Chương 1
ư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc san, hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo, hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm, mạc vấn Thiền
(Ở giữa cõi trần vui với Đạo hãy tùy duyên.
Đói thì ăn, hễ mệt ngủ liền
Trong nhà sẵn báu, tìm đâu nữa,
Đối cảnh vô tâm, hỏi chi Thiền).
(Trích Cư trần lạc đạo phú,
Trần Nhân Tông)
Đêm nay sư cụ khó ngủ. Trằn trọc mãi, hết trở mình sang trái rồi lại sang phải mà hai mắt vẫn cứ chong ra. Đồn tây trên núi Thằn Lằn, bỗng bắn rộ một tràng súng máy. Tiếng súng xa xé rách đêm vắng làm sư cụ giật mình. Rồi tất cả lại rơi vào im lặng. Hình như ở ngoài vườn có tiếng chân người. Cụ lắng nghe song lại chẳng thấy gì. Cụ lẩm bẩm nói với mình: “Không có lẽ… đã lâu rồi… hay là họ lại về…”.
Lúc này, chỉ còn nghe thấy tiếng dế, tiếng ếch nhái ngoài cánh đồng quanh chùa rỉ rả cất lên đều đều, buồn buồn. Bỗng con chó vàng nằm ở thềm nhà tổ cất tiếng sủa. Con vàng sủa trăng ư? Làm gì có trăng mà sủa. Đêm cuối tháng ba lạnh đến xương tủy. Trời tối như mực. Mưa lất phất kéo cái lạnh cuối mùa. Những cơn gió đông cuối cùng làm dựng xù những chiếc lông, bắt con vàng phải rên gừ gừ.
Ô kìa! Sao con chó lại sủa rộ. Nó đã bước xuống hè, đi ra phía cổng chùa. Không phải nó sủa bâng quơ. Chắc có người ngoài ngõ. Con vàng, lúc này, sủa liên tục, sủa ra rả làm sốt cả ruột, đánh thức mọi người trong chùa dậy. Sư thầy Khoan Độ cầm đèn ra cổng. Sư cụ cũng dậy ra ngồi ở tràng kỷ.
Thầy Độ, một lúc sau, cùng mấy người lố nhố bước bào và bẩm:
- Bạch hòa thượng, có hai chị em thí chủ này đứng dưới tam quan mà khóc. Con hỏi chuyện gì? Họ cứ một mực nài xin được gặp sư cụ.
Hòa thượng Vô Úy lúc này mới chú ý nhìn rõ cô con gái đang sụt sùi, thỉnh thoảng lại nâng hầu bao lên chấm nước mắt. Cô gái trạc mười bảy mười tám. Chiếc khăn mỏ quạ màu đen đã tụt xuống vai, để lộ một gương mặt thanh tú, rầu rĩ. Cô gái bận cái áo nâu vá, cái quần đen bạc màu, vấn khăn nâu. Bên cạnh cô là một thằng bé chừng mười tuổi. Cái áo nâu rách toạc vai. Cái quần nâu thủng đầu gối. Rách rưới nhưng không gì giấu được khuôn mặt sáng ngời. Thấy sư cụ chỉ ngắm nhìn mà chẳng nói gì, cô chị bỗng òa khóc to, rồi quỳ xuống rạp đầu sát đất:
- Con cắn cỏ lạy cụ, xin cụ rủ lòng từ bi, rón tay làm phúc, cứu lấy chị em con.
Hòa thượng đứng dậy bước tới đỡ cô gái dậy, rồi ôn tồn bảo:
- Con cứ bình tĩnh kể lể sự tình, xem ta có thể giúp gì con.
- Dạ… Tây nó đi càn. Nó bắn chết bố mẹ con….
- Rõ khổ… Quê con ở đâu?
- Làng con gần chân núi Thằn Lằn. Tây bốt Thằn Lằn bắn bố mẹ con đấy ạ.
Sư thầy Khoan Độ cất tiếng ồm ồm:
- Chắc nó lại vu cho ông bà là Việt Minh.
Cô gái im bặt, ngước nhìn người sư bác; ông có cái đầu nhẵn thín, nhưng bộ râu quai nón đã mấy ngày chưa cạo nên đâm tua tủa như lông nhím. Sư Độ tướng mạo dữ dằn, có đôi mắt lồi trắng dã. Thân hình ông cao lớn, nhìn chỉ thấy xương là xương. Chân tay như khúc tre đực lắp vào cơ thể. Con người ấy làm cho cô sợ hãi. Có cái gì là lạ trong mắt người sư bác. Ông ta cứ nhìn chằm chằm vào cô gái. Dáng điệu bàng hoàng, thảng thốt chẳng biết vì sao. Chỉ đến khi giọng nói ôn tồn của sư cụ cất lên, cô mới bình tĩnh trở lại.
- Tên con là gì?
- Dạ, thưa tên con là Nguyệt.
- Còn em con?
- Em con là An
Trông khuôn mặt ngơ ngác của Nguyệt, sư cụ hiểu sự xao động trong lòng cô gái lúc này, cho nên cụ chuyển sang hỏi những điều tưởng chừng như không quan hệ:
- Nhà con có mấy sào ruộng?
- Dạ… hai sào… Nhà con phải cấy thuê cho nhà ông lý… năm sào… Nhưng bu con ốm yếu lắm… Việc làm ăn đều ở tay thầy con… Nhưng bây giờ thì… cả thầy cả bu con…
Nói tới đây, cô gái bỗng khóc nấc lên khi nghĩ tới cha mẹ. Cô kéo chiếc khăn vuông đen lên để chấm nước mắt và che lấy mặt. Sư cụ nhẹ nhàng:
- Có gì con cứ từ từ nói. Con ạ. Đây là chùa. Đây là nơi đất Phật…
- Thưa cụ… Mọi sự là do bởi ông lý.
Trận càn ấy người Pháp huy động tới bốn tiểu đoàn. Vì quân Pháp xây bốt trên đỉnh núi Thằn Lằn, nhưng Việt Minh vẫn hoạt động khắp vùng chân núi, cho nên họ phải huy động quân ở mấy P.C(1) chung quanh để chăng lưới bắt du kích, để khoa trương thanh thế, để tạo thế đứng cho những ban tề mới mọc lên nắm chính quyền song còn lung lay.
Sáng hôm ấy, lúc tinh mơ, dân xóm Giếng còn chưa kịp ra đồng, đã nghe thấy tiếng súng nổ đì đoàng ở xóm bên. Rồi khắp làng nháo nhác tiếng người gọi nhau:
- Chạy đi, chạy đi. Tây đã đến xóm Đình.
Người ta lúc lượt túa ra đồng, hướng vào rừng. Bác xã Chích vứt cho Nguyệt cái bị cói trong đó nhét mấy bộ quần áo, và bảo con gái:
- Mày dắt em chạt cho mau vào núi Bò. Chạy thật mau.
- Còn thầy bu?
- Tao dìu mẹ mày đi sau.
Thấy con gái còn bịn rịn, ông quát lên:
- Có mau lên không chết cả nút bây giờ. Thằng An là chính. Chị em mày là chính. Có biết không hả!
Nguyệt đành gạt nước mắt dắt em ra ngõ. Ông xã Chích còn dặn với theo:
- Nó chạy chậm thì cõng em mà chạy con nhé.
