Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần 1 - Số 34
gay bên phải, nằm lọt giữa cổng vào và mái chắn gió là quầy tiếp tân, ở đó một nhân viên dáng vẻ như người Pháp mặc đồng phục màu xám giống lão già khập khiễng ngoài ga đang ngồi đọc báo cạnh cái máy điện thoại, thấy họ tới liền niềm nở chạy ra đón và đưa vào một gian sảnh rộng thắp đèn sáng trưng, bên trái giáp dãy phòng giải trí. Lúc đi ngang qua cửa Hans Castorp ngó vào thấy phòng nào phòng nấy trống không. Khách của an dưỡng đường đâu cả rồi, chàng hỏi và nhận được câu trả lời của người anh họ:
“Đang nằm dưỡng bệnh. Hôm nay tớ được miễn vì bận đi đón cậu. Nếu không sau bữa tối tớ cũng phải nằm ngoài ban công.”
Thiếu chút nữa thì Hans Castorp lại lăn ra cười.
“Hả, đêm hôm sương gió thế này các cậu cũng nằm ngoài ban công hay sao?” chàng hỏi giọng rung rung…
“Đúng thế, đấy là quy định. Từ tám giờ đến mười giờ. Nhưng đi nào, lên xem phòng cậu và rửa ráy cái đã.”
Họ vào thang máy, gã nhân viên người Pháp điều khiển bảng điện cho thang chạy lên. Hans Castorp lau khô mắt.
“Tớ sắp bể bụng và hoàn toàn kiệt sức vì cười”, chàng bảo và hé miệng ra thở. “Cậu kể toàn những chuyện giật gân… Lại còn mổ xẻ tâm hồn nữa, thật quá hạn lệ, lẽ ra cậu không được trút lên đầu tớ nhiều thế một lúc. Với lại tớ cũng hơi mệt vì chuyến đi. Cậu có bị lạnh chân không? Chân tớ lạnh cóng mà mặt lại nóng như hơ lửa, thế mới khó chịu chứ. Mình ăn tối liền phải không? Tớ thấy kiến bò bụng rồi. Ở đây các cậu có được nuôi nấng tử tế không?”
Họ bước đi không một tiếng động, tấm thảm xơ dừa trải dọc hành lang hẹp như nuốt hết mọi âm thanh. Những bóng đèn hình quả chuông bằng kính mờ tỏa xuống một thứ ánh sáng nhợt nhạt từ trên trần. Vách tường sáng trắng lạnh lẽo được quét một nước vôi bóng như sơn dầu. Ở một quãng họ chạm trán một cô y tá đội mũ trắng, mang kính không gọng kẹp trên mũi, sợi dây quàng ra sau tai. Chắc cô ta là nữ tu nhà thờ Tin Lành, không nhẫn nại và tận tụy chăm sóc bệnh nhân như những bà phước Công giáo, mà luôn tò mò và nhấp nhổm không yên vì buồn tẻ. Ở hai chỗ cạnh lối đi có những bình to ngắn cổ, bụng phình ra như bong bóng đặt trên sàn cạnh cánh cửa phòng đánh số sơn màu trắng. Hans Castorp quên hỏi anh họ công dụng của những cái bình này.
“Cậu ở đây”, Joachim bảo. “Số ba mươi tư. Tớ ở phòng bên phải, còn bên trái là một đôi vợ chồng người Nga, biết nói thế nào nhỉ, hơi bê bối và khá ồn, nhưng cũng đành phải chịu thôi. Sao, cậu thấy thế nào?”
Cửa vào có hai lớp, lớp trong gắn móc treo áo. Joachim bật đèn trần lên, trong ánh điện chói chang run rẩy căn phòng có vẻ sáng sủa và bình yên. Đồ gỗ trong phòng hạn chế ở mức vừa đủ phục vụ mục đích sử dụng, sơn toàn màu trắng; tường cũng dán giấy trắng, loại không thấm nước để có thể lau rửa được; sàn nhà trải vải nhựa sạch sẽ tinh tươm; mấy tấm màn cửa vải lanh thêu những hình thù đơn giản và ngộ nghĩnh theo phong cách hiện đại. Cửa ban công để ngỏ, qua đó có thể thấy ánh đèn lập lòe dưới thung lũng và nghe loáng thoáng một điệu nhạc nhảy. Chàng Joachim đôn hậu còn cắm cả mấy bông hoa vào một cái bình đặt trên mặt tủ thấp, thứ hoa dại mọc đầy đồng, mấy nhánh cỏ thi và vài bông hoa chuông chàng tự hái ngoài sườn dốc.
