Chương 3
hương 3.1
Đó là một mùa hè dài đằng đẵng với tôi. Từ khi bắt đầu ôm cặp đi học đến nay, tôi đã trải qua biết bao nhiêu mùa hè nhưng chưa có năm nào tôi mongcho mùa hè trôi nhanh đến vậy.
Tôi chán tiếng ve kêu. Tôi chán ngắm hoa phượng dù đó là loài hoa tôi yêu nhất trên đời. Tôi giấu bức tranh nhỏ Thắm vào giữa chồng tập, thỉnh thoảng lại lôi ra ngắm. Ngắm tới ngắm lui, tôi vẫn chẳng thấy nhỏ Thắm xinh tẹo nào. Nó chẳng xinh, mà sao tôi nhớ nó quá thể. Có lẽ tôi nhớ miệng cười của nó. Nhớ những lúc nó lơ đãng chống cằm trong giờ học bị cô Sa la hoài. Nhớ những câu hỏi lằng nhằng của nó nữa.
Tôi mỉm cười ôn lại trong đầu cảnh nó lẽo đẽo theo tôi chỉ để hỏi đi hỏi lại mỗi câu ”Đăng sợ chết sao Đăng liều mạng cứu mình?” khiến tôi phát bực.
Nó ngốc ghê! Ai mà chẳng sợ chết nhưng thấy bạn lâm nguy thì mình phải cứu chứ. Các cao thủ vô lâm trong truyện Kim Dung chẳng làm vậy là gì!
Tôi lại nghĩ vẩn vơ nhớ đến đôi giày xanh của nó. Chẳng biết về quê ngoại,nó có đem đôi giày xanh theo không. Tôi hy vọng nó đem theo và khi mang đôi giày đó, nó sẽ nhớ đến tôi. Nghĩ ngợi lan man một buổi, thấy cuộc đời sao mà buồn tẻ quá, tôi lại chạy qua chùa Giác Nguyên.
Nhưng xem chú tiểu Khôi vẽ tranh hoài cũng chán. Một tháng trước khi nhập học, tôi siêng năng chạy xuống chơi nhà nội tôi.
Cất nhà trong khu đất của ông Cửu Năm còn có nhà ông Hoạch. Nhà ông ngay cạnh nhà bà tôi. Ông Hoạch có hai đứa con gái. Đứa lớn là nhỏ Lan, học cùng lớp với tôi. Đứa em nhỏ là Phượng, kém chị một tuổi nên học sau tôi một lớp.
Nhà ông Hoạch có cây khế ngọt mọc cạnh bờ rào, xum xuê trái. Lần nào thấy tôi qua chơi, nhỏ Phượng cũng nhờ tôi trèo cây hái trái cho nó.
- Sao mày không tự trèo? Cây khế này đâu có cao!
- Mẹ em không cho em trèo. Mẹ nói con gái không được trèo cây.
- Con gái con trai gì trèo cây chẳng được.
Tuy nói vậy, tôi vẫn bám cây trèo lên hái khế liệng xuống cho nhỏ Phượng chụp.
Nhỏ Phượng có vẻ mến tôi. Có lẽ vì nó không có anh trai. Bây giờ tự dưng có người con trai ở đây trờ tới và sẵn sàng nghe lời xúi giục của nó, chắc nó sung sướng lắm.
Giống như nhỏ Thắm, nước da nhỏ Phượng giống hệt trái bồ quân người ta vẫn xâu thành chuỗi bày bán ngoài chợ. Nhiều lúc tôi tự cốc đầu lần thần nhủ bụng: Có phải tôi chỉ thích chơi với mấy đứa con gái da ngăm?
Tôi không phủ nhận tôi thích chơi với Phượng vì nó giống nhỏ Thắm. Chơi với Phượng, tôi thấy lòng bớt trống trải. Tôi thấy bớt nhớ nhỏ Thắm hơn một chút trong những ngày tiếng ve đã bắt đầu thưa thớt và một buổi sáng thức dậy tôi ngỡ ngàng nhận ra dàn đồng ca trên những cành cây cao đã biến thành song ca, rồi đơn ca, rồi đến một ngày chú ve cuối cùng xếp lại chiếc vĩ cầm mỏng manh để lặng lẽ giã từ mùa hạ.
Nhỏ Lan không biết tôi thích nhỏ Phượng. Nó tưởng tôi thích nó. Mỗi lần gặp tôi, má nó ửng hồng và bẽn lẽn quay mặt đi chỗ khác. Tôi biết nhỏ Lan đã chỉ vờ ra vẻ thế thôi. Vì gần đây tôi thấy nó hay lên nhà tôi chơi với chị Hoài, chuyện chưa từng xảy ra trước đó. Lý do của nó mới chính đáng làm sao: khi thì nó xách theo xấp bánh tráng nướng, khi thì một chùm bánh ú. Nó bảo bà nội tôi nhờ nó cầm lên cho chị Hoài. Tôi và nhỏ Lan học chung với nhau bao nhiêu năm, chả bao giờ tôi thấy nó, nó đột ngột nhiệt tình quá mức.
Về sau tôi phát giác có những thức ăn do bà tôi gửi lên thật, nhưng xen vào đó là những thứ chè ngọt do nhỏ Lan tự nấu. Nhưng tôi chẳng nói gì, sợ nó xấu hổ. Tôi thản nhiên ăn chè của nó và tiếp tục chạy xuống nhà chơi với em gái nó.
Chú tiểu Khôi thấy tôi dạo này ít chạy qua chùa giác Nguyên, lấy làm ngạc nhiên lắm.
Một hôm gặp tôi trước sân trường Bồ Đề, chú ngoắt lại:
- Dạo này sao tôi không thấy Đăng qua chùa chơi?
- Tôi ở nhà ôn bài - Tôi phịa.
- Ôn cái mốc xì! - Chú tiểu Khôi bĩu môi- Tôi qua nhà tìm Đăng mấy lần, có nào thấy Đăng ở nhà đâu!
- Tôi ôm tập xuống nhà bà nội ngồi ôn.
- Đăng xuống đó ôn chung với nhỏ Lan hả?
Chú tiểu Khôi làm tôi giật thót. Chắc chú nhìn thấy nhỏ Lan lên nhà tôi mấy ngày gần đây.
Tôi nghiêm mặt:
- Chú đừng có đoán mò.
Tự nhiên chú tiểu Khôi:
- Đăng hết nhớ nhỏ Thắm rồi hả?
- Sao chú hỏi vậy?- Tôi nhìn chú, giọng cảnh giác.
Chú tiểu Khôi tinh quái:
- Tôi đọc ở đâu đó, ngừoi ta bảo khi mình chơi với người con gái này mình sẽ quên ngay người con gái khác.
- Chú đọc toàn thứ linh tinh! - Tôi hừ mũi - Chú lo vẽ tranh Phật đi kìa!
Nói xong, tôi co giò chạy thẳng một mạch xuống nhà... bà nội tôi.
o O o
Chương 3.2
Tôi đâu có quên nhỏ Thắm. Tôi vẫn nhớ nó quá chừng đó chứ. Bằng chứng là có không ít lần tôi nằm mơ thấy nó. Tôi thấy tôi và nó hớn hở dắt tay nhau đi vô con suối ở xóm Trong, bì bõm lội từ bờ bên này sang bờ bên kia để hái hoa dong riềng rồi mỗi đứa cầm một nhành hoa đỏ ối trên tay đi lang thang trên đồng có suốt cả buổi chiều gió lộng. Sau những đêm nằm mộng, khi tỉnh giấc tôi thường bắt gặp mình bần thần một lúc lâu và trong đầu luôn mọc ra câu hỏi: Có bao giờ nhỏ Thắm cũng nằm mơ thấy tôi như tôi nằm mơ thấy nó không nhỉ? Tôi hỏi và tôi tự trả lời. Chắc là có!
Tôi thích chơi với nhỏ Phượng không có nghĩa là tôi thích nó cùng một kiểu như tôi thích nhỏ Thắm. Tôi xem nhỏ Phượng như em gái và tôi chắc nó cũng xem tôi như anh trai. Tôi không có em gái, tôi chỉ có chị. Chị Hoài rất thương tôi nhưng chị hay cấm tôi làm chuyện này chuyện nọ. Sau này chơi thân với nhỏ Thắm, tôi mới tìm thấy sự thảnh thơi bên một người con gái.
Đó cũng là điều tôi cảm nhận được khi ở cạnh nhỏ Phượng.
Chú tiểu Khôi không biết tâm trạng của tôi. Chú tưởng tôi ”thay lòng đổi dạ". Nhỏ Thắm cũng nghĩ như chú nên có lần nó lạnh lùng tuyên bố ”Mình không thích Đăng ngày nào cũng xuống chơi với chị em nhỏ Lan đâu".
Nhưng đó là chuyện sau này. Còn ngày nhỏ Thắm quay về thị trấn, nó làm tôi hoang mang ghê gớm.
Sau một mùa hè, nó xinh hẳn ra. Tôi không biết ở Chiêu Đàn bà ngoại nó cho nó ăn thứ gì mà khi gặp lại tôi thấy nó không hề giống nhỏ Thắm ngày nào. Tóc nó khác, nước da nó khác, gương mặt nó khác, đôi mắt nó khác, đôi môi nó khác, nói chung thứ gì cũng khác. Nó lột xác như ve sầu khiến tôi không dám lại gần. Tôi chỉ đứng xa xa nhìn trộm nó. Chỉ khi nó quay sang cười với tôi thì tôi mới gặp lại nét quen thuộc của cô bạn cũ.
Nhỏ Thắm cười với tôi hôm khai trường nhưng hôm sau khi tôi ghé nhà rủ nó đi học thì nó lắc đầu:
- Đăng đi trước đi!
