Chương 3
ôi không còn thấy lại chiếc Mini trắng nữa. Hai ngày sau, đúng hôm thứ Hai, người ta giao đến cho bố tôi một chiếc Rover đen có ghế bọc da màu đỏ đã rạn. Xe đó lớn hơn chiếc Mini ngày trước nhưng không được thoải mái bằng. Mùi xì gà lâu ngày bám đầy lớp bọc da, và ngồi sau chiếc Rover trong những chuyến đi dài bao giờ bọn tôi cũng say xe.
Sáng thứ Hai không chỉ có chiếc Rover đen tới. Tôi còn nhận được một lá thư.
Tôi bảy tuổi và chưa từng nhận được thư. Hôm sinh nhật, tôi nhận được thiệp của ông bà và của cô Ellen Henderson, cô bạn của mẹ mà tôi không quen. Vào ngày sinh nhật tôi, cô Ellen Henderson sống trong nhà lưu động thường gửi cho tôi một chiếc khăn tay. Tôi chẳng bao giờ nhận được thư. Dù vậy, mỗi ngày tôi vẫn ra kiểm tra hòm thư xem có gì cho mình không.
Thế rồi, sáng hôm ấy, tôi có thư thật.
Tôi mở nó ra nhưng không hiểu cái mình đang nhìn vào là gì nên cầm tới hỏi mẹ.
“Con trúng được Premium Bond* rồi,” mẹ nói.
“Vậy nghĩa là sao ạ?”
“Ngày con ra đời - đứa cháu nào ra đời cũng vậy - bà mua cho con một tấm trái phiếu Premium Bond. Khi họ quay số thì ta có thể trúng đến hàng ngàn bảng.”
“Con trúng hàng ngàn bảng sao?”
“Không đâu.” Mẹ xem mảnh giấy. “Con trúng được hai mươi lăm bảng.”
Tôi buồn vì không trúng được hàng ngàn bảng (tôi đã biết mình sẽ dùng số tiền đó để mua những gì rồi. Tôi sẽ mua một nơi rồi đến đó để được một mình, một hang dơi có lối vào khuất kín chẳng hạn), nhưng tôi sung sướng vì được sở hữu một gia tài vượt quá những gì mình đã tưởng tượng. Hai mươi lăm bảng. Một xu tôi mua được bốn viên kẹo Blackjack hay Fruit Salad bé tí: mỗi viên là một pha đinh*, mặc dù người ta không còn sử dụng đồng pha đinh nữa. Hai mươi lăm bảng, một bảng là hai trăm bốn mươi* xu mà một xu được bốn viên kẹo, vậy là... nhiều kẹo đến mức tôi khó mà hình dung được.
“Mẹ sẽ bỏ nó vào tài khoản tiết kiệm bưu điện cho con,” mẹ nói vậy làm những giấc mơ của tôi tan tành.
Sáng hôm ấy, tôi không có thêm được một viên kẹo nào cả. Dẫu sao thì tôi cũng giàu có rồi. Giàu hơn tôi ít phút trước những hai mươi lăm bảng. Tôi chưa bao giờ trúng được thứ gì, chưa bao giờ.
Tôi bảo mẹ cho tôi xem tờ giấy có ghi tên mình thêm một lần nữa trước khi mẹ cất nó vào túi xách tay.
Chuyện đó xảy ra sáng thứ Hai. Tới chiều, ông cụ Wollery, người cứ mỗi chiều thứ Hai và thứ Năm lại đến làm vườn một lúc (bà Wollery, bà vợ cũng già như ông và hay mang loại ủng cao su to tướng gần như trong suốt, thì thường đến vào những chiều thứ Tư để dọn dẹp), đang cuốc đất trong vườn rau thì đào lên được một cái lọ đầy những đồng một xu, nửa xu, ba xu và thậm chí cả đồng pha đinh. Không đồng xu nào có sau năm 1937 nên tôi bỏ cả buổi chiều lấy xốt nâu với giấm đánh mấy đồng xu cho sáng bóng lên.
Mẹ tôi bỏ lọ đồng tiền xưa lên bệ lò sưởi ở phòng ăn rồi nói mẹ nghĩ rằng một người sưu tầm đồng xu có thể bỏ ra vài bảng mà mua chỗ tiền xu đó.
