Chương 4
.
Thứ Bảy nào cũng vậy, từ bốn đến sáu giờ, bà Desforges đãi trà và bánh ngọt những người thân có nhã ý đến thăm bà. Căn nhà ở gác ba, góc phố Rivoli và phố Algie; cửa sổ hai phòng khách nhìn xuống vườn Tuilerie.
Thứ Bảy đó, đúng vào lúc một người ở sắp dẫn Mouret vào phòng khách lớn thì, từ tiền sảnh, qua một cửa ra vào để mở, anh trông thấy bà Desforges đi qua phòng khách nhỏ. Bà ta dừng lại khi trông thấy anh, và anh đi vào phía đó, trịnh trọng chào bà. Rồi, khi người ở đã đóng cửa, anh nắm chặt lấy tay người thiếu phụ, hôn âu yếm.
- Cẩn thận, có người - Bà nói khẽ, tay làm hiệu chỉ về phía phòng khách lớn - Em đi tìm chiếc quạt này cho họ xem.
Và, lấy đầu chiếc quạt, bà vui vẻ đập nhẹ vào mặt anh. Bà ta tóc nâu, hơi đẫy, cặp mắt to ghen tuông. Nhưng anh vẫn giữ tay bà, anh hỏi:
- Ông ta có đến không?
- Chắc có. - Bà đáp - Ông ấy đã hứa.
Hai người nói tới nam tước Hartmann, giám đốc Ngân hàng bất động sản. Bà Desforges, con gái một ủy viên Tham chính viện, là vợ góa một tay hoạt động ở Thị trường chứng khoán đã để lại cho bà một gia tài, người thì bảo không có, người thì khuếch đại lên.
Người ta đồn ngay lúc sinh thời tay này, bà đã tỏ lòng biết ơn nam tước Hartmann, vì, là một nhà tài chính lớn, ông ta đã có những lời mách bảo làm lợi cho gia đình; và sau này, khi người chồng chết, cuộc dan díu dường như vấn tiếp tục, nhưng vẫn kín đáo, không một điều dại dột, không một tai tiếng. Bà Desforges không bao giờ phô trương, người ta tiếp đón bà khắp nơi, trong giới đại tư sản là nơi bà sinh ra. Ngay cả bây giờ, khi mối tình của tay nhà băng, con người hoài nghi và tinh tế, đã chuyển thành một tình thương yêu cha con đơn thuần, ví bằng bà tự cho phép mình có nhân ngãi mà ông ta làm ngơ cho, thì bà ta, trong chuyện yêu đương, vẫn giữ một sự đúng mực và lịch thiệp rất tế nhị, một khoa giao tiếp thực hành rất khéo léo, đến mức bề ngoài được cứu vãn và không một ai dám lớn tiếng tỏ ý nghi ngờ sự đứng đắn của bà. Khi gặp Mouret ở nhà người bạn chung, thoạt tiên bà đã ghét anh; rồi sau bà hiến mình như bị lôi cuốn vào mối tình đột ngột của anh ta tấn công bà, và, từ lúc anh vận động để thông qua bà nắm được nam tước, thì bà dần dà đâm ra yêu anh thật sự và sâu sắc, bà say mê anh với mối tình mãnh liệt của người đàn bà đã ba mươi nhăm tuổi, mà bà chỉ thú nhận là mới hăm chín, bà thất vọng vì cảm thấy anh ta trẻ hơn, run lên vì sợ mất anh ta.
- Ông ta biết chuyện chưa? - Anh lại hỏi.
- Chưa, anh sẽ tự mình nói rõ công việc với ông ấy. - Bà đáp thôi không xưng bằng em với mình nữa.
Bà nhìn anh, bà nghĩ anh chắc không biết chuyện gì khi vận động bà nói với nam tước, bà làm ra vẻ coi ông này chỉ như một người bạn già của bà. Khi đó anh vẫn cầm tay bà, anh gọi bà là Henriette ngoan của anh, khiến bà cảm thấy trái tim khấp khởi. Lặng lẽ, bà đưa môi lên, siết chặt lấy môi anh; rồi nói khẽ:
- Im! Họ chờ em... Mình vào sau em.
Những tiếng nói nhỏ, do những trướng làm dịu đi, từ phòng khách lọt sang. Bà đẩy cửa, để mở hai cánh, và đưa chiếc quạt cho một trong bốn bà ngồi ở giữa phòng.
- Đây, nó đây. - Bà nói - Tôi chẳng còn nhớ nữa, cứ để cô hầu buồng của tôi thì chẳng bao giờ tìm thấy nó.
Và quay đầu lại, vẻ vui mừng, bà nói thêm:
- Kìa mời ông vào, ông Mouret, ông cứ qua phòng khách nhỏ mà vào. Như thế bớt phần long trọng.
Mouret chào mấy bà ngồi đó mà anh quen biết. Phòng khách, với đồ đạc kiểu Louis XVI bọc vải giả vóc, có hoa, đồ đồng mắt cua mạ vàng, những cây xanh lớn, có cái thân mật đằm thắm của phụ nữ, mặc dầu trần cao; và qua hai cửa sổ người ta nhìn thấy những cây dẻ của vườn Tuilerie, mà gió tháng mười đang tuốt lá.
- Mà cái quạt chantilly [1] này nó chẳng xấu xí tí nào. - Bà Bourdelais, đang cầm cái quạt kêu lên.
Đó là một bà bé nhỏ, tóc hung vàng, ba mươi tuổi, cái mũi thanh, mắt sáng, một bạn học cùng lưu trú của Henriette, đã lấy một viên phó chủ sự bộ tài chính. Xuất thân từ một gia đình tư sản kỳ cựu, bà ta điều khiển việc nhà và ba đứa con một cách linh hoạt duyên dáng, nhạy cảm với đời sống thực tiễn.
- Thế chị phải trả cái này hai nhăm phrăng à? - Bà ta lại vừa nói vừa ngắm nghía từng mắt đăng-ten. Chị bảo mua ở Luc, tại nhà một thơ địa phương hả? Không, không, chẳng đắt đâu. Nhưng chị lại phải cho làm nẹp nữa chứ?
- Tất nhiên - Bà Desforges đáp - Làm nẹp mất hai trăm phrăng.
Bấy giờ bà Bourdelais ngả ra cười. Nếu như thế mà Henriette gọi là một dịp may! Hai trăm phrăng, nguyên việc làm cái nẹp ngà và khắc chữ ngoặc tên và họ cho một chiếc chantilly khỉ gió mua hà tiện được trăm xu! Cũng những quạt này lên nẹp sẵn, mất trăm hai mươi phrăng là kiếm được. Bà ta kể một hàng ở phố Poissonnière.
Khi đó chiếc quạt được chuyền tay các bà cả lượt. Bà Guibal gọi là liếc mắt nhìn nó. Bà ta cao lớn và mảnh dẻ, tóc đỏ hoe, lạnh nhạt ra mặt, cặp mắt màu xám từng lúc để lộ ra, dưới cái vẻ thờ ơ, những cơn bạo lực ghê gớm của lòng vị kỷ. Không bao giờ người ta thấy bà ta đi cùng chồng, một luật sư nổi tiếng ở Tòa án, người ta đồn, về phía ông ta, ông sống một cuộc đời phóng túng, chỉ biết có hồ sơ và lạc thú.
- Ôi chao! - Bà ta vừa lẩm bẩm vừa chuyển chiếc quạt cho bà De Boves - Cả đời tôi chẳng mua quạt đến hai lần. Lúc nào người ta cũng biếu thừa thãi.
Bà bá tước trả lời bằng một giọng mỉa mai ý nhị.
- Bà chị sung sướng thật đấy, bà chị ạ, vì có một ông chồng lịch sự.
Và, ngả về phía con gái bà, một cô gái lớn hai mươi tuổi rưỡi.
- Blanche này, con xem chữ tên họ. Làm đẹp thật! Chắc hẳn cái tạng chữ này làm giá nẹp đắt lên.
Bà De Boves vừa quá tứ tuấn. Đó là một phụ nữ tuyệt đẹp, cổ như thiên thần, bộ mặt trông đều nét và cặp mắt to phẳng lặng, ông chồng làm tổng thanh tra sở Nuôi ngựa giống, lấy bà vì nhan sắc của bà. Bà ta có vẻ xao xuyến vì nét tinh vi của chữ tên họ, bà dường như bị xúc động bởi lòng ao ước khiến con mắt nhìn mờ đi. Và, đột nhiên:
- Ông cho biết ý kiến đi, ông Mouret. Cái nẹp này, hai trăm phrăng, có đắt quá không?
Mouret vẫn đứng giữa năm người đàn bà, mỉm cười, quan tâm đến cái mà họ quan tâm. Anh cầm lấy cái quạt, ngắm nghía; và anh sắp sửa phát biểu thì người ở mở cửa, báo:
- Bà Marty.
Một người đàn bà gầy bước vào, người xấu xí, mặt rỗ chằng chịt, ăn mặc một cách lịch sự kiểu cách. Trông bà ta khó đoán được tuổi, bà ba nhăm nhưng khi thì tưởng đến bốn mươi khi chỉ mới ba mươi, tùy theo cái bệnh sốt tâm thần nó tác động ở bà. Tay phải bà đeo cái túi da đỏ mà bà không rời ra.
- Thưa bà chị, - Bà nói với Henriette - bà tha lỗi cho em được đeo cái túi này... Bà chị tưởng tượng khi tới đây thăm bà chị, em có rẽ vào hiệu Hạnh phúc các bà, mà vì em lại mua sam đủ thứ nên em không muốn để túi lại dưới xe, sợ mất cắp.