Nhỏ Thắm làm tôi ngạc nhiên quá. Bẽ bàng nữa. Vì từ trước đến nay, nó chưa từng từ chối tôi. Tôi không rủ nó đi học, nó còn hờn dỗi trách móc
"Đăng xấu quá". Vậy mà bây giờ nó giục tôi đi trước.
Lên lớp Chín, cô Ngại chủ nhiệm cao hứng xếp con gái ngồi riêng con trai ngồi riêng nên tôi không còn ngồi cạnh nhỏ Thắm để hỏi nó tại sao nó không muốn đi chung với tôi nữa. Tôi đành tự an ủi ủi: Chắc sáng nay nó bận việc gì đó nên không đi học sớm được.
Hoá ra tôi đã lầm. Ngày hôm sau lặp lại y hệt ngày hôm trước. Chỉ khác chút xíu: người bước ra cửa hàng không phải là nhỏ Thắm mà là mẹ nó.
- Con đi trước đi!
Mẹ nó bằng giọng dịu dàng nhưng tôi tưởng như bà đang chất đá vào lòng tôi. Và khi bà nói tiếp thì tôi nghe như sét nổ bên tai
- Từ nay con đừng ghé rủ bạn Thắm đi học nữa nha con!
Có lẽ khi không còn câu gì để nghe nữa trên cõi đời này thì tôi vẫn không nghe câu mẹ nhỏ Thắm vừa rót vào tai tôi một chút xíu nào. Có cái gì đó như là sự xấu hổ, nỗi tủi thân, niềm tuyệt vọng, tất cả trộn lẫn vào nhau bơm thành một quả bóng căng phồng trong ngực tôi khiến tôi muốn tức thở.
Khi bước đi, tôi nghe khoé mắt cay xè, chiếc cặp đột ngột nặng trĩu trên tay. Mùa hè qua tôi nhớ nhỏ Thắm biết bao, tôi mong ngóng nó từng ngày nhưng ngay khi về thị trấn nó bất ngờ tặng tôi nỗi buồn quá lớn.
Tôi không hiểu tại sao mẹ nhỏ Thắm lại cấm tôi rủ nó đi học, khi mà chúng tôi đã sánh bước bên nhau bao nhiêu năm trời. Hay là bà nhận ra năm nay hai đứa tôi đã lớn? Bà e răng tình bạn của chúng tôi đã không còn giống ngày thơ bé. Bà sợ sự thân thiết giữa tôi và nhỏ Thắm sẽ làm nảy nở thứ tình cảm khác lạ mà theo bà là chưa đến lúc, nhất điều đó sẽ làm cho con gái bà xao nhãng chuyện học hành. Ờ, chắc vậy. Nếu không, bà đã không khắt khe với bạn của con bà đến thế.
Nghĩ vậy, tôi nguôi nguôi được chút. Chỉ một chút thôi, như hớt một lớp váng mỏng bên trên khối sầu trong tâm hồn đứa con trai mới lớn. Cho nên mặt tôi vẫn dàu dàu. Tôi từ giã con đường đi ngang nhà nhỏ Thắm. Tôi không muốn kỷ niệm níu chân tôi. Mỗi sáng, thay vì luồn chợ, tôi đi đường vòng dù vì vậy mà đường đến trường xa hơn.
Để khoả lấp nỗi buồn, tôi quay lại tiệm cho thuê truyện của chú Lãm.
Thấy tôi ôm cặp bước vào, chú Lãm huơ cây nạng toét miệng cười:
- Lâu quá mới gặp con.
- Dạ.
- Con đã ra chàng thanh niên rồi.
- Dạ.
- Từ đây con đến đây nằm đọc truyện chắc không còn bị chị cấm cản?
Tôi lễ phép:
- Thưa chú, con đặt cọc để thuê sách về nhà.
Lớp Chín khác lớp Bảy. Nam sinh lớp Chín không thể lúc nào cũng túi rỗng tiền. Mặc dù tiền tôi kiếm được toàn theo phương pháp” hắc đạo". Một năm trước đây, ba tôi mua về một cái tủ lạnh chạy bằng dầu hoả. Mẹ tôi và chị Hoài pha xi rô cho vào từng túi ni lông nhỏ rồi bỏ vào ngăn đá, bán cho tụi học trò trường Bồ Đề cạnh nhà. Tiền thu được, chị Hoài bỏ vào con heo đất đặt trên đầu tủ lạnh. Chỉ cần một cây kim gút bay một cọng kẽm thò vào rãnh hẹp ở bụng heo, tôi khếu tiền giấy lẫn tiền xu nhanh như chớp.
- Con thuê truyện của Kim Dung hay Cổ Long? - Chú Lãm hỏi tôi.
- Dạ, con thuê truyện Quỳnh Dao.
- Chà, chú bé năm nào đã biết yêu rồi!
Chú Lãm trêu tôi khiến tôi đỏ mặt. Tôi đã biết yêu chưa? Chắc là chưa!
Nhưng từ ngày nhỏ Thắm xa lánh rồi với sự ủng hộ của mẹ nó, lần đầu tiên tôi thấy lòng buồn rười rượi. Trước khi nhỏ Thắm đi Chiên Đàn, bên tôi đập cánh như chim. Khi nó quay về, tôi giống hệt con tàu mắc cạn, chả thiết tung tăng cựa quậy.
Tôi đâm ra chán truyện kiếm hiệp. Lệnh Hồ Xung mải uống rượu, Lục Tiểu Phụng chỉ khoái kẹp vũ khí đối phương giữa hai ngón tay. Chẳng ai giúp tôi vơi được phiền muộn. Chẳng ai nói cho tôi biết khi một đứa con gái không thích đi học chung với tôi, tôi phải làm gì.
Tôi vùi đầu vào những chuyện tình sướt mướt của Quỳnh Dao, thấy đám trai gái trong truyện bị tình yêu làm cho bươu đầu sứt trán, tự nhiên thấy mình cũng được an ủi phần nào.
o O o
Chương 3.3
Đến ngày thứ ba, chú tiểu Khôi nhận ra sự khác lạ:
- Sao Đăng không đi chung với nhỏ Thắm nữa?
Tôi hờn dỗi:
- Tình bạn giữa tôi và nó đã đắp chiếu rồi.
Chú tiểu Khôi không biết tôi vừa thuổng một câu trong tiểu thuyết Quỳnh Dao.
Chú rụt cổ:
- Đăng nói gì nghe ghê!
- Ờ, đắp chiếu xong rồi đặt bát hương lên trên.
Thấy tôi bắt đầu nói năng văng mạng, chú tiểu Khôi vỗ vai tôi:
- Hai đứa giận nhau à?
Tôi buồn bã kể cho chú tiểu Khôi nghe sự tình. Nghe xong, chú xoa đầu, cảm khái:
- Lạ quá ha!
Chú thấy lạ là phải. Tôi là người trần tục còn thấy lạ, huống chi chú là bậc tu hành. Mặc dù bậc tu hành đó rất quan tâm đến chuyện tình cảm của người trần tục.
Thằng Phan năm nay vẫn ngồi cạnh tôi. Nó đã mười bốn tuổi nên được ba mẹ mua cho chiếc xe đạp để tự đạp đi học mỗi ngày. Vì vậy lên lớp Chín, hễ tan trường là nó phóc lên yên chạy một mạch về ngã ba Cây Cốc, không còn la cà ở thị trấn đàn đúm với tôi nữa. Tuy vậy vào lớp nó vẫn chơi thân với tôi.
Một hôm nó kéo tôi ra góc sân, hỏi dò:
- Mày thất tình à?
- Thất tình cái đầu mày!
Phan nhìn lom lom vào mặt tôi:
- Mày không thất tình sao mặt mày giống đưa đám quá vậy?
Tôi quay mặt đi chỗ khác:
- Đưa đám kệ tao!
- Kệ sao được! Mày là bạn tao mà.
Tôi không rõ Phan nghĩ như thế thật hay nó đang pha trò nhưng câu nói của nó vẫn khiến tôi rưng rưng cảm động. Tôi quay lại:
- Phan này.
- Gì?
Tôi cắn môi:
- Đã bao giờ mày thích con nhỏ nào chưa?
- Chưa. Nhưng tao chơi thân với một con nhỏ trong xóm.
- Con nhỏ nào vậy?
- Tao có nói mày cũng không biết đâu. Hè vừa rồi tao hay đi chăn bò chung với nó.
Tôi chớp mắt:
- Mẹ nó không cấm à?
- Cấm chuyện gì?
- Cấm hai đứa mày đi chăn bò chung ấy.
- Không. Mẹ nó còn nói: ”Con coi chừng giùm em với nhé. Đừng để bò ăn lúa của người ta".
- Mẹ nó tốt ghê - Tôi chép miệng, nói như than - Chả bù với mẹ nhỏ Thắm.
Tới đây, Phan bắt đầu hiểu ra:
- Mẹ nhỏ Thắm cấm mày chơi với nó à?
- Ờ, mẹ nó không cho tao ghé nhà rủ nó đi học nữa.
- Lạ quá ha!
Phan nói giống hệt chú tiểu Khôi. Khác với chú tiểu Khôi là kêu ”lạ" xong, Phan nhíu mày ngẫm nghĩ. Tôi ngắm gương mặt đăm chiêu của Phan, cố đoán xem cái gì đang mọc ra trong óc nó. Thằng này có biết tài là bất cứ chuyện gì trên đời nó cũng cắt nghĩa được, không hề lúng túng mảy may. Lần trước nó phân tích hai chữ ”cao học” khiến tôi phục lăn, dù sau này tôi mới biết là nó nói bừa.
Trước đôi mắt hau háu của tôi, Phan trầm ngâm nói:
- Con gái tới tuổi này nhiều bậc làm cha làm mẹ cứ sợ con mình mất duyên, mày ạ.
