Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Sống
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Phần IV
T
ôi cũng không còn cháu ngoại. Tôi gục đầu xuống, khóc nức nở. Đến trưa, từ trong buồng có bác sĩ đi ra nói:
- Đẻ rồi, một thằng cu.
Nhị Hỷ vừa nghe đã cuống quit, nhảy quớ lên bảo:
- Tôi không cần con.
Bác sĩ nói:
- Mẹ cũng không việc gì.
Phượng Hà cũng không sao ư? Trước mắt tôi nảy đom đóm, có tuổi rồi, cơ thể không chống đỡ nổi. Nhị Hỷ mừng quýnh lên, nó ngồi cạnh tôi cứ run bần bật, đó là nó cười sung sướng quá đấy mà.
Tôi nói với Nhị Hỷ:
- Bây giờ thì đã yên tâm, bố đi nghỉ một lúc rồi đến thay con.
Nào ngờ tôi vừa đi thì Phượng Hà đã có chuyện. Tôi vừa đi có vài phút, những mấy bác sĩ chạy vào buồng đẻ, còn kéo cả bình oxy theo. Sau khi sinh con, Phượng Hà ra nhiều máu quá, trước khi trời tối thì tắt thở. Hai đứa con của tôi đều chết khi đẻ. Hữu Khánh chết khi người ta đẻ, còn Phượng Hà chết khi sinh con.
Hôm ấy mưa tuyết rất to. Sau khi chết, Phượng Hà nằm trong gian nhà nhỏ ấy. Tôi đến thăm nó, vừa nhìn thấy gian nhà đó, tôi không sao bước vào nổi. Hơn mười năm trước, Hữu Khánh đã chết ở đây. Đứng trong tuyết tôi nghe Nhị Hỷ ở trong nhà cứ gọi Phượng Hà hết lần này đến lượt khác; lòng đau đớn tôi ngồi xổm xuống đất. Hoa tuyết lả tả rơi xuống, tôi nhìn không rõ cửa vào, chỉ nghe thấy Nhị Hỷ gào khóc ở bên trong. Tôi liền gọi Nhị Hỷ, gọi mấy tiếng, Nhị Hỷ ở trong nhà mới đáp một tiếng. Nó đi ra cửa, nói với tôi:
- Con cần mẹ, họ lại cho con con.
Tôi giục:
- Ta về nhà đi, bệnh viện này kiếp trước có thù oán với chúng ta. Hữu Khánh chết ở đây. Phượng Hà cũng chết ở đây. Nhị Hỷ ơi, bố con ta về nhà thôi, con ạ.
Nhị Hỷ nghe lời tôi, cõng Phượng Hà lên vai, ba chúng tôi đi về nhà. Lúc ấy trời đã tối, đường phố toàn là tuyết, không thấy một bong người, gió tây bắc thổi vù vù, hoa tuyết tạt lên mặt chúng tôi rát rạt y như ném cát. Nhị Hỷ khóc đến mức giọng khản đặc. Đi được một đoạn nó nói:
- Bố ơi, con không đi nổi nữa.
Đó là do khóc đấy mà, khóc đến nỗi đau cả lưng. Về đến nhà, Nhị Hỷ đặt Phượng Hà lên giường, rồi ngồi ở mép giường chằm chằm nhìn vợ. Người Nhị Hỷ co rúm lại. Tôi không nhìn con rể mà nhìn vào cái bóng Nhị Hỷ và Phượng Hà in trên tường, chừng ấy cũng khiến tôi đau khổ tới mức không nhìn tiếp được. Hai cái bóng ấy vừa đen vừa to, một bóng nằm, một bóng như đang quì, đều không nhúc nhích. Chỉ có nước mắt của Nhị Hỷ đang rơi, tôi nhìn thấy từng chấm từng chấm đen to rỏ xuống giữa hai cái bóng. Tôi chạy xuống bếp đun một ít nước để Nhị Hỷ uống cho ấm người, khi tôi đun được nước sôi bưng lên thì Nhị Hỷ và Phượng Hà đã ngủ.
Phượng Hà, Gia Trân và Hữu Khánh chôn chung một chỗ. Hôm ấy tuyết đã dừng, nhưng gió tây bắc vẫn thổi dữ, cứ vù vù, gần như át cả tiếng lá cây. Chôn xong Phượng Hà, hai bố con vác cuốc xẻng đứng ở đó, gió thổi mạnh tới mức cả hai cứ lảo đảo chực ngã. Chỗ nào cũng tuyết phủ, dưới ánh nắng cứ loa lóa cả mắt. Chỉ có trên mộ Phượng Hà là không có tuyết. Nhìn đống đất ướt rượt ấy, hai bố con tôi không sao bước nổi chân ra về. Nhị Hỷ chỉ ngay vào chỗ đất trống ngay đó, nói với tôi:
- Bố ơi, con chết chôn ở chỗ kia.
Tôi thở dài nói với Nhị Hỷ:
- Chỗ này để lại cho bố, thế nào bố cũng chết trước con.
Chôn xong Phượng Hà thì đứa con cũng được đưa từ bệnh viện về nhà. Nhị Hỷ bế con trai đi hơn mười dặm về làng thăm tôi, nó bảo tôi:
- Bố ơi, bố đặt tên cho cháu.
