Chương 3 - Rừng Hoang
ừ lâu Chuột Chũi đã muốn làm quen với bác Lửng. Theo các đánh giá chung, bác ấy dường như là một nhân vật quan trọng đến mức, tuy rất hiếm khi lộ diện, vẫn khiến mọi người cảm thấy ảnh hưởng vô hình của mình ở khắp nơi. Song bất cứ khi nào Chuột Chũi đề cập đến nguyện vọng của mình với Chuột Nước thì nó cũng bị khất lần. “Được rồi!” Chuột Nước thường nói. “Ngày một ngày hai rồi bác Lửng sẽ xuất hiện – bác ấy thế nào rồi cũng xuất hiện – và khi ấy tớ sẽ giới thiệu cậu. Bác ấy thuộc loại cừ khôi nhất đấy. Mà cậu không được đánh giá bác ấy theo cảm tính đâu nhé, phải là đến khi gặp bác ấy đã.”
“Thế cậu không mời được bác ấy đến đây – ăn tối hoặc một cái gì đó ư?” Chuột Chũi nói.
“Bác ấy chẳng chịu đến đâu,” Chuột Nước hồn nhiên đáp. “Bác Lửng không thích giao du và ghét những sự mời mọc, ăn uống, và tất cả những kiểu cách đại loại như thế.”
“Ồ, vậy thì, có lẽ chúng mình đến thăm bác ấy nhỉ?” Chuột Chũi gợi ý.
“Ồ, tớ dám chắc là bác ấy chẳng thích như thế chút nào,” Chuột Nước nói, khá hoảng hốt. “Bác ấy rất chi là nhút nhát, chắc chắn bác ấy sẽ mất lòng. Bản thân tớ chưa bao giờ mạo muội đến thăm bác ấy tại nhà riêng, dù rằng tớ rất thân quen bác ấy. Hơn nữa, chúng mình không thể. Thôi, chuyện này không bàn đến nữa, bởi vì bác ấy sống ở mãi tận giữa khu Rừng Hoang.”
“Ồ, cứ cho là bác ấy sống ở đó,” Chuột Nước nói. “Cậu đã bảo mình là khu Rừng Hoang cũng tốt thôi, cậu biết điều đó mà.”
“Chà, tớ biết, tớ biết, khu rừng ấy cũng tốt thôi,” Chuột Nước thoái thác. “Song tớ nghĩ bọn mình sẽ không tới đó ngay bây giờ. Chưa phải lúc này. Đường xa lắm, mà dù sao thì vào thời kỳ này trong năm bác ấy cũng không có mặt ở nhà. Mà một ngày nào đó bác ấy sẽ qua đây nếu cậu cứ thanh thản mà chờ.”
Chuột Chũi đành phải bằng lòng như vậy. Nhưng bác Lửng chẳng bao giờ tới, và mỗi ngày lại đem đến những trò tiêu khiển mới. Mãi đến khi mùa hè đã kết thúc từ lâu, cái lạnh cùng sương giá và những con đường lầy bùn khiến chúng phải ở nhà rất nhiều, và dòng sông dềnh lên chảy xiết bên ngoài các ô cửa sổ của chúng với một tốc độ giễu cợt bất kỳ cuộc đi chơi nào bằng thuyền, đến nỗi Chuột Chũi bất giác lại suy nghĩ rất lung về bác Lửng lông xám đang cô đơn sống một mình trong hang giữa khu Rừng Hoang.
Trong thời gian mùa đông, Chuột Nước ngủ rất nhiều. Nó đi ngủ sớm và dậy muộn. Suốt ban ngày ngắn ngủi của mình, đôi khi nó nguệch ngoạc viết thư hoặc làm những việc vặt vãnh trong nhà. Và, cố nhiên, bao giờ cũng có những con vật đi ngang qua ghét thăm để tán gẫu, bởi thế có rất chiều chuyện để mà kể, rất nhiều, ý kiến để mà trao đổi về mùa hè đã qua cùng những biến cố của nó.
Khi người ta nhìn lại một chương đã qua thì thấy nó thật là phong phú! Với rất nhiều những minh họa rực rỡ! Hoạt cảnh đầy màu sắc của bờ sông đã diễn tiến đều đều, tự thể hiện thành những trường đoạn nối tiếp nhau trong những cuộc diễu hành trang nghiêm. Cỏ trân châu màu tía đến sớm, giũ những mái tóc rậm rạp rối bù dọc theo viền chiếc gương, tại đó lại thấy chính gương mặt của mình đang cười nhạo. Cỏ tóc tiên, mềm mại và đăm chiêu, giống như một đám mây hồng lúc mặt trời lặn, nhanh nhẹn ra theo. Cỏ Comfri[1], cả màu tía lẫn màu trắng cùng nắm tay nhau rón rén bước ra chiếm vị trí của mình trong hàng; và sau rốt, vào một buổi sáng, hoa tầm xuân rụt rè và chậm trễ đã ý tứ bước ra sân khấu, và người ta biết, như thể nhạc khúc đàn dây đã thông báo rằng những hợp âm trang trọng tới mức lạc điệu thành một vũ khúc gavốt[2], là rốt cuộc tháng Bảy đã tới nơi đây. Người ta vẫn còn chờ đợi một nhân vật của gánh hát: chàng chăn cừu để các nữ thần sông tán tỉnh, chàng hiệp sĩ mà các tiểu thư chờ đợi bên cửa sổ, chàng hoàng tử sẽ hôn lên mùa hạ đang ngủ để tỉnh giấc trở lại với cuộc sống và tình yêu. Nhưng đến khi cỏ mật phóng khoáng và ngát hương trong bộ áo chẽn màu hổ phách duyên dáng bước tới chỗ của mình trong nhóm, thì vở kịch đã sẵn sàng bắt đầu.
