Chương 2
hững tháng tiếp theo sau cái chết của ông, tôi quay cuồng qua một vòng luyện ngục của những phòng chờ tường sơn màu be và những phòng khám không tên, bị mang ra phân tích và hạch hỏi, được bàn luận đến ngay ngoài tầm tai, phải gật đầu khi người ta nói chuyện với mình, phải nhắc lại những gì đã nói, trở thành mục tiêu của hàng nghìn cái nhìn thương hại và đôi lông mày nhíu chặt. Bố mẹ tôi đối xử với tôi như với một người thừa kế mong manh dễ vỡ, tránh đôi co cãi vã trước mặt tôi, sợ ngộ nhỡ sẽ làm tôi vỡ vụn ra.
Tôi không ngừng mơ thấy những cơn ác mộng khiến tôi la hét đến bừng tỉnh, nghiêm trọng đến mức tôi phải đeo một cái ngáng miệng để tránh nghiến đến nát răng trong khi ngủ. Tôi không thể nhắm mắt lại mà không nhìn thấy nó - thứ ghê rợn với cái miệng đầy xúc tu trong rừng. Tôi tin chắc nó đã giết chết ông nội và sẽ sớm quay lại tìm tôi. Đôi khi cảm giác kinh hoàng ghê rợn đó lại lan tràn khắp trong tôi hệt như tối hôm đó và tôi lại cảm thấy chắc chắn nó đang chờ đợi ngay gần đó, nấp sau một lùm cây tối đen, đằng sau chiếc xe kế bên trong bãi để xe, sau gara nơi tôi cất xe đạp của mình.
Giải pháp của tôi là không ló mặt ra khỏi nhà nữa. Trong nhiều tuần liền, tôi nhất định không chịu đi dù chỉ là ra lối chạy xe để lấy thư báo buổi sáng. Tôi ngủ trên một đống chăn đệm trên sàn phòng giặt đồ, căn phòng duy nhất trong nhà không có cửa sổ và cửa ra vào được khóa từ bên trong. Suốt hôm đưa tang ông nội tôi đã ở đó, cầm theo laptop ngồi trên máy sấy quần áo, cố tìm lãng quên trong các trò game trực tuyến.
Tôi trách cứ bản thân về những gì đã xảy ra. Giá như mình tin ông, tôi cứ không ngừng lặp lại mãi cái điệp khúc ấy. Nhưng tôi đã không tin ông, và cũng không ai khác tin, và giờ đây tôi đã biết ông từng cảm thấy thế nào vì cũng chẳng có ai chịu tin tôi. Kịch bản tôi đưa ra về sự kiện này nghe có vẻ hợp lý một cách hoàn hảo cho tới khi tôi bị buộc phải nói những từ đó lên thành tiếng, đến lúc ấy nó trở nên thật điên rồ, nhất là vào ngày tôi phải thuật lại tất tật cho viên sĩ quan cảnh sát tới nhà chúng tôi. Tôi kể cho ông ta mọi chuyện đã xảy ra, thậm chí cả về con vật kia, trong khi ông ta ngồi gục gặc đầu ở mé bên kia cái bàn bếp, chẳng ghi gì vào cuốn sổ gáy xoắn của mình. Khi tôi kể xong, tất cả những gì viên cảnh sát nói là, “Tuyệt lắm, cảm ơn”, rồi quay sang bố mẹ tôi hỏi liệu tôi đã được đưa đi gặp ai chưa”. Làm như tôi không biết ngụ ý của ông ta là gì. Tôi nói với ông ta là tôi còn một lời khai nữa, rồi giơ ngón tay thối lên và đi ra ngoài.
Lần đầu tiên sau nhiều tuần, bố mẹ quát tôi. Thực nhẹ nhõm biết bao - cái âm thanh quen thuộc ngọt ngào đó. Tôi gào lên đốp lại bằng những lời lẽ tệ hại.
Rằng hai người họ vui vì ông nội Portman đã chết. Rằng tôi là người duy nhất thực sự yêu ông.
Tay cớm và bố mẹ tôi trò chuyện một hồi ngoài lối chạy xe, rồi sau đó tay cớm lái xe đi, một tiếng sau quay lại cùng một người đàn ông tự giới thiệu là họa sĩ vẽ ký họa. Ông này mang theo một giá vẽ to và yêu cầu tôi mô tả lại con vật kia, và trong khi tôi kể, ông họa sĩ phác họa lại nó, thỉnh thoảng lại dừng tay để hỏi cho rõ hơn.
“Nó có mấy mắt?”
“Hai.”
“Hiểu rồi”, ông họa sĩ nói, cứ như thể những con quái vật là chủ đề hoàn toàn bình thường của một họa sĩ ký họa làm việc cho cảnh sát.
Khá rõ ràng, đây là nỗ lực nhằm xoa dịu tôi. Hành động rõ ràng nhất là khi người họa sĩ cố gắng đưa cho tôi bản phác họa hoàn chỉnh.
“Chú không cần cho cái này vào hồ sơ của chú hay sao đó à?” tôi hỏi ông ta.
Người họa sĩ nhướng mày lên trao đổi với viên cảnh sát. “Tất nhiên rồi. Không biết chú nghĩ gì vậy nhỉ?”
Quả là một sự sỉ nhục rõ rành rành.
Thậm chí đến cậu bạn thân nhất và duy nhất Ricky của tôi cũng không tin tôi, mà cậu ta cũng có mặt ở đó đấy chứ. Cậu chàng thề sống thề chết là chẳng nhìn thấy bất cứ con vật nào trong rừng tối hôm ấy - cho dù tôi đã chiếu đèn pin vào đúng ngay nó - và cậu ta cũng nói thế với hội cớm. Tuy thế, cậu ta đã nghe thấy tiếng chó sủa. Cả hai chúng tôi đều nghe thấy. Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi cảnh sát kết luận rằng một bầy chó hoang đã giết ông nội tôi. Có vẻ như người ta đã phát hiện ra chúng ở đâu đó, và tuần trước đó một phụ nữ đi dạo ở khu Century Woods cũng đã bị chúng cắn nhiều nhát. Tất cả đều diễn ra vào ban đêm, các bạn nhớ cho. “Đó chính là lúc khó trông thấy các sinh vật nhất?” tôi nói. Nhưng Ricky chỉ lắc đầu và lẩm bẩm gì đó về chuyện tôi cần một “người tẩy não”.
“Ý mày là bác sĩ tâm lý chứ gì”, tôi đáp, “cảm ơn rất rất nhiều. Có bạn bè biết thông cảm như mày thật quý hóa quá.” Chúng tôi đang ngồi trên nóc nhà tôi ngắm nhìn cảnh hoàng hôn trên vịnh, Ricky ngồi co người lại như lò xo trên chiếc ghế Adirondack đắt đến mức phi lý bố mẹ tôi mua về từ một chuyến đi tới hạt Amish, hai chân cậu ta gập lại dưới người, hai cánh tay khoanh thật chặt, cậu ta hút liên tục hết điếu thuốc này tới điếu khác với vẻ kiên quyết dứt khoát. Cậu ta vẫn luôn có vẻ không thoải mái khi đến nhà tôi, nhưng từ cái cách ánh mắt cậu ta trượt qua mỗi khi nhìn sang phía tôi, tôi có thể nhận ra giờ đây thứ làm cậu ta bất an không còn là sự giàu có của bố mẹ tôi nữa, mà là chính tôi.
“Sao cũng được, tao chỉ đang thẳng thắn với mày”, cậu ta nói. “Cứ tiếp tục nói về lũ quái vật thế, kiểu gì rồi họ cũng lôi mày đi. Khi đó mày thực sự thành Ed Đặc Biệt.”
“Đừng có gọi tao như thế.”
Cậu ta búng điếu thuốc lá đi và nhổ một bã thuốc dính nhớp qua lan can.
“Mày lúc nào cũng vừa hút vừa nhai thuốc lá thế à?”
“Mày là ai hả, mẹ tao chắc?”
“Trông tao có giống một kẻ đi thổi kèn cho đám lái xe tải để đổi lấy phiếu ăn không hả?”
Ricky là một chuyên gia sành sỏi về những câu pha trò về các bà mẹ, nhưng câu đùa này có vẻ vượt quá mức cậu ta nuốt nổi. Cậu ta bật dậy khỏi ghế, đẩy tôi mạnh đến mức tôi thiếu chút nữa rơi khỏi nóc nhà. Tôi hét lớn bảo cậu ta biến đi, nhưng cậu ta đã bỏ đi rồi.
Phải hàng tháng sau tôi mới gặp lại Ricky. Thế là chấm hết cho quan hệ bạn bè.
o O o
Cuối cùng, bố mẹ tôi cũng đưa tôi tới gặp bác sĩ tâm lý thật - một người đàn ông trầm lặng có nước da màu ô liu tên là bác sĩ Golan. Tôi không chống đối. Tôi biết mình cần sự giúp đỡ.
Tôi nghĩ mình là một ca rất hóc búa, song bác sĩ Golan đã giải quyết xong trường hợp của tôi nhanh tới mức đáng ngạc nhiên. Thái độ bình thản, không chút cảm xúc của ông ta khi giải thích mọi thứ gần như đã thôi miên tôi, và chỉ trong vòng hai buổi trị liệu, ông ta đã thuyết phục được tôi rằng con vật kia chẳng qua chỉ là sản phẩm từ trí tưởng tượng bị kích động thái quá của tôi; sang chấn tâm lý từ cái chết của ông nội tôi đã làm tôi nhìn thấy thứ không thực sự có mặt ở đó. Bác sĩ Golan giải thích rằng ban đầu chính những câu chuyện kể của ông nội Portman đã ghi lại trong tâm trí tôi hình ảnh sinh vật đó, vì thế chỉ có thể lý giải một cách hợp lý là khi tôi quỳ gối đỡ ông trên tay, quay cuồng trước cú sốc kinh khủng nhất quãng đời non trẻ của mình, tôi đã tưởng tượng ra chính con quái vật ông đã kể.
Thậm chí còn có cả một cái tên cho trạng thái của tôi: rối loạn stress cấp tính. “Mẹ chẳng thấy nó có gì dễ thương[1] cả,” mẹ tôi nói khi nghe được lời chẩn đoán mới bóng bẩy về tôi. Dẫu vậy, câu bông đùa của mẹ chẳng làm tôi bận tâm. Gần như bất cứ bệnh gì nghe cũng còn hơn bị điên.
Thế nhưng việc tôi không còn tin rằng những con quái vật có thật không có nghĩa là tôi đã khá hơn. Tôi vẫn bị những con ác mộng giày vò. Tôi sợ hãi, hoang tưởng và cực kỳ khó tương tác với người khác tới mức bố mẹ tôi phải thuê một gia sư để tôi chỉ phải đến trường học vào những ngày tôi cảm thấy đủ sức làm vậy. Và cuối cùng họ cũng cho phép tôi nghỉ việc ở Smart Aid. “Cảm thấy khá hơn” trở thành công việc mới của tôi.
Chẳng bao lâu sau, tôi cũng quyết định làm cho mình bị đuổi khỏi cả công việc này nữa. Khi vấn đề vặt vãnh về chứng điên loạn nhất thời của tôi đã được làm rõ, chức năng của bác sĩ Golan dường như chủ yếu chỉ còn gói gọn vào chuyện kê đơn. Vẫn còn gặp ác mộng ư? Tôi đã có thuốc này cho nó. Lên cơn hoảng loạn trên xe đưa đón của trường ư? Cái này sẽ giúp giải quyết ổn thỏa. Không ngủ được? Hãy tăng liều lên thôi. Tất cả những viên thuốc đó làm tôi phát phì lên và đờ đẫn đi, trong khi tôi vẫn khổ sở như cũ, chỉ ngủ được ba hay bốn giờ mỗi tối. Cũng chính vì thế tôi bắt đầu nói dối bác sĩ Golan. Tôi vờ như ổn cả trong khi bất cứ ai nhìn tôi đều có thể thấy bọng mắt lù lù và cái cách tôi hết hồn nhảy dựng lên khi nghe tiếng động đột ngột. Suốt một tuần tôi bịa ra toàn bộ phần nhật ký thuật lại các giấc mơ, làm các giấc mơ của tôi nghe có vẻ êm dịu và đơn giản, giống như của những người bình thường. Một giấc mơ là tới gặp nha sĩ. Trong một giấc mơ khác tôi đang bay. Tôi kể với ông bác sĩ rằng có hai đêm liền tôi mơ mình khỏa thân ở trường.
Sau đó, ông bác sĩ ngắt lời tôi. “Thế còn những con quái vật thì sao?”
Tôi nhún vai. “Không thấy bóng dáng chúng. Cháu đoán như thế có nghĩa là cháu đang khá hơn, phải không?”
Bác sĩ Golan gõ gõ bút một lát rồi viết gì đó. “Tôi hy vọng không phải cậu chỉ đang kể cho tôi những gì cậu nghĩ tôi muốn nghe.”
“Tất nhiên là không rồi”, tôi nói, ánh mắt lướt qua những bằng cấp được lồng khung treo trên tường, tất cả đều xác nhận năng lực chuyên môn của vị bác sĩ trong nhiều chuyên ngành của tâm lý học, trong đó, tôi tin chắc, bao gồm cả chuyện làm thế nào phát hiện ra một cậu nhóc vị thành niên bị rối loạn stress cấp tính đang nói dối.
“Hãy thành thực trong một phút nhé.” Ông bác sĩ đặt bút xuống. “Cậu đang nói với tôi là trong tuần này cậu không hề mơ về chúng thậm chí chỉ một đêm đúng không?”
Tôi vẫn luôn là một kẻ nói dối thảm hại. Thay vì tự làm mình bẽ mặt, tôi nương theo lời bác sĩ. “À”, tôi lí nhí, “có lẽ là một đêm.”
Sự thật là cả tuần nay tối nào tôi cũng mơ thấy thế. Chỉ khác đi vài chi tiết nhỏ, nhưng nó luôn diễn ra thế này: tôi nằm phục xuống trong góc phòng ngủ của ông nội, ánh sáng lờ mờ màu hổ phách hắt vào qua các ô cửa sổ, soi sáng một khẩu súng hơi bằng nhựa màu hồng bắn đạn bi sắt dựng ngoài cửa. Một cái máy bán hàng tự động to tướng sáng trưng nằm ở vị trí đáng ra là của chiếc giường, bên trong không phải kẹo mà đựng đầy các hàng dao chiến đấu sắc như dao cạo và những khẩu súng ngắn bắn đạn xuyên giáp. Ông nội tôi đứng đó, mặc một bộ quân phục Anh cũ kỹ, nhét những tờ đô la vào máy, nhưng phải tốn khá nhiều mới mua được một khẩu súng và chúng tôi đang cạn dần thời gian. Cuối cùng, một khẩu.45 lăn về phía khung kính, nhưng trước khi rơi xuống nó lại bị mắc kẹt. Ông nội bật rủa bằng tiếng Yiddish[2], đá vào cái máy, đoạn quỳ gối xuống thò tay vào trong cố với lấy khẩu súng, song cánh tay ông bị mắc kẹt.
