Chương 2: Belmont
ora Manin thức giấc vào đúng bốn giờ sáng. Cô không ngạc nhiên, nhưng chớp mắt ngái ngủ khi mấy con số điện tử nơi chiếc đồng hồ để bàn đầu giường nhấp nháy lại. Cô đã tỉnh dậy vào giờ này mỗi đêm từ khi Stephen bỏ đi.
Thỉnh thoảng cô đọc sách, thỉnh thoảng cô đọc sách, thỉnh thoảng cô pha một ly rượu rồi xem truyền hình, làm mụ đầu óc bằng các chương trình ngớ ngẩn dành cho người bị chứng mất ngủ. Nhưng đêm nay thì khác – đêm nay cô biết thậm chí còn không có chuyện cố mà ngủ trở lại. Vì ngày mai cô sẽ lên đường đi Venice và đến một cuộc sống mới, bởi cuộc sống cũ đã qua rồi.
Đồng hồ điện tử và cái giường là tất cả những gì còn lại trong căn phòng không nằm chờ trong một cái thùng hay một túi xách. Đời sống của Nora đã được đóng gói gọn ghẽ và được để riêng cho vào kho hay… hay cái gì nhỉ? Cô vươn mình dậy với một tiếng làu bàu rồi bước nhẹ qua phòng tắm. Bấm dải đèn huỳnh quang nhấp nháy sáng lên phía trên gương của bồn rửa mặt: Cô phả nước lên mặt và nhìn kỹ mình trong gương, tìm sự quyết tâm trong hình phản chiếu nhưng chỉ tìm thấy nỗi sợ hãi. Nora áp cả hai bàn tay vào thân trước chỗ giữa sườn và bụng, nơi nỗi buồn của cô dường như trú ngụ. Stephen thì chắc chắn đã cho nó một thuật ngữ y khoa – cái gì đó dài dòng và tiếng La tinh. "Nó khiến mình thấy phiền muộn," cô nói to với hình phản chiếu của mình.
Thật thế. Cô chán phải buồn rầu. Chán phải tươi cười và phơi phới với mấy người bạn biết sự ruồng bỏ của Stephen khiến cô tan tác. Chán phần việc mỗi ngày phải phân chia cái họ đã cùng mua. Cô nhớ lại sự háo hức họ cảm thấy khi tìm được và mua căn nhà này trong những ngày mới cưới, khi Stephen nhận được vị trí công tác tại bệnh viện Royal Free. Cô đã ngỡ Hampstead dường như lớn không thể tưởng cho một giáo viên dạy thuỷ tinh và gốm. "Không đâu, khi họ cưới bác sỹ phẫu thuật," mẹ cô lạnh nhạt nói. Ngôi nhà thậm chí còn có một cái tên – Belmont. Nora chưa quen với những ngôi nhà lớn đến mức xứng với tên riêng của chúng. Ngôi nhà này toạ lạc thật thích hợp, trên ngọn đồi xinh đẹp dẫn đến làng Hampstead. Một kiểu mẫu kiến trúc Georgia dễ chịu, vuông vắn, trắng và cân đối. Họ đã thích nơi này tức thì, trả giá và đã, một thời gian, hạnh phúc. Nora đã cho là mình nên vui mừng. Ít nhất tiền từ Belmont đem lại cho cô sự an toàn. An toàn – cô nhếch mép cười cái từ ấy.
Mình chưa bao giờ cảm thấy ít an toàn hơn. Giờ mình dễ tổn thương. Bề ngoài một cuộc hôn nhân thì thật lạnh lùng.