Phan nói như thể nó là ”bậc làm cha mẹ” chính hiệu khiến tôi thừ mặt:
- Là sao hở mày?
Phan đưa tay lên cằm mân mê, trông nó giống hệt ông ngoại tôi dù cằm nó nhẵn thín: - Tức là cha mẹ không muốn con gái mình thân mật quá mức với bạn trai, sợ thiên hạ đồn đại, về sau sẽ khó lấy chồng.
Phan nói có lý quá. Ờ, thế mà tôi cũng không nghĩ ra. Và tôi bất giác hỏi, giọng tiếc nuối:
- Hồi bé thì con gái con trai chơi thân với nhau bao nhiêu cũng được hả mày?
- Dĩ nhiên rồi. Hồi bé thì cởi truồng tắm mưa chung cũng chẳng ai la rầy.
Tôi nhớ những năm tháng đã qua, cũng chẳng xa xôi gì, chỉ mới năm ngoái đây thôi, tôi và nhỏ Thắm thân thiết với nhau biết là chừng nào và nếu xếp những kỷ niệm đã có giữa hai đứa tôi từ trước đến nay như người ta xếp gạch, chắc hẳn thị trấn tôi đã có một con đường dài tít tắp chạy từ chùa Giác Nguyên đến ngã ba Cây Cốc, có khi chạy tuốt vô Chiên Đàn cũng nên.
Tôi nhìn Phan, bần thần:
- Thế bây giờ tao phải làm gì để mẹ nhỏ Thắm cho phép tao đi học chung với nó?
- Mày về nói ba mẹ mày đem trầu cau qua hỏi cưới nó cho mày?
- Tao đập mày nghe Phan. Tao hỏi thật mà mày cứ giỡn!
- Tao đâu có giỡn.
- Mười bốn tuổi mà cưới hỏi gì!
- Tao đâu có bảo mày cưới nhỏ Thắm ngay bây giờ. Hỏi cưới chứ chưa cưới. Kiểu giống như đặt cọc trước vậy. Có như vậy ba mẹ nó mới khỏi lo. Và mày tha hồ ghé nhà rủ nó đi học.
Rồi nó kết luận gọn ơ:
- Nói vậy là hiểu rồi ha!
Chuyện cưới vợ mà thằng Phan nói nghe giống như chuyện mua bò, đặt cọc với chẳng đặt kiếc.
Nhưng tôi không đủ lý lẽ để cãi nhau với một đứa mồm mép như nó.
Tôi phẩy tay ”Mày chỉ toàn xúi bẩy” rồi quay lưng đi thẳng, mặc nó tức tối nhìn theo.
o O o
Chương 3.4
Tôi ghé chơi nhà bà tôi để quên đi nghĩ ngợi. Thầy hiệu trưởng trường tiểu học tôi đã chuyển đi nơi khác, không còn ở trọ nhà bà nữa. Bây giờ suốt ngày quấn quýt bà là bầy cháu nhỏ - mấy đứa em họ tôi.
Gặp tôi, bà hay nói câu chú Lãm vẫn nói:
- Ồ, cháu bà bây giờ đã ra dáng thanh niên.
Thỉnh thoảng bà lại trêu:
- Lớn nhanh thế này, chẳng mấy chốc cháu bà đã cưới vợ được rồi.
Trước đây nghe bà trêu, tôi chỉ nhe răng cười. Nhưng từ khi được thằng Phan bày kế hỏi cưới nhỏ Thắm, tôi cũng cười, nhưng cười méo xẹo.
Lảng vảng quanh bà một lúc, tôi len lén chạy qua nhà nhỏ Lan. Tôi lại trèo lên cây khế cạnh bờ rào, hái trái liệng cho nhỏ Phượng, Phượng là con nhỏ cực kỳ dễ thương. Tôi đã bao lần sơ sẩy ném khế trúng đầu nhỏ, nó chỉ xuýt xoa ”Bể đầu em rồi” nhưng liền sau đó nó toét miệng ra cười.
Phượng càng lớn càng giống nhỏ Thắm. Cách đây mấy tháng, mặt nó tròn quay. Vậy mà bây giờ, như được thời gian đẽo gọt, mặt nó đột ngột thon dài trông xinh đáo để. Nó thành thiếu nữ lúc nào mà tôi chẳng hay?
Nhưng Phượng càng giống như nhỏ Thắm, tôi càng rầu. Nó làm tôi nhớ quay quắt đến mối giao tình đứt đoạn giữa tôi và nhỏ bạn thân của mình.
Nhiều nhân vật nam của Quỳnh Dao khi ở bên cô gái này lập tức quên bẵng cô gái kia - đúng như những gì chú tiểu Khôi từng nói. Tôi không giống chút gì với bọn họ. Những lúc ở bên nhỏ Phượng tôi luôn nhớ về nhỏ Thắm. Nhỏ Thắm chắc không biết điều đó. Nên có một lần, tôi ôm một chồng sách từ nhà chú Lãm bước ra, bất ngờ gặp nó chạy xe ngang qua. Vừa nhác thấy nó mặt tôi lập tức tái đi, còn tim thì đạp dồn. Tôi chưa biết phản ứng như thế nào, nhỏ Thắm thình lình thắng xe ngay trước mặt tôi:
- Đăng nè!
Câu nói quen thuộc đập vào tai khiến tôi mừng mừng tủi tủi. Tôi mấp máy môi, định nói một câu gì đó nhưng chẳng có âm thanh nào bật ra. Chỉ vì tôi quá đối bất ngờ. Chỉ vì lòng tôi đang đong đầy hờn giận.
Đợi một lúc thấy tôi nghệt mặt ra, và có vẻ tôi sẽ đứng trơ như vậy cho đến tối, nhỏ Thắm nói nhanh:
- Mình không thích Đăng ngày nào cũng xuống chơi với chị em nhỏ Lan đâu!
Buông thõng một câu, nhỏ Thắm đạp xe chạy mất, bỏ lại tôi ngơ ngác đứng trông theo. Chiều đó, tôi ngẩn ngơ đếm bước trên đường về, bắt gặp mình buồn vui lẫn lộn. Tôi không rõ ràng bằng cách nào nhỏ Thắm biết tôi vẫn xuống chơi nhà chị em nhỏ Lan. Chắc nó tình cờ trông thấy, hoặc nó nghe đứa nào mách lẻ. Nhưng tại sao nó không thích tôi chơi với chị em nhỏ Lan, trong khi nó từ chối đi học chung với tôi như ngày xưa còn bé? Ngay cả lúc gặp nhau trên lớp nó cũng chả buồn trò chuyện với tôi. Nó nghe lời mẹ nó, nó muốn thẳng tay tẩy xóa tình bạn giữa tôi và nó, sao bây giờ nó nói những điều như thế để tôi phải nghĩ ngợi vẩn vơ?
Tôi hoang mang kể lại chuyện đó cho chú tiểu Khôi. Nghe xong, chú tiểu Khôi lại xoa đầu:
- Lạ quá há!
Lần này tôi không để cho chú ”lạ quá há” suông nữa:
- "Lạ” là sao?- Tôi hỏi vặn.
Chú gãi cổ, lẩm bẩm:
- Con gái thật khó hiểu.
Tôi bực mình:
- Nếu con gái dễ hiểu thì tôi hỏi ý kiến chú làm gì!
Xưa nay chơi với chú tiểu Khôi, tôi toàn làm chuyện tréo ngoe: tôi chẳng bao giờ thắc mắc về ”đạo” chỉ chăm chăm hỏi về ”đời". Nhưng chú không thèm để tâm đến cơn giận vô cớ của tôi, chỉ tặc lưỡi:
- Đăng hỏi bạn Phan xem!
Nghe tôi giãy bày tâm sự, Phan gật gù như triết gia:
- Con gái đứa nào chẳng vậy!
Tôi nhớ đến chú tiểu Khôi:
- Mày muốn bảo con gái khó hiểu?
Phan bĩu môi:
- Tụi nó chỉ làm ra vẻ khó hiểu thôi. Đi guốc vào bụng tụi nó rồi, sẽ thấy tụi nó dễ hiểu nhất trần gian.
Phan làm tôi nôn nao quá:
- Vậy mày cắt nghĩa đi! Vì lý do gì nhỏ Thắm không muốn tao chơi với tụi em nhỏ Lan?
Tôi liếm môi, hồi hộp nói thêm:
- Có phải vì nó vẫn thích tao không?
- Nó chả thích gì mày - Phan nhếch mép - Nếu thích, nó đã không tuân lời mẹ nó răm rắp.
Tôi nuốt nước bọt:
- Thế...
Phan ngắt ngang lời tôi:
- Bọn con gái là chúa ích kỷ. Đối với nhỏ Thắm, mày giống như ngôi nhà vậy. Thích thì nó ở, không thích thì nó dọn ra. Nó dọn ra nhưng nó không muốn chị em nhỏ Lan dọn vào. Thà nó bỏ nhà hoang cho chó vào ị bậy.
Rồi nó nhún vai theo thói quen:
- Nói vậy là hiểu rồi ha!
Thằng Phan này, lên lớp Chín không biết nó bắt chước ai hay nó ăn nhầm thứ gì mà tự dưng sính nói câu ”Nói vậy là hiểu rồi ha", mặc dù nhiều khi nó nói xong chẳng ai hiểu nó vừa nói gì - Hiểu cái đầu mày chứ hiểu! - Ví von của Phan khiến tôi nóng mặt - Mày ví tao như ngôi nhà hoang,còn xui chó vào ị nữa là sao?