Mà vở kịch ấy mới tuyệt vời biết bao! Những con vật lơ mơ ngủ, náu kín trong hang của chúng trong lúc mưa gió đập liên hồi vào các cửa ra vào, hồi tưởng lại những buổi sáng tĩnh lặng và giá buốt, một giờ trước lúc mặt trời mọc, khi sương mù chưa tan còn bám chặt mặt nước sông; rồi sau đó là sự sửng sốt về tiếng nhảy ảo sớm sủa, tiếng chạy nhốn nháo dọc bờ sông và sự biến đổi rặng rỡ của đất trời, mây nước, khi mặt trời bỗng lại đến với chúng, màu xám trở nên vàng, và các sắc màu được tạo ra và lại một lần nữa vụt lên từ mặt đất. Chúng nhớ lại giấc ngủ trưa uể oải vì nóng nực, sâu tít trong những bụi cây thấp xanh rờn, mà mặt trời vẫn xiên vào những mũi tên tí tẹo và những đốm vàng, cuộc đi chơi dọc những con đường nhỏ đầy bụi xuyên qua những đồng lúa vàng; và cuối cùng là buổi tối dài dằng dặc, khi mà biết bao mạch chuyện được tập hợp lại, biết bao tình bạn được hình thành và biết bao cuộc phiêu lưu được trù liệu cho ngày mai. Vào những ngày đông ngắn ngủi ấy có biết bao điều để mà trò chuyện khi những con vật quây quần bên bếp lửa; và mà Chuột Chũi vẫn có rất nhiều thời gian rỗi, và vì thế vào một buổi chiều, khi Chuột Nước đang ngồi trên một chiếc ghế bành trước đống lửa, lúc thì ngủ gà ngủ gật, lúc thì cố sửa lại những vần thơ chưa chỉnh, nó quyết định sẽ đi chơi một mình, sẽ khám phá khu Rừng Hoang, và có lẽ sẽ làm quen với bác Lửng.
Chiều hôm ấy tĩnh lặng và giá rét, bầu trời xám xịt nặng nề khi nó lẻn ra khỏi phòng khách ấm áp và bước ra ngoài trời. Vùng đất trơ trụi hoàn toàn không có cỏ cây trải ra xung quanh nó, và nó nghĩ rằng từ trước đến giờ nó chưa bao giờ biết được nhiều và tường tận về những gì ẩn chứa bên trong vạn vật như vào buổi chiều đông ấy, khi mà Thiên Nhiên đang chìm đắm trong giấc ngủ hàng năm và hầu như đã đạp tung hết cả áo quần. Những bãi cây nhỏ, những thung lũng, những mỏ đá và tất cả những nơi khuất kín – những nơi đã từng là những kho tàng bí ẩn để khám phá vào mùa hè đầy cỏ cây rậm rạp – giờ đây tự phô ra cùng những bí mật của mình một cách thật lâm ly, và dường như đang cầu xin nó lượng thứ cho cảnh nghèo xơ xác của chúng trong một thời gian, cho tới khi chúng lại có thể quậy phá trong vũ hội giả trang sum suê như ngày trước, và lừa gạt, cám dỗ nó bằng những trò bịp bợm cũ. Thực cũng hơi đáng thương, mà cũng đáng phấn khởi – thậm chí đáng vui mừng. Nó hân hoan vì nó thích vùng đất mộc mạc này, thô cứng và bị tước hết đồ trang sức. Nó đã tiếp cận đến cả những phần xương xẩu của vùng đất đó và thấy chúng đẹp đẽ, khỏe mạnh và giản dị. Nó không cần đến đám cỏ ba lá ấm áp, cái lung linh của các loại cỏ non; hầu như những hàng rào cây và những rặng sồi và du dập dờn như sóng là thú vị hơn cả. Và, trong lòng vui vẻ, nó tiếp tục đi về phía khu Rừng Hoang đang trải ra phía trước, xơ xác và hăm dọa, như một vách đá ảm đạm tại một vùng biển lặng phương Nam.
Chẳng có gì khiến nó hoảng hốt lúc thoạt bước vào rừng. Những cành cây con gãy răng rắc dưới chân nó, những khúc gỗ ngoéo chân nó, nấm trên các gốc cây giống như những bức biếm họa và khiến nó giật nảy mình vì thấy chúng giống cái gì quen thuộc mà lại xa vời; nhưng tất cả đều vui nhộn và hứng thú. Cảnh vật dẫn nó đi tiếp và nó lọt vào nơi có ít ánh sáng hơn, và cây cối ngày càng rạp xuống gần nó hơn, và hang hốc ở hai bên đường đang ngoác miệng nhăn nhó ghẹo nó.
Lúc này vạn vật đều rất tĩnh lặng. Hoàng hôn cứ đều đều và nhanh chóng tiến gần, mỗi lúc một dày đặc cả phía trước lẫn phía sau nó, còn ánh sáng dường như cứ cạn dần như thủy triều rút đi.
Rồi những bộ mặt bắt đầu xuất hiện.
Thoạt đầu nó nghĩ vừa nhìn thấy lờ mờ một cái mặt phía trên vai mình; một cái mặt lưỡi cày xấu xí nhìn nó từ trong một cái hang. Khi nó ngoái cổ lại nhìn thì nó đã biến mất.
Nó rảo bước, vừa đi vừa vui vẻ tự nhủ mình đừng có bắt đầu tưởng tượng nhiều, nếu không, dòng tưởng tượng sẽ chẳng bao giờ dứt. Nó đi ngang qua một cái hang, một cái nữa và lại một cái nữa và rồi – đúng! – không phải! – đúng! chắc chắn là một khuôn mặt nhỏ bé có cặp mắt nghiêm khắc vừa vụt hiện ra trong tích tắc từ một cái hang rồi lại biến mất. Nó do dự rồi cố thu hết nghị lực mà bước tiếp. Rồi bỗng nhiên, mà cứ như thể suốt nãy giờ chuyện gì cũng đột ngột như thế cả, mỗi cái hang – mà xa gần khắp nơi có hàng trăm cái – dường như đều có một cái mặt, xuất hiện và nhanh chóng biến mất, tất cả đều đổ dồn nhìn nó một cách ác ý và căm hờn: bộ mặt nào cũng có cặp mắt khó chịu, hãm tài và ma mãnh. Nó nghĩ nếu có thể tránh xa những cái hang ở hai bờ sông thì sẽ không còn thấy những bộ mặt ấy nữa. Nó rẽ ngoặt khỏi con đường mòn và bước liều vào những nơi chưa ai từng đặt chân tới trong khu rừng.
Rồi bắt đầu có tiếng huýt sáo.
Khi nó mới thoạt nghe, âm thanh ấy còn rất mờ nhạt và lanh lảnh, và xa tít phía sau; song không hiểu vì sao nó vẫn khiến Chuột Chũi hối hả bước tới. Rồi, vẫn mờ nhạt và lanh lảnh, âm thanh đó lại vang lên tít xa phía trước khiến cu cậu do dự, muốn quay trở lại. Trong lúc cu cậu dừng bước, còn đang ngập ngừng do dự thì tiếng huýt sáo ấy lại chợt vang xa khắp chiều dọc khu rừng tới ranh giới tận cùng. Bọn chúng hiển nhiên đã tới, nhanh nhẹn và sẵn sàng, dù bọn chúng là ai! Còn cu cậu – đơn đậu, tay không, chẳng có ai giúp đỡ; mà màn đêm lại thẫm dần.
Rồi bắt đầu có những tiếng lộp độp.
Thoạt đầu nó nghĩ đó chỉ là lá rơi, âm thanh rất khẽ và mảnh. Nhưng rồi âm thanh đó to dần và có nhịp đều đều và nó biết rõ đó chính là tiếng thình thịch của những bàn chân nhỏ còn ở mãi tít xa. Không biết là ở phía trước hay phía sau? Thoạt nghe dường như ở phía trước, rồi lại ở phía sau, rồi ở cả hai phía. Âm thanh ấy cứ to dần và ngày một nhiều và khi nó ngả người về mọi hướng mà lắng nghe với vẻ đầy lo ngại thì âm thanh ấy vang lên tứ phía và dương như đang ngày một gần và bao quanh nó. Khi nó đứng yên để lắng nghe thì một chú thỏ lao vút qua hàng cây về phía nó. Nó chờ đợi, chắc rằng thỏ sẽ chạy chập lại hoặc rẽ sang một hướng khác. Nào ngờ, con vật này chạy vụt qua suýt thì va vào nó, vẻ mặt nghiêm nghị và khó chịu. “Đi khỏi nơi này, đồ ngu, đi ngay!” Chuột Chũi nghe thấy nó vừa lẩm bẩm vừa rẽ ngoặt qua một gốc cây rồi mất hút vào một cái hang thuận tiện gần đó.
Tiếng lộp bộp ngày một to dần cho tới khi nghe như mưa đá bất chợt rơi trên thảm lá khô trải khắp xung quanh. Cả khu rừng dường như đang chạy, đang cố chạy, đang săn đuổi, đang bao vây một cái gì đó hoặc – một ai đó? Hốt hoảng, nó cũng chạy, vu vơ, nó chẳng biết phải chạy đi đâu. Nó đâm sầm vào những cái gì đó, nó ngã lăn trên những cái gì đó và trong những cái gì đó, nó lao đi dưới những vật gì đó và vòng né quanh những vật gì đó. Cuối cùng, nó ẩn mình trong một cái hốc tối tăm của một cây sồi già – vừa là nơi trú ẩn, có lẽ thậm chí còn được an toàn, nhưng ai mà dám chắc? Dù sao thì nó cũng đã quá mệt, không thể chạy thêm nữa và chỉ có thể rúc vào đám lá khô đã chất đống trong hốc cây mà hy vọng tạm thời được an toàn. Và, trong lúc nằm đó mà thở hổn hển, run rẩy và lắng nghe những tiếng huýt sáo và âm thanh lộp bộp bên ngoài, cuối cùng nó hiểu ra thật đầy đủ cái điều dễ sợ mà các cư dân nhỏ bé trên cánh đồng và trong các hàng cây bờ rào đã gặp phải ở đây, và được xem là khoảnh khắc đen tối nhất của chúng – cái mà lúc trước Chuột Nước đã cố tranh cho nó mà không được – Nỗi Kinh Hoàng của khu Rừng Hoang!
Trong thời gian đó, Chuột Nước ấm áp và thoải mái, đang ngủ gà ngủ gật bên lò sưởi. Tờ giấy viết những câu thơ dở dang của nó đã tuột khỏi đầu gối, đầu nó ngả ra phía sau, miệng nó mở ra, và nó lang thang dọc theo nhưng bờ đê đầy cỏ xanh của những dòng sông trong cõi mộng. Rồi một hòn than lăn ra, bếp lò kêu lách tách và phụt ra một tia lửa khiến cu cậu giật mình tỉnh giấc. Nhớ lại những gì mình đã làm khi nãy, nó với tay xuống sàn nhà nhặt những câu thơ, nghiềm ngẫm một lát rồi nhìn quanh tìm Chuột Chũi để hỏi xem thằng bạn có biết một vần nào hay cho câu này hoặc câu khác.
Song Chuột Chũi không có mặt ở đó.
Nó lắng nghe một lát. Căn nhà dường như rất yên tĩnh.
Nó gọi to “Chuột Chũi ơi!” dăm lần, và khi không thấy tiếng trả lời, nó đứng dậy và bước ra phòng khách.
Không thấy cái mũ của Chuột Chũi trên cái móc mọi khi. Cả đôi giày cao su của cu cậu, thường vẫn nằm cạnh cái giá cắm dù, cũng đã biến mất.
Chuột Nước rời khỏi nhà và cẩn thận quan sát mặt bùn trên nền đất bên ngoài, hy vọng sẽ tìm thấy dấu chân Chuột Chũi. Thì đây kia, rõ rành rành. Đôi giày cao su còn mới, vừa mua để dùng cho mùa đông, và những đốm trên gót còn sắt nét. Nó có thể nhìn thấy những dấu ấn của gót giày trên mặt bùn chạy một mạch đầy dụng ý vào thẳng khu Rừng Hoang.
Chuột Nước lộ vẻ nghiêm trọng và đứng suy nghĩ rất lung mất một hai phút. Sau đó nó quay trở lại trong nhà, buộc dây đai quanh bụng, nhét hai khẩu súng lục vào đó, cầm lấy cái dùi cui chắc nịch ở góc phòng rồi rảo bước khởi hành tới khu Rừng Hoang.
Lúc nó đến đám cây đầu tiên ở ven rừng thì trời đã gần tối và nó vừa lao vào khu rừng không chút do dự vừa lo lắng nhìn hai bên để tìm bất kỳ dấu vết nào của bạn mình. Lác đác đó đây những bộ mặt hiểm độc ló ra khỏi hang rồi lại biến mất ngay khi nhìn thấy con vật dũng cảm ấy cùng đôi súng lục và cái dùi cui đáng sợ trong tay; và tiếng huýt sáo cùng âm thanh lộp bộp mà nó đã nghe rất rõ lúc mới vào rừng tắt dần và ngừng hẳn, và tất cả khu rừng đều rất yên tĩnh. Nó dũng mãnh tiến bước dọc khu rừng, tới tận bìa rừng xa nhất, rồi hẳng cần theo các đường mòn, nó quyết định băng qua rừng, vừa đi vừa cần mẫn quan sát toàn bộ mặt đất và luôn cất tiếng vui vẻ gọi to “Chuột Chũi ơi, Chuột Chũi, Chuột Chũi! Cậu ở đâu thế? Tớ đây mà – Thằng bạn chí cốt Chuột Nước đây mà!”
Lùng sục khắp khu rừng khoảng hơn một giờ đồng hồ thì cuối cùng, nó thật vui mừng khi nghe thấy một tiếng kêu nhỏ nhẹ đáp lại. Lần theo âm thanh ấy, nó len lỏi qua bóng tối ngày một dày đặc tới gốc một cây sồi già có một cái hốc, và từ cái hốc đó một giọng yếu ớt vọng ra: “Chuột Nước! Có thật là cậu không đấy?”
Chuột Nước bò vào trong hốc, và tại đó nó thấy Chuột Chũi đã mệt lử và còn đang run rẩy. “Ôi, Chuột Nước!” nó kêu lên. “Nãy giờ tớ hoảng quá, cậu chẳng hình dung nổi đâu!”
“Ồ, tớ rất hiểu,” Chuột Nước dịu dàng nói. “Lẽ ra cậu chẳng nên bỏ đi và làm điều đó, Chuột Chũi ạ. Tớ đã cố hết sức ngăn cậu. Bọn cư dân bờ sông chúng tớ cũng hiếm khi đến đây một mình. Nếu phải đến, ít nhất chúng tớ cũng đi từng đôi, như thế nói chung chúng tớ được an toàn. Hơn nữa, người ta còn phải biết đến cả trăm điều – mà tất cả bọn tớ đều biết, còn cậu thì chưa. Ý tớ muốn nói về các mật khẩu, ký hiệu, và những châm ngôn có quyền năng và hiệu lực; và phải lặp đi lặp lại, những mánh khóe và thủ đoạn cậu phải thực hành; tất thảy đều khá đơn giản khi mà cậu đã biết, nhưng mà cậu phải biết những thứ đó nếu cậu nhỏ thó, nếu không, cậu sẽ gặp rắc rối. Cố nhiên, nếu cậu là bác Lửng hoặc anh Rái Cá thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác.”
“Nhất định là anh bạn Cóc gan dạ chẳng ngại gì việc đến đây một mình, phải không?” Chuột Chũi hỏi.
“Thằng Cóc ấy à?” Chuột nước vừa trả lời vừa cười rộ lên. “Nó chẳng chịu vác mặt đến đây một mình đâu, có các cả núi vàng[3], thằng Cóc cũng chẳng dám.”
Chuột Chũi rất phấn chấn vì tiếng cười hồn nhiên của Chuột Nước và cũng vì nhìn thấy cái dùi cui và hai khẩu súng lục sáng loáng của cu cậu. Nó hết run và bắt đầu cảm thấy bạo dạn và bình tĩnh hơn.
“Mà này,” lát sau Chuột Nước nói, “chúng mình phải thật sự bình tĩnh lại và lên đường trở về nhà trong lúc trời còn hơi sáng. Cậu biết đấy, ngủ qua đêm ở đây chẳng bao giờ ổn đâu. Ít ra thì ở đây cũng quá lạnh.”
“Chuột Nước thân mến, “ Chuột Chũi tội nghiệp nói, “Tớ rất lấy làm tiếc song chẳng qua là vì tớ đã mệt lử, mà đó là sự thật rành rành. Cậu phải để cho tớ nghỉ ở đây thêm lát nữa cho lại sức cái đã, nếu như tớ nhất thiết phải về nhà.”
“Ồ, cũng được,” Chuột Nước hiền hậu nói, “cứ nghỉ ngơi đi. Dù sao lúc này trời cũng gần tối như mực rồi, lát nữa thế nào cũng có trăng.”
Thế là Chuột Chũi rúc sâu vào đám lá khô mà nằm duỗi thẳng chân tay và lát sau đã ngủ thiếp đi, tuy giấc ngủ chập chờn không được yên lành. Trong khi đó Chuột Nước cũng cố mặc thật ấm, và kiên nhẫn nằm chờ, với một khẩu súng lục trong tay.
Cuối cùng, khi Chuột Chũi tỉnh giấc, khỏe khoắn ra nhiều và lại khí thế như thường lệ, Chuột Nước nói, “Mà này! Tớ ra ngoài một chút xem có động tĩnh gì không và sau đó chúng mình nhất định phải rời khỏi đây.”
Nó bước tới lối ra của con đường rút lui và thò đầu ra ngoài, sau đó Chuột Chũi thấy nó khẽ nói cho bản thân nó nghe: “Ô kìa! Ô kìa! Có – đi được rồi!”
“Có chuyện gì thế hả, Chuột Nước?” Chuột Chũi hỏi.
“Có chuyện tuyết,” Chuột Nước trả lời ngắn gọn: “nói đúng hơn là có tuyết rơi. Tuyết rơi nhiều lắm.”
Chuột Chũi bước đến, khom mình bên cạnh nó và, khi nhìn ra bên ngoài nó thấy khu rừng ban nãy khủng khiếp biết bao đối với nó giờ đây đã có một diện mạo hoàn toàn khác. Các hang dốc, hồ ao, cạm bẫy cùng những mối hiểm họa khác đối với du khách bộ hành đang nhanh chóng biến mất và một tấm thảm long lanh huyền ảo đang xuất hiện khắp mọi nơi. Tấm thảm nom quá ư thanh tú không thể dành cho những bàn chân thô bạo giẫm lên. Một thứ bột mịn tràn ngập không gian, mơn man trên má và lưu lại một thoáng dấu vết khi tiếp xúc, còn những thân cây màu đen lồ lộ trong một thứ ánh sáng hầu như từ phía dưới hắt lên.