Đêm ấy, tôi đi ngủ thật sung sướng và hào hứng. Tôi giàu rồi. Đã khám phá được kho báu bị chôn vùi. Thế giới này quả là một chốn tươi đẹp.
Tôi không nhớ những giấc mơ mở đầu ra sao. Nhưng giấc mơ là như vậy, phải không nào? Tôi biết là mình đang ở trường, trải qua một ngày tồi tệ, chạy trốn bọn con nít hay đánh và chửi tôi, nhưng chúng cũng tìm ra tôi đang nấp tít trong bụi đỗ quyên đằng sau trường, và tôi biết chắc đó chỉ là một giấc mơ thôi (nhưng trong mơ tôi lại không biết, nó hệt như thật) vì ông tôi đang đứng đấy với bọn chúng và bạn bè của ông, mấy ông già da dẻ xám ngoét và ho khọt khẹt. Họ cầm mấy cây bút chì nhọn hoắt mà hễ cứ đâm vào là sẽ hút máu ta. Tôi chạy trốn, nhưng mấy ông già và mấy thằng to con ấy lại nhanh hơn tôi, thế rồi bọn họ đuổi kịp khi tôi trốn vào một buồng nhỏ trong dãy phòng vệ sinh nam. Bọn họ đè cổ tôi xuống, cạy miệng tôi ra.
Ông tôi (nhưng đó không phải ông tôi: thật ra, đó là hình nhân bằng sáp của ông tôi, quyết đem bán tôi cho bên giải phẫu) cầm thứ gì đó nhọn hoắt và loang loáng, rồi mấy ngón tay múp míp của ông tọng nó vào miệng tôi. Nó cứng, bén và quen quen, rồi nó làm tôi sặc và nghẹn. Miệng tôi đầy vị kim khí.
Đám người trong nhà vệ sinh nam nhìn tôi bằng cặp mắt độc ác, đắc thắng, còn tôi thì cố sao để không mắc nghẹn cái thứ trong họng, quyết không cho bọn họ được hả hê.
Tôi tỉnh dậy thì thấy mình đang bị nghẹn.
Tôi không thở được. Trong cổ họng tôi có cái gì đó cứng và bén, nó làm tôi không thở hay kêu lên được. Từ lúc tỉnh dậy, tôi ho sặc sụa, nước mắt giàn giụa trên má, nước mũi chảy lòng thòng.
Tôi tuyệt vọng, hốt hoảng và quyết tâm thọc sâu hết mức mấy ngón tay vào miệng. Tôi đưa đầu ngón trỏ sờ thấy cạnh của cái gì đó cưng cứng, để ngón giữa lên mặt kia của nó, tự mắc nghẹn, rồi kẹp chặt hai ngón tay móc thứ tôi không biết là gì trong cổ họng ra.
Tôi há miệng thở hổn hà hổn hển rồi gần như nôn lên tấm trải giường, khạc ra đám nước dãi trong veo lấm tấm máu do cái thứ đó đã cứa rách cổ họng khi tôi moi nó ra.
Tôi không nhìn thứ đó. Tôi nắm chặt cái thứ nhầy cả đờm và nước dãi đó trong tay. Tôi không muốn nhìn nó. Tôi không muốn nó tồn tại, cây cầu nối giữa giấc mơ và cõi thực của tôi.
Tôi chạy qua hành lang đến phòng tắm ở đầu kia căn nhà. Tôi súc miệng, uống nước từ ngay vòi nước lạnh, rồi khạc máu đỏ vào chậu rửa trắng, chỉ khi xong xuôi, tôi mới ngồi bên thành bồn tắm màu trắng và xòe tay ra. Tôi thấy sợ.
Nhưng thứ trong tay tôi - thứ đã ở trong họng tôi -không có gì đáng sợ. Đó là một đồng xu: một đồng silinh bạc.
Tôi quay về phòng ngủ. Tôi thay đồ, lấy khăn mặt ướt cố chùi thật sạch chỗ mình vừa khạc ra trên tấm trải giường. Tôi hy vọng tấm trải giường sẽ kịp khô cho tôi ngủ đêm đó. Rồi tôi đi xuống nhà dưới.
Tôi muốn kể cho ai đó nghe chuyện đồng silinh nhưng không biết nói với ai. Tôi hiểu người lớn đủ để biết rằng tôi mà nói cho họ nghe chuyện xảy ra thì họ sẽ không tin tôi. Dù gì thì khi tôi nói thật, dường như chẳng mấy khi người lớn tin. Sao họ lại phải tin lời tôi về chuyện kỳ lạ như vậy?
