Chương 3 - Đông Kinh Nghĩa Thục Thành Lập
gẫm xem con Tạo xoay vần,
Bày ra một cuộc duy tân cũng kỳ.
Tác giả
Hồi 1906, ở đầu phố hàng Đào, phía tay phải, từ chợ Đồng Xuân đi xuống có một căn nhà rộng mang số 4, bề ngang khoảng 4,5 thước, tại giữa là một lối đi, hai bên kê tủ và kệ chứa những tấm lụa Hà Đông, the La Cả, đũi Vân Xa, lãnh Bưởi và ít nhiều cây gấm Thượng Hải. Cụ bà Lương văn Can, và hai người con gái thay phiên nhau trông nom cửa hàng đó.
Phía sau cửa hàng là một phòng rộng, trên cao treo một bức hoành phi sơn son thếp vàng khắc bốn chữ Hồn nhiên thiên thành. Ở cuối phòng có một cái thang đưa lên gác, chính tại gác đó mà cụ Lương, cụ Tăng, hai cụ Phan và nhiều nhà cách mạng nhỏ tuổi hơn như Nguyễn Quyền, Lương Trúc Đàm, Đỗ Chân Thiết, Phương Sơn... họp nhau để bàn quốc sự.
Cụ Sào Nam kể lai lịch cùng chí hướng của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, những lời hứa hẹn của các chính khách Nhật rồi bàn lẽ phải nhờ sức viện trợ của Nhật thì việc lớn mới thành.
Cụ Nguyễn Quyền đứng dậy nói:
- Theo ngu ý, như vậy e sa vào cái lỗi “tiền môn cự hổ, hậu hộ tiến lang” 1 mất.
Cụ Sào Nam bênh vực quan niệm của mình, đại ý nói, không nhờ ngoại viện thì gắng sức cũng chỉ gây được thanh thế như cụ Phan Đình Phùng là cùng, không sao thắng nổi Pháp.
Cụ Lương đứng ra hòa giải:
- Tôi nghĩ ngoại viện và tự cường phải đồng thời tiến hành mới nên.
Từ đó đường lối cách mạng của các cụ, kể cả cụ Sào Nam, là một mặt tiến hành giải phóng dân tộc bằng biện pháp võ trang, mặt khác đấu tranh công khai hợp pháp nhằm tuyên truyền giáo dục quốc dân, cải cách kinh tế xã hội để phục vụ cho cuộc đấu tranh võ trang.
Rốt cuộc, một nhóm người đã xuất dương thì cứ tiếp tục cầu viện Nhật, Trung Hoa, còn nhóm người ở tại trong nước thì lo duy tân, tự cường, liên lạc với các đồng chí Trung, Nam, Bắc, cổ lệ dân khí để quyên tiền giúp người xuất dương.
Tinh thần đó được một chí sĩ ghi lại trong mấy vần dưới đây:
Quyết vùng dậy ra tay tả đảng 2
Đứng đều lên có bạn nhà Nho,
Người trong thì trợ công phu,
Thừa cơ diễn thuyết nói cho rõ ràng...........
Người ở lại liệu chiều vận động,
Người đi thì biết rộng cơ mưu
Trong ngoài giao hợp với nhau,
Đem tài lương đống làm đầu cho dân
(Kính gởi đồng bào toàn quốc - Vô danh)
Như vậy ta không thể căn cứ vào Văn minh tân học sách 3 để kết luận rằng Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ làm cách mạng về văn hóa thuần túy. Sự thực là có một sự phân công giữa các nhà Nho thời đó và hai phái Duy tân và Bạo động nhắm chung một đích, bổ túc lẫn nhau.
Các cụ hẹn với nhau cứ sáu tháng lại khai hội ở Hà thành một lần, tại nhà cụ Lương; nhưng một cụ đề nghị mỗi lần hội nên đổi chỗ, như tại chùa Trấn Quốc, chùa Hòa Mã, chùa Liên Phái... cho người Pháp khỏi dòm ngó, đề nghị đó được tán thành.