Mấy lần chạy Tây đều như thế cả. Ông xã Chích chỉ lo đến hai đứa con. Nhất là cậu con trai, đứa con mà ông quý như hòn vàng. Bởi vì nhà ông mấy đời độc đinh. Đến đời con ông cũng vậy. Ông chỉ có mỗi thằng An là con trai. Đẻ xong nó thì vợ ông mắc chứng hậu sản. Lần chạy giặc đầu tiên, bà ấy còn đi được. Ông xã để cho vợ và con gái bìu ríu nhau ra đồng. Riêng ông, cõng thằng An trên lưng, ông chạy một mạch vào rừng, súng Tây bắn ríu ríu bên tai cũng mặc, và vợ con chạy trốn trong ruộng lúa ra sao ông cũng không thèm để ý. Ông chạy như thế không phải vì lo cho thân ông đâu. Chủ yếu là lo cho thằng An. Lo cho sự tiếp nối dòng giống. Nhưng đến lần chạy giặc thứ hai, khi vợ ông đã không còn chạy được nữa, thì ông Chích thấy cách đó không ổn. Ông giao thằng An cho cái Nguyệt. Cách này hợp lý hơn. Cả hai vợ chồng ông cũng đã ngoại năm mươi rồi. Nói dại nhỡ có chuyện gì thì cũng chẳng sao. Cách này hợp lý nhất. Bởi vì nó giữ toàn vẹn được cả cho dòng giống nhà ông, và cả cho con gái ông nữa… Trời ơi! Con tôi đang hơ hớ thế kia! Nhỡ mà rơi vào tay lúc chó má ấy thì sao. Vậy tốt nhất là cho chị em nó chạy trước. Còn vợ chồng ông thì… thôi phó mặc cho trời… mà vợ chồng bìu ríu nhau những lúc nguy nan thế này… âu cũng hợp đạo trời…
Đến này chạy giặc thứ ba này thì… cuối cùng ông thấy sự tính toán của mình là hoàn toàn đúng. Khi hai vợ chồng ông dìu nhau ra đến ngõ đồng đã thấy một đoàn người xăm xăm tiến lại. Ông lý giơ tay lên nói:
- Ông xã Chích hả? Về mau! Về mau! Quan Tây có chuyện hỏi ông đấy… Chuyện gì hả… Sau sẽ biết… Hai đứa con ông đâu… Thôi. Dềnh dang mãi… Cõng bà ấy lên lưng mà về cho mau.
Viên trung úy Tây lai đã đứng sẵn ở sân. Người này nói tiếng Việt chẳng khác gì người Việt.
- Ông cõng bà ấy đi trốn quan Tây hả? Ông ghét người Tây chúng tôi thế hay sao?
Ông xã Chích luống cuống:
- Dạ bẩm quan, tôi thấy cả làng chạy, tôi cũng chạy…
Giọng nói của viên trung úy rất ôn tồn:
- Thôi được! Nhưng có việc này thì ông phải trả lời chúng tôi thật rõ ràng. Giấu giếm là không được với tôi đâu nhé.
Lúc ấy, ông xã mới nhìn kỹ viên trung úy. Hắn ta có tầm vóc trung bình của người Việt, chỉ có khác là bề ngang hơi to bè, và đứng cạnh người Tây thì hắn lùn. Hắn ta đặc biệt có bộ tóc rậm, đen nhánh. Nhìn xa hoặc nhìn từ phía sau, viên trung úy hoàn toàn lẫn với người Việt. Chỉ khi nhìn gần, trước mặt, người ta mới thấy hắn là Tây, mà lại Tây một cách chính cống. Da trắng, mũi lõ, mắt xanh. Nhất là đôi mắt xanh khá đẹp lại hơi nữ tính một chút. Đôi mắt mơ màng xanh lơ, đôi mắt hơi dài với hàng mi dài. Trông đôi mắt ấy, ai cũng nghĩ anh ta là người hiền dịu. Hình như đôi mắt ấy đã làm xã Chích có chút yên tâm khi trả lời:
- Bẩm quan lớn. Quan lớn hỏi gì tôi cũng nói thật hết.
Sở dĩ xã Chích nói vậy vì ông là một nông dân nghèo thuần túy. Cả đời ông, cho đến lúc ấy, ông chỉ biết có ruộng đồng, và với triết lý ăn hiền ở lành, ông tin rằng cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, tuy ông có lúc túng thiếu nhưng chắc chắn ông sẽ không bao giờ gặp cảnh đau khổ. Viên trung úy Tây lai cười mỉm:
- Thế thì ông ra đây với tôi… Tôi xin hỏi tại sao lại có vết máu trong vườn nhà ông? Ông nói thật đi. Ông có giấu cán bộ Việt Minh trong nhà mình không?