Thực ra tôi giận Phan không phải vì lối so sánh ví von bất nhã của nó khiến tôi có cảm giác vừa bị ai nắm chân tôi lôi xuống nước. Từ lúc gặp nhỏ Thắm trước nhà chú Lãm, trái tim thoi thóp của tôi đã bắt đầu tìm lại được nhịp đập bình thường. Tôi tưởng Phan sẽ bơm thêm hi vọng vào trái tim đang cựa quậy trong lồng ngực tôi để giúp tôi hồi sinh, ngờ đâu nó phang một búa chí mạng khiến tôi muốn lăn quay ra đất. Thằng ác nhơn!
o O o
Chương 3.5
Sau lần gặp gỡ tình cờ đó, nhỏ Thắm không nói chuyện với tôi thêm lần nào nữa.
Ở trên lớp, tôi và nó ngồi ở hai dây bàn khác nhau nên nếu muốn tôi cũng không có dịp gợi chuyện. Những phân tích độc địa của thằng Phan càng góp phần đánh quỵ ý chí tôi, khiến tôi gỡ bỏ khỏi đầu ý định lân la đến gần nhỏ Thắm.
Thỉnh thoảng tôi thấy nhỏ Thắm nhìn về phía tôi khi tôi liếc trộm nó. Lần nào cũng vậy, bắt gặp ánh mắt của tôi là nó hấp tấp quay mặt đi. Tôi không rõ nhỏ Thắm nghĩ gì trong lúc đó, còn tôi luôn luôn bị mất tập trung với hàng mớ câu hỏi hiện ra lăn tăn trong đầu: Tại sao nó nhìn mình? Cái nhìn đó có ý nghĩa gì? Có phải nó nhìn mình như một ngôi nhà hoang? Từ khi bắtđầu chơi
thân với nhỏ Thắm đến nay, chưa bao giờ tôi phải làm cái việc vất vả là đoán xem nó nghĩ gì. Tôi cũng không nghĩ chuyện dò xét người khác lại làm tôi mệt mỏi đến vậy.
Tôi định nhờ thằng Phan giải đáp nhưng tôi nhanh chóng dẹp bỏ ngay ý định đó. Tôi sợ nó lại gieo vào đầu tôi những ý nghĩ đen tối và giúp cho nỗi tuyệt vọng trong lòng tôi nhanh chóng lên ngôi.
Tôi cũng không nói gì với chú tiểu Khôi, vì không muốn một lần nữa nhìn bàn tay xoa xoa chiếc đầu láng bóng kèm theo câu "lạ quá há” chán ngắt
Những ngày này tôi cũng không bén mảng đến nhà nhỏ Lan. Tôi hết ham trèo lên cây khế hái trái cho nhỏ Phượng. Tôi sợ nhỏ Thắm biết được, sẽ giận tôi. Đôi khi tôi không hiểu nổi mình. Nhỏ Thắm đã hắt hủi tôi, đã quay lưng với tôi một cách thô bạo, vậy mà tôi vẫn không muốn làm trái ý nó. Tôi cứ sợ nhỏ Thắm biết được tôi vẫn tiếp tục chơi với chị em nhỏ Lan, chuyện tình cảm tôi sẽ bị bít lối về.
Hoang mang, buồn chán, tôi đi tìm sự khuây khoả bằng cách một mình lần mò vào con suối ở xóm Trong. Tôi đi tìm kỷ niệm. Kỷ niệm bao giờ cũng đẹp và đặc biệt là không biết phản bội.
Quê tôi bắt đầu vào mùa mưa, cỏ lên xanh rờn dọc khắp lối đi. Nắng chiều hửng lên cuối chân trời và trên cao mây tụ thành bầy trông như hàng nghìn cánh cò chen chúc. Đám trẻ chăn bò thấp thoáng xa xa trên bãi thả nhưng hôm nay dường như biết tôi buồn, chẳng đứa nào có ý định gây hấn. Tôi đi thơ thẩn giữa cánh đồng li ti hoa dại, thấy lòng từ từ dịu lại. Có cảm giác những cánh bướm chập chờn chung quanh đã cõng nỗi buồn của tôi đem đi đâu xa lắm. Tôi mỉm cười khi nhớ lại nét mặt hoảng hốt của nhỏ Thắm khi nó phát giác tôi buông tay để nó bơi một mình ven suối. Tôi cũng nhớ cả lúc nó nhặt cây đánh nhau với lũ trẻ chăn bò để giải cứu tôi, sau đó hai đứa sánh bước bên nhau nhẩn nha ăn chung một trái ổi trên đường về.
Con suối thơ mộng dần dần hiện ra trước mặt tôi. Trong khi tôi bước đến gần, đưa mắt ngắm những cành lá xum xuê đổ bóng xuống mặt nước và định tìm một gốc cây ven bờ để ngồi chơi, miệng tôi bỗng há hốc.
Ai như là nhỏ Thắm? Đúng là nó rồi. Nó ngồi trên bờ, thõng hai chân xuống suối. Mặc dù nhỏ Thắm ngồi xoay lưng về phía tôi nhưng tôi vẫn nhận ra nó đã thôi thắt bím. Cả chiếc xe đạp màu vàng nằm nghiêng trên bãi có kia cũng đúng là chiếc xe nó thường đi.
Nhưng điều này làm ngực tôi tức nghẹn là chiếc áo màu xanh lá cây trên người nó. Đã lâu lắm tôi mới thấy nhỏ Thắm mặc chiếc áo này. Đã vậy, trên đầu nó hôm nó đang đội một chiếc nón vải cùng màu, chả rõ nó vòi mẹ mua từ lúc nào.
Tôi đứng yên sau lưng nhỏ Thắm một lúc lâu, không dám cất tiếng gọi, không dám nhúc nhích. Tôi đứng đó, gần như bất động, cứ sợ chỉ cần thở mạnh hình ảnh trước mắt tôi sẽ tan đi như một giấc mơ.
- Đăng phải không? - Nhỏ Thắm thình lình cất tiếng, nó gọi tôi mà sao tôi nghe như gió gọi tên tôi.
Nhỏ Thắm hỏi mà tôi không ngoái đầu lại. Tôi chẳng rõ bằng cách nào nó biết tôi đang đứng đó, nhưng tôi không ngạc nhiên. Tôi đã sớm nhận ra hồi còn nhỏ, tôi biết nhiều thứ hơn nó. Nhưng từ đầu năm lớp Chín đến nay, dường như nó đã biết nhiều thứ hơn tôi.
- Ơ - Tôi ngẩn ngơ đáp.
- Đăng đi bơi hả?
Tôi nuốt nước bọt:
- Không.
- Vậy Đăng lại đây ngồi chơi với mình.
Tôi e dè bước lại, vẫn loay hoay chân trên cỏ.
Nhỏ Thắm vỗ tay lên cạnh chỗ ngồi:
- Đăng ngồi xuống đi!
Tôi ngập ngừng ngồi xuống, ngạc nhiên thấy mình ngoan ngoãn như đang ngồi cạnh cô Sa năm nào.
Trong khi tôi đang còn lúng túng chưa biết xếp hai tay của mình vào đâu, nhỏ Thắm quay sang tôi, mỉm cười:
- Đăng nghỉ chơi với chị em nhỏ Lan rồi hả?
- Ờ - Tôi chép miệng, tự dưng thấy mình có lỗi với nhỏ Lan, nhỏ Phượng quá chừng. - Mình đâu có bảo Đăng nghỉ chơi với hai đứa đó. Mình chỉ không thích ngày nào Đăng cũng chạy xuống nhà tụi nó thôi.
Tôi nói như phân bua:
- Tại nhầ tụi nó kế nhà nội tôi.
Đột nhiên tôi phát hiện khoé mắt nhỏ Thắm ươn ướt. Tôi dè dặt hỏi, thấy bụng mình thót lại:
- Thắm vừa khóc hả?
Nhỏ Thắm không trả lời câu hỏi của tôi. Nó đong đưa chân, nói:
- Đăng thấy cái gì đây không?
- Thấy. Đôi giày xanh.
Nó sờ tay lên chiếc nón:
- Cái này nữa?
- Tôi thấy từ nãy rồi. Chiếc nón xanh.
- Hôm nay Đăng thấy mình giống cây gì?
Tôi nhìn chiếc áo xanh của nó, tủm tỉm:
- Cây chuối non.
- Đăng còn giận cây chuối non không?
Tôi biết tôi còn oán trách "cây chuối non” nhiều lắm. Những ngày vừa qua thái độ của nhỏ Thắm làm tôi buồn thỉu buồn thiu. Nhưng chỉ cần vài phút ngồi cạnh và trò chuyện vui vẻ với nó, nỗi hờn giận trong lòng tôi bay biến mất. Tôi lại thấy ngày xưa của tôi quay về trong nụ cười của nhỏ bạn thân.
Tôi đáp, giọng dịu dàng:
- Trước đây thì giận. Bây giờ tôi hết giận rồi.
Tôi nhận ra tôi đã không còn ”mày-tao” với nhỏ Thắm, không hiểu tại sao.
Có lẽ vì nhỏ Thắm đã lớn. Cả tôi nữa, tôi cũng không còn là chú bé ngày nào.
Mối quan tâm của tôi bây giờ đã khác, nỗi buồn vui trong lòng tôi bây giờ cũng khác. Khi người ta lớn, niềm vui và nỗi buồn cũng lớn lên theo. Trong những giấc mơ của tôi, không chỉ có châu chấu chuồn chuồn như những ngày thơ bé. Đã có bão giông theo về trong những đêm gió luồn qua mái lá. Ờ, ngay cả giấc mơ cũng lớn lên đó thôi.
o O o
Chương 3.6
Tôi biết, dù ngại ngần đến mấy cuối cùng tôi cũng không thể lảng tránh câu hỏi mà nếu không thốt ra trong lúc này tôi e tôi sẽ không còn dẹp nào nữa.
Tôi đưa mắt nhìn cánh hoa dong riềng đỏ rực bên kia như một mặt trời vừa mọc ra từ nách lá, ngập ngừng hắng giọng:
- Thắm nè.
