Ghi Chú Về Lịch Sử Xuất Bản [*]
ayek bắt đầu viết Đường về nô lệ vào tháng 9 năm 1940 và cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên tại Anh vào ngày 10 tháng 3 năm 1944. Hayek ủy quyền cho bạn ông là tiến sĩ Fritz Machlup, một người tị nạn Áo lúc đó đang có một sự nghiệp xuất sắc trong giới hàn lâm Hoa Kỳ và đã được nhận vào làm việc tại Văn phòng Chăm sóc Tài sản của người nước ngoài ở Washington D. C. từ năm 1944, kí hợp đồng với một nhà xuất bản Mĩ. Trước khi đưa đến Nhà xuất bản của trường Đại học Chicago (University of Chicago Press), cuốn sách đã bị ba nhà xuất bản ở Mĩ từ chối, vì hoặc là họ tin rằng sẽ không bán được và có ít nhất một trường hợp, coi cuốn sách là “không phù hợp đối với một nhà xuất bản có danh tiếng”[1]. Không nản chí, Machlup đưa những trang in thử của bản in ở Anh cho Aaron Director, nguyên là thành viên của Khoa Kinh tế trường Đại học Chicago (University of Chicago Economics Department), ông này mới quay lại trường và giảng kinh tế ở Trường Luật (Law School). Sau đó Frank H. Knight, một nhà kinh tế học xuất sắc của Trường nhận được một tập in thử và trình cho Nhà xuất bản của trường Đại học Chicago với đề xuất của Director rằng Nhà xuất bản nên in cuốn sách.
Nhà xuất bản kí hợp đồng với Hayek để được quyền xuất bản ở Mĩ vào tháng 4 năm 1944, sau khi đã thuyết phục ông thực hiện một vài thay đổi “để phù hợp với Hoa Kỳ… chứ không phải là trình bày trực tiếp cho số lượng độc giả hạn chế ở Anh”, John Scoon, lúc đó là biên tập viên của nhà xuất bản, hồi tưởng lại. “Đầu tháng 4, tức khoảng thời gian kí hợp đồng xuất bản tại Mĩ, chúng tôi bắt đầu nghe dư luận về cuốn sách ở Anh, cuốn sách được xuất bản ở bên đó vào ngày 10 tháng 3. Đợt đầu chỉ in có 2.000 cuốn nhưng đã bán hết trong vòng một tháng. Nó được trích dẫn tại Quốc hội và trên báo chí, một vài tờ báo ở đây cũng bắt đầu nhắc tới cuốn sách, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết chắc ở Mĩ nó sẽ có sức hấp dẫn đến mức nào. Sự thực là, ngay trước ngày xuất bản chúng tôi vẫn chưa khuấy động được nhiệt tình của các nhà sách, ngay cả ở New York”.[2]
Lần xuất bản đầu tiên ở Chicago là vào ngày 18 tháng 9 năm 1944, in 2.000 cuốn, với lời giới thiệu của John Chamberlain, một kí giả và nhà phê bình sách nổi tiếng chuyên viết về chủ đề kinh tế. “Bài điểm sách đầu tiên chúng tôi thấy”, Scoon nói tiếp, “là bài của Orville Prescott đăng trên tờ NewYork Times ra ngày 20 tháng 9 năm 1944, một bài viết vô thưởng vô phạt và gọi nó là “một cuốn sách mỏng đầy giận dữ và chán ngắt”, nhưng trước khi thấy bài của Henry Hazlitt trên trang bìa tờ Sunday Times Book Review) chúng tôi đã đặt in đợt hai 5.000 cuốn nữa. Trong vài ngày chúng tôi đã nhận được đề nghị cho phép dịch sang tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hà Lan và các thứ tiếng khác, ngày 27 tháng 9 chúng tôi đặt in đợt ba 5.000 cuốn nữa, ngày hôm sau lại đầy lên 10.000 cuốn…
“Đầu tháng 10 nhiều kho sách trống rỗng, chúng tôi bận túi bụi với việc in ấn, đóng sách, gửi và phân phối cho khách hàng cả ở Mĩ lẫn Canada… Ngay từ đầu mọi người đã phấn chấn lắm rồi, nhưng việc tiêu thụ thì lúc lên lúc xuống…
“Cảm giác cay cú về cuốn sách tăng lên cùng với thời gian và mỗi lần cuốn sách gây thêm được ấn tượng thì cảm giác cay cú cũng lại càng cao thêm. (Người ta thường hành động một cách thiếu suy nghĩ, sao họ không đọc nó để xem Hayek thực sự nói gì!” Nhận xét của Scoon đến nay vẫn còn đúng.