- Dạ không, tại sao có vết máu này tôi chẳng biết.
- Nhà có đào hầm bí mật không?
- Dạ không, không có!
- Đúng thế chứ? Nếu có thì sao?
Xã Chích im lặng, không biết trả lời thế nào. Còn viên trung úy thì bỗng biến ngay thành một con người khác. Đôi lông mày nhướn xếch lên. Đôi con mắt xanh bỗng mở to ra. Ông xã giật mình, ông ngờ đôi mắt hiền lành ấy lại có thể mở to đến vậy. Viên trung úy quát lính:
- Chúng mày không được bỏ sót một ngóc ngách nào. Khám kỹ từng xăng ti mét. Bếp, lật tung lên. Đống củi, đống rơm, thuốn tìm hầm thật kỹ những chỗ ấy… Chuồng bồ, chuồng lợn, khám tuốt… Chắc chắn Việt Minh đang núp tại nhà này… Nhất định ở đây có hầm bí mật…
Chưa bao giờ một ngôi nhà bị khám xét kỹ càng như vậy. Bờ tre, gốc rạ, cả bụi rậm, cả nhà tiêu… không ngóc ngách nào thoát khỏi con mắt soi xét của viên trung úy. Cuối cùng hắn ra bờ ao. Quả thật viên trung úy là một cáo già, là một kẻ có tài nghệ đánh hơi. Viên trung úy thả bước chậm rãi đi theo dọc bờ ao, hai tay chắp sau lưng. Hắn nhìn xuống mặt nước. Chợt hắn dừng chân lại, dán mắt xuống đám bèo tấm che kín mặt ao. Hắn gọi mấy tên lính lại:
- Chúng mày thuốn trên bờ, đúng chỗ này cho tao.
- Sao thế ạ?
- Đồ ngu! Mày nhìn xuống ao xem có gì khác không?... Đã thấy gì chưa? … Tại sao chỗ bèo này lại xộc xệch?... Có vài cánh bèo lại lật ngược. Rễ chổng lên trời… Chúng mày đã hiểu chưa? Ngu cả lũ… Tức là sáng sớm nay, cái thằng du kích bị thương nhỏ máu ngoài vườn kia đã ra đây, vội vàng xuống ao… lặn chui vào cái hầm ếch ở bờ ao… cửa hầm chìm dưới nước… Chúng mày hiểu rồi chứ… Nó vội vàng… hiểu chưa… Chính vì nó vội vàng không chịu khỏa bèo cho dãn ra rồi mới lặn, cho nên bèo ở đây xô lệch và có những cánh bèo chổng rễ lên trời… Đã hiểu chưa hả lũ ngu…
Lũ lính bảo hoàng lè lưỡi khâm phục, vì chính ở nơi ấy, chúng đã tìm thấy anh du kích bị thương trốn trong hầm bí mật. Chúng lấy dây thừng tròng vào cổ anh ta. Cả xã Chích cũng bị buộc dây thừng vào cổ. Chúng dắt hai con người như dắt hai con trâu ra cái miếu hoang giữa đồng…
Từ đầu, bà Chích vẫn ngồi ở sân. Lúc ông bị bắt đi, bà kêu lên “ông ơi” rồi cố đứng lên nhưng không được. Bà ngã lăn ra và ngất đi bất tỉnh.
Sư cụ nhắm mắt khi nghe chuyện. Cụ thở dài. Còn Nguyệt thì nức nở kể câu chuyện thấm đầy nước mắt. Cuối cùng cô ngồi sụp xuống lạy sư Vô Úy:
- Con lạy cụ. Xin thương xót đến chị em con. Thầy bu con đã chết cả rồi. Bây giờ, chẳng biết nương tựa vào đâu. Chị em con phải ngày trốn, đêm đi. Ròng rã ba hôm đói khát mới tìm ddwwocj đến chùa. Còn cắn cở van xin cụ mở lòng từ bi cho chị em con được nương nhờ cửa Phật. Chị em con đã đến nước đường cùng.
