Phần Giáo Lý Căn Bản
inh Tam Di Đề
Hạnh phúc chân thật
Trong truyền thống Ấn Độ, người ta tin rằng khi còn trẻ thì ta phải sống như những người khác, ta có thể theo đuổi những cái gì mình thèm khát, mình ước muốn. Đến khi con ta lớn lên rồi thì ta mới nên đi tu. Đời người có những giai đoạn như vậy và theo truyền thống Ấn độ thì ta chỉ đi tu khi ta đã lớn tuổi và con ta đã vững chãi. Nhưng khi Đức Thế Tôn ra đời thì ngài có một quan niệm rất khác, rất cách mạng. Ngài nói rằng người trẻ có thể đi tu liền lập tức và người trẻ có thể sống hạnh phúc với tư cách của những người tu. Đó là một cuộc cách mạng đối với truyền thống và tư tưởng của người Ấn Độ.
Có một kinh gọi là kinh Samiddhi (Tam Di Đề) trong đó có một thầy trẻ, hai mươi mốt tuổi. Một hôm thầy đi xuống sông tắm. Lúc đó trời đang còn khuya, tối lắm. Cho nên tắm xong thầy bước lên bờ nhưng chưa vội khoác y vào vì không có ai ở đấy hết và thầy muốn đợi cho người thầy khô trước khi mặc y. Lúc đó có một vị thiên nữ hiện ra và vị thiên nữ đã nói với thầy như thế này: ‘Thầy ơi, thầy đang còn trẻ, tại sao thầy không hưởng thụ những cái dục lạc, lạc thú ở ngoài đời mà thầy lại đi tu như vậy? Tại sao thầy lại bỏ tuổi trẻ của thầy mà chạy theo những bóng dáng hạnh phúc mơ hồ ở trong tương lai? Tại sao thầy làm công việc có vẻ phi thời như thế?’
Thầy Samiddhi mới trả lời rằng: ‘Cô ơi, tôi không có bỏ tuổi trẻ của tôi đâu. Trái lại tôi đang sống với tuổi trẻ của tôi một cách rất sâu sắc. Tôi đang sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại vì giáo pháp của Đức Thế Tôn dạy chúng ta sống an lạc ngay trong giây phút hiện tại. Cái mà cô nói là ‘hạnh phúc’ đó, Đức Thế Tôn nói không phải là hạnh phúc. Đối tượng của hạnh phúc mà cô nghĩ là những dục vọng, thèm khát. Những cái đó gọi là tài, sắc, danh, thực, thụy. (Tài tức là tiền bạc, sắc là sắc dục, danh là muốn được nổi tiếng, thực là thức ăn ngon, thụy là sự ham ngủ). Người ta đi tìm hạnh phúc trong năm sự thèm khát đó. Chính vì vậy nên người ta làm cho tan nát cuộc đời của họ. Đức Thế Tôn dạy rằng đối tượng của sự thèm khát chứa chất ở trong đó những nguy hại và độc tố. Ví dụ như một người cầm một bó đuốc mà đi ngược gió thì lửa của bó đuốc sẽ làm cháy lại mình. Đối tượng của sự thèm khát cũng vậy. Đối tượng của sự thèm khát cũng giống như một khúc xương, một khúc xương trần, tức là một khúc xương mà không còn một chút thịt nào ở trong đó cả. Và con chó có gặm ngày này sang ngày khác thì cũng không thỏa mãn được cơn đói của nó. Đó là bản chất của dục, của năm dục, hay ngũ dục. Và bản chất của thèm khát cũng giống như một con mồi mà người ta dùng để câu cá. Người ta móc con mồi đó vào một cái lưỡi câu. Con cá tưởng là miếng mồi đó ngon lắm nhưng đôi khi miếng mồi đó chỉ là một miếng mồi làm bằng plastic, làm bằng nhựa. Khi miếng mồi được thả xuống sông rồi thì con cá tưởng là ngon lành, nó đớp lấy và khi nó đớp lấy miếng mồi đó rồi thì cái lưỡi câu sẽ móc vào cổ họng con cá và con cá sẽ bị kéo lên trên bờ. Vì vậy cho nên người sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại là phải biết xa lìa đối tượng của năm sự thèm khát và dục vọng.’
Thầy nói tiếp với cô thiên nữ rằng: ‘Cô ơi! Tôi không thấy hạnh phúc nằm ở trong năm thứ đối tượng của dục vọng mà tôi thấy hạnh phúc ở nơi sự thực tập giáo pháp của Đức Thế Tôn. Khi tôi thực tập giáo pháp của Ngài, trở về an trú trong giây phút hiện tại, tôi thấy rằng tất cả mọi điều kiện đều đang có sẵn trong giây phút này, vì vậy mà tôi đang sống sung sướng với tuổi trẻ và giáo pháp của tôi. Tôi không đánh mất tuổi trẻ cho nên tôi đâu có bao giờ chạy theo một ảo ảnh, một mơ ước về hạnh phúc tương lai đâu.’
Khi cô thiên nữ đó muốn hỏi thêm thì thầy nói rằng: ‘Tôi mới đi tu được có một năm rưỡi thôi, tôi chưa giỏi lắm đâu. Nếu mà cô muốn hỏi thì cô về Trúc Lâm Tịnh Xá, Đức Thế Tôn sẽ trả lời cho cô đầy đủ chi tiết’. Sau đó cô thiên nữ đã nhờ thầy Samiddhi đưa về Trúc Lâm Tịnh Xá và cô đã hỏi Đức Thế Tôn những câu hỏi thuộc về hạnh phúc, thuộc về tuổi trẻ và nội dung của những câu hỏi, câu trả lời đó đã được ghi chép lại thành kinh Samiddhi.
Bốn Cách Tinh Tấn
Những hạt giống
Theo tâm lý học Phật giáo, tâm chúng ta có ít nhất là hai phần. Phần dưới gọi là Tàng thức, có khi được gọi là A lại gia thức hay là Nhất thiết chủng thức. Tàng ở đây có nghĩa là ‘cất dấu’ những hạt giống. Phần trên gọi là ý thức. Ví dụ hình vẽ dưới này là cái tâm của chúng ta. Chúng ta có đầy đủ những hạt giống ở trong tâm thức: hạt giống thương yêu, niềm tin, tha thứ, niềm vui và hạnh phúc; Và chúng ta cũng có đầy đủ những hạt giống giận hờn, thù hận, kỳ thị, ghét bỏ, sợ hãi, căm thù, v.v... Những hạt giống đó có thể do các thế hệ tổ tiên trao truyền lại. Tất cả những tài năng cũng như tất cả những yếu kém của tổ tiên, ông bà đã được trao truyền lại cho ta qua cha mẹ chúng ta. Và chúng có ở trong chiều sâu tâm thức của chúng ta dưới hình thức của những hạt giống. Danh từ Phật học gọi là ‘chủng tử’. Tiếng Phạn gọi là ‘bija’. Tu tập là làm thế nào để tiếp xúc và tưới tẩm những hạt giống tốt lành để cho chúng có cơ hội phát hiện trong đời sống hằng ngày. Còn những hạt giống hận thù, hạt giống thèm khát... thì đừng để bị tưới tẩm và phát hiện. Đó gọi là ‘tinh tấn’. Quý vị đã từng nghe danh từ ‘tứ chánh cần’ chưa? Tứ chánh cần là nội dung của ‘tinh tấn’. Ví dụ ta có hạt giống bạo động và hận thù. Nếu hạt giống bạo động và hận thù trong ta nằm yên thì ta cảm thấy khỏe khoắn cho nên ta phải biết phương pháp thực tập để cho hạt giống đó có thể nằm yên. Còn nếu không có phương pháp thực tập thì những hạt giống đó không chịu nằm yên mà nó sẽ trồi lên. Tàng thức giống như tầng hầm và ý thức giống như phòng khách. Những hạt giống này đang ở dưới tầng hầm và mỗi khi được tưới tẩm, đụng chạm tới thì chúng phát hiện lên trên mặt ý thức. Ví dụ như khi chúng ta coi Ti-vi. Trong khi coi Ti-vi có thể hạt giống thèm khát trong ta bị đụng chạm tới, khi đó thì nó phát hiện lên trên mặt ý thức thành một vùng năng lượng thèm khát. Khi hạt giống giận hờn nằm yên thì ta thấy vui vẻ, hoan hỷ. Nhưng nếu có một người nào tới nói một câu hoặc làm một cái gì đó mà đụng vào hạt giống giận hờn thì nó sẽ phát hiện lên trên mặt ý thức thành một vùng năng lượng giận hờn. Vậy thì mỗi ngày chúng ta phải biết chăm sóc những hạt giống của chúng ta. Hạt giống xấu thì ta bảo vệ để làm sao đừng bị đụng chạm tới. Còn hạt giống tốt thì ta thực tập xúc chạm và tưới tẩm mỗi ngày để cho nó được phát hiện càng nhiều càng tốt. Đó là nội dung của sự thực tập ‘tinh tấn’.
Đừng cho hạt giống xấu biểu hiện
Chúng ta phải học cho được một ít những phương pháp căn bản như vậy để thực tập và để dạy cho các em, các cháu của chúng ta thực tập. Trong chúng ta người nào cũng có hạt giống của sự giận hờn. Nhưng khi nó ngủ yên ở dưới tầng hầm thì ta cười, ta nói, ta có hạnh phúc. Còn khi hạt giống giận hờn được tưới tẩm và được đụng chạm tới thì nó biểu hiện lên mặt ý thức thành năng lượng của sự giận hờn. Lúc đó hai mắt ta đỏ lên, những bắp thịt trên mặt ta trở nên căng thẳng và tay ta gồng lên. Ta sẽ trở thành một trái bom sắp nổ, ai tới gần ta sẽ nguy hiểm. Đó là lúc mà tâm hành gọi là giận phát hiện. Khi nó nằm yên dưới tàng thức thì được gọi là chủng tử, khi nó phát hiện trên ý thức thì gọi là hiện hành. Hiện hành ở đây tức là một tâm hành. Khi chủng tử biểu hiện là một tâm hành, một loại năng lượng thì năng lượng này gọi là năng lượng tâm hành. Sự thèm khát trở thành năng lượng thèm khát. Hạt giống của sự giận hờn trở thành năng lượng của sự giận hờn. Vì vậy tu học có tinh tấn là mỗi ngày phải rất cẩn thận, đừng để cho những hạt giống tiêu cực trong ta bị tưới tẩm và động tới. Coi Ti- vi phải cẩn thận, đọc tiểu thuyết, sách báo phải cẩn thận, tại vì trong khi coi Ti-vi, trong khi đọc tiểu thuyết, đọc báo, có thể là những hạt giống về thèm khát, giận hờn, thù hận bị đụng tới và phát hiện. Đức Thế Tôn có dạy: những hạt giống xấu nếu chưa phát hiện thì giữ cho đừng phát hiện. Đó là điều kiện thứ nhất. Quý vị biết thực tập như thế nào không? Các Huynh Trưởng phải ngồi lại với nhau rồi dạy các em làm thế nào để giữ cho những hạt giống tiêu cực đừng có bị đụng chạm tới trong đời sống hằng ngày. Điều này trong Năm Giới có dạy rõ ràng. Thứ hai là: lỡ mà hạt giống tiêu cực như hận thù, tham vọng, thèm khát bị đụng tới và đã phát hiện rồi thì phải tìm cách để cho nó trở về trạng thái hạt giống càng sớm càng tốt. Tại vì nó càng ở lâu trên mặt ý thức chừng nào thì ở dưới hạ tầng cơ sở (tức là tàng thức) nó càng lớn chừng đó. Đó là sự thật trong tâm lý học Phật giáo. Nếu sự giận hờn của chúng ta ở trên phòng khách độ chừng năm phút thì dưới tầng hầm hạt giống giận hờn chỉ có năm phút để lớn lên thôi. Nhưng nếu chúng ta để cái giận ở ngày này sang ngày khác phía trên thì bên dưới nó cũng có nhiều ngày để lớn lên hơn, và như vậy rất có hại. Cho nên khi nó lỡ phát hiện rồi thì phải nhờ thầy, nhờ bạn, nhờ kinh, nhờ kệ, nhờ thực tập hơi thở chánh niệm, nhờ thực tập để đưa nó trở về trạng thái hạt giống càng sớm càng tốt.
Áp dụng sự thực tập
Người Huynh Trưởng giỏi là một người Huynh Trưởng có thể thực tập được giáo lý trong từng giây phút của đời sống hàng ngày và chỉ cho các em cách thực tập. Chỉ cho các em thực tập không phải chỉ bằng lời nói mà bằng chính sự sống của ta. Đó gọi là thân giáo. Ta hãy đem áp dụng sự thực tập vào đời sống hàng ngày của ta, vào sự liên hệ giữa ta và người thương của ta. Người thương đó có thể là chồng, là vợ, là cha, là mẹ hay là em của ta. Ví dụ với người thương ta nói như thế này: "Em ơi, nếu quả thực em thương tôi thì em đừng có tưới tẩm những hạt giống tiêu cực hàng ngày của tôi, tội nghiệp tôi lắm. Như hạt giống giận của tôi có đó mà em cứ mỗi ngày mỗi tưới tẩm cái hạt giống đó hai ba lần chắc chết tôi quá." Làm sao mà sáng tưới một lần, trưa tưới một lần, tối tưới một lần thì cái hạt giống giận lớn lên, rồi đụng cái gì ta cũng giận hết thì nguy quá. Lúc đó đâu còn hạnh phúc nữa, chỉ còn có địa ngục mà thôi. Vì vậy cho nên ta nói: "Người thương ơi, nếu anh quả tình mà thương em thì anh phải cẩn thận nhé. Anh đừng có tưới những hạt giống tiêu cực của em hàng ngày. Anh đồng ý không?" Nếu là người thương đích thực thì chúng ta phải ký với nhau một cam kết: ‘Này em, anh nguyện từ nay trở đi mỗi ngày anh sẽ không tưới tẩm những hạt giống tiêu cực của em’. Nếu đã ký cam kết rồi thì phải theo, đó gọi là ‘tấn’. ‘Em không tự tưới tẩm những hạt giống xấu của em mà anh cũng vậy, anh cũng đừng tưới tẩm những hạt giống xấu của em’. Ta tự tu và ta nhờ người khác tu cho ta nữa. ‘Ba ơi, nếu ba thương con thì những hạt giống tốt của con xin ba tưới cho con mỗi ngày. Ba đừng có tưới những hạt giống xấu của con. Tại vì khi ba tưới những hạt giống xấu của con là con khổ lắm khi nó phát hiện. Còn nếu con có những hạt giống tốt nào mà nếu ba nhận thấy có, rồi mỗi ngày ba cứ tưới những hạt giống đó cho con, thì tự nhiên nó phát hiện và con có hạnh phúc. Mà con có hạnh phúc thì ba cũng có hạnh phúc’
Khi thương nhau thì chúng ta phải hiểu nhau. Chúng ta phải biết rằng trong người ta thương có những hạt giống tiêu cực và những hạt giống tích cực. Những hạt giống tiêu cực mỗi khi được phát hiện thì làm cho người đó đau khổ và ta cũng bị đau khổ lây. Còn khi những hạt giống tích cực nơi người đó được tưới tẩm thì người đó tự nhiên nở như một đóa hoa, người đó có hạnh phúc ngay. Vì vậy cho nên thương nhau, chúng ta phải ký một hiệp ước sống chung an lạc, hòa bình và hạnh phúc với nhau. Ở Làng Mai có pháp môn gọi là ‘Hiệp Ước Sống Chung An Lạc’. Nếu thực tập theo hiệp ước đó thì ta có thể quản lý và chuyển hóa cái giận được và ta không để cho nó phá nát liên hệ hay hạnh phúc của chúng ta với nhau. Nếu thực tập đúng theo ‘tấn’ (tứ chánh cần) thì hạnh phúc có thể tăng tiến trong vòng một tuần lễ thực tập mà không cần nhiều thời gian.
Nhận diện và chuyển hóa
Chúng ta đã đặt căn bản cho vấn đề tổ chức Gia Đình Phật Tử là một gia đình và trong gia đình đó chúng ta phải thực tập như thế nào để chuyển hóa những chia rẽ, những buồn giận, những bế tắc để có thể thiết lập lại sự hòa thuận, tin yêu, thương mến, hạnh phúc. Và chỉ khi nào Gia Đình Phật Tử thực hiện được điều đó thì Gia Đình Phật Tử mới có thể can thiệp được vào học đường và gia đình của từng đoàn sinh mình. Mỗi Huynh Trưởng hay mỗi đoàn sinh, dù là Oanh Vũ, cũng có những khổ đau, bế tắc trong lòng. Dù những vấn đề còn bé nhỏ nhưng chúng ta phải nhận diện cho được những khổ đau đó để tìm ra được nguyên nhân. Bổn phận của người Huynh Trưởng là phải nhận diện được những bế tắc và khổ đau đó trong tâm mình, thấy được những bế tắc và khổ đau đó trong các đoàn sinh của đoàn mình. Ta cùng học hỏi để có thể nhận diện được và tìm ra phương thế để chuyển hóa những bế tắc và khổ đau đó. Và khi mà trong Gia Đình Phật Tử có sự hòa thuận, tin yêu, hạnh phúc, thương mến thì lúc đó Gia Đình Phật Tử mới đóng được vai trò mà Đức Thế Tôn đã giao phó cho mình là can thiệp vào phạm vi học đường và gia đình của từng đoàn sinh. Cố nhiên can thiệp vào học đường ta phải có sự cộng tác của các thầy giáo, cô giáo, ban giám hiệu; can thiệp vào gia đình của đoàn sinh ta phải biết nương vào sự cộng tác của các bậc phụ huynh
Chúng ta cũng đã được học rằng trong tâm ta có những hạt giống của hạnh phúc và hạt giống của khổ đau. Những hạt giống hạnh phúc, khổ đau đó có thể đã được cha mẹ ông bà truyền lại cho ta. Nhưng sống trong một môi trường xấu thì những hạt giống hạnh phúc không được tưới tẩm mỗi ngày trong khi những hạt giống khổ đau, buồn giận, bực tức, chán ghét, bạo động lại được tưới tẩm mỗi ngày cho nên phần khổ đau chiếm ưu thế và đẩy phần hạnh phúc đi vào một ngõ kẹt trong tâm thức. Và khi phần khổ đau lớn quá trong ta, ta muốn khuây khỏa nên ta tìm tới sự giải trí. Giải trí bằng hình ảnh, bằng âm thanh, bằng cử động, và giải trí bằng cách ăn uống. Và chúng ta không có khả năng nhận diện những khổ đau trong ta để chuyển hóa. Như vậy sự thực tập hàng ngày của ta là sự thực tập trốn chạy những khổ đau trong ta và che lấp những khổ đau đó bằng những trò chơi giải trí, những thức ăn thức uống được trưng bày khắp thị trường. Ta nên biết rằng trong khi ta đi tìm những thức ăn đó, những trò giải trí đó thì ta liên tục đưa vào trong tâm những chất độc, những độc tố mà Đức Thế Tôn đã gọi tên là tham đắm, là giận hờn, si mê, ganh tỵ, tuyệt vọng, hận thù. Vì vậy cho nên phương pháp tu là phải nhận diện những độc tố đó và tìm cách chuyển hóa, hóa giải những độc tố đó.
Tự ký hiệp ước
Trước hết ta phải tự ký với ta một bản hợp đồng, một hiệp ước vì ta có thân thì ta phải lo, phải chuyển hóa. Khi thân ta chưa được chăm sóc, chưa được chuyển hóa thì ta tiếp tục làm khổ bản thân ta và những người thương của ta. Vì vậy ta phải ký với bản thân ta một hiệp ước. Hiệp ước đó gồm những điều sau đây: ta nhận thức được rằng lâu nay ta đã sống trong sự lãng quên, sự buông thả và vì vậy ta đã để cho những hạt giống xấu, những độc tố trong người ta tích chứa và phát triển. Ta tiếp tục đi tìm những phương pháp gọi là giải trí để tiêu khiển, để quên đi những nỗi khổ niềm đau đó chứ ta không thật sự trở về để chuyển hóa chúng. Bây giờ ta phát nguyện ta sẽ không làm như vậy nữa. Đó là nội dung của giới thứ năm. Từ nay trở đi, những phương pháp giải trí phải lành mạnh, phải tưới tẩm được những hạt giống tốt trong ta. Những phương tiện giải trí nào không lành mạnh và những phương pháp nào mà chỉ tưới tẩm những hạt giống của bạo động, của căm thù, của kỳ thị thì ta nhất định không chấp nhận những phương pháp đó: hoặc là phim ảnh, hoặc là tiểu thuyết, hoặc là máy vi tính, hoặc là internet, hoặc là những câu chuyện ta nói hàng ngày. Tất cả những phương tiện nào gọi là giải trí không lành mạnh thì ta phải viết xuống trên một miếng giấy: đây là những phương tiện giải trí không lành mạnh mà từ nay trở đi con sẽ không sử dụng nữa. Hứa với Bụt tức là ta hứa với bản thân mình vì Bụt không ở đâu xa cả, Bụt ở ngay trong trái tim ta. Điều này rất quan trọng. Người lớn cũng vậy mà người trẻ cũng vậy. Ta biết những giải trí không lành mạnh ấy có khả năng phá hoại thân tâm của ta và làm khổ những người thân của ta. Ta lấy một tờ giấy, và ta viết xuống những điều đó rồi ta hỏi anh ta, em ta, chị ta, người bạn hôn phối của ta xem ta còn thiếu cái gì không; rồi ta làm một danh sách cho đủ những phương tiện giải trí mà có chứa đựng độc tố. Sau đó ta lật ra trang kia và nói đây là những phương tiện giải trí có tính cách lành mạnh và không có độc tố, tưới tẩm những hạt giống thương yêu, tha thứ, hạnh phúc của ta. Ta chép xuống những điều đó. Như khi ta ngồi chung và hát bài: ‘Con xin đem ba nghiệp thanh tịnh’ thì ta hát rất vui nhưng trong khi hát vui đó ta cũng đồng thời tưới tẩm những hạt giống của sự tín thành. Đó là một loại giải trí lành mạnh. Đôi khi ta không gọi đó là giải trí nhưng kỳ thực nó đem lại cho ta niềm vui và hạnh phúc rất nhiều. Khi ta đi lên chùa, lên một tu viện, ta thực tập đi từng bước vững chãi và thảnh thơi như Đức Thế Tôn đã đi thì mỗi bước như vậy làm thân ta nhẹ nhàng, lòng ta phơi phới, mỗi bước làm ta tiếp xúc được với trời xanh, mây trắng, tiếng chim ca. Trong mỗi giây phút như vậy ta đưa những chất bổ dưỡng, nhẹ nhàng, thanh thoát vào trong thân và tâm ta. Quý vị có thấy ở chùa các thầy, các sư cô bước đi những bước vững chãi thảnh thơi và nở những nụ cười rất tươi không? Tại vì trong lòng họ đã chuyển hóa rất nhiều độc tố. Họ biết sống an lạc trong giây phút hiện tại, họ biết rằng cãi nhau, giận nhau chỉ làm cho hai bên cùng khổ nên họ thực tập nói và hành xử với nhau một cách nhẹ nhàng và thân ái. Khung cảnh thiền môn là khung cảnh thuận lợi cho chúng ta có thể trở về và tắm mình trong dòng suối tươi mát của Phật pháp. Khi lên chùa hay lên tu viện thì ta cũng được đi những bước chân thanh thản nhẹ nhàng như các thầy, các sư cô, ta cũng được ăn những bữa ăn đạm bạc và ngon lành không có độc tố. Khi nghe chuông, nghe kinh, nghe tán, nghe hát thì những âm thanh đó chỉ đem lại cho ta những niềm vui và hạnh phúc, chỉ tưới tẩm những niềm vui và hạnh phúc trong ta mà thôi chứ những lời kinh, giọng hát đó không bao giờ tưới tẩm những hạt giống của sự tuyệt vọng, phiền não, sợ hãi trong tâm ta. Ta phải chép xuống tất cả những biện pháp nuôi dưỡng lành mạnh mà ta phải có mỗi ngày. Ta cần phải có thức ăn mới lớn lên được. Trong bài kinh cúng cơm trưa cho Đức Thế Tôn có bốn chữ "thiền duyệt vi thực". Thiền duyệt vi thực có nghĩa là niềm vui của sự thực tập thiền, là thức ăn hàng ngày nuôi dưỡng chúng ta. "Duyệt" là niềm vui, là hạnh phúc của thiền, "vi thực" tức là thức ăn. Nên mỗi khi tới chùa, tới tu viện là ta tiếp nhận những thức ăn rất bổ dưỡng cho thân tâm. Mà nhiều khi không cần lên tới chùa, ở ngay nhà, khu phố, công viên nơi ta ở, ta cũng có thể thực tập được những điều như vậy. Thực tập được như vậy tức là nuôi dưỡng những niềm vui, hạnh phúc của ta.