Khi bàn tới việc quyên tiền, cụ Tây Hồ tỏ vẻ hơi bi quan. Cụ nói:
- Chúng ta có cái dũng khí độc lập cả ngàn năm rồi, trăm lần bẻ mà không gẫy. Tôi có dịp chu du các nơi, những người hưởng ứng có tới số ngàn, chỉ tiếc một điều, người có hằng sản thì không có hằng tâm, còn người có hằng tâm thì hầu hết là bần sĩ, mỗi khi nghĩ tới việc đó, tôi thường thở dài, biết làm sao đây?
Cụ Phương Sơn đứng lên nói:
- Phàm đã có quyết tâm thì không nên kể thành bại mà cứ việc mạnh bạo làm. Tôn Dật Tiên khi khởi sự ở Hương Cảng chỉ có sáu đồng chí, tức bọn Sử Kiện Như, Trần Thiếu Bạch... mà bây giờ thanh thế gần như cướp mất hồn phách của nhà Thanh. Vậy ta chỉ sợ không có chí, đừng sợ không có tiền, xin các cụ đừng ngại.
Kế đó, cụ Tây Hồ kể rõ phương pháp của Khánh Ứng nghĩa thục và đề nghị lập tại Hà Thành một nghĩa thục tương tự. Đề nghị được chấp thuận và sau một hồi bàn xét, tên Đông Kinh Nghĩa Thục 4 được lựa chọn, mục đích của nghĩa thục được vạch rõ: khai trí cho dân, phương tiện được hoạch định: mở những lớp dạy học không lấy tiền (để đúng với cái tên là nghĩa thục) và tổ chức những cuộc diễn thuyết để trao đổi tư tưởng cùng cổ động trong dân chúng.
Trường sẽ dạy cả Việt văn, Hán văn, Pháp văn. Ban Tiểu học chuyên dạy Việt văn, lên Trung học và Đại học mới dạy Hán văn và Pháp văn. Chương trình thì bỏ lối học từ chương khoa cử mà chú trọng vào thường thức và thực nghiệp 5.
°
Đại cương đã vạch rồi, ít lâu sau, các cụ tái hội để tổ chức nghĩa thục và phân phối công việc. Lần này vắng mặt cụ Tăng và cụ Sào Nam, nhưng thêm nhiều nhà nho khác như Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hải Thần... và vài nhà tân học như Nguyễn văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học...
Hết thảy đều cử cụ Lương văn Can làm thục trưởng, cụ Nguyễn Quyền làm học giám; cụ Tây Hồ không lãnh chức gì cả vì cụ muốn về Trung gõ chuông thức tỉnh đồng bào trong đó.
Cụ Lương sở dĩ được bầu chức thục trưởng vì cụ lớn tuổi hơn cả và bản tính ôn nhu mà có khí tiết. Cụ sinh năm 1854 ở làng Nhị Khê, tỉnh Hà Đông - tức quê của Nguyễn Trãi - trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ có lần cụ phải làm thợ sơn trong vài tháng. Năm 21 tuổi, cụ đậu cử nhân, năm sau thi Hội, được phân số 6, triều đình bổ làm giáo thụ Phủ Hoài, cụ từ chối, sau chính phủ Pháp cử cụ làm Hội đồng thành phố Hà Nội, cụ cũng không nhận, ở nhà dạy học mà môn đệ nổi danh nhất của cụ sau này là cụ Nguyễn Hải Thần. Ngay từ hồi trẻ, cụ đã tỏ ra có khí phách. Khi một thầy cũ, làm cách mạng bị chém, bêu đâu ở Phủ Hoài, môn đồ không ai dám xin thi hài về chôn cất sợ lụy tới thân, duy có cụ khẳng khái dâng sớ xin, triều đình cho phép và khen là người có nghĩa.
Năm lập nghĩa thục, cụ mới trên 50 tuổi, nhưng râu tóc đã bạc nhiều, trông như người ngoài sáu mươi.
Các cụ Nguyễn văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn tự đảm nhiệm việc xin giấy phép mở trường, và tức thì thảo đơn gởi phủ Thống sứ.
Về tài chánh, hội viên tự ý giúp bao nhiêu cũng được và quyên thêm trong những chỗ quen thuộc hảo tâm. Tiền do cụ Lương xuất phát, nhưng sổ sách do cụ Nguyễn Quyền giữ.
Chương trình của hội là hãy lập một trưởng ở Hà Thành, rồi tuyên truyền về các vùng lân cận bằng các cuộc diễn thuyết; khi nào công việc tấn triển khả quan sẽ lập chi nhánh ở khắp nơi.
Nhiều người bàn nên lập trường ở ngay nhà cụ Lương vì nhà này có một cái gác tẩu mã 7 chứa được vài trăm học sinh. Cụ Lương bằng lòng và đề nghị khi nào số học sinh đông, sẽ mướn thêm ngôi nhà số 10 ở bên cạnh. Nhà này còn rộng hơn nhà cụ, vốn là của ông Hương cống Sùng, một phú gia bậc nhất nhì Hà Thành hồi trước, lúc đó đã bán cho ông Phạm Lẫm (thường gọi là ông Bố Vĩnh Lại vì ông làm Bố chánh và quê làng Vĩnh Lại - Hưng Hóa). Nhà ăn thông từ hàng Đào đến hàng Quạt, dài trên năm chục thước rộng có chỗ non ba chục thước, cũng có gác tẩu mã rộng tám thước lại thêm một hoa viên, giữa xây một con voi lớn, đào một giếng nước và trồng nhiều cây quý như anh đào, bích đào, đặc biệt nhất là một cây lê tới mùa bông trắng xóa và một cây lựu bông kín cả cành, đỏ rực, rũ xuống y như tràng pháo.
°
Đợi hơn một tháng sau, phủ Thống sứ vẫn chưa cho phép. Chắc sở Liêm phóng (tức sở Mật thám) còn điều tra kỹ lưỡng và cái tên nghĩa thục đã làm cho họ suy nghĩ: nghĩa thục là trường dạy không lấy tiền, những nghĩa thục và nghĩa quân thì cùng là một chữ nghĩa đó, vậy nghĩa thục còn nghĩa gì khác nữa chăng? Từ chối không cho phép thì tỏ ra hẹp hòi vì người ta xin mở trường khai trí cho dân chứ có làm gì đâu; mà cho phép thì sợ trường hoạt động cách mạng, sau này mất công đàn áp.
Trong khi đó, tiếng đồn trường sẽ mở đã vang khắp Hà Thành, từ miệng người nọ truyền qua miệng người kia. Ai cũng mong ngày khai trường để xem nghĩa thục đầu tiên của nước nhà ra sao. Người ta bàn tán nhất về các vị giáo sư mà hầu hết là những danh sĩ tâm huyết, người thì tú tài, cử nhân; mà không thèm áo mão cân đai, kẻ thì văn hay chữ tốt mà chê cái vui bảng hổ danh đề.
Người ta thì thầm với nhau:
- Các ông ấy muốn tính đại sự đấy.
Phần đông thán phục nhưng cũng có một số chê là bất trí:
- Nhà nước làm còn chả xong, các ông ấy mà làm cái gì được?
Nhiều nhà đã xin với các giáo sư cho em lại học mà trường vẫn chưa được phép. Đợi lâu quá, một người trong phái tân học bàn với cụ Lương:
- Theo lệ Tây, không cho phép mà cũng không bác bỏ, tức thị là mặc hứa. Mà chủ trương của chúng ta chính đại quang minh, họ khó bề từ chối. Vậy chúng ta có thể mở lớp ngay trước, nhưng hãy dạy Quốc ngữ thôi, kẻo nhiều người mong đợi quá. Quốc ngữ là lợi khí thứ nhất để khai dân trí, vả lại dạy môn đó không đụng chạm gì tới ai, người Pháp không có lý gì để cấm ta.
Đề nghị ấy được nhiều người tán thành. Người đó lại tiếp:
- Ta nên mở ngay hai lớp, một lớp cho phe nam, một lớp cho phe nữ. Xin mượn gác nhà cụ làm lớp học. Duy có điều khó là ai dạy ban nữ được bây giờ đây?
Đợi một lúc lâu, không thấy ai trả lời, Lương Trúc Đàm đứng lên nói:
- Nếu không tìm được ai dạy thì tôi xin cử em Năm tôi. Cô ấy biết Quốc ngữ, tôi tưởng dạy tạm lúc đầu cũng được.
Nhiều người cười:
- Được vậy thì may lắm. Trong nhà cụ thực không còn thiếu chức gì nữa, thục trưởng, rồi nam giáo viên, lại nữ giáo viên.
Ít bữa sau, (tháng ba D.L.), trong ngôi nhà số 4 phố Hàng Đào đã có hai lớp học: một nam, một nữ; học sinh cộng được sáu bảy chục, phần đông là con cháu hội viên.
Thời đó mở lớp cho nữ sinh như vậy quả là một cải cách lớn: các cụ chẳng những muốn bài trừ tư tưởng nam tôn nữ ti của cổ nhân, mà còn muốn cho phụ nữ phải đóng một vai trò trong xã hội, tạo cho họ một nhân sinh quan mới, một lối sống mới.
°
Vì chưa đóng kịp bàn ghế riêng cho học sinh, trường đành dùng tạm án thư, tràng kỷ, đôn. Cụ Lương Trúc Đàm dạy bên nam, cô Năm dạy bên nữ. Những cái đầu để chỏm ở giữa hoặc hai trái đào hai bên, chen với những mớ tóc đen nhánh quấn trong vành khăn nhiễu tam giang, phất phơ chiếc đuôi gà. Hết thảy đều cặm cụi, bặm môi tô những chữ a, chữ o, chữ e trên giấy.
Vài tháng sau, vào đầu hè năm Đinh Mùi (tháng 5 D.L. 1907) giấy phép tới. Tức thì trường khuếch trương lớn.
--------------------------------
1 Cửa trước cự được con hổ, của sau lại rước con chó sói vào.
2 Điển Chu Bột đời Hán, muốn giết họ hàng, bè phái Lữ Hậu để khôi phục họ Lưu (nhà Hán), ra lệnh hễ ai theo họ Lưu thì vén tay áo bên tả (tả đảng) lên; quân lính đều vén tay áo bên tả và sau khôi phục được nhà Hán.
3 Văn minh tân học sách viết năm 1904, không rõ tác giả là ai, năm 1907 được Đông Kinh Nghĩa Thục in lại cùng với bài Cáo hủ lậu văn và Cao Ly vong quốc chi thảm trạng để làm tài liệu học tập, tuyên truyền.
4 Đông Kinh, tức Đông đô, tên thành Hà Nội về đời nhà Hồ.
5 Chúng ta nên nhớ hiện nay, sau 60 năm, chương trình của bộ Quốc gia Giáo dục vẫn chưa chú trọng vào hai điểm đó.
6 Nghĩa là trong bốn kỳ thi Hội được một, hai kỳ.
7 Gác lớn mà các nhà Hà Nội thời xưa thường có. Sở dĩ gọi là gác tẩu mã, vì nó rộng và dài, như có thể cho ngựa chạy trên đó được.
Đông Kinh Nghĩa Thục Đông Kinh Nghĩa Thục - Nguyễn Hiến Lê Đông Kinh Nghĩa Thục