Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Duyên Anh Và Tôi
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 4
M
ột buổi tối cuối tháng hai, 1988, chúng tôi ngồi bên hai phin cà phê, dưới hàng hiên nhìn ra con đường Lake. Duyên Anh đốt thuốc liên tục, nuốt khói, rồi ngửa cổ thả những vòng tròn hình chữ “ O”. Tôi hỏi anh về thời kỳ làm báo Xây Dựng. Duyên Anh cười vui:
- Thú vị lắm em ạ, là cái thời kỳ này! Mình có cảm tưởng công việc viết lách của mình cũng giúp ích được cho một số người đáng được giúp đỡ. Anh muốn nói đến những người thấp cổ bé miệng, không có tiền hối lộ viên chức chính quyền hay thuê luật sư. Họ biết trông cậy vào ai nữa, ngoài mấy thằng nhà báo như bọn anh?
- Trong thời gian viết báo này, có vụ nào anh cho là ngoạn mục nhất?
- Vụ đồn điền cao su Xuân Lộc.
Tôi nói:
- Anh kể đầu đuôi vụ này em nghe coi.
Duyên Anh chậm rãi:
- Như thế này nhá…Thật ra, cũng chẳng có gì ghê gớm cả. Đồng bào di cư Nùng được phép canh tác trên đất của đồn điền cao su từ thời ông Diệm. Bọn Tây đồn điền muốn bán đất, nên hối lộ cho chính quyền tỉnh Long Khánh và tòa án Biên Hòa, để ra án lệnh trục xuất đồng bào di cư. Mọi thứ đã xong xuôi cả rồi. Coi như đồng bào chỉ còn có việc thu dọn đồ đạc, đi kiếm chỗ khác sinh sống thôi.
- Anh có lên tận nơi quan sát không?
- Có. Ông Lãm bảo anh lên. Có cả phóng viên mấy tờ báo khác nữa. Lúc mới xuống đến nơi, anh nghĩ ông Lãm gửi anh đi làm một chuyện thừa thãi. Vì tụi nó dàn xếp với nhau cả rồi mà. Giấy tờ chúng nó ký cả rồi.
- Anh có tiếp xúc với đồng bào chứ?
- Dĩ nhiên. Hôm ấy, phe Tây đồn điền dẫn theo một thằng thừa phát lại. Thấy nó cứ xum xoe với mấy thằng Tây, anh đã bực mình rồi. Chính cái thằng thừa phát lại mất dạy này mới là cảm hứng cho mấy bài báo của anh trên Xây Dựng.
- Mất dạy như thế nào?
- Anh hỏi nó là tòa đã ra án lệnh chưa, và có thể cho chúng tôi xem không. Nó bảo “Anh là cái gì mà đòi xem án lệnh?” Anh bảo “ Chúng tôi là nhà báo”. Nó đòi anh trình thẻ nhà báo cho nó xem. Anh bảo “Ông không có quyền gì xem thẻ ký giả của tôi cả. Ông không muốn cho xem, thì chúng tôi đi về”. Thế là anh đi về. Và sáng hôm sau, Xây Dựng chơi một bài tám cột anh viết, ký tên Mõ Báo. Cái tựa nghe nổ như tạc đạn “Toà Án Biên Hòa và Chính Quyền Xuân Lộc Cấu Kết với Thực Dân Tây Đồn Điền Tiêu Diệt Đồng Bào Di Cư Nùng”
Duyên Anh cười phá lên rồi tiếp:
- Đ.m, thế là ta đặt lên thành vấn đề chính trị. Ngay lập tức, cha con chúng nó hoảng mẹ nó lên! Nguyên do cũng chỉ vì thằng thừa phát lại hỗn với anh thôi. Giá mà nó khiêm tốn hơn một tí, bảo anh “ Dạ đây, án lệnh đây, mời ông xem” thì đã đâu có chuyện gì. Bọn Tây đồn điền gọi điện thoại thương lượng với ông Lãm. Anh có mặt ở tòa soạn lúc chúng nó gọi…
- Họ đề nghị những gì?
- Chúng nó bảo, nếu anh bằng lòng ngưng loạt bài chửi chúng nó, chúng nó sẽ tặng cho anh hai trăm ngàn…
- Hai trăm ngàn vào thập niên 60 cũng khá lớn đấy chứ? Anh còn nhớ năm nào không? Và hồi đó, lương tháng anh được bao nhiêu?
- Dĩ nhiên. Năm 1964. Hàng tháng, ông Lãm trả anh mười lăm ngàn. Hai trăm ngàn là đủ để mua một căn nhà rồi…
- Lúc ấy, anh đã mua nhà chưa?
- Chưa, anh còn đang ở nhà thuê.
- Cám dỗ cũng mạnh đấy. Ông Lãm có bảo gì anh không?
- Ông ấy hỏi anh nghĩ sao. Anh nghĩ, mình mà nhận lời, nó có thể lừa, và cho mình vào tròng; thân bại danh liệt là cái chắc. Ngu gì chơi trò thả mồi bắt bóng? Mình đang thắng thế mà? Em phải nhớ, lúc ấy anh mới hai mươi chín tuổi thôi. Vẫn còn ăm ắp lý tưởng về thiên chức làm báo của mình. Anh nói với ông Lãm “Ngài cứ cúp máy xuống, phải chơi tiếp mới được”. Mình đã nhập cuộc chơi, đâu có thể đánh trống bỏ dùi được. Sau đó, anh đi một lúc ba bài báo ký tên Thương Sinh, trong lúc Mõ Báo tiếp tục chửi thằng thừa phát lại hít tô phe ( hút thuốc phiện ). Rốt cuộc, tòa xé án lệnh, quyết định cho xử lại. Bọn lâu la của Tây đồn điền phá rẫy của đồng bào Nùng. Chúng dùng máy cày đào tung khoai lang, khoai mì, và mùa màng của đồng bào, chất đầy trước trụ sở xã ấp. Đ.m nó, đâu có thể để cho con người ta vỡ đất hoang, khai khẩn hằng chục năm, tới khi đất tốt, trồng trọt được thì lại đuổi người ta đi chỗ khác? Thế là tòa án Biên Hòa phải hủy bỏ án lệnh, đồng bào di cư được bồi thường số hoa mầu bị phá hoại, và được tiếp tục canh tác như cũ.
Duyên Anh cười sảng khoái:
- Đ.m, mình cũng sướng nữa! Đồng bào Nùng treo biểu ngữ trước cửa báo Xây Dựng, cám ơn mình. Mấy ông chức sắc Công Giáo, Phật Giáo, và đại diện đồng bào Nùng, cả ông đại tá Wòng A Sáng nữa, mời Xây Dựng dự tiệc mừng ở nhà hàng Đồng Khánh. Một ông đại diện đồng bào Nùng đọc diễn văn, ca tụng “ Ba bài báo sấm sét của ông Thương Sinh giống như ba nhát búa của Trình Giảo Kim!” Họ làm anh vừa sung sướng vừa xấu hổ.
Tôi nói:
- Như vậy, có thể coi như anh là con gà nòi của Xây Dựng?
Duyên Anh gật gù:
- Nói như vậy cũng không phải là quá đáng. Anh vừa làm phóng viên, vừa viết feuilleton, vừa viết phóng sự hài hước. Sau này, ông Lãm còn giao cho anh viết phim trang ngoài nữa…
- Anh viết phóng sự nào vậy?
- Kép Cũ Tuồng Mới. Lấy bút hiệu Thương Sinh.
- Tại sao lại là Thương Sinh?
- Lúc ấy mình có để ý chó gì đâu! Cứ nghĩ nôm na, Thương là thương yêu, Sinh là chúng sinh. Thương Sinh là thương người, yêu người vâäy thôi. Về sau, tra tự điển Hán Việt, mới biết Thương Sinh nghĩa là đau ốm, bệnh hoạn. Hình như bút hiệu này nó vận vào người hay sao đó. Trong thời gian làm báo, anh cứ hết bệnh nọ đến tật kia hoài.
- Anh viết những gì trong Kép Cũ Tuồng Mới?
- Anh chửi bọn lãnh tụ đảng phái, bọn chính trị gia hoạt đầu, bọn chủ nhiệm báo chí vô lương: Thời Ngô Đình Diệm thì hèn mạt suy tôn Ngô Tổng Thống. Ông Diệm vừa đổ thì gang họng lên án Ngô triều, và bịa đặt đủ thứ chuyện tồi bại để lăng nhục gia đình họ Ngô. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn thôi. Ông Lãm thâáy mục này đụng các đảng phái kỹ quá, đề nghị anh ngưng viết, thay bằng film du jour.
- Viết phim, anh lấy bút hiệu gì?
- Mục phim này, anh đặt tên Trong Họ Ngoài Làng, nên dùng bút hiệu Mõ Báo.
- Còn feuilleton?
- Ảo Vọng Tuổi Trẻ.
- Đây là cuốn viết về thời anh theo Duy Dân lên Ban Mê Thuật làm cách mạng?
- Dựa trên một số chi tiết về thời gian ấy thôi. Tiểu thuyết mà.
- Chắc ông Lãm thấy ngay được sở trường của anh là ở phóng sự tiểu thuyết?
- Có lẽ như vậy. Vì thế, lúc anh đề nghị làm phóng sự Chợ Người, ông ấy bằng lòng ngay…
- Chợ Người?
- Ừ. Sau khi bắt buộc phải ngưng Kép Cũ Tuồng Mới, anh nẩy ra ý định viết một phóng sự về những phụ nữ từ các vùng quê nghèo lên Sài gòn kiếm sống, phải đi ở mướn thời ấy. Mỗi lần đi qua bùng binh chợ Bến Thành, nhìn những phụ nữ nghèo khổ, ngồi buồn chờ thiên hạ tới mặc cả, thuê mướn về làm người ở đợ, anh thấy dậy lên một niềm bất nhẫn, không viết không chịu được.
Tôi hỏi:
- Thời gian ở Xây Dựng, anh làm việc với những ai?
- Anh khá thân với Vũ Bình Nghi, Tường Tuấn, và Triều Khê.
- Họ làm công việc gì cho Xây Dựng?
- Triều Khê là họa sĩ, phụ trách trang thanh thiếu niên. Vũ Bình Nghi cũng là họa sĩ, trình bày báo, thỉnh thoảng có viết tin. Còn Tường Tuấn là Tổng Thư Ký.
- Tường Tuấn, em có gặp mấy lần ở khu nhà thờ Ba Chuông, khoảng cuối 1981. Anh ấy mở một quán cà phê trên vỉa hè. À, anh còn nhớ vụ Nguyễn Văn Trỗi không?
- Cái thằng “liệt sĩ” của Hà nội ấy à? Bấy giờ là thời Nguyễn Khánh. Thằng đặc công nhóc con bị Việt Cộng dụ dỗ làm Kinh Kha đi giết Mc Namara.
- Thằng này có hô “Hồ Chí Minh Muôn Năm” ba lần, như chúng nó kể lại trong Sống Như Anh không?
