ở đó còn có một băng rất mạnh trong đó có Ray Rawlins cùng cô em gái tóc vàng xinh xắn của gã là Babe Rawlins. Có hai cô hầu bàn mà Dean rất quen, chị em nhà Bettencourt; cả Roland Major, bạn viết cũ cùng trường của tôi cũng đang ở đó. Tôi vui sướng và mong mỏi chờ đợi được gặp tất cả bọn họ. Vì thế tôi chỉ vội bước qua các cô em xinh tươi đó, không thèm để ý, kể cả họ có là những cô gái xinh đẹp nhất thế giới đang sống tại Des Moines này.
Một gã ăn mặc bụi bặm lái chiếc xe tải chở đầy dụng cụ cho tôi quá giang đến một con dốc cao. Ở đây tôi ngay lập tức bắt được xe của một bác nông dân cùng con trai đang đi về Adel ở Iowa. Trong thành phố này, dưới tán một cây du lớn gần một cây xăng, tôi làm quen với một gã chuyên đi nhờ xe người Ái Nhĩ Lan, từng lái xe nhiều năm cho bưu điện và giờ đây đang tìm kiếm một em ở Denver và một cuộc đời mới - tôi đồ chừng hắn ta đang phải chuồn khỏi New York vì chuyện gì đó dính dáng đến luật pháp. Đây là một gã nghiện rượu thứ thiệt chừng ba mươi tuổi, mũi đỏ lựng. Bình thường thì có thể lờ phắt hắn đi, nhưng tôi lại rất nhạy cảm trước bất cứ gì liên quan tới tình bạn giữa người với người. Hắn ăn mặc rách nát và chả có hành lý gì cả, trần sì một bàn chải răng, mấy cái khăn mùi soa. Hắn nói cả hai thằng cùng hợp sức lại mà vẫy xe. Đáng lẽ tôi phải từ chối, vì trông hắn rất bẩn tướng, nhất là lại đang ở trên đường. Thế nhưng tôi vẫn đồng ý bắt tay hắn và chúng tôi bắt được một chiếc xe với một tay tài xế lầm lì để đến Stuart, Iowa, rồi thực sự mắc kẹt ở đấy. Chúng tôi đứng chồn chân trước nhà bán vé hỏa xa lụp xụp ở Stuart, rình bắt xe chạy về miền Tây mãi đến tận khi mặt trời lặn, nghĩa là năm tiếng đồng hồ liền, giết thì giờ bằng cách kể lại đời mình cho nhau nghe; tiếp đó là những chuyện bẩn thỉu, cuối cùng chỉ còn biết lấy chân đá những hòn cuội đi thật xa và gây ra các thứ tiếng động ầm ĩ. Chán chết được. Tôi bèn quyết định bỏ ra một đô để uống bia. Hai thằng đến một quán bia cũ ở Stuart làm mấy vại. Ở đó hắn say y hệt cái đêm trên đại lộ 9 về nhà, và cứ sung sướng oang oang vào tai tôi những giấc mơ thảm hại của đời mình. Tôi hơi thích hắn; không phải bởi hắn là người tốt, như sẽ được chứng minh sau này, mà bởi hắn bao giờ cũng nhiệt tình với mọi chuyện. Đến nửa đêm, chúng tôi quay lại đường và tất nhiên chả còn xe cộ nào nữa. Cứ thế cho đến tận ba giờ sáng. Có lúc chúng tôi đã thử nằm chợp mắt một lúc trên cái ghế băng của phòng bán vé, nhưng tiếng đánh điện cứ tè tạch suốt đêm không sao ngủ được, thêm nữa, những toa chở hàng to tướng cứ va đập vào nhau bốn bề xung quanh. Chúng tôi không biết nhảy tàu; chưa thằng nào từng thử nhảy, mà cũng chả biết tàu chạy sang miền Đông hay miền Tây và phải chọn toa nào, toa chở hàng bít bùng hay không có nóc, có đông lạnh hay không, vân vân. Thế nên khi chuyến xe khách đi Omaha đến vừa kịp trước bình minh, chúng tôi vội nhảy lên, nhập bọn cùng những hành khách đang gà gật. Tôi mua vé cho hắn và cho mình. Hắn tên là Eddie. Hắn làm tôi nhớ đến ông anh rể họ ở Bronx. Chính vì thế mà tôi đánh bạn với hắn. Có vẻ như tôi đã có một người bạn cũ bên mình, một gã bản chất tốt và luôn tươi cười cùng tôi rong ruổi.
Mặt trời lên thì chúng tôi đến Council Bluffs. Tôi ngước nhìn phong cảnh. Suốt mùa đông tôi đã đọc câu chuyện về những cuộc tập hợp lớn các loại xe bò ở chính nơi này: người ta tụ tập trước khi đi sâu vào những con đường mòn ở Oregon và Santa Fe; giờ đây tất nhiên ở đó chỉ còn những căn nhà xinh xắn xây cùng một kiểu ngoại ô nằm trong bình minh xám xịt buồn thảm. Tiếp đó là Omaha, và, lạy Chúa, gã cao bồi đầu tiên tôi được nhìn thấy, đang đi dọc theo bức tường lạnh lẽo của một kho chứa thịt bán buôn, đội một cái mũ cao bồi thứ thiệt, chân xỏ ủng của vùng Texas, trừ bộ cánh ra thì trông cũng không khác gì một tay thảm hại chui ra từ ngóc ngách trong sáng sớm ở miền Đông. Chúng tôi xuống xe, trèo lên đỉnh đồi, quả đồi lớn do dòng sông Missouri hùng vĩ bồi đắp lên qua hàng ngàn năm. Omaha được dựng lên chính bên dòng sông này. Tiếp đó, chúng tôi băng qua cánh đồng, tiếp tục vẫy xe. Bọn tôi đi chung một đoạn ngắn với một chủ trang trại giàu có đội mũ cao bồi. Ông ta kể rằng thung lũng Platte cũng kỳ vĩ như thung lũng sông Nile bên Ai Cập, khi ông nói vậy tôi bèn phóng tầm mắt về phía hàng cây lớn uốn lượn theo bờ sông và những cánh đồng xanh mướt và gần như đồng ý với ông ta. Thế rồi, trong lúc chúng tôi đứng ở một chỗ rẽ khác và trời bắt đầu nhá nhem tối, thì có một gã cao bồi khác, to lớn, đội cái mũ chẳng cao bồi chút nào, gọi chứng tôi và hỏi có biết lái xe không. Tất nhiên là Eddie biết lái; hắn có cả bằng lái xe, còn tôi thì không. Gã cao bồi này có hai xe muốn chuyển về Montana. Vợ gã đang ở Grand Island và gã muốn bọn tôi lái giùm gã một xe; rồi sẽ đến lượt vợ gã lái tiếp. Sau đó, họ đi về phía Bắc nên chúng tôi chỉ có thể đi nhờ đến Grand Island. Như thế là cũng đã vượt qua được một trăm dặm, qua suốt cả vùng Nebraska rồi, và tất nhiên chúng tôi vồ lấy cơ hội này. Eddie lái một mình một xe, gã cao bồi và tôi theo sau. Vừa ra khỏi thành phố, Eddie đã cho xe phóng bạt tử, chín mươi dặm/giờ. “Mẹ kiếp, thằng oắt này định giở quẻ gì đây?” gã cao bồi kêu lên và phóng đuổi theo. Hệt như một cuộc đua xe vậy. Tôi chợt nghĩ không khéo thằng này định cuỗm luôn cái xe, và theo chỗ tôi hiểu thì có thể là như thế thật. Nhưng gã cao bồi đã bám được hắn, đuổi kịp và nhấn còi inh ỏi. Eddie bèn cho xe chạy chậm lại. “Thằng điên, cứ phóng như thế thì tan lốp ra mất. Không thể chạy chậm lại một chút được à?”