Đúng lúc ấy chúng đến, những cái lưỡi dài đen ngòm của chúng trượt đi trên mặt kính bên ngoài, tìm một lối vào trong. Tôi chĩa khẩu súng bắn đạn bi sắt về phía chúng rồi siết cò, nhưng chẳng có gì xảy ra. Trong lúc đó, ông nội Portman đang la hét như một người điên - tìm con chim đi, tìm cái vòng, Yakob vai[3], mày không hiểu sao, đồ ngốc yutzi[4] quỷ tha ma bắt - thế rồi các cửa sổ vỡ tung, kính vỡ ào ào tuôn xuống như mưa và những cái lưỡi đen ngòm trùm hết lên chúng tôi và thường tới lúc này tôi bừng tỉnh giữa một vũng mồ hôi, tim đập như trống trận, dạ dày quặn thắt.
Cho dù giấc mơ vẫn luôn như thế và chúng tôi đã nhắc qua nó cả trăm lần, bác sĩ Golan vẫn yêu cầu tôi mô tả lại nó vào mỗi buổi trị liệu. Cứ như thể ông ta đang lật đi lật lại phần vô thức của tôi, tìm kiếm một manh mối nào đó rất có thể ông ta đã bỏ qua trong chín mươi chín lần trước.
“Và trong giấc mơ ông nội cậu nói gì?”
“Vẫn luôn là mấy thứ đó”, tôi nói. “Về con chim, cái vòng và ngôi mộ.”
“Những lời trăng trối của ông cụ.”
Tôi gật đầu.
Bác sĩ Golan đan các ngón tay vào nhau rồi chống cằm, đúng phóc bộ dạng của một bác sĩ tâm lý đang ngẫm nghĩ. “Có ý tưởng mới nào xem chúng nghĩa là gì không?”
“Có chứ. Chả nghĩa lý gì hết.”
“Thôi nào. Cậu đâu có nghĩ thế.”
Tôi muốn làm như thể không quan tâm đến những lời trăng trối của ông, nhưng sự thực là có. Chúng đã gặm nhấm tôi khủng khiếp cũng gần như những cơn ác mộng. Tôi cảm thấy mình mắc nợ ông, tôi không được phép phủ nhận với bất kỳ ai trên đời rằng những lời trăng trối của ông là vô nghĩa và hoang tưởng, còn bác sĩ Golan tin rằng việc hiểu được chúng sẽ giúp tôi xua đi những giấc mơ đáng sợ. Vậy là tôi cố.
Một số điều ông nội Portman nói thực sự có ý nghĩa, chẳng hạn như chuyện ông muốn tôi đi tới hòn đảo. Ông lo lắng rằng những con quái vật sẽ tới tìm tôi, và cho rằng hòn đảo là nơi duy nhất tôi có thể thoát được khỏi chúng, như ông từng thoát được khi còn là một cậu bé. Sau đó ông đã nói “Đáng lẽ ông phải nói với cháu”, nhưng vì không có thời gian để ông nói với tôi điều đáng lẽ phải nói đó, cho dù nó là cái gì, tôi tự hỏi biết đâu ông đã làm điều tốt nhất có thể sau lựa chọn này và để lại một manh mối dẫn tới ai đó có thể nói cho tôi biết - một người biết bí mật của ông. Tôi đoán đó chính là ý nghĩa của tất cả những lời nói bí hiểm về cái vòng, ngôi mộ và lá thư.
Trong một thời gian tôi đã nghĩ “vòng” có thể là một con phố tại Circle Village - một nơi chỉ toàn những lối cụt vòng vèo thắt lại như cái vòng - và “Emerson” có thể là một người ông từng gửi thư cho. Một người bạn cũ thời chiến tranh ông vẫn giữ liên lạc chẳng hạn. Có thể nhân vật Emerson này sống tại Circle Village, ở một trong những cái vòng của khu này, gần một nghĩa địa, và một trong những lá thư ông ta giữ có đề mồng ba tháng Chín năm l940, và đó là lá thư tôi cần đọc. Tôi biết chuyện này nghe thật điên rồ, nhưng có những chuyện còn điên rồ hơn thế hóa ra đều đúng. Vậy là sau khi đâm vào ngõ cụt khi tìm kiếm trên mạng, tôi tới trung tâm cộng đồng của Circle Village, nơi những người già tụ tập để chơi trò đẩy đĩa shuffleboard và bàn luận về những cuộc phẫu thuật mới nhất của họ, để hỏi xem nghĩa địa ở đâu và liệu có ai biết ông Emerson nào không. Họ nhìn tôi như thể tôi có cái đầu thứ hai mọc trên cổ, kinh ngạc khi thấy một cậu nhóc vị thành niên đang nói chuyện với mình. Chẳng có nghĩa địa nào tại Circle Village và không ai trong khu này tên là Emerson, cũng chẳng có con đường nào tên là hẻm Thòng Lọng, đại lộ Vòng hay cái gì Vòng cả. Hoàn toàn vô ích.
Dẫu vậy, bác sĩ Golan vẫn chưa chịu tha cho tôi. Ông ta gợi ý tôi tìm hiểu về Ralph Waldo Emerson, một nhà thơ nổi tiếng thời xưa theo lời ông bác sĩ. “Emerson đã viết rất nhiều thư”, ông ta nói. “Có thể đó là điều ông nội cậu muốn nói tới.” Nghe chẳng khác gì chĩa súng bắn bừa trong đêm tối, nhưng để thoát được Golan, một buổi chiều tôi nhờ bố đưa tới thư viện để tôi có thể kiểm tra khả năng này. Tôi nhanh chóng khám phá ra rằng Ralph Waldo Emerson quả thực đã viết rất nhiều thư được xuất bản. Trong chừng ba phút tôi thực sự vô cùng phấn khích, như thể mình đã cận kề một bước đột phá, và rồi sau đó có hai điều trở nên rõ ràng: thứ nhất, Ralph Waldon Emerson đã sống và chết từ thế kỷ mười chín, và do đó không thể viết bất cứ lá thư nào đề mồng ba tháng Chín năm l940 được, và thứ hai là những gì ông này viết tối nghĩa và khó hiểu đến mức khó có chuyện làm ông nội tôi, một người không thể gọi là ham đọc, mảy may quan tâm tới. Tôi khám phá ra khả năng gây ngủ của Emerson theo cách dữ dội nhất, gục xuống ngủ úp mặt lên cuốn sách, làm nước dãi chảy tùm lum lên khắp một bài luận có nhan đề “Tự lực” và lại mơ về cái máy bán hàng tự động lần thứ sáu trong tuần đó. Tôi vùng vẫy la hét om sòm và bị tống khứ ra khỏi thư viện không chút khách khí, và từ đầu tới cuối tôi không ngừng nguyền rủa bác sĩ Golan cùng mớ giả thiết ngu ngốc của ông ta.
Giọt nước tràn ly nhỏ xuống vài ngày sau đó, khi gia đình tôi quyết định đã tới lúc nên bán ngôi nhà của ông nội Portman. Tuy vậy, trước khi có thể cho phép những người mua tiềm năng vào nhà, nơi này cần được lau dọn đã. Theo lời khuyên của bác sĩ Golan, người nghĩ rằng “đối diện với hiện trường của cơn sang chấn” sẽ tốt cho tôi, tôi được huy động giúp bố và cô Susie thu dọn đống bừa bộn bên trong. Suốt một hồi sau khi chúng tôi vào trong ngôi nhà, bố liên tục kéo tôi sang một bên để kiểm tra nhằm đoan chắc tôi vẫn ổn. Kể cũng ngạc nhiên, có vẻ tôi ổn thật, bất chấp những mẩu dây bảo vệ hiện trường đang dính vào các bụi cây và tấm màn che bị rách ngoài hiên đập phành phạch trong cơn gió nhẹ, những thứ này - cũng như cái thùng rác Dumpster được thuê đang chồm hỗm ngoài lề đường, chờ đợi nuốt chửng những gì còn lại từ cuộc đời ông nội tôi - làm tôi thấy buồn, nhưng không sợ.