- Gì hả Đăng?
- Tại sao mẹ Thắm không thích tôi ghé nhà rủ Thắm đi học nữa?
Có lẽ nhỏ Thắm biết sớm muộn gì tôi cũng hỏi nó câu đó. Tôi chắc nó đã chuẩn bị câu trả lời. Nhưng trong buổi chiều lộng gió bên bờ suối đó, nhỏ Thắm đã im lặng rất lâu sau câu hỏi của tôi.
Tôi ngồi bên cạnh nó, cảm giác hồi hộp như ngồi cạnh một bãi mìn. Tôi không rõ nó cất giấu bí mật nào trong đầu, bí mật đó trọng đại như thế nào và nhất là nó có sẽ sẵn sàng tiết lộ cho tôi biết hay không.
Hai đứa ngồi lặng thinh trong nắng trong gió trong mùi cỏ tháng mười dịu dàng vây bọc - như vậy một lúc lâu.
Cuối cùng, trong lúc tôi ngẩng đầu nhìn may bay, cố đừng để nôn nao quá, tiếng nhỏ Thắm vọng vào tai tôi ri rí như tiếng dế cất lên cạnh chỗ ngồi.
- Ba mẹ mình bắt mình lấy chồng.
Câu nói của nhỏ Thắm khiến tôi giật bắn, suýt chút nữa ngã lộn nhào xuống suối.
- Thắm vừa nói gì? - Tôi sửng sốt - Ba mẹ Thắm bắt Thắm lấy chồng?
Tôi nhìn chằm chằm vào mặt nhỏ bạn, chờ nó toét miệng ra cười như hồi bé: ”Mình giỡn chơi thôi” Nhưng không có gì giống như tôi đang mong đợi.
Nhỏ Thắm sụp mắt xuống, thở ra:
- Ờ.
Nhỏ Thắm "ờ” nhỏ xíu mà tôi tưởng như có một phát đạn vừa sượt qua tai. Tôi liếm môi, không giấu vẻ ngờ vực:
- Thắm nói thật hả Thắm?
Tôi nhìn cái gật đầu của nó, cố tin nó đang trêu tôi:
- Thắm còn nhỏ mà chồng con gì!
- Không phải lấy chồng ngay bây giờ. Nhưng khi lớn lên mình sẽ lấy người đó.
Tôi hỏi, nghe giọng mình nghẹn lại:
- Người đó là ai?
- Mình không biết.
Lần thứ hai, nhỏ Thắm khiến tôi giống như đút đầu vào hầm tối:
- Trời đất! Lấy chồng mà không biết chồng mình là ai!
- Ờ.
Nhỏ Thắm lại ”ờ". Sao hôm nay tôi ghét tiếng ”ờ” đó quá thể.
Theo như những gì nhỏ Thắm kể lại với tôi sau đó, ba nó và ba chồng tương lai của nó hồi trẻ từng đi học ở Huế, cùng ở chung với nhau một phòng trọ. Đôi bạn thân đó trong lúc hào hứng đã giao hẹn sẽ làm sui với nhau ngay từ khi cả hai còn chưa lấy vợ. Chính nhỏ Thắm cũng không rõ đó là lời hứa nghiêm túc hay chỉ là vui miệng nói chơi. Suốt mừoi năm qua nó chưa một lần nghe ba nó đề cập đến chuyện này. Cuối năm lớp Tám, ba nó đột ngột đem chuyện hứa hẹn hồi xưa ra nói với mẹ nó. Ba nó thú nhận chính ông cũng quên bẵng lời giao ước năm nào nhưng người bạn của ông vừa rồi bỗng nhiên nhắc lại.
- Thắm không biết bạn của ba Thắm là ai?
- Mình có hỏi nhưng mẹ mình không nói. Và mẹ không muốn mình chơi thân với Đăng nữa, sợ gia đình người ta dị nghị.
Giọng nhỏ Thắm bắt đầu chuyển sang sụt sịt. Tôi nhìn đôi mắt ầng ậng nước của nhỏ bạn thân, thở dài:
- Đó là lý do mẹ Thắm bắt Thắm vào Chiên Đàn ở nhà ngoại suốt ba tháng hè phải không?
Nhỏ Thắm khẽ gật đầu. Tôi nhìn chiếc nón màu xanh lấp lánh nắng trên mái tóc nó, tự nhiên thấy lòng nặng trĩu. Nhỏ Thắm là cô bạn thân duy nhất của tôi. Tôi vẫn nghĩ hai đứa tôi sẽ cùng lớn lên bên nhau, sẽ ngày ngày đi chung một con đường đến lớp, sẽ cởi lòng chia sẻ với nhau mọi vui buồn trong cuộc sống. Trong trí não non nớt của đứa con trai mười bốn tuổi, tôi chỉ mong thế thôi. Chưa bao giờ tôi mơ mộng xa hơn. Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ đến chuyện sau này nhỏ Thắm sẽ lấy chồng và chồng nó có thể không phải là tôi, nhưng điểu đó chỉ thoáng qua đầu tôi, có làm tôi hoang mang chút nhưng sau đó tôi quên đi rất nhanh.
Dù sao cho đến giờ phút này, thứ tình cảm mà tôi cảm nhận được ở nhỏ Thắm là một tình bạn ấm áp, thân thiết. Chúng tôi thân nhau đến mức này đã quen với sự có mặt của đứa kia bên cạnh. Khi nhỏ Thắm đi xa, tôi nhận ra tôi nhớ nó biết chừng nào. Và cả nó nữa, chắc nó cũng nhớ tôi. Nếu không, tại sao chiều nay nó một mình đạp xe vào xóm Trong để ngồi ngẩn ngơ bên consuối ngày nào. Tuy cả tôi lẫn nó không đứa nào giải thích điều gì đã thúc đẩy mình có mặt ở đây nhưng đứa này đều đọc thấy tâm sự trong mắt đứa kia như thể cả hai đang nhìn vào gương.
Tôi đưa tay bứt một cọng cỏ bên cạnh chỗ ngồi, chép miệng:
- Không đi học chung với Thắm nữa, tôi thấy buồn buồn thế nào!
- Mình cũng vậy.
Nhỏ Thắm bâng khuâng nói, tôi nhìn sang thấy nó cũng đang vò một cọng cỏ trên tay. Tự nhiên tôi buột miệng theo ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu:
- Ước gì Thắm là con trai.
- Con trai à?- Nhỏ Thắm có vẻ ngạc nhiên.
- Ờ - tôi bùi ngùi - Nếu Thắm là con trai, mình sẽ tha hồ đi học chung, tha hồ chơi với nhau như hồi bé mà chẳng sợ ai cấm cản!
Có lẽ đó là ước mơ ngây ngô nhất trong đời tôi nhưng tôi tin đó là một ước mơ rất đỗi chân thành.
Nghe tôi nói vậy, nhỏ Thắm ngồi im. Lát sau nó đưa bàn tay vừa nghịch cỏ lên mũi, cười nói:
- Cỏ mật thơm quá hả Đăng.
Câu nói của nhỏ Thắm chẳng liên quan gì đến ước mơ buồn cười của tôi.
Nhưng tôi không ngạc nhiên. Tôi chỉ ngạc nhiên tại sao miệng nó cừoi mà nó lại ngân ngấn nước. Nó đã thôi khóc từ nãy rồi kia mà. Hay có con gì vừa bay vào mắt nó.
o O o
Chương 3.7
Những cơn mưa thị trấn kéo dài lê thê khiến tôi thấy lòng mình ướt sũng trong nhiều ngày. Tôi đã thấy thôi giận nhỏ Thắm nhưng không vì vậy mà đầu óc tôi thanh thản hơn. Có phải từ nay tôi đã mất một người bạn? Ý nghĩ đó cứ bám chặt lấy tôi, làm tôi buồn muốn khóc.
Tôi tò mò hỏi mẹ tôi:
- Mẹ lấy chồng năm mấy tuổi hả mẹ?
- Mười chín tuổi.
Mẹ tôi đáp. Và bà ghẹo tôi:
- Sao tự nhiên con hỏi chuyện này? Con đã định lấy vợ rồi sao?
Tôi nhẩm tính. Như vậy năm năm nữa nhỏ Thắm sẽ lấy chồng. Và tôi giận dỗi nhủ bụng: Kệ nó đi! Nó chả thích lấy chồng sớm để được tô son môi như cô Sa là gi!
Tôi chạy qua chùa Giác Nguyên tìm chú tiểu Khôi:
- Mẹ chú lấy chồng năm mấy tuổi hả chú?
- Tôi không biết.
- Ờ.
- Tôi đâu có biết ba mẹ tôi là ai. Thầy Chân Tuệ bảo tôi là đứa con nít, thầy nhặt được đem về nuôi.
Thầy Chân Tuệ là sư thầy trụ trì chùa Giác Nguyên. Thầy đã nói vậy, chắc chú tiểu Khôi không biêt gốc gác của mình thật.
Hôm sau đến lớp, tôi kéo vai Phan
- Mẹ mày lấy chồng năm bao nhiêu tuổi, mày có biết không Phan?
- Mười bảy tuổi.
Thằng Phan làm tôi méo xệch miệng. Nếu nhỏ Thắm lấy chồng sớm như mẹ thằng Phan thì nó chỉ còn tự do có ba năm. Ờ, nhưng trong ba năm đó, nó có được tự do hẳn đâu. Mẹ nó đâu có cho nó chơi với tôi. Mẹ nó đâu có biết nó vẫn khóc thầm về chuyện đó. Tôi nhớ lại câu hỏi của nhỏ Thắm bên bờ suối lúc hai đứa chuẩn bị chia tay ”Nếu mai mốt mình đi lấy chồng, Đăng có còn thích chơi với mình nữa không?". Lúc đó suýt chút nữa ôi đã quay lại cách xưng hô cũ: ”Tao thì vẫn thích chơi với mày, nó có rượt đánh rao không thôi!". May mà đến phút chót tôi kịp dằn lại cơn giận bất thần. Và tôi buồn bã đáp:
- Lúc nào tôi cũng thích chơi với nhỏ Thắm á.
