Chương 1
ừa leo núi tôi vừa ngẫm nghĩ.
Theo lý trí thì gặp trở ngại. Theo tình cảm thì bị cuốn trôi. Theo chí hướng riêng thì bế tắc. Nhìn theo kiểu nào thì thế giới con người cũng là một nơi khó sống.
Khi cảm thấy khó sống quá thì người ta thích tìm đến nơi nào dễ chịu. Và khi nhận ra rằng chẳng có nơi nào dễ sống thì người ta làm thơ, vẽ tranh.
Tạo ra thế giới của con người chẳng phải thần linh cũng chẳng là ma quỷ, mà đơn giản chỉ là những con người yếu ớt kề cận với mình đây. Một khi thế giới do chính con người tạo ra đã là khó sống thì cũng chẳng có nơi nào khá hơn để mình tìm đến. Họa chăng là phải đến những nơi không có con người. Nhưng mà nơi không có con người thì có lẽ còn khó sống hơn thế giới của con người nữa.
Nếu thế giới mà mình không thể thoát khỏi là khó sống, thì ta hãy cố gắng thích nghi và thư giãn hết mình, và phải làm cho thế giới khó sống này trở thành một nơi dễ chịu hơn để gửi gắm cuộc đời phù du dù chỉ trong phút chốc. Chính vì điều đó mà sinh ra cái gọi là thiên chức của thi nhân và sứ mệnh của họa sĩ. Những nghệ sĩ của các môn nghệ thuật đều đáng quý vì họ đã làm cho thế giới của con người trở nên dễ chịu hơn, tâm hồn của con người trở nên phong phú hơn. Thơ ca, hội họa xua tan khổ đau trong cõi người đầy phiền muộn và mở ra trước mắt chúng ta một thế giới đẹp tươi. Âm nhạc và điêu khắc cũng thế. Nhưng nói cho cùng thì không cần thiết phải dùng nghệ thuật để miêu tả. Chỉ cần nhìn thế giới hiện lên trước mắt mình là có thể viết nhạc, làm thơ. Những âm điệu chưa được viết ra giấy đã ngân vang trong tâm hồn. Màu chưa được vẽ trên lụa mà ngũ sắc đã lấp lánh trong tâm tưởng. Chỉ cần quan sát thế giới mình đang sống, thu vào thấu kính tâm hồn những hình ảnh trong trẻo, đẹp tươi được thanh lọc từ cõi đời ô trọc là đã quá đủ rồi.
Vì lẽ đó mà nhà thơ chưa viết câu thơ nào, họa sĩ chưa vẽ bức tranh nào cũng hạnh phúc hơn cả những người giàu có, hạnh phúc hơn những vị hoàng đế oai hùng hay những kim đồng ngọc nữ của thế gian - vì họ có thể nhìn tường tận cõi người, có thể thoát khỏi những điều phiền muộn, vì họ có thể bước vào cõi thanh tịnh một cách dễ dàng, và cũng vì họ tạo ra được một thế giới nghệ thuật độc đáo, nhờ đó mà có thể thoát khỏi những trói buộc của dục vọng và lòng ích kỷ. Trải đời hai mươi năm, tôi đã hiểu thế giới này là một nơi đáng sống. Sau hai mươi lăm năm thì tôi đã hiểu ánh sáng và bóng tối chỉ là hai mặt của một vấn đề, đã biết rằng bóng sẽ xuất hiện ở bất cứ nơi nào có ánh mặt trời rọi sáng. Và bây giờ, khi ở tuổi ba mươi, tôi nghĩ thế này: niềm vui càng lớn thì nỗi buồn càng mênh mông, sung sướng càng nhiều thì đau khổ càng ghê gớm. Khi ta cố gắng thoát khỏi điều đó thì cuộc sống sẽ chẳng còn gì. Khi ta cố gắng dàn xếp lại thì thế giới sẽ sụp đổ. Tiền bạc là quan trọng, nhưng có nhiều thứ quan trọng thì ta ngủ cũng không yên vì lo lắng. Tình yêu là hạnh phúc, nhưng có hạnh phúc rồi thì người ta càng luyến tiếc cho một quá khứ thiếu tình yêu. Một kẻ quyền cao chức trọng phải làm điểm tựa cho muôn vạn dân thường, phải gánh trên vai sức nặng của toàn đất nước. Không ăn được món ngon thì tiếc. Ăn một chút thì thèm. Mà nếu ních cho đầy bụng thì khó chịu...
