Ngỡ Đã Là Yêu epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2: Trong Chưa Đến Một Giây, Toàn Bộ Mọi Thứ Trước Mắt Tôi Tan Biến. Tôi Không Biết Mình Đang Ở Đâu.
ôi rời khu phẫu thuật vào khoảng 22 giờ.
Tôi không biết bao nhiêu người đã nằm trên bàn phẫu thuật của tôi. Mỗi lần tôi kết thúc một ca, những chiếc cửa hai cánh của khu phẫu thuật lại mở ra để đưa một xe chở bệnh nhân mới vào. Một vài ca không mất nhiều thời gian lắm, nhưng những ca khác thì thực sự làm tôi kiệt sức. Tôi bị co cơ khắp nơi và tê xung quanh các khớp. Đôi lúc, mắt tôi mờ đi và tôi cảm thấy choáng váng. Chỉ đến khi một cậu bé suýt tắt thở trong tay tôi tôi mới thấy phải nhường chỗ của mình cho một người thay thế. Còn Kim, cô đã lần lượt mất ba bệnh nhân, như thể số phận trêu ngươi đánh gục dần những nỗ lực của cô. Lúc rời khỏi phòng số 5, cô càu nhàu oán trách chính mình. Tôi tin là cô đã lên phòng riêng khóc nức nở.
Theo Ezra Benhaêm, số người chết còn nhiều hơn nữa; ở bệnh viện chúng tôi chỉ có mười bảy người tử vong - trong đó có mười một học sinh lúc ấy đang tổ chức sinh nhật cho một cô bạn học trong cửa hàng đồ ăn nhanh bị nhắm làm mục tiêu -, bốn người phải phẫu thuật cắt bộ phận và ba mươi ba người nhập viện trong tình trạng nguy cấp. Khoảng bốn mươi người bị thương đã được thân nhân tới đón, nhiều người khác tự đi về nhà bằng phương tiện riêng sau khi đã được cấp cứu.
Trong sảnh đón tiếp, các bậc phụ huynh vừa cắn móng tay vừa sải những bước dài như mộng du khắp phòng. Phần đông không có vẻ nhận thấy hết mức độ của thảm họa vừa giáng xuống họ. Một bà mẹ hoảng loạn bám chặt lấy tay tôi, đôi mắt đau đáu. “Con gái tôi thế nào rồi bác sĩ? Liệu có cứu được nó không?”... Một ông bố đi đến; người ta đang tiến hành các biện pháp hồi tỉnh cho con trai ông ta. Ông ta muốn biết vì sao ca phẫu thuật lại lâu đến thế. “Nó ở trong đó đã hai tiếng rồi. Các người đang làm gì với nó vậy?” Các y tá cũng bị làm phiền như thế. Họ cố gắng tạm trấn an tinh thần các vị phụ huynh bằng cách hứa cung cấp những thông tin họ yêu cầu. Một gia đình nhận thấy tôi đang trấn an một cụ già bèn đổ xô vào tôi. Tôi đành phải rút lui ra sân sau và đi vòng quanh tòa nhà để lên phòng mình.
Kim không có trong phòng cô ấy. Tôi tìm cô ấy ở chỗ Ilan Ros. Ros cũng không thấy cô. Các y tá cũng vậy.
Tôi thay đồ để đi về nhà.
Ở bãi đỗ xe, đám cảnh sát đi tới đi lui trong một kiểu khung cảnh náo loạn thầm lặng. Trong im lặng chỉ có những tiếng rè rè của radio. Một sĩ quan đang ra chỉ thị từ một chiếc ô tô, khẩu súng liên thanh được đặt trên bảng điều khiển.
Tôi ra chỗ để xe của mình, người lảo đảo vì cơn gió mạnh buổi tối. Chiếc Nissan của Kim vẫn đỗ ở chỗ mà sáng nay tôi trông thấy, kính cửa trước hơi hạ xuống vì trời nóng. Vì thế tôi đoán Kim vẫn ở bệnh viện, nhưng tôi quá mệt để đi tìm cô.