Tôi biết tôi luôn thích chơi với nhỏ Thắm. Điều đó mãi mãi không thay đổi, dù nó có lấy chồng hay không. Nhưng những giọt nước mắt tôi nhìn thấy trên má nó hôm nào khiến tôi xót xa.
Chắc nhỏ Thắm không muốn lấy chồng theo cách đó. Nó không muốn lấy chồng theo cách đó.
Nó không muốn lấy người nó không hề yêu thương, thậm chí không hề biết mặt. Tội nó ghê!
Nhưng ngay cả khi lấy được người mình thương, lấy chồng chưa chắc đã vui. Như cô Sa lấy anh Thắng. Tuần vừa rồi, nhỏ Ngọc về chơi hai ngày. Nó bảo nó nhớ nhà nên xin anh Thắng cho nó đáp xe về thị trấn thăm ba mẹ. Gặp lại bạn bè, nhỏ Ngọc vui lắm. Nhưng trong lúc nó cười, tôi vẫn thấy bóng mây u buồn phảng phất trong mắt nó. Chỉ vì cô Sa đã bỏ về nhà ba mẹ ở Duy Xuyên. Theo như nhỏ Ngọc buồn rầu kể lại với tôi, trong một lần có hơi men anh Thắng vui miệng tiết lộ chính anh là người phao tin đứa con riêng của cô Sa bị tượng đè chết ngoài công viên Đà Nẵng. Anh bảo nhờ mưu mẹo đó, anh mới cưới được cô Sa. Anh khoe chính tình yêu đã mách nước cho anh. Nào ngờ cô Sa đùng đùng nổi giận, mắng anh Thắng ác miệng. Cô kết tội anh đã đánh lừa cô. Và ngay hôm sau, cô bất ngờ bỏ nhà ra đi. Nhỏ Ngọc bảo khi tỉnh rượu, anh Thắng hối hận lắm. Nhưng cô Sa đã đi mất rồi.
Tôi không rõ cách anh Thắng chinh phục trái tim cô Sa là đúng hay sai.
Chỉ biết câu chuyện của họ khiến đầu tôi quay quay, và trái tim tôi như bị bị gi cào. Bởi tôi yêu quý cả anh Thắng lẫn cô Sa. Tôi không bao giờ quên tuổi thơ của tôi lớn lên cùng với họ.
Nhỏ Ngọc bắt tôi thế thốt không được tiết lộ bí mật của vợ chồng anh Thắng với bất cứ ai. Dĩ nhiên nếu nó không căn dặn, tôi cũng sẽ không hé môi. Riêng bí mật của nhỏ Thắm, tôi e tôi không đủ sức ôm trọn một mình.
Đôi lúc tôi muốn quên nó đi, tôi muốn ai đó mang nó ra khỏi người tôi phải đối diện với nó mỗi ngày. Luôn có cái gì đó loi choi quẫy đạp trong ngực tôi khiến mỗi khi nghĩ tới tôi lấy thấy tức thở.
Một hôm không nén được, tôi chạy qua chùa Giác Nguyên.
- Gì đó, Đăng? - Chú tiểu Khôi tò mò khi nhìn thấy vẻ mặt nhớn nhác của tôi.
- Có chuyện bí mật này tôi muốn nói chú nghe.
Chú tiểu Khôi nhướn mắt:
- Chuyện gì vậy?
Tôi hít vào hơi:
- Nhỏ Thắm sắp lấy chồng.
- Đăng đừng có xạo. Chẳng ai lấy chồng tuổi này.
- Nó không lấy chồng ngay bây giờ. Nhưng ba, bốn năm nữa nó sẽ lấy. Ba nó đã hứa với người ta rồi.
Chú tiểu Khôi bắt đầu nhận ra tôi không đùa. Chú nhíu mày:
- Sao Đăng biết?
- Chính nhỏ Thắm nói với tôi. Đó là lý do mẹ nó không cho nó chơi với tôi.
Chú tiểu Khôi gãi trán:
- Nhỏ Thắm lấy ai vậy?
- Tôi không biết.
- Nhỏ Thắm không nói với Đăng sao?
Tôi nhún vai:
- Ngay cả nhỏ Thắm cũng không biết chồng tương lai của nó là đứa nào.
- Đăng đang kể chuyện tiếu lâm hả?
Tôi định nói ”Tiếu lâm cái đầu chú!” nhưng cái nhìn đầu cạo nhẵn của chú, tôi sợ mắc tội với nhà Phật, bèn nuốt câu nói vào bụng.
- Hồi trước ba nó và bạn của ba nó giao hẹn sau này sẽ gả cho nhau. Nhỏ Thắm chỉ biết vậy thôi.
Nó không biết bạn của ta nó là ai.
Chú tiểu Khôi lộ vẻ trầm tư:
- Thế thái độ của nhỏ Thắm thế nào?
- Còn thế nào nữa! Nó khóc.
- Thật không đó?
Sự nghi ngờ của chú tiểu Khôi làm tôi nổi khùng. Tôi nghiến răng:
- Tôi nói xạo tôi làm con chó. Tôi vừa gặp nó ở con suối xóm Trong.
Lúc bình thường, thế nào chú tiểu Khôi cũng chọc ghẹo chuyện tôi gặp nhỏ Thắm ở trong suối.
Chú sẽ bảo hai đứa tôi bí mật hẹn hò. Hôm nay mải nghĩ ngợi về chuyện lấy chồng của nhỏ Thắm, chú tiểu Khôi quên trêu tôi. Chú chỉ chép miệng:
- Tội nhỏ Thắm quá há, Đăng?
o O o
Chương 3.8
Lần thứ hai tôi giã từ tiệm cho thuê truyện của chú Lãm. Trong những ngày này, các chuyện tình sướt mướt của Quỳnh Dao chẳng giúp ích gì cho tôi ngoài việc chất thêm vào lòng tôi những khối sầu.
Tôi quay lại nhà thầy Vỹ. Tôi muốn tìm xem trong tủ sách trinh thám của thầy có cách thức nào giải cứu cho nhỏ bạn của tôi không.
Từ khi lên lớp Chín, tôi đã thôi học thầy Vỹ. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn vào hội trường chơi bóng bàn với thầy.
Thầy Vỹ chớp mắt khi thấy tôi bước vào nhà:
- Lâu quá em không ghé thầy
- Thưa thầy, lâu nay em bận học.
- Ờ, em ráng học cho tốt. - Thầy đặt tay lên vai tôi. Năm nay là năm cuối cấp rồi.
Thầy ngạc nhiên khi nghe tôi hỏi mượn truyện.
- Em vẫn có thì giờ đọc truyện cho đầu óc bớt căng thẳng sau khi học bài.
Thầy Vỹ không biết tôi nói dối. Thầy gật gù:
- Ờ, đó cũng là một cách thư giãn tinh thần.
Tôi ôm một chồng sách từ nhà thầy Vỹ về, vùi đầu nghiên cứu. Tôi thức khuya lơ khuya lắc, đọc đến mắt đỏ kè, vẫn không thấy một điệp vụ nào trong đó các thám tử giúp một cô bé mười bốn tuổi thoát khỏi một cuộc hôn nhân áp đặt.
Tôi liệng sách trinh thám qua một bên, lục lọi đống truyện ông ngoại tôi mới tăng. Sách ngoại tôi mua mới cho, lúc này đã xếp kín mặt bàn, nhưng cũng chẳng có cuốn sách nào bày vẽ cho tôi được mưu kế gì.
Trong khi tôi chìm vào tuyệt vọng, thị trấn bất ngờ xảy ra một chuyện lạ lùng.
Một sáng sớm, bà ƯỚC mở cửa dọn hàng thấy trước vách nhà có ai dán một tờ giấy, ghi ”Phản đối hôn nhân lạc hậu. Con gái lớn lên phải được lấy người mình thương".
Bà ƯỚC tá hoả, giật vội tờ giấy khỏi vách, đem vào giấu trong nhà. Tất nhiên hai vợ chồng bà không kể chuyện này với ai, sợ thiên hạ thắc mắc, đàm tiếu. Nhưng những kẻ đi chợ sớm có người nhìn thấy tờ giấy đó. Thế là đồn râm ran cả thị trấn, mặc dù không ai biết rõ nội tình.
Buổi sáng xảy ra chuyện, buổi trưa nhỏ Thắm đạp xe lên nhà tôi.
- Đăng! - Nó ngoắt tôi ra cổng.
Đã lâu lắm nhỏ Thắm không ghé tôi. Sự xuất hiện bất ngờ của nó khiến tôi tròn xoe mắt. Tôi hấp tấp chạy ra:
- Thắm lên chơi hả?
Ngược với vẻ mừng rỡ của tôi, mặt nhỏ Thắm hầm hầm:
- Mình lên hỏi tội Đăng.
- Hỏi tội? - Tôi thụt lui một bước - Hỏi tội gì?
Cho tới lúc đó, tôi vẫn chưa biết chuyện tờ giấy vì hôm đó là chủ nhật, tôi ngủ một mách đến trưa trở trưa trật. Khi nhỏ Thắm đến tìm, tôi vẫn chưa bước chân ra khỏi nhà.
- Tộii làm mẹ mình suý đứng tim mà chết chứ tội gì.
Tôi vẫn ù ù cạc cạc:
- Thắm nói gì tôi không hiểu.
- Đăng đừng có giả vờ - Nhỏ Thắm cao giọng - Nếu không phải Đăng thì tối hôm qua ai dán tờ giấy đó lên vách nhà mình.