Tôi đang miên man suy nghĩ thì chân phải bỗng nhiên vấp phải góc của một tảng đá gồ ghề. Chân trái xoạc mạnh về phía trước để giữ thăng bằng. Và để bớt đau, tôi bèn ngồi nghỉ trên một tảng đá nhẵn nhụi cỡ chừng một mét. May mắn là hộp đựng dụng cụ vẽ tôi mang trên vai chỉ bị xốc nảy lên và tuột xuống ngang hông nhưng không hư hỏng gì.
Khi đứng lên, tôi nhìn về phía trước và thấy ở phía bên trái đường một ngọn núi trông giống như cái thùng lật úp. Trên cái nền không biết là rừng tuyết tùng hay rừng trắc bá xanh thẫm từ gốc đến ngọn, anh đào núi điểm xuyết những khóm hoa màu hồng nhạt mờ ảo trong sương. Ngay trước mắt tôi là một ngọn núi trọc cao vượt lên, đầy vẻ đe dọa. Sườn núi bị trọc phải chăng do một người khổng lồ nào đó đã vạt đi bề mặt lởm chởm và đem chôn xuống đáy thung sâu? Tôi nhìn thấy trên đỉnh núi hình như là một cây thông đỏ. Trông rõ cả khoảng trời lộ ra giữa các cành cây. Con đường trước mắt tôi một quãng bị che khuất, nhưng nhìn thấy bóng người mặc áo khoác màu đỏ đang di chuyển từ trên cao, tôi nghĩ mình có thể leo lên tới chỗ đó. Ðường đi hết sức hiểm trở.
San phẳng đất đai thì chẳng tốn mấy công sức, nhưng trong đất lại có đá to. Dù có sang phẳng đất thì cũng không làm cho đá bằng phẳng được. Người ta có thể đập nát loại đá nhỏ nhưng đá tảng thì không. Những tảng đá cứ điềm nhiên án ngữ ở chỗ đất sụt, không có vẻ gì là muốn nhường đường cho ta. Vì chẳng có cách gì thuyết phục được, ta chỉ còn cách trèo lên để vượt qua hoặc là phải đi vòng qua chúng. Thậm chí những nơi không có đá tảng cũng chẳng dễ đi chút nào. Bên phải bên trái đều nhô cao, ở giữa thì lõm sâu. Có thể hình dung đó là một khoảng đất chỉ rộng chừng hai mét được khoét thành hình tam giác mà đỉnh của nó nằm ở giữa đường. Nói là lội qua sông thì đúng hơn là đi trên đường. Nhưng vì chẳng có gì phải vội nên tôi cứ thong thả chinh phục con đường hiểm trở.
Bỗng ngay phía dưới chân tôi vang lên tiếng chim chiền chiện. Tôi nhìn xuống thung lũng nhưng chẳng thấy bóng dáng chú chim nào đang hót. Chỉ có tiếng hót vẫn thánh thót vang lên. Một chuỗi âm thanh nối tiếp nhau không ngừng nghỉ. Cảm giác như vô số côn trùng đang xâm nhập bầu không khí mênh mông. Trong chuỗi âm thanh ấy không hề có một khoảng lặng nào. Dường như con chim ấy phải hót cho hết những ngày xuân êm ả, hót cả ngày lẫn đêm. Nó cứ không ngừng lên cao, cao mãi. Hẳn là nó chết trong mây trời. Có lẽ nó cứ lên cao mãi rồi lẩn vào trong những đám mây, và hình hài tan biến trong trạng thái bồng bềnh đó, chỉ còn tiếng hót vang vọng giữa bầu trời.
Tôi đi vòng qua một tảng đá sắc cạnh, rẽ ngoặt về bên phải để tránh một chỗ hiểm mà nếu không nhìn thấy trước thì có thể bị ngã chỏng gọng, nhìn xuống phía dưới thì thấy mênh mông hoa cải vàng. Phải chăng, tôi nghĩ, con chim chiền chiện đã rơi về phía đó? Hay có thể chim đã bay lên từ cánh đồng rực vàng kia? Rồi tôi hình dung đàn chim rơi xuống và đàn chim bay lên gặp nhau tạo thành hình chữ thập. Cuối cùng, tôi tưởng tượng rằng trong khi rơi xuống, khi bay lên hay là khi hai đàn chim giao nhau thành hình chữ thập thì những con chim vẫn say sưa hót.
Mùa xuân làm cho mọi thứ đều uể oải. Mèo thì quên cả bắt chuột, người thì quên cả nợ nần. Ðôi khi người ta rơi vào trạng thái ngơ ngẩn mất hồn. Chỉ khi nhìn thấy cánh đồng hoa cải ở đằng xa thì mắt mới bừng tỉnh. Khi nghe tiếng chim chiền chiện thì tâm hồn trở nên trong sáng. Chim chiền chiện không hót bằng miệng mà bằng cả linh hồn. Trong những âm thanh thể hiện sự sống của linh hồn, không có gì mạnh mẽ hơn tiếng hót của loài chim ấy. Ôi, sảng khoái vô cùng! Suy ngẫm như thế này, tận hưởng sự sảng khoái như thế này chính là thi ca vậy.
Chợt nhớ bài thơ về chim chiền chiện của Shelley, tôi thử nhẩm đọc lại những câu mình nhớ, thì chỉ nhớ được có hai ba đoạn. Trong đó có mấy câu thế này:
We look before and after
And pine for what is not:
Our sincerest laughter
With some pain is fraught;
Our sweetest songs are those that tell of saddest thought.
Chúng ta nhìn trước nhìn sau
Và mong mỏi một cái gì không thể
Tiếng cười chân thực nhất của chúng ta
Với nỗi đau tê tái;
Những bài ca ngọt ngào nhất của chúng ta là những bài ca về những suy nghĩ u buồn nhất.
Quả thật nhà thơ dù có hạnh phúc đến đâu thì cũng không thể giống như chim chiền chiện, quên hết mọi điều trước sau để hát lên niềm vui sướng bằng tất cả tâm hồn. Thơ phương Tây thì khỏi phải bàn, còn thơ Trung Hoa cũng có cách diễn đạt như là "vạn cổ sầu". Cái sầu "vạn cổ" của thi nhân có lẽ chỉ là một chút phiền muộn tan trong cốc rượu của người đời. Như vậy so với người bình thường thì thi nhân phải chịu đựng nhiều hơn, vì thần kinh của họ nhạy cảm hơn gấp mấy lần. Họ có những thú vui thanh cao vượt lên trên dục vọng tầm thường, nhưng cũng có những nỗi buồn đau vô hạn. Vậy thì phải là người suy tưởng mới có thể trở thành thi nhân.
Tôi đi qua một quãng đường bằng phẳng, bên phải là ngọn núi rậm rạp cây bụi, bên trái là cánh đồng hoa cải mênh mông. Ðôi lúc chân tôi giẫm phải hoa bồ công anh. Những cánh hoa hình răng cưa bay tản mác khắp nơi, chỉ còn lại một cái lõi màu vàng ở giữa. Khi tôi quay nhìn lại, áy náy vì đã trót giẫm chân trong lúc mải mê nhìn hoa cải, thì thấy nhụy hoa vàng vẫn còn đó giữa đài hoa hình răng cưa. Ôi những bông hoa vô tư! Và tôi lại tiếp tục dòng suy nghĩ.
Có lẽ với thi nhân thì nỗi buồn đã là cố hữu nhưng trong khoảnh khắc nghe tiếng chim chiền chiện thì tâm hồn nhà thơ chẳng vướng chút muộn phiền. Khi ngắm hoa cải cũng thấy lòng rộn ràng vui sướng. Với hoa bồ công anh hay hoa anh đào cũng thế - tôi chợt nhận ra không biết từ lúc nào mình không còn nhìn thấy hoa anh đào nữa. Khi lên miền núi hòa mình với cảnh vật thiên nhiên như thế này, những gì ta nhìn thấy hay nghe thấy đều hết sức thú vị. Không có nỗi buồn riêng nào nảy sinh từ sự thích thú này. Có chăng chỉ là sự mỏi chân, hay là không ăn được những món ngon mà thôi.