Ra khỏi bệnh viện, thành phố dường như thật yên bình. Thảm họa vừa khiến thành phố chao đảo đã không ảnh hưởng đến những thói quen của nó. Hàng dãy ô tô dài bất tận đang đổ về con đường rẽ vào Petah Tiqwa. Các quán cà phê và các nhà hàng lúc nhúc người. Vỉa hè tràn ngập những kẻ chơi đêm. Tôi đi theo đại lộ Gevirol đến Bet Sokolov, ở đó một trạm kiểm soát, được dựng lên sau vụ khủng bố, đang hướng dẫn mọi người đi tránh lối quận Haqirya, một đội quân an ninh cực kỳ nghiêm ngặt đã cách ly quận này với các khu vực còn lại của thành phố. Tôi cũng luồn lách được đến tận phố Hasmonaêm đang chìm trong một sự tĩnh lặng thần thánh. Từ xa, tôi có thể thấy cửa hàng đồ ăn nhanh bị kẻ đánh bom liều chết làm nổ tung. Đội cảnh sát pháp y đang khoanh vùng xảy ra thảm họa và tiến hành lấy các tang vật để xét nghiệm. Mặt tiền nhà hàng bị phá hủy hoàn toàn, mái nhà phía Nam bị đổ sụp, để lại trên vỉa hè những vệt dài đen ngòm. Một cột đèn đổ kềnh nằm chắn ngang lòng đường ngổn ngang đủ các thể loại mảnh vỡ. Hẳn là cú sốc phải mạnh ghê gớm; cửa kính các tòa nhà xung quanh đều vỡ tung và một vài mặt tiền bị tróc vữa.
- Đừng đứng ở đó, - một cảnh sát không biết từ đâu xuất hiện ra lệnh cho tôi.
Anh ta dùng đèn pin soi lướt qua ô tô của tôi, đầu tiên chĩa đèn vào biển số xe rồi sau đó chĩa đèn vào tôi. Theo bản năng, anh ta khẽ nhảy lùi lại và đặt tay kia vào khẩu súng.
- Đừng có bất ngờ cử động, - anh ta cảnh báo tôi. - Tôi muốn thấy tay ông để trên vô lăng. Ông làm gì ở đây? Ông không thấy chỗ này đang bị cách ly sao?
- Tôi đang về nhà.
Viên cảnh sát thứ hai đi tới hỗ trợ.
- Ông ta đi lối nào vậy?
- Tôi cũng không biết nữa, - viên cảnh sát thứ nhất nói.
Đến lượt mình, viên cảnh sát thứ hai lướt đèn pin vào tôi, nhìn tôi bằng ánh mắt gườm gườm, nghi hoặc.
- Cho xem giấy tờ!
Tôi đưa giấy tờ cho anh ta xem. Anh ta kiểm tra rồi lại lia đèn pin lên mặt tôi. Cái họ Ả rập của tôi khiến anh ta lo ngại. Mọi chuyện luôn là vậy sau một vụ khủng bố. Đám cảnh sát đang căng thẳng, và những gương mặt khả nghi chỉ khiến họ càng thêm nhạy cảm.
- Ra khỏi xe, - viên cảnh sát thứ nhất ra lệnh, - và quay mặt về phía ô tô.
Tôi thi hành. Anh ta thô bạo đẩy tôi áp sát vào ô tô, dùng chân đá để hai chân tôi giạng ra và bắt đầu lục soát.
Viên cảnh sát còn lại đến xem trong cốp ô tô có gì.
- Ông từ đâu đến?
- Từ bệnh viện. Tôi là bác sĩ Amine Jaafari; tôi là bác sĩ phẫu thuật ở Ichilov. Tôi vừa rời khu phẫu thuật. Tôi mệt quá và tôi muốn về nhà.
- Được rồi, - viên cảnh sát lục soát cốp vừa nói vừa đóng nắp cốp lại. - Trong này không có gì đáng nghi cả.
Nhưng viên cảnh sát kia không muốn để tôi đi như vậy. Anh ta đi ra xa một chút và thông báo với trung tâm về thân thế, những thông tin có được trên giấy phép lái xe và thẻ hành nghề của tôi. “Đó là một người Ả rập đã nhập quốc tịch Isral. Hắn nói vừa rời bệnh viện nơi hắn làm bác sĩ phẫu thuật... Jaafari, với hai chữ a... Hãy xác minh với đơn vị ở Ichilov...” Năm phút sau, anh ta quay lại, trả giấy tờ cho tôi và, bằng một giọng dứt khoát, anh ta ra lệnh cho tôi lái theo ngược lại và không được quay lại chỗ đó nữa.
Tôi về đến nhà vào khoảng 23 giờ. Lảo đảo vì mệt và bực bội. Bốn nhóm tuần tra đã chặn tôi trên đường, lục soát tôi từng tý một. Tôi đã uổng công trình giấy tờ và giới thiệu nghề nghiệp của mình, đám cảnh sát chỉ để mắt tới khuôn mặt tôi. Có một lúc, một viên cảnh sát trẻ không chịu được những phản kháng của tôi đã chĩa súng và dọa bắn vỡ sọ tôi nếu tôi không ngậm miệng lại. Viên chỉ huy phải dùng bạo lực can thiệp mới buộc được anh ta cư xử lễ độ hơn.
Tôi thở phào vì về đến khu phố nhà mình an toàn.
Sihem không ra mở cửa cho tôi. Nàng đã không về từ Kafr Kanna. Bà giúp việc cũng quên không ghé qua. Tôi thấy giường mình vẫn lộn xộn, y nguyên như hồi sáng tôi bày ra. Tôi kiểm tra điện thoại; không có tin nhắn nào trên máy trả lời tự động. Sau một ngày náo động như cái ngày tôi vừa trải qua này, sự vắng mặt của vợ tôi cũng không khiến tôi bận tâm quá mức. Nàng vẫn có thói quen bất ngờ kéo dài kỳ nghỉ ở nhà bà mình. Sihem rất yêu trang trại và những đêm thức muộn trên một quả đồi nhỏ thấm đẫm ánh trăng yên bình.
Tôi thay quần áo trong phòng mình, ánh mắt dừng lại ở tấm ảnh của Sihem đặt trên bàn đầu giường. Nụ cười của nàng rạng rỡ như ánh cầu vồng, nhưng ánh mắt nàng lại chẳng ăn nhập gì với nó. Cuộc sống từng không ưu ái nàng. Mồ côi mẹ năm mười tám tuổi do mẹ nàng bị ung thư và vài năm sau lại mồ côi cha vì ông qua đời trong một vụ tai nạn giao thông, nàng đã phải suy nghĩ rất lâu trước khi đồng ý kết hôn cùng tôi. Nàng thường sợ rằng số phận, vốn cứ đeo bám nàng, sẽ lại đến quấy phá nàng lần nữa. Sau hơn mười năm chung sống, mặc dù tôi rất yêu thương nàng, nàng vẫn không thôi lo sợ cho hạnh phúc của mình, nàng tin rằng chỉ một điều vớ vẩn thôi cũng sẽ đủ để làm thay đổi hạnh phúc. Thế nhưng, thần may mắn không ngừng vun đắp cho tình yêu của chúng tôi. Khi Sihem cưới tôi, cả gia sản của tôi chỉ có một chiếc ô tô cũ kỹ cọt kẹt lúc nào cũng chực hỏng trên mỗi góc phố. Chúng tôi đã dọn đến ở trong một khu phố vô sản nơi các căn hộ không khác chuồng thỏ là mấy. Đồ đạc của chúng tôi đều bằng phoóc mi ca và cửa sổ nhà chúng tôi không phải lúc nào cũng có rèm. Bây giờ, chúng tôi có một ngôi nhà tuyệt vời tại một trong những khu phố giàu có nhất Tel-Aviv và một tài khoản khá khẩm ở ngân hàng. Mỗi lần hè sang, chúng tôi lại vi vu đến một xứ sở thần tiên nào đó. Chúng tôi đã đến Paris, Francfort, Barcelone, Amsterdam, Miami và các nước vùng Caraêbes, và chúng tôi có rất đông bạn bè yêu mến chúng tôi và được chúng tôi yêu mến. Chúng tôi thường xuyên đón tiếp mọi người tại nhà, và được mời đến dự những buổi dạ hội của giới thượng lưu. Nhiều lần được khen thưởng do thành quả nghiên cứu khoa học và chất lượng công việc, tôi đã gây dựng được cho mình danh tiếng đáng kính trong vùng. Sihem và tôi là những người quan trọng trong mắt họ hàng và những người thân tín của chúng tôi, trong mắt những người tai to mặt lớn của thành phố, trong mắt các quan chức dân sự và quân sự và trong mắt một vài ngôi sao của sân khấu biểu diễn.
- Em yêu, em mỉm cười như thần may mắn vậy, - tôi nói với bức ảnh. - Miễn là đôi lúc em có thể nhắm đôi mắt lại.
Tôi hôn ngón tay mình, đặt nó lên miệng Sihem và đi vội vào phòng tắm. Tôi tắm nước nóng hai mươi phút rồi sau đó, quấn mình trong chiếc áo choàng bông, tôi đi vào bếp nhấm nháp một miếng sandwich. Đánh răng xong, tôi quay lại phòng mình, chui vào giường và nuốt một viên thuốc để ngủ một giấc sâu và yên bình...