Duyên Anh cười khẩy:
- Muôn năm cái con mẹ gì! Vãi đái ra quần thì có. Thằng NTL đi xem xử bắn về, kể lại cho anh em nghe: “… Khi bị dẫn ra sân bắn, trong nhà tù Chí Hòa, ông liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi một mực kêu oan và khóc như di ấy. Nó bảo nó không biết gì cả, chỉ bị mấy thằng Việt Cộng dụ dỗ, xúi đi đặt chất nổ thôi. Nó có biết Mc Namara là thằng quái nào đâu?…”
Một buổi tối khác, uống rượu với nhau, tôi hỏi Duyên Anh:
- Anh có biết vụ Phan Quang Đông, Ngô Đình Cẩn?
Duyên Anh gật đầu:
- Lúc Nguyễn Khánh cho bắn Trưởng Ty Công An Phan Quang Đông ở sân vâän động Huế, anh cũng đang ở đó, nhưng không đi xem. Buổi trưa, xử bắn Phan Quang Đông. Đến chiều thì bắn Ngô Đình Cẩn.
- Phan Quang Đông bị bắn vì tội mật vụ?
- Mật vụ cái chó gì! Tội công giáo thôi. Để xoa dịu Phật giáo, thực ra là xoa dịu nhóm Phật giáo quá khích phe TTQ.
- Còn Ngô Đình Cẩn? Ông ta có “lãnh chúa ác ôn” như thiên hạ đồn không?
- Ngô Đình Cẩn chỉ là một ông nhà quê nhí nhố, đáng tội nghiệp thôi. Tội nghiệp vì bị ĐM lừa cho sập bẫy.
- Lừa như thế nào?
- ĐM vào thăm Ngô Đình Cẩn trong khám Chí Hòa, bảo Ngô Đình Cẩn cứ nhận tội cũ đi, không sao đâu; rồi lúc ra tòa, ông ta sẽ dùng uy tín cá nhân, bảo tòa xử cho trắng án. Cậu Út Trầu ngây thơ, tin vào lời hứa nhảm. Thế là bị chúng nó lôi ra bắn. Ở sân sau khám Chí Hòa, đối diện một ngôi chùa. Cũng chỉ để xoa dịu bọn quá khích thôi.
- Ông Diệm, ông Nhu bị giết rồi. Bắn thêm Ngô Đình Cẩn ích lợi gì đâu?
- Thì vậy. Buổi tối xem bắn ông Cẩn về, anh viết một bài tường thuật vụ xử tử cho Xây Dựng. Sáng hôm sau, đưa cho ông cha Lãm. Nhưng ông ấy không dám đăng.
- Anh viết những gì? Vì sao ông ấy không đăng?
- Đại khái, anh nêu ra những nghi vấn về sự hồ đồ trong việc vội vã kết án tử hình Ngô Đình Cẩn. Anh kết luận “Nhưng dù thế nào đi nữa, Ngô Đình Cẩn đã chết, đã chết thật rồi! Chúng ta còn lý do gì để tiếp tục thù hận nữa không?” Trong một ngày, hai cái chết, hai vụ xử bắn. Như thế là quá đủ rồi. Sau đó, anh bảo ông Lãm “Để tường thuật mấy vụ giết người này, Ngài sai đứa khác đi”. Em biết không, hồi mười tuổi, anh đã bị chứng kiến vụ xử tử tên Việt gian Ban ở Vọng Cung.
- Anh có nhắc tới trong Con Thúy phải không?
- Ừ. Xem bắn người, ghê bỏ mẹ! Nhưng mà điều đặc biệt ở Ngô Đình Cẩn là ông ta có vẻ rất bình tĩnh trước cái chết. Ông ta mặc áo dài đen, quần trắng. Mắt bị bịt chặt; hai tay bị trói vào cột. Một tiểu đội hành quyết cùng bắn. Ông ta khụy xuống. Được thêm một phát súng lục ân huệ vào đầu cho chết hẳn.
- Người ta đồn Ngô Đình Cẩn có cả trương mục ở ngoại quốc?
- Không phải đâu. Ngô Đình Cẩn chẳng có gì hết. Ông ta chỉ là một anh già trầu nhí nhố, thích quyền bính thôi.
- Còn Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục? Ông tướng Nguyễn Chánh Thi viết trong hồi ký là ông Thục cho người ký hợp đồng khai thác gỗ với Việt Cộng. Khu rừng đang khai thác, không ai được bén mảng tới. Những xe chở gỗ này của Đức Cha, không ai được phép xét hỏi. Nhờ đó, Việt Cộng cải trang thành thợ rừng, xâm nhập vào các đô thị của mình…
- Ông Nguyễn Chánh Thi nói như vậy là quá. Anh biết ông Ngô Đình Thục. Ông ấy chỉ có cái tham vọng lớn nhất là trở thành Hồng Y thôi. Muốn như vậy, ông ta phải làm sao cho có thêm thật nhiều người tân tòng. Dĩ nhiên, ông ấy có cậy thế ông Diệm làm một số điều phiền lòng những người theo Phật giáo ở Huế.
Tôi hỏi:
- Thế còn vụ xử Đặng Sĩ, sự thực như thế nào?
- Sự thực, là vụ này do TTQ đạo diễn, áp lực Nguyễn Khánh đưa Đặng Sĩ ra xử, để dằn mặt Công Giáo thôi. Thiếu Tá Đặng Sĩ, Phó Tỉnh Trưởng Nội Anh Thừa Thiên, bị chúng nó tố cáo dùng xe tăng xích sắt đàn áp đồng bào Phật Giáo biểu tình ở Đài Phát Thanh Huế, và cho lính ném lựu đạn vào đám đông…
- Tố cáo tầm bậy! Ít nhất là cái vụ ném lựu đạn. Mới đây, báo chí Mỹ tiết lộ một thằng CIA Mỹ tên là Scott đã đặt chất nổ trước Đài Phát Thanh Huế, hôm ấy. Và tại sao lại xử một mình Đặng Sĩ? Không nhận lệnh của Tỉnh Trưởng Thừa Thiên, làm sao Phó Tỉnh Trưởng Đặng Sĩ dám đem xe và lính đến dẹp biểu tình?
- Thì đấy mới là chuyện khôi hài. Lý do chính: Tỉnh Trưởng là người của Tư Lệnh Vùng 1. Cả hai đều là người của Phật Giáo. Chúng nó phải đưa Đặng Sĩ ra làm vật tế thần chứ?
- Hồi ấy Tư Lệnh Vùng 1 là ai, anh còn nhớ không?
- Nguyễn Chánh Thi. Ông này viết hồi ký, tự đề cao mình quá xá. Ông Thi dùng cuốn hồi ký này để kể tội bọn Thiệu Kỳ buôn lậu, và chửi những thằng đã đá ông ấy khỏi Việt Nam. Ông ấy không hề dám nhận mình đã có trách nhiệm gì trong vụ Thanh Bồ, Đức Lợi…
- Vụ này như thế nào?
- Hai làng Công Giáo Thanh Bồ và Đức Lợi nằm gần Đà nẵng, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 và Vùng 1 Chiến Thuật của ông Thi. Bọn lâu la của Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc, tay sai TTQ, đã đốt rụi hai làng này…
- Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc? Họ gồm những ai?
- Mấy thằng trí thức miền Trung, Lê Khắc Quyến, Lê Tuyên, Tôn Thất Hanh, và mấy thằng nữa, anh không nhớ tên. Chúng nó làm tờ Lập Trường ngoài Huế…
- Anh có thấy tận mắt cảnh điêu tàn ở hai làng này sau vụ đốt phá không?
- Có. Anh đi theo phái đoàn Công Giáo của Tổng Giám Mục Saigon ra tận nơi…
- Anh thấy những gì?
- Nhà tranh, nhà gỗ, cháy rụi hết. Nhà gạch chỉ còn trơ nền và mấy bức tường. Có chỗ, than lửa vẫn còn âm ỉ. Nhà thờ cũng cháy tiêu. Dân làng phải tản cư qua các làng lân cận lánh nạn…
- Anh có dự phiên tòa xử Đặng Sĩ không?
- Anh có mặt từ đầu đến cuối.
- Rồi về tòa soạn viết bài tường thuật?
- Không. Anh chỉ ghi chép các chi tiết. Giờ nghỉ trưa, ông Lãm ra quán ăn, chỗ anh ngồi, lấy những trang ghi chép, đem về cho người khác viết. Ở Saigon thời ấy, báo nào cũng tường thuật vụ Đặng Sĩ. Nhưng chỉ Xây Dựng là dám đi những bài thật bốc lửa cũng chưa từng nhận một ân huệ nào của ông ta. Nhưng phải công nhận, ông ta là một người trí thức có tầm vóc, một sĩ quan can đảm (Tháng 7, 1999, gặp cựu đại tá quân pháp NVQ, tôi hỏi thăm, được biết đại tá Nguyễn Văn Đức, giám đốc Nha Quân Pháp, đã qua đời năm ông vừa đúng 49 tuổi ).
- Vậy thì những bài báo nặng ký bênh vực Đặng Sĩ là do ai viết?
Duyên Anh yên lặng một vài giây trước khi trả lời:
- Loạt bài ký bút hiệu Lê Thượng Hòa, một tên tuổi hoàn toàn xa lạ với làng báo thời đó. Lúc đầu, ông Lãm giấu, không cho biết Lê Thượng Hòa là ai cả. Về sau, ông ấy cho anh và vài người thân tín biết, Lê Thượng Hòa chính là bác sĩ Trần Kim Tuyến…
- Ông Trần Kim Tuyến, giám đốc mật vụ thời cụ Diệm?
Duyên Anh gật đầu:
- Miền Nam chỉ có một Trần Kim Tuyến thôi.
- Rốt cuộc, họ xử Đặng Sĩ như thế nào?
- Ông ấy bị đày ra Phú Quốc. Tội nghiệp, gia đình ông ấy bị ly tán: con cái phải gửi cho họ hàng nuôi dùm!