Chọn bạn mà chơi
Ta phải chọn bạn mà chơi, người bạn mà khi ngồi một bên ta thấy khỏe trong người, thấy lòng tràn đầy thương yêu và tha thứ. Có những người bạn mà khi đi chơi với họ chừng nửa giờ hay một giờ là ta thấy mệt rồi vì trong người bạn đó có nhiều độc tố, có một sức mạnh cuốn hút ta đi tới những con đường say sưa, mê hoặc. Nếu ta đi chơi với những người bạn đó, để thì giờ ra để đi theo những người bạn đó thì ta sẽ bị cuốn hút và bị tưới tẩm những hạt giống xấu. Đó gọi là những con đường ác đạo, những con đường xấu. Ta phải đi tìm những con đường tốt, mà những con đường tốt ấy chỉ có thiện hữu tri thức mới đưa mình đi tới mà thôi. Thiện hữu tri thức tức là bạn tốt. Vì vậy ta phải lấy một tờ giấy thứ hai, viết xuống tên những người bạn tốt có thể có. Và ta tìm đủ mọi cách để có thì giờ được đi chơi với những người bạn tốt đó. Bạn tốt, danh từ của đạo Bụt gọi là "thiện hữu tri thức", tiếng Phạn là "kayanamutra". Trong nghi thức truyền giới, trước hết ta lạy cha mẹ, những người sanh thành ra ta; kế tiếp ta lạy thầy, các vị thầy đã đưa đường chỉ lối cho ta trên con đường tu học Phật pháp; cái lạy thứ ba ta hướng về các bạn, những bạn hiền đã nâng đỡ và hướng dẫn ta, giúp đỡ ta trong những giai đoạn khó khăn của cuộc đời. Giới tử mang ơn bằng hữu và các bậc thiện tri thức đã tác thành cho. Lạy xuống trước Tam Bảo trong mười phương. Thành ra người nào có được một thiện hữu tri thức, hai thiện hữu tri thức, ba thiện hữu tri thức là người đó may mắn. Thiện hữu tri thức của ta cũng là thầy, sư anh, sư chị, sư em ta; thiện hữu tri thức cũng là bạn đồng hành của ta, có thể là em, là con ta. Khi con ta, em ta biết con đường tu học thì trở thành thiện hữu tri thức của ta. Tôi biết có nhiều người trẻ biết tu học đã đưa được bố mẹ trở về con đường chánh và những người trẻ đó là thiện hữu tri thức của cha mẹ. Trong khóa tu ở miền Nam Cali đã có những người trẻ đến tu học, và sau khi tu học họ đã chuyển hóa được những phiền giận với cha mẹ, họ thương trở lại cha mẹ, họ thực tập rất giỏi và hướng dẫn cha mẹ đi dự những khóa tu, rồi cha mẹ cũng bắt đầu tu tập và chuyển hóa. Như vậy thì con cháu cũng có thể là thiện hữu tri thức của cha mẹ chứ không phải thiện hữu tri thức là những người bằng tuổi hoặc lớn tuổi hơn mà thôi. Cho nên quý vị phải lấy một tờ giấy thứ hai và chép vào mặt trước tên những người thiện hữu tri thức mình đang có, mà những người thiện hữu tri thức có thể còn rất trẻ tuổi. Sau khi viết được ba bốn tên ta tự nghĩ sao ít vậy, rồi ta hỏi những người thân. Những người thân có thể chỉ cho ta thêm những người mà ta quên tên. Kỳ thực ai cũng có thể có nhiều hơn ba, bốn người thiện hữu tri thức. Làm một danh sách cho khá, mười người hay trên mười người thì ta mới sống sót được. Rồi lật qua trang bên kia, ghi tên những người "ác hữu", những người đã đưa ta tới các nẻo tối tăm, khổ đau, lầm lạc. Viết tên họ xuống, có thể viết tắt cũng được. Viết xong thì hỏi anh, hỏi em, hỏi bạn tờ giấy đó ra làm sao, còn thiếu ai. Chỉ cho ta tên những người ác hữu không nên thân cận. Họ gọi điện thoại thì nói là ta rất bận, bận học, bận tu, bận giúp cha giúp mẹ, và xin lỗi. Ta phải cương quyết mới được vì những người đó cũng hấp dẫn lắm. Ta phải có một lập trường rất vững và đôi khi ta phải nhờ tới những người bạn thân của ta giúp đỡ thì ta mới có đủ can đảm để từ chối những người kia.
Đây là những phương pháp rất cụ thể mà quý vị phải làm. Ngày xưa người ta tu thiền không cần viết chì và giấy trắng nhưng ngày nay ta tu thiền có thể dùng phương tiện đó.
Tờ giấy đầu, có hai mặt, một mặt nói về những loại giải trí lành mạnh, một mặt là những loại giải trí không lành mạnh. Cất giữ tờ giấy đó và mỗi ngày nên đọc một lần rồi có thể trong vài hôm hay vài tuần nữa ta có một danh sách đầy đủ hơn. Tu hành mỗi ngày đều phải có tiến bộ. Tờ giấy thứ hai thì hai mặt mang tên những thiện hữu và những ác hữu của ta. Tên những thiện hữu càng ngày càng nhiều nếu ta khám phá ra được vì một thiện hữu có thể đưa tới thêm một thiện hữu khác. Một bạn hiền có thể đưa tới một người bạn hiền khác. Ở trong kinh có nói rằng chơi với bạn tốt như đi trong sương, tuy áo không ướt nhưng rồi thấm và mềm xuống. Dù chỉ chơi thôi chứ không làm gì hết. Dù ta không có tu học với người đó nhưng nếu đó là một người hiền thì đi với người đó, ngồi với người đó, ta sẽ có cơ hội thấm được những chất liệu lành, tốt của người đó (thân phụ thiện giả như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y thời thời hữu nhuận). Mặt kia ta viết xuống tên của những ác hữu. Ác hữu nhưng có thể rất là hấp dẫn, chính họ đưa ta đi về địa ngục. Ngày xưa có một bài hát "Take my hand, I will bring you to paradise" (Cầm tay tôi, tôi sẽ đưa em lên thiên đàng). Nhưng với ác hữu là "take my hand, I will bring you to hell" (Cầm tay tôi, tôi sẽ đưa anh về địa ngục). Mà địa ngục có đâu xa, ở ngay kế ta đó thôi. Và sau khi viết xong danh sách các ác hữu thì ta hỏi bạn thêm tên của những người ác hữu còn quên chưa viết xuống. Và khi đã có danh sách rồi mà có điện thoại, người đó xưng tên thì ta phải thở, nhất định là không có nghe theo lời của người bạn ác đó. Có rất nhiều thú vui và niềm vui lành mạnh, nhiều lắm. Nhiều bậc cha mẹ ngỡ con đi tu là khổ, kỳ thực trái lại, con đi tu rất sướng vì suốt ngày được nghe, được nhìn, được làm, được chung đụng những điều rất lành mạnh. Và thức ăn cho thân và tâm mà mỗi ngày con tiếp nhận rất là hiền. Tu viện như một hải đảo bảo vệ cho ta, không để cho những độc tố của cuộc đời tràn vào xâm chiếm, phá hoại thân tâm. Trong tu viện có giới luật, có uy nghi, sư anh chăm sóc cho sư em, sư em chăm sóc cho sư chị. Tất cả mọi người đều chăm sóc cho nhau dưới lời chỉ dạy của Đức Thế Tôn, của các bậc thầy nên rất là an toàn. Tới tu viện thì ta được hưởng sự an toàn đó.
Giải trí lành mạnh
Ta có thể học thêm vài nguyên tắc cụ thể để có thể thực tập cho vấn đề này. Chúng ta rất cần được nuôi dưỡng bởi những yếu tố lành mạnh tươi mát nên vấn đề giải trí rất quan trọng. Giải trí, như chúng ta biết, một mặt giúp cho chúng ta quên bớt những lo lắng, khổ đau, đó là giải pháp tạm bợ nhưng mà nhiều khi chúng ta vẫn cần. Mặt khác, giải trí có thể tưới tẩm những hạt giống thương yêu, hạnh phúc trong ta. Cho nên chúng ta phải chọn những loại giải trí rất lành mạnh. Vậy thì chúng ta phải tổ chức những buổi họp, những hội nghị gia đình trong đó gồm có người lớn và người trẻ để bàn rất sâu sắc về những phương tiện giải trí của gia đình, của từng người trong gia đình; những phương tiện giải trí vừa lành mạnh vừa có tính cách nuôi dưỡng để bảo vệ thân tâm. Chúng ta cũng có thể mời những người khác tới tham dự để người đó góp ý, nhưng mà chúng ta đừng mời những người chưa có khả năng nói sâu, chúng ta chỉ nên mời những người đã tu tập thành công, đã có chuyển hóa và có hạnh phúc trong gia đình của họ. Có những người nói rất hay, thao thao bất tuyệt, lý thuyết rất giỏi nhưng mà trong gia đình họ không có hòa thuận, không có hạnh phúc. Vậy thì những người đó chúng ta không mời, chúng ta chỉ mời những người truyền thông được, đại diện được cho sự thực tập có hạnh phúc mà thôi. Chúng ta mời một hay hai người, những người đó có thể là những người trẻ hay là người lớn tuổi mà ta biết rằng mời vào thì người đó có thể ngồi như là một thành phần của gia đình. Có mặt họ nhưng ta không ngần ngại nói ra những điều trong gia đình ta cho họ nghe và phẩm chất hội nghị gia đình có thể tăng cường bằng sự có mặt của một người bạn thân, một người có thể được gọi là thiện hữu tri thức. Trong buổi họp chúng ta bàn về hai mặt: giải trí không lành mạnh và giải trí lành mạnh. Người lớn có những giải trí của người lớn và người nhỏ có những giải trí của người nhỏ. Có khi người lớn không ưa những cách giải trí của người nhỏ và người nhỏ không ưa những giải trí của người lớn, nhưng có những thứ giải trí mà cả người lớn và người nhỏ đều có thể tham dự chung. Chúng ta phải liệt kê ra ba loại như vậy. Ví dụ như ta bàn tới vấn đề Ti-vi. Ti-vi là một dụng cụ giải trí cho tất cả mọi người. Người lớn cũng cần Ti-vi, người nhỏ cũng cần Ti-vi (có người tuyên bố không có Ti-vi là chết liền), nhưng mà Ti-vi giết mình từ từ. Ti-vi trút vào trong lòng mình những độc tố như bạo động, sợ hãi, căm thù, thèm khát. Ti- vi tưới tẩm những hạt giống thèm khát trong ta rất nhiều, thèm khát về danh, thèm khát về tài lợi, thèm khát về sắc dục. Do vậy Ti-vi trở thành độc hại vô cùng. Nhưng không phải vì vậy mà ta cầm lấy cái búa đập vỡ tan Ti-vi vì trong Ti-vi có những chương trình ta có thể học hỏi, có những hình ảnh rất đẹp, giúp cho ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của thiên nhiên, những bài học về khoa học, về nhân chủng học, về sử học rất hay. Vì vậy không ai dại gì mà lấy cái búa đập bể Ti-vi và nói là tại vì Ti-vi có chứa nhiều độc tố. Chúng ta đừng có thành kiến với cái Ti-vi. Chúng ta nên sử dụng Ti-vi với sự thông minh của chúng ta, với khả năng biết phân biệt đâu là độc tố, đâu là những yếu tố lành mạnh có thể nuôi dưỡng ta. Vì vậy con cái rất cần tuệ giác của cha mẹ và của những bậc tri thức tại vì nếu con cái mà không biết sử dụng Ti-vi thì một ngày mai, con cái sẽ lãnh đủ tất cả những gì xấu mà Ti-vi cung cấp, con cái sẽ theo băng đảng, con cái sẽ xách súng vào trong trường bắn những đứa con nít khác. Khi có sự bực tức mà không biết làm sao điều phục thì người ta biểu lộ sự bạo động ấy ra và làm tan nát hết. Vậy thì chúng ta đồng ý rằng ta không đập bể Ti-vi nhưng mà ta phải làm thế nào để Ti-vi không phá hoại gia đình mà chỉ xây dựng gia đình thôi. Do đó cho nên phải nghiên cứu, phải coi những chương trình nào của Ti-vi mình có thể coi được, những chương trình nào người lớn nên coi, chương trình nào trẻ em nên coi, và những chương trình nào người lớn và trẻ em cùng nên coi. Có những phim tài liệu nghiên cứu về địa chất học, về lịch sử con người, về đời sống thú vật, về đời sống cây cối, mà nếu ta không được coi thì thật là quá uổng. Vậy ta phải để ý, phải biết được trong Ti-vi ngày nào có những chương trình gì và ta nhất định chỉ coi những phim tài liệu, những chương trình có tính cách giáo dục. Ở bên Mỹ có một đài truyền hình có tính cách giáo dục, tuy chưa hoàn mỹ, nhưng mà trong những chương trình của đài truyền hình đó có rất nhiều tư liệu để cho cha mẹ và con cái có thể ngồi chung, coi chung và sau đó đàm luận với nhau. Những chương trình nào hay thì ta có thể thâu vào video để mấy hôm sau còn có thể coi lại. Vì vậy cho nên như chúng ta đã nói, không cần đập bể Ti-vi mà phải sử dụng Ti-vi một cách rất là thông minh. Tôi biết có một gia đình sống ở Boston mà trong đó có tới ba thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà: có ông bà, cha mẹ và con cháu. Họ cũng có một cái Ti-vi nhưng ngộ lắm, khi nào có một phim hay, một phim có giá trị đã được quảng cáo trước bốn hay năm ngày gì đó thì cả gia đình hẹn nhau cùng coi phim chung. Tới giờ đó bà nội, bà ngoại đi rửa mặt, chải tóc, mặt áo đàng hoàng. Rồi cha mẹ các cháu và các cháu đều chuẩn bị đàng hoàng như là đi coi hát vậy. Sau đó tới ngồi trước Ti-vi, ngồi rất đàng hoàng, có ly nước cam để uống với nhau trong thời gian chờ đợi tới giờ phim chiếu. Sau khi phim chiếu xong rồi thì tắt máy, mọi người đi giải lao hoặc có thể ngồi đó đàm luận về nghệ thuật cũng như ý nghĩa của phim vừa coi, giống như là đi coi hát về vậy. Và sau khi coi hát có thể ăn cháo buổi khuya được. Có thể nấu cháo nấm hay là hủ tiếu gì đó để ăn với nhau và trong khi ăn có cảm giác ấm áp trong hạnh phúc gia đình. Rồi họ mới đàm luận về những nhân vật đóng phim như thế nào. Nếu ai có kiến thức về phim ảnh và nghệ thuật thì có thể trao truyền những kiến thức đó cho những người khác và buổi đó là một buổi rất có hạnh phúc, mọi người đều có thể học hỏi được rất nhiều. Đã vậy họ khỏi tốn tiền mua vé và được ăn cháo khuya, ăn chè khuya ngay trong gia đình của mình, chuẩn bị đàng hoàng trong buổi chiều hôm đó nên không khí rất ấm cúng. Đó là chuyện một gia đình người Việt sống ở Boston. Tại sao ta không làm được như vậy? Chúng ta biết chánh niệm tức là khả năng có thể thấy được những gì đang xảy ra, có thể đánh giá được bản chất của những gì đang xảy ra là hiền hay là dữ, và chánh niệm cho ta biết rằng đó là phim tốt hay phim xấu. Phim tốt tưới tẩm hạt giống của tình thương, của sự yêu đời, của sự tha thứ, của những cái đẹp trong ta. Còn phim xấu thì làm cho ta thêm bạo động, thêm nghi kỵ, thêm sự căm thù. Và vì vậy phải chọn lọc những yếu tố sản phẩm ta tiêu thụ.
Du ngoạn
Chúng ta lại bàn xem ngoài những chương trình hay của vô tuyến truyền hình, chúng ta còn có những giải trí nào hay hơn nữa. Có những nơi rất đẹp, có những phong cảnh rất là thanh tú và có thể cuối tuần hay những ngày nghỉ, chúng ta chuẩn bị để cùng đi lên sống một, hai ngày ở những khung cảnh thiên nhiên thanh tú đó. Có những buổi du ngoạn mà những nơi du ngoạn đó ta có thể phải chuẩn bị hàng tuần trước. Ta phải làm cho cuộc du ngoạn đó thành công và trong suốt thời gian du ngoạn đó chúng ta chỉ tiếp xúc với những mầu nhiệm, những đẹp đẽ của cảnh trí mà thôi. Dĩ nhiên chúng ta sẽ ăn picnic ở đó, chúng ta có thể ngủ ở đó một đêm, chúng ta có thể mang theo một cái lều di động, và chúng ta có thể chuẩn bị như một ngày hội. Ngay trong khi cha mẹ với các con chuẩn bị trong tinh thần thương yêu đoàn kết thì đó đã có niềm vui rồi chứ không hẳn phải tới đó rồi mới có niềm vui. Đó là niềm vui nuôi dưỡng ta trong giây phút hiện tại. Cũng như ngày Tết, cái nao nức chuẩn bị ăn tết mới là vui. Đem bộ lư đồng xuống để đánh cho sáng lên, làm một vài thứ mứt để nghĩ mình sẽ cúng ông bà, để mình nhâm nhi với nhau và với bạn trong mấy ngày tết... Chính sự chuẩn bị đó đã vui rồi. Đem hết tài năng của mình ra chuẩn bị và mục đích là có niềm vui hạnh phúc, chứ mục đích không phải là tổ chức một cách hoàn mỹ. Muốn tổ chức một cách hoàn mỹ mà người này cho rằng ý kiến của mình mới hay còn ý kiến người kia thì dở; rồi cãi lộn nhau thì thà không đi còn hơn. Nhiều khi tại vì ta độc tài, ta muốn ý kiến của ta được tiếp thu, phải làm hết theo ý ta thì ta mới thích nên mới có chuyện cãi lộn. Vì vậy cho nên trong khi chuẩn bị thì đó đã là sự tu tập, làm sao mà điều hợp được những ý kiến của mọi người, nghe hết tất cả ý kiến của mọi người và nếu cần, ta buông bỏ ý kiến của ta để cho người kia được hạnh phúc. Đó mới gọi là tu, là hay. Còn ta hơi cứng, nhất định giữ ý mình, tuyên bố rằng ý này không được thì tôi không đi là thất bại rồi. Đi để có hạnh phúc, chứ không phải đi để rồi chia rẽ, ghét bỏ nhau.
Ta cũng có thể mời một gia đình bạn đến ăn cơm với ta và đó là hạnh phúc rất lớn. Đây là người bạn mà ta quý, gia đình bạn mà ta quý, thì khi mời họ đến ăn cơm ta phải chuẩn bị trước, làm sao để cho buổi tối đó thành công, đem lại hạnh phúc cho cả hai gia đình. Những bài hát nào ta sẽ hát cho họ nghe, những gì ta có thể chia sớt cho họ và đem những thực tập nào ta đã thành công để chia sẻ cho họ. Tại vì trong đời sống hàng ngày cũng như đời sống tâm linh của ta, ta có những thực tập, có những cố gắng, đã tạo ra sự hòa điệu và hạnh phúc nên ta muốn chia sẻ những cái đó. Hoặc là nếu ta mới đi Vermont năm ngày, mà trong năm ngày đó ta có nhiều niềm vui, nhiều thành công trong sự thực tập nên khi về đến thành phố ta muốn chia sẻ với một người nào đó. Ta sẽ tổ chức cuộc chia sẻ một cách rất cẩn thận: mời họ ăn cơm, bàn xem sẽ ăn món gì, ai làm món đó, rồi ta sẽ cho họ coi hình, xem băng, nói những gì ta muốn chia sẻ, v.v... thì trong thời gian cả buổi chiều đó vừa chia sẻ, vừa ăn cơm là ta hoàn toàn chỉ tưới tẩm hạt giống hạnh phúc mà thôi. Ta không tưới tẩm những độc tố, những buồn giận phiền muộn của mình.
Ta cũng có thể tổ chức đi chơi. Một cuộc chơi núi vừa làm cho thân thể ta mạnh khỏe, được thở khí trời trong mát và tiếp xúc với cây cỏ, hoa lá, những con vật mà ta chưa biết. Nếu có được một người rành về thực vật học đi cùng, ta nhờ người đó chỉ và nói tên từng loại cây, loại cỏ, loại hoa cho ta và các con ta được học thì rất quý. Đó là một kiểu du ngoạn để học hỏi rất lành mạnh, rất hay. Và nếu ta đi với một nhà địa chất học, thì nhà địa chất học đó sẽ cầm lên từng viên đá, chỉ vào từng triền núi mà nói cho ta biết lịch sử của địa chất. Đó là những chuyến du khảo học hỏi rất là quý giá. Đó không phải là những loại giải trí rẻ tiền có tác dụng độc hại.
