Thằng Vũ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 4
ôm nay là thứ tư. Chiều mai đội bóng của Vũ gặp lại tụi An Tập. Trận phục thù này đánh dấu một niên học và luôn thể đánh dấu một mùa bóng đầy thảm bại của Vũ. Nếu đội Vũ hạ được tụi An Tập thì niên học tới mới hòng đá cho cho đội tuyển của trường và ngôi sao của Vũ mới khỏi bị lu mờ. Chứ thua tụi An Tập thì ê cả Lũ.
Vũ vẫn tin tưởng ở nó, ở thằng Côn, nhất là bây giờ có thêm thằng Vọng. Mấy ngày tập dượt chung đủ chứng tỏ đội bóng của Vũ rất nhiều hy vọng. Từ những thằng đá ban bó dây chuối, đá ban bòng, đá ban "ten nít", chúng nó đã trở thành đội đá ban da cỡ nhỏ. Như thế, tài nghệ của chúng đã tiến bộ vượt bực. Đấu với các lớp trong trường, bọn Vũ hạ hết, được ông Đốc ban cho năm quả bóng và một giấy ban khen. Nhưng xui xẻo làm sao, hể đụng trường Tầu là hoà và đụng trường An Tập thì thua đậm.
Vũ cay cú tụi An Tập lắm. Trận này mà hạ tụi An Tập 2 — 0, chắc nó lơn thêm ba tuổi. Vũ sắp đặt thành phần đội bóng của nó như sau: Thủ môn Thằng Luyến biệt hiệu Luyến "mít sơ lanh", hữu vệ thằng Long, tả vệ thằng Lộc, trung ứng thằng Hổ, hữu ứng thằng Hải, tả ứng thằng Dực, trung phong thằng Vọng, tả nội thằng Côn, hữu nội là nó, tả biên thằng Trân, hữu biên thằng Trình. Toàn những thằng chiến cả, nhất định lần này nó phải hạ tụi An Tập.
Men chiến thắng tưởng tượng ngấm vào tâm hồn nó. Vũ khoái chí rút kèn ác mô ni ca trong túi. Nó đặt lên môi lướt đi lướt lại hai ba lần. Âm thanh phát ra nghe như gió bão thổi nhanh. Nó lấy gót chân phải nện mạnh xuống đất một cái rồi lại nện nhẹ năm đầu ngón hai cái tiếp theo nhưng nhẹ hơn. Đoạn nó bắt đầu thổi kèn. Nốt nhạc thứ nhất của bài hát ăn đúng với gót chân nện xuống đất của thằng Vũ. Bài nhạc vui nhanh, hùng hồn, kích động lòng nó một cách mãnh liệt.
Vũ đang trổ tài thì Côn dẫn Vọng tới. Thấy Vũ chơi kèn, Côn dục:
- Thổi bài "Chiều quê" đi mày!
Vũ nói:
- Bàn chuyện trả thù tụi An Tập đã.
Côn xua tay:
- Mày thổi bài "Chiều quê" rồi bàn chuyện bóng sau.
Vỗ vai Vọng, Côn hỏi:
- Phải không hở Vọng?
Vọng gật đầu. Vũ chiều Côn, đưa kèn lên môi. Trước khi thổi nó nói:
- Bài này buồn lắm!
- Tao thích buồn vì tao nhớ quê nội nhà tao.
Hơi thằng Vũ lùa vào kèn, âm thanh thoát ra. Tiếng nhạc tha thiết, êm đềm giống hệt lời ca. Nỗi buồn man mác, bàng bạc vây quanh ba đứa trẻ. Côn rươm rướm nước mắt. Trong lúc Vũ đánh "tông" phù phép phép phù phép phép sau mỗi câu nhạc mà nếu hát thì phải ngân dài. Vọng cảm hứng ca theo:
- "Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm chạy dài trên khóm cây, đàn chim riu rít ca..."
Vũ ngưng thổi, ra hiệu cho Vọng đừng hát nữa. Nó giãng giải:
- Bài này điệu "bốt tông", mày hát chầm chậm mới đúng nhịp. Nào hát lại. Một, hai, ba...
Vọng cao giọng:
- "... Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm, đợi chồng con, mắt trông về phía trời xa..."
Vũ lại ngừng thổi:
- Mày hát cao quá, chốc nữa đến đoạn giữa lên giọng sao được? Hát thấp hơn mới hay.
- Tao sợ hát thấp đến nốt trầm xuống không nổi.
- Cứ thử xem. Nào, một, hai, ba...
Vọng cất tiếng, Côn hoà theo:
- "... Sáo diều êm nào khác lời thơ. Lúa vàng reo ngàn muôn sóng nhấp nhô... Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm, chuyện trò vui với nhau, đời sống thần tiên... "
Nó nhìn lên bầu trời xanh vá mây trắng trưa mùa hạ. Đôi mắt nó say sưa và như vướng âm nhạc, say sưa cơ hồ những lần nó dẫn ban trước thành tụi An Tập. Thổi xong, nó vẫy mạnh kèn, đút vào túi, ngồi cạnh bạn. Nó nói:
- Không ngờ thằng Vọng hát hay thế. Mày hát không kém gì anh Vũ Hổ ở hướng đạo. Hè này ba thằng mình lên sân khấu hôm bãi trường nhé!
Vọng cúi đầu để tránh sự sung sướng biểu lộ trên khuôn mặt nó. Nó nói lảng:
- Bây giờ bàn chuyện đá bóng đi.
Vũ nhún vai:
- Thì "tăng" đầu Luyến, Long, Lộc, Hải, Hổ, Dực, Trần Trình và ba thằng mình. "Tăng" sau không thay đổi thằng nào cả. Nếu bị tui An Tập "cộp" đau chân hãy thay. Mày coi tụi An Tập có thằng nào đáng sợ không?
Vọng trả lời:
- Chả có thằng nào đáng sợ cả trừ con nhà Quýnh đứng hữu vệ hay đánh khuỷu tay. tao tính nên mời ông Định làm trọng tài, ông này ghét tụi hay "cộp" có lợi cho tụi mình mày ạ!
Côn vỗ tay:
- "Bravo" Vọng, mày khôn quá!
Vũ hùa theo:
- Cầu thủ Kỳ Bá có khác!
Vọng ngượng đỏ mặt. Từ những nỗi hất hủi tới những sự ca ngợi đến với nó nhanh quá khiến thằng học trò nhà nghèo này luôn luôn xúc động. Nó bấm chặt ngón chân xuống nền đất.
Vũ nói:
- Tao định xin dì tao mấy đồng nhưng nhiều quá tao không dám xin.
Côn hỏi:
- Xin tiền làm gì?
- Tiền để chúng mình ăn phở, ăn kem nếu mình thắng tụi an Tập.
- Tao có hai đồng.
- Hai đồng không đủ đâu.
- Thế bao nhiêu mới đủ?
- Tao không biết.
Hai đứa nhìn nhau thất vọng. Bỗng Vũ chợt nhớ ra một điều hứng thú. Thằng Tom Sawyer Việt Nam, cũng ở tỉnh lỵ nhưng tỉnh lỵ bé nhỏ của một nước bé nhỏ lại bị nô lệ nên nó không có phương tiện tựa bạn nó là thằng Huckleberry Finn Côn chẳng hạn, phiêu lưu trên sông Hồng Hà hay sông Cửu Long. Nó tinh nghịch, nghịch hơn Tom Sawyer. Và thú thật rằng, nếu đem thằng Tom Sawyer của ông Mark Twain thả dù xuống mảnh đất này thì sợ Tom Sawyer chung số phận với thằng Hách mất. Chứ không thể nào qua mặt được thằng Triều Dương Hiệp cứu khốn phò nguy đâu.
Vũ nhếch mép cười, mắt nhấp nha nhấp nháy và đầu nó rối loạn nguồn vui sắp tới. Nó dang đôi tay rông ra xoè hai bàn tay rồi tầm đôi tay vừa với ngực, nó hạ thấp xuống quá bụng giống hệt người diễn thuyết trong cơn rối loạn khuyên thính giả hãy bình tĩnh. Nó ba hoa:
- Yên trí, yên trí, tao "cớp" được tiền ăn phở luôn.
Côn hỏi:
- Tiền đâu?
Vũ thản nhiên đáp:
- Ở đền Mẫu.
Bây giờ đến lượt hai thằng bạn nó tròn xoe đôi mắt, Côn nghĩ tới chuyện Tầu chôn của, nó đùa:
- Mày chôn tiền hở?
- Không.
- Thế tiền nào, lại nói phét!
_ Nói phét làm "đét" gì.
- Thế tiền của ai?
Vũ cáu:
- Mày làm gì mà hỏi nhắng lên thế? Tiền của bác cả Hồng. Chiều nay bác ấy lên đồng ở đền Mẫu. Tao "cớp" hết tiền lộc cho chúng mày xem.
Vọng suýt soa:
- Phải tội chết.
- Tội cái củ "thìu biu" đây này!
Vọng toét miệng cười. Côn nghi ngờ:
- Sao mày biết bác ấy lên đồng chiều nay?
- Khó "đét" gì, Thúy...
Vũ buột mồm. Trót lỡ rồi, nó nói đủ để thằng Côn nghe:
-... Thuý nó rủ tao chiều nay đi xem bác cả Hồng lên đồng.
Vũ hơi ngượng khi phải nhắc đến tên con bạn gái cúa nó là con Thúy trước mặt tụi bạn trai. Mẹ Vũ hồi còn sống là bạn thân của bà Thụy. Bà Thụy là mẹ con Thúy. Bà Thụy thương Vũ lắm, năm bữa nữa tháng bà lại tới nhà Vũ thăm Vũ. Lần nào bà cũng dắt con Thúy theo.
Chủ nhật, ngày lễ, bà Thụy hay kéo Vũ tới nhà bà chơi suốt ngày với con cái bà. Vũ ghét con gái nhất hạng. Thế mà nó lại ưa con Thúy. Hai đứa chơi với nhau qua tình hai nhà thân nhau. Nhưng tâm hồn thằng Vũ là thứ tâm hồn "hiệp sĩ" nên nó không chịu được những trò chơi bán hàng, thổi cơm của con Thúy. Nó thích đánh nhau cơ. Thành thử, chỉ lúc nào thằng Côn đi vắng nó mới chịu vác xác tới nhà bà Thụy.
Bà Thụy coi Vũ như con. Khi vắng vẻ, bà thường hỏi nó:
- Dì con có đánh con không?
Vũ liền rầu rầu nét mặt, mếu máo:
- Có ạ!
Thực ra thì dì Vũ chiều chuộng Vũ, họa huần mới mắng mỏ đôi câu. Nhưng tính thằng Vũ láu cá. Nó biết hể cứ mếu máo, nhận bừa là bị đòn, thế nào bà Thụy cũng dúi vào tay nó năm hào hay gói kẹo bánh. Về nhà, nó thuật lại chuyện với dì nó, nó làm nũng:
- Bác Thụy hỏi dì có đánh con không, đố dì biết con trả lời làm sao?
- Con bảo sao?
- Con đọc bài Mẫn Tử Khiên dì ạ!
Dì Vũ không hiểu Mẫn Tử Khiên là gì, hỏi Vũ:
- Tại sao con đọc bài Mẫn Tử Khiên?
Vũ bèn liến thoáng kể chuyện Mẫn Tử Khiên mẹ mất sớm, cha lấy người vợ kế. Người vợ kế này ngược đãi Tử Khiên. Mùa đông con mình mắc áo bông còn Tử Khiên chỉ chỉ phong phanh manh áo vải mỏng. Một hôm cha sai đi đẩy xe, Tử Khiên rét quá ngã nhào. Người cha gọi vào mắng, thấy Tử Khiên mắc áo mỏng đứng run cầm cập, giận lắm, đuổi người vợ kế đi. Tử Khiên khóc lóc thưa: "Dì con ở lại thì chỉ có một mình con khổ chứ dì con mà đi thì cả anh em con cùng khổ". Người dì ghẻ cảm động về tấm lòng tốt của Tử Khiên. Từ đấy đối xử với Tử Khiên như con ruột.
Kể xong, Vũ nói tiếp:
- Con bảo bác Thụy là con không phải là Mẫn Tử Khiên vì dì không bắt con ở nhà, dì cho con đi chơi cả ngày.
Dì nó cũng cảm động như dì Mẫn Tử Khiên, mắng yêu:
- Mày láu tôm láu cá quá Vũ ạ!
Vũ vờ gãi tai. Dì nó móc túi cho nó đồng bạc.
Vũ hay bịa chuyện để những người bạn của mẹ nó thuở xưa thương nó. Song đứng trước con Thúy. Vũ ta thường tịt họng. Nó lại sợ bạn bè chế riễu "chơi với con gái" nên buột mồm nhắc đến tên con Thúy trước mặt thằng nào là nó ngượng.
Côn không chú ý chuyện này. Nó hỏi:
- Mày có chắc không?
- Chắc chứ. Tao chỉ sợ có bác Thụy với con Thúy thôi.
Vọng xen vào:
- Con Thúy nào?
Vũ lấn giọng:
- Mày "đét" biết đâu Vọng ạ, đừng hỏi nữa.
Côn nói:
- Có bác Thụy mày thì "hốc xịt" hở?
Tự nhiên nghe hai tiếng "hốc xịt" có vẻ chạm tự ái của "hiệp sĩ" quá, Vũ bốc liều:
- Ai bảo mày "hốc xịt"? A lê, chúng mày đi gọi thêm mấy đứa nữa rồi đợi tao ở đền Mẫu "Moa phú" bác Thụy, nhanh lên!
Thằng Vũ Thằng Vũ - Duyên Anh Thằng Vũ