Sư cụ lại thở dài. Cụ mở mắt nhìn gương mặt đẫm lệ của cô con gái, rồi lại nhìn gương mặt trái xoan với đôi mắt sáng u buồn sâu thẳm và nước da xanh của cậu bé An, cụ hiểu nỗi đau đớn của hai sinh linh bé bỏng này thật to lớn, nỗi sợ hãi họ vừa trải qua khủng khiếp vô chừng. Vài lời kể sơ lược của Nguyệt làm sao nói hết. Đằng sau đôi mắt u buồn kia còn bao nhiêu hình ảnh ghê rợn mà thông thường con người chỉ muốn chôn vùi đi, không bao giờ muốn nhắc lại. Nên sư cụ chỉ thở dài. Thở dài nhưng thấu hiểu. Hiểu rằng lúc này hai sinh linh côi cút ấy cần đến sự che chở, cần đến hơi ấm, cần đến những cái gì cụ thể hơn là lời nói. Lúc hoàn toàn mở mắt ra, cụ chỉ nhẹ nhàng bảo sư bác lấy cơm cho Nguyệt và An ăn.
Đôi mắt cô gái long lanh biết ơn. Thực ra cô không muốn kể tiếp. Phải trưng bày nỗi nhục nhã, nỗi đau khổ của mình ra là điều con người không muốn làm. Đã ba ngày đói khát mà nỗi đau khổ ấy còn ở đây. Nó ứ đầy cổ họng, nó nghẹn ngào mãi trong lòng, làm cho cô tức thở, nuốt miếng cơm mà cũng khó trôi.
Nguyệt không khóc nữa, nhưng những giọt lệ vẫn dâng đầy trong mắt. Nó lã chã rơi xuống bát cơm. Sư cụ lại thở dài: “A di đà Phật”. Nguyệt không kể nhưng cả đời cô cũng chẳng thể quên.
Sau khi nhờ hàng xóm giúp đỡ chôn cất cha mẹ xong, thì ngay ngày hôm sau ông lý đã đến nhà. Ông ta rất trắng trợn nói rằng:
- Cô Nguyệt phải biết ơn tôi đấy. Không có tôi, thì làm sao cha mẹ cô lại được mồ yên mả đẹp thế này cơ chứ.
- Vâng, chị em con xin đội ơn ông lý.
- Ấy, cái chuyện này thì cũng nhỏ thôi. Cái chuyện trước đó, lúc ở sân định mới là chuyện to. Có có biết lúc khám vú, bọn Tây đen cứ định lôi cô đi hiếp, tại sao đến phút cuối cùng, chúng lại thả cô ra?
- Tại sao, thì cháu không rõ.
- Tại sao ư? Cô thoát được là nhờ tôi đấy. Lúc đó tôi đứng với lão Tây mặt đỏ quan ba. Tôi nói với lão quan ba rằng cô là vợ thứ năm của tôi. Bà lý năm! Đã là vợ của tôi, đố thằng Tây nào dám bờm xơm. Không có tôi, thì Tây nào cai quản nổi cái làng này. Vuốt mặt phải nể mũi chứ có phải không, cô Nguyệt?
- Dạ, thưa ông lý…
- Thưa với gửi gì. Là tôi kể cho cô rõ thế thôi. Thực ra, tôi muốn cho mọi việc phải đàng hoàng. Nói với Tây là một chuyện, còn đối với làng nước, tôi cũng phải xin cưới hẳn hoi. Tôi định sau bốn chín ngày hai cụ, tôi sẽ mời hàng xóm. Cô phải biết, cô là bà năm xinh đẹp của tôi, tôi sẽ gây dựng cho cô riêng hẳn một cơ ngơi. Nhà ngói cây mít hẳn hoi. Các bà kia đã đủ cả ruộng nương con cái rồi, tôi chẳng còn phải lo đến nữa. Tôi sẽ đến ở với bà, chỉ ở với bà mà thôi. Tôi hứa với bà đấy. Tôi đã tính toán cả rồi.