Nhưng vì sao mà lại không buồn? Ðơn giản là bởi vì ta ngắm phong cảnh cũng giống như ngắm một bức tranh, và đọc nó như đọc một bài thơ. Khi nhìn phong cảnh như là hội họa hay thi ca thì ta chẳng muốn có đất đai để mà khai thác, cũng không có ý định xây dựng đường sắt để mà thu lợi. Chính phong cảnh này - thứ phong cảnh không làm ra cơm áo hay tiền bạc - lại là phong cảnh khơi dậy niềm vui cho tâm hồn, và vì thế mà không hàm chứa nỗi đau khổ hay sự lo âu. Sức mạnh của tự nhiên đáng quý là ở đó. Chính tự nhiên đã khơi dậy tâm hồn tôi trong khoảnh khắc, gạn lọc cho thuần khiết để đưa vào thế giới trong trẻo của thi ca.
Có lẽ tình yêu cũng đẹp, lòng hiếu thảo cũng tuyệt vời và lòng trung thành hay tình yêu nước cũng rất là đáng quý. Nhưng nếu là người trong cuộc thì ta sẽ bị cuốn vào sự rắc rối của lẽ thiệt hơn, và mờ mắt vì cái đẹp hay là sự cao quý đó. Rốt cuộc ta không nhận ra được thơ ca ở nơi nào.
Ðể hiểu được điều này thì phải đứng ở vị trí của người ngoài cuộc, với sự vô tư để hiểu vấn đề. Chính vì đứng ở vị trí của người thứ ba mà chúng ta thấy kịch hay tiểu thuyết rất là thú vị. Người thích thú với việc xem kịch hay việc đọc tiểu thuyết đều bỏ qua tạm thời những chuyện thiệt hơn của bản thân mình. Anh ta là thi nhân ngay trong lúc xem và đọc ấy.
Tuy nhiên, không thể có chuyện thoát khỏi những cảm xúc của con người trong tiểu thuyết hay trong kịch thông thường. Trong tác phẩm đầy rẫy những đau khổ, giận hờn, ồn ào hay khóc lóc. Và một lúc nào đó người theo dõi cũng đau khổ, giận hờn, ồn ào hay khóc lóc theo. Có lẽ cái hay ở đây là không có sự vụ lợi của bản thân xen vào, nhưng chính vì không vụ lợi mà những tình cảm khác được khơi dậy mạnh mẽ khác thường. Thật khó chịu.
Ðau khổ, giận hờn, ồn ào hay khóc lóc là những chuyện cố hữu trong thế giới con người. Tôi cũng trải qua những điều đó trong ba mươi năm sống ở đời, và ngán đến tận cổ. Thật khổ sở khi đã chán ngấy rồi mà cứ phải xem đi xem lại những thứ này trong kịch hay trong tiểu thuyết. Thứ thơ mà tôi yêu thích không phải là kiểu thơ khơi gợi những cảm xúc tầm thường như vậy. Ðó là loại thơ từ bỏ những ham muốn đời thường, đạt đến sự thanh cao rời xa thế tục dù chỉ trong khoảnh khắc. Không có vở kịch nào, dù xuất sắc, thoát ly tình cảm con người, và cũng rất ít tiểu thuyết vượt qua chuyện đúng sai. Ðặc trưng của những tác phẩm này là không bao giờ thoát ra khỏi thế gian. Còn trong thơ ca phương Tây, vì bám vào những vấn đề của con người, ngay cả thứ thơ mang tinh thần thi ca thuần túy cũng không vượt qua sự tầm thường đó. Thứ thơ ca đó chỉ biết đến sự cảm thông, tình ái, chính nghĩa, tự do - những thứ đầy rẫy trong hội chợ phù hoa của cuộc sống đời thường. Cho dù thơ ca có bay bổng đến đâu thì vẫn bước đi trên mặt đất, không quên được chuyện áo cơm. Shelley mà có nghe tiếng chim chiền chiện thì cũng không khỏi thở dài ngao ngán.
Ðiều đáng mừng là thơ ca phương Ðông đã có những bài thơ thoát ly tình trạng đó.
