Chương 4
Ông Thần Tốc xem kỹ nữa thì thấy bà bới tóc thật dị kỳ, bới thành một cục dài như cứt ngựa, mà búi tóc cao gần lên tới xoáy chớ không phải nằm trên ót như búi tóc ta thuở giờ.
Cái mốt bới tóc kỳ dị ấy làm cho ông bật cười. Cậu Tập mang đồ mát ra cho ông thay, ông đỡ lấy bộ y phục nhưng mắt không rời bà. Ngộ nghĩnh quá, bà lại để móng tay dài, y như các cụ ngày xưa. Lịch sử là cái vòng lẩn quẩn? Móng tay dài, rồi gọt ngắn tận phau, rồi dài trở lại.
Ông lại nhìn đứa con gái yêu quí của ông. Nó uốn tóc quăn, việc mà lúc ông còn ở nhà, chỉ có bọn ăn chơi mới làm thôi. Nhưng mái tóc sau lưng của nó lại không quăn mà cột thành đuôi ngựa. Ông Thần Tốc lại bật cười: mẹ cứt ngựa, con thì đuôi ngựa!
Lạ quá, ông vào đây đã lâu mà không thấy gì cả, bây giờ mới lần lần để ý đến các thứ. Những thứ nầy như ẩn núp ở đâu không biết, giờ mới ra mặt từng đứa một: những chiếc xe gắn máy bày làm nẫu mang hiệu lạ quá, hình thù cũng lạ hoắc khác xa hiệu độc nhứt mà ngày xưa ông làm đại lý độc quyền.
Bộ sa lông phía trong cùng, là món đồ kỳ quặc nhứt đối với ông: mặt bàn không tròn, không vuông, không hình thuẫn, hình hột xoài, mà là một thứ chữ nhựt không đều, như là công trình do một chú thợ mộc điên làm ra.
Cái mặt bàn dị hợm nầy hợp với cái tóc đầu cứt ngựa của vợ ông biết bao và hai thứ ấy lại toa rập với vải bọc nệm ghế để hát lên một điệu cuồng ca của thế kỷ. Vải ấy vẽ gì không ra gì, toàn là những vệt màu xanh đỏ trông như là một chú học sinh lớp mẫu giáo nghịch lấy cọ bôi sơn lên đó cho vui.
Ông Thần Tốc nãy giờ đứng ở trong buồng nhưng cạnh khung cửa trổ ra buồng ngoài. Ông xem xét ở buồng trước, trước cái đã, vì nếu có gì thay đổi thì cuộc thay đổi diễn ra ở đó. Con người thay đổi bên ngoài như là con rắn lột da, nhưng bên trong, họ bo bo bám chặt vào những gì họ đã có.
Bây giờ ông mới quan sát bên trong. Ở đây là buồng ăn và là buồng họp mặt gia đình sau mỗi bữa ăn. Trong một ngày những người trong gia đình gặp mặt nơi đây lâu nhứt, vợ chồng con cái bận làm ăn buôn bán, bận học hành gì rồi cũng gặp gỡ nhau ở đây. Tình thương trao nhau ở đây, và truyền thống gia đình và dân tộc cũng từ nơi đây mà thế hệ nầy gởi lại thế hệ khác.
Gia đình nào có bao nhiêu bảo vật cũng dồn vào đây. Nói bảo vật là nói những món đồ thân yêu chẳng hạn như một bức ảnh đại gia đình chụp đến bốn thế hệ người hoặc một chiếc ống điếu mà người ông bốn đời của họ đã hút qua. Còn những bảo vật khác, báu về mặt cao giá thì họ bày ở buồng trước để khoe của.
Buồng nầy chắc phải được bảo vệ trong nét cổ của nó, càng cổ càng hay. Ở đây, những món quà cưới của một đôi vợ chồng đáng lý còn phải được trưng bày cho đến khi đứa con đầu lòng của họ tới phiên nó lập gia đình. Ở đây, vách tường phải còn mang những ngấn đo bề cao của con cái họ, những cái ngấn càng năm càng bò lên như những nấc chiếc thang tự động của sở cứu hỏa, bò lên ăn nhịp với nỗi vui của vợ chồng gia chủ.
Nhưng mà không! Ở đây cuộc tang thương cũng đã đi qua. Chỉ tang thương đối với ông thôi, chớ thật ra đó là cuộc tái tạo. Buồng ăn trẻ như buồng nhà một thanh niên mới cưới vợ với bàn, ghế, tủ toàn bằng gỗ trắng, với những bức tranh vẽ những con người méo miệng, vẹo mũi, vẽ những ngôi nhà giống những con trâu, và những con trâu giống như cây xoài. Buồng ăn nầy càng điên điên như một sa lông, như búi tóc cứt ngựa và đuôi ngựa, nhưng chắc chắn là trẻ, ông Thần Tốc nhận thấy như thế.
Nào đâu chiếc ghế xích đu thân mến mà sau mỗi bữa ăn, ông nằm để hút xì gà? Nào đâu bộ ván chân quì mà trên đó ông và bà nô đùa với thằng Tập và con Lệ, ông thì làm ngựa cho con cỡi, bà thì làm chú đánh xe?
Chúng nó đã xóa đi tất cả! Chúng nó có hỏi nhau, hoặc có tự hỏi hay không, những điều nầy: Nằm ghế xích đu là một thói quen của anh ấy, thói quen lâu đời quá nên đã biến thành nhu cầu thật sự. Anh ấy đi vắng, nhưng ta có nên dẹp chiếc ghế xục xịch ấy chăng? Cái gì thân yêu với anh ấy cũng phải thân yêu với mình. Mỗi ngày, nhìn chiếc ghế, mình sẽ nghe như là người thương còn đâu đó. Người ta đã chẳng hát:
Ghe lui khỏi bến còn giầm,
Người thương xa vắng chỗ nằm còn đây.
À còn cái píp của mình nữa, cái píp làm bằng một khúc rễ cây bruyère to tướng, còn nguyên vỏ sù sì mà người thợ làm píp đã tiện ở hai đầu rất ngọt nhát dao, chiếc píp ấy cỡ ai mua mấy ngàn bạc, mình cũng không bán vì mình đã sờ mó nhiều lần cho đến đỗi như là da mình đã mòn trên ấy, thịt mình đã thấm vào trong đó, cái píp mến yêu đó, chúng nó chắc cũng chẳng thèm giữ để làm kỷ niệm.
Mình thuộc vào hạng trưởng giả, mà con người trưởng giả rất thương mến yên ổn và thói quen. Thói quen là lý tưởng của đời mình, chúng lại không đếm xỉa đến!
Chết ba năm sống lại một giờ
Để xem con bạn phượng thờ làm sao.
Người xưa mới có ba năm mà đã nghi ngờ trí nhớ của người bạn đời rồi. Mình, mình đã chết mười ba năm, còn gì là mình nữa!
Ông Thần Tốc không lên gác là nơi đặt các buồng ngủ, để thay y phục, mà đi ra sau bếp. Sự vắng mặt lâu ngày đã làm cho ông ngờ ngợ nghe như mình đã mất quyền làm chủ ở đây, phương chi vẻ thờ ơ của bà khiến ông đâm sợ sự phản đối trước một cuộc xông pha của ông. Nhỡ bà nói xẵng: "Ô hay, cái ông kia, sao ông lại dám lên gác là nơi cấm địa trong một nhà lạ?" thì ông mới làm sao đây?
Nếu bà không yêu ông nữa thì rồi thế nào cũng nói ra và sẽ dứt khoát. Nhưng sự dứt khoát ấy càng bị lùi về sau chừng nào, tốt chừng nấy. Dứt khoát ngay bằng lời phản đối nầy, ông sẽ bị một vố nặng còn hơn là vố đánh của tên cướp sát nhân kia, và có lẽ sẽ rơi vào vực thẳm kiện vong trở lại không chừng.
Ông đi vừa tới cửa sau, dòm thấy nhà bếp tối hù và vắng teo, ông hỏi trỏng, không nói quyết với ai:
- Ủa, nhà không mướn người làm à?
- Tụi nó xin đi coi hát rồi ba à.
Cô Lệ mau miệng đáp câu hỏi ấy, rồi cả nhà bốn người, đều chợt nhận ra rằng đó là một sự may mắn. Nếu bọn tôi tớ trong nhà mà không đi vắng thì nguy. Chúng toàn là người mới, vì ngày nay không có thứ lão bộc như ngày xưa, chúng ra vô một gia đình như là khách ở xa đến chơi, một tuần, nửa tháng, ba tháng là lâu lắm rồi. Chúng không biết ông Thần Tốc lần nào, và thấy một gã có vẻ lưu manh vào nhà trong một trường hợp bất thường và dưới một ngoại thể khả nghi, chúng sẽ đồn đãi ra thì rầy rà. Riêng bà Thần Tốc, vì nhiều lẽ, bà rất hài lòng về điều ấy lắm.
Nhà bếp, nhà tắm, cầu tiêu cũng được hiện đại hóa với gạch men trắng lót tường và một chiếc lò điện.
Nhà bếp của các gia đình ở thành phố không có gì quyến rũ cả, không mang một tí kỷ niệm thân yêu nào. Làm gì có được những chiếc trả ba đời, những ông táo của ngày đám cưới lập gia đình mà người ta bận bịu chưa nỡ thỉnh ra gốc đa đầu làng, làm gì có những chiếc thúng, chiếc rổ treo giàn cho khói ùn giết mọt, chìm dưới một lớp bụi thời gian, một lớp bồ hóng rất nên thơ?
Vì thế ông Thần Tốc không nhìn lâu khu vực nầy và thay đổi y phục thật lẹ.
Ông trở lên nhà trên, sạch sẽ trong bộ đồ mát của người con trai cả của ông. Khi đi ngang qua chiếc gương đặt sau bàn rửa tay của buồng ăn, ông đứng lại, nhìn mình trong đó.
Ông thấy rõ ràng là có sự gì không ổn nơi ông. Người của ông không hòa hợp với bộ y phục sang trọng kia. Khi xưa ông đã ăn mặc như thế và đã xem được. Nhưng trên mười năm lao động đã thô kịch hóa con người của ông rồi. Không những ông không còn thanh lịch nữa mà ông lại kịch cợm hơn người thường nhiều và sự thô lậu ấy càng làm cho ông bất hòa với quần áo đẹp.
"Nhưng mà mình đã già rồi, - ông Thần Tốc tự nhủ thầm, - thôi không cần đẹp trai nữa".
Tuy nhiên ông vẫn nghe ngậm ngùi tiếc thương con người đã mất của ông.
"Con người bắt đầu sống vào thời bốn mươi" ông Thần Tốc nhớ đã nghe thấy ở đâu nói như vậy và ông cho là họ nói đúng. Nhưng bắt đầu sống với một bộ vó như thế thật là bất lợi.
Còn vợ con ông nữa! Chúng nó có xấu hổ mà có một người chồng, một người cha quê kịch như thế chăng?
Khi Từ Thức Về Trần Khi Từ Thức Về Trần - Bình Nguyên Lộc Khi Từ Thức Về Trần