Lần thứ một ngàn rồi cô bắt đầu liệt kê hình phản chiếu của mình, tìm những manh mối giải thích tại sao Stephen bỏ cô mà đi. "Mục - mắt: to, xanh lá dửng dưng. Mục – tóc: vàng, dài, màu rơm. Mục tiếp – da: màu ô liu. Mục nữa – môi: khô nẻ vì nhai mãi hoài sự thiếu tự tin." Cô dừng. Đầu tiên, cô không phải là goá phụ của Shakespeare dù cô đã cảm thấy như người đang để tang. Và lý do nữa là, cô không thấy được an ủi khi biết mình trẻ hơn và tóc vàng hơn và, phải, xinh đẹp hơn nhân tình của Stephen. Anh đã say mê một cô quản lý bệnh viện ngăm đen bốn mươi tuổi mặc những bộ đồ tây giản dị. Carol. Phản đề của cô. Cô biết Carol sẽ không đi ngủ mà mặc chiếc áo phông Brooklyn Dodgers loại cũ và để một bím tóc xộc xệch.
"Anh thường gọi mình là Nàng Xuân của anh," Nora nói với hình phản chiếu của mình. Cô nhớ lại lúc cô và Stephen nhìn thấy bức tranh của Botticelli ở Florence trong kỳ trăng mật của họ. Cả hai đều bị quyến rũ bởi bóng dáng của Nàng Xuân trong tà áo trắng thướt tha điểm những cành hoa, mỉm nụ cười thoảng nhạt, bí ẩn của nàng, xinh đẹp và đầy hứa hẹn. Với những lọn tóc vàng óng và đôi mắt màu xanh lá e ấp dưới hàng mi dày, nàng giống Nora đến sững sờ. Stephen đã để cô đứng gần bức tranh và xõa tóc cô xuống trong khi cô đỏ mặt và lúng túng. Cô nhớ là người Ý đã thốt lên "rất đẹp" 1, người Nhật thì chụp hình. Stephen đã hôn cô và để bàn tay lên bụng cô. "Em sẽ còn trông giống nàng ta hơn khi…"
Đó là năm đầu tiên họ thử có con. Họ tràn trề lạc quan. Cả hai đều ở đầu độ tuổi ba mươi, cả hai đều khoẻ mạnh. Cô là một người chạy bộ còn Stephen là một người nghiện thể dục. Khuyết điểm duy nhất của họ là lượng rượu vang đỏ mà họ đã giảm xuống một cách đúng mực. Nhưng một năm trôi qua, cuối cùng họ đã đến gặp một đồng nghiệp của Stephen tại Royal Free, một nhà quý tộc tròn trịa và vui vẻ thắt nơ con bướm. Những cuộc xét nghiệm bất tận sau đó chẳng phát hiện thấy gì. "Vô sinh không xác định."
"Hai bạn cũng nên thử kẹo smarties xanh 2 đi. Chúng cũng có tác dụng như mọi thứ khác, "gã đồng nghiệp nói, khiếm nhã. Nora đã khóc. Cô đã không làm tròn lời hứa về khả năng đơm hoa kết trái của Nàng Xuân.
Mình muốn phát hiện ra cái gì đó – cái gì đó có thể điều chỉnh.
Họ tự bắt mình trải qua một số thủ tục tọc mạch, xâm phạm và bất thành. Những thủ tục được biểu thị bằng những chữ viết tắt chẳng liên quan gì đến tình yêu hay tự nhiên, hay những phép lạ mà Nora liên hệ đến sự thụ thai. HSG (một loại xét nghiệm khả năng thụ thai của phụ nữ), FSH (hoocmôn kích thích nang trứng, do thuỳ trước tuyến yên tiết ra, xét nghiệm khi có nghi ngờ có rối loạn sinh sản hoặc rối loạn tuyến yên), IVF (phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm). Họ trở nên ám ảnh. Họ còn không để mắt đến cuộc hôn nhân của mình nữa, và khi họ nhìn lại, nó đã mất rồi. Khi Nora bước vào chu kỳ IVF thứ ba của mình, cả hai đều biết, nhưng không ai thừa nhận là không còn đủ tình yêu giữa họ để dành cho một kẻ thứ ba.