Duyên Anh ngưng một lát, chép miệng:
- Rốt cuộc, chung qui cũng lại thằng Mỹ thôi. Không có Mỹ yểm trợ ngầm, sức mấy các ông sư lật nổi ông Diệm. Thời Nguyễn Văn Thiệu, các ông ấy cũng chống Thiệu tưng bừng đấy. Nhưng Thiệu được Mỹ tin dùng, các ông ấy có làm quái gì được Thiệu đâu? Ông sư Thích Trí Quang, ông ấy cứ việc tuyệt thực 100 ngày để ăn vạ. Tuyệt thực chán, rồi cũng phải về chùa thôi. Làm chó gì được ai đâu? Còn về cái gọi là nhân chứng lịch sử nữa. Đ.m, lịch sử viết bởi những thằng ngu! Lịch sử, nếu cứ tin vào mấy cái hồi ký vớ vẩn của những anh võ biền kiểu Đỗ Mậu, Đỗ Miếc, mà bảo đấy là lịch sử thì nên coi chừng đấy. Mấy tay này, viết hồi ký chỉ là một cách để giải tỏa những ẩn ức của họ thôi. Mấy ông tướng kiểu Nguyễn Chánh Thi, những ông từng đi lính cho Tây, anh hùng cái đ. gì mà học đòi viết hồi ký? Anh hùng quân đội hả? Theo anh, chỉ những sĩ quan trẻ từ các trường Đà Lạt, Thủ Đức, tung hoành chiến địa trong các thập niên 50, 60, 70, mới là những kẻ thực sự góp công xây dựng quân đội miền Nam. Anh hùng quân đội, nếu có thể gọi là những anh hùng, thì chỉ những thành phần này xứng đáng thôi. Mấy ông tướng già, từng đi lính cho Tây, coi như vứt đi hết, chẳng được cái tích sự gì hết! Kể cả mấy ông lãnh tụ chính trị, những ông đàn anh văn nghệ già lọm khọm cứ thích ngồi chiếu tiên chỉ, bắt những người đi sau tung hô mình. Ngay từ hồi còn ở nhà, trong Sa Mạc Tuổi Trẻ, Ảo Vọng Tuổi Trẻ, anh đã chửi bọn này nhiều rồi. Đâu có phải đến bây giờ anh mới chửi họ? Nhân danh một thằng không có tuổi trẻ, anh chống bọn họ. Chống lại những người ấy, anh có được gì đâu, chỉ tổ bị chúng ghét thôi. Giá anh cong lưng, cúi mặt xu phụ chính quyền, anh đã sướng. Việc đ. gì mình phải viết báo chửi bới chống chính quyền? …
Tôi hỏi:
- Nhưng mà anh chửi thì chửi, bộ quốc gia giáo dục vẫn cho Hoa Thiên Lyù vào chương trình Việt văn bậc trung học? Có phải vì biết như vậy nên ông Khai Trí mua đứt bản quyền cuốn này, và anh bán luôn không?
Duyên Anh cười, gật đầu:
- Hồi ấy, cần tiền mua nhà, nên anh bán ngay. Giữ làm chó gì? Nhưng mà như thế đã thấm gì? Có thằng trong nội các còn bảo với thằng bạn anh là “ Thằng Duyên Anh có tài lắm. Lẽ ra, người ta đã mời nó ra làm tổng trưởng rồi. Nhưng mà, đ.m., nó chửi quá, người ta chán! Giá mà nó chỉ là thằng Duyên Anh thôi, thì được quá rồi. Khổ nỗi, nó lại là thằng Thương Sinh nữa…” Nghe xong, anh bảo thằng bạn: “Đ. m., tao đ. cần. Tao đ. cần chúng nó cho sách tao vào bộ giáo dục. Tao đ. cần chúng nó mời tao làm tổng trưởng. Có mời, chưa chắc tao đã bằng lòng. Tao chỉ muốn tao là tao thôi.” Và anh tiếp tục chửi chúng nó vung xích chó lên…Anh xử sự rất ư là kiếm hiệp Kim Dung, nghĩa là, người quân tử nhìn lên không thẹn với Trời, ngó xuống không thẹn với Đất, xét lòng mình không thẹn với lương tâm. Là được rồi.
- Khoái Kim Dung, nên hình như một dạo, anh có ký bút hiệu Lệnh Hồ Xung?
- Có chứ. Hồi anh viết trên tờ Con Ong… Nhiều lúc, anh thấy mình rơi vào những hoàn cảnh rất giống với hoàn cảnh nhân vật này đã trải qua….
- Nghĩa là…?
- Nghĩa là anh bị cả tà phái lẫn chính phái chúng nó ghét, hợp sức tấn công mình….
- Và anh trở thành….tên biệt kích cô đơn?
Duyên Anh có vẻ hài lòng về sự so sánh này. Anh cười ha hả:
- Em chơi với anh hơn hai mươi năm rồi, em biết tính tình anh ra sao. Thằng Duyên Anh nó vẫn cứ thế thôi. Nó vẫn cứ như thế thôi, không khác xưa chút nào cả. Bây giờ, chúng nó có chửi anh, anh cũng mặc thôi. Anh nhắn chúng nó: Đ.m, chúng mày tiếp tục chửi ông nữa, mai đây ông VẼ nữa, thì chúng mày chỉ có nước chết thôi.
Ngừng một lát, Duyên Anh nói:
- Em thử nhìn quanh xem, có thằng nhà văn nào mặt mũi sáng sủa như anh không. Chúng mày cứ chửi ông đi. Nhưng mà đố chúng mày tìm được thằng nhà văn nào kẻng trai như ông đấy…
Tôi phì cười, ngắt lời anh:
- Có chứ. Hoàng Hải Thủy mà không kẻng trai à?
Duyên Anh nói ngay:
- Hoàng Hải Thủy làm sao đẹp giai bằng Duyên Anh được? À, nhưng mà thằng Hoàng Hải Thủy này cũng hay lắm cơ. Hồi thằng Hoàng Anh Tuấn làm đạo diễn, mời nó đóng phim, có cảnh quay nó ngồi ngoài phòng khách, mà lại mặc pyjama mới chết người chứ! Khi chiếu thử, hàng họ của nó trình làng nguyên một đống. Thằng Hoàng Hải Thủy xấu hổ quá, từ đó hết đóng phim luôn. Nhưng mà không nói chuyện đẹp giai xấu giai nữa. Thử hỏi thằng nào ăn nói duyên dáng, thằng nào lịch sự, thằng nào dáng dấp thư sinh nho nhã như thằng Duyên Anh nào? Em cứ thử nói cho anh nghe coi?
Cất tiếng cười ngạo mạn, anh tiếp:
- Nhưng mà chúng mày đừng chọc ông thôi. Chọc ông, ông sử dụng chữ nghĩa, là bỏ mẹ ngay…Đừng, đừng chọc ông. Chứ còn bình thường, thì ông rất nhã nhặn, rất lịch sự….Chữ viết ông lại đẹp, mới chết người chứ! Đố em tìm được một thằng nhà văn nào có bản thảo sạch và đẹp như bản thảo của anh đấy…
Tôi ngắt lời anh:
- Em biết rồi. Trên tờ bìa bọc bản thảo Một Tù Binh Mỹ ở Việt Nam, anh đã chẳng viết “ Bản thảo của Duyên Anh đẹp và sạch nhất thế giới” hay sao?
Duyên Anh lại cười sảng khoái:
- Đ.m, văn hay, chữ tốt; bản thảo sạch và đẹp nhất thế giới! Thế thì ông Trời ông ấy cũng ban cho mình nhiều thứ quá đi ấy chứ?
Ngừng lại, rít vài hơi Marlboro, anh nói tiếp:
- Thượng Đế tước đoạt của mình nhiều thứ, nhưng ông ấy cũng ban lại cho mình nhiều thứ quá. Cho mình trùm hết mọi cái. Càng ngày càng trùm. Mẹ, xưa đã hơn nhiều thằng rồi. Nay, vẫn tiếp tục hơn chúng nó….Mẹ, thằng Duyên Anh, mày hỗn quá, ông cho mày tù dăm sáu năm đâáy. Nhưng mà, ông vẫn thương mày. Ông cho mày vào trong đó, thử sức chịu đựng của mày, và để xem mày còn tin ông không…
- Và anh tin không?
- Tin mạnh đi ấy chứ! Em biết không, hồi ở trong tù, anh cầu nguyện ghê lắm. Tự nhiên mình có đức tin thôi, chứ chẳng có ai thúc giục gì anh cả. À, mai đây, anh còn lại vào đạo nữa đấy…
- Vào đạo gì?
- Công Giáo, dĩ nhiên. Em biết, chị ấy theo Công Giáo mà. Vào đạo cho bà ấy vui.
- Anh tin ai?
- Thì tin Chúa, tin Đức Mẹ…
- À, anh có nói về mảnh đá đen khắc hình bà Maria trong cuốn Trại Tập Trung. Anh còn giữ mảnh đá này không?
- Có. Anh để trong va li. Sáng mai, anh lấy cho em xem.
- Anh kể là anh có nhờ linh mục Chân Tín làm phép cho mảnh đá ấy; và cũng nhờ nó, anh đã vượt biển thành công?
- Ừ, hồi vượt biên sang Mã Lai, anh đeo mảnh đá mầu nhiệm này trên ngực….
- Anh tin là một mảnh đá vô tri cũng có phép mầu nhiệm?
- Bình thường, thì anh không tin đâu. Nhưng mà cái này lạ lắm, em ạ. Nếu anh không cầu nguyện, và không nhận được những điều anh cầu xin, thì chắc anh cũng không tin đâu.
- Những điều anh cầu xin?
- Đây nhé, nhận được mảnh đá một thời gian ngắn, anh được thả; rồi vượt biển thành công này. Bây giờ, cứ mỗi lần viết một cuốn sách mới, anh đều có thói quen treo mảnh đá hình Đức Mẹ trước mặt. Và nhờ đó, anh viết rất nhanh….
Tôi cười, tỏ vẻ không tin:
- Nhưng trước đây, hồi chưa đi tù, hồi chưa nhận được miếng đá đen, anh cũng đã viết rất nhanh rồi cơ mà. Em không ngờ một gã nghịch thiên như anh mà cũng tin mấy chuyện như vậy đó.
Tôi muốn nhắc anh nhớ lại mấy hàng chữ anh viết trên bài thơ gửi cho tôi một năm trước đó:
Vũ Mộng Long + Vũ Trung Hiền = Vũ Nghịch Thiên
Tôi nói:
- Anh còn nhớ anh đã từng viết “Không ai có thể giết được tài năng đích thực, dù là Thượng Đế” chứ? Và trong bài thơ Em, Anh Đã Đến Paris, anh cũng đã chê Thượng Đế kiêu căng, Thượng Đế nghèo nàn, không thể bố thí cho anh một tổ quốc mà?
Duyên Anh lắc đầu:
- Nghịch Thiên đâu có phải là chống lại ông Trời. Mà Thượng Đế đâu có phải là Đức Mẹ. Đức Mẹ còn là con của Thượng Đế cơ mà?
Tôi bật cười:
- Như vậy là anh chưa thuộc kinh Kính Mừng của Công Giáo rồi. Làm sao mà người ta cho anh vào đạo được? Anh không nghe người Công Giáo, họ vẫn đọc kinh “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng tôi là kẻ có tội…” hay sao? Người Công Giáo tin bà Maria là mẹ Đức Chúa Trời, tức là mẹ của Thượng Đế…
Duyên Anh cũng cười:
- Đức Mẹ đâu có phải là mẹ của Thượng Đế….
- Thế thì anh giải thích thế nào cái câu “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời?”