Ta phải sống đời sống văn minh, mỗi ngày đời sống tâm linh của ta càng thanh nhã hơn, càng có văn hóa nhiều hơn, càng có tâm linh nhiều hơn tại vì trong đời sống tâm linh ta cũng lớn lên như trong đời sống của cơ thể. Nếu cơ thể ta lớn lên mà tâm linh của ta không chịu lớn lên thì mất sự thăng bằng. Đó là đứng về phương diện nghệ thuật, còn đứng về phương diện tâm linh ta cũng phải có thức ăn cho đàng hoàng. Đức Khổng Tử nói rằng nếu anh không đọc sách, nếu anh bỏ đọc sách chừng vài tháng thì anh sẽ bắt đầu quên. Cũng vậy, có những kiến thức về khoa học, về nghệ thuật, về xã hội người ta khám phá ra được mà ta lại rất quê, không biết gì hết, không biết kiến thức nhân loại đi tới đâu rồi thì thật là ta sống trong thời đại của thế kỷ 21 mà giống như sống trong thế kỷ 17, 18 vậy. Do đó ta phải biết rằng đó là những thức ăn ta phải có trong đời sống hàng ngày và phải biết học hỏi. Sự học hỏi không nặng nề, không có lao động cực nhọc vì học hỏi dưới hình thức này rất dễ chịu. Ví dụ như có một cuốn phim nói về sự sống của một bộ lạc ở Châu Phi hay Nam Mỹ. Văn minh của thế giới Tây phương chưa đi tới được góc rừng ấy, nhưng có những người làm phim đã đi tới tận đó và họ đã ở nhiều tháng để quay những hình ảnh về đời sống hàng ngày từ vật chất đến tinh thần của giống dân bộ lạc nói trên. Mà có nhiều người rất tài, họ quay được những hình ảnh mà ta không ngờ họ có thể quay được. Những người dân trong bộ lạc chưa bao giờ nhìn thấy một cái máy quay phim, một cái máy chụp hình, những người chưa bao giờ thấy hình ảnh thật của chính mình xuất hiện trên một cái màn ảnh và khi những người làm phim quay, họ cho ta thấy những hình ảnh đó và cho ta thấy sự ngạc nhiên lớn lao của những em bé và cả những người lớn, lần đầu tiên được thấy hình ảnh của mình xuất hiện ngay trong màn ảnh. Ta thấy cuộc sống của bộ lạc đó có những cái rất ngây thơ, rất đẹp mà bây giờ ta không có nữa, ta đã đánh mất. Ta thấy có những nếp sống có nền văn minh rất cao nhưng mà khi tiếp xúc với nền văn minh vật chất rồi thì họ bắt đầu đánh mất những cái đó, rất tội nghiệp.
Rạp chiếu phim là đạo tràng
Năm 1997, tôi với một số thầy và sư cô qua Ấn Độ thì có một người trung niên ăn mặc rất đẹp đi theo. Ông ta thâu những bài thuyết pháp của tôi, thâu những cảnh tượng mà tôi tiếp xúc với dân Ấn Độ, cảnh dân Ấn Độ trong các nhà thương chăm sóc cho chim, cảnh dân Ấn Độ đang tắm và cầu nguyện trên sông Hằng, dân Ấn Độ đang ngồi thiền, tập đi thiền hành với tôi, dân Ấn Độ đang sống đời sống hàng ngày của họ. Đó là một ông giáo sư mỹ thuật. Ông dạy về mỹ thuật ở Thụy Sĩ. Ông đã đi với một chuyên viên khác và ông thâu hết tất cả những hình ảnh đó. Ông thâu tới bốn mươi mấy giờ đồng hồ và khi về ông cô đọng lại những hình ảnh đó, làm ra cuốn phim dài một giờ rưỡi. Ông lấy cốt truyện là một bài pháp của tôi nói cho người Ấn Độ và mỗi câu nói của tôi, ông đều minh họa bằng những hình ảnh của đời sống xã hội Ấn Độ rất đẹp. Cho đến khi cuốn phim thành công, đem ra chiếu ở rạp thì trong một năm trời, đêm nào cũng có người đến xem đầy rạp hết và chiếu cùng hết các rạp ở tại Atlanta. Người ta báo cáo rằng trong năm 1998 phim đó là phim thành công nhất trong những phim ở Thụy Sĩ, kể cả những phim tình cảm, và tự nhiên tôi và các thầy, các sư cô đóng vai tài tử xi nê một cách không hay biết. Hết phim, đến phần chữ giới thiệu nhà làm phim và tài tử thì xuất hiện một danh sách những ‘tài tử’ toàn là Thích... và Thích Nữ... Cuốn phim nói bằng tiếng Anh, phụ đề bằng tiếng Đức và tiếng Pháp. Sau một năm chiếu ở Thụy Sĩ thì phim được đem sang chiếu ở Đức. Hiện bây giờ (1999) ở những thành phố bên Đức, người ta đang nô nức đi xem phim này. Thế mà quý vị biết không, khi có buổi họp báo, họ hỏi tôi là khi Thầy đóng phim, Thầy làm diễn viên thì Thầy thấy sao, Thầy cảm thấy như thế nào? Tôi nói là tôi vui lắm. Mười tổ chức mời tôi đi giảng, tôi chỉ chấp nhận hai đến ba tổ chức thôi. Và hiện bây giờ tôi khỏi phải đi giảng mà đêm nào cũng được thuyết pháp tại nhiều thành phố nên tôi thấy vui lắm, tôi rất ưa làm cái nghề đóng phim này. Mà kỳ thực như vậy, khi họ đi vào trong rạp, cuốn phim có tựa đề là Những Bước Chân Chánh Niệm, trên màn ảnh có chiếu cảnh của Tăng đoàn đang đi những bước chân chánh niệm và trình bày sự tương phản giữa đời sống con người ở bên ngoài xã hội với nếp sống của chánh niệm. Thầy trò càng đi vững chãi, thảnh thơi chừng nào thì đời sống bên ngoài càng xô bồ, càng hấp tấp chừng đó. Cho nên người ta thấy rõ mà không cần phải có những lời bình phẩm nào hết. Khi đèn trong rạp tắt, phim bắt đầu bằng hình ảnh có một cây nhang trên bình hương đang tỏa khói và có tiếng chuông chánh niệm, và cố nhiên trong số khán giả thế nào cũng có một số người đã từng thực tập chánh niệm rồi, thành ra họ có cảm tưởng là họ đang đi vào thiền đường. Kỳ thật đó không phải là thiền đường, đó là rạp chiếu phim. Rạp chiếu phim là nơi những hình ảnh của giết chóc, những cảnh làm tình, những cảnh bắn súng xảy ra mỗi đêm, nhưng đêm nay là một đêm rất đặc biệt. Màn ảnh mở ra, trên nền màn ảnh là bóng tối, rồi có cây nhang đang tỏa khói và có tiếng chuông cho mọi người thở, rồi từ từ mới thấy tăng đoàn đang đi từng bước thảnh thơi lên núi Linh Thứu vào lúc năm giờ khuya và mọi người đều ngồi thiền trên đó cho đến khi vầng thái dương xuất hiện trên đồi với tiếng giảng của Thầy ở sau và những phụ đề tiếng Đức. Mọi người nghe một bài pháp thoại mà không có cảm tưởng là mình bị nghe pháp thoại hay nghe giảng đạo và sau khi phim chấm dứt rồi không ai vỗ tay như đi xem phim thường hết vì mọi người đều cảm động vô cùng. Những hạt giống tâm linh, những hạt giống hạnh phúc và niềm vui của họ được tưới tẩm, và nếu họ biết chắp tay thì chắc họ đã chắp tay trước khi đi ra khỏi rạp chiếu phim. Như vậy ta đã biến rạp chiếu phim thành đạo tràng mỗi đêm. Tôi hy vọng rằng sẽ có một nhà làm phim người Mỹ mua cuốn phim đó đem về Mỹ để chiếu, vì ở Mỹ có rất nhiều độc giả của tôi. Coi trong rạp hay hơn là coi video nhiều lắm. Ở Pháp đã có một nhà xuất bản mua và cuối năm nay phim sẽ bắt đầu được chiếu tại Pháp với phụ đề tiếng Pháp và tiếng Đức. Ở Thụy Sĩ thì đã chiếu hơn một năm rồi và bây giờ đang còn chiếu ở một vài thành phố. Ở Đức cũng đã bắt đầu chiếu trong nhiều thành phố. Cuối năm nay cuốn phim sang Pháp rồi sẽ sang Anh. Sang Anh thì dễ vì ở đó nói tiếng Anh. Thành ra khi coi cuốn phim như vậy thì những hạt giống tốt trong tâm thức ta đều được tưới tẩm và khi coi xong cuốn phim ta thấy nhẹ, thấy khỏe ra, ta thấy đời sống có ý nghĩa. Cho nên chúng ta phải chọn lựa những cuốn phim như vậy để xem, không phải là không có trong thị trường. Và chính ngay trong vô tuyến truyền hình thỉnh thoảng cũng có chiếu những phim như vậy, tuy không phải nói về đạo Phật nhưng có công năng nuôi dưỡng ta, tưới tẩm những hạt giống của cái đẹp, cái lành và cái thật ở trong ta (chân - thiện - mỹ).
Nhạc Kinh
Ngoài ra quý vị đã được nghe các thầy, các sư cô hát những bài hát có tính cách lành mạnh như là bài "Bài Tụng Hạnh Phúc" hay bài "Mười Hạnh Nguyện Phổ Hiền" mà càng hát và càng nghe chừng nào thì những hạt giống của tâm bồ đề, của niềm vui, của niềm tin trong ta càng được tưới tẩm. Những bài hát đó không phải không có. Hiện bây giờ chúng ta có một tập nhạc gọi là "Những Giọt Không" có rất nhiều những bài hát như vậy. Chúng ta cũng có một số đĩa CD trong đó có những bài hát như vậy, và chúng ta cũng có hai tập CD nhạc kinh nữa. Nghe nhạc như vậy thì cũng như nghe tụng kinh, những hạt giống của kinh điển, của tuệ giác, của Bụt tự nhiên được gieo vào trong ruộng tâm của ta. Và nếu ta tiếp tục nghe thì âm nhạc sẽ đưa những lời hay ý đẹp, những tư tưởng về thương yêu, về tha thứ, về niềm tin, về hạnh phúc để tưới tẩm những hạt giống đó mỗi ngày, thay vì chúng ta nghe nhạc gọi là nhạc đứt ruột. Nhạc đứt ruột làm hư hại không biết bao nhiêu tâm hồn người lớn và trẻ em. Tôi có nghe thử một cuốn băng nói về chủ đề Mẹ. Mẹ là người thương yêu mà sao nghe toàn là than thở đứt ruột, nghe xong ruột mình đứt làm hai, làm ba, làm bốn, làm mười khúc. Tại sao thương mẹ mà phải rầu như vậy? Tập Bông Hồng Cài Áo ta đọc đâu thấy đứt ruột gì đâu, mà tại sao họ làm một cuốn phim mấy chục bài về mẹ đọc tới đâu là khóc tới đó, nghe tới đâu là não ruột tới đó, tại tâm của họ đau khổ rồi, nên làm cái gì ra cũng đau khổ hết. Những bài hát mà người ta sáng tác, người ta tiêu thụ trong thị trường, trong giới ca nhạc Việt Nam toàn là những bài tình sầu đứt ruột mà nghe vô nó tưới tẩm những hạt giống đau thương tuyệt vọng trong người. Người ta cứ nằm cong lại như con tôm mà nghe hết bài này sang bài khác, gọi là thú đau thương, rất là ốm đau, không lành mạnh. Trong khi đó có những bài hát rất lành mạnh, rất yêu đời, rất tươi mát thì lại không chịu nghe. Vậy thì phải chọn lọc các loại âm nhạc, các loại ca khúc lành mạnh, phải viết thêm những bài đó xuống và trong gia đình phải tổ chức ca hát với nhau. Nếu có một người anh hay một chị lớn biết chơi guitar thì buổi tối thay vì coi Ti-vi, ta có thể uống cà phê, uống trà rồi tụ họp lại hát bài "Chúng ta được ngồi đây, trong phút giây hiện tại, bao bọc bởi tăng thân, thấy mình thật may mắn..." Quý vị đọc lại mấy câu trong Bài Tụng Hạnh Phúc: "Năng lượng của tăng đoàn, giới luật và uy nghi, đang bảo hộ cho con, không để gây lầm lỗi, không bị nghiệp xấu đẩy, đưa về nẻo tối tăm..." Rõ ràng là như vậy, có Bụt, có Pháp và có Tăng thì ta được bảo hộ và khi được bảo hộ như vậy thì ta không bị kéo đi theo những con đường xấu xa. Trong Bài Tụng Hạnh Phúc, năng lượng của tăng đoàn, đang bảo hộ cho con, tức là ta sống trong đoàn thể tu học đó và đang được bảo hộ. Gia đình ta nếu có tu học thì cũng thành một tăng đoàn. Đoàn thể nào có tu học đều được coi là tăng đoàn. Chữ Tăng được dùng để gọi chung cho người xuất gia và người tại gia: xuất gia nam, xuất gia nữ, tại gia nam, tại gia nữ là bốn thành phần của tăng đoàn gọi là tứ chúng. Thì chữ Tăng có nghĩa là Chúng, chữ Tăng dịch từ chữ Sangha, tức là tăng đoàn gồm có bốn chúng là xuất gia nam, xuất gia nữ, tại gia nam, tại gia nữ và nếu ta tu học cho đàng hoàng thì gia đình ta, cha mẹ con cái trở thành như một tăng đoàn nho nhỏ. Và nếu ta có tu thì trong đó có giới luật, có uy nghi. Giới luật đó là Năm Giới, có giới thứ năm là không tiêu thụ một cách bừa bãi, không tiêu thụ âm nhạc kích động và đứt ruột, không xem Ti-vi một cách bừa bãi. Uy nghi tức là ta có những lề thói rất đẹp của truyền thống gia đình ta, uy nghi là cái đẹp phát sinh ra từ nếp sống có đạo đức, có chánh niệm và khi mà các người trẻ đi xuất gia, họ phải thực tập uy nghi trong cách đi, đứng, nằm, ngồi. Bốn tư thế đó gọi là tứ uy nghi, phải thảnh thơi, nhẹ nhàng, đẹp đẽ. Khi người ta đưa cho ta một ly trà, hay là một trái cam thì ta chắp tay lại "Sen Búp xin tặng người, một vị Bụt tương lai". Cái đó là cái đẹp của uy nghi. Và khi mà ta chào một người với hơi thở vào, với nụ cười của ta thì rất có uy nghi. Tất cả mọi động tác, mọi cử chỉ đều biểu lộ được cái đẹp của chánh niệm và cái đẹp đó gọi là uy nghi. Người tu thì phải có giới luật, phải có uy nghi. Uy nghi là tất cả những cái đẹp biểu lộ ra trong cách đi, đứng, nằm, ngồi của ta. Nếu ta có thực tập chánh niệm, ta đi mà có chánh niệm thì cái đi của ta rất đẹp. Nếu ta thấy một thầy, một sư cô mà đi không có uy nghi thì ta không nhận ra đó là một vị xuất gia đích thực. Nếu ta thấy vị đó ăn cơm, uống nước, tiếp xử, nấu ăn, rửa bát mà không có chánh niệm thì ta không thấy cái đẹp của người xuất gia. Cái đó gọi là chánh niệm trong mỗi động tác và mỗi cử chỉ, mỗi lời nói của ta. Chính hai yếu tố đó bảo hộ cho ta: "Giới luật và uy nghi, đang bảo hộ cho con, không để gây lầm lỗi..." Mà giới luật và uy nghi là gì? Là Pháp đó! Pháp tức là bản chất của Bụt và Tăng. Tăng đoàn đích thực là đoàn thể trong đó có bản chất của giới luật, của giáo pháp và như vậy là có mặt của Bụt ở trong tăng đoàn. Chân Tăng là Tăng trong đó có chất liệu của Bụt, của Pháp và vì vậy cho nên tới với chân Tăng là ta được gặp Bụt, gặp Pháp còn nếu ta tới với Tăng mà Tăng đó không phải là Tăng đích thực thì không gặp Bụt và Pháp trong đó. Tăng đích thực chứa đựng Bụt và Pháp. Vậy thì nếu năng lượng của tăng đoàn do giới luật và uy nghi làm ra thì đó là nguồn năng lượng bảo vệ cho ta, không để ta gây ra lầm lỗi. Gây ra lầm lỗi tức là tiêu thụ một cách bừa bãi, đưa những độc tố vào trong mình, trong thân và trong tâm, để cho những người thân của ta bị độc tố xâm chiếm... "Không bị nghiệp xấu đẩy, đưa vào nẻo tối tăm, lại được cùng bạn hiền, đi trên đường chân thiện, có ánh sáng chiếu soi của Bụt và Bồ Tát." Ánh sáng này, ánh sáng của Bụt và Bồ Tát rất rõ, ta có thể thấy được, đó là giới luật và uy nghi. Khi có giới luật và uy nghi thì tự nhiên có ánh sáng của Bụt và Bồ Tát.
"... Tuy có mặt trong con những hạt giống khổ đau, phiền não và tập khí, nhưng chánh niệm hiện tiền vẫn thường luôn biểu hiện, giúp cho con tiếp xúc với những gì mầu nhiệm, có mặt trong tự thân và có mặt quanh con."
Ta đã học chữ "Tập Khí" và phương pháp nhận diện tập khí. Tuy tập khí vẫn còn nhưng ta đã làm chủ được và mỗi khi nó ló đầu ra là ta mỉm cười với nó: "Ha ha, tập khí của ta đấy hả? Ta biết ngươi quá mà. Ngươi không làm gì ta được đâu." Thì tự nhiên tập khí đó yếu đi một chút xíu. Phiền não là những cái buồn, cái giận, cái ganh, cái ghét còn đó, nhưng mỗi khi nó lộ diện ra thì ta biết liền: "Cái giận của ta đó hả? Cái buồn của ta đó hả? Ta biết ngươi còn đó, ta sẽ săn sóc cho ngươi." Cái đó là năng lượng chánh niệm giúp cho ta làm công việc nhận diện.
Nên tuy là tập khí còn đó, phiền não còn đó, khổ đau còn đó nhưng chánh niệm hiện tiền tức là có chánh niệm trong giây phút hiện tại, giúp cho ta tiếp xúc được những gì mầu nhiệm đang có mặt trong tự thân và quanh mình vì trong đời sống có những cái rất mầu nhiệm. Ví dụ như hai mắt ta rất mầu nhiệm, hai con mắt như hai viên ngọc, chỉ cần mở mắt ra là thấy được trời xanh, mây trắng, núi tuyết, hoa vàng. Hai tai ta, chỉ cần lắng tai là nghe tiếng âm nhạc, tiếng chim hót, tiếng suối reo, tiếng gió thổi trên những đọt thông. Đó là những cái rất mầu nhiệm của cuộc đời mà nếu ta bị mù, bị điếc thì làm sao ta tiếp xúc được? Trong khi đó thì mắt ta còn tốt, tai ta còn tốt, mũi ta còn tốt, thân ta mạnh, chân ta còn khỏe và đó là những hạnh phúc rất lớn, đó là những mầu nhiệm trong tự thân. "Sáu căn còn đầy đủ, mắt thấy được trời xanh, tai nghe tiếng chim hót, mũi ngửi thấy hương trầm, lưỡi nếm được pháp vị..." Tất cả những cái đó là những cái may mắn, những điều mầu nhiệm ở trong tự thân. Ngoài thân còn có trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở và biết bao nhiêu sự mầu nhiệm khác của sự sống quanh ta. Vậy mà ta cứ chìm đắm trong những nỗi khổ đau, giận hờn, buồn tủi, tuyệt vọng của ta thì rất uổng. Do đó cho nên chánh niệm rất quan trọng. Chánh niệm ôm lấy nỗi khổ đau của ta và giúp cho ta tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt.
Ta đang còn trẻ, hai chân ta còn khỏe, nụ cười ta còn tươi, mà ta không biết sử dụng, ta cứ co rúm lại trong niềm đau nỗi khổ của ta, cứ để ngày tháng trôi qua miệt mài thì rất uổng phí. Chỉ có chánh niệm mới dạy cho ta được, chỉ có tăng thân mới đánh thức được ta, và giúp cho ta đi vào con đường của niềm vui, của hạnh phúc mà thôi. Đây là một bài tụng và ta đã làm thành bài hát. Khi ta tụng thì những hạt giống hạnh phúc được tưới tẩm và khi ta hát thì cũng giống hệt như vậy, những hạt giống hạnh phúc trong ta cũng được tưới tẩm. Cho nên buổi chiều, lâu lâu đừng có coi phim nữa, ta đem guitar ra rồi tất cả cha mẹ, con cái đem một vài bài hát hạnh phúc ra hát với nhau.
Thiết kế sinh hoạt bằng tất cả sự thông minh
Ngày xưa còn niên thiếu, cha mẹ cũng có học hát được một vài bài bày tỏ lòng yêu nước thương dân mà bây giờ thấy con cái không biết bài đó thì cha mẹ nên đem dạy cho các con hát. "Ngày xưa ba hát bài này nè, ba dạy cho các con hát...". Ví dụ như bài Việt Nam Minh Châu Trời Đông chẳng hạn: "Việt Nam núi thiêng tiên rồng non sông như gấm hoa, uy linh một phương. Xây vinh quang sáng trưng bên Thái Bình Dương..." Có những bài hát như vậy, những bài hát tiền chiến rất hay. Hạnh phúc gia đình là do ta làm ra và ta được sống với nhau nhiều chừng nào quý chừng đó. Tại sao mỗi người phải đi một phía tìm kiếm giải trí cho riêng mình: cha đi một phía, mẹ đi một phía, con trai đi một phía, con gái đi một phía? Đi như vậy rất là nguy hiểm, có thể bị những điều xấu quyến rũ, có thể bị những người bạn xấu đưa mình vào những nẻo rất tối tăm. "... Không bị nghiệp xấu đẩy, đi về nẻo tối tăm. Lại được cùng bạn hiền, đi trên đường chân thiện..." Bạn hiền ta phải chọn lựa, ta phải đi tới, ta phải cầu khẩn người đó tới với mình. Có những hãng chế tạo Ti-vi quảng cáo hay lắm. Bây giờ họ có nghệ thuật quảng cáo rất khéo: "Chúng tôi đem người ta lại với nhau - We bring people together." Nói như vậy đó. Tại vì những tin tức mà Ti-vi đem lại cho người ta biết những gì đang xảy ra bên kia trái đất, đem người ta lại với nhau. Nhưng sự thật thì không hoàn toàn đẹp như vậy, Ti-vi không đem chúng ta lại với nhau mà Ti-vi chia rẽ chúng ta nhiều hơn: ta đi làm, đi học suốt ngày, không có giờ nhìn nhau nữa; đi về ta mệt nhoài rồi, không có giờ nhìn nhau, hỏi thăm nhau mà lại còn mở Ti-vi ra để mất hết thì giờ còn lại đó. Tất cả mọi người đều nhìn vào Ti-vi hết, cha không có dịp để nhìn mẹ, mẹ không có giờ để nhìn con, anh không có giờ để nhìn em, tại vì mọi người bận nhìn cái Ti-vi. Như vậy làm sao gọi được là "đem người ta lại với nhau"? Phải như vậy không? Ti-vi là một yếu tố chia rẽ gia đình, thành ra ta phải tranh đấu, buổi chiều về ta đừng để Ti-vi chia rẽ ta và những người ta thương. Phạm Duy có một bài hát về đồng quê trong đó có câu là "đừng chia rẽ đôi lứa mình". Đôi lứa mình có thể là hai vợ chồng hay là hai cha con. Nền văn minh bây giờ là chia rẽ, ban ngày thì ta đã đi làm, xa cách nhau rồi, chiều về ta chỉ có với nhau được mấy giờ đồng hồ thôi mà không sống với nhau. Buổi sáng thức dậy ăn sáng mà ta còn nửa thức, nửa ngủ, rồi cũng chẳng để ý coi thức ăn sáng nay do đâu mà có. Ngồi trước tách cà phê rồi thay vì nhìn mặt người thương của ta - người thương của ta ngồi bên kia bàn - thì ta đưa tờ báo lên để che mặt người đó đi. Ta làm như bài báo đó, tin tức đó quan trọng nhất trên đời, còn người thương trước mặt thì cũng không thèm nhìn, nhìn những cái gì đâu ở trong tờ báo. Tờ báo có đưa chúng ta tới với nhau không? Ca dao của ta có câu: "Núi cao chi lắm núi ơi, núi che mặt trời không thấy người thương". Ở đây là tờ báo, tờ báo được đưa lên cao thành ngọn núi. "Báo cao chi lắm báo ơi, báo che vợ hiền, che khuất mặt con", che khuất luôn cả ta. Rất là dại dột. Mà có rất nhiều gia đình như vậy. Không có thì giờ nhìn nhau, không có thì giờ sống với nhau, vậy mà cứ để những phương tiện gọi là giải trí ngăn cản chúng ta với nhau.
Ở bên Pháp ngày xưa có một ông nhà văn, tên là Antoine Exupery, ông viết ra nhiều cuốn sách rất hay trong đó có cuốn sách Le Petit Prince (Hoàng Tử Bé). Trong cuốn sách đó tác giả viết một câu rất bất hủ là "yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là nhìn chung về một hướng." Chắc là ta cũng đang thực tập cái đó. Ta cũng không nhìn nhau, ta nhìn chung về hướng cái Ti-vi. Vì nhìn nhau thấy không có hạnh phúc nhiều như ngày xưa khi mới gặp nhau nữa, do ta đã có gây gổ, cãi lộn với nhau hơi nhiều rồi. Ngày xưa sao mà người đó dễ thương quá trời, đó là hoàng tử của đời mình mà, đó là nàng tiên của đời mình mà, không có em làm sao anh sống nổi. Nghe tiếng của nhau như là tiếng chim họa mi rất dễ chịu. Vậy mà bây giờ nhìn nhau thấy không có hạnh phúc nữa. Thành ra bây giờ thay vì nhìn nhau thì cả hai người nhìn về phía Ti-vi để cho đỡ khổ, gọi là yêu nhau không phải nhìn nhau mà nhìn về một phía, phía cái Ti-vi. Cho nên ta phải cẩn thận lắm mới được. Ta phải biết sử dụng đúng thời giờ, phải thiết kế sinh hoạt của ta bằng tất cả sự thông minh, đừng để những thứ đó chen vào chia rẽ mình. Tắt Ti-vi đi, đem đàn ra và cả nhà cùng ngồi hát với nhau một bài. Ta phải rất thông minh mới được.
Bảo hộ thân tâm
Đó là vấn đề tiêu thụ. Ta cần phải sống, cần phải có niềm vui, cho nên ta phải tổ chức như thế nào để mỗi ngày đều có những niềm vui lành mạnh. Đừng để cho những giải trí độc hại tới chia rẽ, phá đám và làm tiêu ma thân thể cũng như tâm hồn ta. Chuyện này rất quan trọng. Nếu ông bà nhìn thấy được tình trạng đó thì ông bà không để cho các cháu đi trên đà xuống dốc như vậy. Ngày nay thanh niên Tây phương, thanh niên Mỹ tự tử, đi theo băng đảng rất nhiều, và đi vào tù cũng nhiều. Ngay trong số Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử cũng có vị Huynh Trưởng đang còn ở tù. Thành ra ta phải rất cẩn thận. Ta phải tỉnh thức, không nên để cho tình trạng đó tiếp tục tiếp diễn như vậy. Vậy thì những giải trí thường ngày là gì? Đi coi hát, đi nghe nhạc, đi nhảy, đi ăn nhà hàng... Và nhiều khi trong gia đình cô đơn quá nên ta đi với một người bạn, bạn gái hoặc bạn trai. Và nếu ông không có hạnh phúc trong gia đình thì ông có thể bị cám dỗ đi theo một người đàn bà khác, hoặc bà không có hạnh phúc trong gia đình, bà đang khổ đau với chồng, khổ đau vì con thì bà cũng có thể bị hấp dẫn và đi theo một người đàn ông khác, làm cho tan nát gia đình. Chuyện vợ bé, chuyện đi theo một người đàn bà khác, chuyện hẹn hò, rồi vướng mắc vào một người con trai, một người con gái khác, kéo ta đi vào những nẻo tối tăm, xảy ra rất thường. Và những cuộc tình duyên đó, những mối liên hệ không chính thức đó đôi khi chỉ rất ngắn nhưng lưu lại rất nhiều vết thương ở trong lòng ta cũng như trong lòng của người kia. Ta cảm thấy cô đơn, tìm tới với nhau, và tưởng rằng khi hai thân xác phối hợp với nhau như vậy sẽ bớt cô đơn. Nhưng thực tế thì ta không hiểu nhau, không thấy được những nỗi khổ niềm đau của nhau, không giúp nhau giải tỏa được khổ đau và những khó khăn mà chỉ tới với nhau bằng xác thịt. Sau đó ta mới thấy rõ rằng nỗi cô đơn của mình còn y nguyên như cũ, không bớt được chút nào hết. Đã vậy ta còn bị lệ thuộc và rồi có thêm rất nhiều khổ đau xuất phát từ chuyện phối hợp đó vì giữa hai tâm hồn mà không có sự thông cảm, hiểu biết thì sự phối hợp của hai cơ thể chỉ làm cho tình trạng thêm tối tăm, thêm xót xa mà thôi. Chuyện đó xảy ra rất nhiều cho thanh niên và cho cả người lớn. Như vậy thì càng ngày ta càng lún sâu vào vũng lầy tăm tối và gia đình ta càng ngày càng khổ đau. Cho nên giới thứ ba rất quan trọng, giới thứ ba bảo vệ gia đình của ta, bảo vệ tương lai hạnh phúc của ta. Người trẻ đã đau khổ rất nhiều trên nẻo đường đó, người lớn cũng vậy, cũng đã đau khổ rất nhiều trên đường đó. Tiếng chuông của Đức Thế Tôn gióng lên rất rõ ràng: chúng ta phải xây dựng lại gia đình của chúng ta, chúng ta phải chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong chúng ta. Chúng ta không thể tìm được sự khuây khỏa ở những nẻo khác, nẻo tiêu thụ, nẻo giải trí, nẻo tà dâm vì nó chỉ làm cho những khổ đau ngày càng chồng chất mà thôi.
Các sinh hoạt thanh niên, cắm trại, trò chơi lớn đều có mục đích giáo dục, tưới tẩm những hạt giống tích cực trong tâm của người đoàn sinh. Vì vậy ta phải biết chọn lựa. Những trò chơi, bài hát, câu chuyện, cuốn phim nào mà có tác dụng tưới tẩm được những hạt giống tốt của thương yêu, hiểu biết, tha thứ, hy sinh thì chúng ta đều sử dụng hết, dù nó có mang danh Phật giáo hay không. Còn những ca khúc, câu chuyện, phim ảnh, bài hát mà tưới tẩm hạt giống sầu đau, bạo động, căm thù thì chúng ta không được sử dụng. Có những người nhân danh Phật tử, đạo pháp mà đưa ra những tư tưởng đầy căm thù, giận hờn, bạo động. Chúng ta không thể nào dùng được những tư liệu đó.
Tiêu thụ có ý thức
Đó gọi là tiêu thụ có ý thức, đó là đối tượng của giới thứ năm. Nhiều khi người ta không dùng chữ chánh niệm nhưng người ta có thực tập chánh niệm. Ví dụ bên Mỹ bây giờ, giới trí thức và giới trẻ rất ít ăn thịt và không ăn thịt mỡ vì họ ý thức được sự nguy hiểm của bệnh "high cholesterol". Nhưng người Việt mình vẫn còn thích ăn thịt mỡ, như trong truyền thống món thịt kho tàu của miền Bắc là món ăn kho thịt mỡ rất nhiều. Đôi khi người Mỹ không ăn thịt mỡ nhiều không hẳn là họ thực tập không sát sanh, chỉ vì trước hết là họ lo cho bản thân của họ, họ không muốn bị đứng tim. Cho nên giới trí thức, giới trẻ có học ăn thịt rất ít, chỉ có giới bình dân, ít học mới ăn thịt nhiều mà thôi. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, giới trí thức và tuổi trẻ ăn thịt rất nhiều, chỉ có giới nghèo là ăn thịt ít vì nghèo mà không có thịt để ăn nhiều thôi. Ở ngoại quốc giới trí thức cũng đã bớt uống rượu và nhất là bỏ thuốc lá. Cách đây mấy chục năm, ta không thể tưởng tượng được là bây giờ ta có thể đi vào những nhà hàng mà trong đó người ta cấm hút thuốc. Ngày xưa đi vào nhà hàng là ta ngửi thấy mùi thuốc lá rất ngộp. Ta cũng không hề tưởng tượng là có những chuyến bay "non-smoking", cấm hút thuốc như bây giờ. Bây giờ hãng máy bay nào mà không có những chuyến bay không hút thuốc lá thì sẽ ít khách. Đó là sự tiến bộ rất lớn, một sự giác ngộ. Ngày xưa rất khó tìm được đậu hũ trong các siêu thị ở Châu Âu và Châu Mỹ, người ta chỉ biết ăn thịt mà không biết ăn đậu hũ, trong khi đậu hũ có rất nhiều chất đạm và protein. Vậy mà bây giờ hầu hết các siêu thị của Mỹ đều có bán đậu hũ để thay thế cho thịt, đó là những tiến bộ của xã hội. Đứng về phương diện chánh niệm về tiêu thụ, có những cái thụt lùi và có những cái tiến bộ. Số người chết mỗi năm vì ung thư phổi rất nhiều, khiến cho người ta bừng tỉnh, thấy được sự tai hại của việc hút thuốc. Người Tây phương bây giờ hút thuốc rất ít nhưng đồng bào Việt Nam còn hút thuốc rất nhiều, nhất là những người vừa mới qua, họ hút thuốc như cái đầu tàu xe lửa. Người Mỹ đã đạt tới thành quả vẻ vang về chuyện hút thuốc, nên trên mỗi bao thuốc đều có ghi một câu là "Hãy cẩn thận, hút thuốc lá có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của mình". Mà luật bắt buộc phải in câu đó trên tất cả mỗi bao thuốc. Quý vị có biết là các hãng sản xuất thuốc lá rất giàu, họ tranh đấu vô cùng mãnh liệt, tung ra bao nhiêu là tiền để chống lại việc ra cái luật đó, nhưng cuối cùng nhân dân đã thắng, quần chúng đã thắng và đã có đạo luật bắt buộc phải để câu đó trên bao thuốc lá. Đó là một thắng lợi lớn của chánh niệm. Đó là tiếng chuông chánh niệm. Anh cứ hút thuốc đi và anh sẽ lãnh đủ. Nếu chúng ta thực tập chánh niệm, chúng ta sẽ có rất nhiều người đứng về phía liên minh của chúng ta.
Chúng ta phải làm sao để dán lên mỗi chai rượu cái câu mà đã được dán lên mỗi bao thuốc vì chai rượu nào cũng nguy hiểm hết, nó nguy hiểm tương đương với thuốc lá: hãy cẩn thận, rượu có thể giết người, có thể làm tan nát gia đình, có thể làm chia rẽ đời sống đôi lứa, có thể làm cho các con vất vưởng, mồ côi cha, mồ côi mẹ. Rượu có thể tàn phá xã hội này. Mỗi năm số người bị chết về tai nạn xe hơi do uống rượu rất nhiều, con số đó rất kinh khủng. Nhất là ở tiểu bang Texas, người chết vì rượu rất nhiều. Những đợt thống kê vừa rồi cho biết những đứa trẻ hiện bây giờ là nạn nhân của rượu rất lớn, nhiều hơn là ma túy nữa. Vì vậy chúng ta phải tranh đấu để có câu đó trên mỗi chai rượu, tranh đấu để người ta không thể mua rượu một cách dễ dàng và cuối cùng ta có thể loại rượu ra khỏi đời sống của người trẻ tuổi. Tuy nhiên rượu có nhiều khi được sử dụng một cách thông minh như rượu có thể dùng để ngâm thuốc, vì có những món thuốc Bắc cần phải ngâm rượu, cần phải sao, rồi tẩm thì thuốc mới có hiệu lực. Rượu có thể dùng cho thánh lễ, rượu có thể dùng vào mục đích khác. Ví dụ có những món ăn mà người ta sử dụng rượu để nấu ăn, mà khi nấu xong rồi thì chất rượu biến mất, chỉ còn mùi thơm của rượu thôi. Ở San Francisco có một tiệm ăn chay mà ở đó họ dùng rượu để kho nấm. Nấm mà kho có chút rượu trắng thì rất ngon, trong đó hoàn toàn không còn chất rượu nào. Người Cơ Đốc Giáo, người Do Thái Giáo, trong nghi lễ của họ có dùng tới rượu, nên trước khi lãnh thọ Năm Giới họ hỏi tôi: ‘Nếu chúng con thực tập theo giới thứ năm không uống rượu thì chúng con phản lại truyền thống thánh lễ của chúng con vì trong truyền thống thánh lễ nào cũng phải dùng rượu’. Tôi trả lời rằng: ta có thể khai giới được. Trong thánh lễ ta được dùng rượu nhưng ngoài thánh lễ thì một giọt rượu cũng không uống. Những người phát xuất từ truyền thống Do Thái giáo và truyền thống Cơ Đốc giáo đã chấp nhận điều đó và họ sống với hai truyền thống của họ một cách rất dễ dàng, rất thích hợp. Hiện nay ta thấy người gốc Cơ Đốc giáo thực tập đạo Bụt càng ngày càng đông vì họ không thấy có sự chống đối giữa đạo gốc của họ và nền văn minh tâm linh của đạo Bụt. Điều này rất hay. Thay vì cái cây có một gốc rễ thì có hai gốc rễ sẽ càng thêm tốt thêm tươi. Thành ra chuyện mà một người con trai đạo Chúa cưới một người con gái đạo Bụt cũng được, với điều kiện là cả hai người đều thực tập cả hai truyền thống, cũng như sau này khi những đứa con sinh ra đều được thực tập cả hai truyền thống, khỏi có những khổ đau da diết, những phân biệt, kỳ thị, chia cắt như là trong quá khứ. Trong quá khứ thì hai bên đều chống đối nhau: bên Thiên Chúa cũng chống đối mà bên theo Phật giáo cũng chống đối. Bây giờ ta mở ra một nẻo thoát. Giống như ăn xoài vậy. Ta thấy ăn xoài rất ngon nên ta chỉ trung thành với xoài thôi, ta không chịu ăn kiwi là vì ta hẹp hòi, chứ kiwi cũng ngon lắm. Ta có thể thưởng thức cả hai thứ, vừa xoài vừa kiwi, chứ tại sao lại nhất định không ăn kiwi? Trong đạo Phật có những cái hay và trong đạo Chúa cũng có những cái hay, vậy tại sao ta không biết lợi dụng, sử dụng hết những cái hay của cả hai truyền thống? Mở ra được điều đó thì cởi trói cho rất nhiều người. Anh là người Cơ Đốc giáo, anh cưới em là người đạo Bụt thì anh hứa mỗi ngày rằm, ngày mồng một anh sẽ đi chùa với em, anh sẽ nghe pháp thoại, anh sẽ thực tập Năm Giới. Em là người theo đạo Bụt nhưng em yêu anh, em đi nhà thờ với anh mỗi sáng chủ nhật và chúng ta sẽ học hỏi về mười điều răn bên đạo Chúa. Chúng ta giữ cả hai truyền thống, một bên mười điều răn, một bên Năm Giới và giữa hai truyền thống cũng có những điều rất tương đồng, hai cái sẽ bổ túc cho nhau và mỗi người chúng ta đều có hai gốc rễ. Rồi khi những đứa con chúng ta ra đời, chúng ta cho nó thương mến cả hai thứ gốc rễ và giữa hai đạo không có sự chống báng, chiến tranh với nhau nữa, đó là tương lai rất tốt đẹp.
Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm
Nhận diện khổ đau có mặt
Giáo lý căn bản của Đức Thế Tôn là giáo lý Tứ Diệu Đế, Tứ Thánh Đế, hay còn gọi là Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm (The Four Noble Truths). Sự thật thứ nhất là khổ đau. Khổ đau là một sự thật mà ta phải nhận diện. Chúng ta không thể bịt mắt lại và giả bộ như đau khổ không có mặt. Nếu trong gia đình ta không có hạnh phúc, không có hòa điệu, không có niềm vui, nghĩa là trong gia đình ta có khổ đau thì ta phải can đảm công nhận điều đó. Không có hạnh phúc giữa cha và mẹ, không có hạnh phúc giữa cha mẹ và con cái là có khổ đau. Ta phải thẳng thắn và can đảm công nhận rằng khổ đau đang có mặt trong gia đình ta và trong mỗi thành viên của gia đình. Đó là sự thực tập về Khổ đế, sự thực tập nhận diện khổ đau và xác nhận rằng khổ đau có thật. Có những người khổ đau mà không biết rằng mình đang khổ đau. Những người đó còn mê, chưa tỉnh. Khi chúng ta nhận diện được và chấp nhận có khổ đau trong ta, có khổ đau trong gia đình ta là chúng ta bắt đầu tỉnh dậy. Nhận thức được sự thật thứ nhất là đã có sự giác ngộ rồi. Bụt là người giác ngộ, người tỉnh thức. Chữ "Bụt" có nghĩa là người thức dậy, là tỉnh thức, là biết rõ. Cho nên thực tập sự thật cao quý đầu tiên là công nhận rằng có những khổ đau đang có mặt trong ta và trong phạm vi gia đình của ta. Khi có khổ đau trong gia đình, người cha phải ý thức rằng có sự khổ đau, người mẹ phải công nhận rằng có sự khổ đau, những người con phải nói rằng có sự khổ đau. Đó là điều kiện tiên quyết của sự thực tập.
Tại sao khổ đau được gọi là một sự thật mầu nhiệm mà tiếng Anh dịch là "holy truth" hay là "noble truth"? Khổ đau có gì là mầu nhiệm, có gì là "holy" đâu? Theo giáo lý của Đức Thế Tôn, khổ đau là một sự thật mầu nhiệm mà ta có thể gọi là Thánh đế tại vì nếu ta biết nhìn vào trong chiều sâu của khổ đau thì ta có thể tìm ra con đường thoát khổ, tức là sự thật thứ tư.
Sự thật thứ tư là Đạo đế. Đạo là con đường. Nhưng ta sẽ không bao giờ thấy được sự thật thứ tư nếu ta không nhìn vào sự thật thứ nhất một cách sâu sắc. Vì vậy cho nên sự thật thứ nhất, Khổ đế, là một thánh đế, là một sự thật mầu nhiệm. Nếu chúng ta chạy trốn khổ đau thì chúng ta không có cách gì có thể tìm được sự thật thứ tư là con đường thoát khổ. Cho nên hành động đầu tiên là phải trở về và đối diện khổ đau. Công nhận rằng khổ đau có mặt và nhìn sâu vào bản chất của nó để tìm ra sự thật thứ tư là con đường thoát khổ.
Đây là bốn sự thật mầu nhiệm:
• Khổ đau
• Bản chất của khổ đau, nguyên do của khổ đau
• Sự vắng mặt của khổ đau
• Con đường thoát khổ
Gọi tên nó ra
Khổ (tiếng Phạn là dukkha) và con đường thoát khổ (tiếng Phạn là marga) liên hệ với nhau rất chặt chẽ. Nếu không nhìn sâu sắc vào sự thật thứ nhất thì không bao giờ thấy được sự thật thứ tư. Cho nên trốn tránh khổ đau, giả bộ như khổ đau không có mặt là một lỗi lầm rất lớn. Ta phải trở về với gia đình của ta. Ta phải công nhận rằng có những khổ đau trong gia đình ta. Ta phải gọi tên những khổ đau đó ra. Ta có thể gọi nó là bất hòa, tức là thiếu sự hòa thuận. Bản chất của bất hòa là chia rẽ, không có sự đoàn kết. Giữa cha với mẹ có sự chia rẽ, không có sự hợp nhất. Giữa cha với con, giữa mẹ với con có sự chia rẽ, không có sự đoàn kết, không có sự hòa điệu, có những điều chống đối. Chúng ta phải gọi đúng tên của nó thì mới hiểu được nội dung của cái khổ. Ngoài sự bất hòa ra ta thấy còn điều gì nữa? Ta thấy còn có sự hờn giận giữa cha và mẹ, giữa cha mẹ và con cái. Bất hòa, hờn giận, và ta thấy được sự bế tắc. Có những bất hòa, có những hờn giận, có những khổ đau nhưng không ai biết làm sao để thoát ra được. Vì vậy cho nên có hiện tượng bế tắc: bế tắc giữa cha mẹ với nhau, bế tắc giữa cha mẹ với con cái. Và sự hờn giận, bất hòa, bế tắc đó dẫn tới sự tan rã của một gia đình.
Bản chất của khổ đau
Như một người y sĩ, ta phải nhận diện được bệnh và những triệu chứng của bệnh. Bệnh này gọi là khổ đau, và triệu chứng rõ ràng của bệnh là sự chia rẽ, sự bất hòa, sự hờn giận, sự bế tắc, sự tan rã.
Vậy thì, sự thật thứ hai là đi tìm và nhận diện những nguyên do nào đã đưa tới tình trạng trên. Sự thật thứ hai chính là bản chất của khổ đau, là nguyên do của khổ đau. Danh từ chuyên môn là Tập đế. Đế là sự thật. Tập là lý do, nguyên do, duyên cớ tại sao mà có điều đó. Tại sao mà có nỗi khổ đau đó, có sự bất hòa đó, có sự tan rã và hờn giận đó? Chữ Tập hơi khó hiểu. Nếu chúng ta dùng từ Việt thuần túy thì Tập là nguyên do của khổ đau. Tiếng Anh là "the making of suffering, how suffering has been made".