"Chân rào phía Ðông tìm hái cúc
Ung dung ngắm núi tận trời Nam."
Chỉ những câu thơ thuần khiết như thế này thì mới gợi lên khung cảnh thoát ra ngoài thế giới ngột ngạt. Câu thơ này không chỉ nói về cô gái bên hàng xóm hé nhìn qua hàng rào hay về người bạn đang công tác ở miền núi phía Nam. Nó có thể giúp ta gột sạch những muộn phiền của chuyện được mất hơn thua, đưa ta đến trạng thái vô tư, thoát tục.
"Một mình trong rừng trúc
Ðàn hát chốn thâm u
Người đời không ai biết
Trăng soi sáng tâm tư."
Bài thơ đã mở ra cả một vũ trụ mênh mông chỉ với hai mươi chữ. Cái hay của thế giới thi ca này không phải là cái hay của Hototogisu hay Konjikiyasha 1. Nó là sự tuyệt vời của một giấc ngủ vùi để quên đi mọi thứ, sau khi đã quá mệt mỏi vì những thứ tàu thủy, tàu hỏa, quyền lợi, nghĩa vụ, đạo đức, lễ nghĩa.
Nếu thế kỷ hai mươi cần có những giấc ngủ say như vậy thì thế kỷ hai mươi cũng rất cần loại thơ ca thoát tục. Ðáng tiếc là ngày nay cả nhà thơ và người đọc thơ đều bị ảnh hưởng bởi các nhà văn phương Tây nên chẳng còn ai muốn chèo con thuyền nhỏ thong dong về với chốn đào nguyên cảm xúc. Tôi vốn không phải là một nhà thơ chuyên nghiệp nên không có ý định tuyên truyền hoặc thuyết giáo về cái hay của Vương Duy hay Uyên Minh với thế giới ngày nay. Tôi chỉ nghĩ rằng những cảm hứng như vậy thì bổ ích hơn là những buổi diễn kịch hay vũ hội. Tôi cho rằng nó còn hay hơn cả Faust hay Hamlet. Và chính vì điều đó mà tôi một mình mang giá vẽ cùng với túi họa cụ dấn bước trên con đường núi mùa xuân. Ðó là khao khát được hấp thu không khí tự nhiên trong thơ Uyên Minh, Vương Duy, mong muốn được tiêu dao trong thế giới không có những tình cảm đời thường dù chỉ là chốc lát. Ðó là một nỗi đam mê.
Vì tôi cũng là một con người tồn tại trong thế giới nên tất nhiên là dẫu mong muốn thế nào đi nữa thì chuyện thoát ly tình cảm đời thường cũng không thể kéo dài mãi được. Uyên Minh chẳng phải là người quanh năm ngắm núi Nam, Vương Duy cũng không thể ngủ thỏa thích trong rừng trúc mà không buông màn. Nếu còn thừa hoa cúc thì cứ bán hết cho cửa hàng hoa, măng mọc lên thì bán cho cửa hàng rau quả. Và tôi cũng theo cách đó. Dù có say mê chim chiền chiện và hoa cải, tôi cũng không thể nào vì thoát ly tình cảm mà thành kẻ không nhà sống trong núi được. Và ở tận nơi đây ta cũng gặp gỡ con người. Ðó có thể là những người choàng khăn thắt đai lưng, những cô gái mặc kiểu áo kimono choàng eo màu đỏ, và đôi khi còn gặp những con ngựa mặt dài hơn mặt người. Tuy ở giữa bạt ngàn rừng trắc bá, khoan khoái hít thở không khí ở nơi cao hơn mặt biển hàng mấy trăm thước nhưng vẫn không thể nào rũ bỏ hơi hướng con người. Thật ra, nơi mà tôi sẽ trọ lại tối nay trong chuyến đi leo núi để tìm sự thanh thản là khu nghỉ dưỡng ở suối nước nóng Nakoi.