- Bố láo! Mẹ của Đức Chúa Trời sao được? Đức Mẹ chỉ là mẹ của ông Chúa Giê Xu thôi. Đức Chúa Trời, hay Thượng Đế, là một cái gì ghê gớm lắm cơ. Đức Mẹ chỉ có công đẻ ra ông Chúa Giê Xu thôi.,,,
- Vậy, thì theo anh, Ông Trời mà nhân gian thường nói đến, và Đức Chúa Trời mà mấy người theo Đạo Chúa vẫn nhắc tới, hai ông đó là một, hay là hai? Giống nhau hay khác nhau ở chỗ nào?
- Hai ông đó khác nhau chứ…
- Thế còn Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê Xu?
Duyên Anh nói ngay:
- Hai ông này cũng khác nhau luôn.
- Anh có tin ông này là cha ông kia không?
- Ông nào là cha ông nào?
Tôi bật cười:
- Thì Đức Chúa Trời là cha của Đức Chúa Giê Xu…
- Không. Đức Chúa Trời là Giê Hô Va trong Cựu Ước của người Do Thái. Còn Đức Chúa Giê Xu mãi tới thời Tân Ước mới xuất hiêän. Đức Chúa Giê Xu đâu có phải là con Đức Chúa Trời? Em cứ thử truy nguyên xem thủy tổ của ông Chúa Giê Xu từ đâu ra.
- Con cháu vua Đa vít…
- Thì đấy. Có vậy thôi. Chúa Giê Xu đâu có phải là Đức Chúa Trời. Đúng không nào?
Tôi phá lên cười:
- Em hỏi thử anh, cho vui vậy thôi. Chứ em thấy, anh hiểu chưa mấy sát về giáo lý Cơ Đốc. Điều anh vừa nói về Chúa Giê Xu rất giống sự tin tưởng của những người theo Do Thái Giáo…
- Không, anh không cần hiểu theo giáo lý của ai cả. Anh cứ hiểu theo giáo lý của anh thôi. Vì anh có phải là người theo đạo Thiên Chúa đâu? Đâu có ai được quyền bắt anh phải đọc, phải tin, phải cầu kinh, theo y như cách của họ được…
Tôi vẫn muốn câu chuyện của anh em tôi không bao giờ trở thành một cuộc tranh cãi về bất cứ vấn đề gì. Cho nên, dù biết anh hiểu chưa đúng về Cơ Đốc Giáo, tôi nghĩ, không nên “dồn” Duyên Anh nhiều quá. Chứ vặn vẹo một hồi, không chừng anh đâm ra mâu thuẫn với chính anh. Bởi vì bắt đầu câu chuyện, anh khoe là sắp vào đạo Công Giáo, và tin Đức Mẹ đã phù hộ anh trong nhiều trường hợp… Nhưng dần dần,….
Cho nên, tôi khôi hài hóa đề tài tôn giáo:
- Hầu hết các tôn giáo tin vào một Thượng Đế sinh ra con người. Anh nghĩ sao?
Duyên Anh trầm ngâm một thoáng chốc, rồi cười khinh bạc:
- Nếu như phải lý luận, thì anh sẽ nói như thế này: Anh bảo Thượng Đế sinh ra loài người à? Chúng tôi suy nghĩ rất là trần tục, nên chúng tôi hỏi anh tại sao chúng tôi chưa bao giờ nghe nói tới một Bà Thượng Đế, một Bà Trời? Tại sao lại chỉ Ông Trời mà không có Bà Trời? Như vậy thì chỉ hoặc là lại cái, hoặc là quái đản lắm mới có chuyện không phải đàn bà mà sinh đẻ được thôi…
Tôi phì cười vì ý nghĩ lạ lùng của anh. Duyên Anh nói tiếp:
- Mẹ, tôi tin Thượng Đế, Ông Trời, hay Ông gì gì đó, cũng là do lòng tin của tôi thôi. Anh cũng chẳng chứng minh gì được, mà tôi cũng chẳng chứng minh gì được. Tôi tin là tin vậy thôi. Thì anh đâu có thể bắt tôi phải tin giống y hệt như anh cho được?
- Thế nếu có ai hỏi, anh là một kẻ Nghịch Thiên mà tin vào Chúa Trời sao được, anh sẽ nói thế nào?
- Em phải biết, đôi khi những kẻ Nghịch Thiên cũng có cái niềm tin của nó…
- Và có khi, những kẻ ấy lại tin mạnh hơn ai hết…
- Bởi vì khi nó nói tôi không tin, tức là nó đã tin…Nó tin ở cái sự không tin của nó…Và đó cũng là niềm tin của nó…
- Và khi nó xác nhận mình là kẻ Nghịch Thiên, nó cũng đã khẳng định sự hiện hữu của một Ông Trời, để cho nó nghịch lại chứ…
Duyên Anh gật gù:
- Ngày anh gặp Ghislain Ripault, thằng agent littéraire của anh đó, nó đang làm chủ bút tờ Contre Ciel, anh hỏi nó: Đ.m mày, mày dám chống cả Thượng Đế à?
- Thế nó nói sao?
- Nó bảo anh “Tu ne sais pas. Contre Ciel, c’est tout près Ciel” (tạm dịch “Anh không hiêåu gì cả. Nghịch Thiên, nghĩa là gần sát với Trời đó”). Nó lấy thí dụ Je suis contre le mur, nghĩa là tôi đứng, tôi ngồi, tôi ở sát bên tường, chứ đâu có phải tôi chống lại bức tường. Nó bảo “Contre, c’est tout près.”
Duyên Anh tiếp:
- Nói chuyện đạo này, đạo kia thì nó vô cùng lắm. Ai cũng có thể cho đạo của mình là nhất hết. Thực ra, anh cũng chẳng có tin gì mấy đâu. Anh quyết định vào đạo Công Giáo, cũng để làm trọn một lời hứa thôi.
- Anh hứa với ai?
- Một tu sĩ Công Giáo trẻ, tên là thầy Bảy.
- Anh hứa vào thời gian nào?
- Hồi em đi rồi, anh sống vất vưởng, nay chỗ này, mai chỗ nọ, chỉ chờ ngày vượt biên thôi. Tu sĩ Bảy này giúp sắp xếp chuyến đi cho anh. Còn chuyện cầu nguyện khấn hứa, thì hồi còn ở tù, anh cũng cầu khấn đủ thứ hết, từ Chúa Trời, Chúa Giê Xu, đến Đức Mẹ; ngay cả Ma Hô Mết, đ.m, cũng khấn luôn…Hễ cứ ông nào mình nghĩ có quyền một tí, là mình khấn. Khấn có một tí, mà được ra tù, ngu chi không khấn? Lẽ ra, anh vào đạo từ hồi còn ở Paris đấy chứ…
- Vì chị ấy là Công Giáo?
- Dĩ nhiên. Lại cả hai đứa con anh nữa chứ. Con Ki, thằng Tí cũng vào Công Giáo cả rồi. Nhưng cái chính, là mình hứa, thì mình phải làm thôi. Để xem ở đây, có ông cha nào coi được, thì mình nhờ ông ấy cho mình vào. Không, thì để về Paris, rồi vào, cũng chẳng sao.
Duyên Anh cười:
- Nhưng mà, vào đạo hay không vào đạo, Công Giáo hay không Công Giáo, mình vẫn chỉ là mình thôi…
- Nghĩa là tôi vẫn chỉ tin tôi mà thôi?
- Đ.m, nghiã là vẫn tiếp tục Nghịch Thiên. Thế thôi. Và Nghịch Thiên không có nghĩa là chống lại ông Chúa Giê Xu. Bằng chứng là chưa bao giờ có ai tìm thấy được trong tiểu thuyết đứng đắn của Duyên Anh chỗ nào anh phủ nhận Thượng Đế. Ngạo mạn ông ấy một tí, trong mấy cái phóng sự khôi hài láo lếu thì có. Chứ còn chân tình mà nói, thì anh vẫn tin Thượng Đế thôi. Chẳng thế mà, có một ông linh mục, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, đã từng nói với anh: “ Tôi đi giảng đạo hai mươi năm, không bằng mấy trang tiểu thuyết của Duyên Anh ở trong Trần Thị Diễm Châu!”
- Và chỉ cần như thế, anh tin là mình sẽ được Thượng Đế thương?
Duyên Anh gật đầu:
- Dĩ nhiên. Và em cũng phải biết, anh nói về đạo cũng hay lắm đấy nhé. Cứ thử mở bất cứ một trang Thánh Kinh nào ra, rồi lấy giấy bút, cho một ông linh mục, hay một ông mục sư, viết bài giảng thi với anh. Chưa chắc các ông ấy đã viết bài thuyết giảng Thánh Kinh hay hơn anh đâu…
- Chắc chắn rồi. Vì anh là Thợ Viết mà?
- Không phải thế. Đó là vì cách nhìn và diễn giảng Thánh Kinh của anh nó rộng, nó xa, nó thoát khỏi cái đạo. Hơn các ông ấy ở chỗ đó. Họ bị trói buộc, bị hạn chế trong hệ thống suy nghĩ của Giáo Hội. Như thế thì làm sao mà hay cho được?
- Anh cũng áp dụng lối nhìn này trong văn học?
- Ừ. Thì em xem hồi ở Việt Nam, các ông thầy Việt Văn hay viết mấy sách luận đề về các tác giả này nọ. Họ vẫn không sao thoát khỏi quỹ đạo của hành tinh Dương Quảng Hàm.
- Hồi nói chuyện ở trường Thọai Ngọc Hầu, anh đã từng khuyên học sinh hãy suy nghĩ độc lập, đừng để bị ảnh hưởng mấy cuốn sách luận đề ấy. Anh còn nhớ anh đã nói về Trần Tế Xương như “ một kẻ sĩ bệ rạc trong thời buổi mất nước” không? Từ đó đến nay đã mười sáu năm rồi đó…
- Nhớ chứ. Anh vẫn trung thành với những gì anh đã nói, đã viết. Thời gian, ngục tù có làm mình già đi đôi chút, nhưng bên trong anh, nó vẫn cứ như thế thôi. Có thằng đã nói rằng: “Lúc này, Duyên Anh đã thay đổi bút pháp, và triển khai tư tưởng”….
- Nghĩa là anh viết không “mướt” như xưa nữa, mà dùng văn chương như một thứ võ khí. Để chiến đấu?
Duyên Anh gật đầu:
- Đúng. Chiến đấu; nhưng chiến đấu để kêu gọi thương yêu, không để cổ võ hận thù, chém giết. Thế mà chúng nó chửi anh “Thằng Duyên Anh không chống Cộng nữa, thằng Duyên Anh kêu goị thương yêu mấy thằng Cộng sản.” Chính các anh cũng chủ trương “Lấy Đại Nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, thế mà các anh lại chửi tôi. Đ.m, chửi ở chỗ nào? Các anh chửi Phạm Duy “ Việt Nam không đòi xương máu…. chỉ đáng vứt vào thùng rác” chỉ vì các anh đố kỵ thiên tài Phạm Duy thôi. Anh không bênh gì Phạm Duy cả. Anh viết Phạm Duy, Ai Giết Nổi Anh? cũng chỉ vì anh tin vào lẽ phải thôi. Một thằng nhà văn, một thằng cầm bút, trước lẽ phải bị chà đạp, mà không nhìn thấy, hoặc nhìn thấy mà không dám lên tiếng, thì chỉ nên quẳng bút đi thôi.