Lão lý cứ xưng xưng nói. Ăn nói bỗ bã. Cứ như thể Nguyệt đã là vợ của lão từ lâu rồi. Nguyệt sửng sốt vì từ hôm đó cả làng đều đồn ầm lên là Nguyệt đã bằng lòng làm vợ bé thé nă của ông lý trưởng đã ngoại năm mươi. Có cậu con trai làng còn chào cô là bà lý năm. Cô giãy nảy lên cãi lại, thì anh ta bảo:
- Ván đã đóng thuyền rồi cô ạ. Tôi nghe người ta nói rằng nếu cô không chịu cưới, ông lý sẽ đưa cô lên bốt Thằn Lằn cho Tây đen nó hiếp. Có người bảo thế là ác. Ông ta trả lời; “Ác gì mà ác. Tôi đã cứu cô ta khỏi bị Tây đen hiếp lần trước, cô ta phải đền ơn tôi là cái lẽ đương nhiên. Nếu cô không chịu trả ơn, thì tôi trả lại bọn Tây đen cho chúng nó hưởng. Đấy cũng là cái lẽ đương nhiên”.
Sau khi nghe câu chuyện, Nguyệt sợ hết hồn. Tối hôm ấy, nhân tối trời, Nguyệt dắt em bỏ làng đi trốn. Ban ngày, họ trốn ở bờ bụi, ở miếu hoang, nơi cầu sương điếm cở. Ban đêm, lại lầm lụi ra đi. Ngày thứ nhất còn năm cơm nắm. Đến ngày thứ hai, nhai gạo sống, uống nước sông…
Sư cụ bằng lòng nhận họ. An được xếp ngủ ở một gian tả vu. Nguyệt cùng ở với một bà vãi già. Nơi ấy, dân làng gọi là am ni. Sư bác Khoan Độ dẫn cô gái đến chỗ bà Thầm. Bà vãi ngồi ở thềm nhà đang đếm những con đom đóm bay lượn trên ao bèo. Đối với bà Thầm, mỗi con đom đóm là một vong linh. Ở ngoài lũy tre vườn chùa, có một nghĩa địa. Ở đấy, cơ man là đom đóm. Nhưng trên mặt ao bèo mỗi đêm chỉ có một số ít đom đóm thôi. Bà Thầm bảo đó là vong linh những người thân đêm nào cũng về thăm hỏi, phù hộ cho bà. Có những lúc bà còn trò chuyện cả với những sinh linh nhỏ xíu lập lòe ấy. Sư bác hỏi:
- Cụ Thầm ơi! Đêm nay có mấy vị về?
- Sáu vị, sư bác ạ.
- Ông ấy có về không?
- Ông lão nhà tôi đêm nay bận hay sao ấy. Chẳng thấy mặt. Chỉ toàn các cô bạn thời con gái. Kia kìa: Cái cô bay bổng bay la kia là cô Thắm. Lúc nào cũng lúng liếng, nhởn nhơ. Cười rõ là giòn. Tội nghiệp, thế mà chết trẻ. Bố cô ép cô lấy lẽ một ông già. Cô phẫn chí, đâm đầu xuống sông mà chết.
Bà vãi với cái giọng thì thà thì thầm, chỉ đom đóm nói chuyện ngày xưa, nghe đến là buồn. Lúc cụ nói, đôi mắt già nua lại được ánh trăng chiếu vào. Đôi mắt ấy lúc thường chắc lờ đờ. Sao lúc này trông bỗng tinh nhanh hau háu lên. Cụ kể lể cứ như chuyện mới hôm qua, nghe đến là rợn.
Sư bác bảo bà cụ Thầm tốt nết lắm. Nhà cụ nghèo nhất làng, không một tấc đất cắm dùi. cụ ông tên là Khố chuyên nghề tôm cá. Từ sáng cho đến tối, lúc nào cũng trần như nhộng. Trên mình chỉ có một chiếc khố. Lúc nào cũng cái xiếc, cái nhủi, lầm lụi như con cò trên cánh đồng, trên sông, trên nước.