Khi đã dám chắc là tôi không sắp sửa lên cơn động kinh sùi bọt đầy mồm, cả nhà bắt tay vào việc. Được trang bị các túi đựng rác, chúng tôi phăm phăm dọn dẹp cả ngôi nhà, dọn sạch các giá, ngăn tủ và các xó xỉnh, khám phá ra hàng đống bụi đất dưới những món đồ đã nhiều năm không xê dịch. Chúng tôi xây các kim tự tháp những thứ có thể giữ lại hay tận dụng, và nhiều kim tự tháp những thứ sẽ dành cho cái thùng rác Dumpster. Cô tôi và bố tôi không phải người đa cảm, và đống đồ dành cho cái thùng Dumpster luôn to hơn. Tôi trầy trật thuyết phục để giữ lại một số thứ, như chồng tạp chí National Geographic bị ngấm nước cao đến hai mét rưỡi đứng chông chênh trong một góc gara - đã bao buổi chiều tôi dành ra để đọc chúng say sưa, tưởng tượng mình ở giữa những thổ dân New Guinea người trát đầy bùn hay khám phá một lâu đài nằm cheo leo trên đỉnh vách núi ở vương quốc Bhutan? - nhưng lời nói của tôi luôn bị gạt đi. Tôi cũng không được phép giữ lại bộ sưu tập áo chơi bowling cũ của ông (“Chúng thật phiền phức”, bố tôi tuyên bố), những đĩa nhạc jazz thời thập niên 1920 loại 78 vòng một phút (“Sẽ có người trả khá tiền vì chỗ đĩa này cho xem”), hay những thứ ở bên trong ngăn tủ chứa vũ khí to đùng vẫn khóa kín của ông (“Con đang đùa phải không? Bố hy vọng là con đang đùa.”)
Tôi nói với bố là ông không có tim. Cô tôi rút lui khỏi hiện trường, để lại hai bố con tôi trong phòng làm việc, chúng tôi đang phải soạn một núi các hóa đơn tài chính cũ.
“Bố chỉ thực tế thôi. Đây là những gì xảy ra khi người ta qua đời, Jacob.”
“Thế ư? Thế khi bố qua đời thì sao? Con có nên đốt sạch bản thảo cũ của bố không?”
Bố tôi đỏ gay mặt. Đáng ra tôi không nên nói thế, nhắc tới các dự án viết lách dở dang của bố chắc chắn là chuyện cấm kỵ. Thay vì gắt lên với tôi, bố chỉ im lặng. “Hôm nay bố đưa con đi cũng vì bố nghĩ con đã đủ chín chắn để làm việc này. Bố đoán là bố đã nhầm.”
“Bố đang nhầm. Bố nghĩ tống khứ hết mọi thứ của ông đi thì con sẽ quên ông. Nhưng không có chuyện đó đâu.”
Bố tôi giơ hai bàn tay lên đầu hàng. “Con biết không? Bố đã phát ốm vì cứ phải tranh cãi về nó rồi. Cứ việc giữ lại bất cứ thứ gì con muốn.” Ông ném một xấp báo đã ố vàng xuống dưới chân tôi. “Đây là một tập hợp đã được đánh đề mục về các suy đoán từ năm Kennedy bị ám sát. Hãy mang nó về đóng khung mà treo lên!”
Tôi đá xấp báo đi rồi bước ra ngoài, đóng sầm cửa lại sau lưng, sau đó đợi ngoài phòng khách để chờ bố tôi ra xin lỗi. Khi nghe thấy tiếng máy hủy tài liệu hoạt động, tôi biết ông sẽ không làm thế, vậy là tôi đùng đùng lao vào nhà khóa trái mình lại trong phòng ngủ. Căn phòng sặc mùi không khí tù đọng, mùi da giày và mùi nước hoa hơi chua của ông. Tôi tựa người vào tường, đôi mắt lần theo một vệt hằn trên tấm thảm trải giữa cửa ra vào và giường nằm, chỗ đó có một vùng ánh sáng mặt trời mờ mờ hình chữ nhật chạm vào rìa một cái hộp nhô ra từ dưới lớp ga trải giường. Tôi đến bên cạnh, quỳ xuống kéo cái hộp ra. Đó là cái hộp đựng xì gà cũ bám đầy bụi - như thể ông đã để đó cho tôi tìm ra.
Bên trong hộp là những bức ảnh tôi biết quá rõ: cậu bé vô hình, cô bé đang bay lên, cậu bé nhấc bổng đá tảng, người có hình khuôn mặt vẽ đằng sau đầu. Tất cả đều đã trở lên giòn, bong tróc - và cũng nhỏ hơn so với trong trí nhớ của tôi - và giờ đây, ngắm nhìn chúng khi tôi đã gần như trở thành người lớn, tôi chợt nhận ra vẻ giả tạo trong mấy bức ảnh rõ đến mức nào. Có khi chỉ cần một chút tăng giảm phơi sáng khi tráng phim cũng có thể làm cái đầu của cậu nhóc “vô hình” biến mất. Tảng đá khổng lồ được đứa trẻ gầy còm đáng nghi ngờ kia nhấc lên hoàn toàn có thể dễ dàng được tạo nên từ bọt xốp hay thạch cao. Nhưng những quan sát này quả là quá tinh tế đối với một cậu nhóc sáu tuổi nhất là với một cậu bé thực sự muốn tin.
Phía dưới mấy bức ảnh đó còn có thêm năm bức nữa mà ông nội Portman chưa bao giờ cho tôi xem. Tôi tự hỏi vì sao, cho tới khi nhìn lại gần hơn. Ba bức ảnh bị dàn dựng rõ ràng tới bức thậm chí cả một đứa bé cũng phát hiện ra được: một bức ảnh ghép tức cười hình một cô gái “bị nhốt” trong một cái chai; một bức khác chụp một đứa trẻ “đang bay lên”, được treo bằng thứ gì đó giấu trong khung cửa tối om sau lưng cô bé; bức ảnh thứ ba là một con chó với khuôn mặt một cậu bé được dán lên một cách thô thiển. Như thể ba bức ảnh này còn chưa đủ kỳ cục, hai bức ảnh cuối như thể được lấy ra từ những cơn ác mộng của David Lynch[5]: một bức chụp một nghệ sĩ uốn dẻo trẻ không mấy vui vẻ đang biểu diễn một tư thế uốn gập lưng rợn người; bức kia là một cặp sinh đôi kỳ quái mặc những món trang phục quái đản nhất tôi từng thấy. Thậm chí cả ông nội tôi, người đã nhồi đầy đầu tôi các câu chuyện về lũ quái vật có những cái lưỡi xúc tu cũng đã nhận ra những bức ảnh kiểu này có thể khiến bất cứ đứa trẻ nào gặp ác mộng.
Quỳ gối ở đó, trên sàn nhà bụi bặm trong phòng ông với mấy bức ảnh trên tay, tôi nhớ lại mình đã cảm thấy bị lừa dối như thế nào vào cái ngày tôi vỡ lẽ ra rằng các câu chuyện của ông không phải sự thật. Giờ đây, sự thật dường như đã hiển nhiên: những lời trăng trối của ông chỉ đơn giản là một ngón xảo thuật nữa, và hành động cuối cùng của ông là để tiêm nhiễm vào tôi những cơn ác mộng và ảo giác hoang tưởng rồi đây sẽ phải cần đến hàng bao nhiêu năm trị liệu tâm lý cùng đống thuốc đủ để tàn phá cơ thể mới tống khứ đi được.
Tôi đóng cái hộp lại và mang nó ra phòng khách, nơi bố tôi và cô Susie đang trút một ngăn kéo đầy ắp phiếu mua hàng giảm giá đã được cắt nhưng chưa bao giờ được dùng vào một túi rác dung tích gần bốn mươi lít.
Tôi đưa cho hai người cái hộp. Họ cũng chẳng buồn hỏi có gì bên trong.
o O o
“Vậy sự thật là thế sao?” bác sĩ Golan hỏi. “Cái chết của ông cậu hoàn toàn vô nghĩa sao?”
Tôi đang nằm dài trên đi văng ngắm nghía một bể cá trong góc phòng, tù nhân vàng óng của nó đang lười nhác bơi lượn lờ thành từng vòng. “Trừ phi chú có ý tưởng nào hay hơn”, tôi nói. “Một học thuyết lớn lao nào đó về tất cả ý nghĩa của nó mà chú vẫn chưa nói cho cháu biết. Nếu không...”
“Cái gì?”
“Nếu không, việc này chỉ lãng phí thời gian thôi.”
Ông bác sĩ thở dài và đưa tay lên véo sống mũi như thể cố tống khứ một cơn đau đầu. “Ý nghĩa những lời trăng trối của ông cậu không phải là kết luận tôi cần rút ra”, ông ta nói. “Những gì cậu nghĩ mới là vấn đề.”
“Đó là một mớ lời lẽ tâm lý học vớ vẩn mắc dịch”, tôi gắt lên. “Những gì cháu nghĩ không phải là vấn đề; mà là thực tế! Nhưng cháu đoán là chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được, vậy thì ai thèm quan tâm? Cứ việc đánh thuốc mê cháu và nhận hóa đơn thanh toán đi.”
Tôi muốn ông bác sĩ nổi điên - muốn ông ta tranh luận, quả quyết rằng tôi sai nhưng thay vì thế ông ta ngồi đó mặt lạnh tanh, cầm bút gõ gõ vào tay vịn ghế. “Nghe có vẻ như cậu đang bỏ cuộc”, sau một lát ông bác sĩ lên tiếng. “Tôi rất thất vọng. Theo như tôi thấy cậu không có vẻ là một kẻ dễ dàng bỏ cuộc.”
“Vậy thì chú chả biết gì về cháu rồi”, tôi đáp.
o O o
Tôi chẳng có chút xíu tâm trạng tiệc tùng nào hết. Tôi biết rõ mình sắp phải tham gia một bữa tiệc khi bố mẹ tôi bắt đầu bóng gió một cách chẳng mấy khéo léo rằng dịp cuối tuần sắp tới chắc chắn sẽ buồn chán và tẻ nhạt ra sao, trong khi tất cả chúng tôi đều biết thừa tôi sắp tròn mười sáu tuổi. Tôi đã khẩn khoản nài xin bố mẹ hãy bỏ qua bữa tiệc sinh nhật năm nay vì, bên cạnh các lý do khác, tôi chẳng thể nghĩ ra được dù chỉ một người mà tôi muốn mời, song vì lo rằng tôi đã dành quá nhiều thời gian một mình, hai người khư khư cho rằng giao tiếp xã hội là một hình thức trị liệu. Sốc điện cũng được coi là một hình thức trị liệu đấy, tôi nhắc nhở họ. Nhưng mẹ tôi rất ghét phải bỏ lỡ bất cứ cái cớ nào dù mong manh nhất để tiệc tùng ăn mừng - có lần bà đã mời bạn bè đến mừng sinh nhật con vẹt Australia mào vàng của chúng tôi - một phần vì bà rất khoái khoe ngôi nhà chúng tôi đang sống. Cầm ly rượu vang trên tay, mẹ lôi khách đi từ căn phòng chật ních đồ đạc này sang căn phòng khác, hết lời tán dương tài năng của kiến trúc sư và kể lại những câu chuyện đầy khó khăn gay cấn về quá trình xây dựng (“Phải mất hàng tháng mới mua được những cái giá đèn treo tường này từ Italia đấy.”)
Chúng tôi vừa về đến nhà sau buổi trị liệu thảm họa của tôi với bác sĩ Golan. Tôi đi theo bố vào căn phòng khách tối om một cách rất đáng ngờ còn ông đang lẩm nhẩm gì đó kiểu như “Thật tệ khi chúng ta lại không chuẩn bị gì cho sinh nhật con” và “À mà không sao, để năm tới cũng được mà” thì tất cả ánh sáng bừng lên tràn ngập không gian, để lộ ra băng rôn chúc mừng, bóng bay, và cả một đám đông đủ thành phần các cô dì chú bác và anh chị em họ mà hiếm khi tôi nói chuyện cùng - bất cứ ai mẹ tôi có thể huy động đến dự - và Ricky, người tôi rất ngạc nhiên thấy lởn vởn cạnh tô rượu pân lớn, trông lạc lõng đến tức cười trong chiếc áo khoác da gắn mũ đinh trang trí. Khi mọi người đã xong màn chúc mừng và tôi đã thôi giả vờ ngạc nhiên, mẹ khoác vai tôi thì thầm, “Thế này có ổn không?” Tôi rất khó chịu, mệt mỏi và chỉ muốn chơi game Warspire III: The Summoning trước khi leo lên giường và bật ti vi. Nhưng chúng tôi sẽ phải làm gì đây, bảo mọi người về nhà hết ư? Tôi nói mọi thứ đều ổn, và bà mỉm cười như thể để cảm ơn tôi.
“Ai muốn xem phần mới xây thêm nào?” mẹ tôi du dương nói, tự rót thêm cho mình một ít Chardonnay trước khi dẫn đầu một đoàn họ hàng kéo lên lầu.
Ricky và tôi gật đầu chào nhau từ hai đầu căn phòng, im lặng nhất trí chịu đựng sự có mặt của những người khác thêm một hay hai tiếng nữa. Chúng tôi đã không hề nói chuyện với nhau kể từ hôm cậu ta suýt nữa đẩy tôi văng khỏi nóc nhà, nhưng cả hai chúng tôi đều hiểu tầm quan trọng của việc duy trì cái ảo tưởng rằng mình có bạn bè. Tôi đang định tới nói chuyện với cậu ta thì bác Bobby nắm khuỷu tay kéo tôi vào một góc. Bác Bobby là một người đàn ông vạm vỡ với khuôn ngực thùng tô nô, lái một chiếc xe to tướng, sống trong một ngôi nhà lớn và sớm muộn gì cũng sẽ gục ngã trước một cơn đau tim mạnh mẽ, kết quả của bao nhiêu gan ngỗng béo và hamburger cỡ lớn ông đã nhét vào bộ ruột của mình theo năm tháng, để lại mọi thứ cho đám anh họ nghiện cần sa của tôi và bà vợ bé nhỏ lặng lẽ của ông. Ông cùng bác Les của tôi là hai đồng chủ tịch của Smart Aid, và họ luôn làm việc này - kéo người ta vào góc để thì thào bí hiểm, như thể đang toan tính một vụ giết người chứ không phải tán thưởng món xốt quả bơ của bà chủ nhà.