Nhưng bà vừa trông thấy Mouret, bà liền vừa cười vừa nói tiếp:
- A ha! Thưa ông, chẳng phải là tôi muốn quảng cáo cho ông đâu, vì tôi không biết ông có mặt ở đây... Quả thật ông đang có những đăng-ten tuyệt vời.
Thế là người ta, quên mất chiếc quạt mà Mouret đặt xuống một chiếc bàn tròn. Bây giờ mấy bà tò mò muốn biết bà Marty đã mua những gì. Ai cũng biết bà ta tiêu pha như điên, không cưỡng lại được sự cám dỗ, bà thì đoan chính rất mực, không thể sa ngã trước một nhân tình, nhưng lập tức mềm yếu, mê mệt trước bất cứ một rẻo vải nào. Là con gái một viên chức nhỏ, bây giờ bà đang làm phá sản chồng bà, giáo viên lớp năm trường trung học Bonaparte đang phải chạy vạy dạy tư thêm để nhân đôi số lượng sáu nghìn phrăng, để bù đắp vào ngân sách gia đình cứ mỗi ngày một tăng. Lúc này bà không mở chiếc túi mà bà kẹp ở đầu gối, bà kể chuyện con gái bà là Valentine, mười bốn tuổi, một trong những món trang sức thân yêu nhất của bà, là vì bà cho nó ăn mặc y như bà, đủ mọi đồ tân phẩm thời thượng mà bà bị quyến rũ không cưỡng lại được:
- Bà chị biết không, - Bà ta nói - mùa đông này người ta cho các cô gái mặc áo dài viền đăng-ten nhỏ... Tất nhiên, khi em gặp một món valencienne [2] tuyệt đẹp...
Bấy giờ bà mới chịu mở chiếc túi. Các bà kia vươn dài cổ ra thì, vừa lúc đó, trong im lặng, tiếng chuông ở tiền sảnh vang lên.
- Nhà tôi đấy - Bà Marty ấp úng, hết sức bối rối -Chắc ông ấy ở trường Bonaparte về, đến tìm tôi.
Bà đùng đùng lại đóng chiếc túi lại, và, bằng một cử chỉ bản năng, bà giấu nó xuống dưới một chiếc ghế. Tất cả các bà kia ngả ra cười. Thế là bà đỏ mặt lên vì sự hấp tấp của mình; bà lại để chiếc túi lên đầu gối, vừa kêu rằng đàn ông họ chẳng bao giờ hiểu và họ chẳng cần biết.
- Ông De Boves, ông De Vallagnosc. - Người ở báo.
Mọi người ngạc nhiên. Cả đến bà De Boves cũng không ngờ chồng bà tới. Ông này, đẹp trai, để cả ria và râu cầm, vẻ quân nhân chững chạc được các giới ở Tuilerie ưa, ông hôn tay bà Desforges mà ông đã biết khi bà còn trẻ, ở nhà ông thân sinh ra bà. Và ông né ra cho người khách kia đến lượt chào bà chủ nhà, ông này là một chàng trai cao lớn, mặt tái xanh, đặc biệt thiếu máu. Khi cuộc trò chuyện vừa bắt đầu trở lại thì bỗng có hai tiếng kêu nhỏ cất lên:
- Kìa! Paul đấy à?
- Ồ, Octave.
Mouret và Vallagnosc bắt tay nhau. Đến lượt bà Desforges tỏ vẻ ngạc nhiên. Thế ra họ quen nhau. Quả thật, họ đã lớn lên bên cạnh nhau ở trường trung học Plassans; và điều ngẫu nhiên là họ lại chưa gặp nhau ở nhà bà.
Khi đó, vẫn nắm tay nhau, họ vừa sang phòng khách nhỏ vừa bông đùa, vào lúc người ở mang trà ra, một bộ ấm chén Trung quốc để trên một khay bạc được đặt bên cạnh bà Desforges, giữa chiếc bàn tròn mặt đá hoa, ken đồng nhẹ. Các bà xích lại gần nhau, nói chuyện to hơn, đua nhau lời qua tiếng lại kéo dài; trong khi ông De Boves, đứng phía sau họ, chốc chốc lại cúi xuống, xen một lời với nhã độ của một quan chức đẹp trai. Gian phòng rộng bày biện thân mật và vui vẻ đến thế, càng vui nhộn lên với những lời dông dài, và những chuỗi cười ngắt quãng.
- A ha! Cái cậu Paul này! - Mouret nhắc lại.
Anh ngồi xuống bên cạnh Vallagnosc, trên một chiếc ghế trường kỷ. Chỉ riêng, hai người ở cuối phòng khách nhỏ, một tư thất rất đỏm đáng căng trướng lụa cúc vàng, xa tai mọi người, và chỉ họ nhìn thấy các bà qua chiếc cửa ra vào mở rộng, họ lại cười cợt, mắt nhìn mắt, dang tay vỗ đùi nhau. Cả thời niên thiếu của họ thức dậy, trường trung học Plassans cũ với hai sân, những buồng học ẩm thấp, phòng ăn ở đó nhai biết bao nhiêu là cá thu, và phòng ngủ với những chiếc gối bay từ giường này sang giường khác một khi viên giám thị lên tiếng ngáy. Paul, xuất thân từ một gia đình làm tòa án kỳ cựu, quý tộc nhỏ phá sản và bất mãn, học sinh giỏi môn dịch văn, bao giờ cũng xếp đầu, luôn luôn được thầy giáo nêu gương, báo trước một tương lai đẹp đẽ; còn Octave thì, ở đuôi lớp, bê bết giữa lũ học sinh hư, thoải mái và béo tốt, lao mình vào những thú vui hung dữ bên ngoài. Mặc dầu bản chất khác nhau, họ lại chơi thân với nhau không rời khỏi nhau cho đến kỳ thi tú tài, họ đỗ cả, một anh thì rất vẻ vang, anh kia vừa sát nút, sau hai môn thi toái phở. Rồi, cuộc sống lôi cuốn họ, và sau mười năm bây giờ gặp lại nhau, cả hai đều thay đổi và già đi.
- Nào, - Mouret hỏi - bây giờ cậu ra sao?
- Thì mình chẳng ra sao cả.
Vallagnosc, trong niềm vui gặp gỡ, vẫn giữ vẻ mệt mỏi và chán chường, và, vì bạn lấy làm lạ, gặng hỏi thêm:
- Thì cậu cũng phải làm cái gì chứ... Cậu làm gì?
- Chẳng làm gì cả. - Anh ta đáp.
Octave ngả ra cười. Chắng làm gì, thế chưa đủ. Lân la từ câu này sang câu khác, cuối cùng anh biết được chuyện của Paul, chuyện chung của những chàng trai nghèo, họ tưởng vì xuất thân như thế mà phải làm nghề tự do, và họ tự vùi sâu trong cảnh hèn kém kiêu hãnh, may mà chưa chết đói, với bằng cấp xếp dầy ngăn kéo. Anh ta đã vì truyền thống gia đình mà học luật; Rồi anh ăn nhờ vào bà mẹ góa, bà cũng đã không biết đặt hai con gái bà vào chỗ nào. Anh đâm xấu hổ, và, để cho ba người đàn bà sống lay lất bằng ít tài sản còn lại của họ, anh kiếm một chỗ làm nhỏ ở Bộ Nội vụ, và anh sống náu mình ở đó như con chuột chũi trong hang.
- Thế cậu kiếm được bao nhiêu? - Mouret lại hỏi.
- Ba nghìn phrăng.
- Thế thì thảm hại quá. Chao! Cậu ơi mình thật buồn cho cậu... Sao! Một anh chàng học giỏi đến thế vật ngã cả bọn mình, thế mà chúng chỉ cho cậu ba nghìn phrăng, sau khi làm cậu mụ người tới năm năm rồi! Không, thế thì bất công quá.
Anh ngừng lời, tự ngẫm về mình.
- Mình thì đã xin kiếu chúng rồi... Cậu biết mình đang làm gì không?
- Có - Vallagnosc đáp - Nghe nói câu buôn bán. Cậu có cái cửa hiệu lớn ở quảng trường Gaillon phải không?
- Đúng đấy... Tạp hóa, cậu ơi.
Mouret ngẩng đầu lên, và lại vỗ đùi bạn, anh nhắc lại với niềm vui thật sự của một con người không hổ thẹn vì cái nghề đem lại giàu có cho mình.
- Tạp hóa, đầy ắp!... Nói thật, cậu nhớ đây, mình chẳng bám vào bộ máy của chúng, tuy trong thâm tâm mình chẳng bao giờ tự xem mình ngu hơn kẻ khác. Khi đỗ tú tài, để làm vui lòng gia đình, mình thừa sức để trở thành luật sư hay bác sĩ như các bạn, nhưng những nghề đó làm mình sợ, là vì bao nhiêu kẻ ngáp dài ở đó... Thế là, mẹ kiếp, tớ tung hê cái mảnh da lừa, chà! Không tiếc và tớ lao đầu vào kinh doanh.
Vallagnosc mỉm cười lúng túng. Cuối cùng anh nói khẽ:
- Sự thật là cái bằng tú tài của cậu chẳng giúp đỡ gì cho cậu trong cái nghề bán vải.
