Đời Phi Công epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 4: Gió Hải Hồ
... Mang thân làm cánh chim,
ai ra đi cũng hẹn có ngày trở về tổ ấm...
Phượng,
Anh đã tới Marseille từ chiều hôm qua sau suốt một ngày và một đêm lênh đênh trên mặt sóng. Nhận được thư em đúng dịp đang thi mãn khoá nên đến nay anh mới viết được cho em. Nghĩ thật trẻ con, cái chuyện chúng ta giận nhau em nhỉ. Tự nhiên vắng thư em sáu bảy tháng trời, nếu anh không viết trước cho em chắc em còn giận anh lâu nữa. Làm anh bao giờ cũng phải chịu thua mà. Anh đã chả từng nói với em rằng có những con người sinh ra chỉ để chịu thiệt. Hạnh phúc của em được toàn vẹn là anh mãn nguyện rồi.
Em nói anh đã có mấy bông hồng xinh đẹp ở Nice tha hồ mà ca khúc hát du dương. Biết bao giờ em của anh mới thôi tàn ác! Trên đường đời em đi tung tăng, ngây thơ trong ánh sương mai có bao giờ em nghĩ rằng một lời nói, một cử chỉ vô tình của em có thể làm cho người khác đau khổ. Em nhắc làm chi đến những bông hồng gai góc của người. Nếu một ngay kia anh có phải ngơ ngẩn vì hương sắc của một bông hoa quý có lẽ sẽ chỉ là một bông hoa lan mộc mạc ở núi rừng quê hương mà thôi. Giữa những đoá hồng nhung tươi thắm và những bông lan cao quý có nhiều cái khác nhau lắm em ạ. Dù cho hồng gai góc đến đâu người ta vẫn còn đưa tay ngắt để có thể ngắm nghía mấy cánh nhung mịn. Trước một bông lan quý thì ai cũng chỉ ngây ngất mà nhìn. Em Phượng! Anh có thể nhắc một cách dễ dàng đến những bông hồng nhung nhưng chắc suốt đời không bao giờ anh dám chạm đến bông lan đã làm cho anh nhiều lúc nhớ nhung bâng khuâng ở cuối chân trời này. Cùng với thư của em, anh nhận được thư Bác. Anh cảm ơn em về những dịp xuống Hải Phòng em đã lại thăm Bác. Bác thường nói những lúc anh vắng nhà, giá có em ở bên...
Nhưng thôi đó chỉ là những điều mơ ước. Nhiều khi tai biến dồn dập nhiều quá đã làm ngưòi ta sinh ra có những ước vọng viễn vông. Anh nghĩ rằng với mẹ anh, thỉnh thoảng được gặp em để người nghĩ rằng cái thời đẹp đẽ ngày xưa hai nhà ở sát vách nhau đế em chui dậu chạy sang bên anh vẫn còn, như thế là quá đủ rồi. Em có thể tàn ác với anh nhưng anh tin rằng đối với Bác em vẫn làm cho Bác giữ được những nét ngoan ngoãn yêu kiều của cháu gái Bác ngày xưa.
Thấy em báo tin đã trúng tuyển Tú Tài phần I anh mừng khôn xiết. Còn quà thưởng thì em cho anh xin khất vì anh muốn viết thư mừng em trước đã. Anh còn vui hơn thế nữa khi thấy em nói cái "anh chàng" hay đứng rụt rè trước cửa nhà em để được nhìn em đi học mỗi buổi sáng đã giúp cho em phần nào trong việc luyện thi. Anh không ngờ chàng lại là anh Hiền con Bác Thái. Sao em không nói rõ Hiền bắt đầu quen em thực sự từ bao giờ và trong trường hợp nào Hiền bắt đầu đến dạy em học. Để chìu theo ý em anh cũng kể cho em nghe thêm về Hiền, tuy anh muốn em cứ quen Hiền đi rồi lo gì không hiểu thêm về nhau.
Đúng như em nói, Hiền học cùng với anh lúc thi Tú Tài nhưng sau này anh ấy học Y Khoa vì chắc cũng muốn trở thành đốc tờ như bác Thái. Tính Hiền rất ít nói, ưa nhường nhịn bạn bè nên trong lớp anh ai cũng mến. Nếu Hiền quen em vì đã tới nói chuyện với em trước thì đó là một điều làm anh ngạc nhiên hay ít ra cũng phải do một mãnh lực nào thúc đẩy chứ anh Hiền mà anh quen từ bốn, năm năm nay chỉ là một sinh viên rụt rè, có ngẩn ngơ vì một hình bóng yêu kiều nào chắc cũng chỉ dám âm thầm mơ tưởng chứ anh không tin rằng Hiền có đủ can đảm để thố lộ nỗi lòng cùng một thiếu nữ tinh nghịch như em.
Còn như em hỏi anh có chơi thân với Hiền hay không và có bằng lòng để cho Hiền dạy em học thay cho anh khi vắng nhà thì anh cũng thấy khó nói. Em còn lạ gì cái tính lông bông của anh, bạn bè ai mà chịu được, nhất là với người đứng đắn như anh Hiền. Nhiều lần anh ấy trách anh rằng đã chơi nhiều hơn là học và anh nhớ đã có một lần gần đến ngày thi Hiền bảo anh:
Tôi nhận thấy anh là người thông minh và tài hoa. Nhưng ít khi thấy anh để ý đến bài vở. Tôi nghĩ rằng chỉ có những người làm việc có tổ chức và chăm chỉ mới có thể thành công được, sao anh không cố gắng thêm một chút nữa...
Anh đã cười nhìn thẳng thắn vào Hiền làm anh ấy phát ngượng mắt chớp chớp mau sau lần kính trắng. Sau đó chúng anh ít khi nói chuyện với nhau, nhưng có một điều đáng nói là anh có chăm chỉ hơn trước một chút. Đến kỳ thi anh đỗ cao hơn Hiền, có lẽ nhờ ở cái tài hoa vặt của anh, nhờ ở tài biện bác khéo léo khi anh vào vấn đáp. Nhưng thành thực mà nói anh phải thấy anh Hiền có lý. Chỉ có những người làm việc chăm chỉ có tổ chức mới thành công được trên đường đời. Người bạn hiền lành của anh năm xưa nay đã gần trở thành một bác sỹ. Còn con người lông bông như anh thì nay đang lênh đênh trôi dạt chưa biết sẽ tới bến bờ nào. Có nhiều đêm thao thức trên những gác trọ xa lạ ở rải rác bốn phương trời anh đã buồn nhiều khi nghĩ rằng mình đã làm bao người thân tình thất vọng. Sau này anh có xây dựng được sự nghiệp gì chăng nữa chắc cũng không bù lại được những giòng lệ vơi đầy, mái tóc sớm pha sương của hiền mẫu.
Phượng ơi! Không hiểu sao giờ đây nhiều khi anh thấy băn khoăn và nghĩ rằng mình đã lầm khi chọn lấy nghề nghiệp. Tại sao anh không trở thành một bác sỹ y khoa để nay có thể vui vẻ ngày ngày lại kèm em học, để có thể tiếp tục bắt nạt em, dọa cho em khóc. Có lẽ vì anh tự nghĩ mình không sáng dạ cho nên đã bỏ dở sách đèn. Hay anh đã trở nên bi quan sau những cơn gia biến và nghĩ rằng ở nhà khó lòng đủ tiền cho anh theo học đến cùng. Tất cả những điều đó anh không làm sao tìm thấy câu trả lời được. Chỉ biết rằng anh không ngần ngại lao mình vào cuộc đời phi công và giờ đây anh vui với số phận. Chí làm trai anh đã được toại nguyện. Chỉ đôi khi gặp những thắc mắc của lòng anh mới thấy bâng khuâng không duyên cớ.
Thôi cắt dứt chuyện tình cảm Phượng nhỉ. Anh vui mà thấy một thanh niên đầy triển vọng như Hiền, thay anh để kèm em học. Anh tin rằng Hiền sẽ xứng đáng hơn nữa vì chắc chàng sẽ chìu em hơn anh nhiều.
Bến tàu Marseille hôm nay cũng đông một cách hỗn loạn như thường nhật. Anh nhìn ra bến, nhìn ra khơi, theo những làn khói lam của những thương thuyền, theo những con hải âu đùa với những cánh buồm trắng. Có cái gì xa vời, lênh đênh có lẽ là cửa bể một chiều. Những con thuyền không biết đang quay mũi ra đi hay tìm về bến cũ nhưng giống nhau ở chỗ cùng bập bềnh sóng nước, và khác nhau ở chỗ xuôi ngược bến bờ. Tại sao anh không phải là thủy thủ Phượng nhỉ? Có lẽ tại anh thích say sóng nhạc ở không trung hơn là bập bềnh trên mặt biển bao la, hay có lẽ tại anh ham những chuyến đi, say với gió hải hồ nhưng lòng bao giờ cũng luyến tiếc một mái nhà ấm, cũng ước ao có một gia đình. Đời thủy thủ lênh đênh quá, trôi khắp bến trời. Còn các anh có bao giờ rời mặt đất quá nữa ngày đâu.
Cách đây hai hôm, khi còn lênh đênh trên mặt sóng Địa Trung Hải anh đã suy nghĩ nhiều về những điều ấy. Đã nặng kiếp giang hồ thì đi gần hay xa cũng là đi. Còn lênh đênh trên sóng nước hay trôi dạt theo mây trời đâu có nghĩa gì. Những con người nặng nghiệp bay hình như có lý lẽ riêng của họ. Anh nói chữ hình như vì anh cũng thắc mắc với chính anh nữa. Hay là tại người phi công bị lưu luyến với hình ảnh gia đình trong khi tâm hồn họ đang khao khát với gió lộng của bốn phương. Chính vì thế mà cánh chim không bao giờ bay xa cả.
Cùng với nắng dương các anh ra đi và cừng với sương đêm các anh tìm về tổ ấm. Đời người phi công bị buộc chặt với đất liền quá. Đã từng lạc trong mây trời cuồn cuộn, đã từng nghiêng ngửa với mưa bão trên không trung mới thấy thấm thía nỗi vui mừng của những cánh chim khi nhìn thấy tổ.
Anh còn nhớ những hôm trời tự nhiên nổi gió. Trời trong xanh mọi ngày tự nhiên biến mất. Từng lớp mây vẩn đục hiện lên. Lòng người cũng thấy giông tố phũ phàng. Đặt trước thiên nhiên phi công chỉ chọn đựợc một con đường tin ở đôi cánh của mình, tin ở những điều tâm niệm. Đã nhiều lần trong những lúc chuyện trò họ được nghe những người đi trước kể chuyện. Đã bao nhiêu lần trong phòng hẹp một ngày giông tố phũ phàng họ ngồi chung quanh lò than hồng để ôn chuyện cũ. Hôm nay trời mưa gió, có một đàn chim tránh bảo, không rời tổ. Nhưng có những cánh chim đang bị dạt theo bốn phương trời. Có giọng một phi công già kể. Già đây có nghĩa là vì anh đã bay hàng ngàn giờ; trên gương mặt rắn rỏi có gì phong trần cũng chỉ là gió sương mây trời để lại. Nếu thực già vì tuổi thì người phi công đã giải nghệ từ lâu. Bầy chim non mới lên, lớn nhanh như thổi. Tranh giành với bọn chúng làm chi! Mây gió đường xa chỉ quen thổi lộng những mái đầu xanh đầy nhựa sống. Người phi công già trước tuối ấy kể lại cho những kẻ đi sau ít kinh nghiệm về bão táp. Bão táp bao giờ cũng ở giữa đoạn đường vì cánh chim ra đi bao giờ giời cũng nắng đẹp. Và tất cả mọi nggười đều chăm chú nghe con người kể chuyện một cách bình thản. Mưa gió đường xa như thế đấy. Sau khi hạ cánh bình yên thì con người vừa phiêu lưu cũng chỉ còn biết thở dài một cái nhẹ và chờ đợi một cơn giông bão khác. Bữa cơm tối cũng chả cần điểm thêm một chút rượu vang cho tâm hồn say men, người phi công cũng sẽ ngủ ngon. Mệt nhọc ban ngày cũng thừa sức giúp anh say giấc nồng. Sau cơn bão, trời bình minh bao giờ cũng đẹp. Cùng với rạng đông, con tầu lại quay máy, cánh gió reo vui. Tiếng phi trường gọi. Từng đoàn phi cơ lăn trên sân nhựa làm tóe từng vũng nước mưa đọng lại hôm trước. Con người chỉ còn nghe thấy những tiếng chim gọi đàn:
Alpha November. Tôi cất cánh phi đạo hai mươi tám.