Nhỏ em tôi đang chơi trong vườn sau với mấy đứa bạn. Khi thấy tôi, nó giận dữ chạy lại. Con bé nói, “Em ghét anh. Khi nào bố mẹ về, em mách bố mẹ cho xem.”
“Gì chứ?”
“Anh biết mà,” con bé nói. “Em biết đó là anh.”
“Anh làm sao?”
“Ném tiền xu vào em. Vào tất cả bọn em. Từ trong bụi rậm. Chuyện đó đúng là xấu xa.”
“Nhưng anh đâu có làm.”
“Đau lắm.”
Con bé quay lại với đám bạn, rồi cả bọn trừng mắt nhìn tôi. Cổ họng tôi có cảm giác đau rát và rách bươm.
Tôi đi xuống lối vào nhà. Tôi không biết mình định đi đâu - tôi chỉ không muốn ở đấy nữa.
Lettie Hempstock đang đứng ở cuối lối vào, dưới mấy cây hạt dẻ. Trông như thể cô bé đã chờ cả trăm năm rồi và có chờ thêm một trăm năm nữa cũng được. Cô bé mặc chiếc váy trắng, nhưng ánh sáng xuyên qua những chiếc lá non mùa xuân trên cây dẻ nhuộm nó thành màu xanh lá.
Tôi nói, “Chào chị.”
Cô bé hỏi, “Em gặp ác mộng, đúng không?”
Tôi lấy đồng silinh trong túi ra đưa cho cô bé xem. “Em bị mắc nghẹn cái này,” tôi bảo cô bé. “Khi em tỉnh dậy. Nhưng em không biết sao nó lại ở trong miệng mình. Nếu có ai bỏ nó vào miệng em thì em đã thức giấc rồi. Khi em tỉnh dậy thì nó cứ thế ở trong đó thôi.”
“Ừ,” cô bé nói.
“Nhỏ em của em nói là em nấp trong bụi ném đồng xu vào tụi nó, nhưng em không làm thế.”
“Phải,” cô bé đồng tình. “Em không làm thế.”
Tôi hỏi, “Chị Lettie? Đang có chuyện gì vậy?”
“Ồ,” cô bé nói, như thể chuyện đó đã hiển nhiên rồi. “Có kẻ đang cố phát tiền cho thiên hạ, chỉ vậy thôi. Nhưng nó làm ăn chán quá, nó đang khuấy động những thứ đáng ra phải im ngủ quanh đây. Mà chuyện đó thì không hay.
“Chuyện này có liên quan gì đến cái ông đã chết không?”
“Có liên quan tới ông ta. Phải.”
“Ông ta đang làm chuyện này sao?”
Cô bé lắc đầu. Rồi cô bé hỏi, “Em ăn sáng chưa?”
Tôi lắc đầu.
“Được rồi,” cô bé nói. “Đi nào.”
Chúng tôi cùng bước xuôi đường làng. Ngày ấy, đây đó dọc đường làng có mấy túp nhà, và khi chúng tôi đi ngang qua, cô bé chỉ về mấy ngôi nhà đó. “Trong nhà ấy,” Lettie Hempstock nói, “có một ông nằm mơ thấy mình bị đem bán và bị biến thành tiền. Giờ thì ông ta bắt đầu thấy thứ này thứ nọ trong gương.”
“Những thứ kiểu gì?”
“Chính ông ta. Nhưng có ngón tay từ hốc mắt thò ra. Rồi thì những thứ trong miệng bò ra. Như càng cua ấy.”
Tôi nghĩ về những người soi gương thấy miệng mình có càng cua thò ra. “Sao em lại bắt được đồng silinh trong cổ họng?”
“Ông ta muốn mọi người có tiền.”
“Ông thợ mỏ đá mắt mèo hả? Ông ta chết trong xe sao?”
“Phải. Gần như vậy. Không hẳn. Ông ta đã châm ngòi cho tất cả những chuyện này, kiểu như là người châm ngòi pháo hoa ấy. Cái chết của ông ta đã châm mồi lửa. Cái thứ ngay lúc này đang bùng nổ thì không phải ông ta. Đó là người khác. Thứ gì khác.”