- Tờ giấy nào?
Nhỏ Thắm xoáy mắt vào tôi:
- Còn hỏi nữa! Đăng nói thật đi! Chuyện đó do Đăng làm phải không?
Tôi nhăn nhó đưa tay bứt tóc:
- Đến lúc này tôi vẫn chưa biết Thắm nói chuyện gì.
Có lẽ vẻ mặt khó coi của tôi khiến nhỏ Thắm động lòng. Nó nhíu mày, phân vân:
- Chẳng lẽ mình nghi oan cho Đăng?
- Thắm nói rõ cho tôi nghe xem. Đã xảy ra chuyện gì vậy?
Sau một thoáng ngần ngừ, nhỏ Thắm thuật cho tôi nghe chuyện sáng sớm nay mẹ nó đã nhìn thấy tờ giấy trước cửa nhà như thế nào và bà đã suýt ngất ra sao. Nó vừa kể vừa nhìn tôi bằng ánh mắt thăm dò.
Trong một phút, tôi thấy gò má mình nóng bỏng và phải vất vả lắm tôi mới không quay mặt đi.
Lúc đó, tôi nghĩ ngay đến chú tiểu Khôi. Ngoài tôi ra, chỉ còn chú biết được bí mật của nhỏ Thắm. Nhưng tôi vẫn cảm thấy ngờ ngợ. Tôi không tin một đệ tử nhà Phật nửa đêm lẻn ra khỏi chùa để xuống chợ làm một chuyện mà người trần tục còn không dám làm.
Tôi nghĩ lung tung trong đầu nhưng ngoài mặt làm ra vẻ ngạc nhiên:
- Ai vậy ta?
Nhỏ Thắm tặc lưỡi:
- Đăng có kể bí mật của Thắm cho ai nghe không?
- Không - Tôi chối, nghe bụng mình thót lại.
- Lạ thật.
- Ờ, lạ ghê!
Tôi lật đật hùa theo và tin cách đuổi khéo nhỏ Thắm bằng cách quay đầu vào nhà, vờ la lớn:
- Mẹ đợi con một chút! Con vào ngay đây!
Lần đầu tiên trong đời, tôi cầu mong nhỏ bạn thân của tôi về lẹ lẹ.
o O o
Chương 3.9
Nhỏ Thắm không biết tôi đánh lừa nó. Ba mẹ tôi về thăm ngoại từ sáng. Trong nhà chỉ có tôi và chị Hoài.
Khi tôi trò chuyện với nhỏ Thắm trước cổng thì chị Hoài đứng cạnh cửa sổ tò mò ngó ra.
Chị hỏi ngay khi tôi vừa quay vào nhà:
- Trưa nắng chang chang mà con Thắm đi đâu vậy?
- Nó lên chơi với em?
Chị Hoài nhướn mắt:
- Lên chơi sao nó không vào nhà mà đứng ngoài cổng?
Tôi ấp úng:
- Dạ, nó có việc phải đi ngay.
- Nếu vậy, thì đâu có gọi là lên chơi.
Tôi chưa kịp nghĩ ra cách giải thích, chị Hoài hỏi độp luôn:
- Nó lên hỏi tội em về chuyện dán giấy trước cửa nhà nó phải không?
Giống như chị Hoài vừa nhét một trái chanh vào họng tôi. Tôi đứng chết trân, trố mắt ra nhìn chị, ú ớ không nói nên lời. Tôi không dán tờ giấy đó, nhưng tôi sửng sốt về cách chị đoán được nội dung cuộc trò chuyện giữa hai đứa tôi.
- Nhìn cái gì! - Chị Hoài hừ mũi - Hồi sáng đi chợ chị nghe người ta đồn ầm.
Tôi nuốt nước bọt:
- Em không làm chuyện đó.
- Thế tại sao con Thắm đi kiếm em?
- Thì nó cũng nghĩ như chị - Tôi nhăn nhó - Nó tưởng em là thủ phạm.
Chị Hoài đột ngột thấp giọng:
- Ba mẹ con Thắm bắt nó lấy chồng hả?
- Dạ.
- Nó mới học lớp Chín mà.
Tôi đành kể cho chị Hoài chuyện hôn ước oái oăm của nhỏ Thắm, cẩn thận dặn chị không được hé môi với ai.
Nghe xong, chị Hoài tỏ vẻ bất bình giùm nhỏ Thắm:
- Ông ƯỚC đúng là lãng xẹt! Thời buổi bây giờ mà làm cái chuyện y như thời phong kiến.
Mặt tôi vừa tươi lên sau câu nhận xét của chị đã vội sụp xuống khi chị nheo mắt nhìn tôi:
- Bộ em thương con Thắm hả?
- Đâu có - Tôi giật thót - Em với nó chỉ là bạn thôi.
- Thế sao em ghi câu ”Con gái lớn lên phải lấy được người mình thương"?
Tôi có cảm giác chị Hoài đang cố ý lùa tôi bực mình. Tôi nhún vai, cố đừng để gắt gỏng:
- Em đã nói không phải em mà.
Chị Hoài thoắt nghiêm mặt lại, và câu nói tiếp theo của chị cho thấy chị không tin lời tôi. - Em chớ dại làm những trò trẻ con như thế. Đây là chuyện người lớn chứ không phải chuyện của con nít.
Tôi không buồn đôi co với chị Hoài. Tôi biết sự nghi ngờ trong lòng chị đang cao như núi và tôi không có cách nào san bằng ngọn núi đó.
Đợi chị Hoài đi vào bếp, tôi tức tốc chạy qua chùa giác Nguyên.
- Chú phải không? - Tôi chỉ tay vào chú tiểu Khôi đang ngồi học bài trước cổng chùa, mặt hầm hầm.
Chú tiểu Khôi ngơ ngác:
- Phải không chuyện gì?
Vẻ mặt thật như đếm của chú tiểu Khôi làm tôi điên tiết. Tôi hổn hển tuôn ra một tràng: - Chú đừng có làm bộ. Dòng chữ ”Phản đối hôn nhân lạc hậu. Con gái lớn lên phải được lấy người mình thương” là do chú viết phải không?
- Không - Chú tiểu Khôi lắc đầu - Không phải tôi.
Tôi nghiến răng trèo trẹo:
- Người tu hành không được nói dối nghe chú. Nói dối là có tội với Phật tổ đó.
- Tôi không viết thật mà.
- Chú không viết thì ai viết? - Tôi chồm ngừoi tới trước, răng nhe ra đầy hăm doạ - Chuyện này ngoài tôi ra, chỉ có chú biết thôi.
Có lẽ sợ tôi lên cơn điên cắn cho chú một phát, chú tiểu Khôi ngập ngừng thú nhận:
- Bạn Phan cũng biết.
- Trời đất! - Tôi la lớn - chú kể cho nó nghe hả?
Chú tiểu Khôi quay đầu đi chỗ khác để tránh ánh mắt của tôi. Chú không trả lời nhưng sự im lặng của chú chắng khác nào một cái gật đầu.
Tôi chần chừ:
- Sao chú đi kể với nó?
Chú tiểu Khôi thở hắt ra
- Tôi muốn nhờ nó nghĩ cách giúp nhỏ Thắm - Hừ, thằng đó chỉ toàn nghĩ cách bậy bạ.
Đang nói, tôi sực nhớ ra một chuyện.
- Ủa, thằng Phan ở tuốt dưới ngã ba Cây Cốc, chẳng lẽ nửa khuya nó đạp xe lên thị trấn để gián tờ giấy đó?
- Nó chỉ viết chữ thôi. - Chú tiểu Khôi gãi trán, bối rối đáp - Còn tờ giấy do tôi dán.
- Chú giỏ quá ha!
Tôi quét mắt khắp ngừoi chú tiểu Khôi. Khác với đồng phục học trò tụi tôi, hằng ngày chú mặc áo tràng màu lam đến lớp. Bảng tên thay vì may trực tiếp vô áo, chú ép ni lông và dùng kim băng gắn lên trước ngực, có lẽ để tiện tháo ra lúc tan trường. Lúc không đi học, chú tự hỏi không biết ban đêm chiếc áo chú mặc có tiện cho việc ”dạ hành” như Sở Lưu Hương trong truyện Cổ Long hay không.
- Đăng giận tôi hả? - thấy tôi không nói gì, chú tiểu Khôi rụt rè hỏi.
- Không. Tôi chỉ giận nhỏ Thắm.
Chú tiểu Khôi ngạc nhiên:
- Sao Đăng giận nó?
- Khi nãy nó lên nhà tôi. Nó tra hỏi tôi như công an tra hỏi kẻ cướp không bằng!
- Đăng đừng hiểu lầm nó.
- Hiểu lầm gì! Nó bảo vì tôi mà nó bị ba nó đánh đòn. Nhưng tôi nghĩ nó tức giận vì tờ giấy đó làm nó không lấy được chồng thì đúng hơn.
Tôi tức tối tuôn một tràng và không để cho chú tiểu Khôi kịp lên tiếng xoa dịu, tôi băng qua sân trường Bồ Đề, chạy một mạch về nhà.
o O o
Chương 3.10
Hôm sau tôi thộp cổ thằng Phan trên lớp:
- Mày ngon quá há, Phan!
Phan biết ngay tôi muốn nói chuyện gì. Nó chớp mắt:
- Tại chú tiểu Khôi nhờ tao nghĩ cách chứ bộ.
- Bộ hết cách rồi sao mà mày nghĩ ra cách tà đạo này. Mày có biết nhỏ Thắm lên tận nhà hoạnh hoẹ tao không?
- Cái gì tà đạo? - Phan nhăn nhó gỡ tay tôi ra - Mày ngon hơn tao thì mày nghĩ ra cách khá đi!
- Cách khác... hả?
