Chương 4: Mất Ngôn Ngữ
ua Google, tôi phát hiện Paul Broca (1824 – 1880), bác sĩ chuyên về phẫu tích, như cha tôi. Và bệnh nhân nổi tiếng nhất của ông: Me sừ “Tan”.
Cha tôi phát âm được A và O. Me sừ “Tan”, tên thật là Leborgne, chỉ phát âm được mỗi “Tan”.
Báo cáo bệnh án của bác sĩ Broca về bệnh nhân Leborgne:
Ông ta chỉ có thể phát âm đúng một âm duy nhất và thường nhắc lại hai lần liền. Trước bất kỳ câu hỏi nào, ông ta cũng trả lời “tan, tan”, kèm theo là những động tác biểu cảm rất khác nhau. Ðó là lý do tại sao, cả bệnh viện gọi ông ta là me sừ “Tan”.
Ngay sau hôm me sừ “Tan” qua đời, Broca đã lấy não của ông ta và trình lên Viện Nhân chủng học. Bộ não này vẫn còn được bày trong một bảo tàng y học. Nhiều nhà y học đã lưu danh hậu thế với tên riêng được đặt cho một căn bệnh. Cái tên Paul Broca đã được tặng cho một vùng trong não của loài người: vùng Broca. Vùng tạo tín hiệu ngôn ngữ.
Mất ngôn ngữ là một căn bệnh kỳ quặc. Mỗi người một kiểu khác nhau. Có những người cuối cùng có thể nói gần như bình thường. Có những người vất vả lắm mới nói được một câu. Có những người không nói được nhưng lại viết được. Trên các diễn đàn Internet, tôi cảm động và cũng ghen tị khi đọc những câu dài tuy chính tả đôi lúc chập choạng, đó là các bệnh nhân mất ngôn ngữ thuật lại cuộc chiến của họ với ngôn từ. Vùng Broca hiểu hết nhưng mất khả năng diễn đạt cho người khác hiểu.
Tương phản với vùng Broca là vùng Wernicke – mang tên một nhà bác học nữa – cũng nằm trong bán cầu trái của não. Vùng này dành cho sự hiểu. Nếu người mắc bệnh mất ngôn ngữ vùng Broca thường im lìm, thì người mắc bệnh mất ngôn ngữ vùng Wernicke lại ba hoa.
Mất ngôn ngữ vùng Wernicke.
Những người mắc bệnh mất ngôn ngữ vùng Wernicke có khả năng diễn đạt, nhưng lại gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ của người khác, thậm chí cả ngôn ngữ của chính họ. Vì vậy, những gì họ nói thường không có nghĩa.
Biệt ngữ của người mắc bệnh mất ngôn ngữ
“Biệt ngữ” hoặc “biệt ngữ của người mắc bệnh mất ngôn ngữ” là để chỉ trường hợp người mắc bệnh mất ngôn ngữ làm biến dạng hay nhầm lẫn ngôn từ, hoặc tạo ra những từ mới, ở mức độ khiến người khác không hiểu được nữa.
Chứng tháo lời nói
Thường được gọi là “bệnh ỉa chảy lời nói”, xuất phát từ nhu cầu nói không sao kìm hãm nổi, mà không cần biết những lời nói ra có ý nghĩa hay không, lý do là bởi rối loạn vùng hiểu và/ hoặc vùng diễn đạt.
Cha tôi thì ngược lại, cha im lìm.
Giống như Ulysse lạc lối trong vô vàn chuyến đi, cha tôi vật vã chèo chống giữa chứng bệnh mất ngôn ngữ. Thỉnh thoảng vài âm thanh phát ra. O, O, A, To, Ta. Cha cố diễn đạt cho chúng tôi biết cha muốn gì. Cha không còn biết nói cả những từ đơn giản là có hay không. Chính vì thế mà mọi việc trở nên phức tạp. Chúng tôi không hiểu. Cha không hiểu là chúng tôi không hiểu. Cha cáu. Chúng tôi cũng cáu. Chúng tôi quăng cho cha vài từ, hy vọng trúng ý cha. Ðó giống như một ván tennis thảm hại giữa những người cụt tay, trái bóng bay trên sân mà không ai đập lại.
Cha tôi như một du khách mù, lang thang trong miền đất lạ, đi giữa những con đường lổn nhổn những tấm biển mà cha chỉ hiểu phân nửa. Cha học cách tự dẫn đường theo kiểu của mình. Cha đọc nét mặt, ánh mắt của người đối diện. Ðôi khi, cha thử vẽ. Cha cũng tập viết. Từ khi bị liệt bán thân, cha phải dùng tay trái, nên chữ của cha run rẩy, khác với kiểu chữ viết ngoáy nhưng tự tin của cha ngày trước – kiểu “chữ bác sĩ” như người ta vẫn nói.
Hôm nay, một trận động đất đã làm tan hoang cả nước Nepal. Không có tin tức gì về 70 công dân Pháp. Thị trường chứng khoán Trung Quốc ngoẻo. Thị trường chứng khoán Trung Quốc ngoẻo. Thị trường chứng khoán Trung Quốc ngoẻo. 45. 45. 45.
Tôi đọc những câu văn rời rạc được viết nối tiếp nhau hết trang này sang trang khác. Cha đã chép lại. Dưới dạng chính tả. Hoặc theo mẫu giáo viên dạy phát âm đưa cho. Chưa bao giờ cha viết nhiều như trong những cuốn vở này. Nhưng cha có hiểu gì đâu? Những từ cha viết chen lấn nhau, ép vào nhau, dính sát nhau trên trang giấy. Ðể làm gì, khi cha không thể viết cho chúng tôi?
Có thể có một mật mã nằm trong những trang giấy học trò u ám này mà tôi không nắm được? Một thông điệp bí mật cha muốn gửi đến chúng tôi? Ðôi khi, cha tập viết tên riêng của chúng tôi. Tôi nhìn thấy tên tôi, sau câu này: “François Hollande đã quyết định can thiệp vào Mali”. Như thể tôi sắp thảo luận về vấn đề địa-chính trị với cha.
Mới đầu, hy vọng là sẽ tìm được cách nói chuyện với cha, chúng tôi đã làm cho cha một quyển sổ nhỏ trong đó có hình vẽ các hành động và vật dụng thường nhật. Như những chữ tượng hình. Cha đôi khi mở ra. Nhưng để được một từ thì phải cần rất nhiều hình vẽ, nên cuốn sổ hết rất nhanh. Và cha lại tiếp tục chèo lái trên đại dương câm lặng của cha. Ðại dương thân thiết với Baudelaire[5]. Sau một cơn tai biến, Baudelaire đã bị chứng mất ngôn ngữ.
Con của ta, em của ta,
Hãy nghĩ về nỗi êm dịu,
Ðến miền kia chung sống cùng nhau.
Cùng nhau? Căn bệnh mất ngôn ngữ, cái được gọi là “miền kia” ấy, mảnh đất xa xôi ấy, làm gì có “cùng nhau”: Mỗi người bệnh bị cầm tù giữa sự cô độc của mình, bị bao vây bởi ánh nhìn của kẻ khác, bị tấn công bằng tiếng động lẫn lộn của những ai “biết nói”.
Baudelaire, người từng hết sức nhào nặn ngôn từ, đã kết thúc cuộc đời lúc chỉ nhào được một từ duy nhất. Thậm chí không phải là một từ, mà một thán từ “Crénom!”. Bạn bè đến thăm ông, Banville, Jules Vallès, Leconte de Lisle lần lượt phủ phục bên đầu giường ông. Họ khóc thương, hoảng hốt bởi một nỗi kinh hãi nhuốm màu tôn giáo, khi chứng kiến thiên tài thi ca phải đánh vật với những ngôn từ đã trốn biệt khỏi ông. “Crénom! Lúc thì dùng để chào, lúc thì để chửi, tùy vào khi ta cho ông ấy xem một vật hay tên người mà ông thích hay ghét!”. Jules Vallès giải thích. “Crénom! Cũng có thể là lời càu nhàu ngây ngô của sự tuyệt vọng! Ai mà biết?”.
Théophile Gautier nói một cách hãi hùng: “Thần Chết đã lởn vởn quanh ông ấy lâu rồi; mụ đặt ngón tay xương xẩu lên trán của ông ấy, và bệnh liệt đã khiến cái cơ thể từng lanh lợi và rất mềm dẻo kia trở nên trơ lỳ. Thế rồi mụ bỏ đi vì tin chắc rằng nó sẽ mãi mãi bất động ở chỗ ấy. Sau đó, mụ quay lại lấy mất của ông lời nói, cùng với bộ nhớ từ, đồng thời lột luôn ngôn ngữ khỏi ý tưởng. Thật là một cực hình khủng khiếp! Hiểu mà không trả lời được, và cảm thấy ngôn từ trước đây từng thuần phục giờ cứ bay đi như những đàn chim dại mỗi khi có ai thử tiến lại trò chuyện!”.
Ngôn từ như những con chim thanh nhã mà cha ngắm trên các bức tranh khắc Trung Hoa. Ngôn từ bay khỏi trí tuệ của cha: những con chim di trú, chúng bay về phía những chân trời ấm hơn, để lại cha tôi một mình với mùa đông vĩnh viễn của im lặng.
Các chị em gái của cha tới thăm cha lần đầu trong trung tâm phục hồi chức năng. Lúc về, họ không khỏi thốt lên bằng tiếng Việt: “Kể cũng buồn cười thật. Anh ấy chẳng nói nữa, chỉ không ngừng O A”. O A. Một bộ xương ngôn ngữ, một bản nhạc gồm hai nốt, mà một dương cầm thủ cụt tay đập một cách bướng bỉnh và vụng về lên một phím đàn đã bị lỗi nhịp.
Maurice Ravel cũng bị mất ngôn ngữ. Nhà soạn nhạc vẫn còn nhận ra được âm thanh và nhịp điệu: Lỗ tai âm nhạc không phụ thuộc vào cùng một vùng trong não như ngôn ngữ. Ngược lại, Ravel không thể “đọc” những nốt trước đây từng thể hiện những bản giao hưởng tuyệt vời của trí tuệ ông. Ông thầm nghe thấy những bản nhạc đó nhưng không còn khả năng chép lại chúng, hay chia sẻ chúng.
Beethoven tiếp tục soạn nhạc mặc dù bị điếc. Còn Ravel thì nín lặng. “Trong đầu tôi có biết bao âm thanh, tôi chưa nói ra và còn phải nói rất nhiều”, ông thổn thức một cách tuyệt vọng. Colette viết: “Ravel mất ngôn ngữ, hành động viết, và sẽ chết như bị bóp họng, nhưng còn ý thức, bởi trong lòng vẫn tràn ngập các hợp âm.”
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng