Chương 2
rancesca
Francesca Johnson không cảm thấy già và trông bà không hề có dáng dấp của tuổi sáu mươi. Bạn bè thường bảo thời gian quá ưu đãi bà. Mái tóc đen nhánh của bà chưa bao giờ hoa râm, ngoài vài sợi xuất hiện từ lúc bà mới bốn mươi, còn thân hình bà vẫn giữ được vẻ cân đối.
Richard cũng nhận xét như thế.
- Frannie, trong lúc những người cùng tuổi em ngày càng già đi, anh thấy hình như em chẳng thay đổi mấy.
Lẽ tất nhiên bà có thay đổi. Soi vào gương, bà biết quần áo khéo che giấu vẻ sa sút từ từ. Bà vẫn ăn kiêng nghiêm ngặt và vẻ ngoài vẫn duyên dáng, đội mũ rộng vành và đi bộ hàng ngày, thỉnh thoảng đi bộ bốn dặm liền đến cầu Roseman rồi trở về, giữ cho thân thể bà săn chắc. Hơn nữa, bả luôn nghĩ có thể gặp lại ông, bằng cách nào đấy Robert Kincaid có thể trở về với bà. Có lẽ đó là lý do mạnh hơn hết thảy, giúp bà giữ được sức khỏe và diện mạo trông như nhiều năm trước. Bà muốn ông nhận ra bà, thèm muốn bà như ông đã thèm muốn bà bao năm trước.
Thước đo của bà là bộ váy áo màu hồng phớt bà mua năm 1965. Trong suốt mười sáu năm, thỉnh thoảng bà lại mặc thử. Nếu nó hơi chật, bà hoạt động tích cực hơn để giảm trọng, cho đến khi bộ áo mặc vào vừa thoải mái vừa nhẹ nhõm. Mặc bộ váy áo, bà chầm chậm xoay trước gương trong phòng ngủ và mỉm cười, nói với hình ánh mình:
- Mình chỉ thế này thôi, nhưng so với một thôn nữ thì cũng khá dễ coi đấy chứ.
Rồi bà phùng má lên và cười khẽ vì những lời tự khen mình. Và gấp lại bộ váy áo, cho vào túi giấy bóng rồi cất kĩ trên một giá trong phòng kho.
Richard mất từ năm ngoái, và nông trại không còn được như cũ. Gia súc bán đi, đất cho thuê. Các con đã lớn và ra đi, đến nơi mà bọn trẻ cần, khi đến lúc. Tiền nong tuy không dư dật nhưng cũng đủ vì có tiền cho thuê đất, tiền tiết kiệm và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khiêm tốn của ông Richard.
Hiện giờ Richard nằm trong nghĩa trang Winterset, cạnh cha mẹ ông. Dãy mộ ngày càng dài hơn, cha mẹ và con cái cùng một hàng, là những vết tích trên mặt đất ghi dấu sự kết thúc của con người. Richard đã mua hai phần mộ trong nghĩa trang, những tưởng Francesca sẽ yên nghỉ ở đó, bên cạnh ông. Những sự kiện sau này chứng tỏ giả định của ông là sai.
Ôi, Richard. Richard tử tế và ân cần. Ông rất khuôn phép và yêu theo kiểu vụng về của riêng ông. Nhưng như thế chưa đủ với bà. Francesca mà Richard biết chỉ là một thứ ngụy trang, là bề ngoài của một người đàn bà khác, dưới vẻ một người vợ nông dân biết vâng lời và người mẹ chu đáo. Những lớp vỏ ấy hầu như là dối trá. Bà là một người đàn bà khác hẳn với người sáng sáng rán trứng và thái thịt lợn xông khói, trong khi Richard nghe bản tin thị trường buổi sớm qua chiếc radio trong bếp. Cũng chiếc radio ấy đã chơi bản Tangerine và Lá thu vào một đêm tháng Tám nóng nực năm 1965, lúc bà khiêu vũ trong bếp với người đàn ông tên là Robert Kincaid, người đã thổi vào đời bà một làn gió hè vĩnh viễn.
Đứng đó, cạnh bếp lò, bà nghĩ, lạy Chúa tôi, nếu ông ấy biết. Nếu Richard biết chuyện xảy ra trong căn bếp này. Liệu ông có thể hình dung bà ở đó, trần truồng và làm tình với gã thợ ảnh tóc dài từ nơi khác đến không?
Những tờ giấy ăn bị gạt qua bàn xuống sàn lúc Robert Kincaid đặt bà lên bàn? Không. Richard chưa bao giờ nghĩ đến việc đó. Nói dối và nói dối, những lớp dối trá chồng chất.
Tuy nhiên, Richard có cảm giác riêng. Những lời của ông trên giường chết, âm thanh thì thào, xào xạo sâu trong họng ông, chỉ vài giờ trước khi ông hôn mê. “Francesca, anh biết em có những giấc mơ riêng. Anh rất tiếc đã không đem lại được cho em những giấc mơ ấy.”
Lúc nói những lời ấy, gần như ráng hết sức lực còn lại, Richard chậm rãi nhích bàn tay qua giường bệnh viện và bà nhìn thấy trong cặp mắt đã lạc, đẫm nước và già cả của ông, ông đang cố gắng nói nhiều hơn những thứ chất chứa trong từng lời lẽ ấy. Bà nắm bàn tay to, thô ráp của ông và áp má vào đó, ân hận trong khoảnh khắc, chỉ trong khoảnh khắc ấy thôi, những gì bà đã làm với Robert Kincaid. Richard hối tiếc vì không bao giờ biết được những điều ẩn kín trong lòng bà, mà chính bà cũng gần như không nhận thức được, cho đến khi người đàn ông có tên là Robert Kincaid ùa vào đời bà.
Dù vậy, vì tất cả những gì ông không và không bao giờ có thể, Richard Johnson biết rõ hơn bà tưởng. Ông hiểu rằng ông không phải là giấc mơ của Francesca; điều đó khiến ông đau đớn mạnh mẽ và sâu sắc, ông đã cưới bà hơn ba mươi năm mà vẫn chưa bao giờ với quá bề ngoài của người phụ nữ chung lưng đấu cật với ông và đem lại cho ông những đứa con.
Ngôi nhà cũ thật im lìm. Francesca giở tờ The Madisonian mới nhất, đọc tin những người đến và đi. Giở các trang tin hàng ngày, những bữa tối của nhà thờ, những trận bóng đá cuối mùa thi đấu, những đám cưới, những người mới sinh và chết, những sự kiện của một xã hội mà bà đã sống ba mươi sáu năm nhưng vẫn không cảm thấy mình là một phần trong đó.
Sau khi Marge Clark mất sáu tháng, Floyd mời bà đi ăn tối. Bà kiếm cớ rất khéo và từ chối. Sắp đến hội chợ quận, ông lại mời bà chấm điểm các con bê dự thi và dự cuộc liên hoan ngoài trời. Bà cố tỏ ra nhã nhặn, viện cớ bận và có các con về chơi. Floyd Clark không mời nữa. Nhưng ông vẫn lịch sự mỗi khi xe chở tạp phẩm của họ gặp nhau ở cửa hàng Fareway. Floyd hơi gầy đi và trông như thiếu việc nấu nướng của Marge.
Francesca để tờ báo xuống và bỏ kính, nhìn đăm đăm qua những cánh đồng mùa thu đầy gốc rạ, để Robert Kincaid trở lại tâm trí bà. Ông luôn ở đó, tuy có những ngày và những khoảnh khắc nào đó, dường như ông chỉ là hình ảnh tưởng tượng trở đi trở lại tâm trí bà nhiều lần, đến mức trở thành có thực. Nhưng có những bức ảnh của bà mà ông gửi, những bức ảnh của ông và do ông chụp trên tờ National Geographic.
Bà không hề biết ông đang trên đường hay ở nơi nào đó. Thỉnh thoảng, bà chăm chú nhìn các vệt hơi của chiếc máy bay phản lực xa xa và hình dung Kincaid đang ở trên đó, tới Jakarta hoặc Nairobi. Có lẽ bà nên đi du lịch về phía tây bắc và tìm ông. Hay có khi sống bằng những điều nhớ về ông thì hơn. Có lẽ chỉ bốn ngày chung sống ấy là tất cả, chúng mang đầy đủ ý nghĩa cần có.
Bà có thể tìm thấy ông, sau vài cái nhìn ngờ vực và khuấy động trí nhớ của ông (“Ô phải rồi, người đàn bà ở Iowa hồi chụp các cây cầu mái”), ông sẽ tỏ ra lịch sự và trầm lặng. Họ có thể uống cà phê trong một nhà hàng và chuyện trò vài phút trước khi ông xem đồng hồ và xin lỗi, nói ông cần làm việc này việc khác.
Bà sẽ ngồi lại đó một mình trong cái ngăn bọc nhựa đỏ, cách nhà một quãng đường dài, mong giá không bao giờ đi tìm ông thì hơn. Sau đó sống với nỗi buồn rằng bà chẳng là gì, ngoài một lúc giải lao dễ chịu và thoáng qua trong cuộc đời của người đàn ông lang thang ấy. Tiếp theo là sống với tình trạng hủy diệt mọi thứ đã giữ cho bà vững vàng qua nhiều năm. Rồi, sống trong sự lặng lẽ của một cuộc đời không hình hài.
Không. Đấy không phải là sự thật. Hầu hết thời gian, bà tin chắc vào điều đó. Nhưng từ nhiều năm trước, nếu không có những bức ảnh trên tờ National Geographic, bà biết mặt ông sẽ mờ dần, mờ đến mức bà không thể nhớ lại được. Những bức ảnh ấy đã cũ, và bà có thể không nhận ra ông. Ông sắp sáu mươi tám tuổi. Thật khó mà hình dung con báo ở tuổi sáu mươi tám. Có thể ông ốm yếu hoặc nói khác đi là suy sút và không muốn bà nhìn thấy ông như thế.
Francesca lên phòng ngủ trên gác và lấy bộ váy áo màu hồng khỏi giá trong phòng kho. Ở góc phòng là cái đầu đĩa Carolyn để lại. Mặc bộ áo hồng, bà bật máy, hạ kim xuống và nghe lại bài Lá thu, rồi ngắm mình trong gương, mỉm cười và nhớ đến người đàn ông tên là Robert Kincaid đã yêu bà hơn là bà hình dung được yêu như thế.
Rồi đến lúc bà đi dạo. Bà thay quần jeans, sơmi vải bông chéo và xuống gác, liếc nhìn lịch, nhớ ra sắp đến sinh nhật bà.
Trong lúc bà xoay mình trước gương, Robert Kincaid ngược lên Thái Bình Dương, thoải mái trong chiếc xe tải cũ kĩ tên là Harry, ngắm miền quê và trò chuyện với con chó có tên là Con Đường. Lúc đến gần mép nước và rẽ về phương nam, Robert Kincaid, nhà văn và nhà nhiếp ảnh, hoặc có thời ông đã tự gọi mình như thế, xoay mắt cá chân đau và thật bất ngờ, ông lại ước mọi thứ chẳng bao giờ là như thế.
Một Ngàn Con Đường Quê Một Ngàn Con Đường Quê - Robert James Waller Một Ngàn Con Đường Quê