Thách thức của Phan khiến tôi bất giác cà lăm.
Những ngày qua tôi đã xoay tới xoay lui hàng trăm ý nghĩ trong đầu, đã ngồi soi mặt hàng giờ vào từng trang sách trinh thám của thầy Vỹ, vẫn không nảy ra được mẹo nào. Có lẽ chị Hoài nói đúng, đây là chuyện của người lớn.
Chuyện của người lớn bao giờ cũng nằm ngoài tầm tay của chúng tôi. Bọn học trò lớp Chín dù sao cũng chưa đủ lớn khôn để sắp xếp đời mình và đời của bạn mình. Ờ, nhưng mà sắp xếp làm gì! - nghĩ tới đây tôi lại thấy ấm ức - mình sắp xếp cho nó, nó càng ghét mình thêm.
Phan không hiểu tâm sự của tôi. Thấy mặt tôi bỗng dưng xịu xuống, nó thò lỏ mắt nghiêng ngó:
- Sao? Không nghĩ ra được cách nào hay hơn tao phải không?
- Ờ.
Tôi thở dài, tính nói xấu nhỏ Thắm một câu cho hả tức nhưng cuối cùng tôi kiềm lại được. Sáng nay, lúc vừa đặt chân vô lớp tôi đã hấp tấp đảo mắt nhìn quanh. Tuy giận nhỏ Thắm, tôi vẫn nơm nớp sợ nó bỏ học vì xấu hổ. Giả như nó đến lớp, tôi e nó sẽ không chịu đựng nổi những lời chọc ghẹo của bạn bè. Nhưng nhỏ Thắm làm tôi ngạc nhiên vô kể. Nó không những ôm cặp đi học bình thường, tôi thấy nó vẫn cười nói tự nhiên với đám bạn gái trong lớp như không hề có gì xảy ra.
Có lẽ bạn bè không nỡ trêu nó, hoặc không nghĩ ra lý do gì để trêu. Ờ, làm sao tụi bạn có thể nghĩ nó là nhân vật chính trong câu chuyện lùm xùm này.
Nó mới mười bốn tuổi mà. Hơn nữa trong thời gian đó thị trấn đang ồn lên chuyện chị Hòe lấy chồng. Thế là thiên hạ lập tức quên ngay tờ giấy dán trước nhà bà ƯỚC, một phần vì người ta không hiểu nội dung của nó định ám chỉ điều gì. Có người đoán đó chỉ là trò nghịch ngợm của lũ tiểu yêu trong khu chợ. So với chuyện nhắng nhố trẻ con đó, hoa khôi lấy chồng là sự kiện trọng đại hơn nhiều. Trong một thị trấn phẳng lặng như nơi tôi ở, đám cưới của chị Hòe giống như một biến cố.
Hồi anh Thắng giả điên, thị trấn Hà Lam vui hơn bây giờ. Với những tràng tiếng Pháp lốp bốp và bài hát Aline thường bất thình lình vang lên trước cổng trường tiểu học, trẻ con bọn tôi còn có cái để mà chờ đợi. Lần cuối cùng anh Thắng đem lại sự sôi nổi cho thị trấn là lúc anh ngồi rền rĩ hát trước giường bệnh của cô Sa, người lớn con nít bu đen bu đỏ xem như xem xiếc.
Chỉ tiếc là sau lần đó, anh cưới cô Sa rồi đem cô đi mất, trả lại cho thị trấn vẻ buồn tẻ quen thuộc. Bây giờ, chị Hòe - người mà anh Thắng từng ngoảnh mặt, bằng cuộc hôn nhân muộn màng của mình đã thay anh bơm vào đời sống lặng lờ của quê tôi luồng không khí náo nhiệt và mọi người lại vớ được đề tài hấp dẫn để bàn tán suốt ngày.
Bọn trẻ con cũng kéo vào vòng xoáy này. Cả đống cái miệng háo hức:
- Ê, biết tin gì chưa? Chị Hòe sắp lấy chồng - Chị Hòe lấy ai vậy mày?
- Nghe nói chú rể đẹp trai như tài tử xi nê.
Gần đến ngày cưới, thông tin bắt đầu rò rỉ. Chú rể là một bác sỹ làm ở bệnh viện lớn trong Sài Gòn. Chị Hòe quen anh trong một lần đưa mẹ vào trong chữa bệnh.
Trong mắt cư dân thị trấn. Sài Gòn là một kỳ quan. Đó là một xứ sở bí mật, xa xăm, lộng lẫy, giàu sang. Nó như thuộc về một thế giới khác. Chúng tôi chỉ nhìn thấy Sài Gòn trên các tờ hoạ báo sặc sỡ. Dạo đó, quê tôi rất ít người có dịp đi Sài Gòn. Phải thật giàu như tiệm vải nhà chị Hòe hoặc phải học giỏi cỡ ”cao học” như anh Thắng mới đi được tới xứ đó. Không hiếm người ao ước đi Sài Gòn một lần trong đời cho biết ”nó” là cái gì rồi về chết cũng cam lòng.
Chú rể không những người Sài Gòn mà còn là bác sĩ, càng thếm oai phong.”Bác sĩ, kỹ sư” là một cái gì cao siêu vĩ đại vào thời đó. Ao ước tột bậc của các bậc phụ huynh trong thị trấn là con mình cố làm sao học tới bác sĩ, kỹ sư. Nó không chỉ đánh giá, mà còn đồng nghĩa với giàu có, với ô tô nhà lầu. Nhưng để trở thành bác sĩ, kỹ sư cũng khó ngang với trở thành phi công vũ trụ nên rốt cuộc chưa có con người hiếu thảo nào ở quê tôi thoả mãn được giấc mơ quá đáng của các đáng sinh thành. Vậy mà đùng một cái, chồng chị Hòe là bác sĩ. Lại là bác sĩ Sài Gòn.
Chuyện cứ thế mà ầm ĩ cho tới ngày nhà chị Hòe dựng rạp trước cổng tiệm vải.
Hoá ra chồng chị Hòe khác xa lời đồn thổi. Anh không giống tài tử xi nê chút nào. Người anh đen và lùn, đứng thấp hơn chị Hòe nửa cái đầu.
Trong dân tình đã xuất hiện những lời độc địa:
- Tưởng sao, hoa lài rốt cuộc lại cắm bãi cứt trâu!
Các chàng trai nhờ thất tình chị Hòe mà trở thành nhạc sỹ cũng kéo nhau về thị trấn trong dịp này - vì hiếu kỳ và cả vì đố kỵ. Vài người trong số họ tỏ vẻ hả hê khi phát hiện kẻ thắng cuộc có dung mạo xấu xí ngang với chàng Trương Chi chèo đò.
Có người, trong lúc say mèm, đã ứng tác bài hát ”Thương cho môt đoá hoa lài” rồi ôm đàn gảy tưng tưng và ông ổng hát ngay cạnh lều rạp đám cưới.
Trong khi gia đình chị Hòe chưa biết phản ứng thế nào thì cư dân thị trấn, kể cả người vừa thốt câu chế nhạo ”hoa lài cắm bãi cứt trâu", xúm nhau đuổi đánh anh nhạc sĩ ba trợn khiến anh phải vứt đàn chạy thẳng xuống ngã tư Hà Lam leo lên xe đò vọt mất. Lý lẽ của những kẻ trừng phạt được đám đông nhiệt liệt hoan nghênh: Nhận xét, chê bai là một chuyện, còn phá đám ngày vui của người ta là chuyện khác - chuyện thất đức, không chấp nhận được.
Nghe tin này, chị Hoài tặc lưỡi:
- Chuyện vợ chồng là do duyên số, em ạ.
Mẹ tôi bình luận:
- Đàn ông giá trị ở chỗ có tài hay không. Vẻ ngoài đâu có quan trọng.
Bà nội tôi móm mém:
- Mấy đứa đẹp mã chỉ lo đàn đúm, ăn chơi. Chính mấy đứa xấu trai mới chỉ thú học hành, đỗ đạt thành tài.
Anh Thắng cũng quay về trong dịp này. Anh mua một bó hoa, viết một tấm thiệp rồi đem tới tiệm vải lịch sử chúc mừng chị Hòe.
Thắng Phan bình luận:
- Cỡ ”cao học” xử sự có khác!
Phan không biết chuyện cô Sa bỏ về Duy Xuyên. Nên nó không biết ”cao học” xử sự đôi khi cũng rất ẩu.
Chuyện chị Hòe lấy chồng gợi tôi nhớ đến hôn ước bí mật của nhỏ Thắm. Nên tôi không hề thấy háo hức như lũ bạn. Tôi chỉ tò mò về sự xuất hiện của anh Thắng ở thị trấn. Những ngày này tôi quẩn quanh trước cửa nhà nhỏ Ngọc nhiều hơn là chỗ tiệm vải chị Hòe. Chỉ để dò xem thái độ của anh Thắng. Chỉ để mong giải đáp được thắc mắc đang cộm lên trong ngực: Chị Hòe hớn hở đi lấy chồng trong khi anh thì bị vợ bỏ, liệu anh có buồn không? Tôi hỏi và tôi không tìm thấy câu trả lời trong nét mặt tươi tình của anh Thắng. Tôi không biết anh bình thản thật hay anh cố tình làm ra thế. Tôi chỉ biết, nếu mai kia nhỏ Thắm đi lấy chồng chắc tôi buồn lắm.
Con mắt trên tường nhà nhỏ Ngọc hình như cũng nghĩ giống tôi. Nó nhìn tôi như muốn nói:
Buồn chứ sao không!
Lần đầu tiên tôi nhận ra mình không tránh tia nhìn của nó.
o O o
Cây Chuối Non Đi Giày Xanh Cây Chuối Non Đi Giày Xanh - Nguyễn Nhật Ánh Cây Chuối Non Đi Giày Xanh