Uống cạn ly Rémy Martin pha soda, Duyên Anh nói tiếp:
- Như em thấy đó, vụ mặt trận HCM dối gạt đồng bào hải ngoại, ngoài anh ra, có mấy thằng cầm bút nào dám lên tiếng đâu. Vậy mà cũng chỉ có tờ Ngày Nay dám tiếp tục đăng bài của anh. Đ.m, anh nói ra điều gì, một số thằng ghét, nhưng cũng có rất nhiều thằng khoái nghe anh đấy chứ? Mẹ, chúng mày chống ông, mà thằng Xuân Thu vẫn in sách của ông; độc giả vẫn thích mua sách của ông, thì ông cóc sợ chúng mày. Mà, cho dù chúng mày cấm người Việt Nam mua sách của ông, chúng mày đâu có thể cấm độc giả Tây mua sách cuả ông?
- Và mai mốt đây, độc giả Mỹ nữa chứ?
- Mới có thế thôi, mà chúng nó đã ghen tức, đã điên mẹ chúng nó lên rồi. Các anh tử tế, thì tôi chơi. Không tử tế thì thôi, tôi đ. cần. Mà nói thật, các anh chưa đủ tư cách để chơi với tôi đâu. Tôi đã lên tới ngọn núi rồi. Các anh thì vẫn còn mon men, chưa tới được chân núi. Tôi đã là international rồi! Văn của tôi, bọn Tây nó in rồi. Thơ của tôi, bọn Thụy Sĩ nó in. Chừng nào thơ văn của các anh được bọn Tây, bọn Thụy Sĩ in xong, các anh hãy đến nói chuyện với tôi. Tôi chấp cả hai ngọn núi văn học Nguyên Sa Mai Thảo nữa đấy. Cả thơ với văn, tôi cũng đều hơn hai anh rồi.
Duyên Anh cười sảng khoái:
- Anh nói thế đấy. Đố thằng nào dám bắt bẻ, dám chửi anh nào?
Mân mê ly rượu trên tay, Duyên Anh trầm ngâm:
- Em phải sang Luân Đôn, làm cho BBC mới được.
Tôi cười:
- Thế sao anh bảo BBC đ. ra cái gì cả?
- Đấy là anh nói cái trụ sở xập xệ, cái phương tiện èo ọt của nó thôi. Về phương diện khác, đó là chỗ cho em học hỏi kinh nghiệm, mở rộng tầm nhìn của mình ra khắp thế giới. Em chỉ cần làm với tụi nó bốn năm thôi; sau đó, làm việc khác…Hôm gặp Judy Stowe và Vĩnh Phúc ở bên ấy, biết em không sang làm, họ tiếc lắm. Nhất là Vĩnh Phúc, khi nó biết em là em của anh. Vĩnh Phúc bảo giá em sang đó, nó sẽ truyền hết kinh nghiệm nghề nghiệp cho em.
- Anh gặp Vĩnh Phúc mấy lần?
- Chỉ có lần ấy thôi. Nhưng mà sau đó, nói điện thoại nhiều lâàn. Có hôm, nó gọi cho anh, bảo “ Duyên Anh ơi, tôi buồn quá! Tôi đang khóc đây.” Anh nói chuyện với nó cả giờ, cu cậu mới nguôi ngoai. Thằng này tình cảm lắm. Tội nghiệp! Nó cô đơn, vì muốn làm một cây trúc giữa một bọn cỏ rác ươn hèn, xu nịnh. Nó mời anh sang chơi, anh hứa sang, rồi không sang được. Nó gọi điện thoại, trách anh: “Tưởng ông sang, tôi xin phép nghỉ mấy ngày, nằm nhà chờ ông. Rốt cuộc, phải uống rượu một mình!”
Tôi hỏi:
- Vì sao anh không sang chơi với Vĩnh Phúc?
- Anh kẹt vụ ra băng thất bại, phải đi tị nạn ít hôm.
- Anh kể đầu đuôi em nghe, được không?
Duyên Anh chậm rãi:
- Như đã hứa kể cho em nghe trong thư viết năm ngoái, anh được một nữ độc giả khoái nhạc của mình, đề nghị anh cứ ra băng đi, bà ta sẽ yểm trợ. Anh gọi cho Vĩnh Phúc, định mượn nó ít tiền, thuê ban nhạc chơi; bán băng xong sẽ trả. Nó bảo, “không có mượn gì cả, tôi sẽ gửi tặng ông ít tiền làm băng. Khỏi lo chuyện trả lại.” Và rồi Vĩnh Phúc gửi cho anh một nghìn đôn. Bà mạnh thường quân, dĩ nhiên, giữ lời hứa, góp vốn chung với anh thực hiện cuốn băng này. Dĩ nhiên, chuyện làm băng nhạc, anh giấu, không nói gì với bà vợ anh hết. Không ngờ, ngay trong buổi ra mắt, bà ấy xuất hiện. Thế là hỏng hết! Bà mạnh thường quân trốn ra cửa sau. Anh sợ bà vợ anh gây chuyện, nên không dám về nhà nữa. Mấy trăm cuốn băng nhạc, bà ấy tịch thu hết. Đó là lý do anh không sang Luân Đôn thăm Vĩnh Phúc như đã hứa. Về sau, anh phải viết thư, xin lỗi nó.
- Và đó là hệ lụy kèm theo cuộc chơi âm nhạc của anh?
Duyên Anh gật đầu, không nói gì.
Tôi tiếp tục câu chuyện về BBC:
- Làm với BBC, hay với VOA, mình cũng chỉ là cái loa, qua đó mình loan đi dùm họ những quan điểm, chủ trương, chính sách nào đó thôi. Chứ mình đâu có thể đưa ra quan điểm riêng của mình?
- Dĩ nhiên. Nhưng hãy coi đó như một môi trường để mình tu luyện, mài dũa khả năng. Chuẩn bị cho công việc trong tương lai, thông tín viên cho một tờ báo quốc tế Washington Post, New York Times chẳng hạn. Ít nhất, em cũng có được cái mác Cựu Biên Tập Viên đài BBC. Anh tin em thừa sức làm việc đó. Bọn thông tín viên ngọại quốc đến Việt Nam hồi xưa có ra cái đ. gì đâu? Quốc tế gì chúng nó? Anh có dự mấy cuộc họp báo với chúng nó. Anh khinh bỉ mấy thằng phóng viên ấy. Chúng nó chỉ toàn bôi bác những gì xảy ra trên đất nước mình. Vậy mà chính phủ mình sợ chúng nó! Anh thì đ. sợ chúng nó. Có bữa, đi Huế về Saigon bằng máy bay, anh đi chung với hai thằng phóng viên Mỹ. Trên máy bay lạnh quá, thèm hút một điếu thuốc, mà anh lại hết thuốc, mới đểu chứ! Anh quay sang, hỏi xin thằng phóng viên ngồi cạnh một điếu thuốc. Đ.m nó, nó thản nhiên hút, thản nhiên lắc đầu khi nghe anh xin. Đến phi trường Tân Sơn Nhất thì đã khuya, không còn tắc xi nữa. Ra bãi đậu xe, thấy anh mở cửa chiếc xe ô tô riêng của anh, hai thằng phóng viên Mỹ chạy tới, xin đi nhờ. Đ.m. chúng nó! Anh bảo, “lúc nãy trên máy bay, ông thèm thuốc, xin mày một điếu, mày không cho. Bây giờ, ông đ. cho mày đi nhờ, thì cũng đâu có gì là quá đáng? Chúng mày ngủ lại phi trường, chờ sáng mai hãy về…”
Một buổi tối khác, tôi hỏi:
- Anh viết Điệu Ru Nước Mắt lần đầu tiên trên báo nào?
- Cũng trên Xây Dựng. Hồi ấy, anh vừa kết thúc Ảo Vọng Tuổi Trẻ. Nhìn khắp các nhật báo thời đó, anh thấy trang trong toàn là tiểu thuyết đồng quê, ma quái, ái tình lẩm cẩm. Anh tự hỏi tại sao mình không viết một tiểu thuyết thật lạ, không giống bất cứ ai; cho du đãng làm nhân vật chính, biến du đãng thành thần tượng của độc giả. Bấy giờ, thiên hạ đang vinh tôn mấy thằng tướng thoán nghịch làm thần tượng. Thế thì tại sao mình không thể xây dựng những nhân vật du đãng có học, đầy ắp lương tri, thật tài hoa, nghĩa hiệp, cho chúng nó làm thần tượng chơi?
- Anh có triết lý con gọng vó ngay từ thời ấy?
Duyên Anh cười:
- À, con gọng vó bơi ngược dòng nước. Ở bến sông Ray, thời tù ngục. Cũng gần giống như vậy. Nhưng vào giai đoạn 64-65, anh thích nghĩ mình là một thằng đi xe đạp ngược chiều…
- Đi ngược chiều, chọc cho cảnh sát chặn lại phạt vi cảnh?
- Phạt hay không, chưa cần biết. Cái chính là mình làm một việc độc đáo, không giống ai hết.
- Như vậy, có thể nói, mà không sợ lầm, anh là nhà văn đầu tiên viết tiểu thuyết du đãng?
- Chắc chắn là như vậy rồi.
- Nguyễn Thụy Long viết Loan Mắt Nhung, Kinh Nước Đen, có lấy hứng khởi từ Điệu Ru Nước Mắt không?
- Không biết. Nhưng chắc chắn, tiểu thuyết du đãng của Nguyễn Thụy Long xuất hiện sau mấy truyện anh viết.
- Khi viết Điệu Ru Nước Mắt, anh có tính trước là sẽ xây dựng cốt truyện như thế nào không?
Duyên Anh lắc đầu:
- Hoàn toàn không. Anh chỉ xem lại những đoạn vừa viết hôm trước, rồi mới nghĩ xem phải viết gì hôm nay. Nghĩ xong, là cắm cúi viết thôi.
- Anh vẫn tự hào mình là kẻ nghĩ nhanh viết vội?
- Đúng rồi. Nhưng chỉ lúc viết phóng sự trên báo thôi. Với tiểu thuyết, anh viết chậm lắm.
- Độc giả đón nhận Điệu Ru Nước Mắt ngay từ buổi đầu chứ?
- Ừ. Thiên hạ thích lắm. Ngay ông cố đạo chủ báo cũng phải khen nữa. Điều buồn cười, ông ấy cứ tưởng trước đó, anh đã từng là du đãng! Thật ra, đích thị du đãng thứ thật phải là Nguyễn Thụy Long. Mình phải cám ơn thằng này mới được! Chính Nguyễn Thụy Long đã kể chuyện đời nó cho anh nghe. Anh dựa vào những chi tiết nó kể, tưởng tượng thêm, để xây dựng những nhân vật của anh…
- Hình như có lần anh gặp du đãng Đại Cathay?
- Có. Một lần thôi. Đại Cathay tưởng nhân vật Trần Đại trong tiểu thuyết là anh viết về nó. Nó hỏi anh “Sao trong đoạn ấy, đoạn ấy, anh viết về tôi, chẳng giống tôi chút nào?”. Anh trả lời nó “Tôi có viết về anh đâu. Nhân vật Trần Đại, hoàn toàn do tôi tưởng tượng ra thôi.”
- Thực ra, ngoài đời, Đại Cathay là người như thế nào?
- Cá nhân anh không rõ về nó. Nhưng theo anh Nguyễn Mạnh Côn kể cho anh nghe, nó là cháu của Quốc Vụ Khanh Lê Văn Hoạch. Nó học trường Tây đàng hoàng. Một hôm đi chơi, bị cảnh sát hay quân cảnh đánh đập, và bắt nhốt oan uổng. Nó hận đời, bỏ học đi làm du đãng…
- Có đứa gọi anh là nhà văn du đãng?
- À, tụi văn nô Việt Cộng. Anh là nhà văn viết về du đãng thôi. Và viết truyện du đãng thành công nhất nước. Du đãng, trong tiểu thuyết anh, đâu có phải bọn côn đồ cướp giật, bắt nạt người lương thiện, bọn đá cá lăn dưa trộm căép ngoài chợ. Nhân vật du đãng của anh là những đứa có tâm hôàn, tha thiết muốn làm đẹp cuộc đời…
- Và đều giống nhau ở chỗ hận đời đen bạc?
- Không hẳn là như thế. Thực ra, anh mượn những nhân vật của anh để nói lên sự ghê tởm của anh đối với lũ tướng lãnh thoán nghịch, bọn sư hổ mang lộng quyền, lũ cố đạo tham lam hợm hĩnh, bọn trí thức giả hình xu phụ chính quyền, bọn trọc phú làm giầu trên nỗi đau khổ của dân đen…
- Anh vừa nói bọn trí thức giả hình?
- Ừ, tiêu biểu cho bọn này là những thằng chánh án, dự thẩm, luật sư, bác sĩ, giáo sư đại học, suốt đêm thứ bảy, chúa nhật ngồi sát phạt nhau bên bàn mạt chược; sáng thứ hai ra toà, ngồi xử những người bị bắt về tội chơi tứ sắc, xập xám, bài cào…
- Mạt chược, tứ sắc, bài cào, xì dách, hay bầu cua cá cọp, khác gì nhau đâu? Hễ cứ chơi ăn tiền, có hơn thua sát phạt trong đó, thì đều là cờ bạc hết…
- Đ.m chúng nó! Thế mới đáng chửi thề chứ. Bọn trí thức chó đẻ vừa kể cho rằng chúng nó chơi mạt chược là để giải trí thôi, không phải là cờ bạc. Cho nên chúng nó có quyền ngồi trên cao, xử án người khác.
- Xã hội cho họ cái quyền đó. Họ may mắn được ngồi vào những địa vị có quyền giải thích luật pháp theo ý họ. Thế còn mấy ông linh mục, họ đã làm gì khiến anh phẫn nộ?
- Đã nói, phải nói cho công bằng. Về phía Phật Giáo, anh không vơ đũa cả nắm, mà lên án tất cả các ông sư, bà vãi. Phật Giáo có rất nhiều vị chân tu đáng kính trọng. Anh chỉ ghét bọn trọc đầu làm tay sai cho cộng sản, bọn đối lập với tổ quốc mà thôi. TTQ là kẻ anh ghét nhất. Bên Công Giáo, anh không bao giờ dám động tới các ông cha hết lòng vì Chúa, vì con chiên. Anh chỉ không ưa mấy ông linh mục nhí nhố, dùng con chiên tạo thế chính trị cho riêng mình. Anh gọi họ là bọn quạ đen. Khi anh chửi bọn quạ đen, và bọn trọc đầu, là chửi mấy thằng khốn nạn ấy thôi, không phải chửi Công Giáo và Phật Giáo đâu.
Tôi hỏi:
- Dường như, anh là người đầu tiên dám dùng hai từ ngữ ấy để gọi mấy ông linh mục và thượng tọa?
Duyên Anh lắc đầu, cười:
- Không, em lầm rồi. Anh có phải là người đầu tiên đâu. Anh chỉ bắt chước Bà Huyện Thanh Quan thôi. Em còn nhớ bài thơ bà ấy tả cảnh chùa Trấn Quốc chứ? Trong đó, câu kết là “Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu” mà? Còn quạ đen, là do mấy ông Duy Dân dùng đầu tiên. Hồi đi theo các ông ấy lên Ban mê thuật, anh được học tập như thế này “Việt Minh là cộng sản đỏ, quạ đen là cộng sản đen.”
( Sau này, đọc Hơn Nửa Đời Hư của học giả Vương Hồng Sển, tôi thấy cụ Vương có dùng chữ “ quạ áo đen” để nói về một ông linh mục dạy ở Đại Học Văn Khoa Saigon, thập niên 60. Xin xem sách đã dẫn, trang 429.)
Duyên Anh chợt nghĩ ra một chuyện kể cho tôi. Anh hỏi:
- Em còn nhớ Tô Văn không?
- Ông Tô Văn “ Cậu Chó” ấy hả?
- Ừ, hôm qua, anh đến thăm ông ấy…
- Bây giờ ông ấy đang ở đâu?
- Ở với bà vợ. Nhà gần tiệm ăn Nam Phương…
- Em nghe nói ông ấy đau nặng, phải ngôài xe lăn….
- Ừ. Không nói được…Thực ra, vẫn nói, mà mình không hiểu ông ta nói gì. Phải có bà vợ thông dịch, mình mới hiểu được. Nhưng vẫn còn tỉnh táo lắm. Anh sờ đầu Tô Văn, nói “Lúc này mọc tóc rồi hả? Hết mông Thẩm Thúy Hằng rồi hả?”, ông ta cười khoái chí…
- Như vậy là ông ấy nhận ra anh?
- Dĩ nhiên.
- Anh bảo mọc tóc là thế nào?
- Ngày xưa, đầu ông ta nhẵn thín, vì thế mới có hỗn danh Mông Thẩm Thúy Hằng. Bây giờ không hiểu bác sĩ chúng nó cho ông ấy chích thuốc gì mà tóc lại thấy lún phún mọc…Ông ta bảo anh: “Bây giờ mày ở đây, mày muốn cái gì cũng có. Mày muốn đi chơi, tao bảo thằng con tao đưa mày đi chơi. Chỗ nào cũng được”…
- Ông ấy nói đúng đấy. Con trai ông ấy là một tay chơi ngon lành lắm.
Duyên Anh cười:
- Ông ấy bảo “ Thằng con trai tao có một nhà nhảy đầm. Mày đến đâáy chơi với tao, muốn cái gì, nó cho mày chơi cái đó. Anh hỏi Tô Văn “ Anh còn nhớ lần anh dẫn tôi vào cái bar ở đường Hai Bà Trưng đãi tôi uống rượu, tôi nói điều gì đó phật ý anh, rồi anh đập vỡ cái ly đang cầm trên tay không?”, ông ấy gật đầu, bảo “ Nhớ chứ”. Anh hỏi” Anh còn nhớ, anh bảo trong làng báo Việt Nam, tao chẳng sợ ai, chỉ sợ một mình thằng Thương Sinh thôi, anh nhớ không?”, ông ấy cười bảo “Nhớ chứ. Tao vẫn sợ mày mà”.
- Mấy năm trước, khi chưa bị đau, ông ấy làm tờ Thức Tỉnh, ký bút hiệu mới, dường như là Minh Đạo. Ông ấy cổ võ cho giải pháp Hoàng Văn Hoan, Trương Như Tảng….Ông Tô Văn là một trong rất ít người hồi 81, 82, dám nêu những thắc mắc về mặt trận Hoàng Cơ Minh…
- Dĩ nhiên. Mấy chục năm trước, ông ta đã từng là một tay sừng sỏ lắm! Anh hỏi “Anh có định viết hồi ký về thời gian anh làm quân sư cho tướng Nguyễn Sơn ở Thanh Hóa, và lúc anh làm tỉnh trưởng Hà Đông không?” ông ta chỉ cười, rồi lắc đầu thôi. Anh hỏi “Anh còn nhớ anh viết “ Cậu Chó” rồi bị thiên hạ chửi quá xá không?” ông ta gật đầu “ có, có” …
- Cuốn “Cậu Chó” ký tên Trần Đức Lai của Tô Văn, vẫn thấy bầy bán ở các tiệm sách dưới khu Bolsa.
Duyên Anh tiếp:
- Bà vợ ông ta bảo” Bọn Đại Nam in lậu cuốn ấy, bán khắp thế giới; mà mình có làm gì được chúng nó đâu!” Anh nói với Tô Văn “ Anh thấy không, anh ở ngay đất Mỹ này mà chúng nó vẫn cứ ngang nhiên ăn cắp tim óc của anh. Thế thì tôi ở xa, bị chúng nó ăn cắp cũng là chuyện tự nhiên thôi! Tội nghiệp anh, viết “ Cậu Chó”, bị cả nước chửi, nay chúng nó không chịu trả cho anh đồng nào!”
Tôi ngạc nhiên:
- Ông ấy không dám đòi mấy nhà xuất bản ấy à?
Duyên Anh chợt nổi giận:
- Đòi c. gì được chúng nó? Mấy thằng khốn nạn ấy chỉ cần nói “ Tôi đ. cần biết sách của anh hay của ai. Tôi in lại sách của Saigon hồi xưa thôi” là hòa cả làng! Chẳng ai làm gì chúng nó được. Mẹ, ông Tô Văn ngày trước cũng dữ dằn lắm đấy chứ. Mà có làm đ. gì được bọn chó đẻ ấy đâu? Chẳng lẽ xách súng đi cho mỗi thằng ăn cắp ấy một viên à?
Tôi hỏi:
- Tên thật của Tô Văn là Bùi Bá Nhân, phải không anh?
Duyên Anh cười dòn tan:
- Ừ. Nhưng anh hay gọi đùa ông ấy là Bùi Bất Nhân….
- Ông ấy không giận?
- Giận cái chó gì. Anh còn gọi ông ấy là Ma Vương Trần Đức Lai, hỗn danh Cậu Chó nữa. Tô Văn cũng chỉ cười hề hề thôi. Mấy lần Tô Văn ứng cử nghị viên, anh đều viết phiếm, phá ông ấy. Tô Văn tức mình lắm, hỏi anh “ Sao mày cứ phá tao hoài vậy?”, anh bảo “ Ông đắc cử làm nghị viên rồi, tôi đâu còn có thể chửi bọn nghị viên được nữa? Vì thế, tôi phải phá, để ông khỏi phải đắc cử, để tôi có thể tiếp tục chửi chúng nó chứ.”
- Anh có đọc mấy bài thơ tù cho Tô Văn nghe không?