“Chà, chà, không xong rồi,” Chuột Nước nói sau khi đã cân nhắc. “Có lẽ chúng mình phải liều xuất phát thôi. Tệ hại nhất là tớ không biết chúng mình đang ở đâu. Mà bây giờ tuyết rơi thế này khiến mọi thứ nom đều rất khác lạ.”
Quả đúng như vậy, Chuột Chũi cũng không biết nổi rằng khu rừng vẫn là khu rừng ấy. Tuy nhiên, chúng vẫn gan dạ khởi hành và đi theo hướng có vẻ nhiều triển vọng nhất, vừa đi vừa nắm chặt tay nhau và ra vẻ vô cùng hoan hỉ mỗi khi nhận ra một người bạn cũ tại mỗi gốc cây đang lặng lẽ và hằn học chào chúng hoặc nhìn thấy những cái lỗ, kẻ nứt hoặc con đường rẽ có vẻ quen thuộc trong cái không gian trắng xoác một màu cùng những thân cây đen sì không chịu biến đổi.
Khoảng một hai giờ sau – chúng không nhớ được là đã đi được bao lâu – chúng dừng lại, chán nản, mệt mỏi và vô cùng bối rối. Chúng ngồi xuống một thân cây đổ để nghỉ lấy hơi và cân nhắc xem sẽ phải làm gì. Chúng mệt mỏi đến ê ẩm và mình mẩy thâm tím vì vấp ngã – trước đó chúng đã ngã vào dăm cái hố và ướt sũng. Tuyết ngày một dày đến nỗi chúng hầu như không thể kéo lê những cái chân nhỏ bé qua được và cây cối ngày một rậm rạp và giống nhau hơn bao giờ hết. Khu rừng này như thể không có điểm tận cùng, và cũng không có điểm khởi đầu, chỗ nào cũng giống chỗ nào, và tệ hại nhất là không có lối ra.
“Chúng mình không thể ngồi đây quá lâu,” Chuột Nước nói. “Chúng mình sẽ phải gắng sức thêm một lần nữa và thực hiện một điều gì đó. Cái lạnh dù sau cũng thật quá dễ sợ, còn tuyết chẳng mấy chốc sẽ dày đến mức chúng mình không thể lội qua được. “Nó nhìn kỹ xung quanh và suy xét. “Nghe này,” nó nói tiếp, “tớ bỗng nảy ra ý nghĩ thế này. Trước mặt chúng mình có một thung lũng nhỏ ở bên dưới, tại đó địa hình dường như toàn những đồi và gò đống. Chúng mình sẽ tìm đường xuống dưới đó và cố tìm lấy một chỗ ẩn náu gì đó, một cái hang hoặc một cái lỗ có nền đất khô, tránh được tuyết và gió, và chúng mình sẽ nghỉ ngơi thoải mái ở đó trước khi nổ lực một lần nữa vì cả hai đứa mình đều mệt lử rồi. Hơn nữa, tuyết có thể sẽ ngừng rơi, hoặc một chuyện gì đó có thể xảy ra.”
Thế là chúng lại đứng dậy và gắng sức đi xuống thung lũng, tại đó chúng sục sạo khắp nơi kiếm một cái hang hoặc một chỗ kín đáo vừa khô ráo vừa tránh được gió rét và bụi tuyết quay cuồng. Chúng còn đang xem xét một trong những khoảnh đất có gò đống mà khi nãy Chuột Nước đã nói tới thì bỗng Chuột Chũi bị vấp, ngã vật về phía trước và kêu ré lên.
“Ôi, cái chân của tôi!” nó kêu to. “Ôi, cái cẳng chân khốn khổ của tôi!” rồi nó ngồi nhỏm dậy trên đống tuyết và ôm lấy cái chân đau bằng cả hai tay.
“Anh bạn Chuột Chũi tội nghiệp!” Chuột nước hiền hậu nói. “Hôm nay dường như cậu không may mắn lắm, phải không? Chúng mình hãy xem cái chân thế nào đã. Ồ,” nó vừa nói vừa quỳ xuống để nhìn, “cậu bị một vết cắt ở ống quyển, chắc chắn là thế. Hãy khoan, để tớ tìm cái khăn tay của tớ rồi tớ sẽ buộc cho cậu.”
“Chắc là tớ đã vấp phải một cành cây hoặc một gốc cây bị che khuất,” Chuột Chũi nói, giọng đau khổ. “Ôi chao! Ôi chao!”
“Vết cắt ấy rất gọn,” Chuột Nước vừa nói vừa xem xét lại vết thương thật kỹ càng. “Vết đó không bao giờ do một cành cây hay một gốc cây gây ra. Nom có vẻ như do một cạnh sắc của một vật gì đó bằng kim loại gây ra. Thật là lạ!” Nó suy nghĩ một lát rồi xem xét các gò và dốc xung quanh chúng.
“Ồ, đừng bận tâm về gì[4] gây ra nó,” Chuột Chũi nói, trong cơn đau cu cậu quên cả ngữ pháp. “Đằng nào thì cũng cứ đau, gì gây ra cũng thế mà.”
Song Chuột Nước, sau khi buộc cái chân đau của bạn bằng chiếc khăn tay của mình, đã rời đi và đang hối hả cạo tuyết. Nó hết cào lại xúc rồi lại khảo sát tỉ mỉ, cả bốn chân làm việc tất bật trong lúc Chuột Chũi sốt ruột chờ đợi, chốc chốc lại bình luận, “Ồ, cố lên nào, Chuột Nước à!”
Bỗng Chuột Nước kêu to “Hoan hô!” và rồi lại “Ho-o-an hô!” và bắt đầu thực hiện một điệu nhảy jig[5] yếu ớt trên tuyết.
“Cậu đã tìm thấy cái gì rồi hảy, Chuột Nước?” Chuột Chũi hỏi, vẫn còn đang ôm chân.
“Lại đây mà xem!” Chuột Nước vừa vui sướng trả lời vừa tiếp tục nhảy tung tăng.
Chuột Chũi tập tễnh bước tới hiện trường và ngắm nhìn thật kỹ.
“Ồ,” cuối cùng nó chậm rãi nói, “Tớ nhìn thấy vật đó rất rõ. Trước kia tớ đã thấy loại đồ vật này, rất nhiều lần rồi. Một thứ quen thuộc mà tớ gọi là cái nạo bùn đế giày[6]! Chà, có gì lạ nào? Việc gì mà cậu cứ nhảy điệu jig quanh một cái nạo bùn đế giày cơ chứ?
“Nhưng cậu không thấy nó có ý nghĩa gì à, cậu – cậu là con vật kém thông minh, phải không nào?” Chuột Nước khó chịu kêu lên.
“Cố nhiên tớ hiểu ý nghĩa của nó,” Chuột Chũi trả lời, “Chẳng qua ý nghĩa của nó là một kẻ bất cẩn và hay quên đã bỏ mặc cái nạo bùn đế giày của mình nằm đâu đó giữa khu Rừng Hoang, đúng vào cái chỗ mà nó chắc chắn sẽ khiến mọi người vấp ngã. Một kẻ rất vô tâm, tớ cho là thế. Khi trở về nhà, tớ sẽ khiếu kiện việc này với – với người này hoặc người khác, cậu cứ chờ xem, tớ không chịu đâu!”
“Trời ơi là trời!” Chuột Nước kêu to, thất vọng vì sự trì độn của bạn mình. “Nghe đây nào, đừng lý sự nữa, lại đây mà cạo tuyết đi!” Rồi nó lại lao vào công việc khiến tuyết văng ra khắp tứ phía quanh mình.
Hì hục thêm một lát, những nỗ lực của nó đã được đền đáp, một tấm thảm chìu chân sờn cũ đã lộ ra trước mắt.
“Đó, tớ đã bảo cậu cái gì nào?” Chuột Nước kêu lên, giọng đắc thắng.
“Cậu tuyệt đối chẳng bảo tớ bất kỳ cái gì sất,” Chuột Chũi trả lời, hoàn toàn trung thực. “Mà này,” cu cậu nói tiếp, “cậu dường như lại tìm được một mẩu rác người ta dùng xong rồi vứt đi, và tớ chắc là cậu vô cùng sung sướng. Nếu cần, cậu cứ tiếp tục nhảy điệu jig của cậu quanh cái vật ấy thì hơn, sau đó thì chấm dứt đi và có lẽ bọn ình có thể đi tiếp chứ đừng lãng phí thêm chút thì giờ nào vào những đống rác nữa. Bọn mình có thể ăn được cái thảm chùi chân không nào? Hay là đắp tấm thảm chùi chân mà ngủ? Hay là ngồi trên tấm thảm chùi chân mà trượt tuyết về nhà, hả cậu gặm nhấm nhiễu sự?”
“Cậu – định – bảo –là,” Chuột Nước bị kích động kêu lên, “cái thảm chùi chân này không kể cho cậu bất kỳ điều gì ư?”
“Thật sự là vậy, Chuột Nước ạ,” Chuột Chũi nói, giọng rất giận dỗi, “Tớ nghĩ bọn mình đã chơi quá đủ cái trò điên rồi này rồi. Ai đã từng nghe nói về một tấm thảm chùi chân kể một điều gì với một ai đó? Những tấm thảm chùi chân không làm điều đó. Chúng hoàn toàn không phải cái loại như vậy. Chúng biết vị trí của mình.”
“Hãy nghe đây, cậu – cậu là đồ con vật đần độn,” Chuột Nước trả lời, giận dữ thật sự, “dừng cái lý sự ấy ngay đi. Đừng nói thêm một lời nào nữa, mà hãy cạo – cạo và cạo và đào và tìm kiếm xung quanh, đặc biệt là ở sườn các gò đống, nếu cậu muốn có được giấc ngủ khô ráo và ấm áp đêm nay, bởi vì đó là cơ hội cuối cùng của chúng mình!”
Chuột Nước vừa hăng hái tấn công vào một gờ tuyết bên cạnh chúng vừa dùng dùi cui của nó mà thăm dò khắp mọi chỗ và rồi nó đào thật cuồng nhiệt; còn Chuột Chũi cũng cặm cụi cào, để làm ơn cho Chuột Nước chứ không phải vì bất kỳ lý do nào khác, bởi nó cho rằng bạn mình bắt đầu lẩn thẩn rồi.
Sau khoảng mười phút làm việc vất vả, đầu dùi cui của Chuột Nước đập vào một vật gì nghe có vẻ rỗng. Nó tiếp tục làm việc cho tới khi có thể thò một bàn tay xuống sờ xem; sau đó nó gọi Chuột Chũi đến giúp. Hai con vật cố gắng hết sức cho tới khi cuối cùng thành quả lao động của chúng hoàn toàn phô ra trước anh chàng Chuột Chũi kinh ngạc và cho tới giờ vẫn còn hoài nghi.
Bên trong sườn của cái khi nãy dường như là một gờ tuyết có một cửa ra vào nhỏ nom có vẻ chắc chắn, sơn màu lục thẫm. Cạnh cửa là một sợi dây chuông bằng sắt, và phía dưới, trên một tấm biển đồng nhỏ có khắc những chữ hoa hình vuông mà chúng có thể dọc được nhờ có ánh trăng:
ÔNG LỬNG
Chuột Chũi ngã ngửa trên tuyết chỉ vì quá ngạc nhiên và vui sướng. “Chuột Nước!” nó kêu lên, giọng ăn năn hối lỗi, “cậu quả là phi thường, phi thường thật sự, thật thế đấy. Bây giờ tớ hiểu tất cả rồi! Cậu đã lý giải được điều đó, từng bước một, trong đầu óc uyên bác của cậu, ngay từ lúc tớ bị ngã cứa đứt chân. Cậu đã nhìn vết cắt và lập tức cái đầu đường bệ của cậu đã tự nhủ ‘Cái nạo bùn đế giày!’ Rồi sau đó cậu xoay trần ra làm việc và tìm thấy đúng cái nạo bùn đế giày đã gây ra vết cắt đó! Cậu có dừng lại ở chỗ này không? Không. Vài người khác có thể đã rất hài lòng; còn cậu thì không. Trí năng của cậu tiếp tục làm việc. Cậu tự nhủ, ‘Hãy để ta tìm được chỉ một tấm thảm chùi chân thôi là lập luận của ta sẽ được minh chứng!’ Và cố nhiên cậu đã tìm thấy tấm thảm chùi chân ấy. Cậu quá ư thông minh, tớ tin là cậu có thể tìm được bất kỳ vật gì cậu thích. ‘Nghe đây,’ cậu nói. ‘cái cửa ấy có tồn tại, rõ mồn một như thể ta nhìn thấy nó. Chẳng còn việc gì phải làm ngoại việc đi tìm nó!’ Chà, tớ đã đọc được những điều như vậy trong sách vở nhưng tớ lại chưa bao giờ gặp trong đời thực. Cậu cần phải đến nơi nào người ta đánh giá đúng về cậu. Cậu ở đây với bọn chúng tớ chỉ tổ phí hoài. Giá mà tớ có được cái đầu của cậu, Chuột Nước –“
“Song vì cậu không có,” Chuột Nước ngắt lời, giọng khá tàn nhẫn, “Có lẽ cậu nên ngồi trên tuyết suốt đêm mà lải nhải? Đứng dậy ngay đi và níu lấy cái dây chuông cậu thấy đằng kia rồi rung thật lực vào trong lúc tớ đập cửa!”
Trong lúc Chuột Nước tấn công cánh cửa bằng chiếc dùi cui của mình thì Chuột Chũi nhảy vọt lên sợi dây chuông, túm chặt lấy nó mà đánh đu ở đó, hai chân nhấc hẳn khỏi mặt đất, và chúng có thể nghe thấy tiếng chuông trầm trầm mờ nhạt đáp lại từ tít xa.
1. Comfrey: một loài cỏ có độc tính, được dùng làm thuốc – ND.
2. Gavotte: một vũ điệu cổ của người Pháp, vui và nhanh – ND.
3. Núi vàng: một cái mũ đựng đầy những đồng guineas bằng vàng, (trong nguyên bản) – ND.
4. Gì: lẽ ra phải nói vật gì hoặc cái gì – ND.
5. Jig: tên một vũ điệu có nhịp nhanh – ND.
6. Scraper hoặc door-scraper: dụng cụ bằng kim loại để nạo bùn ở đế giày những khi trời mưa trước khi bước vào nhà. Dụng cụ này luôn được để ngay ngoài cửa ra vào – ND.
Gió Qua Rặng Liễu Gió Qua Rặng Liễu - Kenneth Grahame Gió Qua Rặng Liễu