- Thật thế! - Mouret vui vẻ đáp - Mình chỉ yêu cầu nó mỗi điều là đừng làm phiền mình... Thế mà, cậu biết không, khi anh ta đã ngu xuẩn ngáng nó vào chân là khó gỡ ra lắm. Anh sẽ cứ bước đi như rùa khi mà người khác, những kẻ đi chân không chạy như bay.
Rồi, nhận thấy bạn có vẻ đau đớn, anh cầm tay bạn nói tiếp:
- Thôi, mình chẳng muốn làm cho cậu phiền muộn, nhưng cậu phải thú nhận rằng những bằng cấp của cậu không thỏa mãn được một nhu cầu nào của cậu... Cậu biết không, tay gian hàng trưởng hàng tơ lụa của mình cuối năm này sẽ lãnh hơn mười hai nghìn phrăng. Đúng như thế! Một anh con trai thông minh rõ ràng, chỉ biết ám tả và bốn phép tính. Những nhân viên bán hàng tầm thường, ở hiệu mình, cũng kiếm ba bốn nghìn phrăng, hơn cả lương của cậu: thế mà họ đã không mất tiền đi học như cậu, chẳng ai giới thiệu họ vào đời, với lời hứa hẹn ký dưới sẽ chinh phục nó. Cố nhiên kiếm tiền chẳng phải là tất cả. Song, giữa những kẻ khốn khổ đầu nhét đầy khoa học đang chen chúc trong các nghề tự do, mà ăn không đủ no, và những chàng trai có đẩu óc thực tiễn, được trang bị để sống, biết thấu đáo nghề của mình, thật đấy! Mình không do dự, mình đứng về phía những anh chàng này chống những kẻ kia, mình thấy bọn con trai này hiểu rõ thời đại của họ!
Anh nói hăng lên; Henriette đang mời trà, quay đầu lại. Khi anh thấy bà ta mỉm cười từ cuối phòng khách lớn, và anh bắt gặp hai bà khác lắng tai nghe, thì chính anh lại hào hứng trước tiên vì những lời mình nói.
- Rốt cuộc, cậu ơi, anh nào bắt đầu bằng tạp hóa thì bây giờ cũng bạc triệu cả rồi.
Vallagnosc thờ thẫn ngả mình xuống chiếc trường kỷ. Anh ta lim dim mắt, trong một điệu mệt mỏi và khinh khỉnh, ở đó có cả một chút giả bộ lẫn sự suy tàn thật sự của dòng gióng anh.
- Chà! - Anh ta lẩm bẩm - Cuộc sống chẳng đáng để vất vả đến thế. Chẳng có gì lạ cả.
Và, thấy Mouret, bất bình, nhìn anh với vẻ ngac nhiên, anh ta nói thêm:
- Mọi sự đều có thể đến và có thể không đến. Chẳng thà cứ khoanh tay.
Bấy giờ, anh ta nói rõ chủ nghĩa bi quan của mình, những tầm thường và vô hiệu của cuộc sống. Có lúc anh đã mơ tưởng văn chương, và, qua tiếp xúc với các nhà thơ, anh chỉ còn giữ lại một mối tuyệt vọng phổ quát. Bao giờ anh cũng đi tới kết luận sự vô bổ của cố gắng, nỗi chán chường của những giờ trống rỗng đều đều, cái ngu xuẩn chung cục của cõi đời. Mọi hưởng thụ đều lỡ dở, thậm chí chẳng thấy vui để làm bậy.
- Này, thế cậu, cậu có vui chơi không? - Cuối cùng anh hỏi.
Mouret đi tới chỗ sờ sững vì bất bình. Anh la lên:
- Sao, tớ thì tớ vui nhộn!... A ha! Ra thế. Cậu nói gì vậy. Cậu đến mức thế ư, cậu cả!... Cố nhiên là tớ vui nhộn, cả khi mọi sự tan vỡ, là vì lúc đó tớ hăm hở nghe nó tan vỡ. Tớ, tớ là thằng hăng máu, tớ không xem cuộc đời một cách bình thản, có lẽ chính cái đó làm tớ quan tâm đến nó.
Anh đưa mắt nhìn sang phòng khách bên kia, anh hạ thấp giọng:
- Ồ! Có những phụ nữ làm phiền tớ quá sức, điều này tớ thú thật với cậu. Nhưng khi tớ đã nắm được một ả, mẹ kiếp, tớ nắm ra trò! Và ít khi chệch, mà tớ chẳng chia phần với ai, tớ nói thật... Mà rồi, cũng chẳng phải là phụ nữ, mà tựu trung tớ xem thường. Cậu thấy không, vấn đề là muốn và hành động, cuối cùng là sáng tạo... Cậu có một ý kiến, cậu đấu tranh vì nó, cậu lấy búa mà trốt nó vào đầu kẻ khác cậu thấy nó lớn lên và toàn thắng... A ha! Phải rồi, câu cả ơi, tớ vui nhộn!
Cả niềm vui hành động, cả mối hân hoan tồn tại vang lên trong lời nói của anh, anh nhắc lại rằng anh thuộc thời đại của anh. Thật sự, phải là con người có bệnh tật, phải có bộ óc và tay chân bị tổn thương mới khước từ công việc, ở một thời kỳ lao động mở rộng đến thế, khi mà cả thời đại lao về phía tương lai. Và anh chế giễu những kẻ thất vọng, những kẻ chán nản, những kẻ bi quan, hết thảy những kẻ ốm vì bước đầu khoa học của chúng ta đó, họ làm vẻ khóc than của thi sĩ hay bộ mặt cau có của bọn hoài nghi, giữa sông trường hiện đại mênh mông. Thật là đẹp, và thanh cao, và thông minh, kẻ đóng vai ngáp dài trước cần lao của người khác!
- Chính cái thích thú duy nhất của mình là ngáp trước kẻ khác. - Vallagnosc vừa mỉm cười vừa nói với vẻ lạnh lùng của anh.
Lập tức Mouret hết hăng. Anh trở lại thái độ trìu mến:
- A ha! Cái cậu Paul này, vẫn như thế, vẫn nghịch luận! Bọn mình gặp lại nhau chẳng phải để cãi nhau, hả? May thay, người nào có ý kiến của người đó. Nhưng rồi mình phải cho cậu xem cỗ máy đang chuyển động của mình, cậu sẽ thấy nó chẳng đần độn đến thế... Thôi, cho mình hỏi thăm. Bà cụ và các chị nhà ta khỏe chứ, mình mong vậy! Và chắc cậu đã lấy vợ ở Plassans, cách đây sáu tháng?
Vallagnosc bật dậy khiến anh ngừng nói; và thấy anh này đưa mắt ngơ ngác nhìn sang phòng khách anh cũng quay lại, anh nhận thấy cô De Boves không rời mắt nhìn họ. Người cao lớn và khỏe mạnh, cô Blanche giống mẹ cô; nhưng ở cô, mặt đã sệ, những nét thô, phì ra vì béo bệu. Trả lời một câu hỏi kín đáo Paul nói chưa có chuyện gì, mà có lẽ sẽ chẳng có chuyện gì. Anh ta làm quen với cô gái ở nhà bà Desforges là nơi mà mùa đông năm ngoái anh hay đến, nhưng sau đó anh chỉ thỉnh thoảng mới tới, chính vì thế mà anh đã không gặp Octavo ở đấy. Đến lượt gia đình De Boves tiếp anh ta, mà nhất là anh thích ông bố, xưa là một tay ăn chơi rồi rút lui vào làm cơ quan nhà nước, vả chăng, không có của cải, bà De Boves chỉ mang lại cho chồng cái nhan sắc của Junon [3] gia đình sống vào một trang trại cuối cùng đem cầm, thêm vào món tiền nhỏ sinh ra đó may là có chín nghìn phrăng, lương tổng thanh tra ngựa giống của ông bá tước. Ông ta siết chặt tiền nong, vì những chuyện trai gái bên ngoài của ông vẫn ngốn vào đó, đến mức hai mẹ con bà bá tước đôi khi phải tự tay sửa lại áo để mặc.
- Thế thì tại sao? - Mouret đơn giản hỏi.
- Trời, phải kết thúc - Vallagnosc nói, mí mắt chập chờn mỏi mệt - Vả lại, có hy vọng, bọn mình đang chồ một bà cô sắp qua đời.
Trong lúc đó, Mouret mắt không rời ông De Boves nữa, ông ta ngồi bên cạnh bà Guibal, ân cần, với cái cười đằm thắm của gã đàn ông đi dã ngoại; anh liền quay lại phía bạn, nháy mắt một cách ngụ ý ra mặt, nhưng anh này nói:
- Không, không phải bà này... ít ra cũng là chưa phải... Ác cái là công tác của ông ta gọi ông từ bốn phương của nước Pháp, những trạm ngựa giống, và thế là ông ta luôn luôn có cớ để biến mất. Tháng trước, khi mà bà vợ tưởng ông đi Perpignan, thì ông ta sống ở khách sạn, cùng với một bà giáo dạy pianô, sâu trong một khu phố hẻo lánh.
Hai người im lặng. Rồi, đến lượt anh ta giám sát trò tán tỉnh của ông bá tước bên cạnh bà Guibal, thì anh nói nhỏ:
- Sự thật, cậu có lý đấy... Nhất là, nghe nói, bà này chẳng dữ gì. Có câu chuyện sĩ quan gì đó với bà rất ngộ... Mà cậu hãy nhìn kìa! Thật khôi hài, ông ấy dùng khóe mắt để thôi miên bà ta! Nước Pháp xưa đấy, anh bạn thân ạ!... Tớ thì tớ phục ông ấy, con người đó, ví phỏng tớ lấy con gái ông ta, thì ông ta có thể nói là vì ông.
Mouret cười, rất lấy làm thú vị. Anh lại hỏi Vallagnosc, và khi được biết rằng cái ý kiến đầu tiên về chuyện cưới xin giữa anh này với cô Blanche là ở bà Desforges thì anh thấy câu chuyện càng thêm thú vị. Cái bà Henriette phúc hậu ấy có cái thích thú của bà góa là se duyên cho người ta; Đến mức khi bà đã cung cấp cho các có gái rồi thì bà để cho các ông bố tuyển lựa bạn gái trong cái xã hội của bà, mà như thế tất nhiên là vui vẻ cả, thiên hạ không tìm ra ở đó điều gì để dị nghị. Và thế là Mouret, yêu bà ta với tư cách là con người hoạt động và tất cả, quen đánh số những chuyện ái ân, lúc đó anh quên đi mọi tính toán quyến rũ và cảm thấy một tinh thần bạn bè đối với bà.
Vừa lúc đó, bà ta xuất hiện ở cửa phòng khách nhỏ, cùng đi với một ông già khoảng sáu mươi tuổi, đôi bạn đã không trông thấy lúc ông ta vào. Các bà kia thỉnh thoảng lại lên tiếng the thé, hòa theo là tiếng thìa lanh tanh chạm nhẹ vào những chén Trung Quốc; và chốc chốc, giữa một chầu im lặng ngắn, có tiếng một bộ đĩa chén dằn mạnh xuống mặt đá chiếc bàn tròn. Một tia nắng đột ngột của mặt trời tà vừa ló ra bên rìa một đám mây lớn, nhuộm vàng những ngọn hạt dẻ trong vườn, qua cửa sổ rải vào một đám bụi vàng đỏ làm sáng rực bức trướng già gấm và đồ đồng trong buồng.
- Vào phía này, nam tước thân mến - Bà Desforges nói - Xin giới thiệu với nam tước ông Octave Mouret ông rất mong được bày tỏ với ngài lòng mến phục.
Và quay về phía Octave, bà nói.
- Ngài nam tước Hartmann!
Một nụ cười tế nhị chúm chím trên môi ông già. Đó là một người bé nhỏ và cường tráng, có cái đầu to của dân Alsacienne, bộ mặt bè sáng lên một ánh thông minh mỗi khi cái miệng hơi co lại, mí mắt khẽ nhấp nháy. Từ mười lăm ngày nay ông ta cưỡng lại ý muốn của Henriette yêu cầu cuộc gặp gỡ này; Không phải là ông ta quá ghen, vì ông như một người sáng ý, đã cam chịu đóng vai bố; nhưng vì đây là người bạn thân thứ ba mà Henriette giới thiệu với ông, ông phần nào sợ làm trò cười. Do đó, gặp Octave, ông có cái nụ cười kín đáo của một người che chở giàu có dù muốn tỏ ra hòa nhã cũng không chịu mang tiếng là mắc lừa.
- Ôi! Thưa ngài, - Mouret nói với nhiệt tình của dân Provence - thành tích vừa rồi của Ngân hàng bất động sản quả là đáng kinh ngạc! Ngài không nghĩ rằng tôi sung sướng và tự hào được bắt tay ngài đến thế nào.
- Ngài quá yêu, thưa ngài, ngài quá yêu. - Nam tuức vẫn mỉm cười nhắc đi nhắc lại.
Henriette mắt sáng nhìn họ, không chút bối rối. Bà ta đứng giữa hai người, ngẩng cái đầu xinh đẹp lên, đi từ người này đến người kia; và, với chiếc áo đăng-ten để hở cổ tay và cái cổ thanh tú của bà, bà ta có vẻ mừng rỡ thấy hai người thật tương đắc.
- Thưa các ngài, - Cuối cùng bà nói - xin để các ngài trò chuyện.
Rồi quay về phía Paul đã đứng dậy bà nói thêm:
- Ông Vallagnosc, mời ông một chén trà.
- Sẵn sàng thưa bà.
Và cả hai người trở sang phòng khách lớn.
Khi Mouret trở lại ngồi xuống chiếc trường kỷ, bên cạnh nam tước Hartmann, anh lại khen lấy khen để hoạt động của Ngân hàng bất động sản. Rồi anh tấn công vào đề tài mà anh tha thiết, anh nói tới con đường mới, kéo dài phố Réaumur mà người ta sắp mở ra một đoạn mang tên phố Mười tháng Chạp, giữa quảng trường chứng khoán và quảng trường Ca kịch viện. Bố cáo Công ích đã được công bố từ mười tám tháng nay, hội đồng trưng thu vừa được thành lập, cả khu phố quan tâm đến con đường thông lớn lao đó, băn khoăn về thời kỳ của công trình, lo ngại cho những nhà phải dỡ. Đã ngót ba năm nay Mouret mong đợi những công trình đó, trước hết trong dự đoán về sự gia tăng của hoạt động kinh doanh, sau nữa vì tham vọng khuếch trương mà anh không dám nói ra, do chỗ ước rnơ của anh mở rộng quá... Vì phố Mười tháng Chạp sẽ cắt ngang các phố Choiseul và La Michodière anh dự tính hiệu Hạnh phúc các bà sẽ chiếm cả cụm nhà mà mấy phố đó và phố Neuve Saint Augustin bao quanh, anh đã tưởng tượng thấy nó sẽ có bề mặt như một lâu đài trên con đường mới, chế ngự, làm chúa tể thành phố bị chinh phục. Và chính vì thế, anh nãy sinh ý muốn thiết tha làm quen với nam tước Hartmann, khi anh được tin Ngân hàng bất động sản ký hợp đồng với nhà nước cam kết chọc thủng và thiết lập phố Mười tháng Chạp, với điều kiện người ta trao cho họ quyền sở hữu những đất ven đường.
- Có thật, - Anh nhắc lại với cái vẻ làm bộ ngờ nghệch - các ông sẽ trao cho họ đường phố hoàn chỉnh, với cống rãnh, bờ hè, đèn hơi? Và những đất ven đường sẽ đủ đền bù cho các ông? Ôi! Hay quá, rất hay!
Cuối cùng anh đụng tới điểm tế nhị. Anh được biết Ngân hàng bất động sản bí mật cho mua những ngôi nhà ở cụm có cửa hiệu Hạnh phúc các bà, không chỉ những nhà sẽ bị phá hủy mà cả những nhà khác sẽ còn dùng lại. Và anh đánh hơi ở đây ý đồ về một cơ sở kinh doanh tương lai nào đó, anh rất lo lắng cho những khuếch trương mà anh mơ ước, anh sợ hãi với ý nghĩ một ngày kia sẽ va chạm với một Hội nào đó có thế lực, sở hữu chủ những bất động sản mà chắc chắn nó sẽ không nhả ra. Chính nỗi lo sợ đó đã khiến anh quyết định sớm đặt mối liên hệ với nam tước, liên hệ khả ái của một người đàn bà, làm cho hai người đàn ông bản chất hào hoa gắn bó chặt chẽ với nhau, cố nhiên anh có thể gặp gỡ nhà tài chính trong phòng làm việc của ông ta, để nói chuyện thoải mái về công cuộc lớn lao mà anh muốn đề nghị với ông ta. Nhưng anh cảm thấy vững tâm hơn ở nhà Henriette, anh biết rõ sự cùng chung một người tình xích gần và động lòng người ta đến thế nào. Cả hai có mặt ở nhà nàng trong hơi hướng thân yêu, nàng sẵn sàng thuyết phục họ bằng một nụ cười, đối với anh cái đó dường như một niềm tin chắc vào thắng lợi.
- Phải chăng ngài đã mua dinh Duvillard cũ, một tòa nhà cổ liền với chỗ tôi? - Cuối cùng anh hỏi đột ngột.
Nam tước Hartmann do dự một chút rồi chối. Nhưng nhìn thẳng vào mặt ông ta, Mouret cười; và từ lúc đó anh đóng vai một chàng trai hiền lành, thẳng thắn, tròn trịa trong chuyện làm ăn.
- Thế này! Thưa nam tước, vì tôi có vinh dự không ngờ được gặp ngài, tôi phải xin thú thực... Ồ! Tôi không đòi biết những chuyện bí mật của ngài. Song, tôi xin trao cho ngài những điều bí mật của tôi, vì tôi tin chắc rằng tôi không thể đặt nó vào những bàn tay nào khôn ngoan hơn... Vả lại, tôi cần đến những lời khuyên của ngài, đã từ lâu tôi không dám đến gặp ngài...
Quả thật anh tự thú. Anh kể những bước đầu của anh, anh cũng không giấu cảnh thiếu thốn tài chính mà anh đang trải qua, giữa lúc anh thắng thế. Mọi sự diễn biến, những cuộc khuếch trương liên tiếp, bao nhiêu lãi ném liên tục vào kinh doanh, những số tiền do nhân viên đóng góp cửa hàng liều mạng ở mỗi cuộc đem bán mới, bao nhiêu vốn đặt vào đó như một ván bài. Thế nhưng không phải là anh hỏi vay tiền, vì anh có niềm tin cuồng nhiệt vào khách hàng. Tham vọng của anh trở thành, cao hơn, anh đề nghị với nam tước một liên hợp, trong đó Ngân hàng sẽ góp vào cái lâu đài vĩ đại mà anh nhìn thấy qua mơ ước, còn về phần anh, anh góp vào tài năng của anh và cái cửa hàng đã thiết lập. Người ta sẽ đánh giá những đóng góp, đối với anh chẳng có gì thực hiện dễ dàng hơn.
- Ngài sẽ làm gì với những đất và bất động sản của ngài? - Anh gặng hỏi - Cố nhiên ngài đã có ý kiến. Nhưng tôi chắc chắn rằng ý của ngài không bằng ý của tôi. Ngài nghĩ xem. Chúng ta xây dựng trên những đất đó một gian bán hàng lớn, chúng ta phá đi hay tu sửa những bất động sản, và chúng ta mở những cửa hàng lớn nhất của Paris, một thương điếm kinh doanh hàng triệu.
Và anh để buột ra một tiếng kêu từ đáy lòng này:
- A ha! Ví bằng tôi có thể không lụy đến ngài!... Nhưng bây giờ thì ngài nắm hết trong tay. Mà rồi, tôi sẽ chẳng bao giờ có tiền đặt trước cần thiết... Đấy, chúng ta phải bàn tính với nhau, chẳng có lại hại lẫn nhau.
- Ông bạn thân mến! Ông đi mạnh đây! - Nam tước đắn đo trả lời - Thật là giàu tưởng tượng!
Ông ta lắc đầu, ông vẫn mỉm cười, quyết không lấy tâm sự trả lời tâm sự. Dự kiến của Ngân hàng bất động sản là xây dựng ở phố Mười tháng Chạp, để cạnh tranh với nhà Đại khách sạn, một cơ sở sang trọng mà vị trí trung tâm của nó sẽ thu hút khách nước ngoài, vả chăng, vì khách sạn sẽ chỉ chiếm những đất ven đường, nam tước lẽ ra cũng có thể tiếp nhận ý kiến của Mouret, điều đình về chỗ còn lại của cụm nhà mà diện tích còn rất rộng. Nhưng vì ông đã xuất vốn cho hai người bạn của Henriette rồi, ông đã hơi ngán đóng vai trò người che chở hào hoa chiều đời. Mặt khác, mặc dầu tính ham mê hoạt động của ông đã khiến ông mở túi bạc cho mọi chàng trai thông minh và dũng cảm, cái sáng kiến của tài năng thương nghiệp của Mouret làm ông ngạc nhiên nhiều hơn là quyến rũ ông. Cái cửa hàng khổng lồ ấy, phải chăng là một hoạt động ngông cuồng và dại dột? Phải chăng người ta có nguy cơ thất bại chắc chắn khi muốn mở rộng quá mức ngành thương nghiệp tân phẩm? Tựu trung ông không tin, ông từ chối.
- Cố nhiên, ý kiến có thể hấp dẫn - Ông nói - Nhưng nó là ý kiến của một nhà thơ... Ông lấy đâu ra khách hàng để chất đầy ngôi nhà thờ kiểu đó?
Mouret im lặng nhìn ông một lúc, như ngạc nhiên vì ông từ chối. Lẽ nào như thế được? Một con người thính nhạy đến thế, ông đánh hơi thấy đồng tiền ở mọi chiều sâu! Và, đột nhiên, anh làm cử chỉ thật hùng hồn, anh chỉ vào các bà trong phòng khách, la lên:
- Khách hàng, thì kia thôi!
Mặt trời đã nhạt, đám bụi vàng đó chỉ còn là một ánh màu hung vàng, đang sắp tan trên những trướng lụa và những mặt bằng đồ đạc. Vào buổi hoàng hôn đến gần này, gian phòng lớn chìm ngập trong niềm thân mật êm đềm ấm cúng... Trong khi bà De Boves và Paul de Vallagnosc chuyện trò bên một cửa sổ, mắt đắm vào phía xa ngoài vườn, thì các bà kia xích lại gần nhau, làm thành ở giữa phòng một vòng tròn nhỏ những xiêm áo, từ đó nổi lên những tiếng cười, những lời xì xào, những câu hỏi và đáp hăng hái, tất cả sự say mê của phụ nữ về tiêu xài và xống áo. Họ nói chuyện điểm trang, bà De Boves kể về một chiếc áo khiêu vũ.
- Trước hết, một hàng lụa trong suốt màu hoa cà rồi phía trên, viền đăng-ten “A lăng xông” [4] loại xưa cao ba mươi phân.
- Ôi! Cho phép nói! - Bà Marty ngắt lời - Có những người đàn bà sung sướng thật!
Nam tước Hartmann, rõi theo cử chỉ của Mouret, nhìn sang phía các bà qua cửa ra vào để mở rộng. Và ông để một tai nghe họ trong khi chàng trai, bốc lên vì ý muốn thuyết phục ông, càng tự bộc lộ, giải thích cho ông cơ chế của thương nghiệp tân phẩm mới. Ngành thương nghiệp này bây giờ đặt cơ sở trên sự luân chuyển vốn liên tục và mau, chuyển vốn thành hàng hóa trong mỗi năm càng nhiều lần càng tốt. Chẳng hạn năm nay, vốn của anh chỉ có năm chục vạn phrăng, vừa chuyển được bốn lần, và như vậy thành ra doanh số lên tới hai triệu. Thế là mạt hạng, vì sẽ tăng lên gấp mười thế, vì anh tin chắc rằng rồi ra, ở một số quầy hàng có thể luân chuyển vốn đến mười lăm hai mươi lần.
- Ngài nghe đây, thưa nam tước, tất cả cơ chế là ở đó. Rất giản dị, nhưng phải tìm ra nó. Chúng tôi không cần luân chuyển vốn to. Cố gắng duy nhất của chúng tôi tống đi cho thật mau hàng hóa mua về, để thay thế bằng hàng hóa khác, như thế là làm cho vốn sinh lời bấy nhiêu lần. Bằng cách đó chúng tôi có thể bằng lòng với số lãi nhỏ: tổng phí của chúng tôi lên tới con số lớn là mười sáu phần trăm, thế mà chứng tôi chỉ trích vào hàng có hai mươi phần trăm làm tiền lời, như vậy chỉ còn lãi bốn phần trăm là cùng; nhưng rồi nó lên hàng triệu khi người ta xử lý một khối lượng hàng hóa lớn hơn và luôn được thay thế... Ngài theo dõi đấy chứ? Không có gì rõ ràng hơn.
Nam tước lại lắc đầu. Ông ta đã từng đón nhận những trù hoạch táo bạo nhất, mà mọi người con nhắc đến những liều lĩnh, như trong vụ thử nghiệm ánh sáng bằng hơi đốt, thế mà bây giờ ông vẫn lo ngại và bướng bỉnh.
- Tôi hiểu lầm - Ông đáp - Ông bán rẻ để bán được nhiều, và ông bán nhiều để bán được rẻ... Thế nhưng, phải bán được, và tôi trở lại câu hỏi của tôi: Ông bán cho ai? Ông làm sao hy vọng duy trì một cuộc bán to lớn đến như vậy?
Một tiếng nói the thé đột ngột, từ bên phòng khách lớn, ngắt lời giải thích của Mouret. Đó là bà Guibal, bà chỉ ưng viền đăng-ten Alençon trên yếm phủ ngực thôi.
- Nhưng mà, thưa bà chị, - Bà De Boves nói - yếm cũng viền đăng-ten nữa. Chưa bao giờ tôi thấy cái gì sang hơn.
- Ấy bà làm cho tôi nghĩ ra - Bà Desforges nói - Tôi đã có bốn mét Alençon rồi... Tôi phải kiếm thêm để làm một món trang sức.
Bây giờ mọi tiếng nói hạ thấp, chỉ còn xì xào. Nhưng con số vang lên, cả một cuộc mặc cả kích động thèm muốn, các bà mua đăng-ten hàng vốc tay.
- Chà! - Cuối cùng Mouret nói khi ngớt tiếng - Muốn bán thứ gì thì bán được thứ ấy, một khi biết cách bán. Chúng tôi thắng là ở đó.
Lúc ấy, với nhiệt hứng của dân Provence, bằng những lời nóng hổi khêu gợi hình ảnh, anh chỉ rõ sự vận dụng của nền thương nghiệp mới. Trước hết là sức mạnh tăng lên gấp bội của tích lũy, các hàng hóa chất đống ở một điểm dựa vào nhau và xô đẩy nhau; không bao giờ có thất nghiệp, bao giờ hàng hóa theo mùa cũng có sẵn; và từ quầy này sang quầy khác, bà khách hàng bị vào tròng, chỗ này mua vải, chỗ kia mua chỉ, chỗ khác mua chiếc măng-tô, hàng may mặc, rồi rơi vào nhiều cuộc gặp gỡ bất ngờ, ngả theo nhu cầu mua sắm cái linh tinh và cái đẹp mắt. Rồi anh ca tụng cái nhãn hiệu bằng chữ số rõ ràng. Cuộc cách mạng lớn trong buôn bán tân phẩm bắt đầu từ phát hiện đó. Nếu thương nghiệp cũ, thương nghiệp nhỏ hấp hối, thì là vì nó không chịu nổi cuộc đấu tranh giá hạ, do nhãn hiệu mở ra. Bây giờ cạnh tranh diễn ra ngay trước mắt công chúng, người ta dạo qua các cửa hàng để định giá, mỗi cửa hàng hạ giá, bằng lòng với số lãi ít nhất, không có gian lận, không có ngón phất tính toán lâu la trên một mặt vải bán gấp đôi giá trị của nó, mà là những thao tác thường ngày, bao nhiêu phần trăm đều trích vào các mặt hàng, phát tài nhờ vận dụng tốt một cuộc bán, bán càng minh bạch càng được mở rộng. Đó phải chăng là một sáng tạo kỳ lạ? Nó đảo lộn thị trường, nó biển đổi Paris, vì nó nảy sinh từ máu thịt người phụ nữ.
- Tôi chiếm được phụ nữ, tôi bất cần mọi cái khác! - Anh nói một lời thú nhận tàn bạo do nhiệt tình mà thốt ra.
Nghe tiếng lạ đó, nam tước Hartmann có vẻ lung lay. Nụ cười của ông mất cái khía cạnh mỉa mai của nó, ông nhìn chàng trai, dần dần bị thuyết phục bởi niềm tin của anh, bắt đầu thấy mến anh.
- Im! - Ông thì thầm một cách thân tình - Các bà ấy sẽ nghe thấy ông.
Lúc bây giờ các bà nhao nhao ai cũng nói, vì bị kích động mạnh, đến mức cũng chẳng ai nghe ai nữa. Ba De Boves kết thúc mô tả bộ trang phục dạ hội: một áo dài lụa màu hoa cà có nơ đăng-ten phủ và giữ đứng áo, cổ để hở thật thấp và lại nơ đăng-ten trên vai.
- Rồi các chị xem, - Bà nói - tôi sẽ để hở cổ như thế với chiếc áo xa tanh...
- Tôi, - Bà Bourdelais ngắt lời - tôi đã chọn áo nhung, chà! Một dịp may!
Bà Marty hỏi:
- Lụa giá bao nhiêu, hả?
Rồi ai nấy lại nói đồng loạt. Bà Guibal, Henriette, Blanche nào đo, nào cắt, nào may rẻ. Cả một cuộc phung phí vải vóc, cướp phá cửa hàng, thèm khất xa hoa lan tràn trong những trang sức đua ghen và mơ ước, một niềm hạnh phúc cực kỳ được ăn diện, đến mức họ sống ngập mình trong đó, như trong hơi ấm cần thiết cho cuộc sống của họ.
Mouret lúc đó liếc mắt nhìn sang phòng khách lớn. Rồi bằng mấy câu rỉ vào tai nam tước Hartmann, tưởng như anh đang tâm sự về chuyện yêu đương mà đôi khi giữa mấy anh đàn ông có thể dám nói với nhau, anh chấm dứt giải thích cơ chế của thương nghiệp lớn hiện đại. Bây giờ, cao hơn những sự kiện đã dẫn, trên tột đỉnh, xuất hiện vấn đề khai thác phụ nữ. Tất thảy đều dẫn tới đó, vốn luôn luôn luân chuyển, phương thức tích lũy hàng hóa, bán rẻ để thu hút, nhãn hiệu ghi rõ số để làm yên tâm. Cái mà các cửa hàng cạnh tranh để giành giật lẫn nhau đó là phụ nữ, người phụ nữ mà họ luôn luôn đưa vào bẫy của những dịp may, sau khi làm các bà choáng váng trước những hàng bầy. Họ đã thức dậy trong máu thịt các bà những thèm muốn mới, họ dăng ra một lưới cám dỗ mênh mông ở đó nhất định các bà phải quy, bước đầu là những mua sắm của người nội trợ đảm đang, sau đó là bị thói làm đỏm lôi kéo, rồi đến bị nuốt chửng. Cùng với việc tăng số bán lên gấp bội, việc dân chủ hóa ra xa hoa, họ trở thành một tác nhân ghê gớm của tiêu xài, phá phách các gia đình tạo nên thời thượng điên cuồng, mỗi ngày mỗi đắt. Và nếu ở cửa hàng của họ, phụ nữ là bà hoàng, được mơn trớn vuốt ve trong những nhược điểm của mình, được ân cần đón rước, thì các bà ngự trị như bà hoàng đa tình mà bọn tử thần ở đó lợi dụng, khiến bà trả giá mỗi ý thích của bà bằng giọt máu của mình. Thế là dưới ngay cái duyên dáng lịch sự của mình, Mouret để lộ ra cái tàn bạo của một gã Do Thái bán cân người phụ nữ; anh ta dựng lên một ngôi đền cho phụ nữ, dùng một đội quân thư ký để hương hoa cúng bái các bà, tạo nên lễ nghi của một sự thờ cúng mới, anh ta chỉ nghĩ đến họ, luôn luôn tưởng tượng tìm kiếm những thủ đoạn quyến rũ nhạy hơn; và đằng sau họ, khi anh ta đã vét rỗng túi và làm rối loạn thần kinh họ, thì anh ta lòng đầy khinh miệt thầm kín của gã đàn ông mà nhân tính vừa làm cái điều ngu xuân là tự hiến mình.
- Vậy thì ngài hãy chiếm lấy các bà, - Anh ta nói nhỏ với nam tước, vừa cười một cái cười ngạo nghi - ngài sẽ bán được cả thiên hạ!
Bây giờ thì nam tước đã hiểu. Vài lời là đủ, ông đoán ra một điều khác, và một sự khai thác phụ nữ lịch sự đến thế làm ông nóng đầu, khơi dậy cái quá khứ kẻ ăn chơi nơi ông. Ông nháy mắt với vẻ thông đồng, rốt cuộc ông khâm phục người sáng chế ra thứ máy móc ăn tươi phụ nữ đó. Cừ thật. Ông nói cái lời của Bourdoncle, một lời mà kinh nghiệm xưa của ông nhắc ông.
- Ông biết không, họ sẽ trả đòn.
Nhưng Mouret nhún vai, với một cử động khinh miệt. Họ thuộc về anh, là vật của anh mà anh thì chẳng thuộc một cô, một bà nào. Khi anh đã rút được ở họ tài sản và lạc thú của anh thì anh sẽ ném họ ra thành đống ở vệ đường, mặc cho những kẻ nào còn có thể tìm thấy ở đó cuộc sống của họ. Đó là một sự khinh thị có suy tính của dân miền Nam và của kẻ đầu cơ.
- Thế nào, ngài kính mến, - Anh hỏi để kết thúc -ngài có định đi với tôi không? Chuyện những đất ấy, ngài xem có khả năng không?
Nam tước đã bị chinh phục một nửa, tuy nhiên vẫn do dự trước kiểu cam kết đó. Một ngờ vực còn nằm trong cái mê hoặc nó đã tác động dần dần tới ông. Ông đang định trả lời thoái thác thì một tiếng gọi cấp bách của các bà khiến ông tránh được điều phiền toái đó. Những tiếng gọi đi gọi lại, giữa những tiếng cười khinh, khoái.
- Ông Mouret! Ông Mouret!
Rồi, bực mình vì bị ngắt quãng, anh đang giả tảng không nghe thấy thì bà De Boves, từ nãy vẫn đứng, đi tới tận cửa phòng khách nhỏ.
- Người ta đợi ông, ông Mouret ạ... Nấp trong xó để bàn chuyện làm ăn, thật chẳng lịch sự chút nào.
Thế là anh quyết định, và một cách vui vẻ ra mặt, một vẻ hoan hỉ, mà nam tước lấy làm kinh dị. Cả hai người đứng dậy, với nụ cười trên môi.
Một tiếng ồn ào đắc thắng tiếp đón anh. Anh phải tiến lên nữa, các bà nhường cho anh đứng vào giữa. Mặt trời vừa lặn đằng sau những cây ngoài vườn, ngày đang tàn, gian phòng rộng chìm dần trong một bóng tối mờ mờ. Đó là vào cái giờ đằm thắm của buổi hoàng hôn, cái giây phút khoái trá thầm lặng trong cái căn nhà Paris, giữa ánh ngày sắp tắt ở ngoài phố và ánh đèn mới thắp ở nhà bếp. Ông De Boves và Vallagnosc, vẫn đứng bên một cửa sổ, để hắt một mảng bóng xuống tấm thảm; trong khi đó, ngay đơ trong tia sáng cuối cùng từ chiếc cửa sổ kia lọt vào, ông Marty vừa lặng lẽ vào được mấy phút, để hắt bóng cái thân hình tiều tụy của mình trong chiếc áo redingote [5] bó chặt và sạch sẽ, mặt tái nhợt vì nghề dạy học, và nghe các bà nói chuyện trang sức ông càng thêm tái người.
- Thứ Hai tới, vẫn cuộc đem bán đấy chứ? - Vừa đúng lúc bà Marty lên tiếng hỏi.
- Cố nhiên, thưa bà. - Mouret đáp bằng cái giọng dịu dàng, một giọng diễn viên kịch mà anh dùng khi nói với các bà.
Lúc đó Henriette xen vào:
- Ông biết không, bạn tôi sẽ đến tất... Nghe nói ông chuẩn bị những hàng tuyệt vời.
- Chao! Tuyệt vời gì đâu! - Anh khẽ nói với vẻ tự phụ nhũn nhặn - Chỉ là cố gắng cho xứng đáng với sự tin cậy của các bà.
Nhưng các bà tới tấp hỏi. Bà Bourdelais, bà Guibal lại cả cô Blanche nữa, đều muốn biết.
- Nào, ông nói chi tiết đi - Bà De Boves khẩn khoản lặp lại - Ông làm bọn tôi điên người.
Và họ quây lấy anh, nhưng vừa lúc đó Henriette nhận ra anh chưa uống lấy một chén trà. Thế là mọi người ngao ngán; bốn bà xúm vào phục dịch anh, với điều kiện anh sẽ phải trả lời. Henriette rót nước, bà Marty bưng chén, trong khi bà De Boves và bà Bourdelais giành nhau cái hân hạnh được pha đường. Rồi, khi anh từ chối không ngồi, và anh đứng giữa các bà, bắt đầu thủng thẳng uống trà, thì tất cả các bà xích gần lại, bao vây anh trong cái vòng xiêm áo. Các bà, đầu ngẩng lên, mắt long lanh, mỉm cười với anh.
- Cái lụa của ông, cái Paris - Hạnh phúc ấy, tất cả các báo đều nói! - Bà Marty sốt ruột lại hỏi.
- Úi! - Anh đáp - Mặt hàng tuyệt vời, một thứ phai to cát, mềm, bền... Thưa các bà, các bà sẽ thấy... Mà các bà chỉ kiếm được nó ở hiệu chúng tôi, và chúng tôi đã mua độc quyền sở hữu.
- Thật thế! Một hàng lụa đẹp giá năm phrăng sáu mươi! - Bà Bourdelais hứng thú nói - Thật không thể tin được.
Thứ lụa đó, từ khi quảng cáo tung ra, chiếm một vị trí lớn trong đời sống hàng ngày của họ. Họ chuyện trò về nó, họ nhẩm tính mua nó, háo hức vừa ước muốn vừa ngờ vực. Và, qua những chuyện tò mò bàn tán mà họ làm tình làm tội chàng trai, bộc lộ ra tính tình kẻ mua sắm riêng biệt ở mỗi con người: bà Marty, mắc bệnh tiêu xài điên cuồng, thì lấy bất cứ cái gì ở hiệu Hạnh phúc của bà, chẳng chọn lựa, có gì vớ nấy; bà Guibal thì đi dạo hàng giờ mà chẳng bao giờ mua cái gì, chỉ nhìn cho thích mắt, sung sướng và hả hê; bà De Boves, đồng tiền eo hẹp, lúc nào cũng bị giày vò vì nỗi thèm muốn quá lớn, hậm hực nhìn những món hàng mà bà không thể mang đi được; bà Bourdelais với cái thính hơi của bà tư sản khôn ngoan, thực tiễn đi thẳng tới những hàng bán vào dịp may, lợi dụng những cửa hàng lớn với cái khéo léo của người nội trợ đảm đang, không nóng vội, đến mực bà tiết kiệm được khá ở đó: cuối cùng là Henriette thì, rất lịch sự, chỉ sắm ở đó vài món hàng, găng, mũ áo đan, mọi thứ hàng mặc thô.
- Chúng tôi có những hàng vải khác rẻ và nền đẹp lạ lùng. - Mouret tiếp tục nói với giọng trầm bổng - Chẳng hạn tôi giới thiệu với các bà nhãn hiệu Kim bi của chúng tôi, một hàng vải mỏng mà bóng không thứ nào bằng... Trong hàng lụa tân kỳ, có những phối trí thanh thú, những hoa vẽ do người cắt hàng của chúng tôi chọn lọc trong hàng nghìn kiểu; về hàng nhung thì các bà sẽ thấy cả một sưu tập màu sắc phong phú nhất... Tôi xin báo trước năm nay sẽ về nhiều hàng da. Các bà sẽ thấy hàng matelassé, hàng cheviotte của chúng tôi...
Các bà không ngắt lời anh nữa, họ càng thu hẹp vòng vây lại, miệng hé mở nụ cười mơ hồ, mặt sát lại và căng thẳng, như muốn lao cả con người vào kẻ cám dỗ. Những con mắt mờ đi, một gợn nhẹ thoáng trên gáy họ. Còn anh thì vẫn giữ cái bình tĩnh của kẻ chinh phục giữa những hương thơm xao xuyến từ đầu tóc họ tỏa ra. Sau mỗi câu anh lại tiếp tục uống một ngụm nhỏ nước chè, mà hương vị làm dịu những mùi kia nồng hơn, trong đó có chút hoang dại. Trước một sức quyến rũ rất tự chủ, đủ mạnh để mê hoặc các bà như vậy, nam tước Hartmann, không bị lôi cuốn vào cơn mê say tỏa ra, không rời mắt nhìn anh ta, cảm thấy niềm khâm phục của mình lớn lên.
- Thế là hàng dạ sẽ về? - Bà Marty lại nói, bộ mặt rỗ của bà đẹp ra vì nhiệt hứng làm đỏm... - Tôi phải đến xem mới được.
Bà Bourdelais, mắt vẫn giữ được sáng, đến lượt nói:
- Cửa hàng ông bán coupon [6] vào thứ Năm phải không?... Tôi chờ đến hôm đó, tôi có cả thế giới tí hon phải may mặc.
Và, quay cái đầu tóc hung thanh tú của bà về phía bà chủ nhà:
- Thế nào cậu, vẫn cái bà Sauveur may cho cậu à?
- Trời! Vẫn họ, - Henriette đáp - nhà Sauveur thì đắt khiếp lắm, nhưng chỉ có nó ở Paris là biết may chiếc áo cánh. Mà rồi, mặc dầu ông Mouret nói thế chứ, nó có hàng vẽ hoa đẹp nhất, hoa không thấy đâu có. Mình thì mình chẳng chịu được cái kiểu áo mình mặc mà lại thấy nó trên vai mọi người.
Mouret lúc đầu mỉm cười kín đáo. Sau đó anh cho biết bà Sauveur mua vải ở cửa hàng anh; cố nhiên bà ta lấy thẳng ở nhà sản xuất một số mặt vải hoa mà bà giành độc chiếm; nhưng về hàng lụa thâm chẳng hạn, bà ta rình những dịp may của hiệu Hạnh phúc các bà, mua trữ thật nhiều, và bà ta bán đi với giá gấp đôi gấp ba.
- Cho nên, tôi chắc chắn rằng người mà bà ta sẽ đến mua hết Paris Hạnh phúc của chúng tôi. Sao bà lại nghĩ rằng bà ta đi mua thứ lụa đó tại xưởng đắt hơn là mua ở cửa hàng chúng tôi?... Lời thề danh dự! Chúng tôi bán lỗ vốn.
Đó là đòn quyết định đánh vào các bà. Cái ý nghĩ mua được hàng bán lỗ vốn quất vào lòng tham của đàn bà, cái thú của người mua sẽ tăng gấp đôi khi họ tưởng ăn bớt được của kẻ bán. Anh biết rằng họ không tài nào cưỡng lại được việc mua rẻ.
- Thế mà chúng tôi bán cho không tất thảy! - Anh vừa vui vẻ la lên vừa vớ lấy ở phía sau, chiếc quạt của bà Desforges để trên chiếc bàn tròn... - Đây, như chiếc quạt này... Bà bảo nó giá bao nhiêu?
- Cái chantilly hai mươi năm phrăng, còn nẹp thì hai trăm. - Henriette nói.
- Thế nhé, cái chantilly thì không đắt. Nhưng mà ở cửa hàng chúng tôi cũng thứ này chỉ có mười tám phrăng. Còn cái nẹp, thưa bà thân mến, họ ăn cắp khinh khủng. Tôi thì không dám bán thứ đó quá chín mươi phrăng.
- Tôi đã bảo mà! - Bà Bourdelais la lên.
- Chín mươi phrăng? - Bà De Boves lẩm bẩm - Trừ phi không có một xu dính túi thì mới bỏ qua.
Bà ta lại cầm chiếc quạt, cùng với cô Blanche lại ngắm nghía và trên bộ mặt rộng đều đặn của bà, trong đôi mắt to phẳng lặng ánh lên nỗi thèm muốn ức chế và vô vọng đó ý thích mà bà không thỏa mãn được. Rồi, một lần nữa, chiếc quạt lại được chuyển một vòng qua tay các bà với những nhận xét và những tiếng trầm trồ. Lúc đó ông De Boves và Vallagnosc đã rời cửa sổ. Trong khi người thứ nhất trở lại đứng đằng sau bà Guibal, đưa mắt nhìn sục sạo vào yếm bà ta, với vẻ nghiêm chỉnh và bề trên, thì chàng trai nghiêng về phía Blanche, cố tìm lấy một lời thân ái.
- Thưa cô, cô có thấy cái nẹp trắng với đăng-ten đen kia trông hơi buồn không?
- Ô! Tôi, - Cô trả lời rất nghiêm trang, không một chút đỏ trên bộ mặt phị của cô - tôi đã trông thấy một chiếc bằng xà cừ với những lông chim trắng. Cái vật mới trinh bạch làm sao!
Ông De Boves, chắc đã bắt gặp vợ nhìn chiếc quạt một cách não nuột, cuối cùng xen một lời vào câu chuyện.
- Những máy móc nhỏ xíu ấy thì chẳng mấy lúc mà gẫy ngay thôi.
- Ông đừng có nói! - Bà Guibal nói với cái bĩu môi của mỹ nhân tóc đỏ hoe, làm bộ dửng dưng - Tôi đã ngán cả việc chắp nối cái quạt của tôi.
Từ lúc nãy, bà Marty, bứt rứt vì câu chuyện, cứ xoay tít chiếc túi da đỏ trên đầu gối. Bà còn chưa phô được những thứ bà đã mua, bà nóng muốn bày nó ra, như vì một nhu cầu xác thịt. Và, đột nhiên, bà quên mất ông chồng có mặt ở đấy, bà mở chiếc túi, bầy ra mấy mét giải đăng-ten quấn quanh một chiếc bìa cứng.
- Đây là cái valencienne ấy mua cho con gái tôi - Bà nói - Khổ ba phân, mà tuyệt, hả?... Một phrăng chín mươi.
Cuộn đăng-ten được chuyền từ tay này sang tay khác. Các bà la lên. Mouret quả quyết rằng anh bán những đồ phụ sức vặt đó theo giá sản xuất. Thế nhưng, bà Marty đã khép chiếc túi lại như thể giấu những thứ mà người ta không phô ra. Song, thấy được người ta hoan nghênh cái valencienne, bà không cưỡng được ý muốn rút từ túi ra thêm một chiếc mùi soa.
- Lại còn một chiếc mù soa này nữa... của xưởng thực hành Bruxelles, bà chị ạ... Ôi! Em tìm ra đấy! Hai mươi phrăng.
Và, từ lúc đó, cái túi trở thành vô tận. Bà ta đỏ mặt lên và thích thú, một mối e lệ của phụ nữ cởi quần áo khiến bà đẹp ra và ngượng ngùng, mỗi khi rút ra một hàng mới. Đây là một chiếc cà vạt bằng sa mỏng Tây Ban Nha giá ba mươi phrăng: Bà không muốn mua nhưng tay thư ký cứ thề với bà rằng đây là kiểu mới nhất bà vơ được, và người ta sắp bán ra nhiều. Rồi đây, là một chiếc mạng che mặt bằng ren chantilly, hơi đắt, năm mươi phrăng; nếu bà không đeo, thì bà sẽ biến chế thành cái gì cho con gái.
- Ối trời! Đăng-ten, cực kỳ đẹp! - Bà nhắc lại với một nụ cười say mê - Tôi mà cứ vào chỗ ấy là muốn mua cả cửa hàng.
- Thế còn cái này? - Bà De Boves vừa hỏi vừa ngắm một coupon ren thưa.
- Cái này, - Bà ta đáp - là đăng-ten viền... Có đến hai mươi sáu mét. Mỗi mét một phrăng, bà chị hiểu không?
- Này! - Bà Bourdelais ngạc nhiên hỏi - Bà làm gì với cái đó?
- Thú thật, tôi chẳng biết nữa... Nhưng hoa của nó thật là ngộ.
Vừa lúc đó, bà ngước mắt lên thì bắt gặp ở trước mặt ông chồng đang kinh hãi. Ông càng tái nhợt, toàn thân biểu lộ mối lo sợ nhẫn nhục của một con người khốn khổ, đang chứng kiến cảnh phá tán đồng lương của mình, kiếm ra khó khăn đến thế. Thêm mỗi mẫu đăng-ten đối với ông là một tai họa, những ngày dạy học cay đắng bị nhấn chìm, những buổi lấm bùn chạy vạy dạy thuê bị nuốt chửng, gắng sức liên tục của cuộc đời ông dẫn đến cảnh thiếu thôn âm thầm, đến địa ngục của một gia đình túng bẩn. Trước con mắt nhìn mỗi lúc thêm kinh hoàng của ông, bà muốn giật lại chiếc mù soa, cái tràng mạng, chiếc cà vạt; và, hai bàn tay run rẩy quờ quạng, bà vừa cười ngượng nghịu vừa nhắc đi nhắc lại:
- Các bà chị sắp làm nhà tôi mắng tôi... Ông ơi, tôi cam đoan với ông rằng tôi còn là rất biết điều: là vì còn một chiếc khăn chéo lớn giá năm trăm phrăng, ồ! Tuyệt vời!
- Thế sao bà chị không mua? - Bà Guibal thản nhiên hỏi - Ông Marty là người đàn ông lịch sự nhất đời kia mà.
Ông Marty đành nghiêng mình tuyên bố rằng vợ ông hoàn toàn tự do. Nhưng, nghĩ đến nguy cơ của chiếc khăn chéo lớn kia, lưng ông ớn lạnh; và nghe Mouret vừa lúc đó khẳng định rằng những cửa hàng mới làm tăng hạnh phúc cho những gia đình tư sản trung lưu thì ông quắc mắt ghê gớm nhìn anh ta, với ánh chớp căm hờn của một kẻ nhút nhát chẳng dám giết ai.
Vả chăng, các bà đó vẫn không rời mớ đăng-ten. Họ say sưa với nó. Những cuộn tung ra, qua tay này trở lại tay kia, xích họ lại gần thêm nữa, ràng buộc họ lại bằng những sợi chỉ mong manh. Họ vuốt ve trên đầu gối một hàng dệt tinh vi kỳ diệu, bàn tay tội lỗi của họ mân mê không rời. Và họ lại bao vây Mouret chặt hơn, tới tấp hỏi anh thêm. Vì trời bắt đầu tối, thỉnh thoảng anh lại phải cúi đầu xuống đụng làn râu của anh vào tóc họ để xét một mũi kim, chỉ một hoa vẽ nhưng, trong cái khoan khoái oi ả của buổi hoàng hôn, giữa hơi nồng từ vai họ tỏa ra, anh vẫn làm chủ được họ, trong cái bộ ra vẻ hoan hỉ của anh. Anh hòa nhịp với phụ nữ, họ cảm thấy bị thâm nhập, ám ảnh bởi cái cảm giác tế nhị mà anh có được về bản chất thầm kín của họ, và họ bị quyến rũ, tự buông thả; còn anh thì đinh ninh rằng từ bây giờ anh nắm được họ, ngự trị họ, anh nghiễm nhiên như ông vua chuyên quyền về vải vóc.
- Ối! Ông Mouret! Ông Mouret! - Những tiếng lẩm bẩm xì xào, ngây ngất, trong bóng tối xẫm của gian phòng.
Những vệt sáng thoi thóp tắt đi trên những đồ đồng. Duy những đăng-ten còn giữ được một ánh tuyết trên đầu gối tối om của các bà, cả đám người mơ hồ trông như hàng tín nữ quỳ xung quanh chàng trai. Một ánh sáng cuối cùng lấp lánh bên sườn ấm chè, một ánh ngắn ngủi và le lói của đèn nhỏ thắp đêm, tưởng chừng cháy sáng trong một khuê phòng có hương trà làm ấm áp. Nhưng, đột nhiên, người ở mang hai cây đèn vào, và cái huyền ảo tan biến. Phòng khách thức dậy, sáng và vui. Bà Marty cất đăng-ten vào đáy chiếc túi nhỏ, bà De Boves ăn thêm một chiếc bánh ngọt, trong khi Henriette, đã đứng dậy lầm rầm chuyện trò với nam tước bên khung một cửa sổ.
- Ông ấy thật là dễ thương.
- Thế à? - Bà buột miệng một lời sơ ý của người tình nhân.
Ông ta mỉm cười, ông nhìn bà với sự khoan dung cha con. Đó là lần đầu tiên ông cảm thấy bà ta bị chinh phục đến thế; và, không đau đớn vì xem mình hẳn như bề trên, ông chỉ thương hại vì thấy bà rơi vào tay cái anh chàng đó, dịu dàng đến thế, và hoàn toàn vô tình đến thế. Thế là, ông nghĩ cần phải báo trước cho bà ta, ông khẽ nói bằng giọng vui đùa:
- Cẩn thận đấy, cô nàng thân yêu, hắn sẽ nuốt tất cả các bà.
Một ánh lửa ghen làm sáng đôi mắt đẹp của Henriette. Chắc hẳn bà đoán ra Mouret chỉ là dùng bà để tới gần nam tước. Và bà thề sẽ làm cho anh ta phát điên vì yêu thương, cái anh chàng mà tình yêu của kẻ sống cập rập có cái thú dễ dàng của một bài ca tung ra gió bốn phương.
- Ôi chào! - Bà ta đáp, đến lượt bà làm bộ vui đùa - Bao giờ thì con cừu non rút cục cũng ăn con chó sói.
Thế là, rất hứng thú, nam tước lấy đầu làm hiệu khuyến khích bà ta. Có lẽ bà sẽ là người phải đến và bà sẽ trả đòn cho những người khác.
Bấy giờ, sau lúc đã nhắc Vallagnosc rằng anh muốn cho hắn xem cỗ máy của anh chuyển động, Mouret đến chào từ biệt, thì nam tước giữ anh lại bên khung cửa sổ nhìn ra vườn đã tối om. Cuối cùng ông nhượng bộ trước sự cám dỗ, niềm tin đã đến khi ông trông thấy anh ta đứng giữa các bà kia. Hai người khẽ nói chuyện một lúc. Rồi tay nhà băng tuyên bố:
- Thế thì, tôi sẽ xem xét việc này... Nó sẽ được giải quyết, nếu cuộc bán thứ hai tới của ông đạt tầm quan trọng như ông nói.
Họ bắt tay nhau, và Mouret, vẻ hân hoan, rút lui, vì anh sẽ ăn không ngon nếu, chiều tối, anh không đến nhìn qua số thu nhập của hiệu Hạnh phúc các bà.
-------------------------------------------
[1] Chantilly: một địa phương nước Pháp sản xuất đăng-ten.
[2] Valencienne: đăng-ten sản xuất ở Valence (Tây Ban Nha).
[3] Junon: nhân vật thần thoại La Mã, vợ của Jupiter, chúa tể của các vị thần.
[4] Alençon một địa phương nước Pháp nổi tiếng về đăng-ten.
[5] Redingote: một loại áo choàng.
[6] Coupon là những mảnh vải, rẻo vải lẻ.
Hiệu Hạnh Phúc Các Bà Hiệu Hạnh Phúc Các Bà - Emile Zola Hiệu Hạnh Phúc Các Bà