Cô bé đưa bàn tay bê bết bụi đất lên dụi cái mũi lấm tẩm tàn nhang.
“Trong nhà kia có một bà hóa điên,” cô bé kể tôi nghe, và tôi chẳng hề có ý nghi ngờ cô bé. “Bà ta giấu tiền dưới nệm. Giờ thì bà ta không chịu ra khỏi giường, sợ biết đâu có người lấy trộm mất.”
“Làm sao chị biết?”
Cô bé nhún vai. “Khi ở quanh đây được ít lâu, ta sẽ dần dà biết chuyện này chuyện kia.”
Tôi đá hất một hòn đá. “Chị nói ít lâu nghĩa là một quãng thời gian thật dài hả?”
Cô bé gật đầu.
“Thật ra thì chị mấy tuổi rồi?” tôi hỏi.
“Mười một.”
Tôi ngẫm nghĩ một lát. Rồi tôi hỏi, “Chị mười một tuổi được bao lâu rồi?”
Cô bé nhoẻn miệng cười với tôi.
Chúng tôi đi ngang qua trang trại nhà Caraway. Mấy chủ trại mà một ngày nọ tôi sẽ được biết là bố mẹ của Callie Anders đang đứng trong sân quát tháo nhau. Họ ngừng lại khi thấy chúng tôi.
Khi chúng tôi đi vòng qua một khúc quanh trên đường làng và đã khuất tầm mắt của họ, Lettie nói, “Mấy người đó thật tội nghiệp.”
“Sao họ lại tội nghiệp?”
“Vì họ đang gặp rắc rối về tiền bạc. Sáng nay, ông ta nằm mơ thấy bà ta... bà ta làm những chuyện xấu xa. Để kiếm tiền. Nên ông ta lục lọi túi xách tay của bà ta và thấy rất nhiều tờ mười silinh gấp lại. Bà ta nói không biết tiền ở đâu ra, nhưng ông ta không tin. Ông ta không biết phải tin vào cái gì.”
“Tất cả những cãi cọ và chiêm bao đó. chúng đều là về chuyện tiền bạc, phải không?”
“Chị không rõ,” Lettie nói, lúc ấy cô bé trông như người lớn đến mức tôi gần như thấy sợ cô bé.
“Dù là chuyện gì đi nữa,” cuối cùng cô bé nói, “thì cũng giải quyết được hết.” Cô bé thấy mặt tôi lúc ấy có vẻ lo âu. Thậm chí sợ hãi. Thế là cô bé nói, “Ăn bánh rán xong hẵng hay.”
Lettie rán bánh cho cả hai đứa bằng khay kim loại to trên bếp lò. Bánh được rán mỏng dính, xong bánh nào là Lettie lại vắt chanh vào bánh ấy, bỏ một miếng mứt mận vào giữa rồi cuộn chặt lại như điếu xì gà. Khi đã đủ bánh, chúng tôi ngồi vào bàn bếp mà ăn ngấu nghiến.
Trong căn bếp đó có một cái lò sưởi, trong lòng lò sưởi vẫn còn âm ỉ tro tàn từ đêm trước. Căn bếp đó là một chốn thân tình, tôi nghĩ vậy.
Tôi nói với Lettie, “Em thấy sợ.”
Cô bé mỉm cười với tôi. “Chị sẽ lo sao cho em được an toàn. Chị hứa. Chị thì không sợ đâu.”
Tôi vẫn còn sợ, nhưng không sợ như trước nữa. “Rùng rợn quá.”
“Chị nói là chị hứa rồi mà,” Lettie Hempstock nói. “Chị sẽ không để người ta làm hại em.”
“Hại ư?” một giọng nói cao vút, khào khào lên tiếng. “Ai bị hại? Cái gì bị hại? Sao ai lại phải bị hại?”
Đó là bà Hempstock, hai tay bà nắm tạp dề, giữa vạt tạp dề trũng xuống có nhiều hoa thủy tiên vàng đến mức ánh sáng hắt lên mặt bà vàng rực, căn bếp thì dường như tắm đẫm trong thứ ánh sáng vàng.
Lettie nói, “Có thứ gì đó đang tác oai tác quái. Nó phân phát tiền cho mọi người. Trong giấc mơ và trong đời thực.” Cô bé đưa đồng silinh của tôi cho bà xem. “Sáng nay khi thức dậy, bạn cháu thấy mắc nghẹn đồng silinh này.”
Bà Hempstock bỏ tạp dề lên bàn bếp, lẹ làng trút mớ hoa thủy tiên vàng trong tạp dề ra mặt bàn bằng gỗ. Rồi bà cầm lấy đồng silinh Lettie đưa. Bà nheo mắt nhìn, hít ngửi nó, chà lên nó, nghe ngóng nó (hay ít nhất cũng cầm nó đưa lên tai) rồi thè đấu lưỡi tím lịm ra liếm.
“Nó mới keng,” cuối cùng bà nói. “Trên đó ghi năm 1912, nhưng hôm qua nó vẫn chưa tồn tại.”
Lettie nói, “Cháu đã biết nó có gì là lạ rồi mà.”
Tôi ngước nhìn bà Hempstock. “Làm sao mà bà biết ạ?” “Hỏi hay đấy, cháu ạ. chủ yếu là nhờ sự phân rã electron. Ta phải nhìn thật kỹ các thứ mới thấy được electron. Đó là thứ tí tẹo, xinh xinh trông như những nụ cười bé xíu. Nơtron thì xám xịt và trông như cái nhíu mày. Mấy electron này đều tươi cười hơi nhiều một tí nên không thể là năm 1912 được, nên ta mới kiểm tra mặt có chữ và mặt có đầu ông vua đời xưa thì thấy chỗ nào cũng hơi quá cứng và bén một tí. Ngay cả ở chỗ bị mòn thì cũng như thể nó bị làm cho mòn đi vậy.”
“Hẳn là mắt bà tinh tường lắm,” tôi nói với bà. Tôi thấy ấn tượng. Bà trả đồng xu lại cho tôi.
“Không còn tinh tường như xưa nữa, nhưng mà, khi nào cháu đến tuổi ta, mắt cháu cũng sẽ không còn được tinh tường như trước nữa.” Rồi bà bật cười hô hố như thể vừa nói điều gì buồn cười lắm.
“Vậy là bà bao nhiêu tuổi ạ?”
Lettie nhìn tôi nên tôi lo mình đã nói gì vô lễ. Khi thì người lớn không thích bị hỏi tuổi, khi thì họ thích. Theo kinh nghiệm của tôi, người già thích được hỏi tuổi. Họ lấy làm tự hào về tuổi tác của mình. Bà Wollery đã 77 tuổi, còn ông Wollery thì 89, vậy nên họ rất thích cho chúng tôi biết tuổi.
Bà Hempstock đi lại tủ chén, lấy ra mấy lọ cắm hoa đủ màu. “Khá già rồi,” bà nói. “Ta còn nhớ ngày mặt trăng được tạo ra nữa kia.”
“Chẳng phải mặt trăng vẫn luôn ở đó hay sao ạ?”
“Khổ thân cháu. Làm gì có chuyện ấy. Ta nhớ ngày mặt trăng ra đời. Bọn ta nhìn lên trời - thời ấy, ở đây chỉ toàn màu nâu bẩn và xám xịt như bồ hóng, không xanh lam xanh lá gì cả...” Bà đứng bên chậu rửa, hứng lưng lửng nước vào mỗi lọ hoa bên chậu rửa. Rồi bà lấy một cây kéo dùng trong bếp đã đen sì, hớt bớt một phân của từng cuống hoa thủy tiên vàng.
Tôi hỏi, “Bà có chắc là không phải hồn ma ông đó đang làm chuyện này không ạ? Bà có chắc chúng ta không bị ma ám không?”
Cả Lettie và bà cụ đều cười nên tôi thấy mình thật ngớ ngẩn. Tôi nói, “Con xin lỗi ạ.”
“Ma không biết làm ra thứ này thứ nọ đâu,” Lettie nói. “Chúng còn chẳng giỏi dời chỗ đồ vật nữa là.”
Bà Hempstock nói, “Đi gọi mẹ cháu đi. Nó đang giặt đồ đấy.” Rồi bà nói với tôi, “Cháu sẽ giúp ta cắm hoa.”
Tôi giúp bà cụ cắm hoa vào lọ, rồi bà hỏi ý tôi xem nên đặt mấy lọ hoa ở đâu trong bếp. Hai bà cháu đặt mấy lọ hoa ở những chỗ tôi gợi ý, vậy nên tôi cảm thấy mình quan trọng cực kỳ.