Tháng 4 năm 1945, tờ the Reader’s Digest đã xuất bản ấn phẩm rút gọn và hơn 600.000 bản rút gọn đã được Câu lạc bộ sách trong tháng phân phối hết. Dự đoán được nhu cầu sau khi Digest xuất bản ấn phẩm rút gọn cũng như đợt lưu giảng của Hayek dự kiến vào mùa xuân năm 1945, Nhà xuất bản đã dàn xếp một số lượng in lớn trong lần in thứ bảy. Nhưng vì thiếu giấy nên lần in này bị giới hạn ở 10.000 ấn phẩm và Nhà xuất bản buộc phải giảm kích thước xuống thành loại sách bỏ túi. Một cuốn trong lần xuất bản này hiện đang nằm trong thư viện của tôi.
Trong 50 năm kể từ khi xuất bản, Nhà xuất bản đã bán được hơn 250.000 cuốn, 81.000 cuốn bìa cứng và 175.000 cuốn bìa mềm. Ấn bản bìa mềm được Nhà xuất bản của trường Đại học Chicago ấn hành lần đầu vào năm 1956. Lawrence, con trai của Hayek thông báo rằng gần hai mươi bản dịch ra các ngôn ngữ khác được cấp phép xuất bản. Ngoài ra, các bản dịch ngầm, không có phép cũng được lưu hành ở Nga, Ba Lan, Czech và có thể cả các ngôn ngữ khác, khi Đông Âu còn nằm sau bức màn sắt. Không nghi ngờ gì rằng các trước tác của Hayek và đặc biệt là tác phẩm này, đã là nguồn trí tuệ quan trọng góp phần phá vỡ niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản ở bên kia bức màn sắt, cũng như ở bên phía chúng ta.
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, các nước thuộc Liên Xô và chịu sự chi phối của Liên Xô cũ mới có điều kiện xuất bản công khai cuốn sách. Tôi biết từ nhiều nguồn khác nhau rằng mối quan tâm về các tác phẩm của Hayek nói chung và cuốn Đường về nô lệ nói riêng đã có sự gia tăng đột biến ở các nước này.
Từ khi Hayek mất vào năm 1992 càng ngày càng có nhiều người công nhận ảnh hưởng của ông đối với các chế độ cả cộng sản lẫn không cộng sản. Các nhà xuất bản của ông có thể vững tin tiếp tục bán tác phẩm xuất chúng này chừng nào mà tự do ngôn luận còn chiếm ưu thế, tuy đã bị xói mòn phần nào kể từ khi Hayek chấp bút cuốn sách này, song chính nhờ cuốn sách mà tự do ngôn luận đã được củng cố thêm.
Stanford, Calitornia.
Ngày 14 tháng 4 năm 1994.
Chú thích:
[*] Đoạn này chủ yếu dựa trên nghiên cứu của Alex Philipson, Giám đốc xúc tiến sản phẩm của Nhà xuất bản của Đại học Chicago.
[1] Xem lời tựa của Hayek cho ấn bản bìa mềm năm 1956, trang 26 dưới đây.
[2] Thư gửi C. Harley Gratan, ngày 2 tháng 5 năm 1945.
Đường Về Nô Lệ Đường Về Nô Lệ - Friedrich Hayek Đường Về Nô Lệ