Duyên Anh lắc đầu:
- Vội quá, không kịp. Với lại, thấy mình, ông ấy cảm động quá, cứ nắm tay anh hoài. Còn anh, anh cứ xoa đầu ông ấy, nói “ Bây giờ hết Mông Thẩm Thúy Hằng rồi nhé.” Cho ông ấy cười. Anh hỏi Tô Văn “ Anh còn nhớ hồi tụi mình thức suốt đêm làm báo, buổi sáng cả bọn đi uống cà phê với nhau, anh bảo “ Lúc này, tao thua chúng mày thật rồi”, anh nhớ không?, ông ấy cười, gật đầu. Anh hỏi: “ Nghe nói, hồi anh mới qua đây, không có tôi, anh môt mình một chợ, tung hoành ghê lắm phải không?”, ông ấy cười hề hề, khoái lắm. Tô Văn cũng bảo anh “ Tao biết hết những việc mày làm ở Paris”.
Tôi hỏi:
- Anh nghĩ thế nào về Tô Văn?
Duyên Anh suy nghĩ vài giây rồi đáp:
- Ở đời, có hai loại người mà anh thích; Chính nhân quân tử và chân tiểu nhân. Chính nhân quân tử thì khỏi phải nói rồi nhé. Còn chân tiểu nhân là thế nào? Đấy là những người vì quyền lợi, dám làm những gì người khác chê bai, không dám, hay không chịu làm. Và khi làm những điều này, các ông chân tiểu nhân làm công khai, không coi dư luận ra cái gì hết. Theo anh, Tô Văn là một chân tiểu nhân mà anh khoái. Nguyễn Tú A cũng xứng đáng là một chân tiểu nhân mà anh khoái. Nó về Việt Nam làm ăn, quay video lung tung; và dám công khai, thẳng thắn nhận việc làm này. Chỉ bọn ngụy quân tử là anh không ưa thôi…
Tôi hỏi:
- Anh xếp những ai vào loại này?
Duyên Anh cười:
- Úi giào, đ.m, nhiều lắm cơ. Nhưng kể sơ sơ thì N.S. là một thứ ngụy quân tử. V.P. cũng là một ông ngụy quân tử khác….
- Tại sao anh không ưa N.S.? Anh đã từng cho đăng CKT, tiền thân của Nhà Tù, trên báo của ông ta mà?
- Thì cũng chính vì vậy anh mới biết rõ ông ta.
- Nghĩa là…?
- Ông ta không trả nhuận bút gì cả. Chỉ gửi báo tặng thôi. Vì thế, anh không cho đăng CKT trên báo ông ta nữa.
Tôi hỏi:
- Còn ông V.P., ông ấy có ân oán giang hồ gì với anh đâu mà anh có vẻ không thích ông ta?
- V.P. là một ông lý trưởng văn nghệ. Anh xếp ông ta vào loại những người làm văn chương thư lại, văn chương nhai lại, thích nằm một chỗ làm công việc xếp đặt những người văn nghệ đi sau ông ta vào chiếu trên, chiếu dưới.
Duyên Anh đột nhiên ngưng ở đây. Tôi quên, không hỏi anh xếp những ai vào hạng chính nhân quân tử. Tuy nhiên, tôi thấy, trong một số bài viết của anh, Duyên Anh đã từng nhắc đến “người quân tử Phạm Kim Vinh”.
*
* *
Một buổi tối khác, Duyên Anh lấy tập thơ làm ở Paris ra, đọc cho tôi nghe. Sau khi đọc xong bài Cuồng Ngâm, anh bắt đầu giảng cho tôi về thơ lục bát:
- Em phải nhớ, làm thơ lục bát tưởng rằng dễ, nhưng thực ra khó lắm chứ không phải chơi đâu. Lục bát, làm không khéo, nó trở thành vè. Vì thế, muốn làm thơ lục bát cho hay, mình phải khó với chính mình.
- Nghĩa là…
- Phải khó trong lúc chọn chữ. Đừng dùng những từ ngữ thiên hạ dùng đã mòn teo rồi. Phải chếâ ra những từ ngữ mới, mới nhưng đừng làm dáng, đừng bí hiểm kiểu mấy anh thi sĩ “khều mặt trời”, và quái thai như cậu thi sĩ đòi “ hiếp dâm Thượng Đế, đẻ ra mặt trời”. Chữ dùng mới, nhưng cũng phải giản dị nữa…
- Theo anh, những thi sĩ Việt nam nào sử dụng lục bát hay nhất?
- Thứ nhất là những thi sĩ vô danh đã góp phần vào kho tàng ca dao vô giá của dân tộc mình. Tuy nhiên, họ chỉ làm được những câu ngắn thôi, chứ dài thì không hay. Người thứ hai làm thơ lục bát hay là Nguyễn Du. Nguyễn Du đưa lục bát lên mức thượng thừa, cao sang, trau chuốt. Lục bát của Nguyễn Du cho ta thấy sự khác biệt giữa thơ và vè. Vè là thế nào? Đọc Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đi, ta sẽ thấy nó rất gần với vè. Nghệ thuật lục bát trong Truyện Kiều vượt xa Lục Vân Tiên. Người thứ ba làm lục bát hay là Huy Cận. Huy Cận là kẻ đưa lục bát lên mức độ cổ điển…
- Thế còn Nguyễn Bính?
- Thơ Nguyễn Bính cũng hay, rất gần với ca dao. Nhưng lục bát ông ấy làm không dài hơi, chưa thể sánh với Nguyễn Du được. Nguyễn Du là người làm thơ lục bát kinh khủng lắm!
- Cái hay của Nguyễn Bính, theo anh là gì?
- Ông ấy làm thơ rất dễ dàng, như người dân quê nói ca dao ấy. Thơ Nguyễn Bính mang nhiều nhạc tính, ý tứ lạ lắm. Hai thứ rất cần thiết trong thi ca là chữ nghĩa và hình ảnh. Hai thứ này, Nguyễn Bính có cả. Một bài thơ hay, phải nói lên một điều gì đó. Nói xong điều đó, là đủ rồi. Đừng nên kéo cho dài thêm. Sáu câu đã là hay rồi. Ba mươi sáu câu lại càng khó hay hơn nữa. Đừng cố ép thêm vài ba câu làm gì. Làm như vậy, có khi lại hỏng bài thơ đi. Chẳng hạn như bài Cô Hàng Xóm của Nguyễn Bính đó…
- Bài ấy hay chứ?
- Hay lắm. Tình tứ và cảm động lắm. Nhất là hai câu Đêm qua nàng đã chết rồi, Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng. Giá mà như thế, là hay tuyệt! Ngưng ở chỗ ấy là vừa rồi. Nhưng không hiểu sao, Nguyễn Bính lại thêm vào hai câu nữa “Hồn trinh còn ở trần gian, Nhập vào bướm trắng mà sang bên này”, làm hỏng cả bài thơ đi. Anh nói lại, muốn làm thơ cho hay, mình phải khó với chính mình mới được. Bởi vì thơ là gì? Thơ chính là tinh túy của văn chương, là tổng hợp của tinh hoa văn chương, âm nhạc, và triết học. Cho nên, làm thơ dễ mà khó; khó nhưng không có nghĩa là không thể làm được. Làm thơ được hay không, là ở chỗ mình có thích làm thơ không đã. Nếu thích thì có thể làm thơ hay được. Miễn là mình phải chịu khó học hỏi, tìm tòi, suy nghĩ, và tập khó với chính mình. Thích làm thơ mà không làm thơ được, là lỗi chỉ tại mình không chịu khó thôi. Bây giờ, nếu giả dụ có ai cắt tay ông Nguyễn Du, ráp vào tay mình, mà mình không thích làm thơ, thì cũng chẳng ra nổi bài thơ nào hết đâu. Còn khi mình đã say mê làm thơ, thì một ngày nào đó, sẽ làm thơ hay được như Nguyễn Du thôi. Khi đam mê thơ ca đã đến một độ nào đó, nó sẽ phát ra ngoài thôi. Thơ sinh ra thơ. Thi sĩ dạy thi sĩ. Nghĩa là cứ làm thơ đi, rồi thơ mình sẽ hay thôi. Chẳng ai có thể dạy ai cách làm thơ hết…
- Như vậy, nếu thích làm thơ, mình nên bắt đầu bằng thể lục bát phải không?
- Không. Nên bắt đầu bằng loại thơ năm chữ trước. Rồi đến loại bảy chữ, tám chữ. Cho đến khi nào trong người em đầy những hình ảnh và nhạc điệu rồi, lúc ấy, em sẽ chuyển qua lục bát…
- Nhưng lục bát có vẻ dễ gieo vần hơn mấy thứ kia?
- Đúng vậy. Lục bát, tự nó, đã có nhạc điệu rồi. Gieo trật vần một cái, là kể như hỏng hết nhạc điệu. Cũng chỉ vì nó dễ làm như thế, nên nhiều người lầm tưởng lục bát cứ gieo vần đúng, là xong một bài thơ. Và họ đâm ra dễ dãi với chính mình. Họ không biết rằng đặt những chữ nào vào trong câu, cho nó phát ra nhạc điệu cao sang, mới là chuyện khó. Và nghệ thuật, tài năng là ở chỗ đó…
- Anh vừa nói thi sĩ dạy thi sĩ, nghĩa là trăm hay không bằng tay quen?
- Phải rồi. Em cứ thử đi. Cứ làm khoảng năm bảy chục bài thơ các loại đi, rồi sau đó, trở về với lục bát. Cam đoan, lục bát của em sẽ tuyệt lắm.
Tôi nói:
- Anh thí dụ về cách dùng chữ mới đi.
- Này nhé, em có biết ở ngoài Bắc, khi thuyền bị mắc cạn, không đi tiếp được thì người ta gọi là gì không?
Tôi suy nghĩ một vài giây rồi lắc đààu. Duyên Anh nói:
- Người ta gọi là thuyền khê. Em nghe mấy câu thơ này nhé
Mùa Riêng
Giấc thu lay động hôn mê
Lá từng chiếc thả, thuyền khê, sông buồn
Cây già còn nỗi cô đơn
Vòng tay ôm khít sợ cơn gió lùa
Ngập ngừng mùa tiễn đưa mùa
Bây giờ lại vẫn bao giờ quẩn quanh
Trời xê đất dịch tuần hoàn
Sao ta chỉ có một lần đến đi?
Đến, ta dằng dặc não nề
Đi, ta côi cút nẻo về hư vô
Ôi, cây già đứng ngẩn ngơ
Hình như ta đó, đợi mùa riêng ta.
Tôi nhìn Duyên Anh, ngậm ngùi:
- Tâm sự gì não nề quá vậy? Nhất là câu “ Đi, ta côi cút nẻo về hư vô”. Dường như anh muốn nói là sau khi chết, người ta sẽ về cõi hư vô, chứ không có lên Thiên Đàng hay xuống Địa Ngục gì, phải không?