“Mẹ cháu bảo là cháu đang thực sự vượt qua được, ờ... chuyện ông nội cháu.”
Chuyện của tôi. Chẳng ai biết phải gọi nó là gì.
“Rối loạn stress cấp tính”, tôi nói.
“Cái gì?”
“Đó là thứ cháu gặp phải. Đã gặp phải. Thế nào cũng được.”
“Thế thì tốt. Thật mừng khi nghe thấy thế.” Ông phẩy tay như thể để gạt tất cả những chuyện chẳng thú vị gì đó lại sau lưng chúng tôi. “Mẹ cháu và bác nghĩ vậy. Cháu có thích tới Tampa vào hè này để xem tình hình làm ăn của gia đình không? Đến trụ sở công ty với bác để vỡ vạc đầu óc một thời gian thì sao nào? Trừ phi cháu thích các kệ xếp hàng hơn!” Ông phá lên cười to đến mức tôi bất giác lùi lại một bước. “Cháu thậm chí có thể ở tại ngôi nhà, đi câu cá cháo với bác và các anh họ cháu vào dịp cuối tuần.” Sau đó, bác tôi dành ra năm phút lê thê mô tả chiếc du thuyền mới của ông, đi vào những chi tiết tỉ mỉ, gần như khêu gợi, như thể chỉ mình chuyện đó thôi cũng đủ để chốt lại thỏa thuận. Khi nói xong, bác cười ngạo nghễ, và chìa tay ra để tôi bắt. “Vậy cháu nghĩ sao, Jacob?”
Tôi đoán nó đã được tính toán để trở thành một đề nghị tôi không thể từ chối, nhưng tôi thà trải qua mùa hè trong một trại lao động ở Siberia còn hơn ở bên bác tôi và lũ con được nuông chiều của ông. Còn chuyện làm việc tại trụ sở của Smart Aid, tôi biết nhiều khả năng đó là một phần không thể tránh trong tương lai của mình, nhưng tôi đã tính sẽ phải có ít nhất vài mùa hè tự do nữa cộng thêm bốn năm đại học trước khi buộc phải nhốt mình vào cái lồng của tập đoàn. Tôi do dự, cố nghĩ cho mình một lối thoát êm thấm. Thay vì thế, những gì tôi nói ra lại là, “Hiện giờ cháu không chắc bác sĩ tâm lý của cháu sẽ nghĩ đó là một ý tưởng hay.”
Đôi lông mày chổi sể của bác tôi nhíu lại. Gật gật gù gù ông nói, “À phải, hẳn rồi, tất nhiên. Vậy cứ coi như bác cháu mình chỉ nói suông thôi nhỉ?” Rồi ông bỏ đi không buồn đợi câu trả lời, giả bộ vừa thấy ai đó bên kia phòng mà ông cần phải tới bắt chuyện.
Mẹ tôi tuyên bố đã đến lúc mở quà. Bà luôn nhất quyết đòi tôi phải làm việc đó trước mặt tất cả mọi người, một chuyện cực kỳ rắc rối, vì như đã nhắc qua lúc trước, tôi không có khiếu nói dối cho lắm. Điều đó cũng có nghĩa là tôi không hề giỏi trong việc vờ thể hiện lòng biết ơn vì những chiếc đĩa CD nhạc Giáng sinh đồng quê được tặng lại hay phiếu đặt mua dài hạn tạp chí Field and Stream - suốt nhiều năm bác Les đã bị ám ảnh bởi ảo tưởng đáng kinh ngạc rằng tôi là một đứa “hướng ngoại” - nhưng vì phép lịch sự tôi cố nặn ra một nụ cười và nâng từng món quà đã được mở giấy bọc ra lên để mọi người cùng chiêm ngưỡng cho tới khi chồng quà trên bàn cà phê chỉ còn lại ba món.
Tôi với lấy món quà bé nhất trước tiên. Bên trong là chìa khóa chiếc ô tô mui kín sang trọng đã chạy được bốn năm của bố mẹ tôi. Mẹ tôi giải thích là bố mẹ chuẩn bị mua một chiếc xe mới, vì thế tôi được thừa kế cái cũ. Chiếc xe đầu tiên của tôi! Mọi người đều ồ và à, nhưng tôi cảm thấy mặt mình nóng bừng. Nếu chấp nhận một món quà xa xỉ như thế trước mặt Ricky thì có khác nào khoe của, giá cái xe của cậu ta còn chưa bằng món tiền tiêu vặt hằng tháng tôi nhận được năm mười hai tuổi. Dường như bố mẹ luôn cố gắng làm cho tôi quan tâm tới tiền bạc, nhưng thật ra tôi lại chẳng hề quan tâm. Có điều, khi đã thừa mứa thì thật dễ dàng nói mình không quan tâm đến tiền bạc.
Món quà kế tiếp là một chiếc máy ảnh kỹ thuật số mà tôi đã nài nỉ đòi bố mẹ mua suốt mùa hè năm ngoái. “Ái chà”, tôi thốt lên cảm nhận trọng lượng của nó trên tay mình. “Tuyệt quá.”
“Bố đang lên dàn ý cho một cuốn sách mới về chim”, bố tôi nói. “Bố nghĩ con có thể đảm nhiệm phần chụp ảnh.”
“Một cuốn sách mới ư!” mẹ tôi thốt lên. “Quả là một ý tưởng phi thường, Frank. Nhân nói đến nó, cuốn sách trước mà anh định viết thì sao nhỉ?” Rõ ràng bà đã cạn vài ly rượu vang.
“Anh vẫn đang chỉnh sửa lại vài thứ”, bố khẽ đáp.
“À, tôi hiểu rồi.” Tôi có thể nghe thấy bác Bobby cười khùng khục.
“Xem nào!” tôi nói lớn tiếng, với lấy món quà cuối cùng. “Cái này là của cô Susie.”
“Thực ra”, cô tôi nói khi tôi bắt đầu xé giấy bọc, “nó là của ông nội cháu.” Tôi khựng lại giữa chừng. Cả căn phòng bỗng lặng ngắt, mọi người nhìn cô Susie cứ như thể cô vừa gọi tên một con quỷ nào đó. Quai hàm bố tôi đanh lại còn mẹ tôi phụt ngụm rượu vang bà vừa uống ra. “Cứ mở nó ra rồi cháu sẽ thấy”, cô Susie nói.
Tôi lột nốt phần giấy gói còn lại và tìm thấy một cuốn sách cũ bìa cứng, mép các trang sách đã quăn, và không còn bìa áo. Đó là cuốn Tuyển tập Ralph Waldo Emerson.
Tôi nhìn nó chằm chằm như thể cố đọc xuyên qua bìa, không thể hiểu nổi nó đã tới nằm trên đôi bàn tay đang run rẩy của mình như thế nào. Không ai ngoài bác sĩ Golan biết về những lời trăng trối của ông nội, và bác sĩ đã hứa vài lần là trừ phi tôi có nguy cơ uống Drano[6] hay nhảy lộn ngược từ trên cầu Sunshine Skyway[7] xuống, mọi thứ chúng tôi trao đổi tại phòng khám của ông ta sẽ được giữ bí mật.
Tôi đứng dậy rời đi, sợ rằng mình sẽ bật khóc trước mặt tất cả mọi người, và chợt có thứ gì đó tuột ra từ giữa các trang sách rơi xuống sàn.
Tôi cúi xuống nhặt nó lên. Đó là một lá thư.
Emerson. Lá thư.