Chính vào khoảng thời gian đó, một người bạn có ý tốt bắt đầu nói bóng gió là đã thấy Stephen trong một quán rượu ở Hampstead cùng một phụ nữ. Jane đã rất hờ hững khi nói ra tin này và không kết tội, "Mình chỉ nói cho cậu nghe chuyện này phòng khi cậu không biết. Có thể là ngây thơ thôi. Mình sẽ không nói nói điều gì khiến cậu không thể phớt lờ mà không mất mát. Nếu cậu quyết định thế. Chẳng nói gì mà từ đó cậu không thể rút lui. Chưa mất gì cả. Chỉ là hãy cảnh giác thôi."
Nhưng Nora héo hon vì cảm giác bất an về tình trạng vô sinh và đã khiêu khích Stephen. Cô tưởng sẽ thấy sự phủ nhận, hay thú nhận tội lỗi và cầu xin tha thứ. Cô chẳng nhận được gì trong hai thứ đó. Tình huống tác động ngược trở lại với cô thật khủng khiếp. Stephen đã thừa nhận có tội hoàn toàn và, vì tính tự cao tự đại không đúng chỗ của anh về cách cư xử danh dự, đề nghị dọn đi và đã làm thế. Sáu tháng sau, cô hay tin từ anh là Carol đã có thai. Đó là khi Nora quyết định chuyển đến Venice.
Suy cho cùng thì mình mới sáo mòn. Stephen thì không. Anh đã chia tay một phụ nữ trẻ tóc vàng để theo một phụ nữ da ngăm đen lớn tuổi hơn. Một nghệ sỹ mặc quần jeans đổi lấy một người thực dụng mặc đồ tây. Mặt khác, mình ngay lập tức bước vào một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên và bốc đồng quyết định đến thành phố của cha ông và làm lại từ đầu, như một vở kịch truyền hình dở tệ nào đó.
Cô quay ra khỏi tấm gương và nhìn hành lý, phân vân lần thứ một triệu rồi không biết mình có đang làm đúng không.
Nhưng mình không thể ở lại đây. Mình không thể lúc nào cũng gặp phải Stephen, hay cô ta, hay đứa bé.
Điều đó đã xảy ra, với một sự xui xẻo đến lạ, khá thường xuyên, dù Nora đã cố hết sức chú ý tránh khu vực quanh bệnh viện. Có lần cô đã gặp họ ở Health, không đâu khác trong cả cái dặm vuông đó và cô đã đụng họ khi đang chạy bộ. Cô đã chợt nghĩ là cứ chạy tiếp, và nếu cô không đang cố lịch thiệp với Stephen về vụ phân chia Belmont thì cô đã làm thế. Stephen và Carol tay trong tay, mặc thường phục giống nhau, trông hạnh phúc và thư thái. Cái bầu của Carol đã thấy rõ. Nora đẫm mồ hôi và ngượng ngập. Sau một hồi trao đổi gượng gạo về thời tiết và các hợp đồng căn nhà, Nora chạy tiếp và khóc suốt trên đường về nhà, nước mắt tràn cả vào hai tai. Thế nhưng Stephen hết sức hào phóng – anh đã gần như để lại cho cô cả căn nhà. Anh đã cư xử tốt từ đầu đến cuối, Nora nghĩ.
Anh không phải là nhân vật phản diện trong kịch câm. Mình không thể biến anh thành quỷ, mình còn không thể căm ghét anh nữa là. Quỷ tha ma bắt anh đi.
Vụ bán căn nhà đã cho cô tự do. Giờ cô đã có thể dấn bước vào cuộc phiêu lưu hay sai lầm của mình. Cô không cho ai hay về điều mình dự tính, ngay cả Elinor mẹ cô. Nhất là mẹ cô. Mẹ cô không yêu Venice.