Tiếng điện thoại vang lên nghe như tiếng búa đục, khiến tôi rùng mình khắp người, như vừa bị sốc điện. Người đờ đẫn, tôi đưa bàn tay quờ quạng về phía chiếc điện thoại mà cũng không xác định được nó ở đâu. Tiếng chuông điện thoại lại làm các giác quan của tôi bấn loạn. Liếc mắt lên chiếc đồng hồ báo thức tôi thấy đã 3 giờ 20 sáng. Một lần nữa, tôi quờ tay vào bóng đêm, không biết mình nên nhấc máy hay bật đèn nữa.
Tôi làm đổ cái gì đó trên bàn ngủ, quờ quạng mấy lần mới lấy được cái điện thoại.
Sự im lặng tiếp đó khiến tôi gần như tỉnh ngủ.
- A lô?...
- Naveed đây, - một người đàn ông nói với tôi từ đầu dây bên kia.
Phải mất một lúc tôi mới nhận ra giọng nói méo mó của Naveed Ronnen, một quan chức cảnh sát cao cấp. Viên thuốc tôi nuốt lúc trước đã làm rối loạn tinh thần tôi. Tôi cảm giác như mình đang chầm chậm quay vòng ở đâu đó và rằng, lửng lơ giữa trạng thái đờ đẫn và mộng du, giấc mơ tôi đang mơ quẳng tôi vào những giấc mơ rối tinh khác, làm méo mó đến nực cười giọng nói của Naveed Ronnen, người mà tối nay có vẻ hiện lên từ một cái giếng.
Tôi đẩy đống chăn ra và ngồi dậy. Máu chảy rần rật hai bên thái dương tôi. Tôi phải hít thật sâu để bình ổn hơi thở.
- Ừ, Naveed à?...
- Tớ gọi cho cậu từ bệnh viện. Ở đây chúng tớ đang cần cậu.
Trong căn phòng tranh tối tranh sáng của tôi, những chiếc kim phản quang của chiếc đồng hồ vừa quay tích tắc vừa phát ra những vệt dài màu xanh đục.
Ống nghe trĩu nặng trong tay tôi như một cái đe sắt.
- Tớ chỉ vừa mới ngủ mà Naveed. Tớ đã đứng phẫu thuật cả ngày nay rồi và tớ mệt quá. Bác sĩ Ilan Ros đang trực đấy. Đó là một bác sĩ phẫu thuật xuất sắc...
- Tớ rất tiếc, nhưng cậu phải tới. Nếu cậu không khỏe tớ sẽ cho người đến đón cậu.
- Tớ nghĩ là cũng không cần thiết đâu, - tôi vừa nói vừa rũ bù tóc lên.
Tôi nghe thấy tiếng Naveed khạc đờm ở đầu dây bên kia, nhận thấy hơi thở của anh hổn hển. Tôi từ từ lấy lại tinh thần và bắt đầu thấy mọi vật quanh mình sáng rõ hơn.
Qua cửa sổ, tôi thấy một đám mây mù sắp che khuất mặt trăng. Trên cao hơn, hàng nghìn ngôi sao nom như những con đom đóm. Không một tiếng động vang lên trên phố. Cứ như thể thành phố đã được di tản trong lúc tôi đang ngủ.
- Amine à?
- Ừ, Naveed?
- Không phải lái nhanh đâu. Chúng ta có thời gian mà.
- Nếu không cấp bách thì tại sao?...
- Làm ơn đi, - anh ấy ngắt lời tôi. - Tớ đợi cậu.
- Được rồi, - tôi nói và không tìm cách hiểu thêm nữa. - Cậu có thể giúp tớ một chuyện được không?
- Còn tùy...
- Hãy thông báo chuyện tớ đi đến bệnh viện cho các chốt kiểm tra và các đội tuần tra. Lúc nãy, khi tớ trên đường về, người của cậu có vẻ khá căng thẳng với tớ.
- Cậu vẫn đi cái xe Ford trắng ấy chứ?
- Ừ.
- Tớ sẽ nói với họ.
Tôi gác máy, ngồi nhìn chằm chằm cái điện thoại một lúc, băn khoăn về bản chất cuộc gọi vừa rồi và cái giọng bí ẩn của Naveed, sau đó, tôi xỏ đôi dép đi trong nhà và đi vào phòng tắm rửa mặt.