Hạnh phúc có thể có mặt
Sự thật thứ ba là khổ đau có thể chuyển hóa được, nghĩa là hạnh phúc có thể có mặt để thay thế cho khổ đau, đó là Diệt đế, sự vắng mặt của khổ đau. Nếu sự thật thứ nhất là khổ đau có mặt thì sự thật thứ ba là khổ đau vắng mặt. Ở xã hội này con người không dám trở về để đối diện với niềm đau nỗi khổ của mình để chuyển hóa nó. Trong xã hội này con người sợ đối diện với chính mình. Ta rất cô đơn. Ta không tiếp xúc được, không thông cảm được và hiểu được người bên cạnh. Ta không hiểu được anh, được chị, được em, được cha mẹ. Ta đi ra ngoài kiếm những sự khuây khỏa, những cuộc giải trí, những chuyện ăn uống để quên đi những nỗi khổ đau đang có mặt trong lòng. Ban ngày thì ta đè nén những khổ đau đó xuống, nhưng ban đêm nó có thể trồi lên và biểu hiện thành những giấc mộng kinh hoàng. Thức dậy nhớ lại ta vẫn còn sợ hãi vì ban đêm có thể là khoảng thời gian khó khăn nhất của ta. Nên có rất nhiều người sau một thời gian thì trở thành người bệnh. Có người bị cô lập hóa. Có người không tiếp xúc và truyền thông được với những người khác. Trong gia đình tình trạng cũng như vậy. Không phải là ta không thương cha, không thương mẹ hay anh hay chị nhưng mà ta có nhiều nỗi khổ niềm đau quá. Và anh ta, chị ta cũng có nỗi khổ niềm đau nhiều quá. Chính cha ta, mẹ ta cũng có nhiều khổ đau quá thành ra chúng ta không ngồi lại với nhau được, không thông cảm với nhau được. Chúng ta không mở được con đường thông cảm trong gia đình chúng ta. Mỗi người tìm cách riêng để khuây khỏa, phủ lấp những khổ đau ở trong lòng mình. Đó là một bi kịch. Bi kịch này xảy ra trong rất nhiều gia đình của xã hội hiện tại. Tìm cách khỏa lấp niềm đau bằng những trò giải trí, bằng những cuộc tiêu khiển, bằng sự ăn uống, đó là đặc tính của nền văn minh hiện đại.
Trong khi đó thì Đức Thế Tôn dạy ta: "Con phải ngưng chuyện giải trí. Con phải tìm cách trở về. Con phải nhận diện rằng có những khổ đau hiện thực ở trong lòng con và trong gia đình con. Con phải gọi tên những khổ đau đó và con phải đi tìm những phương pháp tu tập để chuyển hóa những khổ đau đó".
Ái ngữ và Lắng nghe
Chúng ta làm thế nào để thực tập được những lời của Đức Thế Tôn dạy? Đó là đối tượng của khóa tu này. Chúng ta phải học, chúng ta phải tìm cách. Tại vì người anh, người chị, hay người em của chúng ta cũng đang lâm vào tình trạng này, có rất nhiều bực tức, nhiều sự thối chí, nhiều tủi hờn, nhiều giận dữ cho đến nỗi mỗi khi nói ra thì lời nói của mình có đầy sự chua cay, sự giận dữ, sự bực tức. Cho nên người kia không dám nghe. Vì có khổ đau nhiều quá nên chúng ta không thực tập được hai điều mà Đức Thế Tôn dạy. Điều thứ nhất là lắng nghe, điều thứ hai là ái ngữ. Muốn thiết lập truyền thông giữa anh chị em với nhau, muốn thiết lập truyền thông giữa ta và cha mẹ thì ta phải biết sử dụng hai phương pháp này. Khi nói ta phải nói những lời ôn tồn, nhẹ nhàng. Khi nghe thì ta phải nghe bằng trái tim của sự thương yêu. Hình như bây giờ chúng ta đã đánh mất khả năng lắng nghe, và khi mới nghe có một, hai câu thì ta đã đùng đùng nổi giận. Cha mẹ nghe con không được, mà con cũng không lắng nghe cha mẹ được. Tại vì mỗi khi nói ra thì ta không có khả năng nói ôn tồn và dùng lời ái ngữ. Trong ngôn từ của chúng ta có chất liệu của sự hờn tủi, có chất liệu của sự trách móc, có tính cách chua chát, buộc tội, cho nên người kia không có khả năng lắng nghe được ta. Mà khi người kia không lắng nghe được ta thì ta có cảm tưởng bị cô lập hóa (isolated) hoàn toàn. Vì vậy nỗi khổ ngày càng lớn vì sự truyền thông giữa hai người đã trở thành rất khó khăn. Ta đâu có muốn nói những lời cay chua, trách móc, buộc tội đâu. Ta biết nói những lời như vậy thì người kia sẽ không ngồi nghe được và sẽ bỏ chạy. Nhưng mỗi khi ta nói thì những nỗi khổ niềm đau cứ tuôn ra và tự nhiên lời nói ta mang tính cách chua chát, trách móc, buộc tội, lên án.
Có những gia đình mà khi người cha nói thì toàn là giọng trách móc, chua chát, giận hờn, buồn tủi, buộc tội. Thành ra người mẹ không dám nghe và những người con cũng không dám nghe. Càng nghe họ càng khổ, cho nên ai cũng tìm cách trốn. Người cha có cảm tưởng là mình bị mọi người tẩy chay nên rất khổ. Người cha khổ vì người cha chưa học được phương pháp nói gọi là ái ngữ, tức là nói với sự ôn tồn, hòa nhã, với sự thương yêu. Chúng ta đã mất khả năng đó. Chúng ta đâu có muốn tẩy chay cha của ta. Chúng ta thấy ông rất khổ. Chúng ta muốn làm cái gì đó để giúp cho ông bớt khổ. Nhưng ta không biết rằng mỗi lần ta nghĩ bây giờ mình phải tới ngồi gần cha, lắng nghe cha để cha bớt khổ, để cha có dịp nói ra hết những gì đau khổ trong lòng thì kết quả ngược lại. Ta có rất nhiều thiện chí và thương yêu. Ta tới ngồi gần cha, ta nói: "Ba ơi, ba có những khổ đau gì thì ba nói cho con nghe đi, con sẵn sàng nghe." Nhưng mà khi cha ta bắt đầu nói thì từ từ những bực bội, những chua chát, lên án, giận hờn đi ra theo lời nói. Và ta chưa có đủ khả năng để chấp nhận những thứ đó cho nên sau 10 phút, 15 phút là ta bỏ chạy liền. Bởi vì trong khi nghe như vậy, những hạt giống khổ đau trong ta bị tưới tẩm, nó ùn ùn nổi lên làm cho ta khổ và làm cho ta có khuynh hướng muốn trả đũa trở lại, muốn chua chát, buộc tội trở lại: "Ba nói con như vậy, nhưng kỳ thực ba cũng như vậy. Ba cũng rất là tệ với con". Ta cũng có thể nói những câu như thế. Cho nên giữa hai cha con sự truyền thông trở thành khó khăn.
Giữa mẹ và cha có thể cũng có tình trạng đó xảy ra vì trong người mẹ cũng có những điều không vui, những uất ức, khổ đau, đè nén, tủi hờn. Và không ai có thể ngồi lắng nghe người kia hơn năm phút, bảy phút mà không bỏ chạy vì trong khi nghe thì những hạt giống khổ đau trong mình bị tưới tẩm làm mình không chịu nổi. Trong chúng ta, chưa có ai được học phương pháp nói để tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc và tình thương nơi người kia. Nên bây giờ chúng ta phải học. Và chúng ta phải học trong khi nói năng để đừng tưới tẩm hạt giống khổ đau, hận thù của người đối diện. Tất cả những điều đó đã được dạy trong kinh điển rất rõ ràng. Nếu chúng ta biết thực tập một ngày, hai ngày, ba ngày thì tình trạng gia đình có thể thay đổi rồi. Phải có thực tập thì mới thành công được, chứ không phải chúng ta biết cần làm như vậy là ta có thể làm được liền đâu. Ví dụ như ta thấy người ta đánh quần vợt (tennis). Thấy thì dễ ợt. Nhưng nếu chưa học đánh mà vô sân, cầm vợt với trái banh thì ta đánh tùm lum không ra gì hết. Đừng tưởng là dễ. Muốn có thể lắng nghe được cha mình, mẹ mình, hay là con mình thì ta phải thực tập một thời gian: một ngày, năm ngày, bảy ngày, ở trong một môi trường thuận tiện. Có khi phải thực tập cả tháng mới làm được. Mà khi đã làm được rồi, thì ta mới có thể giải cứu được gia đình của mình. Ví dụ ở đây có một gia đình đang đau khổ, nơi kia cũng có một gia đình nọ đang đau khổ. Và ở đây thì mình có Gia Đình Phật Tử. Vậy Gia Đình Phật Tử đó có thể can thiệp vào như thế nào để cho những gia đình kia bớt khổ? Đó là cái mà Gia Đình Phật Tử phải học. Vì Gia Đình Phật Tử cũng là một gia đình, trong Gia Đình Phật Tử cũng có những khổ đau giống hệt như trong những gia đình thường ở ngoài đời.
Ta phải làm cho ta
Ta đã làm cho người kia, và ta phải làm cho ta. Nhiều khi ta tự tưới những hạt giống xấu của mình mà không biết cách tưới những hạt giống tốt trong ta. Khi quý vị tới dự khóa tu này là quý vị có phước vì ở đây tôi cũng như các thầy, các sư cô sẽ không tưới những hạt giống xấu của quý vị. Tới đây chúng ta chỉ tưới cho nhau những hạt giống tích cực mà thôi. Những hạt giống của bồ đề tâm, của thương yêu, tha thứ, giác ngộ, từ bi, giải thoát được tưới tẩm bằng những bài pháp thoại, bài kinh tụng, bài thiền ca. Hồi nãy chúng ta hát với nhau một giờ đồng hồ, quý vị có biết hát như vậy là để tưới tẩm những hạt giống bồ đề, hạt giống tu tập của chúng ta không? Hát như vậy không phải là để chơi đâu. Cùng niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quan Thế Âm trong hai mươi phút, cùng hát bài "Mười Nguyện Phổ Hiền" trong một giờ đồng hồ là để tưới tẩm những hạt giống tốt. Bởi vậy các thầy, các sư cô ở trong chùa rất may mắn vì ngày nào cũng được tưới những hạt giống tốt lành. Hạt giống xấu không bị tưới vì các thầy, các sư cô đều phải thực tập giới thứ tư là không sử dụng ngôn từ và hành động của mình để tưới những hạt giống xấu của những người khác. Các thầy, các sư cô ở trong một gia đình gọi là gia đình người xuất gia. Ta có gia đình của ta và ở trong gia đình mình cũng có thể tu tập như ở trong tu viện vậy. Chúng ta phải cam kết với nhau. Chúng ta phải có một buổi đại hội gia đình. Chúng ta nói bây giờ ta đã thấy được sự thật thứ nhất rồi và ta nhất định sẽ thực tập sự thật thứ tư.
"Em xin cam kết với anh", đó là lời người vợ, "từ nay trở về sau em sẽ cẩn thận, em sẽ không tưới tẩm những hạt giống giận hờn, bực bội, cáu kỉnh nơi anh nữa. Nhưng mà anh phải giúp em, anh cũng đừng nên tưới tẩm những hạt giống giận hờn, bực bội, cáu kỉnh ở nơi em." Hai người cùng ký chung một hòa ước tu tập. Giữa cha con cũng vậy. Hai cha con đã từng làm khổ nhau rồi. Người cha đã nói nặng lời với con. Ban đầu con, vì là con, nên không dám nói lại. Nhưng nếu mà cha cứ tiếp tục nói những câu buộc tội, chê trách, mắng nhiếc, thì một hồi, những hạt giống bực bội nơi con sẽ lớn lên. Rồi một ngày nào đó con sẽ nói lại. Hoặc nếu nói lại, con sợ bất hiếu thì nó bỏ đi. Ta sẽ mất con. Thành ra cả cha và con đều khổ cả. Cho nên hai cha con phải ngồi lại với nhau, phải công nhận rằng có sự thật thứ nhất là đau khổ trong con và trong cha. Có sự thật đau khổ trong liên hệ giữa hai cha con. Đó là "sự thật thứ nhất" mà ta phải công nhận. Ngồi với nhau, cha có thể nói với con như thế này: "Con ơi, giữa cha và con không có sự hòa thuận, không có sự hiểu biết lẫn nhau, không có hạnh phúc". Ta phải công nhận điều đó. "Chính vì vậy hai cha con mình phải theo lời Đức Thế Tôn, phải theo lời Thầy, phải thực tập. Từ bây giờ cha hứa với con là cha sẽ không dùng ngôn ngữ hằn học, lên án, mắng nhiếc, và tưới tẩm những hạt giống đau khổ của con nữa. Nhưng mà con cũng phải giúp cha mới được. Con cũng đừng làm cho cha bực. Con đừng tưới tẩm những hạt giống bực bội của cha bằng cách hành xử này và bằng cách hành xử kia." Hai cha con phải ngồi lại với nhau, như trong một bàn hội nghị vậy. Và phải đi tới một hòa ước với nhau về vấn đề tưới tẩm. Ta chỉ tưới hoa mà không tưới rác. Ở Làng Mai chúng tôi gọi là "sự tưới tẩm có chọn lựa" (selective watering), tức là ta chỉ tưới những cái tích cực thôi, không tưới những cái tiêu cực. Hai cha con phải đi tới chỗ đó. Và hai anh em cũng phải đi tới chỗ đó. Phải cứu khổ như là cứu nhà cháy mới được. Đừng có để lục bình trôi riu ríu mỗi ngày. Phải can thiệp vào lập tức ở trong gia đình huyết thống của mình.
Phải can thiệp lập tức
Trong gia đình tâm linh, tức là Gia Đình Phật Tử, các vị Huynh Trưởng và đoàn sinh cũng phải làm như vậy nếu có khổ đau, nếu thiếu sự truyền thông, nếu có những hiện tượng bực bội, giận hờn, tan rã, thì ta phải can thiệp vào lập tức. Đừng để cho tình trạng đó kéo dài từ tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác. Phương pháp Đức Thế Tôn đưa ra rất rõ rệt. Ta phải thấy được sự thật rằng hàng ngày ta vẫn tìm cách che lấp khổ đau. Ta rất cô đơn. Đối với vợ, ta truyền thông rất khó. Đối với những đứa con, ta cũng truyền thông không được. Cho nên ta rất cô đơn. Ta đi tìm khuây khỏa trong những trò giải trí: một cuốn băng Thúy Nga, một bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ. Những giải trí ở ngoài đời, thị trường cung cấp nhiều lắm. Nào là phim ảnh, tiểu thuyết, tạp chí, v.v... Có rất nhiều thứ để cho ta tiêu thụ. Các nhà thương mại biết rằng người nào cũng đau khổ cực kỳ, vì vậy cho nên họ bán cái này cái kia để người ta mua về khỏa lấp những đau khổ. Họ làm giàu được vì họ biết điểm yếu của con người là bị khổ mà không diệt được khổ, rồi tìm cách đi mua những phương tiện giải trí đó để khỏa lấp. Họ đang lợi dụng ta. Quan trọng hơn nữa, trong khi ta tiêu thụ những sản phẩm đó thì ta tiếp tục làm cho lớn lên những hạt giống khổ đau ở trong mình tại vì những sản phẩm mà ta đang tiêu thụ đó có rất nhiều độc tố. Thí dụ như khi em bé coi một giờ Ti-vi. Trong một giờ coi Ti-vi đó có rất nhiều bạo động, sợ hãi và căm thù đi vào người em bé. Quý vị có nhớ câu chuyện về một người đem súng vào bắn giết học sinh trong trường không? Tại vì người đó đã tiêu thụ, đã giải trí bằng những phương tiện rất độc hại. Họ đã đem vào người những phim ảnh, tiểu thuyết, trò chơi, câu chuyện đầy những bạo động và hận thù. Và khi hận thù, bạo động bị chất chứa nhiều quá trong người thì tìm cách phát ra ngoài, nên khi có súng, thấy trong lòng bực bội thì bắn ra thôi. Cho nên chúng ta phải cẩn thận lắm trong sự tiêu thụ những sản phẩm gọi là giải trí. Những sản phẩm đó chỉ có thể khỏa lấp được trong chốc lát những khổ đau, giúp ta tìm quên được trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng lại tiếp tục đưa vào người ta những độc tố và làm lớn lên những khổ đau, những nỗi khổ trong ta cũng như sự bạo động, hận thù, kỳ thị. Hận thù là độc tố. Tham dục cũng là độc tố. Vướng mắc, mê đắm cũng là độc tố. Ngu si cũng là độc tố. Cho nên Bụt dạy rằng Tham, Sân, Si là tam độc. Mà nào có phải chỉ có tam độc thôi đâu, còn có tứ độc, ngũ độc, v.v... rất nhiều.
Phương thuốc trị liệu: Tứ Diệu Đế
Trong đời sống hàng ngày, vì không tu tập chánh niệm nên ta tiếp tục đưa những độc tố vào cơ thể và vào tâm hồn. Cơ thể ta không được mạnh khỏe, nó đã yếu đau rồi mà ta lại ăn vào những thức làm hại thêm, mang thêm độc tố vào cơ thể cũng như vào tâm hồn. Đó là tình trạng của xã hội hiện giờ. Con người rất cô đơn. Và để quên đi sự cô đơn đó, con người phải đi tìm những sự giải trí trong đó có sự ăn uống và xem phim ảnh. Trong khi đi tìm sự quên lãng như vậy thì ta tự làm cho những độc tố trong ta càng ngày càng lớn. Tham, giận, kiêu căng, si mê, lầm lạc, đó đều là độc tố hết. Và Đức Thế Tôn đã gọi đúng tên của nó là tam độc. Hiện nay người trẻ, và cả những người không được trẻ lắm, đều đang mỗi ngày tự đầu độc mình hết.
Ở trong Gia Đình Phật Tử có dạy cho các em phương pháp để tự chấm dứt đầu độc mình không? Có nhiều em mỗi ngày ngồi coi Ti-vi ba, bốn tiếng đồng hồ. Và ba, bốn giờ coi Ti-vi đó đưa vào người các em rất nhiều độc tố. Một năm có bao nhiêu ngày các em làm vậy? Mà mỗi ngày coi ba tiếng thì chắc là chết. Bạo động, căm thù, sợ hãi là những chất liệu được các em nuốt vào mỗi ngày ở trong tâm thức của chúng. Mà người lớn cũng làm như vậy. Tại vì người lớn cũng cô đơn. Người lớn cũng đau khổ, và cũng đi tìm sự khuây khỏa.
Đức Thế Tôn là một nhà y sĩ đại tài. Ngài bắt mạch chúng sanh và đưa ra một phương pháp trị liệu. Đó là Tứ Diệu Đế, bốn sự thật mầu nhiệm. Chúng ta cứ theo bài thuốc đó mà thực tập thì thế nào cũng lành bệnh. Vì vậy ta hứa với người thương của ta rằng ta sẽ không tưới tẩm những hạt giống bạo động, căm thù, giận hờn và sợ hãi trong người đó. Ta cũng nói thêm rằng: "Em không tưới những hạt giống xấu cho anh, nhưng anh cũng đừng tự tưới nhé". Phải nói như vậy mới được. Em không tưới rồi nhưng mà nếu anh tự tưới thì em cũng chịu thôi. Anh cứ đi tìm những sự giải trí đó thì chính anh cũng bị đầu độc. Cả hai người, ai cũng cô đơn cả, ai cũng đi tìm sự khỏa lấp. Nên người này đi tìm sự giải trí này thì người kia đi tìm sự giải trí kia, gọi là ông ăn chả thì bà ăn nem. Rồi các con cũng vậy. Mỗi đứa đi tìm sự khuây khỏa riêng của nó. Và nó cứ tưởng đó là hạnh phúc, nhưng không phải vậy. Hạnh phúc là khi mà cha mẹ con cái ngồi được với nhau và mỉm cười, hiểu được nhau, thương được nhau. Đó là chuyện có thể làm được.
Tại Làng Mai chúng tôi có tới cả trăm người xuất gia, đó là một gia đình rất lớn. Nhờ có tu, có phương pháp để thực tập nên chúng tôi có thể sống với nhau hòa thuận và hạnh phúc. Các thầy và các sư cô cho tôi rất nhiều hạnh phúc vì nhờ họ có thực tập theo lời Đức Thế Tôn dạy. Trong gia đình của ta chỉ có ba hay năm người, tại sao ta không thể thành công được? Nếu tin vào giáo pháp của Đức Thế Tôn thì ta có thể thực tập được những điều mà Đức Thế Tôn dạy. Tôi xin nhắc lại là ta hứa đừng tưới những hạt giống tiêu cực của người kia và xin người kia đừng tưới những hạt giống tiêu cực của mình. Ta hứa rằng ta sẽ không tưới những hạt giống tiêu cực của người kia và ta không tự tưới những hạt giống đó trong cách tiêu thụ của ta. Ta xin người kia cũng nên giữ gìn thân tâm họ bằng cách đừng tự tưới những hạt giống tiêu cực ở họ. Và khi thấy thì ta phải nhắc nhau. Ta nói: "Anh ơi, anh nhắc em đi. Em biết rằng em không muốn tự tưới những hạt giống sầu khổ bực bội trong em. Nếu mà có khi em quên thì anh hãy nhắc em...". Chuyện này xảy ra thường lắm. Ta biết rằng ta không muốn nói, không nên nói những câu chuyện đó vì càng nói càng bực. Vậy mà ta cứ nói. Nên khi nghe hỏi: "Em, em đang làm gì vậy? Có phải em đang tưới những hạt giống bực bội ở trong em không?" Thì ta nhớ. Ta cám ơn. Và ta không nói nữa. Có những câu chuyện đâu cần thiết để nói mà tại sao ta phải nói? Những câu chuyện ngoài đời vậy thôi, không có dính gì đến ta nhiều, nhưng tại vì sẵn bực tức nên ta nói. Mà càng nói thì sự bực tức của ta càng lên. Giống như ta trồng ngò, trồng rau, hay trồng cải vậy đó. Càng tưới thì càng lên. Mà ở đây không phải là ngò hay rau cải. Đây là sự bực bội, giận hờn và bất mãn. Không những vô tuyến truyền hình, sách báo, phim ảnh tưới tẩm mà chính những câu chuyện ta nói hàng ngày cũng có tác dụng tưới tẩm độc tố trong ta. Cho nên trong câu chuyện nói với nhau, ta phải rất cẩn thận.
Thiết thực hiện tại
Giáo pháp của Đức Thế Tôn có ba đặc tính.
Đặc tính thứ nhất là "thiết thực hiện tại", tiếng Phạn là "samdrstika". Drsti tức là thấy, thấy ngay trước mắt, hiện tại. ‘Thiết thực hiện tại’ nghĩa là giáo pháp của Đức Thế Tôn không hứa hẹn một hạnh phúc trong tương lai. Giáo lý của Đức Thế Tôn xử lý những vấn đề có thật trong giây phút hiện tại. Tức là trong hiện tại chúng ta có những khó khăn nào, có những khổ đau nào, có những cái kẹt nào thì giáo lý của Đức Thế Tôn là nhắm tới những cái khó khăn đó trong giây phút hiện tại chứ không phải hứa hẹn rằng: "Các con cứ tu đi rồi sau này các con sẽ được thế này thế khác". Điều đó rất thực tế, cái đó gọi là "samdrstika", tiếng Pali là Samditthika. Vậy thì chúng ta có những vấn đề gì ở trong gia đình, trong học đường, trong đoàn thể? Chúng ta phải đặt những vấn đề đó lên bàn và chúng ta cùng nhìn sâu. Chúng ta đang khổ đau về vấn đề chia rẽ, chúng ta đang khổ đau về vấn đề cha mẹ với con cái không truyền thông được với nhau, chúng ta đang khổ đau vì người này không hiểu người kia, vì người kia ép buộc người nọ phải theo ý kiến của mình. Tất cả những khổ đau đó phải được gọi tên ra. Và sau khi gọi tên chúng rồi thì chúng ta phải quán chiếu để thấy rõ ràng những nguyên do nào đã đưa tới những khổ đau đó, tức là khổ đế. Nhìn vào khổ đế thì thấy được bản chất của khổ đế, tức là tập đế. Sự thật thứ nhất là những khổ đau đang thực sự có mặt và sự thật thứ hai là những nguyên do gần xa đã đưa tới sự đau khổ đó. Đó là "tập đế". Người Huynh Trưởng phải ngồi xuống một mình để quán chiếu. Người Huynh Trưởng phải ngồi xuống với những người Huynh Trưởng khác để cùng quán chiếu. Người Huynh Trưởng phải ngồi xuống với các em để quán chiếu, để nhận diện những khổ đau có thật, để nhìn vào trong lòng khổ đau đó mà tìm ra những bản chất, những nguyên do gần xa của khổ đau đó. Đó gọi là sự thực tập. Và khi tìm ra được con đường rồi thì đó gọi là đạo đế, tức là sự thật thứ tư. Sự thật thứ ba là những đau khổ này có thể chấm dứt được, có thể chuyển hóa được, gọi là diệt đế. "Diệt" tức là diệt khổ. Rất đơn giản. Tôi xin được nhắc lại sự thật thứ nhất là những khổ đau hiện thực đang có. Sự thật thứ hai là những nguyên nhân gần xa đưa tới sự thật đó. Sự thật thứ ba là những đau khổ này có thể chấm dứt được và sự thật thứ tư là có con đường đưa tới sự diệt khổ và đem lại an lạc. Đó là nguyên tắc "tứ diệu đế". Vì vậy cho nên đặc tính thứ nhất của giáo lý, của "dharma" là "thiết thực hiện tại", "samdrstika".
Vượt thoát thời gian
Đặc tính thứ hai của giáo pháp là "bất quản thời nhật", là vượt thoát thời gian, tiếng Phạn là "akalika". Tức là phương pháp của Đức Thế Tôn đưa ra, những pháp môn mà Đức Thế Tôn đưa ra để ta thực tập, ta không cần phải thực tập tám năm hay mười năm mới có kết quả. Nó không phải là vấn đề thời gian. Giờ phút mà ta bắt đầu nắm lấy giáo pháp để thực tập thì bắt đầu có hiệu quả liền lập tức, gọi là vượt thoát thời gian. Ví dụ như quý vị thực tập bài hồi nãy: "Tôi đang thở vào và có ý thức về khuôn mặt của tôi. Tôi đang thở ra và mỉm cười với khuôn mặt của tôi", thì tự nhiên quý vị có sự buông thư liền lập tức, có hiệu quả liền lập tức, có kết quả tức thời. Cũng như khi đi thiền hành, không biết đi thiền hành thì thôi, nhưng mà nếu có bạn, có thầy đã chỉ cho ta cách đi thiền hành rồi thì khi bước bước thứ nhất, bước thứ hai thì ta đã có sự đổi mới ở trong thân và trong tâm liền lập tức. Quý vị có biết rằng cái mà ta gọi là "hiện pháp", ta gọi là "thân tâm nhất như"- the oneness of body and mind - đó là cái kết quả của sự tu học. Mà chỉ cần thở vào một hơi, thở ra một hơi trong ý thức là có thể đạt tới kết quả đó liền, tức là "thân tâm nhất như". Ban đầu thì tâm một nẻo, thân một nẻo, ta ở trong thất niệm. Mà khi nghe tiếng chuông là ta bắt đầu theo dõi hơi thở: "Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười", thân tâm trở lại hợp nhất và ta thật sự có mặt. Đâu cần tám năm mới làm được chuyện đó, chỉ cần vài giây đồng hồ thôi. Giáo pháp của Đức Thế Tôn có hiệu quả ngay từ khi chúng ta bắt đầu thực tập. Và nếu chúng ta tiếp tục thực tập thì hiệu quả càng tăng tiến theo thời gian. Cái đó gọi là "vượt thoát thời gian". Bắt đầu thực tập là bắt đầu có kết quả mà càng thực tập thì kết quả càng lớn. Còn nếu mà người ta dạy cho ta một pháp môn mà ta tu ba, bốn, năm năm chẳng thấy động tĩnh gì hết thì ta biết rằng pháp môn đó không đúng, không thích hợp. Cũng như một người nông phu biết rằng thứ phân bón này tuy tốt nhưng nếu bỏ vào lúa thì lúa chết mà cứ tiếp tục dùng loại phân bón đó năm này sang năm khác thì người nông phu đó không phải là một người nông phu thông minh. Phải bỏ liền để đi tìm một thứ phân bón khác thích hợp hơn. Chúng ta cũng vậy, khi được trao truyền một pháp môn mà ta thực tập không có hiệu quả thì ta phải trở về hỏi thầy, hỏi bạn để kiểm chứng lại coi thử là điều mà ta học đó có đúng hay không. Chứ ta không dại dột gì cứ tiếp tục thực tập như vậy hoài mà không có kết quả gì cả trong suốt mười, hai mươi năm tu hành.
Điều này ta có thể chứng nghiệm được. Nếu quý vị về Làng Mai, nếu quý vị có thể tham dự những khóa tu thì quý vị thấy rằng có nhiều người chỉ mới tham dự một khóa tu năm ngày thôi mà đã có sự chuyển hóa ở trong thân tâm, gia đình làm hòa lại với nhau, khôi phục lại được hạnh phúc mà họ đã mất từ hai ba năm về trước. Vì vậy cho nên giáo pháp của Đức Thế Tôn có hiệu quả liền lập tức khi mà ta bắt đầu tu tập.
Đến để mà thấy
Đặc tính thứ ba của giáo pháp là "đến để mà thấy", tức là kinh nghiệm trực tiếp không cần phải qua trung gian của một người nào khác dầu đó là một vị hòa thượng hay là một vị thượng tọa, một vị đại đức, một vị xuất gia. Ta là người có sự suy nghĩ độc lập của mình. Ta là người có thể có kinh nghiệm trực tiếp. Tại sao ta không tới với giáo pháp một cách trực tiếp để tự mình thử nghiệm, để tự mình biết được giá trị của chánh pháp? Ví dụ khi người ta nói rằng trái kiwi ăn ngon lắm thì ta nói: "Đâu, đưa trái kiwi cho tôi đi để tôi có kinh nghiệm trực tiếp." Tại sao ta có miệng, có lưỡi, có tay nhưng ta lại không trực tiếp kinh nghiệm trái kiwi mà phải căn cứ trên lời nói, trên chứng từ của người khác để có niềm tin? Không, ta không cần qua trung gian của một người nào khác dầu đó là một vị xuất gia, dầu đó là một vị tăng lớn. Ta có thể tới mà tự mình chứng nghiệm trực tiếp cái giáo pháp của Đức Thế Tôn. Cái đó gọi là "ehipassika". Tiếp nhận trực tiếp giáo pháp đó và chúng ta phải áp dụng ngay trong đời sống bản thân, đời sống gia đình, và đời sống xã hội. Vậy thì khi mà ta đã tới và có kinh nghiệm trực tiếp về giáo pháp đó rồi thì tự nhiên ta có đức tin, ta có một nguồn năng lượng rất lớn ở trong trái tim mình. Người Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử phải có một khối lửa ở trong trái tim. Khi ta thấy một người Huynh Trưởng mà hai mắt rất sáng, dáng đi rất vững chãi, miệng luôn luôn mỉm cười thì ta biết rằng người Huynh Trưởng này có một khối lửa ở trong trái tim, đó là "tín lực". Và người đó là một người đang đi tới. Một người như vậy không thể nào đứng yên một chỗ được, không thể nào đi lui được. Người đó là người đang đi tới và ta có thể có đức tin nơi người Huynh Trưởng đó.
Năm Nguồn Năng Lượng
Tín là gì?
Trong quyển Kỷ Yếu 50 năm của Gia Đình Phật Tử, ở trang 105 có hình anh trưởng ban hướng dẫn Gia Đình Phật Tử Quảng Nam là anh Nguyễn Văn Bậc đang gắn cấp bậc cho đoàn trưởng Nguyễn Văn Pháp là con của anh. Bức hình rất đẹp. Ở đây có anh Tâm Đăng Nguyễn Văn Pháp tham dự khóa tu này. Chuyện đó xảy ra năm 1952. Gia Đình Phật Tử đã làm nên truyền thống và đã có nhiều thế hệ. Trong số các bạn có mặt hôm nay có nhiều vị Huynh Trưởng đã lên cấp Tấn, có một số ở cấp Tín. Tôi muốn nói chuyện với các bạn trẻ về chữ Tín này.
Tín tức là niềm tin. Khi ta thực tập đúng thì tự nhiên ta có niềm tin ở nơi giáo pháp của Đức Thế tôn. Cái đó gọi là ‘Tín’. Mà niềm tin ở đây không phải là niềm tin nơi một chủ thuyết hay niềm tin nơi một sự hứa hẹn mà là niềm tin nơi kinh nghiệm thực tập của mình.
Tất cả chúng tôi ở bên Làng Mai không ai mà không biết đi thiền hành. Chúng tôi áp dụng phương pháp đi thiền hành bất cứ khi nào cần đi từ một chỗ này tới chỗ khác. Từ phòng của mình đi tới thiền đường thôi, chúng tôi cũng dùng phương pháp đi thiền hành. Từ thiền đường đi ra nhà tắm cũng là đi theo bước chân thiền hành. Vì vậy cho nên khi quý vị tới Làng Mai, quý vị thấy người nào đi đứng cũng vững chãi, thảnh thơi hết tại vì thiền hành là một trong những phương pháp thực tập để ta có thể luyện tập sống sâu sắc từng giây phút của sự sống hiện tại. Khi quý vị thực tập thiền hành chừng nửa giờ hay là mười lăm phút, mà quý vị thực tập đúng, có thầy, có bạn thì quý vị thấy liền hiệu quả của sự thực tập thiền hành. Thấy người mình nhẹ ra, khỏe ra, vững hơn liền lập tức. Khi ta thấy được như vậy thì ta có niềm tin nơi sự thực tập thiền hành. Khi ta đã có niềm tin rồi thì làm sao ai lấy đi được niềm tin đó của ta? Bởi vì đây không phải là niềm tin nơi một lý thuyết, một sự hứa hẹn mà là niềm tin ở kết quả thực tập của chính ta. Đó là tin nơi pháp.
Hơi thở cũng vậy. Nếu ta biết thực tập hơi thở có ý thức thì chỉ nội trong vài hơi thở là con người của ta từ thân đến tâm đều bắt đầu nhẹ nhàng, thanh thoát và thân tâm hợp nhất liền lập tức. Vì vậy cho nên nếu ta có thầy, có bạn dạy cho ta cách thở thì ta chỉ cần thở một vài hơi là đã có sự khác biệt trong thân tâm rồi. Ta chứng nghiệm một cách rất trực tiếp cái kết quả của sự thực tập đó và niềm tin của ta phát sinh từ kinh nghiệm trực tiếp của mình. Niềm tin đó gọi là ‘chánh tín’. Chữ ‘tín’ ở đây là như vậy chứ không phải có một người thuyết pháp rất giỏi thì tự nhiên ta phát sinh niềm tin, cái đó chưa phải là ‘chánh tín’. Hay có một người đưa ra một chủ thuyết rất hấp dẫn thì chúng ta tin vào đó. Cái đó chưa phải là chánh tín. Chánh tín phải phát sinh từ kinh nghiệm thực tập của ta. Vì vậy cho nên ‘tín’ được nuôi dưỡng bằng một thức ăn, một chất liệu gọi là ‘tuệ’.
Thức ăn của Tín
Tuệ này là cái thấy trực tiếp của ta mà không phải là cái thấy lý thuyết. Ví dụ như có một người chưa biết làm đậu hũ và nếu có người nói rằng: ‘tôi sẽ dạy cho em cách làm đậu hũ’, thì vì ta muốn học làm đậu hũ chứ không muốn chỉ nói chuyện về cách làm đậu hũ nên ta sẽ đi vào trong nhà để học làm. Nhờ ta thấy và thực tập cho nên hai giờ hoặc ba giờ đồng hồ sau ta nắm được kỹ thuật làm đậu hũ và ta biết rằng ta có thể tự tay làm đậu hũ. Cái biết đó là cái biết do sự chứng nghiệm trực tiếp kinh nghiệm mà ra, không phải là do lý thuyết. Cái biết đó gọi là Tuệ, tuệ giác. Tiếng Anh gọi là ‘insight’.
Năm nguồn năng lượng nuôi dưỡng lẫn nhau
Là một Huynh Trưởng ở trong Gia Đình Phật Tử chúng ta học những phương pháp mà Đức Thế Tôn đã trao truyền lại để làm cho thân ta an tịnh, để làm cho tâm ta an tịnh. Mỗi khi giận dữ, ưu phiền mà ta biết được phương pháp thực tập thì ta có thể làm cho cái giận êm dịu lại. Nếu mỗi khi ta có một vấn đề khó khăn với em ta hoặc với chị ta, hoặc với anh ta trong đoàn mà ta biết được phương pháp làm mới, phương pháp giải tỏa để đi tới sự hòa thuận trở lại thì phương pháp đó đưa chúng ta tới niềm tin: ‘Tôi biết cách thực tập điều đó vì vậy tôi
tin tưởng vào pháp môn đó.’ Cái đó gọi là tín. Nhưng mà nếu chúng ta chỉ nói thôi mà chúng ta không đem ra thực tập thì bao giờ chúng ta mới có tuệ? Chúng ta chỉ có cái gọi là lý thuyết thôi. Sự học Phật của chúng ta cũng vậy. Ta có thể học thuộc rất nhiều kinh, nghe rất nhiều bài thuyết pháp. Nhưng nếu chúng ta không có cơ hội đem ra áp dụng trong đời sống hàng ngày và đạt được kết quả qua kinh nghiệm trực tiếp thì chúng ta chưa có tuệ. Vì không có tuệ thì không có cái mà ta gọi là ‘tín’, tức là niềm tin. Khi có niềm tin rồi thì hai mắt ta sáng ra, bước chân ta thật vững chãi và cái tư thế của ta biểu lộ niềm tin đó. Hãy nhìn một thầy, một sư cô, một đạo hữu, một người Huynh Trưởng có niềm tin, có chánh tín. Nhìn người đó khi người đó đi, đứng, nằm, ngồi, nói chuyện, đều phát ra năng lượng của niềm tin. Niềm tin này là niềm tin của người đã thấy được đường đi, đã chứng nghiệm được đường đi rồi. Cái đó gọi là ‘chánh tín’. Và khi có tín rồi thì tự nhiên có một năng lượng thứ hai gọi là ‘tấn’ phát sinh.
Chúng ta thường hiểu nghĩa ‘tấn’ tức là ‘đi tới’. Chúng ta có những bài hát như là ‘Ta vì đạo mà tiến lên’. Chúng ta nói rất nhiều về ‘tấn’ nhưng mà có thể là chúng ta chưa thật sự hiểu được thế nào là bản chất của ‘tấn’. ‘Tấn’ ở đây là năng lượng đưa mình đi tới mà năng lượng đó chỉ có thể có được khi ta có một niềm tin. Nếu thực tập đúng thì hạnh phúc có thể tăng tiến trong vòng một tuần lễ thực tập mà không cần nhiều thời gian.
‘Tấn’ sẽ đưa tới Niệm. Niệm tức là năng lượng khiến cho chúng ta có mặt thật sự trong giây phút hiện tại. Khi ta đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, ăn cơm, uống nước mà an trú trong giây phút hiện tại thì cái đó gọi là ‘niệm’. Đó là trái tim của sự thực tập đạo Bụt. Khi có chánh niệm rồi thì ta đi tới Định. Định tức là sự chú tâm. Khi có nguồn năng lượng định rồi thì chúng ta sống được sâu sắc những giờ phút của đời sống hàng ngày.
Ví dụ như hồi nãy, gần tới mười giờ rồi mà xe hơi của tôi vẫn còn xa. Người khác có thể lo lắng nhưng ngồi trên xe tôi vẫn thở, vẫn mỉm cười, vẫn sống an lạc những giờ, những phút còn lại trên xe hơi. Tôi thực tập sống trong niệm và định. Tức là giây phút nào của đời sống
hàng ngày tôi cũng sống sâu sắc. Tôi không chạy, tôi an trú trong hiện tại. Khi sửa soạn bữa ăn sáng ta sửa soạn một cách có hạnh phúc. Ta an trú trong những giờ phút làm bữa ăn sáng đó. Đến khi ngồi xuống ăn sáng ta cũng thảnh thơi và hạnh phúc. Rồi đi rửa chén thì ta cũng có an lạc và thảnh thơi trong giờ phút đang rửa chén. Tức là giờ phút nào ta cũng sống sâu sắc hết thì trong lúc đó ta có định. ‘Định’ có nghĩa là tâm ý có mặt sâu sắc trong từng giây phút của đời sống hàng ngày. Và nếu ta sống sâu sắc như vậy thì ta bắt đầu thấy được những cái mà người không sống sâu sắc không thấy được. Cái đó gọi là ‘tuệ’. Định luôn luôn đưa tới Tuệ.
Như vậy ta có năm yếu tố gọi là năm nguồn năng lượng, tức là ‘ngũ lực’. Đó là bản chất sự tu học của ta. Có thể sau này ta sẽ lấy ‘ngũ lực’, tức là ‘tín, tấn, niệm, định, tuệ’ làm năm cánh sen của đóa sen trắng trong phù hiệu Gia Đình Phật tử. Vì đây là bản chất của sự ‘thật tu’ và ‘thật học’. Ba cánh sen dưới tức là ‘Bụt, Pháp, và Tăng’. Bụt, Pháp và Tăng có bản chất là tín, tấn, niệm, định, tuệ. Ở nơi nào có tín, tấn, niệm, định và tuệ thì ở nơi đó có Bụt đích thực, có Pháp đích thực và có đoàn thể tu học đích thực gọi là Bụt, Pháp và Tăng, tức là Tam Bảo. Vậy thì một trong năm cái được bốn cái kia nuôi dưỡng. Tấn, niệm, định, tuệ nuôi dưỡng tín. Còn niệm, định, tuệ, tín nuôi dưỡng được tấn. Và càng có tuệ nhiều thì tín càng lớn. Tín càng nhiều thì tấn càng lớn. Tấn càng nhiều thì niệm càng lớn. Niệm càng nhiều thì định càng lớn. Định càng nhiều thì tuệ càng lớn. Vì vậy nên năm cái gọi là ‘ngũ lực’ nuôi dưỡng lẫn nhau. Và trong đời sống tu học thực tế của chúng ta thì ta thấy mỗi ngày năm nguồn năng lượng đó, năng lượng nào cũng lớn lên cả. Còn nếu năm nguồn năng lượng đó không lớn lên thì ta biết rằng ta chưa thực tập vững chãi và đích thực.
Năm Giới Quý Báu
Sống theo Năm Giới làm tăng phẩm chất đời sống gia đình
Chúng ta có nhiều phương pháp thực tập rất mầu nhiệm. Trong đó có phương pháp thực tập gọi là ‘Năm Giới’ (Ngũ Giới). Trong khóa tu này chúng ta sẽ cùng nhau đọc giới và quán chiếu về Năm Giới của Đức Thế Tôn cung cấp cho ta. Nếu ta biết sống một cách vững chãi theo Năm Giới thì chúng ta có thể làm ra hạnh phúc cho cá nhân, cho gia đình, và cho đoàn thể của ta liền mà không cần phải lâu ngày. Ta chỉ cần sống theo Năm Giới đúng trong một tuần lễ là phẩm chất ở trong ta và ở trong gia đình ta đã tăng thêm rồi.
Con Đường Thoát của Thế Kỷ 21
Năm Giới Quý Báu là con đường thoát của mọi gia đình và cả cho xã hội. Năm 1995, ông Milkhail Gobachev tổ chức một hội nghị lớn ở San Francisco, mời rất nhiều vị nguyên thủ quốc gia, các nhà khoa học, các nhà kinh tế, các nhà chính trị tới để bàn về những thử thách khó khăn trong thế kỷ thứ 21. Hội nghị này được gọi là ‘State of the World Forum’ và ông có mời tôi tới. Tôi là một trong năm người được mời lên nói diễn văn (Key note speaker). Khi lên bục nói, tôi chỉ nói về Năm Giới. Tôi nói rằng chỉ có Năm Giới mới có thể đưa thế giới ra khỏi vũng lầy, ra khỏi địa ngục bây giờ thôi. Nếu quý vị là người Phật tử thì đó là Năm Giới, diễn bày theo ngôn từ Phật giáo. Còn nếu quý vị là người Do Thái hay người Cơ Đốc thì quý vị trở về truyền thống mình để phát hiện ra tính chất của Năm Giới trong nội dung truyền thống Do Thái hay truyền thống Cơ Đốc. Và chúng ta có thể trình bày Năm Giới dưới một hình thức không tôn giáo để cho những người không theo tôn giáo nào cũng có thể chấp nhận được.
Năm Giới là con đường thoát của nhân loại, là con đường duy nhất để có thể tái lập được sự hòa điệu, hạnh phúc trong bản thân ta, trong gia đình ta và trong xã hội. Năm Giới rất cụ thể. Nếu anh nói anh tu mà anh không thực tập Năm Giới thì tôi không thể nào tin anh được vì Năm Giới là hình thức rất cụ thể của sự tu học. Trong Năm Giới có Niệm, có Định và có Tuệ. Nếu ta thực tập Năm Giới cho sâu sắc thì ta sẽ thấy rằng Bụt, Pháp và Tăng có đầy đủ trong Năm Giới. Ta chỉ cần thực tập Năm Giới cho thật đàng hoàng, chỉnh đốn trong vòng một tuần lễ thì hạnh phúc của cá nhân và hạnh phúc trong gia đình ta sẽ tăng tiến một cách rất rõ rệt. Trong khóa tu này, tất cả các vị phụ huynh, các vị Huynh Trưởng và các em, người nào cũng học về Năm Giới. Năm Giới là con đường duy nhất có thể thoát ra khỏi khổ đau. Ba quy y và Năm Giới là con đường Bụt đã dạy từ hơn 2600 năm nay. Giới thứ nhất là bảo vệ sự sống. Giới thứ hai là bảo vệ sự liêm khiết của mình, nghĩa là không trộm cắp. Giới thứ ba là bảo vệ hạnh phúc gia đình, bảo vệ hạnh phúc của mình bằng cách không tà dâm, không xâm phạm tới tiết hạnh của người khác. Giới thứ tư là nói và nghe trong chánh niệm để đừng tưới tẩm những hạt giống xấu ở trong mình và trong người kia. Giới thứ năm là tiêu thụ một cách chánh niệm để đừng đem độc tố vào trong mình và trong những người thương của gia đình mình. Cho nên Năm Giới của chúng ta là để làm những chuyện ấy.
Ví dụ như giới thứ tư. Giới thứ tư tức là thực tập lắng nghe và sử dụng ngôn ngữ hòa ái. Đó là chánh ngữ. Chánh ngữ là không nói tất cả những gì có thể tưới tẩm hạt giống xấu trong mình và trong người kia. Chị cứ thực tập giới đó một tuần lễ trong gia đình thử coi, chị sẽ thấy rằng hạnh phúc trong gia đình chị tăng tiến lên rất nhiều sau bảy ngày thực tập. Còn nếu giữa con người và con người mà có thực tập ái ngữ và lắng nghe thì sẽ có sự hòa điệu giữa hai người. Nếu giữa những nhóm người, những cộng đồng như cộng đồng da đỏ, cộng đồng da trắng, cộng đồng da đen, cộng đồng Châu Phi, cộng đồng Châu Úc, v.v... mà có được khả năng ái ngữ và lắng nghe thì những sắc dân đó sẽ sống được với nhau rất hòa thuận và an lạc. Nếu giữa các quốc gia mà liên hệ được với nhau bằng phương pháp ái ngữ và lắng nghe thì sẽ không có chiến tranh và sẽ có sự cộng tác giữa quốc gia này với quốc gia khác. Cho nên giới thứ tư không phải chỉ là giới của người Phật tử mà còn là giới của tất cả mọi người, dù theo bất cứ tôn giáo nào.
Còn giới thứ năm về vấn đề tiêu thụ, ta thực tập như thế nào? Tiêu thụ có chánh niệm, nghĩa là không đưa vào thân và tâm những độc tố. Trong khi ăn uống ta ăn uống có chánh niệm. Ta không đưa vào thân tâm ta những độc tố gây ra khổ não và đau nhức trong thân ta. Ta không dùng chất mỡ nhiều, ta không dùng những chất có thể tạo ra đau khổ và khó khăn cho trái tim, cho lá gan, cho buồng phổi, đó là ăn uống có chánh niệm. Còn tiêu thụ những sản phẩm văn hóa như là truyền hình, truyền thanh, báo chí và ngay cả những câu chuyện ta nói với nhau hàng ngày có thể có nhiều sản phẩm chứa độc tố. Một giờ coi Ti-vi có thể đưa vào trong tâm thức ta rất nhiều độc tố: độc tố của bạo động, của căm thù, của nghi kỵ, của thèm khát. Những hạt giống thèm khát, những hạt giống nghi kỵ, hận thù có sẵn trong ta rồi mà ta cứ tưới tẩm nó ngày này qua ngày khác thì làm sao những hạt giống xấu đó không lớn lên và phát triển được? Vì vậy cho nên ta phải cẩn thận đừng để cho những hạt giống thèm khát, hận thù, tham vọng, nghi kỵ được tưới tẩm mỗi ngày. Nhìn một chương trình truyền hình, đọc một bài báo, nghe một buổi phát thanh có thể giúp cho những hạt giống tiêu cực đó có cơ hội để phát triển. Đó là đi ngược với sự thực tập Tấn, tức là sự thực tập Tứ Chánh Cần. Thành ra ta phải tiêu thụ rất có chánh niệm mới được. Tôi từ chối không ăn món này, tôi từ chối không uống món kia, tôi từ chối không xem chương trình Ti-vi này, tôi từ chối không đọc những tờ báo kích động những gì thấp kém nhất trong tôi. Đó là giữ giới thứ năm.
Tại sao anh lại làm như vậy?
Quý vị nhớ lại xem, đã có lần nào quý vị ngồi nói chuyện một giờ đồng hồ mà sau câu chuyện thì quý vị thấy giống như bị tê liệt, không muốn làm ăn gì nữa vì trong câu chuyện có nhiều khổ, buồn, hận thù, chán nản. Những câu chuyện như vậy không nên nói. Nếu ta có thì giờ thì nên dùng thì giờ đó để tưới tẩm những hạt giống tốt, hạt giống thiện trong ta. Không có chánh niệm, ta có thể ngồi và nói những câu chuyện hoàn toàn vô ích. Không những vô ích mà còn chứa đựng nhiều độc tố. Những độc tố này làm hư tâm ta. Ăn uống không chánh niệm thì hư thân, mà nghe, nhìn, nói không chánh niệm thì hư tâm. Rồi trong những giấc mơ, những độc tố đó biểu hiện ra thành cơn ác mộng. Vì vậy ta đừng đầu độc thân tâm ta và đừng để con cháu ta bị đầu độc bởi truyền hình, truyền thanh, báo chí. Những thứ này đánh động tới dục vọng, thèm khát, căm thù và bạo động của ta và con cháu ta. Đôi khi ta bận rộn, ta để cái truyền hình làm "vú em" (babysit) cho con cháu ta rất nguy hiểm. Cho nên tôi nói với các thiền sinh ngoại quốc là quý vị rất giỏi, đã làm áp lực để những nhà sản xuất thuốc lá phải in câu: ‘Cẩn thận, hút thuốc có thể làm nguy hại tới sức khỏe’ trên mỗi bao thuốc lá. Đó là một bước tiến rất lớn. Đó là chánh niệm. Đó là công trình tranh đấu của toàn dân mới được như vậy. Tôi muốn đề nghị quý vị tiến thêm một bước nữa. Quý vị phải dán câu đó trên mỗi chai rượu, trên mỗi cái máy truyền hình. Vì sử dụng truyền hình mà không có chánh niệm thì cũng độc hại không kém gì rượu hay thuốc. Tôi đã nói với những người Mỹ như vậy. Quý vị có nhiều sự tiến bộ trong giác ngộ. Ví dụ trong sự ăn uống, quý vị cẩn thận không tiêu thụ nhiều chất béo. Đó là chánh niệm. Vì vậy trên thị trường thực phẩm, họ phải kê khai lượng cholesterol trên mỗi bao bì đóng gói. Người Mỹ đã ăn ít thịt lại hơn trước rất nhiều. Họ có ý thức về sức khỏe của họ. Và số lượng những người trẻ tại Hoa Kỳ và Âu Châu ăn chay tăng lên 10 lần so với trước đây. Những tiệm ăn chay tại Âu châu và Hoa Kỳ mọc lên rất nhiều. Ngay cả tiệm ăn nhanh (fast food) như Mc Donald cũng đã bắt đầu làm hamburger (bánh mì kẹp thịt) và hotdog (xúc xích) chay cho quần chúng. Sở dĩ có sự chuyển biến này là do sự giác ngộ của toàn dân. Người dân đã đẩy những nhà sản xuất phải làm theo nhu yếu của mình. Cách đây 10 năm, hành khách đi máy bay, xe lửa rất khó chịu vì mùi thuốc lá. Chất Nicotin đã giết hại biết bao nhiêu người với bệnh lao phổi. Vậy mà nhờ phong trào vận động, hiện nay số người hút thuốc đã giảm rất nhiều. Hiện nay những chuyến bay nội địa hay quốc tế đều cấm hút thuốc. Đó là sự tiến bộ lớn của chúng ta. Đó là nhờ những người tu chánh niệm, thực tập chánh niệm và đòi hỏi quần chúng phải đi theo con đường đó. Chúng ta phải tham dự vào. Tôi nhớ một lần, có một thiền sinh về làng lén vào rừng hút thuốc. Anh ta biết rằng hút thuốc trong khuôn viên của Xóm Thượng, Xóm Hạ thì thế nào cũng bị chỉnh nên anh ta lén vào trong rừng hút thuốc. Mũi của tôi còn tốt lắm, khi người đó trở ra và đứng nói chuyện với tôi thì tôi hỏi: ‘Anh vừa trong rừng ra phải không?’ Anh ta trả lời: ‘Dạ phải.’ Tôi hỏi tiếp: ‘Trong rừng anh có nhớ tôi không? Nếu nhớ thì tại sao anh hút thuốc?’ Và từ lúc ấy trở đi người đó không hút thuốc nữa. Tôi nói với anh ta: ‘Nếu anh nhớ tình thương của tôi đối với anh như thầy bổn sư của anh thì tại sao anh lại làm như vậy?’
Hành động như một vị Bồ tát
Chúng ta giác ngộ, tỉnh thức với tư cách cá nhân. Và chúng ta mang sự giác ngộ, tỉnh thức đó tới để cho gia đình, đoàn thể và xã hội cùng tỉnh thức. Vì vậy đối với những sản phẩm văn hóa độc hại, chúng ta phải làm thế nào để trên mỗi sản phẩm đều có câu: ‘Coi chừng, tiêu thụ sẽ có hại cho tinh thần và sức khỏe.’ Và một ngày kia, nếu quý vị làm giỏi thì trên mỗi cái máy truyền hình, trên mỗi chai rượu sẽ có câu đó. Nạn nghiện rượu đã phá tan hạnh phúc của không biết bao nhiêu gia đình. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình như vậy như những con ma đói, thiếu sự thương yêu và hiểu biết, rất là tội nghiệp. Trong một khóa tu có một bà người Anh rất lịch sự tới tham dự. Đến ngày chót, bà rất ngần ngại, không muốn thọ giới thứ năm dù bà đã sẵn sàng thọ bốn giới kia. Bà nói nếu thọ giới thứ năm thì bà sẽ phải bỏ thói quen uống hai ly rượu vang mỗi tuần. Giữa đại chúng, bà thưa: "Trong 20 năm nay, mỗi tuần tôi uống hai ly rượu có gì hại đâu. Đó là niềm vui của tôi. Hơn nữa đây là văn hóa của tôi. Văn hóa của tôi là phải có rượu trong đó. Trong thánh lễ người ta dùng rượu và bánh mì". Tôi nghe được câu chuyện và tôi nói với bà thiếu phụ đó như sau: "Này bà, tôi biết trong 20 năm qua, mỗi tuần bà uống hai ly rượu vang và không gây nguy hại gì cho bà hết. Điều đó tôi công nhận đúng. Nhưng tôi đề nghị bà nhìn lại và nhìn cho thật sâu để thấy những độc hại chưa mang lại cho bà nhưng mang độc hại đến cho con cháu bà. Trong những gia đình mà ông bà, cha mẹ uống rượu, con cháu cũng sẽ uống như ông bà, cha mẹ chúng. Và con cháu chắc chắn sẽ không dừng lại ở hai ly như bà. Bà ngừng uống hai ly đó đi. Có nhiều thức uống khác cũng ngon lắm, như nước trái cây chẳng hạn. Tại sao ta không uống những thứ đó? Bà thực tập cho bà, cho con cháu bà và xã hội bằng cách bỏ hai ly rượu đó. Và khi bỏ rượu, bà hành động như một vị bồ tát để độ các con của bà và những người khác trong xã hội." Bà đã hiểu rằng hành động bỏ rượu không phải cho riêng bà mà cho cả những người chung quanh bà. Sáng hôm sau, bà tiếp nhận Năm Giới và từ đó bà bỏ hẳn rượu. Bà nói bà có nhiều niềm vui vì bà trở nên một tấm gương trong xã hội.
Có mấy vị nữ tu Cơ Đốc giáo và vài linh mục đến thực tập tại Làng. Tôi nói với họ rằng: "Có thể có hy vọng là trong thánh lễ, mình thay rượu bằng nước trái cây được không? Và thay vì ăn bánh thánh tượng trưng, mình có thể ăn những cái bánh cookie được không? Tại sao chúng ta lại làm một cái lễ như là một cái gì đó chỉ có tính cách tượng trưng mà thôi?" Trong khi thực hành thánh lễ thì người Cơ Đốc giáo nghĩ rằng: ăn bánh đó là ăn thịt của Chúa Kitô, uống rượu đó là uống máu huyết của Chúa Kitô, tức là đưa thực tại Chúa Kitô vào trong thân thể và tâm hồn mình. Tôi nói thánh lễ đó rất hay tại vì Chúa Kitô là sự sống. Và khi ta đưa Chúa Kitô vào lòng, ta trở thành sự sống. Làm thánh lễ như thế nào để một người sống vật vờ như một bóng ma trở thành người sống linh động trong giờ phút hiện tại là quyền lực của vị linh mục hành lễ. Và nếu vị linh mục không thực tập tỉnh thức để trở về phút giây hiện tại thì thánh lễ đó sẽ không thành công. Tuy có rượu, có bánh nhưng không thành công. Tôi đã nói như vậy. Chúng tôi có thiền trà. Chúng tôi ăn bánh, uống trà hay là nước trái cây. Chúng tôi ăn bánh và uống trà như thế nào để chúng tôi thật sự sống và hoàn toàn có mặt trong giây phút hiện tại: thân tâm nhất như trong giây phút hiện tại. Người hướng dẫn thiền trà phải có khả năng hướng dẫn đại chúng trở về an trú bây giờ và ở đây, sống sâu sắc trong giờ phút đó. Tại sao chúng ta phải làm cái bánh thánh tượng trưng nho nhỏ? Chúng ta có thể làm bánh bơ đậu phụng và thay vì uống rượu thì chúng ta uống trà. Có một Mẹ Bề Trên, sau khi nghe tôi nói như vậy đã trả lời: "Từ đây về sau, tôi sẽ làm thánh lễ bằng nước nho thay vì rượu."
Nếu thế giới này tiêu thụ không có chánh niệm thì chúng ta sẽ tàn phá thân tâm chúng ta, tàn phá thân tâm của con người và xã hội. Do đó tất cả mọi người đều nên thực tập giới thứ năm chứ không phải chỉ có người Phật tử không thôi. Ta đã được học rõ ràng là giới thứ năm sẽ cứu chúng ta ra khỏi tình trạng hủy diệt thân tâm của tuổi trẻ và của người lớn.
Cái đẹp văn hóa
Ta cũng đã được học giới thứ ba là giới không tà dâm. Sự tà dâm tạo nên sự tan vỡ của gia đình, làm cho bao nhiêu đứa trẻ lớn lên không nơi nương tựa. Ban đầu ta đâu có muốn làm chuyện tà dâm, nhưng ta sống trong gia đình không có hạnh phúc, những nỗi khổ niềm đau không được thông cảm nên ta cô đơn, ta đi tìm một người có thể hiểu được mình rồi ta nghĩ rằng nỗi niềm cô đơn đó sẽ tan biến khi mà hai thân xác tới với nhau. Nhưng rồi ta sẽ tìm ra một cách rõ ràng là sự kết hợp của hai thân xác trong hành động tà dâm chẳng những đã không làm tan biến sự cô đơn mà còn làm cho sự cô đơn càng ngày càng lớn vì ta với người đó chỉ có sự kết hợp của hai thân xác mà không có sự kết hợp và hiểu biết của hai trái tim. Cho nên giới thứ ba rất quan trọng. Giới thứ ba có liên hệ mật thiết đến giới thứ năm. Chúng ta đã nói tới giới thứ năm ở trên. Chúng ta phải biết rằng vì tiêu thụ không có chánh niệm cho nên chúng ta đem vào trong thân không biết bao nhiêu là độc tố. Chỉ cần ăn thôi, chỉ cần uống thôi là ta có thể làm cho thân ta ngất ngư. Chỉ cần nghe những chuyện của những người xung quanh nói thì những hạt giống thèm khát và hận thù trong ta được tưới tẩm. Và những độc tố đó làm ung thối tâm tư của chúng ta, làm cho chúng ta trở thành một quả bom, quả bom của sự thèm khát, quả bom của sự hận thù và chúng ta gieo rắc không biết bao nhiêu là khổ đau chung quanh chúng ta và những người thương của chúng ta sẽ gánh chịu. Cho nên hãy cẩn thận trong việc tiêu thụ, kể cả việc tiêu thụ những chương trình vô tuyến truyền hình, những sách báo, kể cả internet, vì cái chất liệu của thèm khát, của hận thù theo nhiều đường dây đi vào trong tâm hồn của mình. Năm Giới là để bảo vệ mình. Cái xã hội Bắc Mỹ đầy người trẻ Mỹ với đầy dẫy những hận thù và thèm khát; người trẻ gốc Việt đã ảnh hưởng sâu đậm lối sống của người trẻ Mỹ, sống bất cần đời, tàn phá sức khỏe, phản bội lại cha mẹ, phản bội lại tổ tiên, không bảo quản được thân thể và tâm
hồn của mình. Tại sao lại có cái chuyện mới 13, 14 tuổi mà đi ngủ với nhau để có thai? Tại sao lại gia nhập vào băng đảng rồi bắn nhau ở cái tuổi 15, 16, 17 để đi vào tù? Trong nền văn hóa của chúng ta đâu có những hiện tượng đó. Trong nền văn hóa của chúng ta, khi đi học thì trước hết ta học cách hành xử rồi mới được học chữ nghĩa và khoa học. "Tiên học lễ, hậu học văn", lễ tức là lễ nghĩa, cách hành xử đúng phép. Khi mà một đứa trẻ 13, 14 tuổi ngủ với một đứa trẻ khác thì cái gì xảy ra? Cái xảy ra là cái mà tiếng Mỹ gọi là empty sex, tức là sự phối hợp của hai cơ thể mà không có một chút gì gọi là tình yêu, là sự cảm thông, là sự kính trọng ở trong đó cả. Trong khi đó theo văn hóa của chúng ta thì trong đêm tân hôn hai vợ chồng trẻ thương yêu nhau là cả một nghi lễ rất lớn, vì đó là lần đầu mà hai người tới với nhau về phương diện tiếp xúc thân thể. Trong giới thứ ba ta học rằng sẽ không có sự phối hợp giữa hai cơ thể nếu không có tình yêu sâu đậm, một cam kết dài hạn (sex will not happen without love and long term commitments). Điều này có ở trong truyền thống Việt Nam cũng như trong truyền thống Tây phương, nếu không có tình yêu sâu đậm và một cam kết dài hạn thì sự kết hợp giữa hai thân thể trở thành một chất liệu phá hoại rất lớn vì đó chỉ là empty sex, không có sự thương yêu, không có sự cam kết, không có sự kính trọng. Trong truyền thống Việt Nam thì vợ chồng phải kính trọng nhau như những người khách, "tương kính như tân", và thân thể của ta linh thiêng vô cùng, không phải bất cứ ai cũng có thể đụng chạm được. Vậy mà ta không kính trọng thân thể ta, tức là ta đánh mất cái gia tài văn hóa và tâm linh của tổ tiên ta để lại. Trong nền văn hóa Á Đông của ta thì đầu ta là một chỗ rất linh thiêng, không phải ai cũng có thể tới mà đưa cái tay lên rờ đầu ta được. Đó là một sự xúc phạm rất lớn. Đối với người Mỹ thì xoa đầu không sao nhưng đối với người Việt mà xoa đầu thì xúc phạm lắm. Từ nhỏ, bố mẹ chúng ta hỏi: "con thương bố không?", "dạ con thương", "con thương mẹ không?", "dạ con thương", "con thương con để ở đâu?", "con thương con để trên đầu". Vậy thì đầu của ta là cái bàn thờ của tổ tiên. Quý vị thấy các thầy, các sư cô khi đang cầm một cuốn kinh hay đang cầm chiếc áo cà sa, nếu mà có người tới đưa một vật gì hay là chắp tay chào thì các thầy, các sư cô đôi khi để cuốn kinh đó hay là chiếc áo cà sa đó lên trên đầu, rồi mới chắp tay chào lại bởi vì trên đầu là chỗ xứng đáng nhất. Trong truyền thống văn hóa của ta thì đỉnh đầu là bàn thờ của tổ tiên tâm linh và huyết thống cho nên ta đừng để cho ai sờ đầu ta hết. Người lớn sờ đầu ta chưa chắc đã được huống hồ gì là bạn trai (boyfriend) hay là bạn gái (girlfriend). Trong thân thể của chúng ta cũng vậy, có những vùng mà không ai có quyền đụng tới được. Bắt tay thì được, hay vỗ vai thì được, nhưng trong cơ thể của chúng ta còn có những vùng cấm địa rất là linh thiêng mà không thể để cho một người nhìn vào hay sờ vào đó được. Đó là văn hóa của ta. Từ thân thể đến tinh thần là một, "thân tâm nhất như". Nếu thân thể của ta bị khinh thường thì tâm hồn của ta cũng bị khinh thường cùng một lúc. Nếu kính trọng ta thì phải kính trọng thân thể của ta, chứ không thể nói là tôi chỉ kính trọng tâm hồn của anh thôi, tôi chỉ kính trọng tâm hồn của chị thôi. Nói như vậy là không đúng. Trong tâm ta có những vùng thiêng liêng, có những kỷ niệm, có những tư tưởng mà ta muốn dấu kín, ta không muốn cho ai biết. Chỉ khi nào có người bạn rất thân, thân lắm thì ta mới tỏ lộ được những tư tưởng thầm kín đó, những lo buồn đó, những ước mơ đó cho người bạn thân nghe mà thôi. Trong tâm ta có những vùng rất bí mật, không phải ai hỏi mình cũng nói hết. Những vùng đó như vùng Tử Cấm Thành trong hoàng thành của vua mà nếu ai đi vô đó thì sẽ bị chém đầu. Thân thể của ta cũng vậy. Thân thể ta có những vùng rất linh thiêng mà ta không muốn ai đụng tới, dầu ta là con trai hay con gái. Một người đàn ông cũng phải kính trọng thân thể của mình hoặc người khác. Khi một sư chú tới xoa bóp chân cho tôi thì sư chú phải ngồi yên lặng trước, thở ba hơi, vái thầy rồi mới đụng tới cơ thể của thầy để mà làm việc xoa bóp. Đó là theo truyền thống của chúng ta. Bởi vì trong cơ thể của ta, cơ thể của người con gái cũng như người con trai có những vùng đất cấm mà không phải ai cũng có thể rờ vào đó được. Chỉ khi nào ta có một người thương và là người thương nhất trên đời mà ta muốn sống suốt cả đời với người đó, ta đem hết cả con tim và khối óc ta mà tin cậy, trao gởi vào người đó thì chỉ có một mình người đó mới có thể đụng chạm tới những vùng cấm địa của thân thể ta mà thôi. Đó là văn hóa của chúng ta.
Cống hiến gia tài tâm linh và văn hóa
Vậy thì mẹ ta đã dạy chúng ta những điều đó chưa? Bố ta đã dạy cho chúng ta những điều đó chưa? Nếu chưa dạy, tức là bố đã quên, mẹ đã quên. Tại vì ngày xưa bố cũng đã được học như vậy, mẹ cũng đã được học như vậy. Chúng ta qua đây, qua nước người không phải với tư cách của những người ăn mày, hai tay trắng. Chúng ta qua đây với nền văn hóa dân tộc của chúng ta, với cái đẹp về nếp sống tâm linh văn hóa của chúng ta, chúng ta qua đây và đóng góp cho xã hội này bằng những chất liệu tâm linh và văn hóa của nước Việt. Nếu chúng ta không đem những thứ đó theo để mang ra cống hiến cho xã hội này, làm cho xã hội này tốt hơn lên một chút, đẹp hơn lên một chút mà trái lại chúng ta hứng lấy những rác rến của xã hội thì chúng ta không có dễ thương với tổ tiên, ông bà chúng ta. Tại sao chúng ta học theo những thói hư hèn của người địa phương, tại sao chúng ta không cống hiến được những tinh hoa của nền văn hóa dân tộc, nền đạo đức dân tộc cho xã hội này? Có phải là cha mẹ đã bận rộn quá mà không trao truyền cho các con những tinh hoa đó của văn hóa dân tộc hay không? Có phải cha mẹ đã phó thác con cháu cho xã hội này, cho học đường này mà không có thì giờ để theo dõi, để chăm sóc hay không? Chúng ta, tất cả mọi người đều chịu trách nhiệm. Bởi vậy cho nên tới với nhau trong một khóa tu là để có cơ hội nhìn lại tình trạng của chúng ta, để thấy rằng chúng ta đang trên con đường phá sản, phá sản văn hóa, phá sản tâm linh, và chúng ta phải gượng lại, chúng ta phải duy trì lại được cái giá trị tâm linh và văn hóa đó của chúng ta.
Nẻo thoát cho nhân loại
Mà nếu ta giữ được giới thứ ba, giới thứ tư, giới thứ năm thì hai giới đầu sẽ trở nên rất dễ thực tập, tức là giới bất sát và giới bất đạo. Nếu ta là người Phật tử, tự nhận là chân chánh, thì ta phải thực tập Năm Giới rất nghiêm chỉnh. Chúng ta phải học hỏi, phải tụng giới ít nhất mỗi hai tuần một lần. Đừng tưởng rằng Năm Giới là những giáo lý có thể hiểu được một cách dễ dàng đâu. Càng học hỏi, càng pháp đàm về Năm Giới, ta càng có sự hiểu biết sâu sắc về Năm Giới và những buổi pháp đàm ấy giúp cho ta tìm ra cách áp dụng Năm Giới trong đời sống hàng ngày, đời sống cá nhân, đời sống gia đình và đời sống xã hội. Ta biết rằng những người khác tuy không theo đạo Bụt nhưng mà họ cũng thực tập Năm Giới. Năm Giới của ta đã được trình bày bằng một ngôn ngữ không có danh từ Phật giáo. Nếu đọc lại, quý vị sẽ thấy không có danh từ Phật học hay pháp số trong Năm Giới. Đó là một sự cố tình để cho Năm Giới được phổ biến trong những giới không phải là Phật tử. Ở bên Mỹ vừa rồi có một dân biểu đưa ra quốc hội một dự án đạo luật tên là Ten Commandments (mười điều răn của Chúa) để được chấp thuận cho dán vào những chỗ công cộng ở các trường trung học, tiểu học và đại học. Trên đài phát thanh người ta đã bàn luận đến dự án đạo luật này rồi và người ta nghi ngờ rằng dự án đó sẽ không được quốc hội chấp thuận vì bên Mỹ có một đạo luật được đặt ra để tránh trường hợp tôn giáo và quốc gia bị lẫn lộn với nhau. Thành ra đạo luật của ông dân biểu đó đưa ra có thể sẽ không được chấp thuận. Ông dân biểu này thấy rõ ràng xã hội Mỹ thác loạn, hư hỏng và nếu không có sự thực tập mười điều răn của Chúa thì chắc không thể cứu được. Ông cũng nghĩ như tôi, nếu không có Năm Giới thì sẽ không có nẻo thoát cho nhân loại. Tuy nhiên ông không có cơ hội tại vì bên Mỹ chuyện tách biệt giữa tôn giáo và quốc gia (The Separation between Church and State) rất quan trọng. Vì vậy trong khóa tu Omega ở New York có một thiền sinh đã viết một lá thư cho ông dân biểu đó và gởi theo Năm Giới của mình. Người thiền sinh đó nói Năm Giới có cơ hội hơn tại vì trong Năm Giới không có danh từ tôn giáo. Và nếu Thầy đồng ý cho con thì con sẽ gởi thư đến tất cả những dân biểu quốc hội yêu cầu họ vận động để cho Năm Giới này được chấp thuận dán ở các cơ quan chính quyền và ở các trường tiểu học, trung học và đại học bên Mỹ. May ra thì được. Người thiền sinh đó có thiện chí thì ta nên khuyến khích.
Trong tiếng Anh ta không dịch Năm Giới là "Five Precepts" nữa mà dịch là "The Five Mindfulness Trainings", nghĩa là những biện pháp cụ thể để thực tập chánh niệm. Ta nói thực tập chánh niệm hay thiền, nhưng kỳ thực chánh niệm hay thiền khi được áp dụng cụ thể thì trở thành Năm Giới. Thực tập Năm Giới được thì ta bảo vệ được cho bản thân ta, bảo vệ được cho gia đình ta và xã hội. Cho nên khi ta đã tự nhận là con của Bụt thì Năm Giới là khí giới của ta, là vũ khí để ta bảo vệ thân tâm, bảo vệ gia đình và xã hội. Quý vị có thể thành công được hay không do ở chỗ quý vị có thể sử dụng được vũ khí này hay không. Năm Giới được gọi là Năm Giới Quý Báu tại vì trong Năm Giới có chất liệu của Bụt, của Pháp và của Tăng. Năm Giới là một pháp môn rất vi diệu và thánh thiện. Vì vậy Năm Giới là thầy của ta, Năm Giới là hướng đi của ta. Thà ta mất tất cả nhưng mà nhất định không đánh mất Năm Giới. Trong xe hơi, thay vì treo một cái bùa ở phía trước thì ta để một văn bản Năm Giới thế vào đó. Tại vì ta là người có thực tập, ta hiểu được trong văn bản Năm Giới đó có chất liệu của Bụt, của Pháp và của Tăng phù hộ cho ta. Trong nhà ta nên để Năm Giới ở trên bàn thờ, tại vì đó là ‘cái bùa’ lớn nhất (a great mantra), vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú. Mỗi khi nhìn thấy ta phải chắp tay xá, tại vì Năm Giới là hiện thân cụ thể của Bụt, của Pháp và của Tăng.
Bảo hộ gia đình
Trong khóa tu này chúng ta đã được học Năm Giới một cách rất thiết thực, xin quý vị đem Năm Giới về làm phương châm hướng dẫn cho cuộc sống mình. Ta thờ Năm Giới như thờ những cái gì chân thiện mỹ nhất ở trong đời sống của mình. Chúng ta phải học hỏi Năm Giới một cách sâu sắc, và trong gia đình ta phải áp dụng Năm Giới một cách rất nghiêm chỉnh mới được. Gia đình huyết thống có cha mẹ và con cái đã vậy, mà trong Gia Đình Phật Tử cũng vậy. Nếu chúng ta không thực tập trong Gia Đình Phật Tử thì Gia Đình Phật Tử không thể làm sứ mạng của mình. Sứ mạng của Gia Đình Phật Tử là can thiệp được vào trong đời sống của mỗi đoàn sinh để cho sự thực tập được áp dụng trong gia đình đó. Ta có một em Oanh Vũ, ta biết rằng em Oanh Vũ đó là đại diện cho gia đình của em, thì ta phải làm sao cho em Oanh Vũ đó có thể thực tập được điều này trong gia đình của em. Ta làm thế nào để mọi người trong gia đình em cũng thực tập thì lúc đó ta mới giúp em thực tập được. Còn nếu em Oanh Vũ chỉ thực tập trong Gia Đình Phật Tử thôi, rồi khi về tới nhà không ai thực tập hay không có môi trường để thực tập thì công trình đào tạo em Oanh Vũ không đi tới đâu hết. Tại vì môi trường của em là ở trong Gia Đình Phật Tử, ở học đường và ở trong gia đình huyết thống của em nên Gia Đình Phật Tử phải can thiệp vào cả học đường và gia đình huyết thống. Nếu Gia Đình Phật Tử không giỏi, không hòa điệu, không có hạnh phúc thì làm sao có đủ tư cách để can thiệp vào hai nơi đó? Học đường là môi trường sinh hoạt của Oanh Vũ mà gia đình huyết thống cũng là môi trường sống của em Oanh Vũ. Nếu người Huynh Trưởng không làm được điều đó trong Gia Đình Phật Tử của mình, nếu người Huynh Trưởng không thực tập điều đó để chuyển hóa ngay trong gia đình huyết thống của mình, thì làm sao người Huynh Trưởng có thể giúp được em Oanh Vũ của mình, hay là em thiếu nam, thiếu nữ, thanh nam, thanh nữ của mình? Cho nên sứ mạng của Gia Đình Phật Tử rất rõ ràng. Ta phải thực tập ngay trong lòng Gia Đình Phật Tử để thành công. Rồi dùng sự thành công đó mà can thiệp vào từng gia đình đoàn sinh, để cho từng gia đình có thể thực tập được như vậy. Trong những ngày ở khóa tu này, khi chúng ta gặp nhau để pháp đàm, ta chỉ đàm luận về những cách thức, về những phương cách để có thể áp dụng phương pháp thực tập này mà thôi.
Năm Giới là thực tập chánh niệm, là thực tập thiền rất cụ thể, và điều chắc chắn là nếu một người hay một gia đình thực tập đúng theo Năm Giới thì người đó sẽ được bảo hộ và gia đình người đó sẽ không có tai nạn. Điều này rất rõ, thành ra nếu chúng ta cần làm một quảng cáo thì chúng ta làm như thế này: "Gia đình gặp khó khăn hả, có nguy cơ tan rã hả, tại sao không thử thực tập Năm Giới đi". Và tôi tin chắc là nếu gia đình nào mà trong đó tất cả mọi người đều thực tập theo đúng Năm Giới thì gia đình đó sẽ vững chãi liền lập tức. Không những một gia đình mà một quốc gia thực tập đúng theo Năm Giới thì quốc gia đó sẽ vững mạnh và tất cả những bạo lực, thèm khát, căm thù sẽ tan biến. Vì vậy cho nên bà phu nhân Patricia Ellsberg (Daniel Ellsberg-người đã phát hiện và công bố tập tài liệu: “Những tài liệu bí mật của Ngũ Giác Đài về chiến tranh Việt Nam”), sau khi nhận Năm Giới đã tuyên bố rằng Năm Giới không chỉ là sự thực tập của cá nhân mà cả đất nước này phải thực tập và thọ trì Năm Giới thì Hoa Kỳ mới có một tương lai tốt. Câu nói đó là câu nói được phát xuất từ trái tim của bà ta. Nếu trong gia đình mà cả cha, cả mẹ, cả con đều có niềm tin vững chãi vào Năm Giới và cùng nhau thực tập Năm Giới, thì chắc chắn gia đình đó không tan rã, sự hòa điệu của gia đình sẽ được tái lập lại, sự truyền thông giữa cha và mẹ, giữa cha và con sẽ được tái lập lại. Chắc chắn là như vậy.
Khôi phục tinh hoa của nền văn hóa dân tộc
Với sự thực tập Năm Giới cho chu đáo và sâu sắc, chúng ta có thể khôi phục được tinh hoa của nền văn hóa dân tộc, chúng ta có thể chuyển hóa được những nỗi khổ đau, chúng ta có thể tái lập được truyền thông, hòa bình, tin yêu cho gia đình của mình. Và khi làm được điều đó là ta cống hiến rất nhiều cho xã hội Tây phương. Chúng ta là những người xuất gia, những người tại gia, tu học theo pháp môn của đạo Bụt Việt Nam. Chúng ta đã qua Âu Châu, chúng ta đã qua Mỹ Châu, chúng ta đã cống hiến giáo lý của đạo Bụt, chúng ta đã tổ chức những khóa tu, chúng ta đã xuất bản kinh sách, chúng ta giúp cho hàng ngàn người, hàng chục ngàn người, hàng triệu người thấm nhuần được nền đạo lý dân tộc. Đó là chúng ta cống hiến văn hóa Việt Nam cho nhân loại, cho Tây phương. Chúng ta không nghèo đói như chúng ta tưởng mà chúng ta rất giàu về phương diện đạo đức và phương diện tâm linh. Mỗi người Việt chúng ta, dầu là đứng trong cương vị một người cha, một người mẹ hay là một người con thì chúng ta vẫn có sứ mạng đem hương sắc của nền văn hóa Việt Nam sang để mà cống hiến, đóng góp cho nền văn hóa này. Đó là biểu lộ sự biết ơn của chúng ta đối với đất nước này.
Tu học là hành động yêu nước chân thật
Thực tập theo Năm Giới đem lại an lành, hạnh phúc cho gia đình ta và bản thân ta là một hành động yêu nước sâu sắc nhất. Nếu ta không chuyển hóa được thân tâm, nếu ta không thiết lập lại được an lạc, hạnh phúc cho gia đình ta thì ta chỉ nói "yêu nước" thôi mà ta không làm được cái việc ấy. Cho nên tu học, theo tôi quan niệm, là hành động yêu nước chân thật và quan trọng nhất. Chúng ta nghĩ rằng ta có thể đem về cho quê hương những kỹ thuật, những kiến thức về khoa học để phục vụ cho quê hương, giúp cho quê hương về phương diện kinh tế, phương diện chính trị, phương diện ngoại giao. Điều đó nhiều người có thể làm được. Con người Việt Nam sau chiến tranh đã bị thương tích rất nhiều. Chúng ta bị đánh mất khả năng thương yêu truyền thống và chúng ta đánh mất rất nhiều hạnh phúc và hòa điệu. Tu tập để thiết lập lại hòa điệu, có được hạnh phúc đó tức là chúng ta đóng góp rất nhiều cho dân tộc. Sách của tôi hiện bây giờ đang được in ở Việt Nam rất nhiều và đồng bào rất hân hoan khi đọc đến những cuốn sách đó, nhiều băng giảng cũng đã được sang ra và đồng bào đang khao khát tu tập theo những phương thức đó. Chúng ta biết rằng tu học cũng là yêu nước, và có thể là một đường lối yêu nước rất thiết thực. Chúng ta không yêu nước bằng những lời tuyên bố, chúng ta yêu nước bằng đời sống hằng ngày. Chúng ta phải cùng nhau tổ chức những buổi tụng giới, những ngày tu quán niệm và tạo ra không khí như không khí hôm nay để chúng ta có thể thực tập nhìn sâu, và thấy được con đường của người lớn cũng như của người trẻ ở xã hội hôm nay.
Ngày hôm qua trong khóa tu cho người Mỹ, tôi đã truyền giới cho 360 người Hoa kỳ vào lúc sáng, có các thầy và các sư cô hộ niệm. Người Mỹ, rất nhiều người đã phát nguyện tiếp nhận Năm Giới tại vì họ biết, nếu không có Năm Giới thì không có cách nào khác hơn để giữ cho bản thân và gia đình được nguyên vẹn và tái lập lại được hạnh phúc. Quý vị nên biết rằng đạo gốc của họ là đạo Cơ Đốc trong khi đạo gốc của ta là đạo Bụt. Và quý vị cũng nên biết rằng người Tây phương khi thọ giới rồi thì họ quyết định làm theo, mà trong điều lệ của mình, thọ giới rồi ba tháng mà không tụng giới ít nhất một lần thì không còn hiệu nghiệm và liên hệ thầy trò cũng không còn nữa. Có người lỡ ba tháng quên không tụng niệm phải đi xin thọ giới lại. Chúng ta là con nhà Phật tử đã từ hơn 2000 năm nhưng chúng ta có được những quyết tâm như người Tây phương khi thọ trì Năm Giới không? Thọ trì Năm Giới là cả một cuộc cách mạng rất lớn trong cuộc đời. Họ đâu phải là người Phật tử, họ theo một truyền thống khác, truyền thống Do Thái Giáo hay Cơ Đốc Giáo nhưng nhìn chung họ đã đánh mất đức tin, vì vậy họ đau khổ, họ tìm tới Phật Pháp và họ thấy được Năm Giới không phải là những bắt buộc của một người thọ giới mà Năm Giới là những bông hoa của tuệ giác, Năm Giới là sự thực tập của 2000 năm nên họ đã quyết tâm thọ trì. Với trí tuệ của chúng ta, chúng ta thấy được rằng, nếu thực tập đúng theo Năm Giới và sống đúng theo Năm Giới thì chắc chắn là ta sẽ bảo vệ được bản thân, bảo vệ được gia đình và tái lập được sự hòa thuận trong gia đình. Cho nên quý vị hãy thử làm cái quảng cáo đó đi: ‘Lộn xộn trong gia đình hả? Gia đình sắp tan rã hả? Thực tập Năm Giới đi rồi coi’. Chúng ta nắm chắc phần thành công trong tay.
Tụng giới
Gia Đình Phật Tử có thể tổ chức tụng Năm Giới, không cần phải có quý thầy, quý sư cô. Chúng ta là những người trong truyền thống đạo Bụt, ta thực tập tụng kinh, niệm Bụt và hộ niệm nhưng mà ta rất cần phải thực tập Năm Giới. Vì vậy cho nên một trong những phận sự của Gia Đình Phật Tử là phải tổ chức những buổi tụng giới. Nếu quý vị xét lại những điều luật của Gia Đình Phật Tử thì quý vị thấy đã có tinh thần đó. "Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện". Giữ giới không phải chỉ nói rằng tôi giữ giới là đủ mà là phải thực tập từng giới, phải thực tập pháp đàm về giới và phải sống ngày đêm theo tinh thần giới đó. Ta nên sửa lại hai chữ "phát nguyện". Ta nên nói rằng: "Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã tiếp nhận." Tiếp nhận nghĩa là thọ giới. Ta đã tiếp nhận giới, ta phải hành trì giới. Vì vậy một trong những việc mà Gia Đình Phật Tử phải tổ chức là những buổi tụng giới và pháp đàm về giới. Phạm vi hoạt động của ta không chỉ đơn thuần là các em. Ta biết là các em có hoàn cảnh của các em nhưng lo cho môi trường của các em tức là lo cho gia đình và xã hội nên ta tổ chức luôn buổi tụng Năm Giới và các bậc phụ huynh sẽ tới tụng giới chung với ta. Buổi tụng giới được tổ chức khéo léo, trang nghiêm và linh động, do Gia Đình Phật Tử phụ trách; trong đó không những các em và chính bản thân ta tham dự mà phụ huynh các em cũng tham dự nữa. Thiếu nhi, Oanh Vũ cũng có giới của các em. Tuy các em chưa đến tuổi thọ trì Năm Giới nhưng các em cũng có giới của mình. Ta tổ chức tụng giới cho các em, tuy là tụng giới cho Oanh Vũ nhưng mà các anh, các chị và gia đình của các em cũng có mặt để yểm trợ. Chúng ta sẽ học phương pháp tụng giới rất trang nghiêm để năng lượng ở trong thân hùng hậu và tất cả mọi người trong buổi tụng giới sẽ cảm thấy cái năng lực của giới đi vào trong trái tim, đi vào trong cơ thể của mình và mỗi lần tụng giới như vậy đức tin của ta vững chãi thêm. Tụng giới cho Oanh Vũ, tất cả chúng ta cũng phải tham dự rồi sau khi các em Oanh Vũ đã được tụng giới thì một số các vị khác sẽ chăm sóc các em để tất cả những phụ huynh và đoàn sinh đã thọ Năm Giới cùng tụng Năm Giới. Chính Năm Giới đó sẽ bảo vệ chúng ta, chuyển hóa chúng ta và đưa chúng ta ra khỏi vũng lầy của khổ đau, chia rẽ, hận thù, bạo động vì Năm Giới là bản thân của Đức Thế Tôn, Năm Giới là Phật, là Pháp và là Tăng. Khi ta nói: Con về nương tựa Phật, con về nương tựa Pháp, con về nương tựa Tăng tức là quý vị quy y Tam Bảo; nhưng mà Tam Bảo trong Năm Giới là Tam Bảo rất cụ thể chứ không phải là một viễn tượng như là Phật, là Pháp, là Tăng nữa. Năm Giới là bản chất của Phật, bản chất của Pháp, bản chất của Tăng. Mặc dù ta nói là quy y Tam Bảo nhưng nếu ta thọ trì Năm Giới và sống theo Năm Giới thì lúc đó ta mới đang quy y Tam Bảo cụ thể nhất. Nếu ta tụng giới và sống theo tinh thần của Năm Giới, hành trì giới thì đó không phải là một lời tuyên bố nữa mà đó là đem Bụt, đem Pháp, đem Tăng vào đời sống hàng ngày và ta có chất liệu sống động của Bụt, của Pháp và của Tăng.
Nếu phụ huynh thực tập Năm Giới cho vững vàng, cố gắng dành thì giờ để tham dự vào những buổi sinh hoạt tụng giới và những ngày quán niệm do Gia Đình Phật Tử tổ chức, cộng tác với các em trong việc tổ chức tu học tại nhà thì đó là một sự yểm trợ rất lớn cho Gia Đình Phật Tử. Chúng ta chỉ xin có hai điều thôi: hành trì Năm Giới ở trong nhà, tham dự vào những buổi tụng giới và những ngày tu mà mình tổ chức. Ta không chỉ tổ chức cho các em tu mà ta cũng có thể tổ chức cho phụ huynh tu nữa và ta có thể làm được một phần nào các việc của các thầy và các sư cô. Nếu các thầy, các sư cô có khả năng tổ chức các khóa tu và làm hạnh phúc cho hàng trăm người, hàng ngàn người thì ta là Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, ta cũng có phạm vi hoạt động của ta và ta cũng có thể học được những phương pháp tổ chức khóa tu cho 50 người, 100 người, 200 người. Nếu quý vị có mặt ngày hôm qua ở miền Bắc tiểu bang New York trong khóa tu cho gần 1000 người Mỹ thì quý vị sẽ thấy niềm hoan lạc và năng lượng tu tập của đại chúng Hoa Kỳ lớn như thế nào. Họ tìm ra được con đường, họ có đức tin rất mạnh và họ đã phát nguyện thọ trì Năm Giới. Có tất cả là 360 người thọ giới, còn những người khác phần đông đều đã được thọ giới trong các khóa tu trước rồi. Ta cũng có thể tổ chức được các khóa tu. Không hẳn phải có thầy, có sư cô tới ta mới có thể tổ chức các khóa tu được. Có thầy, có sư cô thì sướng rồi bởi vì hình ảnh của người xuất gia rất là hiệu quả và có tác dụng rất tích cực trong khóa tu. Nhưng nếu không có các thầy, các sư cô thì ta vẫn có thể tổ chức những khóa tu như vậy. Ta tới Làng Cây Phong, tới tu viện Rừng Phong, tới Đạo Tràng Thanh Sơn, ta học cách tổ chức rồi tổ chức cho gia đình chúng ta tu. Gia đình ta tu thành công, có hạnh phúc, ta nắm vững kỹ thuật tổ chức rồi thì ta tổ chức cho gia đình các em tới tu chung với các em. Trong khóa tu ở New York vừa rồi, lễ truyền giới có 60 thiếu niên và 60 thiếu niên này đều được thọ trì Tam Quy hoặc Năm Giới hoặc Hai Lời Hứa. Các em lớn hơn 12 tuổi thì được thọ trì Năm Giới, các em nhỏ thì được phát nguyện thực tập Hai Lời Hứa và tất cả mọi người trong khóa tu đều có hạnh phúc. Nếu quý vị có mặt, quý vị sẽ thấy không khí hào hứng và hạnh phúc rất lớn của các thiền sinh nói trên.
Tại đoàn quán chúng ta thực tập tụng giới, tụng giới cho Oanh Vũ trước, sau đó cho ngành Thiếu. Trước hết ta tụng ‘Ba sự quay về nương tựa’ và ‘Hai lời hứa’ cho các em, sau đó ta cử người ra chơi với các em để chúng ta tụng tiếp Năm Giới.
Đạo Phật Của Tuổi Trẻ Đạo Phật Của Tuổi Trẻ - Thích Nhất Hạnh Đạo Phật Của Tuổi Trẻ