Mấy bông thủy tiên vàng như những vạt nắng khiến căn bếp gỗ tối màu ấy còn tươi vui hơn nữa. Sàn lát gạch đỏ. Tường sơn trắng.
Bà cụ đưa tôi một miếng sáp ong lấy từ tổ ong của nhà Hempstock, để nó trên chiếc đĩa nhỏ nứt nẻ rồi rưới lên chút kem đựng trong cái bình nhỏ. Tôi lấy thìa xúc ăn, nhai miếng sáp ong như kẹo cao su, để mật tràn vào miệng, ngọt và deo dẻo dư vị hoa dại.
Khi tôi đang vét miếng kem và mật sau cùng trên đĩa thì Lettie cùng mẹ cô bé bước vào bếp. Bác Hempstock vẫn còn mang đôi ủng cao su to tướng, sải bước vào như thể đang gấp gáp lắm. “Mẹ!” bác kêu lên. “Sao mẹ lại cho thằng bé ăn mật. Mẹ làm nó sâu răng mất.”
Bà Hempstock nhún vai. “Ta sẽ nói với lũ ngọ nguậy trong miệng nó một tiếng,” bà nói. “Bảo chúng để cho răng thằng bé được yên.”
“Mẹ đâu thể sai khiến vi khuẩn như vậy được,” bác Hempstock nói. “Chúng không thích vậy đâu.”
“Nói bậy,” bà cụ nói. “Ta mà để yên cho lũ ngọ nguậy đó thì chúng sẽ mặc sức làm tới cho xem. Phải cho chúng thấy ai là chủ rồi thì chúng sẽ hăm hở lấy lòng ta. cháu đã nếm phô mai của ta rồi.” Bà quay qua tôi. “Phô mai ta làm giành được huy chương đấy. Huy chương cơ đấy. Thời đức vua cũ, có những kẻ phải phi ngựa cả tuần để mua một khoanh phô mai của ta. Họ nói chính nhà vua cũng ăn nó với bánh mì, còn các con trai của ngài, hoàng tử Dickon với hoàng tử George và thậm chí hoàng tử bé John, thì cam đoan đó là thứ phô mai thượng hảo hạng chúng từng được nếm...”
“Bà à,” Lettie nói và bà cụ dừng phắt giữa chừng.
Mẹ Lettie nói, “Con sẽ cần một cây đũa thần bằng gỗ phỉ. Và,” bác nói thêm, có phần hồ nghi, “ta nghĩ con cứ dẫn thằng bé theo. Đó là đồng tiền của nó nên nếu thằng bé đi cùng con thì sẽ dễ cầm hơn. Là thứ mụ ta đã làm mà.”
“Mụ ta ư?” Lettie hỏi.
Cô bé đang cầm con dao nhíp có cán bằng sừng thú, lưỡi dao xếp lại.
“Có mùi vị như một con mụ,” mẹ Lettie nói. “Hãy nhớ là mẹ cũng có thể sai.”
“Đừng dẫn thằng bé theo,” bà Hempstock nói. “Ấy là chuốc lấy phiền phức đấy.”
Tôi thấy thất vọng.
“Bọn cháu sẽ không sao đâu,” Lettie nói. “Cháu sẽ lo cho nó. Cho cả hai đứa cháu. Đây sẽ là một chuyến phiêu lưu. Và thằng bé sẽ là bạn đường. Bà nhé?”
Tôi ngước lên nhìn bà Hempstock đầy hy vọng rồi chờ đợi.
“Mọi chuyện mà có trở nên bất ổn thì đừng bảo rằng ta chưa cảnh báo cháu đấy nhé,” bà Hempstock nói.
“Cảm ơn bà. Cháu sẽ không làm vậy đâu. cháu cũng sẽ cẩn thận.”
Bà Hempstock khịt mũi. “Giờ thì đừng có làm chuyện gì ngu ngốc. Thận trọng đến gần nó. Trói nó, chặn hết mọi lối của nó, cho nó ngủ im trở lại.”
“Cháu biết rồi,” Lettie nói. “Cháu biết hết mấy chuyện đó mà. Thật đấy. Bọn cháu sẽ ổn thôi.”
Cô bé nói vậy. Nhưng chúng tôi không ổn tí nào.
Đại Dương Cuối Đường Làng Đại Dương Cuối Đường Làng - Neil Gaiman Đại Dương Cuối Đường Làng