Nói chung thì sự vật được xác định tùy theo cách nhìn. Leonard de Vinci đã nói với học trò rằng, hãy nghe tiếng chuông kia, chỉ có một cái chuông nhưng tiếng kêu thì có thể nghe thành nhiều kiểu. Một người đàn ông, một người phụ nữ cũng được nhìn nhận theo nhiều cách. Vì đây là chuyến đi để thanh lọc tâm hồn nên có lẽ tôi nhìn con người cũng khác so với khi sống chen chúc trong những con phố chật chội của cõi đời tù túng và ngột ngạt. Dù không thể hoàn toàn thoát ly tình cảm đời thường thì ít nhất khi xem những vở kịch No cổ điển cũng được thưởng thức một chút cảm giác bay bổng. Nhưng trong kịch No cũng có tình cảm đời thường. Không ai dám chắc là mình sẽ không khóc khi xem những vở kịch như Shichikiochi hay Sumidagawa. Tuy nhiên, đó là những vở kịch thể hiện bảy phần kỹ thuật ba phần tình cảm. Những cái hay mà chúng ta cảm nhận được ở kịch No không phải là do kỹ năng sao chép "y nguyên" những xúc cảm đời thường, mà nhờ mấy lớp áo nghệ thuật khoác lên hiện thực "như nó vốn là", và cả những cử động chậm rãi không thể có trong đời thực.
Nếu ta xem những việc xảy ra và những người ta gặp trong những chuyến đi này như những cảnh và vai diễn trong tuồng No thì sao nhỉ? Ðiều đó không có nghĩa là loại trừ triệt để những cảm xúc đời thường, nhưng vì đây là một chuyến đi thanh lọc tâm hồn, nên cùng với việc thoát ly tình cảm thế tục thì tôi cũng cố gắng hết mình để đưa con thuyền tâm hồn tìm về với suối nguồn trong trẻo. Rõ ràng núi Nam hay rừng trúc là những cái khác hẳn về bản chất, và cũng không thể đánh đồng với chim chiền chiện hay hoa cải, nhưng tôi muốn tiếp cận những khung cảnh thiên nhiên này ở khoảng cách gần nhất có thể, và trong khoảng cách đó thử nhìn con người từ cùng một điểm quan sát. Nhà thơ Basho thậm chí còn sử dụng cả cảnh ngựa đái ở đầu giường như một tứ thơhaiku. Từ bây giờ tôi cũng sẽ nhìn tất cả mọi người mình gặp - những nông dân, thị dân, viên chức ở thôn quê hay là những ông già bà cả - như là những hình ảnh được khắc họa trong bức tranh thiên nhiên rộng lớn. Khác với những nhân vật trong tranh vẽ, những người này có cách hành xử không ai giống ai. Tuy nhiên, nếu theo cách làm của một tiểu thuyết gia bình thường - chỉ mải tìm kiếm lý do của những hành động ấy, thâm nhập vào thế giới nội tâm hay giãi bày những vướng mắc đời thường - thì chẳng có gì hay ho cả. Những con người như thế cũng có thể hoạt động.
Có thể xem những nhân vật trong tranh vẽ như là những con người đang hoạt động. Những nhân vật trong tranh vẽ dù có sinh động như thế nào thì cũng không thoát ra ngoài mặt phẳng của bức tranh. Chỉ cần tưởng tượng những nhân vật ấy bước ra khỏi bức tranh, hành động như những con người thực, thì sẽ thấy họ có thể gây gổ với ta hay kỳ kèo hơn thiệt, phiền phức biết bao. Càng phiền phức thì cái đẹp càng khó được nhìn nhận. Từ bây giờ với những người mình gặp, tôi sẽ xem họ như là những nhân vật siêu thực, cao xa, không để cả mình lẫn họ tiếp cận với ánh sáng của tình cảm đời thường. Nếu vậy thì dù đối tượng có hoạt náo đến đâu cũng không dễ làm mình rung động, nên rốt cuộc cũng giống như mình đứng trước bức tranh mà nhìn những hình người trong tranh ồn ào nhảy múa. Chỉ cần đứng cách bức tranh chừng một mét là có thể bình thản ngắm nhìn. Có thể yên tâm mà quan sát. Nói cách khác, nếu không bị chi phối bởi chuyện hơn thiệt thì có thể tập trung quan sát những động tác của họ từ góc nhìn nghệ thuật. Có thể nhập tâm để nhận xét về giá trị thẩm mỹ.