“Tất nhiên là em điên, mà em chạy đến 90 dặm thật à?” Eddie nói. “Em đâu biết, đường này êm quá.”
“Chú đi từ từ thôi nếu muốn chúng ta còn nguyên vẹn khi đến Grand Island.”
“Tất nhiên rồi.” Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình, Eddie đã bớt bốc đồng và có khi còn bắt đầu buồn ngủ. Cứ thế chúng tôi theo những ngọn gió từ những cánh đồng trù phú vùng Platte vượt một trăm dặm qua vùng Nebraska.
Gã cao bồi nói với tôi, “Hồi kinh tế suy thoái, anh có thói quen mỗi tháng nhảy tàu một lần. Ngày đó các chú sẽ thấy hàng trăm kẻ nhảy tàu trên các toa chở hàng, bít bùng hoặc không có nóc, và không chỉ có dân du thủ du thực đâu mà là đủ loại người thất nghiệp, cứ lang thang hết chỗ này sang chỗ khác. Cả miền Tây đều như vậy. Thời đó, bọn gác phanh chẳng mấy khi bận tâm đến mấy người như chú. Giờ thì anh không biết thế nào. Anh chẳng cần Nebraska làm gì. Hồi giữa những năm ba mươi, chỗ này không có gì khác ngoài một đám mây bụi mù mịt ngút tầm mắt. Bụi đến không thở được. Mặt đất đen lại. Thời đó anh sống ở đây. Theo anh được biết thì người ta hoàn toàn có thể trả Nebraska lại cho người da đỏ. Anh ghét mảnh đất khốn khổ này hơn mọi nơi trên đời. Giờ thì anh sống ở Montana, tại Missoula. Có dịp chú hãy ghé chơi cho biết thế nào là thiên đường.” Buổi chiều tà, khi gã đã thấm mệt không chuyện nữa, tôi ngủ thiếp đi - đây là một gã có tài nói chuyện.
Chúng tôi dừng xe dọc đường để ăn tạm cái gì. Gã cao bồi đi chữa cái bánh xe dự phòng, còn Eddie và tôi thì ngồi xuống ăn một bữa tối như nhà nấu. Tôi nghe thấy một tiếng cười lớn, lớn nhất thế giới, rồi thấy xuất hiện một bác nông dân già bằng xương bằng thịt người vùng Nebraska, đi cùng với một đoàn người cùng vào ăn tối. Xuyên qua thế giới ảm đạm của họ những ngày đó, bạn có thể nghe rõ tiếng bác ta như lệnh vỡ từ tận cuối những cánh đồng. Mọi người cùng cười theo bác. Chả hề bận tâm đến chuyện gì trên đời nhưng bác nông dân lại làm cho mọi người hết sức chú ý đến bác. Hừm, tôi nghĩ bụng, nghe cách thằng cha này cười, thế mới là miền Tây chứ. Tôi đang ở miền Tây rồi! Bác ta xông vào quán như một cơn gió lốc, gọi tên cô Maw, và cô làm cho bác món bánh hạnh nhân ngon nhất Nebraska (tôi đang có món bánh ấy trước mặt, đống kem chất lù lù như núi). Bác ta ngồi đánh rầm xuống ghế và lại cười lên haha, haha, haha. “Cho ăn đi, cô em, đói nghiến rồi đây này.” Đúng là tinh thần miền Tây đang chễm chệ cạnh tôi. Tôi những muốn biết rõ trong ngần ấy năm đời mình bác ta làm ăn sinh sống ra sao ngoài việc la hét đùa bỡn rồi cười ha hả như thế. Nhưng gã cao bồi đã quay lại và chúng tôi phải ra xe để đi Grand Island.