Duyên Anh nghĩ ngợi một vài giây rồi chậm rãi:
- Thiên Đàng, Địa Ngục, Niết Bàn, hay chốn Âm Ty, nó đều hiện diện trong tâm tưởng người ta mà thôi. Nhưng mà đừng nói chuyện ấy nữa. Để anh đọc tiếp hai bài lục bát này, đều làm trong những lúc anh chán chường nhất.
- Chán chường?
- Ừ. Nhưng cũng chính những lúc đó, lại làm thơ được nhất. Những câu lục bát ấy giúp mình có thêm can đảm và nghị lực để vượt lên trên mọi thù hận, đố kỵ của kẻ thù.
Bia Da
Hồn ta căng rộng bia da
Nghìn tên tẩm độc thối tha bắn vào
Có sao đâu, chẳng sao đâu
Thơ ta nghe vẫn dạt dào kiêu sa
Duyên Anh cười khà khà sảng khoái, rồi đọc tiếp
Trái Núi
Núi cao, trái núi thật cao
Không nghe giun dế lao xao điệu hèn
Núi im, trái núi thật im
Không nghe cú rúc, rắn gầm, sói tru
Núi to, trái núi thật to
Một hôm, bắt tiếng hư vô gọi mình
Duyên Anh nói:
- Bài này, lúc vừa làm xong, anh gửi sang Luân Đôn, tặng thằng Vĩnh Phúc.
- Chắc Vĩnh Phúc biết ngay đây là loại thơ khẩu khí?
- Dĩ nhiên rồi. Vài tuần sau, anh nhận được bài thơ Vĩnh Phúc làm tặng anh. Nó viết như thế này. Và Duyên Anh cất tiếng đọc
Nhắn Núi
Núi ơi, núi đứng đã cao
Hãy vui gió mát trăng sao một mình
Quạ kêu, cú rúc, cũng im
Thị phi, núi hãy nhận chìm dưới chân
Đổi thay mặc đám phù vân
Ngàn năm núi vẫn hiên ngang với đời
Tôi hỏi:
- Anh biết Vĩnh Phúc muốn nhắn anh điều gì không?
- Có chứ. Nó biết anh cao ngạo, tự nhận mình là một ngọn núi. Vĩnh Phúc có ý khuyên anh đừng chấp bọn lau nhau bên dưới, bọn tài năng không bằng anh, bọn văn nghệ phì nọc rắn.
Duyên Anh cười buồn:
- Đ.m, nhiều lúc chán lắm cơ! Sống, mà cứ phải nghĩ cách đối phó với bọn rắn rết hèn mọn, thì chán lắm. Chán đến nỗi chỉ muốn tự tử cho rồi! Nhưng mà khoan đã, phải in xong một tập thơ nữa rồi hãy tính.
Tôi bàn với anh về sự khác nhau giữa hai chữ hèn mọn và hèn hạ. Theo tôi, hai chữ này hoàn toàn khác nhau. Một người có thể tự xưng mình là kẻ hèn mọn, nhưng người đó rất có thể không hèn hạ chút nào. Duyên Anh không đồng ý. Theo anh, hèn mọn và hèn hạ chung một nghĩa, và đều có nghĩa xấu, tuy rằng hèn mọn không đến nỗi tệ như hèn hạ.
Tôi hỏi anh:
- Trong những bài viết của anh Phạm Kim Vinh, anh ấy dùng mấy chữ kẻ hèn mọn này để nói về mình, như vậy không được sao?
Duyên Anh chắc nịch:
- Người ta thường nói kẻ hèn này, chứ không nói kẻ hèn mọn này. Hoa hèn, chứ không phải hoa hèn mọn.
Duyên Anh rất tự ái mỗi khi nghe ai góp ý phê bình những gì anh viết. Khi được anh nhờ xem lại bản đánh máy Trại Tập Trung trước khi đưa cho Nhà Xuân Thu in, tôi góp ý với Duyên Anh về việc anh cứ nhắc đi nhắc lại những chuyện Tạ Tỵ làm ở nhà bếp, và coi đó như những điều xấu xa.
Tôi nói:
- Em nghĩ, Tạ Tỵ kể lại mấy chuyện đó một cách chân thành như vậy, như một cách lên án chế độ lao tù dã man của Việt Cộng. Có lẽ, anh không nên dùng những chi tiết ấy để đánh lại ông ta thì hay hơn.
Duyên Anh nghe tôi nói, chỉ yên lặng. Chắc chắn, vào thời điểm đó, anh còn hận mấy bài viết của Tạ Tỵ, và chưa sẵn sàng bỏ qua.
Sau một lúc im lặng, Duyên Anh nói:
- Anh dự tính cho Nhà Xuân Thu in một tập nhạc và một tuyển tập thơ của anh. Tập thơ gồm tám bài sáng tác ở Saigon, trước tháng tư năm 75, một bài làm trong trại tập trung, ba bài sáng tác sau khi đi tù về. Còn lại, là những bài anh làm ở Paris từ tháng 10 năm 83, cho tới tháng 10 năm 87.
Tôi hỏi:
- Anh làm nhiều thơ nhất vào thời gian nào?
- Tháng 6, năm 87. Đó là thời gian anh gặp lại Hà Huyền Chi, sau mười hai năm xa cách. Đêm cuối cùng, ngồi uống rượu với Hà Huyền Chi, nó làm một bài thơ tặng anh. Bài thơ tên là Duyên Anh Ở Lại. Anh xúc động lắm, làm luôn một bài tiễn nó. Để anh lấy cho em xem.
Duyên Anh rút trong phong bì vàng ra một bản photocopy, đưa cho tôi:
- Em giữ làm kỷ niệm.
Hai bài thơ của Hà Huyền Chi và Duyên Anh được chụp lại trên một tờ giấy. Theo tôi, một kẻ không sành thơ, cái hay của hai bài này là ở chỗ chúng đã thành hình ngay trong xúc cảm của cả hai thi sĩ; người này hiểu rõ tâm sự và hoài bão của người kia.
Duyên Anh Ở Lại
Ta trên núi hận mù sương
Vết đau vỡ đá nỗi buồn xanh cây
Vỡ trong ta nỗi đọa đầy
Mất quê thiếu bạn từ ngày xa quê
Ngươi trong tù ngục ê chề
Oan khiên đội đá trở về nhân gian
Thế nhân tim sắt mạ vàng
Mũi tên đố kỵ bẽ bàng văn chương
Ta mang kiếm gẫy lên đường
Chia ngươi ngàn nỗi đoạn trường hôm nay
Thả đời vào một cơn say
Đạp trên sóng cả bão đầy mà đi
Ta về hồn ở Pa-ri
Ta về ngươi cũng hồn chia nỗi mừng
Mai kia lở núi tan rừng
Vẫn trong nỗi nhớ chập chùng hôm nay.
HÀ HUYỀN CHI
Tiễn Hà Huyền Chi
Mai ngươi trở gót phiêu bồng
Biết bao giờ mới dậy lòng viễn du?
Chửa hè đã ngỡ vàng thu
Chập chùng lá rụng mơ hồ sương rây
Mười năm tưởng vụng cuộc say
Tháng ngày tình ủ tháng ngày rượu ngon
Gặp ngươi tâm điểm vuông tròn
Biển dâu dâu biển chỉ buồn phồn hoa
Vẫn còn ta, mãi còn ta
Cái hôm nay sẽ lại là ngàn sau
Ngươi về đâu, ta ở đâu?
Về hay ở cũng chiêm bao gọi chiều
Ngựa đi nhạc tủi chân đèo
Vó hồi rã rượi hắt hiu cuối rừng
Thôi ngươi trở gót phiêu bồng
Dễ gì vụt thức dậy lòng viễn du?
Duyên Anh
(Rất tiếc, đầu tháng 5, 1988, sau ngày Duyên Anh bị nạn, Hà Huyền Chi viết một bài báo ngắn, chẳng những không bênh vực Duyên Anh mà còn thòng thêm một câu, nếu tôi nhớ không lầm, “Tao với mày không phải là bạn thân”. Qua bài báo này, người đọc thấy rõ ràng, Hà Huyền Chi quyết định tách mình thật xa khỏi Duyên Anh, có thể, để tránh bị liên lụy.
Từ khi Duyên Anh hồi phục, cho đến ngày anh qua đời, theo tôi biết, anh không còn liên lạc với Hà Huyền Chi nữa.)
Duyên Anh cũng cho tôi bản photocopy bài báo anh viết bằng tiếng Pháp, về trường hợp nhà văn Doãn Quốc Sĩ, đăng trên báo LA CROIX, tháng 11, 1987, trong đó anh giới thiệu Doãn Quốc Sĩ như một trong mười tên biệt kích văn nghệ, một người quốc gia chống cả cộng sản lẫn tư bản, bị Việt cộng bắt giam từ 1976 đến 1979, được thả, rồi lại bị bắt lại năm 1984, vì nhà cầm quyền tố cáo ông làm gián điệp. Duyên Anh mô tả cách giam giữ và đối xử tàn tệ của chế độ đối với nhà văn Doãn Quốc Sĩ, và kết luận bằng cách đặt câu hỏi trước lương tri những người yêu chuộng tự do “Không một tiếng kêu thống khổ nào có thể thoát ra khỏi nhà tù cộng sản được. Liệu chúng ta có để cho Doãn Quốc Sĩ chết mòn trong quên lãng chăng?”
Tôi hỏi:
- Dường như Nhà Nam Á đã có in tập Thơ Tù của anh rồi mà?
- Đúng rồi. Đó là hồi năm 84. Bây giờ, trong tập thơ sắp in này, chỉ in lại bài Saigon Trường Ca đã in trong cuốn Thơ Tù, nhưng bài này anh sửa một số câu; còn lại toàn là thơ chưa in ở đâu thôi. Khoảng năm chục bài gì đó.
- Còn nhạc thì sao?
- Xuân Thu cũng sẽ in một tuyển tập nhạc gồm sáu mươi bài của anh. Tập nhạc mang tên Nhan Sắc.
Sau buổi nói chuyện với tôi, không biết vì lý do gì, Duyên Anh đưa tuyển tập thơ Em Tôi, Saigon và Paris cho nhà Người Dân ấn hành. Còn tập nhạc sáu mươi bài của Duyên Anh, mang tên Nhan Sắc, tôi không biết Duyên Anh có đưa tập nhạc này cho Xuân Thu hay chưa. Bởi vì, cho tới nay, chỉ thấy có Nam Á in tuyển tập ca khúc Hôn Em Kỷ Niệm, gồm ba mươi sáu bản nhạc của Duyên Anh mà thôi.
Rất tiếc, tôi không có khiếu thơ ca, nên từ buổi nói chuyện với Duyên Anh, tôi vẫn chưa làm được bài thơ nào cho anh xem cả.
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Duyên Anh Và Tôi
Vũ Trung Hiền
Duyên Anh Và Tôi - Vũ Trung Hiền
https://isach.info/story.php?story=duyen_anh_va_toi__vu_trung_hien