Hai chiếc ô tô cảnh sát và một chiếc xe cứu thương nổi bật lên trong sân cấp cứu nhờ ánh sáng nhấp nháy từ chiếc đèn đặt trên nóc xe. Sau cảnh hỗn loạn trong ngày, bệnh viện đã trở lại không khí trầm buồn của nó. Các cảnh sát mặc đồng phục kiên nhẫn chờ ở chỗ này hay chỗ kia, người thì căng thẳng rút thuốc lá ra, người thì quay quay những đồ vật của mình. Tôi đỗ ô tô vào bãi và đi về phía sảnh đón tiếp. Đêm đã dịu một chút, và một cơn gió thoảng đến từ biển, mang theo những mùi vị dìu dịu. Tôi nhận ra cái dáng mất cân đối của Naveed Ronnen đang đứng trên một bậc thang. Rõ ràng vai anh nghiêng về phía chân phải, cái chân bị một vụ tai nạn giao thông cách đây mười năm làm cho ngắn đi bốn centimet. Chính tôi là người đã phẫu thuật cắt chân cho anh ấy. Hồi đó, tôi vừa được thăng cấp bác sĩ phẫu thuật sau một loạt các ca thành công. Naveed Ronnen là một trong những bệnh nhân gắn bó nhất với tôi. Anh có tinh thần thép và có lẽ có chút khiếu hài hước, nhưng chắc chắn là rất cứng đầu. Những chuyện đùa thâm thúy đầu tiên về giới cảnh sát, tôi biết được từ anh. Sau đó, tôi phẫu thuật cho mẹ anh, và chuyện này càng khiến chúng tôi gần gũi nhau hơn. Kể từ đó đến nay, ngay khi một đồng nghiệp hay một bà con của anh phải lên bàn phẫu thuật, anh đều giao họ cho tôi.
Đứng sau anh là bác sĩ Ilan Ros đang dựa lưng vào khung cửa của lối vào chính. Ánh sáng trong đại sảnh khiến vẻ mặt hắn càng trở nên thiếu thiện cảm. Tay đút trong túi áo blouse và cái bụng phệ phô ra, hắn đứng đó với vẻ hờ hững.
Naveed bước xuống bậc tam cấp để đi về phía tôi. Tay anh cũng đút túi. Ánh mắt anh tránh ánh mắt tôi. Nhìn thái độ của anh, tôi đoán rằng bình minh chưa sẵn sàng thức tỉnh.
- Nào, - tôi nói nhanh để xua đi cái linh cảm vừa bám lấy tôi, - tớ đã thay đồ ngay lập tức đấy.
- Cũng không cần mất công thế đâu, - Naveed nói bằng một giọng lí nhí.
Tôi thường phải đối diện với vẻ mặt não nề của anh mỗi lần anh đưa đến cho tôi những đồng nghiệp phải nằm trên cáng, nhưng cái vẻ anh thể hiện tối nay không giống bất kỳ lần nào trước đó.
Một cơn rùng mình lướt qua lưng tôi trước khi lẩn vội vào tận lồng ngực.
- Bệnh nhân bị đột quỵ à? - tôi hỏi. Cuối cùng Naveed cũng ngước mắt nhìn tôi. Hiếm khi tôi lại thấy anh ủ dột như vậy.
- Không có bệnh nhân nào, Amine ạ.
- Trong trường hợp này, tại sao cậu lại lôi tớ ra khỏi giường vào một giờ sáng như vậy khi không có ai cần được phẫu thuật?
Naveed dường như không biết bắt đầu từ đâu. Sự bối rối của anh làm tăng thêm sự bối rối của bác sĩ Ilan Ros, người lúc này bắt đầu cựa quậy nom thật khó chịu. Tôi nhìn xoáy vào cả hai người, càng lúc càng bực mình vì điều bí mật mà họ đang giấu giếm một cách khó khăn.
- Rốt cuộc, ai đó sẽ giải thích cho tôi chuyện gì đang xảy ra được chứ? - tôi nói.
Bác sĩ Ros gập người lấy đà để bật khỏi khung cửa chỗ hắn đang dựa lưng và đi vào sảnh đón tiếp nơi hai cô y tá lộ rõ vẻ mặt chán nản đang vờ tra cứu màn hình máy vi tính của họ.
Naveed thu hết can đảm và hỏi tôi:
- Sihem có nhà không?
