Chương 3 - Nguyễn Trường Tộ Với Việc Cải Cách Nền Họ Thuật
ương lai một nước mạnh hay yếu là nhờ ở thiếu niên, mà thiếu niên giỏi hay hèn là nhờ ở nền học thuật. Cho nên ‘’học thuật lờ mờ thì phong tục đồi bại, mà nhân tâm cũng phù bạc điêu tra’’ (Tế cấp bát điều, điều thứ tư).
Trong cái chương trình cải tạo nước Việt Nam, ông Nguyễn Trường Tộ cho việc học là việc cần và phải mau mau cải cách.
‘’Từ xưa đến nay, việc đời không có việc gì không nghĩ mà biết được, không học mà làm được; dù bậc thánh nhân cũng phải học, huống chi là kẻ thường dân. Học thực dụng, kết quả sẽ được thực dụng, nền học mà hư hèn, thì rút cục sẽ phải hư hèn’’ (Điều trần về việc học tập, 23 tháng 7 năm Tự Đức thứ 19-1866).
Theo ý ông, thiếu niên nước ta có tư chất thông minh và rất chịu khóa học. Trong tập điều trần về ‘’thiên hạ đại thế’’ (Chưa rõ ngày tháng), ông viết: ‘’Cứ xét nhân tài các nước Đông phương, đã ai tài trí hơn người Việt Nam ta! Chính người nước ngoài cũng phục người nước ta là có trí xảo...Người Âu-Tây cũng khen rằng: Người Việt Nam học tập rất là mau chóng và lanh lợi’’. Đến bài điều trần về Lục lợi (Tháng 5 năm Tự Đức thứ 17-1864), ông lại viết: Người nước ta thân thể trung bình, có nhiều tài trí, học giỏi về cơ xảo, lại có tình muốn học sự hay của người, chứ không ngạo mạn tự đắc như người Trung Quốc. Các bậc thông thái các nước, khi bàn chung về đại thế của tiến hạ, thường cho người nước ta là đã có địa thế tốt là có tính chất hay, nên cuộc tiến hóa sau này chưa biết đến chừng nào!’’.
Nhưng sở dĩ người mình còn chịu kém cõi là vì học thuật của mình không theo thời mà thiếu niên trong nước thì bị cái hại từ chương nó đánh bả, nó làm cho mê muội yếu hèn. Ở thời đại ông, sự học không những không thiết thực mà lại còn vô ý thức nữa: ‘’Thủa bé học những văn tự thơ phú, lớn lên lại làm những việc về luật lịch, binh hình; thuở bé học những Tỉnh Sơn Đông, Sơn Tây mắt chưa hề trông thấy, lớn lên lại làm những việc ở Nam kỳ, Bắc kỳ mà chân thường đi tới; thủa bé học những thiên văn địa lý, chính trị, phong tục nước Tàu hiện nay đã thay đổi đi rồi, mà lớn lên làm những việc thiên văn, địa lý, chính trị phong tục ở nước Nam, mỗi nơi mỗi khác; thủa bé học những việc về lễ nhạc, yến tiệc, cư xử, chiến tranh trong thời quá khứ ở nước Tàu, mà đến lớn thì làm những việc về lễ nhạc, yến tiệc, cư xử, chiến tranh ở nước Nam hiện đại’’.
Thấy chung quanh ông, ai nấy đều học hành như thế, ông lấy làm bực mình lắm. Người ta kể chuyện: Lúc thiếu thời, khi ông còn theo học ông Huyện hưu trí Địa Linh, có một hôm thày trò dắt nhau đi chơi núi ở Cửa Lò. Bè bạn của ông đua nhau ngâm vịnh, riêng mình ông cứ ngồi trầm tư một chỗ. Một lúc sau, ông quay lại hỏi chúng bạn: ‘’Các anh có biết núi này cao bao nhiêu thước, diện tích là bao và cách núi Song Ngư là bao nhiêu không? Thấy không một ai trả lời được, ông cười mà nói rằng: ‘’Đi chơi núi mà không biết núi cao bao nhiêu thì bình sinh sở học là những gì?’’.
Vì chuộng cái học thực dụng như thế, nên trong tập điều trần, ông luôn luôn xin Triều Đình cải cách việc học.
Hồi ấy, nhà nước chỉ trọng có văn chương, nên nước nghèo dân kém. Vả lại ‘’người đời tính tình khác nhau, mỗi người có một sở trường để đem ra ứng dụng. Nếu Triều Đình chỉ chuyên dùng một món văn chương, thì những người có sở trường khác, chẳng trông mong gì được, còn gắng sức học tập làm chi!’’
Bởi vậy ông xin đặt thêm nhiều môn học mới: Luật học, sinh ngữ học, nông học, cách trí học, kỹ nghệ học...
Về luật học, ông muốn xin ‘’đem bộ quốc luật với những thể lệ từ đời Gia Long trở lại, bắt cả quan và dân ai nấy đều phải học’’, vì nếu ai ai cũng biết dựa theo lẽ công bình trong sách luật để làm mọi việc, thì quyền phép chính là đạo đức vậy.
Về sinh ngữ học, thì ngay từ thời đại ông, ông đã nhận thấy sự cần thiết. Trong bản điều trần về việc học tập, ông khuyên Triều Đình nên ‘’hỏi có người đã học tiếng ngoại quốc thì đời đến cho họ thi. Nên chia các tiếng ra làm bốn hạng:
1.- Tiếng Pháp.
2.- Tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh.
3.- Tiếng Tàu và tiếng Qua-oa (Java)
4.- Tiếng các xứ Mường, Lào ở phía Tây nước ta.
Hễ ai đỗ thì được chức hành nhân tú tài, được tha tạp dịch suốt đời hay trong một hạn mấy năm’’. Đến bản điều trần về việc phái học sinh đi học, tiếng ngoại quốc (Ngày 25 tháng 2 năm Tự Đức 24-1871), ông lại viết ‘’Người nước ta hiện nay rất cần phải biết tiếng Anh và tiếng Pháp. Và nếu muốn mở mang sang đến phía Tây giải núi Trường Sơn để thu hoạch lấy nguồn lợi và kế tiếp công nghiệp khai thác của Liệt thánh bản triều để lưu lại cho hậu thế, thì những tiếng nói mọi mường ở bên kia giải núi ấy ta cũng phải biết mới được’’. Cũng trong bản điều trần ấy, ông bàn nên chia du học sinh ra hai bọn: Một bọn học tiếng nước Pháp, một bọn học tiếng nước Anh; những lúc họ rảnh, lại bắt học tiếng Java và tiếng Tàu, thế là học một mà biết thêm hai ba thứ tiếng.
Ông xin đặt ra Khoa Nông Học, là vi đại đa số dân ta chuyên về nghề làm ruộng (Xin xem bài thứ VIII về việc Nông Chính. Muốn dạy dân tình về nghề làm ruộng, ông xin cho ‘’ban khắp trong nước bộ Nông Chính Toàn Thư; rồi thông sức cho toàn quốc, xem ai tìm được cách làm ruộng thế nào cho hợp với thổ nghi, xem có ai biết thời tiết sớm muộn thế nào, thóc lúa nên trồng thế nào, giống vật nên nuôi thế nào, mỗi việc đều nên trình rõ ràng, để đem về Bộ so sánh với sách Nông Chính mà soạn ra một quyển sách khác; còn ở sách cũ, nếu có điều gì không hợp với thời tiết, thổ nghi nước mình thì bỏ đi’’. Khi đã có sách rồi, thì dân có thể học để thi ra làm nông quan, khác nào các nhân viên trong ngạch canh nông ngày nay.
Cái học cũ của mình thấp kém, chính là vì mình chỉ chăm vào những cái trước mắt: ‘’Nhiều người không biết trên đầu ta đội gì, dưới chân ta đạp gì, ta được nuôi sống là nhờ gì, bắt đầu lai lịch ta từ đâu’’. Cho nên ông muốn người trong nước phải học để hiểu sự lý vạn vật. ‘’Những công phu thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia phải ở sau sự trí tri, cách vật, mà muốn cho được tri trí, cách vật, thì phải học cho biết’’. Môn học ấy chính là môn vạn vật học trong các trường ngày nay vậy.
Ông lại xin Triều Đình thêm vào hai môn: Thiên văn và địa lý, vì đối với ông, hai khoa này là gốc cả trăm việc. Nhưng học thiên văn, địa lý là học những thực sự, thực lý về thiên thời, địa thế, chứ không cho lẫn vào trong môn thuận số và phong thủy rất hại cho phong tục.
Còn về kỹ nghệ học thì ông cho là rất quan trọng, vì nước muốn giàu mạnh cần phải có công nghệ, người muốn giỏi giang cần phải biết khoa học. Chính ông, ông đã là một người thông thạo về khoa học và khoa học thực hành. Trong bài điều trần về Lục lợi, ông cắt nghĩa cho các quan trong Triều biết những đại cương về thị học, trọng họ, hóa học và khoáng học. Ông hiểu thấu các then chốt của cơ khí, từ các mày nhỏ như máy đồng hồ đến bộ máy lớn như máy tầu máy đúc. Vì thế ông muốn người trong nước cũng quỵ khoa học, cũng trọng công nghệ như ông. Trong bài điều trần ngày 12 tháng 2 năm Tự Đức thứ 21 (1868), ông biên cả một chương trình về việc sắp đặt mở trường kỹ nghệ, nào cách thức bài trí phòng học, nào việc sắm sửa khí cụ, nào phương pháp giảng dạy, thảy thảy ông đều nói đến.
Muốn cải cách việc học, điều cần thiết là phải có sách cho học sinh học. Trước ta hơn bảy mươi năm, ông Nguyễn Trường Tộ đã nghĩ đến việc dịch sách ngoại quốc, một việc hiện nay vẫn còn là vấn đề khẩn cấp cho nền học thuật nước nhà.
Khi ông ở Pháp về, ông có đem nhiều sách thiên văn, địa lý và những sách cơ xảo của Âu Tây. Những sách đó ông có nộp cả cho Triều Đình và yên cầu nhờ người ngoại quốc dịch ra cho quốc dân dùng: ‘’Xin viết thư cho các vị giám mục ở các xứ phải lựa cho mỗi xứ hai ông cố đạo người Tây mà am hiểu tiếng Nam để về Kinh dịch sách, như các quan trước tác ở trong Triều; rồi lại mua một bộ máy in để in phát cho dân chúng’’. Hoặc kén người trong nước để dịch: ‘’Nếu có người trong nước thông hiểu được các sách máy móc Tây phương mà có ích về thực dụng, thì cứ cho theo đấy dịch ra và bắt họa đồ bản nữa. hễ dịch được một vài quyển trên một nghìn tờ giấy gửi về Bộ, mà người Tây xét lại cho là đúng, thì xin cho người dịch chức cử nhân tại gia’’.
Ông lại còn mong Triều Đình in công báo cho học sinh: ‘’Nên đem những sắc, chỉ, chiếu, dụ của nhà vua, những sự trạng của các danh thần và việc chính trị trong nước, in ra thành nhật báo cho học sinh đọc để biết việc cai trị của nước nhà. Sự ích lợi này thấm nhuần như mưa móc, không thể chỉ định được, làm lâu rồi sẽ biết’’.
Mở mang việc học trong nước cũng chưa đủ. Ông còn xin Triều Đình cho học sinh đi du học ngoại quốc nữa. Việc này, ông rất lưu tâm, nên trong các tờ điều trần, ông nhắc đến luôn luôn.
Trong bài luận ‘’Thiên hạ đại thế’’, ông đã viết: ‘’Sau khi nhân dân đã được yên lặng, sẽ phái người đi học khắp nơi, học lấy phương pháp chinh chiến của các cường quốc, học lấy mọi nghề trí xảo của thiên hạ; ăn ở với họ lâu ngày, rồi lại so tài so đức để biết tình thế của họ, học cho tinh rồi sinh xảo, xảo rồi trở nên mạnh’’.
Đến tập điều trần ngày 20 tháng 2 năm Tự Đức thứ 21 (1868), ông lại biên: ‘’Việc phái người đi học nên lắm, vì có một điều rất hay là tỏ cho thiên hạ biết rằng nước ta bây giờ đã muốn chấn hưng để ganh đua với các nước khác.
Rồi ông chỉ bảo cặn kẽ cách thức cho học sinh đi du học: ‘’Sự đi về của học sinh thì nhờ các người Pháp trông nom, còm sự học hành thì nên ký thác cho một hội học. Bọn học sinh cần phải cư trú ở một nơi có quy củ, tâm trí mới khỏi xao nhãng và học hành mới được tiện ích. Thành Paris là chỗ rất phồn hoa, nếu không biết giữ gìn cẩn thận, thì dù là hạng lão thành kiên nhẫn cũng phải say đắm nguyệt hoa, huống chi là bọn thiên niên! Học sinh mới qua nên tìm những trường nhỏ mà học, đã được bước theo trật tự khỏi sinh ra chán nản...’’.
Trong bài điều trần về việc huấn luyện người cầm máy tầu (không rõ ngày tháng), ông cũng nói đến việc du học: ‘’Muốn cho người đi học việc chế tạo và chạy máy, tôi thiết tưởng phải cho độ ba mươi, bốn mươi người khéo tay, chừng ba mươi tuổi trở lên, để đi học các khoa đại số, trọng học, hóa học, thị học...Phải cho họ sang học tại Kinh Đô nước Pháp hoặc Kinh Đô nước Anh, độ tám chín năm mới có thể hiểu được kha khá...Nếu Triều Đình muốn thi hành hai điều kiện tôi đã bày ở trên thì Nguyễn Hoằng (sau làm linh mục, có làm thông ngôn cho Triều Đình giao thiệp với người Pháp) với tôi tình nguyện đi Tây với hai hạng người đó để giảng giải những chỗ họ không hiểu, giúp đỡ những việc họ không làm được. Như thế chỉ trong mười năm là họ học thành tài, vì các môn ấy đã từng rõ sự lý và hiểu những chỗ đại yếu, còn Nguyễn Hoằng thì thông thạo tiếng Tây, cắt nghĩa sẽ được minh bạch’’.
Ấy đấy một chương trình cải cách học thuật rộng rãi như thế, nếu Triều Đình hồi ấy đem ra thi hành, thì đã hơn nửa thế kỷ nay ta có biết bao nhiêu nhân tài rồi!
Nguyễn Trường Tộ Nguyễn Trường Tộ - Nguyễn Lân Nguyễn Trường Tộ