Chả mấy chốc chúng tôi tới nơi. Gã ta đi tìm vợ và chạy theo số phận đang chờ đợi gã, trong khi Eddie và tôi lại tiếp tục lên đường. Hai chiến hữu - cao bồi, tuổi thiếu niên, nhà quê - cho chúng tôi quá giang một đoạn trên một chiếc xe ọp ẹp rồi lại thả chúng tôi xuống đường, dưới trời mưa bụi. Tiếp đó là một ông già không nói năng gì, và chỉ có Chúa mới hiểu được tại sao ông lão chịu hứng lấy bọn tôi, đưa bọn tôi đến Shelton. Tại đó Eddie cứ đứng như trời trồng ở giữa đường, thất vọng ra mặt. Một toán dân da đỏ vùng Omaha, nhỏ con, gầy guộc, chả biết phải làm gì và phải đi đâu, cứ nhìn hắn chằm chằm. Đường xe lửa chạy ngang qua quãng này và trên một trạm tiếp nước có tấm biển đề: SHELTON. “Xỏ lá chưa,” Eddie giật mình kêu lên. “Tôi đã từng ở chỗ này. Cách đây lâu rồi, hồi chiến tranh, buổi đêm, rất khuya, khi mọi người đã ngủ cả. Tôi ra ngoài sân ga để hút một điếu. Trời tối đen như mực, mình giương mắt lên và cũng nhìn thấy tấm biển ghi chữ Shelton trên trạm tiếp nước này. Chuyến tàu đi về phía Tây, ai nấy vẫn ngáy khò khò, bọn vô dụng ấy, và tàu chỉ đỗ có vài phút, tiếp thêm than hay gì đấy, rồi lại đi. Chết tiệt cái đất Shelton! Tôi rất ghét cái xó này từ thuở đó rồi mà!” Và thế là chúng tôi bị mắc kẹt ở Shelton. Cũng giống như ở Davenport, Iowa, chỉ toàn nhìn thấy xe của bọn nông dân. Thỉnh thoảng cũng có một chiếc xe du lịch, nhưng thế còn tệ hơn, vì gồm toàn những ông già đang lái xe bên cạnh các bà vợ già đang chỉ trỏ các biển báo hoặc nghiên cứu bản đồ, nhìn ai cũng bằng con mắt nghi ngờ.
Mưa bụi dày thêm, Eddie kêu rét: hắn mặc rất ít đồ. Tôi lấy trong túi xách ra một cái áo len kẻ ca rô cho hắn mặc. Hắn cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi thì bị cảm lạnh. Tôi mua một gói kẹo ngậm ho tại một quán hàng của người da đỏ, rồi tạt vào trạm bưu điện mua tấm bưu thiếp giá một xu viết cho bà cô mấy dòng. Rồi hai đứa trở lại đường cái. Dòng chữ Shelton vẫn sừng sững ở đó, phía trên trạm tiếp nước. Chuyến tàu tốc hành đi Rock Island rầm rầm chạy qua. Chúng tôi nhìn thấy khuôn mặt hành khách trên các toa hạng nhất vụt qua. Con tàu hú lên băng qua cánh đồng về phía chúng tôi đang mong mỏi. Trời bắt đầu trở mưa nặng hạt.
Một gã cao lênh khênh đội mũ cao bồi đỗ xe trái đường và đến chỗ chúng tôi; trông gã như một tay cớm. Chúng tôi bí mật chuẩn bị bịa ra một câu chuyện. Gã tần ngần mãi rồi mới xáp vô. “Các anh định đi đâu hay chỉ loanh quanh đây?” Chúng tôi không hiểu gã định hỏi gì. Một câu hỏi quá được.
“Sao cơ ạ?”
“À, tôi làm chủ một hội chợ cách đây vài dặm. Tôi đang đi tìm mấy chàng trai đứng đắn muốn làm việc kiếm ít tiền. Tôi là chủ trò cò quay và trò ném vòng, các cậu biết đấy, ném vòng ăn búp bê ấy mà. Một cách thử vận may. Thế nào, các bạn trẻ, làm cho tôi các cậu sẽ được hưởng ba mươi phần trăm số thu nhập.”
“Cả ăn uống ngủ nghê nữa chứ?”
“Giường ngủ thì có, còn cái ăn thì không. Các cậu phải ăn ở ngoài. Đôi lúc chúng ta sẽ phải di chuyển.” Chúng tôi suy nghĩ rất lung. “Dịp may đấy!” gã nói thêm và kiên nhẫn chờ chúng tôi quyết định. Chúng tôi cảm thấy lúng túng, chẳng biết trả lời ra sao, riêng tôi thì không muốn mất thời giờ với một cái hội chợ. Tôi vội gặp lại băng của mình ở Denver chết đi được.
“Tôi cũng không biết nữa, tôi phải đi càng sớm càng tốt và không nghĩ rằng mình có thời gian.” Eddie cũng nói như vậy. Gã ta liền giơ tay lên chào rồi lững thững ra xe vút thẳng. Thế thôi. Vụ này làm chúng tôi cười được một chập và hình dung ra mình mà làm việc đó thì sẽ thế nào. Tôi như hình dung ra một đêm tối tăm bụi bặm trên vùng đồng bằng, những gương mặt của các gia đình Nebraska lướt qua, lũ trẻ con má hồng nhìn thấy cái gì cũng mê, và tôi biết mình cũng chẳng khác gì quỷ sứ khi đi bịp trẻ con bằng ba cái trò ném vòng vớ vẩn... Rồi vòng đu quay cứ xoay tròn trong bóng tối vùng đồng bằng, và, lạy Chúa toàn năng, trong tiếng nhạc buồn của chiếc đu quay, tôi khao khát được tiếp tục đến mục tiêu của mình rồi chìm vào giấc ngủ trên một chiếc giường làm bằng bao tải trong một cái xe chở lợn nái.
Eddie trở thành người bạn đường đãng trí của tôi. Một cái xe cà tàng trông rất ngộ tiến lại gần, bên tay lái là một ông già. Cái xe cũ rích, hình như làm bằng nhôm, vuông chằn chặn như một cái hòm - một cái nhà lưu động, không nghi ngờ gì nữa, nhưng là một cái nhà di động tự chế kiểu Nebraska kỳ quặc, dở hơi. Xe chạy rất chậm rồi dừng lại. Chúng tôi xông lên. Nghe ông già nói chỉ có thể nhận một người thôi, Eddie chẳng nói chẳng rằng nhảy tót vào trong. Và hắn biến luôn với cái xe cót ca cót két, mang theo cả cái áo len kẻ ca rô của tôi. Thế là xong một ngày xúi quẩy, tôi gửi theo cái áo len của mình một cái hôn vĩnh biệt; dù sao thì nó cũng chỉ có giá trị tình cảm thôi. Trên vùng đất Shelton chó chết, với hai thằng bọn tôi thôi, tôi đứng đợi một lúc lâu, rất lâu, nhiều giờ liền, cứ nghĩ đến chuyện đêm sắp đến. Thật ra thì mới đầu chiều thôi, nhưng trời đã sâm sẩm rồi. Denver, Denver, làm cách nào để tới được Denver bây giờ? Suýt nữa tôi đã tính đến chuyện bỏ cuộc, quay vào ngồi ở một quán cà phê nào đó, thì một cái xe còn khá mới xịch đỗ, ngồi sau tay lái là một tay còn trẻ. Tôi chạy theo như điên.
“Anh đi đâu?”
“Denver.”
“Được, tôi có thể cho anh đi khoảng một trăm dặm theo hướng ấy.”
“Tuyệt vời, xem như anh đã cứu đời tôi.”
“Bản thân tôi cũng từng đi nhờ xe nhiều cho nên tôi rất sẵn sàng nhận người lạ lên xe.”
“Tôi sẽ làm như vậy nếu có xe.”
Và cứ thế mà chuyện tràn cung mây. Anh chàng kể lại đời mình cho tôi nghe nhưng chẳng có gì là thú vị cả nên tôi đánh thẳng một giấc. Mở mắt ra thì vừa vặn đến cửa ngõ thành phố Gothenburg. Anh chàng bỏ tôi xuống đó.
Trên Đường Trên Đường - Jack Kerouac Trên Đường