Tôi cảm thấy mặt mình không còn chút máu nào. Mẹ cúi về phía tôi căng thẳng thì thầm hỏi liệu tôi có cần uống nước không, như một cách nhắc nhở bình tĩnh lại, mọi người đang nhìn chằm chằm đây. Tôi nói, “Con cảm thấy hơi, ừm...” rồi sau đó, đưa một bàn tay lên ôm bụng, tôi lao vào phòng mình.
o O o
Lá thư được viết tay trên một tờ giấy đẹp không kẻ dòng, với những nét vòng nắn nót tới mức gần như là một bản thư pháp, màu mực đen đậm nhạt không đồng đều, như thể được viết ra từ một chiếc bút máy cũ. Lá thư viết:
Abe thân yêu nhất đời.
Ta hy vọng lá thư này đến nơi khi cậu vẫn an toàn và vô cùng khỏe mạnh. Đã lâu lắm rồi kể từ lần cuối chúng ta nhận được tin của cậu! Nhưng ta viết không phải để trách móc, chỉ để cậu biết chúng ta vẫn hay nghĩ đến cậu và cầu mong cậu được bình yên. Abe can đảm và khôi ngô của chúng ta! Còn về cuộc sống trên hòn đảo, có rất ít thay đổi. Nhưng bình lặng và trật tự chính là cách chúng ta thích mọi thứ diễn ra! Không rõ chúng ta có thể nhận ra cậu sau bấy nhiêu năm hay không dù ta chắc chắn cậu sẽ nhận ra chúng ta - nghĩa là số ít những người còn lại. Sẽ thật ý nghĩa nếu có một bức ảnh chụp gần đây của cậu, nếu cậu có một bức để gửi. Ta gửi kèm đây một bức ảnh tất nhiên rất cũ rồi của chính ta.
E nhớ cậu kinh khủng. Cậu không viết cho cô bé sao?
Với sự tôn trọng và ngưỡng mộ.
Cô phụ trách Alma LeFay Peregrine
Đúng như lời hứa, người viết thư đã kèm theo một bức ảnh cũ.
Tôi cầm bức ảnh giơ lên dưới ánh đèn bàn, cố tìm ra một vài chi tiết trên hình bóng khuôn mặt người phụ nữ, nhưng chẳng có gì để tìm. Bức ảnh trông thật lạ, song không hề giống mấy bức ảnh của ông nội tôi. Không hề có thủ thuật nào ở đây. Trong ảnh chỉ đơn giản là một người phụ nữ - một phụ nữ đang hút tẩu. Trông nó giống như cái tẩu của Sherlock Holmes, uốn cong và trễ xuống từ môi bà. Đôi mắt tôi cứ chốc chốc lại trở lại nhìn vào nó.
Liệu đây có phải là thứ ông đã muốn tôi tìm ra không? Đúng vậy, tôi nghĩ, hẳn là thế - không phải những lá thư của Emerson mà là một lá thư kẹp trong cuốn sách của Emerson. Nhưng cô phụ trách Peregrine này là ai mới được chứ. Tôi xem phong bì để tìm địa chỉ người gửi, nhưng chỉ thấy một dấu bưu điện đã phai màu có ghi Đảo Cairinholm., Cymru, Anh.
Anh - đó là nước Anh. Nhờ tìm hiểu các tập bản đồ từ hồi còn nhỏ tôi biết rằng Cymru có nghĩa là xứ Wales. Cairnholm hẳn chính là hòn đảo cô Peregrine đã nhắc tới trong lá thư của mình. Có thể nào đó cũng chính là hòn đảo ông nội tôi đã sống khi còn là một cậu bé chăng?
Chín tháng trước, ông đã bảo tôi “tìm Chim”. Chín năm trước, ông từng thề là trại trẻ nơi ông sống được bảo vệ bởi một con chim - một “con chim ưng hút tẩu thuốc”. Ở tuổi lên bảy, tôi đã hiểu lời kể đó theo đúng nghĩa đen, nhưng cô phụ trách trong bức ảnh cũng đang hút tẩu, và họ của cô là Peregrine, tên một loài chim ưng. Liệu có phải con chim ông nội muốn tôi tìm thực ra chính là người phụ nữ đã cứu ông - cô phụ trách của trại trẻ? Biết đâu bà vẫn còn ở trên hòn đảo đó sau bấy nhiêu năm, đã già nhưng được chăm sóc bởi số ít những học trò cũ của bà, những đứa trẻ đã lớn lên nhưng không bao giờ rời đi.
Lần đầu tiên, những lời trăng trối của ông bắt đầu có một ý nghĩa thật lạ lùng. Ông muốn tôi tới hòn đảo và tìm người phụ nữ này, cô phụ trách ngày xưa của ông. Nếu có ai đó biết về những bí mật tuổi thơ của ông nội tôi, người ấy chỉ có thể là bà. Nhưng dấu bưu điện trên phong bì đã mười lăm năm tuổi. Liệu bà có thể còn sống không? Tôi nhẩm tính nhanh trong đầu: nếu bà đã điều hành trại trẻ từ năm l939 và, giả dụ, hai mươi lăm tuổi vào lúc ấy, vậy thì giờ đây bà đã phải ngoài chín mươi tuổi. Vậy thì có thể lắm - ở Englewood có những người còn già hơn thế vẫn sống một mình và tự lái xe - và thậm chí dù bà Peregrine đã qua đời trong khoảng thời gian sau khi gửi lá thư, nhiều khả năng tại Cairnholm vẫn còn những người có thể giúp đỡ tôi, những người đã biết ông nội Portman khi ông còn nhỏ. Những người biết các bí mật của ông.
Chúng tôi, cô phụ trách đã viết thế. Số ít những người còn lại.
o O o
Như bạn hẳn cũng có thể hình dung, thuyết phục bố mẹ cho phép tôi trải qua một phần mùa hè trên một hòn đảo tí xíu nằm ngoài khơi bờ biển xứ Wales là chuyện chẳng dễ dàng gì. Bố mẹ tôi - nhất là mẹ - có vô vàn lý do thuyết phục để giải thích rằng đây là một ý tưởng tồi, bao gồm cả chi phí, cũng như việc tôi dự kiến sẽ trải qua mùa hè ở chỗ bác Bobby học cách điều hành một đế quốc dược phẩm, rồi thì tôi không có ai để đi cùng, vì chẳng ai trong bố mẹ tôi có hứng thú muốn đi, mà chắc chắn tôi không thể đi một mình. Tôi không có nổi lời phản bác hữu hiệu nào, và lý do khiến tôi muốn thực hiện chuyến đi - tôi nghĩ - tôi cần phải làm vậy - thì khó mà giải thích sao cho nghe không có vẻ còn điên rồ hơn tình trạng hai người vốn đã sợ tôi đang rơi vào. Chắc chắn tôi sẽ không kể với bố mẹ về những lời trăng trối của ông nội Portman, về lá thư hay bức ảnh - họ thể nào cũng nhốt tôi lại. Lập luận nghe lọt tai mà tôi có thể nghĩ ra chỉ có những thứ đại loại như, “Con muốn biết nhiều hơn về lịch sử gia đình” và câu cự nự chẳng bao giờ thuyết phục, “Chad Kramer và Josh Bell sẽ sang châu Âu hè năm nay. Sao con lại không được?” Tôi viện tới chúng thường xuyên hết mức mà không có vẻ tuyệt vọng (và thậm chí một lần còn dùng đến bài “đâu có vẻ gì là bố mẹ không có tiền?” một chiến thuật tôi lập tức thấy hối tiếc), nhưng có vẻ như chuyến đi sẽ khó lòng mà thành được.
Thế rồi vài chuyện xảy ra đem đến cho tôi thuận lợi lớn. Trước hết, bác Bobby đã nguội hết hứng thú để tôi trải qua mùa hè cùng ông - vì ai mà muốn một kẻ tâm thần sống trong nhà họ chứ? Vậy là lịch trình của tôi bỗng dưng rộng mở. Tiếp theo, bố tôi lại phát hiện ra đảo Cairnholm là một khu sinh thái chim cực kỳ quan trọng, và có vẻ như nó là nơi cư trú của một nửa số lượng cá thể trên toàn thế giới của một loài chim đã khiến ông lên cơn cuồng điểu học cấp tính. Bố tôi bắt đầu nói rất nhiều về cuốn sách chim muông mới ở dạng giả thuyết của ông, và bất cứ lúc nào chủ đề này được gợi ra, tôi lại cố hết sức cổ vũ bố và tỏ vẻ quan tâm. Nhưng yếu tố quan trọng nhất là bác sĩ Golan. Và chỉ sau một chút phỉnh phờ tối thiểu ở mức đáng ngạc nhiên từ phía tôi, ông bác sĩ đã làm tất cả chúng tôi choáng váng vì không chỉ phê chuẩn ý tưởng của tôi mà còn động viên bố mẹ để tôi đi.
“Điều đó có thể quan trọng với cậu ấy”, ông bác sĩ nói với mẹ tôi vào một buổi chiều, sau buổi trị liệu. “Đó là một địa điểm ông nội cậu bé đã thần thoại hóa tới mức việc đến thăm tận nơi sẽ chỉ giúp xóa đi tấm màn thần bí. Cậu bé sẽ thấy nơi đó cũng bình thường, chẳng có gì là mầu nhiệm như bất cứ nơi nào khác, và từ đó, những câu chuyện hoang đường của ông nội cậu ấy sẽ mất đi sức ám ảnh của chúng. Lấy thực tế để chống lại hoang tưởng có thể là một cách rất hiệu quả.”
“Nhưng tôi tưởng thằng bé vốn đã không tin vào mấy chuyện đó rồi”, mẹ vừa nói vừa quay sang tôi. “Phải không, Jake?”
“Con không tin vào chúng”, tôi cam đoan với bà.
“Không, một cách có ý thức thì con trai bà không tin”, bác sĩ Golan nói. “Nhưng phần vô thức mới là thứ gây phiền phức cho cậu bé lúc này. Những giấc mơ, nỗi lo lắng.”
“Và ông thực sự nghĩ đi tới đó có thể có ích?” mẹ tôi nói, nheo mắt nhìn ông bác sĩ như thể trấn tĩnh bản thân để nghe sự thật trần trụi. Về những gì tôi nên hay không nên làm, lời nói của bác sĩ Golan là luật pháp.
“Đúng thế”, ông ta đáp.
Và chỉ cần có thế.
o O o
Sau đó, mọi thứ diễn ra đâu vào đấy với tốc độ đáng kinh ngạc. Vé máy bay được đặt mua, lịch trình được lên, kế hoạch được vạch ra. Bố và tôi sẽ đi trong ba tuần vào tháng Sáu. Tôi băn khoăn liệu từng đó có quá lâu hay không nhưng bố tôi tuyên bố ông cần ít nhất chừng ấy thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng về các quần thể chim của hòn đảo. Tôi nghĩ mẹ sẽ phản đối - những ba tuần! - nhưng chuyến đi của hai bố con càng cận kề, bà dường như lại càng cảm thấy phấn khích cho chúng tôi. “Hai người đàn ông của tôi”, mẹ tôi thường nói, mặt rạng ngời, “lên đường làm một cuộc phiêu lưu lớn nào!”
Tôi thực sự cảm động trước tâm trạng nhiệt tình của mẹ - cho tới một buổi chiều tôi nghe trộm được bà nói chuyện điện thoại với một người bạn, nói bà nhẹ nhõm tới mức nào khi được “có lại cuộc sống của mình” trong ba tuần và “không phải lo lắng đến hai đứa trẻ túng bấn”.
Con cũng yêu mẹ, tôi những muốn nói thế với tất cả sự mỉa mai cay nghiệt có thể viện đến, nhưng bà lại chẳng nhìn thấy tôi, vậy là tôi giữ im lặng. Tất nhiên tôi có yêu mẹ, nhưng chủ yếu vì đó là một bổn phận, chứ không phải vì mẹ là người có lẽ tôi sẽ yêu quý khi gặp bà đi bộ dọc xuống phố. Mà nói gì thì nói, đó cũng là chuyện mẹ tôi chẳng bao giờ làm; chỉ có người nghèo mới đi bộ.
Trong quãng thời gian ba tuần từ lúc năm học kết thúc cho tới khi chuyến đi của chúng tôi bắt đầu, tôi cố gắng hết sức để tìm hiểu xem bà Alma LeFay Peregrine có còn hiện diện trên đời hay không, nhưng việc tìm kiếm trên Internet chẳng cho biết điều gì. Giả sử bà vẫn còn sống, tôi những hy vọng có thể liên lạc được với bà qua điện thoại hay ít nhất cũng báo để bà biết trước tôi sẽ đến, nhưng tôi nhanh chóng phát hiện ra thậm chí gần như chẳng có ai tại Cairnholm sở hữu một chiếc điện thoại. Tôi chỉ tìm thấy một số máy duy nhất cho cả hòn đảo, vì thế tôi bèn gọi vào đó.
Phải mất gần một phút để kết nối, đường dây kêu xì xì, lạch cạch, im bặt rồi lại xì xì, đến mức tôi có thể cảm nhận được từng dặm khoảng cách xa lắc mà cuộc gọi của mình phải trải qua. Cuối cùng, tôi nghe thấy tiếng chuông kiểu châu Âu lạ tai đó - goạpppppp goạpppppp - và một người đàn ông tôi chỉ có thể đoán là đã say mèm trả lời điện thoại.
“Hố tiểu!” ông ta gầm lên. Ở đầu dây bên kia vang lên một lượng tiếng ồn kinh người, thứ rống rít khàn khàn bạn có thể trông đợi được nghe vào lúc cao điểm của một bữa nhậu chén chú chén anh tưng bừng. Tôi gắng xưng danh, song không nghĩ ông ta có thể nghe tôi nói.
“Hố tiểu!” ông ta lại rống lên lần nữa. “Ai đấy hả?” Nhưng tôi còn chưa kịp nói gì, ông ta đã bỏ ống nghe xuống để hét lớn lên với ai đó. “Tao đã bảo cưm mùm, đồ con hoang ngủ gật kia, tao đang...”
Và sau đó đường dây im tịt. Tôi ngồi đó, áp ống nghe vào tai bần thần giây lát, rồi gác máy. Tôi cũng chẳng buồn gọi lại. Nếu chiếc điện thoại duy nhất tại Cairnholm kết nối tới một cái ổ tệ hại nào đó gọi là “hố tiểu”, nó có thể báo trước được gì về phần còn lại của hòn đảo đây? Không lẽ chuyến đi đầu tiên tới châu Âu của tôi sẽ phải dành để trốn tránh những gã điên say bét nhè và ngắm nhìn lũ chim phóng uế trên các dải bờ biển lởm chởm đá sao? Có thể là vậy lắm. Nhưng nếu thế nghĩa là cuối cùng tôi có thể cho bí mật của ông nội được yên nghỉ và tiếp tục cuộc sống bình thường của mình, thì bất cứ điều gì tôi phải chịu đựng cũng đáng giá.
Trạitrẻ Đặc Biệt Của Cô Peregrine Trạitrẻ Đặc Biệt Của Cô Peregrine - Ransom Rigg Trạitrẻ Đặc Biệt Của Cô Peregrine