Trước kia, bà cụ Thầm đâu có thế này. Rất nghèo nhưng rất vui tính, mở miệng ra là nói có vần, có điệu như hát. Chỉ từ khi cụ ông bị cảm lạnh chết giữa đồng, cụ bà mới thành dở điên dở khùng như vậy. Từ khi chồng chết, bà đêm ngày như sống với cõi âm. Vãi Thầm chỉ có một cô con gái tên là Thì lấy chồng đẻ sòn sòn. Chưa đầy ba mươi tuổi mà đã năm con. Nhà chồng cũng nghèo như nhà vợ. Sư cụ Vô Úy thấy tình cảnh như vậy, liền cho vợ chồng Thì cấy rẽ ba sào. Tô ruộng chỉ bằng già nửa người ta. Lại cho bà Thầm đến làm việc vặt cho nhà chùa, và cho trú ngụ tại gian nhà lá ngoài vườn.
Khi sư bác quay về nhà tổ, hai bác cháu tắt đèn đi ngủ sớm cho đỡ tốn dầu. Sư bác bảo ban ngày bà Thầm chẳng sao, nhưng cứ từ lúc chạng vạng gà lên chuồng là bà già lại như người mê ngủ, cứ đờ đẫn ra, rồi nhắc toàn những chuyện đời xưa mà cả làng chẳng còn mấy người nhớ, nhất là chuyện những người cõi âm, những người đã chết. Mọi hôm, không có người nói chuyện, thì bà lầm bầm tự nói với mình. Còn hôm nay, có Nguyệt, bà đã có bạn để nghe, nên bà không lầm bầm nữa, mà nói to lên. Trời còn lạnh mà bà cụ luôn tay chiếc quạt nan phe phẩy cho Nguyệt rồi thì thầm vào tai cô gái, cứ như bà kể chuyện cổ tích cho cháu, cứ như những lời ru ngủ.
- Đấy, cô Thắm đấy! Cô đang bay vào nhà. Cô ấy vẫn nhởn nhơ như thời con gái. Cái yếm đào này. Chiếc khăn vấn nâu non này. Chiếc hầu bao hoa lý này. Ái chà! Cả chiếc váy sồi lướt tha lướt thướt… - Giọng bà cụ bỗng bùi ngùi – Con có biết không? Sáng hôm ấy, cái Thắm gặp bác. Nó bảo nó sẽ bỏ quê mà đi. Bác cũng đồng lòng với nó. Bỏ làng mà đi, thân gái dặm trường, thì cũng sợ. Nhưng mà ở lại làng, con gái hơ hớ ra mà phải lấy một ông già, thì cũng khổ cả một đời… Thế rồi đêm hôm ấy, bu cái Thắm kêu váng làng nước: “Các ông các bà ơi! Có ai đi tìm con tôi với?”. Cả làng đổ ra đường. Đuốc đốt đỏ rực cánh đồng. Người ta tìm thấy xác cái Thắm dập dềnh trôi nổi trên dòng sông Đào. Lúc vớt lên, nước không ra từ mồm, nước lại chảy ra từ khóe mắt. Người con gái trôi sông ấy cứ khóc lặng lẽ không thôi. Chết mà vẫn khóc.
Đó là câu chuyện cổ tích buồn, câu chuyện người âm mà bà vãi Thầm đã kể cho Nguyệt nghe vào cái đêm đầu tiên đến chùa.
Đêm ấy, trong giấc mơ, chả biết Nguyệt thấy gì mà cô thút thít. Còn bà Thầm thì vẫn chưa ngủ. Bà nhìn con đom đóm mới bay vào nhà và lại tiếp tục cuộc đối thoại không bao giờ dứt với người cõi âm của bà:
- Thắm ơi! Thắm đấy à? Có phải lúc nãy mày vừa thút thít phải không? Sao đến tận bây giờ mà mày vẫn khóc?
Chú thích:
(1) P.C: Chữ viết tắt của Poste Commandement – nghĩa là đồn chỉ huy của một khu vực, một tiểu khu.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa