Ngọc Phương Nam epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 3 - Phút Khoa Học Trong Những Buổi Học Thân Tình
hải nói ngay, vì danh dự, chàng kỹ sư trẻ không đến Griqualand để tiêu phí thời gian tại nơi ngập đầy tham lam, say xỉn và hút xách này. Chàng được giao đo vẽ địa hình và địa chất ở một vài nơi trong vùng, thu thập những mẫu đá và mẫu đất có chứa kim cương, tiến hành tại chỗ các phân tích tỉ mỉ. Vậy nên mối bận tâm đầu tiên của chàng là phải tìm được một nơi ở yên tĩnh, để chàng có thể lắp đặt phòng thí nghiệm của mình nói đúng hơn một trung tâm khảo sát xuyên suốt hạt khai thác mỏ.
Gò đất cao nơi có trang trại nhà Watkins ngay lập tức khiến chàng chú ý như một vị trí đặc biệt thuận lợi cho các công việc của chàng. Cách khá xa khu lán trại của thợ mỏ để ít bị tiếng ồn hàng xóm tra tấn, ở đó Cyprien chỉ còn cách các mỏ xa nhất thuộc Kopje khoảng một giờ đi bộ - vì rằng chu vi hạt khai thác kim cương không vượt quá mười đến mười hai cây số. Vậy nên phải chọn một trong các ngôi nhà bỏ hoang của John Watkins, thương lượng việc thuê nhà, và dọn vào đó ở - với chàng kỹ sư trẻ tất cả chuyện ấy mất nửa ngày trời. Vả lại, ông chủ trang trại đã tỏ ra khá dễ chịu. Thực ra, ông cũng vô cùng buồn chán trong sự cô độc của mình, và thực sự thấy vui khi thấy sống gần mình là một chàng trai trẻ ắt hẳn sẽ mang đến vài thú tiêu khiển cho ông.
Nhưng, nếu như ông Watkins định xem anh chàng thuê nhà như người bạn ăn cùng bữa hay là bằng hữu luôn bên ông để xử lý hũ rượu gin thì ông quá sai lầm. Vừa sắp xếp xong tất cả đồ nghề lủng củng nào lò cất, nào lò nung, nào các chất phản ứng trong túp lều bỏ hoang theo ý đồ của chàng - và ngay cả trước khi những bộ phận chính của phòng thí nghiệm đến nơi - Cyprien đã bắt đầu những cuộc thăm dò địa chất trong khu vực. Cũng vậy, buổi tối khi chàng trở về mệt nhoài, mang theo đầy những mẫu đá trong hộp kẽm, trong bị dết của chàng, trong các túi và đến cả trong mũ của chàng, chàng tức thì muốn buông mình xuống giường rồi ngủ hơn là đến hầu chuyện ngồi lê đôi mách cũ rích cùng ông Watkins. Hơn nữa, chàng ít hút thuốc, lại càng ít uống rượu. Những yếu tố đó đã chẳng hề tạo nên người bằng hữu vui tính mà ông chủ trang trại từng mơ ước.
Tuy vậy, Cyprien trung thực thế và tốt bụng thế, tính cách và tình cảm giản dị thế, uyên bác thế và khiêm nhường thế, đến mức không thể thường xuyên tiếp xúc chàng mà không gắn bó với chàng được. Vậy nên ông Watkins - có lẽ không nhận thấy điều này - cảm thấy nể trọng chàng kỹ sư trẻ hơn, thứ tình cảm ông chưa từng bao giờ dành cho bất cứ ai. Có điều, giá mà chàng thanh niên ấy biết uống rượu suông! nhưng bạn muốn làm gì với chàng trai chẳng bao giờ hớp một giọt rượu gin vào họng? Đấy luôn là những phán xét cuối cùng mà ông chủ trang trại dành cho người thuê nhà trọ của mình.
Về phần tiểu thư Watkins, nàng xây dựng ngay với chàng bác học trẻ một tình bạn chân thành và đẹp đẽ. Tìm thấy ở chàng phong cách tao nhã, trí tuệ vượt trội mà nàng chẳng tìm thấy ở ai trong những người xung quanh, nàng vội nắm ngay cơ hội bất ngờ dành cho mình để bổ sung thêm kiến thức vững chắc và rất đa dạng mà nàng có nhờ đọc sách khoa học, với những khái niệm hóa học thực nghiệm.
Phòng thí nghiệm của chàng kỹ sư trẻ, với các máy móc kỳ lạ, hết sức lôi cuốn nàng. Nàng đặc biệt vô cùng tò mò tìm hiểu tất cả những gì liên quan đến bản chất của kim cương, loại đá quý đóng vai trò thật quan trọng trong các cuộc trò chuyện và trong việc giao thương ở xứ này. Thực tế, Alice khá thiên về xu hướng chỉ xem loại đá quý ấy như một viên đá tầm thường. Còn Cyprien - Nàng không phải là không nhận thấy - về điểm này, chàng cũng có sự xem thường như nàng vậy. Phải chăng vì thế nên sự tương đồng ý kiến ấy không hoàn toàn xa lạ với tình bạn được đan kết nhanh chóng nơi hai người. Ta có thể mạnh dạn khẳng định, họ là những người duy nhất ở Griqualand không nghĩ rằng mục đích duy nhất trong cuộc đời là phải tìm kiếm, phải gọt giũa, phải kinh doanh những viên đá nhỏ kia, những thứ được các nước trên thế giới vô cùng khao khát thèm muốn.
“Kim cương chỉ đơn giản là cácbon nguyên chất, một hôm chàng kỹ sư nói vậy với nàng. Đó là một mẩu than kết tinh, không là gì khác. Ta có thể đốt nó như một mẩu than thông thường, và chính ngay đặc tính dễ cháy này, lần đầu tiên, đã gây nên hoài nghi về bản chất thực sự. Newton, người đã quan sát nhiều vật chất đến thế, từng ghi chép rằng kim cương được gọt giũa khúc xạ được ánh sáng nhiều hơn bất cứ vật thể trong suốt nào khác. Thế nhưng, vì ông biết tính chất này thuộc hầu hết các chất dễ cháy, ông đã suy ra từ hiện tượng này, với sự táo bạo thường có, một kết luận rằng kim cương ‘phải’ là chất dễ cháy. Và thí nghiệm đã chứng minh ông đúng.
“Nhưng anh Méré này, nếu kim cương chỉ là than, tại sao người ta bán nó đắt thế? cô gái trẻ thắc mắc.”
“bởi vì nó rất hiếm, cô Alice à, và vì nó mới chỉ được tìm thấy trong tự nhiên với số lượng cực nhỏ, Cyprien trả lời. Bấy lâu nay người ta chỉ khai thác nó từ Ấn Độ, từ Braxin và từ đảo Bornéo. Và chắc chắn cô vẫn còn nhớ rõ vào thời điểm, lần đầu tiên, người ta tìm thấy kim cương ở tỉnh này của nam Phi, vì lúc ấy cô độ khoảng bảy hoặc tám tuổi.”
“Chắc chắn rồi, tôi nhớ lúc đó chứ! tiểu thư Watkins đáp. Khi đó mọi người ở Griqualand như phát điên lên! Ta chỉ gặp toàn người trang bị nào xẻng nào cuốc đào xới các khu đất, chuyển hướng các dòng chảy của suối để khảo sát lòng đất, chỉ mơ về, chỉ bàn đến kim cương! Khi ấy tôi còn bé quá, nhưng dám chắc với anh rằng đã có lúc tôi thấy bực bội Vì chuyện ấy đấy anh Méré! nhưng lúc nãy anh nói kim cương đắt Vì nó hiếm... Đấy có phải là phẩm chất duy nhất của nó?”