Khi tôi đi đến quyết định như thế thì bầu trời chợt thay đổi một cách kỳ lạ. Tôi cứ ngỡ những đám mây hầm hập vẫn còn giăng trên đầu nhưng không biết từ lúc nào chúng đã tản đi, trở thành một biển mây miên man trải rộng bốn bề, và mưa xuân thánh thót rơi trong cảnh tượng kỳ ảo đó. Tôi đã đi qua đám hoa cải và bây giờ đang đi giữa núi non trập trùng, nhưng vì mưa giăng mờ mịt giống như sương mù nên tôi không biết khoảng cách giữa những ngọn núi là bao xa. Ðôi khi gió thổi dạt những vầng mây trên cao, có thể nhìn thấy phía bên phải mờ mờ sườn núi màu đen. Có vẻ như ở phía trước, bên kia thung lũng lại là một dãy núi. Tôi nhìn thấy chân núi ở ngay bên trái. Từ trong màn mưa mờ mịt thấp thoáng hiện ra cây gì có vẻ như cây tùng. Vừa hiện ra đã lại biến mất. Thật kỳ lạ, tôi không rõ sự biến ảo đó là do mưa, do cây hay là do trạng thái mơ màng.
Ðường đi bất ngờ mở rộng và bằng phẳng nên có thể bước đi thoải mái, nhưng vì không chuẩn bị áo mưa nên tôi phải rảo bước đi nhanh. Những giọt mưa rơi lộp độp từ trên nón. Khi đó từ quãng đường cách chừng mười mét về phía trước có tiếng nhạc ngựa vọng đến, rồi từ trong không gian tối sầm, một người dẫn theo con ngựa thồ đột ngột xuất hiện.
- Quanh đây có chỗ nào nghỉ chân không nhỉ?
- Ði chừng hơn một cây số nữa nữa thì có một quán trà đấy. Ướt hết rồi phải không?
"Hơn một cây số kia à", tôi thầm nghĩ và quay nhìn lại, thì bóng người dẫn ngựa phút chốc đã chìm trong làn mưa, tan biến như một ảo ảnh.
Trước mắt tôi là những giọt mưa mềm mại nặng hạt dần, rồi từng hạt bị cuốn vào trong gió. Lớp áo haori mặc ngoài ướt đẫm, rồi nước thấm vào lớp áo trong, ấm lên vì nhiệt độ cơ thể. Cảm giác hơi khó chịu nên tôi nghiêng nón bước nhanh.
Nếu hình dung con người đang ướt sũng và bước đi trong khoảng trời xám xịt mênh mông, trong màn mưa như vô vàn những mũi tên bạc bay nghiêng này không phải là ta thì sẽ lay động được hồn thơ vậy. Khi quên hết con người cá nhân của mình để có cái nhìn tuyệt đối khách quan thì trước hết, như là những nhân vật trong tranh vẽ, chúng ta giữ được sự hài hòa tốt đẹp với cảnh vật tự nhiên. Còn trong khoảnh khắc khổ sở vì trời mưa, khi mải bận tâm với đôi chân mệt mỏi vì đi bộ thì chúng ta chẳng phải là người của thơ ca hay hội họa. Khi đó ta chẳng qua chỉ là một gã thanh niên của cuộc sống đô thị tầm thường. Không nhìn ra vẻ đẹp của khói tỏa mây bay. Cũng chẳng xao lòng với chim kêu hoa rụng. Một kẻ độc hành buồn bã trên đường núi mùa xuân thì không thể hiểu thế nào là cái đẹp. Khởi đầu, ta cứ nghiêng nón mà đi. Sau đó thì cứ nhìn xuống chân mình, cắm cúi bước. Cuối cùng thì so vai thất thểu. Mưa lay những ngọn cây trước mắt ta và xua chúng về phía kẻ bộ hành đơn độc. Cảnh tượng thật khoáng đạt và hùng vĩ.
Chú thích
1.Hototogisu là tạp chí thơ haiku hiện đại, ra đời vào năm Minh Trị 30 (1897). Konjikiyasha là một tiểu thuyết hiện đại thời Minh Trị của Ozaki Koyo.
Gối Đầu Lên Cỏ Gối Đầu Lên Cỏ - Natsume Sōseki Gối Đầu Lên Cỏ