“Cậu chu đáo quá”, Hans Castorp bảo. “Phòng đẹp đấy chứ! Ở đây mấy tuần thì nhất.”
“Ngày hôm kia có một cô người Mỹ qua đời trong phòng này”, Joachim kể. “Behrens tuyên bố ngay là sẽ dọn dẹp kịp để cậu vào ở. Vị hôn phu của cô ta cũng có mặt, đó là một sĩ quan hải quân Anh, nhưng ông ta tỏ ra nhu nhược quá. Chút chút lại chạy ra ngoài hành lang đứng khóc như trẻ con. Rồi ông ta phải xoa kem mát lên mặt, vì những chỗ cạo râu bị nước mắt làm cho xót cứng. Tối hôm ấy cô người Mỹ còn phun máu hai lần xối xả, sau đấy là chấm hết. Nhưng sáng hôm qua cô ấy đã được chở đi rồi, sau đó dĩ nhiên người ta đã xông hương kỹ lưỡng khắp phòng, dùng cả formaldehyde sát trùng nữa, cậu biết không, chất ấy vẫn hay được dùng vào mục đích này.”
Hans Castorp nghe chuyện với một thái độ hồi hộp hơi lơ đãng. Tay áo xắn cao, đứng trước cái bồn rửa mặt rộng với vòi nước mạ kền sáng loáng trong ánh điện, chàng chỉ thoáng liếc mắt nhìn về phía chiếc giường khung kim loại trải ga trắng tinh.
“Sát trùng rồi, tuyệt”, chàng nói cho có nói, không đầu không cuối, vừa nói vừa rửa hai bàn tay rồi lau cho khô. “Ừ, methylaldehyde[7], H2CO ấy mà, khử được cả loài vi trùng khỏe nhất, nhưng nó có mùi gắt lắm, phải không? Tất nhiên vệ sinh là điều kiện không thể thiếu…” Chàng nói “vệ sinh” với chữ s phát âm thành x, trong khi anh họ chàng, kể từ khi vào đại học đã quen nhấn mạnh chữ s cho đúng chính tả. Hans Castorp tiếp tục: “Tớ muốn nói là… Có lẽ ông sĩ quan hải quân cạo râu bằng máy gắn lưới an toàn, tớ đồ chừng như thế, với cái của ấy người ta dễ bị xước hơn là dùng một con dao mài tốt, chí ít thì kinh nghiệm của tớ là như vậy, tớ dùng thay đổi lúc cái này lúc cái kia… Chà, da bị trầy mà gặp nước muối thì dĩ nhiên là xót, chắc ông ta đã có thói quen dùng kem làm dịu da từ khi ở trong quân ngũ, tớ thấy chuyện ấy không có gì là lạ…” Và chàng cứ nói tràng giang đại hải, chuyện nọ xọ chuyện kia, kể rằng chàng có hai trăm điếu Maria Mancini - loại xì gà ưa thích của chàng - để trong vali - lúc qua cửa khẩu họ kiểm tra dễ dãi vô cùng - và chuyển đến Joachim lời hỏi thăm của người này người nọ dưới quê nhà. “Ở đây không được sưởi ấm hay sao?” Đột nhiên chàng hỏi và chạy đến bên những cái ống lò sưởi đặt tay lên kiểm tra…
“Không, chúng tớ ở đây như cá bị ướp lạnh”, Joachim trả lời. “Phải có lý do ghê gớm lắm người ta mới đốt lò sưởi trung tâm vào tháng tám.”
“Tháng tám, tháng tám gì mà lạnh thế này!” Hans Castorp kêu ca. “Tớ chết cóng đến nơi rồi! Cả người tớ như một tảng băng, chỉ riêng mặt lại nóng bừng bừng, đây, cậu sờ thử xem, có phải nóng như bốc lửa không!”
Đề nghị người khác sờ lên mặt mình thật là một điều trái hẳn với bản tính Hans Castorp, tự chàng cũng cảm thấy ngượng ngùng sau khi buột miệng thốt ra câu ấy. Joachim tế nhị lơ đi và chỉ nói:
“Đấy là tại không khí ở đây, chẳng sao đâu. Bản thân bác sĩ Behrens cũng mặt mày tím tái cả ngày. Có những người mãi vẫn không quen được thung thổ. Thôi, go on[8], kẻo chẳng còn gì nữa mà ăn.”
Bên ngoài cô y tá cận thị lại xuất hiện, tò mò liếc mắt nhìn theo hai người. Xuống đến tầng hai Hans Castorp đột nhiên đứng sững, như bị thôi miên bởi một tiếng động rùng rợn, phát ra sau khúc ngoặt hành lang gần đấy, một tiếng động không lớn, nhưng vang lên một cách đáng sợ đến nỗi Hans Castorp bất giác nhăn mặt và mở to mắt nhìn người anh họ. Đó là tiếng ho, không còn nghi ngờ gì nữa, tiếng ho của một người đàn ông; nhưng mà là một tiếng ho không giống bất kỳ tiếng ho nào Hans Castorp đã từng nghe trong đời, thật vậy, so sánh với nó thì những tiếng ho mà chàng biết phải là những tiếng động vui tươi lành mạnh nhất của cuộc sống, đây là một tiếng ho không còn chút gì hứng thú và cảm xúc, không thực sự bật lên thành tràng, mà chỉ như được uể oải khuấy lên trong đám cơ quan nội tạng vữa nát.
“Ừ”, Joachim bảo, “ca này nặng lắm. Đó là một nhà quý tộc Áo, cậu biết không, một người lịch lãm, một hiệp sĩ bẩm sinh. Bây giờ thì thế đấy. Nhưng ông ấy vẫn còn đi lại được.” Trong khi họ đi tiếp xuống dưới Hans Castorp không nhịn được cứ phải bình luận về tiếng ho của ông hiệp sĩ. “Cậu phải thông cảm”, chàng bảo, “rằng cả đời tớ chưa bao giờ nghe thấy cái gì giống thế, nó hoàn toàn mới lạ, dĩ nhiên nó phải gây ấn tượng mạnh đối với tớ. Có biết bao nhiêu kiểu ho, ho khan và ho có đờm sòng sọc, và như người ta thường bảo ho có đờm lại còn khá hơn là ho khan như xé vải. Hồi còn trẻ” (thật vậy, chàng nói là “hồi còn trẻ”) “tớ bị bệnh bạch hầu, khi ấy tớ ho như sói hú, và mọi người trong nhà mừng húm khi đờm bắt đầu long và tớ không ho khan nữa, tớ còn nhớ rõ lắm. Nhưng một tiếng ho như thế này thì trong đời tớ chưa từng gặp bao giờ, đó không còn là tiếng ho của người sống nữa. Nó chẳng phải là ho khan, mà cũng không thể gọi là ho có đờm, thật không có lời nào để tả. Tớ có cảm giác như vừa được nhìn vào gan ruột ông kia, thấy tất cả các cơ quan bộ phận, chỉ còn là một đám nhão nhoét…”
“Thôi”, Joachim bảo, “ngày nào tớ cũng phải nghe ông ấy ho, cậu không việc gì phải tả nữa.”
Nhưng Hans Castorp không thể nào bình tâm được về tiếng ho vừa tình cờ nghe thấy, chàng cứ nhắc đi nhắc lại rằng qua tiếng ho người ta gần như nhìn thấu được cả lục phủ ngũ tạng ông hiệp sĩ, và khi họ bước vào gian phòng liền với bếp ăn được gọi trang trọng là khách sạn thì cặp mắt mệt mỏi sau cuộc hành trình của chàng sáng rực lên đầy kích động.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần