Chương 4:Nam Bảo Vệ Chị Cả Đời
ôi còn nhớ, năm mười hai tuổi, tôi có một lần oan ức khó quên.
Cây xoài nhà ông Lực đầu xóm năm đó ra quả lần đầu tiên, so với những cây khác già hơn trong xóm, quả cây nhà ông Lực ngon hơn nhiều.
Chúng tôi đi học, là vài lần đi qua khu vườn cây sai trĩu quả kia, mà cây xoài ấy lại nằm ngay mép bờ rào, quả xoài xanh đung đưa lủng lẳng, mùi thơm ngát đưa qua lỗ mũi bọn tôi. Kích thích không tả nổi.
Cứ mỗi lần nhìn lên cái cây không quá cao mà quả trĩu cành ấy, mấy đứa con nít cứ phải gọi là chảy hết cả nước dãi. Nhưng mà cuối cùng cũng chỉ dám nhìn một lát, đến khi nước miếng đứa nào đứa nấy tuôn như suối, sắp tràn bờ đê chảy ra khỏi miệng rồi thì mới lủi thủi đi về. Biết làm sao được, ông Lực ông ấy dữ quá mà.
Có đứa mạnh dạn đi qua lễ phép hỏi ông Lực:
– Ông ơi, xoài nhà ông nhìn ngon quá, ông cho cháu một quả được không ông?
– Tiên sư cái thằng này. Xoài tao mất công trồng lên cho mày ăn à? Thích thì về nhà trồng lấy một cây, léng phéng chỗ này tao đánh bây giờ.
Thế là mạnh dạn mấy cũng co giò chạy mất, xoài nhà ông Lực vẫn cứ là một mình ông hưởng.
Ờ, ông Lực ấy nổi tiếng tham lam khắp làng trên xóm dưới, cả cái chỗ này có ai là không biết đến cái tính ki bo bủn xỉn của ông ấy đâu cơ chứ. Cho nên muốn ăn xoài nhà ổng, tốt nhất là nên tự thân vận động, chứ xin nữa xin mãi cũng không có tác dụng đâu.
Đấy là mấy thằng bạn trong lớp tôi nghĩ thế, bọn nó hôm đó sau giờ học giở trò thần thần bí bí, ôm bao tải đi về phía đầu xóm nhà ông Lực.
Tôi khi ấy cũng có việc đi qua, mẹ nhờ tôi đạp xe lên nhà dì ở xóm trên, đưa cho dì ít cam vườn mẹ mới mua.
Không hiểu thế quái nào mà lúc tôi đang đạp xe về, ông Lực hùng hùng hổ hổ, trong tay cầm cái roi vừa to cừa dài ra chặn đầu xe, nhìn tôi mà gầm lên:
– Con nít ranh, mày trộm xoài nhà ông đúng không?
– Dạ không, con trộm bao giờ.
Ông Lực nắm cái giỏ xe tôi mà giật một cái, tay cầm roi chỉ về phía cây xoài
– Tao rình mấy hôm rồi, thấy mày ngày nào đi qua cũng nhìn cây xoài nhà tao, lúc nãy mày đạp xe đi tao còn nhìn thấy trong giỏ xe mày có cái túi đựng gì đấy, quay vào nhà đã thấy mất hơn chục quả xoài. Nói, mày lấy xoài nhà tao mang đi bán rồi đúng không? Á à à, hay là mày đem cho thằng nào rồi? Đi, tao trả mày cho ba mẹ mày dạy dỗ. Con gái con gớm mới có tí tuổi đầu đã thế này rồi đây, đúng là cái đồ hư hỏng.
Hàng xóm xung quanh nghe ồn ào chạy ra hết, đứng nghe câu được câu mất rồi chỉ trỏ bàn tán về tôi. Khi đó tôi tức run người, tức muốn ứa cả nước mắt. Rõ ràng tự nhiên đang đi ngon lành bỗng dưng không đầu không cuối bị mắng cho một tràng, đã vậy lại còn vì cái tội trời ơi đất hỡi mà bản thân không hề liên quan đến. Chết tiệt thật!
– Cái đứa con gái hư hỏng này nhá, xem ba mẹ mày biết rồi xử lí mày thế nào nhá.
– Con không biết gì cả, xoài nhà ông mất trộm sao ông lại mắng con? Con hư hỏng hồi nào?
– Mày còn cãi này!
Ông Lực xô ngã cái xe đạp của tôi, dí đầu tôi mấy cái, vung cái roi hất xuống đất mấy lần.
– Cái con này mất nết quá rồi, người lớn dạy bảo còn không nghe, xem cái mặt nó kìa, hỗn thế là cùng.
Tức hơn nữa là người ngoài không hiểu chuyện rồi cứ bàn tán lung tung, từ trước giờ tôi luôn ghét nhất là loại người lắm chuyện, không hiểu đầu đuôi sự việc mà vẫn cứ ngang nhiên chen vào nói thêm cho được một câu.
Ông Lực bị mất mấy quả xoài tươi, ông ấy tức, nghi ngờ người ta lấy trộm thì tra hỏi là chuyện đương nhiên, nhưng mà lần này ông ta quá đáng, chưa gì đã kết luận tôi là đứa ăn trộm, lại nói tôi hư hỏng, thử hỏi tôi làm sao mà chấp nhận?
Nhưng mà đứng giữa một đám người không hiểu chuyện lại thích chỉ trích người khác như thế này, tình cảnh của tôi hoàn toàn là bất lợi. Đám người này rõ ràng cổ hủ, người lớn hơn nói cái gì cũng đúng, còn lời bọn con nít chúng tôi nói gì cũng bị gạt phắt sang một bên. Như thế thì thanh minh kiểu gì?
– Lũ khốn nạn, xoài nhà tao trồng mấy năm mới ra quả, mất bao nhiêu công sức để mày trộm hết thế này à? Trả cho tao, đền tiền cho tao, nhanh!
– Con không trộm, sao phải đền?
Quả thật là khi đó mặt tôi hơi bị câng, tại vì tôi tức quá, không kìm chế được, giọng cũng cao lên đôi chút.
Và ngay lập tức tôi bị ăn bạt tai.
Đau điếng, ông Lực hằm hằm in hằn bàn tay lên mặt tôi bằng một cú đánh dồn hết lực. Tôi đau, tôi tức trào nước mắt, xung quanh còn có tiếng người nào đó hô to:
– Đánh cho chừa cái thói nó đi!
Tôi phẫn uất nhìn bọn họ, đám đông im bặt, tôi lại đưa mắt nhìn ông Lực, ông ta vẫn còn tức, giơ tay lên định đánh tôi tiếp.
– Ông mà đánh chị ấy nữa, có thế sẽ bị kiện vì tội bạo hành trẻ vị thành niên đấy ạ.
Là Nam.
Mười hai tuổi, Nam cao lên một chút, nhưng vẫn thấp hơn tôi nửa cái đầu. Đi với tôi cậu ấy trông nhỏ bé, nhưng mà bình thường như thế cũng được rồi, đặc biệt là lúc cậu ấy bước đến chỗ tôi bây giờ, trông chững trạc hẳn ra.
– Đó là chưa kể ông không có bằng chứng mà đã dám nói chị ấy ăn trộm, như thế là tội vu khống, lại còn lăng mạ chị ấy trước mặt mọi người, cũng có thể bị gán tội danh xúc phạm danh dự và xâm phạm trực tiếp đến quyền của trẻ em. Chừng đó cũng đủ bị khởi tố và bị bắt giam đấy ạ.
Nam bước lại gần chỗ tôi, trôi chảy nói với ông Lực mà mặt không biến động lấy một giây. Thằng nhóc em tôi, thực sự không còn rụt rè như hồi bé nữa rồi.
– Mày nghĩ mày doạ được tao à?
Ông Lực cố chấp la vào mặt Nam, nhưng mà cậu ấy lại vô cùng bình tĩnh nhún vai một cái rồi nói tiếp:
– Ông không tin cũng được, đến khi ba mẹ chị ấy đâm đơn kiện thì ông sẽ biết lời con nói là thật hay giả.
Nói xong rồi Nam quay sang nhìn mặt tôi, trông cậu ấy xót xa ghê lắm.
– Chị đau không?
Tay tôi ôm bên má vừa bị đánh, tủi thân oà lên nức nở. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi khóc trước mặt Nam thế này, lần đầu tiên tôi không phải một bà chị ra dáng người lớn trước mặt Nam.
– Tao vu khống cho nó hồi nào, rõ ràng tao canh trước cổng từ chiều, chỉ có mỗi nó đạp xe qua, đã vậy trong giỏ xe còn có sẵn túi bóng, không phải để ăn trộm xoài thì là gì?
– Cái túi bóng đó là túi đựng cam, mẹ nói con mang sang cho dì, ông không nhìn rõ thì đừng có đặt điều lung tung.
– Bây giờ mày còn dám lên mặt với tao đấy à?
Ông Lực cầm cây roi định vung xuống, lập tức bị cái giọng lạnh tanh của Nam cản lại.
– Ông cứ thử đánh chị ấy tiếp xem.
– Mày nghĩ tao không dám à?
– Đủ rồi đấy!
Lần này là giọng ba tôi, nhỏ Ngọc chạy trước, ba tôi với mẹ tôi được nó dẫn theo sau.
Lần này thì cãi nhau to rồi, ba tôi với ông Lực cãi nhau kịch liệt luôn, mà xung quanh thì người ta vẫn không chịu giải tán.
– Ông dựa vào cái gì mà động đến con gái tôi?
– Dựa vào cái hành vi ăn trộm vô đạo đức của nó. Tưởng bác sĩ trưởng khoa thì phải thế nào, hoá ra dạy con cũng không nên, để nó ra ngoài hư hỏng như vậy.
Ba tôi giận tím mặt, tay nắm thành quyền, gằn lên từng chữ:
– Tôi dạy con thế nào là việc của tôi, con gái tôi ngoan ngoãn, từ trước đến nay một lần cũng chưa từng bị đánh, ông dám động đến nó thì cứ biết tay tôi.
– Tôi làm gì sai à? Con gái anh ăn trộm xoài nhà người ta, lại còn lì lợm không chịu nhận tội, tôi thay anh dạy dỗ lại nó, thế là sai à?
– Ai bảo cậu ấy ăn trộm? Rõ ràng là ông đặt điều vu khống.
Lần này thì lại đến lượt Phong xách cổ một đám con trai lớp tôi đi đến, Phong hung dữ nhấn đầu mấy thằng kia vài cái, sau đó trịnh trọng giới thiệu:
– Mấy thằng này mới là đứa trộm xoài nhà ông đấy ạ.
Nói rồi còn ném một bao tải toàn xoài xanh ra trước mặt ông Lực, ông ta nhìn mà không nói nên lời.
Sau đó ông Lực miễn cưỡng xin lỗi ba tôi, nhưng mà ba tôi một câu cũng không đáp trả, tức giận quay người bỏ về.
Mấy bà hàng xóm xung quanh hóng chuyện, thấy hung thủ trộm xoài là con trai mình bị thằng Phong lôi đến thì xanh cả mặt, lẳng lặng kéo con về.
Còn tôi, tất nhiên là về nhà tức giận khóc lóc chửi rủa cho đã đời, ai bảo tự nhiên bị đổ oan một cách trắng trợn, ấm ức không biết xả đi đâu.
Tôi ngồi trong phòng la hét dăm ba câu, hai đứa Phong với Ngọc nghe điếc tai liền chuồn êm xuống nhà tôi ngồi ăn bánh, còn lại mỗi Nam chịu ở bên cạnh tôi thôi.
Tôi hỏi Nam:
– Lúc nãy mày nói lão ấy phạm tội gì gì đó là thật à?
– Ừ, Nam đọc sách thấy người ta viết như thế, xong rồi thấy chị bị đánh mà không biết làm sao cho nên lôi ra doạ lão một chút.
– Mày nhớ được cơ à?
– Dễ mà!
Ừ, riêng việc Nam đọc mấy cái quyển sách pháp luật dày cộp như vậy cũng đủ chứng minh đầu óc chúng tôi cơ bản khác nhau như thế nào rồi.
Nam nhìn tôi một lát, do dự rồi cuối cùng lên tiếng:
– Chị, Nam quyết định rồi, sau này lớn lên Nam sẽ làm luật sư.
Tôi tò mò, đây là lần đầu tiên Nam nói với tôi về tương lai của cậu ấy.
– Tại sao?
– Để lỡ chị có bị người ta đánh hay vu oan, Nam có thể là người bảo vệ chị. Nam sẽ bênh vực chị đến cùng, Nam hứa đấy! Nam bảo vệ chị cả đời!
Thằng Nhóc Gọi Tôi Là Chị Thằng Nhóc Gọi Tôi Là Chị - Calicocat_Ot7 Thằng Nhóc Gọi Tôi Là Chị