Lúc bấy giờ tuyết chưa tan hết, tôi nhìn mộ Phượng Hà ở đằng tây làng, đứng tuy xa, nhưng tôi vẫn nhìn rõ trên mộ Phượng Hà không có tuyết, đó là một nấm đất nhỏ đen sì. Tôi nói:
- Thằng bé này vừa đẻ ra đã không có mẹ, cứ gọi nó là Khổ Căn.
Nhị Hỷ bỏ tiền thuê người may cho một cái địu. Khổ Căn liền suốt ngày ở trên lưng bố. Nhị Hỷ làm việc vốn đã vất vả mệt nhọc rồi, nay lại còn cõng them một đứa con. Khổ Căn đói bụng thì Nhị Hỷ đi tìm người mẹ nào đang cho con bú, đưa ra một hào, khe khẽ nói:
- Xin cho cháu bú mấy miếng.
Nhị Hỷ không bố của những em bé khác chỉ biết nhìn con lớn khôn. Nhị Hỷ cảm thấy Khổ Căn địu trên lưng nặng hơn một chút liền biết con mình đã lớn thêm một chút. Trong lòng người làm bố tự nhiên vui vẻ, nó nói với tôi:
- Khổ Căn lại nặng hơn rồi bố ạ!
Tôi lên thành phố thăm bố con nó, thường nhìn thấy Nhị Hỷ kéo xe cải tiến, mồ hôi đầm đìa đi trên phố. Khổ Căn ở trong cái địu sau lưng bố thò cái đầu con con ra ngoài cứ lắc la lắc lư. Tôi thấy con rể cực quá liền khuyên nó để tôi đưa Khổ Căn về nuôi. Nhị Hỷ không đồng ý, cậu ấy bảo:
- Bố ơi, con không xa Khổ Căn được.
Được cái Khổ Căn lớn rất nhanh. Khổ Căn đi được thì Nhị Hỷ đỡ vất vả hơn. Khi nó bốc dỡ hàng thì để con chơi bên cạnh, khi kéo xe thì đặt Khổ Căn lên xe. Khổ Căn lớn thêm một chút thì nó cũng biết tôi là ai, nó thường nghe Nhị Hỷ gọi tôi là bố và ghi nhớ. Mỗi lần tôi lên thành phố thăm con cháu, Khổ Căn ngồi trong xe cải tiến, vừa nhìn thấy tôi đã gọi lanh lảnh:
- Bố ơi, bố của bố đến kia kìa.
Có thể là để trả nợ Phượng Hà không biết nói, thằng bé này lúc còn bé tí tẹo đã dẻo mỏ biết gọi dạ bảo vâng. Khi còn ngồi trong địu sau lưng bố, nó đã biết chửi người, lúc cáu tiết lên cái mồm bé xíu cứ lẩm bà lẩm bẩm, mặt đỏ phừng phừng. Chẳng biết nó nói gì, chỉ thấy nước bọt từ miệng bắn ra. Chỉ có Nhị Hỷ biết. Nhị Hỷ nói với tôi:
- Nó đang chửi người đấy.
Khi Khổ Căn biết đi, biết nói mấy tiếng thì nó càng tinh khôn. Hễ nhìn thấy con nhà ai cầm cái gì hay hay trong tay, nó liền cười hì hì vẫy tay rối rít:
- Lại đây, lại đây, lại đây!
Thằng bé kia đi đến trước mặt, nó liền giơ tay vồ luôn đồ chơi trong tay con người ta. Đứa bé kia không cho nó, nó trở mặt liền, xồng xộc đuổi người ta đi, nó bảo:
- Đi đi, đi đi, đi đi!
Không có Phượng Hà, Nhị Hỷ chẳng bao giờ hoàn hồn lại nữa. Vốn đã ít nói, sau khi vợ chết, Nhị Hỷ lại càng lầm lì. Người ta nói điều gì đó, Nhị Hỷ chỉ ừ một tiếng coi như đã nói. Chỉ có nhìn thấy tôi, nó mới mở miệng mấy câu. Khổ Căn trở thành cái núm ruột, cái gốc rễ của mạng sống chúng tôi. Nó càng lớn càng giống mẹ, càng giống Phượng Hà, cũng có nghĩa là chúng tôi nhìn thấy cháu mà trong lòng đau đớn. Có lúc Nhị Hỷ cứ nhìn Khổ Căn, nhìn mãi rồi rưng rưng nước mắt. Làm bố vợ, tôi liền khuyên:
- Con chỉ có một chút hạnh phúc này để nhớ tới Phượng Hà.
Sau đó tôi phải về làng, Nhị Hỷ cũng phải đi làm việc. Chúng tôi cùng đi. Vừa ra đến ngoài, Nhị Hỷ đi sát vào tường, cái đầu vẹo hẳn đi rất nhanh, y như sợ người ta nhận ra. Khổ Căn bị bố kéo theo cứ lảo đa lảo đảo, người nghiêng hẳn. Tôi cũng không tiện nói, tôi biết sở dĩ Nhị Hỷ như vậy là do mất Phượng Hà. Người láng giềng nhìn thấy, liền gọi Nhị Hỷ:
- Anh di chầm chậm thôi kẻo Khổ Căn ngã bây giờ.
Nhị Hỷ vâng một tiếng, vẫn đi rất nhanh về phía trước. Khổ Căn bị bố lôi xềnh xệch, người hết oặn sang phải lại ẹo sang trái, cặp mắt tròn cứ đảo đi đảo lại. Đến chỗ ngoặt, tôi nói với con rể:
- Nhị Hỷ ơi, bố về nhé!
Lúc này Nhị Hỷ mới đứng lại, cong vênh đôi tai nhìn tôi. Tôi nói với Khổ Căn:
- Khổ Căn ơi, ông về nhé!
Ai ngờ ngày hôm ấy Nhị Hỷ đã chết. Đi được mấy bước tôi quay lại nhìn hai bố con nhà nó, Nhị Hỷ bám sát tường dắt Khổ Căn đi xuyên qua một đám đông, rồi tôi không nhìn thấy nữa. Đấy là Nhị Hỷ tôi nhìn lần cuối cùng. Nhị Hỷ sau khi chết đã không còn ra dáng người nữa.
Nhị Hỷ bị hai tấm bê tông kẹp chết. Làm công việc bốc vác, hễ sơ ý một chút là bị va chạm toạc da chảy máu, nhưng mất mạng thì chỉ có Nhị Hỷ. Mạng người của gia đình họ Từ ai cũng khổ. Hôm ấy, mấy anh em bọn Nhị Hỷ bốc tấm bê tông đặt lên xe đẩy. Nhị Hỷ đứng ở trước một dãy bê tông; xe cần cẩu cẩu bốn tấm bê tông lên, không biết đã xảy ra sai sót gì, lại gạt sang phía Nhị Hỷ. Không ai nhìn thấy Nhị Hỷ đứng đó, chỉ nghe Nhị Hỷ đột nhiên hét lên một tiếng khủng khiếp:
- Khổ Căn!
Bạn bè Nhị Hỷ nói với tôi, tiếng thét ấy khiến bọn họ sợ hết hồn. Không ngờ Nhị Hỷ lại có giọng to đến thế, cứ tưởng như hét vỡ toang cả lồng ngực. Ngoài chân và đầu ra, toàn thân Nhị Hỷ bị chèn bẹp dúm, ngay đến một khúc xương lành lặn cũng không tìm được. Máu thịt bám vào tấm bê tông trông như hồ dán. Bọn họ nói, khi Nhị Hỷ chết cái cổ đột nhiên duỗi thẳng ra, mồm há hốc, đó là lúc Nhị Hỷ gọi con trai của mình.
Khổ Căn ở bờ ao gần đó đang ném đá xuống nước. Nghe thấy tiếng kêu của bố trước khi chết, nó liền quay đầu lại bảo:
- Gọi con làm gì thế?
Chờ một lúc không thấy bố gọi nữa, nó lại tiếp tục ném đá. Mãi cho đến lúc Nhị Hỷ được đưa vào viện, biết Nhị Hỷ đã chết, mới có người đi gọi Khổ Căn.
- Khổ Căn ơi, bố cháu chết rồi.
Khổ Căn rút cuộc đã biết chết là thế nào đâu, nó liền quay đầu đáp một tiếng:
- Biết rồi.- Lại tiếp tục ném đá, phớt bơ cả người gọi.
Lúc bấy giờ tôi về đến nhà đã lâu. Người cùng làm việc với Nhị Hỷ chạy đến báo tin:
- Nhị Hỷ sắp chết rồi, đang ở trong bệnh viện, ông mau mau đến đó đi.
Vừa nghe tin Nhị Hỷ bị tai nạn đưa vào bệnh viện, tôi đã khóc, nói ngay với người đó:
- Nhanh nhanh khiêng Nhị Hỷ ra đi, không được đến bệnh viện.
Người báo tin thừ ra nhìn tôi, cứ tưởng tôi điên. Tôi nói:
- Nhị Hỷ đã vào cái bệnh viện đó thì chỉ có chết mất thôi.
Hữu Khánh, Phượng Hà đều chết ở đấy. Không ngờ rút cuộc Nhị Hỷ cũng chết ở đấy. Anh nghĩ xem, cuộc đời tôi đã ba lần nhìn thấy gian nhà xác nhỏ ấy, đã ba lần người ruột thịt của tôi nằm trong đó. Tôi già rồi chịu không nổi những chuyện như thế. Khi vào nhận Nhị Hỷ, vừa nhìn thấy gian nhà ấy, tôi liền ngã vật ra đất. Tôi được khiêng ra khỏi bệnh viện ấy như Nhị Hỷ.
Sau khi Nhị Hỷ chết, tôi đưa Khổ Căn về làng nuôi. Hôm rời khỏi thành phố, tôi đã đem đồ dùng trong nhà Nhị Hỷ cho gia đình hàng xóm, mình chỉ dọn mấy thứ nhẹ nhàng đem đi. Khi tôi dắt Khổ Căn đi thì trời sắp tối. Bà con hàng xóm đều sang tiễn tôi, tiễn ra đầu phố họ nói:
- Từ nay về sau, ông cháu thường xuyên về thăm chúng tôi nhé!
Có mấy người đàn bà còn khóc. Họ vuốt ve Khổ Căn:
- Thằng bé này khổ thật.