Tôi cảm thấy chân mình khuỵu xuống, nhưng tôi đứng vững lại ngay được.
- Tại sao?
- Cô ấy có nhà không, Amine?
Giọng anh nghe như nằn nì nhưng ánh mắt lại hoảng loạn.
Một khối thủy tinh buốt giá cứa nát trái tim tôi. Yết hầu như mắc kẹt trong cuống họng khiến tôi không nuốt nổi nước bọt nữa.
- Cô ấy ở nhà bà vẫn chưa về, - tôi nói. - Cách đây ba ngày, cô ấy đến Kafr Kanna, gần Nazareth, để thăm gia đình cô ấy... Cậu muốn gì nào? Cậu đang định nói với tớ cái gì vậy?
Naveed dấn lên một bước. Mùi mồ hôi của anh khiến tôi rối bời, khiến cái rối bời đang xâm chiếm tôi thêm nặng nề. Bạn tôi còn không biết nên ôm vai tôi hay nên giữ nguyên hai tay mình nữa.
- Thế chuyện gì nào, mẹ kiếp? Cậu đang định chuẩn bị tinh thần cho tớ đối mặt điều tệ nhất hay gì nào? Ô tô chở Sihem gặp chuyện gì trên đường à? Nó bị lật phải không? Đó là điều cậu định nói với tớ.
- Không phải ô tô, Amine ạ.
- Thế thì là gì?
- Chúng tôi có một cái xác và chúng tôi phải đặt một cái tên cho nó, - một người đàn ông khỏe mạnh dáng thô xuất hiện sau lưng tôi và nói.
Tôi quay ngoắt về phía Naveed.
- Tớ nghĩ đó là vợ cậu, Amine ạ, - anh nhượng bộ, - nhưng bọn tớ cần cậu để chắc chắn hơn.
Tôi thấy mình rụng rời...
Ai đó nắm lấy khuỷu tay tôi để tôi khỏi khụy xuống. Trong chưa đến một giây, toàn bộ mọi thứ trước mắt tôi tan biến. Tôi không biết mình đang ở đâu, thậm chí không còn nhận ra những bức tường từng che chở cho sự nghiệp phẫu thuật bấy lâu nay của mình... Bàn tay đỡ tôi giúp tôi bước đi trong một hành lang mờ ảo. Ánh sáng màu trắng của cái hành lang ấy khiến đầu óc tôi phân rã. Tôi cảm giác như mình đang bước đi trên một đám mây, đôi bàn chân lún trong đất. Tôi bước đến nhà xác như một tên tử tù đang bước lên đoạn đầu đài. Một bác sĩ đang coi sóc một cái bàn đặt thi hài... Cái bàn phủ một tấm ga dính đầy máu... Dưới tấm ga dính đầy máu, hẳn là những gì còn sót lại của một cơ thể người...
Đột nhiên tôi sợ những ánh mắt đang hướng về phía mình.
Những lời cầu nguyện vang lên trong tôi như tiếng rì rầm trỗi lên từ lòng đất.
Vị bác sĩ đợi tôi lấy lại thêm chút tỉnh táo rồi mới đưa tay về phía tấm ga, dò xét ý của người đàn ông có dáng vẻ thô bạo lúc nãy để lật tấm ga lên.
Viên sĩ quan gật đầu.
- Lạy Đức Allah! - tôi kêu lên.
Trong đời tôi đã từng thấy những cơ thể biến dạng, tôi đã từng phục hồi cho hàng chục cơ thể trong số đó, một vài cơ thể bấy nát đến nỗi không nhận dạng được, nhưng những bộ phận nát vụn trước mặt tôi đây, trên chiếc bàn này, thì vượt quá sức tưởng tượng. Sự kinh khủng trong cái xấu xí tuyệt đối của nó... Chỉ có cái đầu của Sihem, được những thiệt hại đã tàn phá phần còn lại của cơ thể nàng chừa lại một cách lạ lùng, là còn nhìn rõ, đôi mắt nhắm, cái miệng hé mở, vẻ mặt yên bình, như được giải thoát khỏi những sầu lo... Có vẻ như nàng đang ngủ thanh thản, nàng sắp bất chợt mở mắt và mỉm cười với tôi.
Lần này, chân tôi khuỵu hẳn, và không một bàn tay xa lạ nào cũng không phải bàn tay của Naveed kịp đỡ lấy tôi.
Ngỡ Đã Là Yêu Ngỡ Đã Là Yêu - Yasmina Khadra Ngỡ Đã Là Yêu