Chương III
rong lúc đó, niềm khao khát diễn tả bản thân lớn dần. Một vài dấu hiệu mà tôi sử dụng ngày càng ít thích đáng, và những thất bại trong việc làm cho người khác hiểu tôi dẫn tới những cơn bùng nổ cảm xúc rất đa dạng. Tôi cảm thấy như thể những bàn tay vô hình đang nắm giữ tôi và tôi thực hiện những nỗ lực điên cuồng để thoát ra. Tôi đã đấu tranh – sự đấu tranh đó không có ý nghĩa gì quan trọng, nhưng tinh thần cưỡng kháng trong tôi rất mạnh mẽ; tôi thường khóc òa lên và kiệt sức về mặt thể chất. Nếu tình cờ mẹ tôi ở gần đó tôi sẽ bò vào vòng tay của bà, khốn khổ đến nỗi thậm chí không thể nhớ nguyên do của cơn tức tối. Một thời gian sau, nhu cầu có một thứ phương tiện giao tiếp nào đó trở nên cấp thiết đến độ những cơn bùng nổ này diễn ra hàng ngày, đôi khi hàng giờ.
Cha mẹ tôi vô cùng đau khổ và rối trí. Chúng tôi sống cách xa bất kỳ trường học nào dành cho người mù hay người điếc. và có vẻ như không có khả năng bất kỳ người nào đó sẽ tới một nơi chốn hẻo lánh như Tuscumbia để dạy dỗ một đứa trẻ vừa điếc vừa mù. Thật sự, những bạn hữu và họ hàng của tôi đôi khi nghi ngờ không biết có thể dạy dỗ được tôi hay chăng. Tia hy vọng duy nhất của mẹ tôi đến từ cuốn ‘Những ghi chép ở Mỹ” của Dicken. Bà đã đọc mô tả của ông về Laura Bridgman, và mơ hồ nhớ rằng bà ta cũng vừa điếc vừa mù, thế nhưng có học vấn. Nhưng bà cũng nhớ với một nỗi đau vô vọng rằng Tiến sĩ Howe, người đã khám phá ra cách dạy những người điếc và người mù, đã chết nhiều năm trước. Có lẽ những phương pháp của ông cũng đã chết theo ông; và nếu không phải thế, làm sao một cô bé ở một thị trấn xa xôi của Alabama có thể tiếp nhận lợi ích của chúng?
Khi tôi khoảng sáu tuổi, cha tôi nghe nói về một bác sĩ nhãn khoa xuất chúng ở Baltimore. Ông này đã thành công trong nhiều ca vốn có vẻ vô vọng. Cha mẹ chúng tôi lập tức quyết định đưa tôi tới Baltimore để xem có thể làm được bất cứ điều gì cho đôi mắt của tôi chăng.
Chuyến đi, mà tôi còn nhớ rõ, rất ư thú vị. Tôi kết bạn với nhiều người trên tàu hỏa. Một tiểu thư cho tôi một hộp vỏ sò. Cha tôi khoan lỗ những cái vỏ sò để tôi có thể xâu chúng lại, và suốt một thời gian dài chúng giúp tôi vui vẻ và hài lòng. Cả ông trưởng tàu cũng tốt lắm. Thường thường, khi ông đi một vòng kiểm tra, tôi bám theo đuôi áo khoác của ông trong lúc ông thu vé và bấm lỗ. Cái kìm bấm lỗ của ông, mà ông cho tôi chơi, là một thứ đồ chơi thú vị. Tôi ngồi co vào một góc chỗ ngồi và chơi một mình suốt nhiều giờ bằng cách bấm những cái lỗ nhỏ thú vị trên những mẫu giấy cứng.
Cô tôi đã làm cho tôi một con búp bê to từ những chiếc khăn tắm. Nó là một vật không hình thù khôi hài nhất, cái con búp bê chế tác đầy ngẫu hứng này, không mắt, mũi, miệng hay tai gì cả - không có thứ gì để thậm chí trí tưởng tượng của một đứa bé cũng có thể biến đổi thành một gương mặt. Lạ lùng sao, sự thiếu vắng đôi mắt khiến tôi chú ý tới hơn tất cả những khiếm khuyết khác cộng lại. Tôi chỉ cho mọi người thấy điều này với sự kiên trì đầy khiêu khích, nhưng dường như không có ai ngang tầm với công việc cung cấp đôi mắt cho con búp bê. Tuy nhiên, một ý tưởng tuyệt vời nảy ra trong đầu tôi, và rắc rối đã được giải quyết. Tôi tuột khỏi chỗ ngồi và tìm kiếm bên dưới cho tới khi tôi tìm được cái mũ của cô tôi, vốn có đính nhiều hạt cườm lớn. Tôi giật đứt hai hạt cườm và ra dấu với bà rằng tôi muốn bà may chúng lên con búp bê. Bà đưa tay tôi lên mắt mình theo một cách thức dò hỏi, và tôi gật đầu hăng hái. Hai hạt cườm được may vào đúng chỗ và tôi không thể chứa đựng nỗi niềm hân hoan trong lòng; nhưng ngay lập tức tôi đánh mất mọi chú ý vào con búp bê. Trong suốt chuyến đi tôi không có một cơn cáu gắt nào, có quá nhiều thứ giữ cho tâm trí và những ngón tay của tôi luôn bận rộn.
Khi chúng tôi tới Baltimore, bác sĩ Chisholm ân cần tiếp đón chúng tôi: nhưng ông không thể làm gì được. Tuy nhiên, ông nói rằng tôi có thể học được và khuyên cha tôi nên tới xin ý kiến của Tiến sĩ Alexander Graham Bell, của trường Washington. Hẳn ông ta có thể cung cấp cho cha tôi thông tin về những trường học và giáo viên dạy trẻ em điếc hay mù. Làm theo lời khuyên của ông bác sĩ, chúng tôi ngay tức khắc tới Washington để gặp Tiến sĩ Bell, cha tôi với quả tim buồn rầu và nhiều nghi ngại, tôi hoàn toàn không ý thức được nỗi đau khổ của ông, tìm vui trong niềm phấn khích được di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Dù bé thế, ngay lập tức tôi cảm nhận được sự dịu dàng và đồng cảm đã gắn kết Tiến sĩ Bell với rất nhiều quả tim, vì những thành tựu kỳ diệu của ông đã giành được sự ngưỡng mộ của họ. Ông giữ tôi trên đầu gối trong lúc tôi kiểm tra cái đồng hồ của ông, và ông làm cho nó điểm giờ để giúp tôi vui. Ông hiểu những dấu hiệu của tôi, tôi biết điều đó và yêu mến ông ngay lập tức. Nhưng tôi không mơ tưởng rằng cuộc phỏng vấn đó sẽ là cánh cửa mà qua đó tôi sẽ đi từ bóng tối sang ánh sáng, từ cô quạnh sang tình bằng hữu, tình đồng đội, kiến thức, tình yêu.
Tiến sĩ Bell khuyên cha tôi viết thư cho ông Anagnos, giám đốc của Học viện Perkins ở Boston, kể về những lao tâm khổ tứ mà Tiến sĩ Howe dành cho những người mù, và hỏi xem ông ta có một giáo viên nào thành thạo để bắt đầu việc giáo dục tôi hay chăng. Cha tôi làm điều này ngay tức khắc, và sau vài tuần, có một lá thư nhân hậu đến từ ông Anagnos với lời bảo đảm đầy an ủi rằng đã tìm ra một giáo viên. Đó là vào mùa hè năm 1886. Nhưng cô Sullivan không đến cho tới tháng Ba năm sau.
Tôi đã ra khỏi Ai Cập và đứng trước Sinai [3] như vậy đó, và một sức mạnh thiêng liêng chạm vào linh hồn tôi, mang cho nó khả năng nhìn, để tôi chứng kiến nhiều điều kỳ diệu. Và từ ngọn núi thiêng tôi nghe một giọng nói thốt lên: “Kiến thức là tình yêu, ánh sáng và khả năng nhìn thấy.”
Câu Chuyện Đời Tôi Câu Chuyện Đời Tôi - Hellen Keller Câu Chuyện Đời Tôi