Khổ Căn không thích nước mắt họ nhỏ vào mặt mình. Nó cứ kéo tay tôi giật giật mạnh và giục tôi:
- Đi đi, mau mau đi đi ông.
Lúc ấy trời đã lạnh, tôi dắt cháu Khổ Căn đi trên phố, gió lạnh cứ ù ù luồn vào cổ, càng đi càng tê tái. Thầm nghĩ ngày trước cả nhà quây quần đông vui, đến bây giờ còn lại một già một trẻ, lòng tôi cay đắng tới mức ngay đến thở dài một tiếng cũng không nổi. Nhưng nhìn Khổ Căn tôi lại có niềm an ủi. Trước kia không có Khổ Căn, giờ có Khổ Căn rồi thì khỏi lo, hương lửa sẽ có người cúng vái, cuộc sống sẽ tiếp tục khá lên.
Đi đến chỗ có quán mì phở, Khổ Căn đột nhiên nói to lên:
- Cháu không ăn mì sợi.
Tôi đang mien mang nghĩ chuyện mình, không lưu ý lời của cháu. Bước đến cửa, Khổ Căn lại nói:
- Cháu không ăn mì sợi.
Nói xong, nó kéo tay tôi không đi nữa. Lúc này tôi mới biết nó muốn ăn mì sợi. Thằng bé mồ côi cha mẹ, nó muốn ăn mì sợi thì cho nó ăn một bát. Tôi dẫn nó vào trong quán ngồi xuống, bỏ ra chín xu mua một bát nhỏ mì sợi. Nó xì xụp, mồ hôi nhễ nhại, lúc đi ra lưỡi còn liếm môi, nó nói với tôi:
- Ngày mai lại đến ăn ông nhá!
Tôi gật đầu đáp:
- Được!
Đi được một quãng thì đến một cửa hàng bánh kẹo. Khổ Căn lại kéo tay tôi đứng lại, vểnh tai lên nói nghiêm chỉnh:
- Cháu vốn muốn ăn kẹo, nhưng ăn mì sợi rồi, cháu không muốn ăn nữa.
Tôi biết nó gợi ý bảo tôi mua kẹo cho nó, tôi sờ tay vào túi, tìm được hai xu, suy nghĩ một lát liền lấy ra năm xu mua cho Khổ Căn năm cái kẹo.
Về đến nhà, Khổ Căn oai oái kêu chân đau. Đi ngần ấy đường đấy nó đã mệt. Tôi bảo Khổ Căn nằm trên giường, mình đi đun một ít nước nóng cho cháu ngâm chân. Khi đun được nước đem ra thì Khổ Căn đã ngủ tít thò lò. Thằng bé gác hai chân lên tường, ngủ ngon lắm. Nhìn dáng vẻ của nó, tôi bật cười, gác chân đau lên tường để dễ chịu hơn đấy mà, còn nhỏ bằng ngần ấy nó đã biết tự lo cho mình. Lòng tôi xót xa, nó vẫn chưa biết chẳng bao giờ còn trông thấy bố mình nữa.
Tối hôm ấy khi ngủ, tôi cứ cảm thấy trong lòng tưng tức hoang hoảng, thức dậy mới biết cái mông nho nhỏ của Khổ Căn đè ráo lên ngực mình. Tôi dịch mông nó sang một bên. Một lúc sau, khi tôi sắp sửa đi vào giấc ngủ, cái mông Khổ Căn động đậy rồi lại đè len ngực tôi. Tôi sờ tay vào mới biết cu cậu đái dầm, ướt hẳn một vệt ở bên dưới, thảo nào nó dịch mông đè lên ngực tôi. Tôi nghĩ đã đè thì cứ để cho nó đè.
Ngày hôm sau thằng bé này nhớ bố. Tôi làm việc dưới ruộng, nó ngồi chơi trên bờ, chơi mãi, chơi mãi, đột nhiên nó hỏi tôi:
- Ông đưa cháu về, hay bố cháu đến đón?
Dân làng trông dáng vẻ thằng bé ai cũng bảo nó đáng thương.
Có người nói với nó:
- Cháu không về nữa đâu.
Nó lắc lắc đầu, nói nghiêm chỉnh:
- Phải về chứ!
Đến chiều tối, không thấy bố đến đón, Khổ Căn có vẻ sốt ruột, mồm cứ lặp bặp nói rất nhanh, tôi chẳng hiểu gì hết. Tôi nghĩ có thể nó đang chửi ai đó, cuối cùng nó ngẩng đầu lên nói:
- Thôi, không đến đón thì thôi, cháu là trẻ con không biết đường, ông đưa cháu về đi!
Tôi bảo:
- Bố cháu không đến đón cháu đâu. Ông cũng không thể đưa cháu về. Bố cháu chết rồi.
Nó nói:
- Cháu biết bố cháu chết rồi. Trời tối rồi sao không đến đón cháu.
Tối hôm ấy nằm trong chăn, tôi giảng giải cho Khổ Căn hiểu thế nào là chết. Tôi bảo, người chết phải đem chôn, người còn sống không bao giờ nhìn thấy người chết nữa. Đầu tiên thằng bé sợ run cầm cập, sau đó nghĩ đến không bao giờ nhìn thấy Nhị Hỷ nữa, nó đã khóc hu hu. Khuôn mặt bé nhỏ áp sát và cổ tôi, nước mắt nóng hôi hổi rơi xuống ngực tôi, nó cứ khóc, cứ khóc mãi rồi ngủ lúc nào không biết nữa.
Được hai hôm, tôi nghĩ nên đưa cháu ra thăm mộ bố, liền dắt nó ra đằng tây làng. Tôi chỉ cho nó biết mộ nào của bà ngoại, mộ nào của mẹ nó, mộ nào của cậu nó. Tôi chưa nói mộ nào của Nhị Hỷ, thì nó đã chỉ tay vào mộ bố nó khóc ròng, nó bảo:
- Kia là mộ của bố cháu.
Sau đó, trong làng thực hiện khoán sản lượng đến từng hộ gia đình, đời sống khó khăn. Tôi được chia một sào tám ruộng, không thể nào làm việc cùng những người trong làng như trước đây, nếu mệt vẫn có thể lén bỏ việc. Bây giờ việc ngoài đồng luôn kêu gọi tôi, tôi không đi làm thì chẳng ai làm thay.
Khi tuổi đã cao thì con người sinh ra đủ thứ tội, lưng ngày nào cũng đau, mắt thì lòa. Trước kia quẩy gánh rau vào thành phố, chỉ đi một mạch là đến. Bây giờ thì vừa đi vừa nghỉ, hết nghỉ lại đi. Hai tiếng đồng hồ trước khi trời sáng, tôi đã phải từ nhà gánh đi, nếu đến muộn thì rau ế. Tôi biết thân phận mình, chim vụng thì phải bay trước. Chỉ khổ thằng cháu Khổ Căn, đang lúc thằng bé ngủ ngon nhất, thì bị tôi lôi dậy; hai tay nó bám chặt cái sọt ở đằng sau, mắt nhắm mắt mở đi theo tôi lên thành phố. Khổ Căn là thằng bé ngoan, đến lúc nó tỉnh hẳn, nhìn thấy tôi gánh nặng quá nó cứ bảo ông ơi nghỉ một lát. Nó lấy hai cây rau từ trong hai sọt ra bê vào ngực đi lên trước tôi, lại còn luôn quay đầu lại hỏi ông:
- Có nhẹ hơn không?
Tôi vui vẻ đáp:
- Nhẹ đi nhiều.
Kể ra thì Khổ Căn mới lên năm đã trở thành tay giúp việc tốt của tôi. Tôi đi đâu, nó đi theo đến đó. Sống với tôi ngay đến lúa nó cũng biết gặt. Tôi liền bỏ tiền thuê thợ lò rèn tèn cho nó một cái liềm nho nhỏ, nó sướng lắm, đi ngủ cũng ôm liềm. Tôi không cho ôm, nó liền để xuống gầm giường. Sáng dậy, việc đầu tiên của nó là đi sờ liềm ở gầm giường. Tôi bảo nó cái liềm càng cắt càng sắc, con người càng siêng năng càng có sức khỏe. Thằng bé chớp chớp mắt nhìn tôi lâu lắm, đột nhiên bảo:
- Liềm càng sắc, sức cháu càng khỏe.
Dù sao thì Khổ Căn cũng còn bé, đương nhiên cắt lúa chậm hơn tôi nhiều. Hễ nó nhìn thấy tôi cắt nhanh là không vui, nó gọi:
- Phú Quí ơi, ông cắt chầm chậm thôi.
Dân làng gọi tôi là Phú Quí, nó cũng gọi Phú Quí, nó không gọi ông ngoại. Tôi chỉ vào chỗ lúa mình cắt, bảo:
- Chỗ lúa này Khổ Căn cắt đây.
Nó liền tươi cười, cũng chỉ vào chỗ lúa mình cắt, nói:
- Chỗ lúa này Phú Quí cắt đây.
Khổ Căn còn nhỏ, cũng chóng mệt, nó thường hay chạy lên bờ nằm nghỉ một lát. Nó nói với tôi:
- Phú Quí ơi, liềm không sắc nữa rồi.
Cuộc sống như vậy, khổ thì có khổ, mệt thì cũng mệt, nhưng vui vẻ trong lòng, có Khổ Căn cuộc sống hăng hái hơn. Nhìn Khổ Căn mỗi ngày một lớn, ông ngoại này cũng ngày một yên tâm. Đến chiều tối, hai ông cháu tôi ngồi trên ngưỡng cửa, nhìn mắt trời lặn, cánh đồng nhuộm màu đỏ ối lấp loáng, nghe tiếng dân làng dắt trâu bò về chuồng, hai con gà mái nhà nuôi đi đi lại lại trong sân. Hai ông cháu tôi thân mật ngồi bên nhau thủ thỉ chẳng bao giờ hết chuyện. Nhìn hai con gà mái, tôi thường nhớ lại lời bố tôi nói khi còn sống, liền nói lại với Khổ Căn hết lần này đến lần khác:
- Hai con gà này nuôi lớn biến thành ngỗng, ngỗng nuôi lớn biến thành cừu, cừu lớn lại biến thành trâu, chúng ta cũng càng ngày càng có tiền.
Nghe xong, Khổ Căn cười khanh khách, nó nhớ hết mấy câu nói ấy. Lần nào lấy trứng ở ổ gà, nó cũng vừa reo vừa nói mấy câu ấy.
Trứng gà nhiều, chúng tôi đem lên chợ tỉnh bán. Tôi nói với Khổ Căn:
- Góp đủ tiền, chúng ta sẽ mua trâu, cháu có thể cưỡi lưng trâu đi chơi.
Nghe nói vậy, mắt nó sáng lên liền. Nó bảo:
- A, gà biến thành trâu rồi.
Từ đó trở đi, ngày nào Khổ Căn cũng mong ngóng có ngày tậu trâu. Sáng nào thức dậy, nó cũng mở to mắt hỏi tôi:
- Phú Quí ơi, hôm nay có tậu trâu không?
Có hôm lên thành phố bán trứng gà, tôi thấy thương cháu quá liền mua cho nó mấy cái kẹo, nó bảo:
- Mua một cái cũng được, chúng ta còn phải tậu trâu cơ mà.
Thấm thoắt Khổ Căn đã lên sáu, sức vóc nó cũng khỏe. Năm ấy, khi đến mùa hái bông thì tổ truyền thành xóm đưa tin hôm sau có mưa rào. Tôi cuống lên, một mẫu bông tôi trồng đã chín, nếu bị ngấm nước thì đi toi sạch. Ngay từ sáng sớm, tôi đã đánh thức Khổ Căn, kéo nó ra ruộng bông, bảo nó hôm hay phải hái xong. Khổ Căn ngẩng đầu nói:
- Phú Quí ơi! Cháu chóng mặt.
Tôi giục:
- Mau hái đi, hái xong cho cháu đi chơi.
Khổ Căn bắt tay hái bông, hái được một lúc nó lên bờ nằm nghỉ. Tôi gọi nó, bảo đừng nằm nữa, Khổ Căn đáp:
- Cháu chóng mặt.
Tôi nghĩ, cứ để nó nằm một chút, nhưng Khổ Căn đã nằm xuống là cứ nằm mãi. Tôi có phần bực tức liền bảo:
- Khổ Căn ơi, hôm nay không hái hết bông thì cũng không tậu trâu đâu.
Lúc này Khổ Căn mới đúng dậy, bảo với tôi:
- Cháu choáng đầu lắm cơ, ông ạ!
Chúng tôi hái một mạch đến trưa. Nhìn già nửa mẫu ruộng đã hái xong, tôi yên tâm hơn, liền bảo thằng cháu về nhà ăn cơm. Vừa kéo tay Khổ Căn tôi đã chột dạ, vội vàng sờ lên trán cháu, trán nó nóng sầy sậy.Lúc này tôi mới biết cháu mình ốm thật. Sao tôi lẫn cẫn thế không biết, tôi còn ép cháu tôi làm việc. Về đến nhà, tôi bảo Khổ Căn nằm nghỉ. Dân làng bảo gừng sống chưa được trăm bệnh. Tôi nấu cho cháu tôi một bát canh gừng, nhưng nhà không có đường, định cho vào vài hạt muối, song lại cảm thấy tủi cho cháu mình, liền sang nhà hàng xóm xin vay một chút đường. Tôi bảo:
- Mấy hôm nữa mua được đường tôi sẽ mang trả.
Nhà ấy nói:
- Phú Quí ơi, không phải trả đâu ông ạ!
Cho Khổ Căn uống nước gừng xong, tôi lại nấu cho cháu một bát cháo. Nhìn nó húp xong, tôi mới ăn cơm. Ăn cơm xong tôi còn phải mau mau ra đồng. Tôi nói với cháu:
- Cháu nằm ngủ một giấc sẽ khỏi.
Ra khỏi cửa, tôi càng nghĩ càng đau lòng, liền đi hái nửa xoong đậu tươi đem về luộc cho Khổ Căn, bỏ một ít muối vào trong. Đặt cái ghế ở trước giường, để xoong đậu lên đó, tôi gọi Khổ Căn dậy ăn. Nhìn thấy có đậu ăn, Khổ Căn cười. Khi tôi đi ra, nghe thấy cháu nói:
- Phú Quí ơi, tại sao ông không ăn?
Mãi đến chiều tối tôi mới về đến nhà. Bông hái đã xong, tôi mệt rã rời. Từ ruộng về nhà chỉ có một đoạn ngắn, mà về đến cửa chân tôi cứ run run. Tôi bước vào nhà, gọi:
- Khổ Căn ơi, Khổ Căn!
Khổ Căn không trả lời. Tôi cứ tưởng cháu đã ngủ, đến giường nhìn thì Khổ Căn đã ngoẹo đầu sang một bên, cái mồm nửa há có thể nhìn thấy bên trong có hai hạt đậu đang nhai dở. Vừa nhìn thấy cái mồm ấy, đầu tôi đã rối mù. Môi của Khổ Căn thâm tím lại, mà không thưa thốt gì hết. Tôi hoảng quá, ngồi xuống giường suy nghĩ, nghĩ đến chuyện hay là nó chết rồi, tôi không sao nín nổi đã bật khóc. Tôi lại lay người cháu, nó vẫn không trả lời. Tôi nghĩ có thể cháu đã chết thật rồi. Tôi đi ra ngoài sân, nhìn thấy một thanh niên, tôi bảo:
- Xin cậu xem hộ cháu tôi, nó như đã chết rồi…
Người thanh niên ấy nhìn tôi một lúc, sau đó co chân chạy vào trong nhà. Cậu ấy cũng lay Khổ Căn, lại ghé sát tai vào ngực cháu nghe lâu lắm, rồi bảo:
- Không nghe thấy tim đập nữa.
Rất đông người trong làng kéo sang. Tôi lại nhờ họ xem giúp. Người nào cũng vào lay lay, nghe nghe, cuối cùng bảo:
- Chết rồi.
Khổ Căn bị chết bởi bội thực vì ăn đậu. Không phải thằng bé tham ăn, mà do nhà tôi nghèo quá. Trẻ con nhà nào trong làng cũng được nuôi tốt hơn Khổ Căn, cho dù chỉ là đậu luộc nó cũng hiếm được ăn. Tôi là thằng già mụ mị cả đầu óc, đã luộc cho cháu ăn những ngần ấy đậu. Tôi đã già tới mức vừa dốt nát vừa ngu xuẩn, tôi đã giết cháu mình.
Khổ Căn chết rồi, tôi đành phải sống thui thủi một thân một mình. Tôi cứ nghĩ mình sống chẳng được mấy năm nữa, ai ngờ đã sống những ngần ấy năm. Tôi vẫn như thế, lưng vẫn đau, mắt vẫn lòa, song tai còn thính lắm. Người làng nói chuyện, tôi không nhìn cũng biết là ai đang nói. Có lúc tôi nghĩ mà đau lòng, có lúc tôi nghĩ lại thấy yên tâm, người ruột thịt trong nhà đều do tôi đưa đám, đều do tôi đích thân chôn cất, đến lúc nào đó tôi nhắm mắt xuôi tay, cũng không phải lo cho ai. Tôi nghĩ cả rồi, khi đến lượt tôi chết thì cứ việc chết một cách thanh thản, không phải mong có người chôn cất, bà con dân làng chắc chắn sẽ có người đến chôn tôi, nếu không thì một khi thân thể tôi thiu thối sẽ chẳng ai chịu được cái mùi ấy. Tôi không để người khác chôn tôi không công, tôi đã để sẵn mười đồng tiền ở dưới gối, mười đồng này có chết đói tôi cũng không động đến nó; người làng đều biết mười đồng tiền này là của người sẽ chôn cất cho tôi, họ cũng biết sau khi tôi chết sẽ được nằm cùng với Gia Trân và các con cháu mình.
Khổ Căn chết được hai năm thì tôi góp đủ tiền tậu trâu; thấy mình còn sống được vài năm nữa nên cũng cần phải mua một con trâu. Trâu là một nửa con người, nó có thể làm việc thay tôi, lúc rảnh rỗi cũng có kẻ làm bạn, lúc buồn lòng thì chuyện trò với trâu. Dắt nó ra bờ ao bờ sông ăn cỏ như dắt một đứa trẻ.
Hôm mua trâu, tôi mang tiền trong người đi Tân Phong, ở đó có một cái chợ trâu bò to lắm. Khi đi qua một làng bên cạnh, nhìn thấy một đám người vây quanh sân phơi, tôi bước đến xem thì thấy một con trâu, nó đang nằm trên sân, ngoẹo đầu sang một bên, nước mắt chảy lã chã; một người đàn ông cánh tay để trần ngồi bên cạnh mài dao mổ trâu soàn soạt. Người vây chung quanh đang bảo thọc dao vào chỗ nào là tốt nhất. Tôi nhìn thấy con trâu khóc thương tâm quá, trong lòng cũng thấy bùi ngùi, nghĩ bụng làm thân con trâu thật đáng thương, thay người kéo cày kéo bừa khó nhọc cả một đời, khi về già, không còn mấy sức nữa thì bị giết ăn thịt.
Tôi không nhẫn tâm nhìn nó bị giết, liền rời sân phơi tiếp tục đi. Đi mãi, đi mãi, cứ thấy băn khoăn về con trâu này, nó biết mình sắp chết, cái đầu gục xuống bên một bãi nước mắt… Tôi càng đi càng do dự, sau đó quyết định mua luôn con trâu này. Tôi vội vàng quay lại, đi đến sân phơi. Họ đã buộc chặt chân trâu, tôi chen vào nói với người đàn ông mài dao:
- Xin ông rủ lòng bán cho tôi con trâu này.
Người đàn ông cánh tay để trần đưa ngón tay thử lưỡi dao, nhìn tôi một lát mới hỏi:
- Ông bảo sao cơ?
Tôi đáp:
- Tôi định mua con trâu này.
Ông ta toét miệng cười hì hì, những người ở bên cạnh cũng cười rộ lên. Tôi rút tiền trong túi áo ra đặt vào tay ông ta, nói:
- Ông đếm đi.
Người đàn ông ở trần như ngớ người ra, cứ nhìn tôi mãi rồi hỏi:
- Ông mua thật à?
Tôi ngồi xuống cởi dây thừng buộc ở chân con trâu, vỗ vỗ vào đầu nó. Con trâu này còn thông minh lắm, biết mình không chết, liền đứng ngay dậy, cũng không khóc nữa. Tôi cầm dây thừng buộc mũi trâu, nói với người đàn ông kia:
- Ông đếm tiền đi.
Ông ta giơ nắm tiền lên trước mắt như là xem dầy bao nhiêu, rồi nói:
- Không cần đếm nữa. Ông dắt đi.
Tôi liền dắt trâu đi, ở phía đằng sau họ cười nói ầm ĩ. Tôi nghe thấy người đàn ông kia nói:
- Hôm nay trúng quả đậm.
Trâu biết tính người, khi tôi dắt nó về nhà, nó biết tôi đã cứu mạng nó, nên cứ cọ sát thân vào người tôi, tỏ ra thân thiết lắm. Tôi nói với nó:
- Này trâu, mày đừng có mừng vội. Ta dắt mày về là phải kéo cày đấy, không phải nuôi mày như nuôi bố ta đâu.
Tôi dắt trâu về làng, cả làng kéo ra xem. Ai cũng bảo tôi lẩm cẩm mua phải con trâu già lõ đít. Có người bảo:
- Phú Quí ơi, tôi trông… nó còn lớn tuổi hơn ông là cái chắc!
Người sành về trâu nói với tôi, nhiều lắm thì con trâu này chỉ sống nổi hai ba năm nữa là cùng. Tôi nghĩ, hai ba năm là đủ rồi, chắc gì mình còn sống được lâu thế. Nào ai ngờ chúng tôi đều đã sống đến hôm nay. Người trong làng vừa ngạc nhiên vừa lạ lùng, thì mới hôm trước còn có người bảo chúng tôi là “hai lão già không già”.
Trâu đã đến nhà thì cũng là thành viên trong gia đình, nên đặt cho nó một cái tên. Nghĩ đi nghĩ lại, cứ cảm thấy gọi là là Phú Quí thì hơn. Tôi quyết định đặt tên nó là Phú Quí. Nhìn trái nhìn phải, tôi đều cảm thấy nó giống tôi, tôi mừng khấp khởi. Sau đó, người làng cũng bắt đầu nói hai chúng tôi y hệt nhau. Tôi cười hì hì, nghĩ bụng tôi đã biết nó giống mình từ lâu rồi.
Phú Quí giỏi ra trò, có lúc cũng trốn tránh khó nhọc, nhưng con người cũng thường hay trốn tránh khó nhọc đấy thôi, kể gì đến con trâu. Tôi biết khi nào thì nên sai bảo nó làm việc, khi nào nên để nó nghỉ ngơi. Chỉ cần tôi mệt là tôi biết nó cũng mệt, liền cho nó nghỉ một lúc; tôi nghỉ đã thấy khoe khỏe thì nó cũng nên đi làm.
… Ông già nói rồi đứng dậy, phủi phủi bụi đất ở mông đít, quát con trâu già bên bờ ao một tiếng. Con trâu liền bước tới đứng cạnh ông, cúi đầu xuống. Ông già đặt vạy cày lên vai trâu, cầm thừng trâu đi chầm chậm.
Trân chân của hai Phú Quí đều bám đầy bùn đất. Khi đi, hai cơ thể đều hơi rung rung. Tôi nghe thấy ông già nói với con trâu:
- Hôm nay, Hữu Khánh, Nhị Hỷ đã cày xong một mẫu. Gia Trân, Phượng Hà cũng cày được bảy tám sào. Khổ Căn còn bé mà cũng cày được nửa mẫu. Còn mày cày được bao nhiêu ta không nói ra, nói ra mày sẽ bảo là ta bôi bác làm mày xấu hổ. Nói đi thì cũng phải nói lại, mày đã ngần ấy tuổi đầu, cày được từng ấy ruộng cũng là đã hết lòng hết sức lắm rồi.
Ông già và con trâu đi xa dần. Tôi nghe thấy cái giọng khàn khàn làm cho người nghe hết sức cảm động ấy của ông già từ xa xa vọng lại. Giữa buổi chiều tối vắng vẻ, tiếng hát của ông già lại vang lên, bay bay như gió thoảng. Ông hát rằng:
Còn trẻ đi lăng quăng
Đứng tuổi muốn tìm vàng
Về già làm hòa thượng.
Khói bếp bay nghi ngút trên những nóc nhà nông dân, sau khi tản mát lên bầu trời ngọp ráng chiều, liền mất hút. Tiếng các bà mẹ gọi con í ới nổi lên hết đợt này đến đợt khác như sóng nước. Một người đàn ông gánh thùng phân đi qua trước mặt tôi, chiếc đòn gánh cứ vang lên kĩu kà kĩu kịt. Dần dần, cánh đồng trở nên yên tĩnh, bốn phía bắt đầu mờ mờ, ráng chiều phai dần. Tôi biết hoàng hôn đang sắp tắt, bóng tối trùm xuống đến nơi rồi. Tôi ngắm nhìn ruộng đồng bao la lộ rõ bộ ngực chắc nịch, đó là tư thế vẫy gọi, giống như người mẹ vẫy gọi con cái, đồng ruộng đang vẫy gọi bóng đêm về.
----Hết----
Chương trước
Mục lục
Sống
Dư Hoa
Sống - Dư Hoa
https://isach.info/story.php?story=song__du_hoa