Tiếng gió reo, ánh nắng ban mai làm tan hết vui buồn. Không khí trong lành quá và bầu trời xanh lam biến mất hết những mây trời cuồn cuộn. Đường xa lại chạy dài và cánh gió lại lướt mây trời. Có ai nghĩ rằng trôi lênh đênh trên những đám mây trắng là buồn. Cứ như thế cho đến một ngày đang bay, trời vẩn đục. Mây thành lại cuồn cuộn nổi và người cầm tay lái lại cắn chặt môi để giử cho tàu không lắc. Mưa như xối sả vào tấm kính trước mặt nhỏ giọt vào đùi, ướt đẫm cả lần lót đôi ủng bay. Bão táp trôi qua, người phi công lại thở dài khoan khoái khi bước xuống sân. Buổi tối hôm ấy cũng chả cần phải ly rượu vang thường lệ để say giấc nồng. Và cũng chả ai nhắc tới những đám mây thành nữa.
Trừ khi... phải, trừ khi có một ngày giông bão lớn, những cánh chim giang hồ nằm lại tổ ấm, ngồi quanh ánh lữa hồng. Rồi người phi công già kể lại chuyện. Kể một cách không hảnh diện vì giông tố thường quá rồi. Đàn chim non chăm chú nghe để đợi một ngày kia đến lưọt mình sẽ qua giông bão.
Em Phượng! Giông tố bao giờ cũng đến giữa cuộc đời. Mang thân làm cánh chim, ai ra đi cũng hẹn có ngày trở về tổ ấm. Thân phi công có bao giờ dám lỡ một cung đường!
Anh ngồi trên bến tàu gió lộng ra khơi mà nghĩ đến đoạn đường dài, đến những lời hứa hẹn. Tuy anh chưa từng hẹn nhưng bay muôn phương bao giờ anh cũng nguyện có một ngày về. Vào thời xưa xa xôi anh đã từng làm em hờn giận vì phạt em không thuộc bài. Anh không bao giờ nặng lời trách và cũng không cho em ít điểm. Anh chỉ nhìn em thầm bảo, sao em không chăm học để anh có thể dạy em mãi mãi cho đến ngay chúng ta cùng bạc mái đầu. Mắt em buồn có ngấn lệ và anh cũng thấy lòng không vui. Cơn mây mờ trôi đi vì giông tố phũ phàng chỉ đến khi lỡ dở cuộc đời.
Em Phượng! Anh không hẹn cùng em nhưng một ngày kia cánh chim bao giờ cũng quay về tổ cũ. Câu chuyện kèm em học nó cũng chỉ dở dang như một ngày mưa gió các anh ngừng bay. Tại sao em không có gần đây để cùng các anh ngồi quanh một lò than hồng. Sẽ có một ngưòì đã từng qua nhiều bão táp kể lại một câu chuyện xa xưa. Đàn chim non sát lại gần nhau chăm chú nghe. Một ngày kia sẽ đến lượt chúng mình, vì giông tố chỉ đến ở giữa chặng đường.
Học ngoan đi em Phượng. Hẳn em cũng đồng ý với anh rằng chúng ta mới vừa đến ngưỡng cửa của cuộc đời. Anh hy vọng rằng mai sau nếu có giông tố anh đã trở về nhà để cùng qua với em.
Đời Phi Công Đời Phi Công - Nguyễn Xuân Vinh Đời Phi Công