“Không, không hẳn như vậy đâu cô Watkins. Còn có tính trong suốt của nó, sự lấp lánh của nó, khi nó được gọt giũa sao cho khúc xạ được ánh sáng, thậm chí còn khó khăn trong việc gọt giũa, và cuối cùng là độ cứng quá mức đã làm nên một vật thể thú vị đối với nhà khoa học, và, tôi muốn nói thêm, rất hữu ích cho công nghiệp. Cô có biết rằng nó chỉ có thể được đánh bóng bằng chính bột của nó, và độ rắn quý giá ấy đã cho phép ta sử dụng nó, từ vài năm nay, để khoan thủng các tảng đá. Không có sự trợ giúp của loại đá quý này, không những sẽ rất khó khăn trong gia công thủy tinh và nhiều chất cứng khác, mà cả việc mở đường hầm, những hầm mỏ, những giếng phun cũng sẽ rất mệt mỏi!”
“Bây giờ thì tôi hiểu rồi, Alice nói, nàng chợt cảm nhận được một dạng tình cảm yêu mến dành cho những viên kim cương đáng thương mà nàng đã xem thường đến giờ này. Nhưng anh Méré, chất than này, anh khẳng định là thành phần ở dạng kết tinh cấu tạo nên kim cương - phải nói như vậy, đúng không nhỉ? - chất than này, tóm lại là gì vậy?”
“Đó là một đơn chất, phi kim, và là một trong những chất phổ biến nhất trong tự nhiên, Cyprien đáp. Tất cả các cấu tạo hữu cơ, không có ngoại lệ, gỗ, thịt, bánh mì, cây cỏ, hàm chứa một tỉ lệ lớn chất ấy. Thậm chí phải nhờ vào sự hiện diện của than hay còn gọi là cácbon trong các nguyên tố tạo thành chúng mà ta quan sát để biết mối quan hệ vật chất giữa chúng.”
“Thật là kỳ diệu! tiểu thư Watkins nói. Thế là những bụi cây ở kia, cỏ trên bãi chăn thả gia súc này, cây cho ta trú ngụ, da thịt chú đà điểu Dada của tôi, và ngay cả tôi đây, và anh nữa, anh Méré, chúng ta phần nào đó được tạo ra từ than... cũng như kim cương sao? Vậy tất cả trên thế giới này chỉ đều là than sao?”
Quả thật vậy, thưa cô Alice, ta đã cảm nhận chuyện đó từ khá lâu rồi, nhưng khoa học đương đại đang ngày càng nhắm đến chứng minh điều đó rõ ràng hơn! hay, nói đúng hơn, khoa học ngày càng có khuynh hướng giảm bớt số lượng các đơn chất, số lượng lâu nay vẫn được xem như bất biến. Những phương pháp quan sát phổ học, về phương diện này, gần đây đã khoác lên ngành hóa học một diện mạo mới. Thế nên phải chăng sáu mươi hai chất, đến nay được sắp xếp như các đơn chất cơ bản hay chủ yếu, có thể chỉ là một thực thể nguyên tử duy nhất, có thể là hyđrô - dưới các dạng thức khác nhau: điện, chuyển động, nhiệt!
“Ôi! anh làm tôi sợ với những từ đao to búa lớn ấy, anh Méré ạ!” tiểu thư Watkins kêu lên. “Anh hãy nói với tôi về than thì hơn! Còn các anh, những nhà hóa học, các anh không thể nào làm kết tinh than như các anh làm với lưu huỳnh mà anh đã cho tôi xem những lá kim xinh xắn hôm nọ ư? như thế sẽ tiện lợi hơn là đi đào hố trong lòng đất để tìm kim cương!”
“Người ta vẫn cố gắng thực hiện điều cô đang nói,” Cyprien đáp, “và họ nhắm đến sản xuất kim cương nhân tạo bằng cách làm kết tinh than nguyên chất. Tôi cần nói thêm rằng ở chừng mực nào đó chúng tôi cũng đã thực hiện được. Nhà bác học Despretz, vào năm 1853, và mới đây thôi, ở nước Anh, một nhà bác học khác đã sản xuất bụi kim cương bằng cách cho dòng điện rất mạnh, trong chân không, chạy qua các ống xy lanh chứa than, đã được loại bỏ mọi khoáng chất và điều chế với đường phèn. Nhưng đến nay, quy trình vẫn chưa tìm ra giải pháp công nghiệp. Vả chăng, có thể giờ đây chỉ là vấn đề thời gian. Nay mai, và có thể ngay lúc tôi đang nói với cô, cô Watkins à, quy trình sản xuất kim cương đã được phát minh!”
Cứ thế, họ vừa trò chuyện cùng nhau vừa đi dạo trong sân cát trải dọc theo trang trại, hoặc vào buổi tối, cùng ngồi nơi hiên nhà, vừa ngắm sao nhấp nháy trên bầu trời miền cực nam.
Rồi, Alice từ biệt chàng kỹ sư trẻ quay về trang trại, khi nàng không đưa chàng đi thăm bầy đà điểu nuôi ở một khu được rào kín xung quanh, ngay dưới chân gò cao có nhà của John Watkins. Những cái đầu nhỏ xíu màu trắng của chúng, trên thân mình đen, những cặp đùi béo chắc, những chỏm lông vàng nhạt tô điểm nơi đầu cánh và đuôi, từ một hay hai năm nay, những thứ đó thu hút cô gái trẻ, làm cô vui thú, khi nuôi đầy vườn giống chim cao cẳng to lớn này.
Thông thường, người ta chẳng thuần hóa loài động vật này, và các chủ trang trại tỉnh Cap cứ để chúng sống gần như hoang dã. Họ bằng lòng với việc nhốt chúng vào bãi quây trên những khu đất rộng rào kín, được bảo vệ bằng lớp rào chắn cao bằng sợi đồng thau giống như loại rào chắn ở một số nơi khác người ta dựng lên dọc đường sắt. Những chú đà điểu, vốn không có cấu tạo cơ thể để bay, không thể vượt qua nổi các khu đất rào kín ấy. Ở đó, quanh năm, chúng sống trong giam cầm mà không biết ăn những gì tìm thấy và tìm kiếm những nơi vắng vẻ để đẻ trứng, luật pháp nghiêm minh bảo vệ khỏi đám trộm. Chỉ vào mùa thay lông, khi phải thu hoạch những bộ lông chim được phụ nữ châu Âu vô cùng ưa chuộng, những người thợ lùa dần dần bọn đà điểu vào một loạt các chuồng càng lúc càng hẹp dần, cho đến khi họ dễ dàng bắt được chúng để nhổ lông.
Từ vài năm nay, ở các vùng thuộc tỉnh Cap, ngành công nghiệp này đã bắt đầu khuếch trương mạnh mẽ, và ta có quyền ngạc nhiên một cách chính đáng rằng nó chỉ mới được du nhập vào Algérie, nơi ấy hiệu quả cũng sẽ không kém hơn. Như vậy, bọn đà điểu bị biến thành nô lệ theo cách ấy, mỗi con mang lại cho chủ của nó, chẳng cần tốn thêm chi phí nào, khoản lợi nhuận hằng năm từ hai trăm đến ba trăm franc. Để hiểu được điều này, phải biết rằng một bộ lông vũ lớn, nếu có chất lượng tốt, được bán tầm sáu mươi đến tám mươi franc - thời giá thị trường - và các bộ lông trung bình và nhỏ cũng có giá trị khá lớn.
Nhưng chỉ là vì thú vui cá nhân mà tiểu thư Watkins thả nuôi khoảng một chục con chim lớn này. Nàng thích thú khi xem chúng ấp những quả trứng khổng lồ, hoặc ngắm chúng khi đi ăn cùng đàn con, cũng giống mấy con gà mái hay gà tây trống. Thi thoảng Cyprien đi theo nàng, và chàng thích âu yếm một trong những con đẹp nhất bầy, đó là một chú đà điểu đầu đen, mắt vàng óng - chính xác là cục cưng Dada ấy đấy, đã nuốt chửng viên bi ngà Alice thường dùng để khâu vá.
Tuy vậy, dần dà, Cyprien nhận thấy trong chàng nảy sinh một tình cảm sâu đậm hơn và dịu dàng hơn đối với cô gái trẻ này. Chàng tự nhủ, để sẻ chia công việc và những suy nghiệm, sẽ chẳng bao giờ chàng tìm được một người bạn đời có tâm hồn trong sáng hơn, có trí thông minh sắc bén hơn, đáng yêu hơn, giỏi giang hơn về mọi mặt. Quả thật, bị mồ côi mẹ sớm, phải quán xuyến việc nhà cho cha, tiểu thư Watkins là một người nội trợ thành thạo đồng thời cũng là một phụ nữ cao quý thực thụ. Thậm chí chính sự pha trộn đặc biệt giữa sự ưu tú hoàn hảo và tính ngây thơ đầy lôi cuốn đã cho nàng vẻ rất duyên dáng. Không hề có tính tự phụ ngốc nghếch như nhiều cô gái thanh lịch của thành thị châu Âu, nàng không ngại dùng đôi tay nõn nà nhồi bột để làm bánh pudding, chăm lo bữa ăn tối, sắp xếp tươm tất các thứ đồ vải vóc trong nhà. Và điều đó chẳng cản trở nàng chơi các bản nhạc của Beethoven có khi còn hay hơn nhiều người khác, nói thành thạo hai hoặc ba ngôn ngữ, thích đọc sách, biết cảm nhận những kiệt tác của mọi nền văn học, và cuối cùng nàng rất được hoan nghênh trong các buổi gặp mặt thượng lưu, thỉnh thoảng được tổ chức ở nhà một số chủ trang trại giàu có trong hạt.
Không phải vì những phụ nữ tao nhã rất hiếm trong các cuộc gặp gỡ ấy. Ở Transvaal cũng như ở Mỹ, ở Úc và các nước mới khác, những công việc chân tay mà một nền văn minh mới áp đặt thu hút hoạt động của nam giới, văn hóa trí thức là một độc quyền gần như dành riêng cho nữ giới hơn nhiều so với ở châu Âu. Phải chăng vì thế họ thường hơn chồng và con trai họ rất nhiều, về trình độ văn hóa phổ thông và sự tinh tế nghệ thuật. Đã có lúc, du khách không khỏi ngạc nhiên khi gặp phu nhân của một thợ mỏ Úc hay của một chủ chăn nuôi cừu miền Viễn Tây, có tài năng âm nhạc hạng nhất, lại còn rành rẽ về văn chương và khoa học. Con gái một người nhặt nhạnh đồ vải cũ ở Omaha, hay một người bán thịt ở Melbourne sẽ thẹn khi nghĩ rằng mình thua kém một công nương của châu Âu xưa về hiểu biết, về tư cách, về “sự giỏi giang” toàn diện. Ở tiểu bang tự trị orange, giáo dục nữ giới đã từ lâu bình đẳng với giáo dục nam giới, nhưng ở đấy nam giới lại rời ghế nhà trường rất sớm, thì sự tương phản giữa hai giới còn rõ hơn ở những nơi khác. Người đàn ông, trong gia đình, là “bread-winner”, người kiếm bánh mì; với sự thô bạo bẩm sinh, đàn ông lưu giữ những đặc tính thích hợp với công việc ngoài trời, có đời sống mệt nhọc và nguy hiểm. Trái lại, ngoài những bổn phận gia đình, phụ nữ coi văn hóa nghệ thuật và văn chương như lĩnh vực của mình, lĩnh vực người chồng vẫn xem thường và không quan tâm.
Và đôi khi có một bông hoa mỹ miều, tao nhã và duyên dáng, lại nở rộ bên bờ sa mạc; đó chính là trường hợp của con gái chủ trang trại John Watkins.
Cyprien từng tự nhủ tất cả chuyện ấy, và, vì chàng luôn đi thẳng vào mục tiêu, chàng đã không ngần ngại đến bày tỏ lời cầu hôn.
Nhưng than ôi! Giờ đây chàng như rơi từ giấc mơ cao vời xuống, và lần đầu tiên, chàng nhận ra hố sâu khó vượt qua chia cách chàng với Alice. Phải chăng vì thế nên chàng trở về nhà, sau cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, với trái tim nặng trĩu ưu phiền. Nhưng chàng không phải là người dễ bỏ cuộc vì một nỗi tuyệt vọng vô phương; chàng đã quyết đấu tranh trên đất này, và trong khi chờ đợi, chàng sẽ sớm tìm quên trong công việc.
Sau khi ngồi xuống bên chiếc bàn nhỏ, chàng kỹ sư trẻ đã hoàn thành, với nét chữ viết nhanh và quả quyết, lá mật thư dài viết dở sáng nay gửi đến người thầy đáng kính của chàng, M.J... thành viên Viện hàn lâm Khoa học và là giáo sư thực thụ của trường Mỏ Địa Chất:
“... Điều em nghĩ không nên ghi vào luận án chính thức của mình, chàng viết cho thầy, bởi vì với em nó mới chỉ là một giả thuyết, đấy chính là ý kiến mà em thử đưa ra cho riêng mình, theo những quan sát địa chất của em, trên quy trình thực tế của sự tạo thành kim cương. Không phải là giả định nó có nguồn gốc từ núi lửa, cũng không phải quy kết cho việc nó xuất hiện trong mỏ đang khai thác nhờ vào hoạt động của gió lốc dữ dội, sẽ có thể làm em thỏa mãn hơn thầy, thưa giáo sư đáng kính, và em không cần phải nhắc thầy những lý do khiến chúng ta chưa tiếp cận được chúng. Sự hình thành kim cương tại chỗ, bởi hoạt động của lửa, là một lý giải quá mơ hồ và không làm em hài lòng chút nào. Bản chất của lửa này là gì, và tại sao nó đã không làm biến đổi các loại lớp đá vôi ở đủ dạng khác nhau thường có trong quặng kim cương? Điều đó với em có vẻ ấu trĩ, chỉ xứng với loại lý thuyết luẩn quẩn hoặc lấp liếm.
“Lời giải thích duy nhất làm em hài lòng, nếu không muốn nói là hoàn toàn thỏa mãn, ít ra trong chừng mực nào đó, chính là do sự vận chuyển các nguyên tố đá quý bằng chuyển động của nước, và việc tạo thành tinh thể sau đó được thực hiện tại chỗ. Em rất ấn tượng bởi mặt cắt đặc biệt, gần như đồng đều, của các quặng khác nhau mà em đã xem xét và đo đạc thật tỉ mỉ. Tất cả đều ít nhiều cho một dạng chung có hình dáng một loại cốc, bình hình chỏm, hay đúng hơn, nếu tính đến các lớp vỏ bao bọc, thì có hình bầu của một bi đông nước nằm nghiêng. Tựa như một bể chứa ba mươi hay bốn mươi nghìn mét khối, trong đó tuôn trào một tập hợp các loại cát, bùn và đất phù sa, chứa trong tảng đá nguyên thủy. Tính chất này rõ nét nhất ở khu mỏ Vandergaart-Kopje, một trong những mỏ mới được phát hiện gần đây nhất, nhân thể nói, thuộc sở hữu của chính ông chủ nhà trọ nơi em đang ngồi viết thư cho thầy.”
“Khi đổ vào bình một chất lỏng có chứa vật thể lạ không hòa tan, điều gì xảy ra? Đó là các vật thể lạ đặc biệt hay lắng xuống đáy và bám xung quanh thành bình. Vâng! Chính xác đó là hiện tượng xảy ra trong khu mỏ Kopje. Đặc biệt chính là ở đáy và về phía trung tâm của khu mỏ, cũng như ở ven thành mỏ, là nơi kim cương tụ lại. Và hiện tượng này được nhận thấy rất rõ, với việc các hố khai thác trung gian rớt giá nhanh chóng, trong lúc các khu đất trung tâm hoặc giáp ranh các thành mỏ thì nhanh chóng đạt những giá trị lớn, một khi mỏ khai thác được định hình. Vậy nên phép loại suy thiên về sự vận chuyển vật liệu dưới tác động của nước.”
“Mặt khác, thầy sẽ thấy phần lớn các trường hợp được liệt kê trong luận án của em, đều nhằm cho thấy sự hình thành tại chỗ của các tinh thể, nhất là quá trình chuyển sang trạng thái hoàn hảo của chúng. Chỉ cần kể ra hai hoặc ba trường hợp, thì hầu như kim cương luôn tập trung thành từng nhóm đồng chất và đồng màu, điều này chắc chắn không thể xảy ra nếu sau khi đã được tạo thành chúng mới bị mang theo trong dòng thác. Chúng ta thường tìm thấy từng đôi ghép sát nhau, nhưng dễ tách ra khi có tác động nhẹ. Vậy làm sao chúng có thể chịu được lực ma sát và những gập ghềnh trong chuyển động của dòng nước? hơn nữa, những viên kim cương lớn hầu như luôn được tìm thấy dưới các tảng đá, điều đó chứng tỏ rằng ảnh hưởng của đá - bức xạ nhiệt của nó hoặc các nguyên nhân khác - đã tạo điều kiện cho quá trình kết tinh. Cuối cùng, hiếm khi, thậm chí rất hiếm khi kim cương lớn và nhỏ cùng tập trung một chỗ. Tất cả những lần ta tìm được một viên đá đẹp thì đều là viên đá đơn lẻ. Như thể những yếu tố thuộc về kim cương trong ổ chỉ tập trung dồn lại trong một tinh thể duy nhất, dưới tác động của các nguyên nhân đặc thù.”
“Vậy nên những lý do này và còn nhiều lý do khác cho phép em thiên về giả thuyết sự tạo thành tại chỗ của các yếu tố kết tinh, sau khi được dòng nước vận chuyển.”
“Nhưng các dòng nước cuốn vụn hữu cơ biến đổi thành kim cương xuất phát từ đâu? Đó là điều em đã không thể xác định, cho dù em đã cẩn trọng thực hiện nghiên cứu trên các địa hình khác nhau.”
“Tuy vậy khám phá vẫn có tầm quan trọng của nó. Quả thật, nếu ta tìm thấy đường của dòng chảy thì tại sao lại không đi ngược dòng tìm đến đầu nguồn nơi kim cương xuất phát, nơi chắc chắn có trữ lượng lớn hơn nhiều những hồ chứa nhỏ hiện đang được khai thác? Đó sẽ là một minh chứng đầy đủ cho lý thuyết của em, và em sẽ vô cùng hạnh phúc vì điều ấy. Nhưng em không phải là người sẽ thực hiện nghiên cứu, bởi lẽ nhiệm vụ của em ở đây sắp kết thúc, và em đã không thể tìm ra kết luận nghiêm túc nào cho vấn đề này.”
“Em đã gặp nhiều thuận lợi hơn trong các phân tích mẫu đá...”
Và chàng kỹ sư trẻ, để tiếp tục câu chuyện về các công việc của chàng, bắt đầu đi vào những chi tiết kỹ thuật mà với chàng cũng như vị giáo sư chắc hẳn là mối quan tâm lớn, nhưng với một độc giả ngoại đạo có lẽ sẽ không có cùng suy nghĩ. Bởi vậy, có lẽ nên thận trọng để tránh cho độc giả điều này.
Vào nửa đêm, sau khi hoàn thành bức thư dài, Cyprien tắt đèn, nằm duỗi trên võng của chàng và ngủ ngon giấc.
Công việc đã lấn át buồn đau - ít nhất là trong khoảng vài giờ - Nhưng một hình ảnh duyên dáng lại một lần nữa ám ảnh những giấc mơ của nhà bác học trẻ, và dường như nó mách bảo chàng đừng vội tuyệt vọng!
Ngọc Phương Nam Ngọc Phương Nam - Jules Verne Ngọc Phương Nam