Elinor Manin là một viện sỹ chuyên ngành Nghệ thuật Phục hưng. Vào những năm bảy mươi, ở King’s College London bà đã bắt đầu một chương trình giao lưu giảng dạy với người đương nhiệm của bà tại Đại học Ca’Foscari ở Venice. Trong thời gian ở đấy, bà đã khước từ mọi lời tán tỉnh của các giáo sư trẻ con tha thiết nhất ở Oxford và Cambridge. Và thay vào đó, bà say mê Bruno Manin chỉ vì ông trông như từ trong tranh bước ra.
Elinor gặp ông mỗi ngày trên chiếc vaporetto 3 tuyến 52 đưa bà từ nơi bà sống ở Lido đến trường Đại học. Ông làm việc trên tàu – đóng và mở cửa, buộc và tháo dây buộc tàu tại mỗi trạm dừng. Bruno xoắn những sợi dây chão nặng giữa mấy ngón tay thuôn dài và nhảy từ tàu lên bờ rồi trở lại tàu với một sự uyển chuyển như mèo và thành thục lạ lùng. Bà nhìn kỹ gương mặt ông, cái mũi khoằm, bộ râu quai nón cắt tỉa, mái tóc đen xoăn, và cố xác định xem ông từ bức tranh nào bước ra. Tranh của Titian hay của Tiepolo? Của Bellini? Bellini nào? Khi Elinor nhìn từ nét mặt nhìn nghiêng của ông qua nhữngpalazzi 4 đẹp không thể tưởng bên Kênh Lớn, trong bà bỗng bừng cháy một niềm đam mê dành cho nền văn hoá này, nơi nhà cửa và dân cư gìn giữ tinh hoa di truyền của mình thuần khiết suốt nhiều thiên niên kỷ đến độ ngày nay chúng trông cũng như vào thời Phục hưng. Ngọn lửa mà bà đã cảm thấy này, sự liên tục và sự thích đáng này, không rời bà khi Bruno nhận thấy cái nhìn của bà và mời bà về căn nhà ông ở chung tại Dorsoduro và ăn nằm với bà. Nó cũng không rời bà khi bà nhận ra là mình đã có thai.
Họ cưới nhau vội vàng và quyết định sẽ gọi đứa bé là Corrado nếu nó là con trai và Leonora nếu là con gái, theo tên mẹ của Bruno. Khi họ nằm trong giường và nước kênh quăng một lưới pha lê dập dờn lên trần nhà, Bruno kể cho bà nghe về ông tổ của mình, maestro 5 nổi tiếng của những người thợ thổi thuỷ tinh, Corrado Manin, được mọi người biết là Corradino. Bruno kể cho Elinor rằng Corradino là người thổi thủy tinh giỏi nhất thế giới và tặng bà một trái tim bằng thuỷ tinh do chính tay các thợ cả làm. Tất cả đều lãng mạn không thể tin được. Họ hạnh phúc. Elinor soi cho trái tim hắt ánh sáng lên trần nhà, trong khi Bruno nằm đề bàn tay lên bụng bà. Ở đây, bên trong bà, Elinor nghĩ, là ngọn lửa ấy, sự liên tục ấy, ngọn lửa bất diệt của hệ gen Venice. Nhưng tình cảm phai nhạt đi khi thế giới hiện đại xâm nhập vào thế giới của họ. Bố mẹ của Elinor, chẳng lạ, không cảm thấy chút tôn trọng nào dành cho nghề của Bruno như dân Venice cảm thấy dành cho những người chèo thuyền xứ mình. Họ cũng không thấy ấn tượng khi ông từ chối rời Venice mà chuyển tới London.
Ngay cả đối với Elinor, đây là một cú sốc. Giấc mơ của bà kết thúc đột ngột, vào những năm 70 bà đã trở về London cùng một đứa con gái nhỏ, và một lời hứa của Bruno sẽ viết thư và sang thăm. Bé Leonora trải qua sáu tháng đầu đời bên ông bà hay trong nhà trẻ trường Đại học. Khi Bruno không viết thư, Elinor đã thấy bị tổn thương nhưng không ngạc nhiên. Niềm kiêu hãnh ngăn bà không liên lạc với ông. Bà làm một cử chỉ trả đũa là Anh hoá tên con gái thành Nora. Bà bắt đầu đánh giá cao những tư tưởng nữ quyền và dành rất nhiều thời gian tham gia các nhóm bà mẹ độc thân mà chê bai Bruno và đàn ông nói chung. Vào lễ Giáng sinh năm đầu đời của Nora, Elinor nhận được một thiệp Giáng sinh từ một người bạn Ý ở Ca’Foscari. Tiến sĩ 6 Padovani đã là một đồng nghiệp trong khoa của bà, một người đàn ông thông minh và có khiếu hài hước cay độc, không phải là người quen hạ cố hay cảm thông. Nhưng Elinor đã nhận thấy một dấu hiệu cảm thông trong lời chúc Giáng sinh của ông. Bà đã gọi ngay sau khi kỳ nghỉ Giáng sinh kết thúc để hỏi tại sao ông cho là chỉ vì một phụ nữ là bà mẹ độc thân thì cô ta đáng được thương hại. Ông dịu dàng nói với bà là Bruno đã chết vì đột quỵ chẳng bao lâu sau khi bà bỏ đi – ông ngỡ là bà đã hay tin. Bruno đã mất trong lúc làm việc, và Elinor đã hình dung ông như khi bà đã nhìn thấy ông lần đầu tiên, nhưng giờ thì ôm ngực và ngã xuống con kênh mà thành phố gọi là của riêng mình. Ngọn lửa đã tắt. Với Elinor thì cuộc tình của bà với Venice đã kết thúc. Bà vẫn tiếp tục cá cuộc nghiên cứu nhưng đã chuyển phạm vi quan tâm sang hướng nam tới Florence. Và trong các bức tranh của Botticelli và Giotto, bà thấy an lòng là mình sẽ không bao giờ còn nhìn thấy gương mặt Bruno nữa.
Nora lớn lên giữa những người đàn bà, mẹ cô và bà cô, những phụ nữ trong những nhóm thảo luận của Elinor. Họ là gia đình của cô. Cô lớn lên, được dạy tự phát triển trí tuệ và sự sáng tạo của riêng mình. Cô liên tục được cảnh báo những cách thức của cánh đàn ông. Nora được gửi đến một trường nữ sinh ở Islington và đã chứng tỏ một khuynh hướng mỹ thuật. Cô được Elinor, vốn vẫn ước mơ con gái mình nối gót Michelangelo, khuyến khích trong môn điêu khắc. Nhưng Elinor đã không tính được sự tạo tác của số phận và tiếng gọi của tổ tiên của Nora.
Vì trong khi học điêu khắc và gốm tại Trường Nghệ thuật Wimbledon, Nora được gặp một giáo sư thỉnh giảng có xưởng làm thuỷ tinh riêng ở Snowdonia. Gaenor Davis độ sáu mươi tuổi và làm đồ thuỷ tinh để bán ở London. Bà đã khuyến khích mối quan tâm của Nora đối với thuỷ tinh và nghệ thuật của người thổi thuỷ tinh. Niềm say mê Nora dành cho phương tiện truyền đạt này lớn dần cùng những bong bóng thủy tinh màu hồng hổ phách mà cô thổi và sự thành thạo của cô đã phát triển trong một tháng hè tại xưởng của Gaenor. Với bản tính sáng tạo, cần mẫn của một sinh viên ngây thơ, cô đã nhìn thấy chính mình trong thuỷ tinh. Thứ chất liệu kỳ lạ này đồng thời lỏng và đặc, có những trạng thái và một tính chất có hạn, một khung cửa sổ hẹp ở đó cô có thể tự cho phép mình dễ bảo trước khi bản tính cô nguội lạnh đi và hình dạng của cô được ấn định, cho đến khi sức nóng giải phóng cô lần nữa. Elinor thấy chuyên ngành của con gái đã trở nên rõ ràng và bà bắt đầu linh cảm bất an là cái tính kế tục đó, cái hệ gen bền chặt mà bà đã nhận ra ở Venice ấy, sẽ không dễ rũ bỏ như thế và đang hiện rõ nơi con gái bà.
Nhưng Nora xao lãng – cô đang tìm hiểu đàn ông. Sau khi không để ý gì đến nam giới trong suốt phần lớn tuổi thơ và tuổi mới lớn, cô nhận ra là mình ngưỡng mộ họ. Không chút cay đắng nào của mẹ truyền qua cho cô. Cô để mình trong vòng vây bạn trai và hân hoan ngủ với hầu hết họ. Sau ba năm tình dục và điêu khắc, Nora bắt đầu học vị Thạc sỹ về gốm và thủy tinh tại Central St Martins và ở đó bắt đầu trở nên chán giới đàn ông nghệ sĩ. Với cô, họ có vẻ không có phương hướng, không đáng tin và vô trách nhiệm. Cô đã chín chắn cho một người đàn ông như Stephen Carey. Và khi họ gặp nhau tại một quán rượu trên đường Charing Cross, cô đã bị cuốn hút tức thì.
Anh không xuất thân từ giới nghệ thuật mà từ giới khoa học. Anh là một bác sỹ. Anh mặc đồ tây. Anh có một việc làm đáng trọng vọng, lương cao tại Bệnh viện Charing Cross. Anh đẹp, nhưng theo kiểu mày râu nhẵn nhụi – không râu tóc lởm chởm, không áo phông châm biếm những năm 70, không phục trang thùng thình kiểu dân trượt ván. Thời gian tìm hiểu của họ tiến nhanh nhờ tình cảm tương tự từ phía Stephen - một cô gái ngành mỹ thuật xinh đẹp, suy nghĩ phóng khoáng, ăn mặc có chút tân thời, cuốn hút anh bằng một thế giới mà anh chẳng biết gì về nó.
Khi Nora đưa Stephen về nhà ở Islington, Elinor kín đáo thở dài. Bà thích Stephen - với cung cách thời xa xưa và nền học vấn Cambridge – nhưng có thể thấy cái gì đang xảy ra. Trong nhóm phụ nữ của bà, bạn bè bà cũng đồng tình. Nora đang tìm cha nó, nhưng Elinor có thể làm được gì?
Elinor trao cho con gái trái tim thuỷ tinh mà Bruno đã tặng bà. Bà kể cho Nora những gì bà biết về bên nội cô, về Corradino Manin nổi tiếng, cố cho con gái chút hiểu biết về thân thế bên cha. Nhưng lúc đó Nora chỉ để ý thoáng qua bởi trái tim cô ngập tràn hình bóng Stephen. Nora hoàn tất học vị Thạc sỹ và được đề nghị một vị trí giảng dạy. Stephen có được vị trí bác sỹ thực tập nội trú tại Royal Free, và chẳng còn gì để làm nữa ngoài cưới nhau. Họ đã tổ chức lễ cưới theo kiểu cổ truyền thuần nhất ở Norfolk, gia đình giàu có của Stephen tổ chức ngày cưới. Elinor đội cái mũ mới ngồi cho đến hết nghi lễ và lại thở dài.
Đôi vợ chồng đi Florence hưởng tuần trăng mật theo gợi ý của Elinor. Nora bị nước Ý quyến rũ, Stephen thì ít hơn.
Lẽ ra mình phải cảm thấy cái gì đó không phải, ngay từ hồi ấy.
Giờ cô nhớ là Stephen đã căm ghét giao thông và du lịch ở Florence. Anh không bằng lòng khi cô nói chuyện với dân địa phương bằng thứ tiếng Ý học khó khăn nhưng trôi chảy của cô. Như thể anh bực tức di sản của cô và cảm thấy bị đe doạ. Ở Uffizi chính anh đã bím tóc cô lại sau khoảnh khắc lãng mạn ngắn ngủi, không thường thấy ở anh trước mặt Botticelli. Anh nói màu tóc vàng của cô thu hút quá nhiều sự chú ý không cần thiết ngoài phố. Vậy nhưng ngay cả với mái tóc đã bím lại, cô cũng nhận được những cái nhìn ngưỡng mộ từ những thanh niên mặc đồ thiết kế không chê vào đâu được, lúc nào cũng đi cả đám năm mười người, nhấc kính râm lên và huýt sáo.
Cũng chính Stephen không chịu cái gợi ý gọi cô là Leonora lại. Quá cầu kỳ, anh nói. Quá Mills và Boon. Cô đã dùng họ Manin trong công việc khi cô có những cuộc triển lãm đồ thuỷ tinh nho nhỏ ở một số phòng trưng bày ở London. Tuy nhiên, sổ chi phiếu và thẻ rút tiền mặt của cô thì mang họ Carey.
Nora tự hỏi có phải Stephen chỉ chấp nhận tên Nora Manin vì nó nghe có vẻ Anh không. Vài người đã xem Manin là một cái tên Ý, không có nguyên âm hé lộ ở cuối.
Có phải vì Stephen bực tức "tính chất Ý" của mình mà mình nôn nóng ghì chặt nó hết lòng như thế, khi mà giờ anh đã đi rồi?
Nora xoay ra khỏi hành lý và lục túi đồ trang điểm tìm mảnh bùa hộ mệnh. Giữa những cây cọ mascara và các bảng màu sáng, cô tìm thấy cái mình đang cần. Cô cầm trái tim thuỷ tinh trong tay, kinh ngạc trước vẻ óng ánh muôn màu của nó. Nó dường như bắt lấy ánh sáng của đèn huỳnh quang trong phòng tắm và giữ lại bên trong. Cô xâu một sợi ruy băng buộc tóc màu xanh lam qua cái lỗ ngay nếp trũng của trái tim rồi đeo quanh cổ. Suốt những tháng khủng khiếp vừa qua, nó đã trở thành sợi dây chuyền của cô, tiêu chuẩn cho tất cả hi vọng ở tương lai của cô. Cô thường nắm chặt nó mà khóc vào những lúc tỉnh giấc vào bốn giờ sáng và tự nhủ nếu cô đến được Venice, mọi sự sẽ ổn cả.
Phần hai trong kế hoạch của mình, cô vẫn chưa nghĩ đến. Cô chưa nói với một ai, và thậm chí hầu như cũng khó nói điều đó với chính mình, vì nó nghe như một ý nghĩ thật quá buồn cười, thật mộng mị. "Mình sẽ đi Venice làm người thổi thuỷ tinh. Đó là quyền thừa kế của mình." Cô nói khá to, rõ và đầy thách thức với hình phản chiếu của mình. Cô nghe thấy những lời ấy, to một cách không tự nhiên giữa cái tĩnh mịch quá nửa đêm, và co rúm lại. Nhưng với sự quả quyết, cô nắm trái tim chặt hơn và lại nhìn hình phản chiếu của mình. Cô nghĩ mình trông can đảm hơn một chút và cảm thấy được khích lệ.
Chú thích
1 Bellisima tiếng Ý có nghĩa là rất đẹp.
2 Viên kẹo sôcôla xanh da trời được xem là có chứa nhiều axit amin.
3 Phà, tàu chạy bằng hơi nước.
4 Toà nhà, lâu đài, cung điện.
5 Thợ cả.
6 Dottore.
Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano - Marina Fiorato Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano