Lũ Côn Trùng
Ông già giở lướt cuốn sổ rồi thiu thiu ngủ trong tiếng rì rầm ong ong. Từ nhiều ngày nay ông bị mất ngủ. Khách sạn đầy những người tình nguyện trong đội Dân vệ đeo băng tay màu vàng. Ban đêm còi báo động hú suốt. Đống ghế bành được xếp dưới hầm trú ẩn cuối dãy hành lang lỏng chỏng chai dưới đất. Đằng sau hàng mí mắt đã nhắm của ông, mặt trời đùa giỡn trên mặt biển. Khuôn mặt Fanny. Chuyến đi của cặp vợ chồng trẻ xuống vùng Provence rồi tận Marseille để bắt côn trùng. Làm sao có thể viết về anh con trai mà không viết gì về người cha. Chuyện này cũng ngắn thôi. Anh con trai chưa bao giờ gặp cha mình.
Tại Morges thuộc bang Vaud, trong gia đình Yersin cũng như bên hàng xóm, cảnh sống không đến nỗi cùng quẫn nhưng vô cùng đạm bạc. Ở đó một xu là một xu. Váy áo sờn cũ của các bà mẹ được chuyển cho đám hầu gái. Nhờ đi làm gia sư mà người cha đã có thể theo học kha khá ở Genève, một thời làm giáo viên cấp hai, rất mê thực vật học và côn trùng học, nhưng để kiếm sống tốt hơn, ông làm quản kho thuốc súng. Ông mặc áo vét đen bó chặt của giới học giả và đội mũ chỏm cao, biết tất tật về côn trùng cánh cứng, trở thành chuyên gia côn trùng cánh thẳng và châu chấu.
Ông vẽ châu chấu và dế, giết hết, đặt cánh và râu chúng dưới kính hiển vi, gửi bài viết tới Hội Khoa học tự nhiên bang Vaud, thậm chí cả Hội Côn trùng học Pháp. Thế rồi ông trở thành quản đốc Kho thuốc súng, không xoàng đâu nhé. Ông tiếp tục nghiên cứu hệ thống thần kinh ở dế đồng và hiện đại hóa ngành thuốc súng. Trán đè nát con dế cuối cùng. Trong cơn co giật cuối, cánh tay ông hất đổ đống chai lọ. Alexandre Yersin qua đời ở tuổi ba mươi tám. Một con bọ hung xanh lục bò ngang má ông. Một con châu chấu mắc kẹt trên tóc ông. Một con bọ mật sọc đen chui vào cái miệng há hốc của ông. Cô vợ trẻ Fanny đang mang thai. Bà góa của ông chủ sẽ phải rời kho thuốc súng. Sau bài điếu văn, giữa những bọc quần áo và chồng bát đĩa, một đứa trẻ chào đời. Người ta đặt cho nó tên của người chồng đã chết.
Ven bờ Hồ (Ở đây chỉ hồ Lesman, một hồ lớn ở Thụy Sĩ) nước trong và lạnh, bà mẹ mua Nhà Cây Sung tại Morges rồi sửa sang thành nhà trọ cho các cô gái trẻ. Fanny là người lịch thiệp, rành rẽ các cung cách phụ nữ. Bà dạy bọn con gái nữ công gia chánh, một chút vẽ vời và âm nhạc. Suốt đời, người con trai sẽ luôn khinh bỉ những hoạt động ấy, lẫn lộn nghệ thuật đích thực với những thứ nghệ thuật mua vui. Với anh mọi chuyện tầm phào hội họa văn chương đều gợi nhớ đến sự phù phiếm của đám con gái mà trong thư từ anh gọi là lủ khỉ cái.
Điều này khiến bạn hình dung ra một đứa trẻ hoang dã, đặt bẫy và phá tổ chim, dùng kính lúp nhóm lửa, về nhà lấm lem bùn đất như thể trở về từ chiến trường hoặc một cuộc thám hiểm trong rừng rậm. Thằng bé chơi một mình, quần nát vùng nông thôn, bơi ở Hồ hay làm diều. Nó bắt côn trùng, đem ra vẽ, dùng kim xiên rồi đính lên giấy bìa. Nghi lễ hiến sinh làm người chết sống dậy. Giống như giáo và khiên ở một tộc người chiến binh, nó thừa hưởng các biểu tượng của cha, lôi từ cái rương để trong kho chứa đồ ra kính hiển vi và con dao mổ. Đây là Alexandre Yersin thứ hai và cũng là một nhà côn trùng học thứ hai. Các bộ sưu tập của người quá cố đã chuyển vào bảo tàng Genève. Mục đích của một cuộc đời có thể là: phung phí năm tháng của mình cho việc nghiên cứu khổ hạnh, chờ đến lượt mình bị vỡ một mạch máu não.
Thế hệ này qua thế hệ khác, ngoài việc hành hạ lũ côn trùng thì các trò giải trí vùng Vaud rất hạn chế. Bản thân khái niệm “giải trí” đã đáng ngờ rồi. Ở chốn này sống là để cứu chuộc cái tội là đã sống. Gia đình Yersin chịu tội dưới bóng Nhà thở Tân giáo tự do, xuất phát từ một phong trào ly giáo ở Lausanne trong giới Tin Lành vùng Vaud. Đám này từ chối cho Nhà nước quyền trả lương mục sư và gìn giữ nhà thờ của họ. Trong cảnh nghèo thảm và tằn tiện, những con chiên ngoan đạo đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm tiền nuôi các bậc chăn chiên. Việc này còn nan giải hơn chuyện nuôi một ông linh mục ăn khỏe. Nhằm làm vui Chúa – hãy sinh sôi nảy nở – mục sư là một loài phát triển cực nhanh. Đó là những gia đình con đàn cháu đống như lũ chim non dưới đáy tổ há mỏ lên trời. Váy áo cũ của các bà mẹ sẽ không được chuyển sang cho đám hầu gái nữa. Các giáo dân khoác lên người sự thanh khiết và lòng chính trực như khoác áo choàng vậy. Họ là những kẻ thuần khiết nhất, xa rời cuộc sống vật chất nhất, những quý tộc về đức tin.
Từ cái lạnh lùng cao ngạo trong những ngày chủ nhật băng giá xanh lơ ấy, người ta bảo chàng trai bé nhỏ sẽ lưu giữ sự thẳng thừng cộc lốc và nỗi khinh bỉ mọi vật chất trên cõi đời này. Đứa trước đây vì buồn chán mà học hành xuất sắc, nay đã trở thành một thiếu niên cần cù. Những người đàn ông duy nhất được đón tiếp ở Nhà Cây Sung, trong phòng khách nhỏ đầy hoa, là các ông bác sĩ bạn của bà mẹ. Khi ấy, vấn đề là phải lựa chọn Pháp hay Đức và một trong hai mô hình đại học. Ở phía Đông sông Rhin là kiểu học giảng đường và lý thuyết, khoa học được phát ra từ trên cao bởi những nhà bác học vận comlê đen cổ hồ cứng. Ở Paris là giảng dạy lâm sàng ngay đầu giường người bệnh và mặc blu trắng, mô hình được gọi là thực hành, người lập ra là Laennec (Bác sĩ René Laennec (1781-1826): người Pháp, nổi tiếng vì đã sáng chế ra ống nghe bác sĩ).
Sẽ là Marburg, theo lời khuyên của mẹ và đám bạn bà. Yersin thích Berlin hơn nhưng đành chọn tỉnh lẻ. Fanny thuê cho con trai một căn phòng ở nhà một ông giáo sư khả kính, một cây cao bóng cả ở trường đại học nhưng lại trợ lễ ở nhà thờ. Yersin phục tùng nhằm rời xa đám đàn bà con gái. Ra đi. Giấc mơ của anh là giấc mơ của một đứa trẻ. Đó là khởi đầu những thư từ trao đổi với Fanny, cho mãi đến khi bà qua đời. “Khi nào trở thành bác sĩ, con sẽ đưa mẹ đến sống ở miền Nam nước Pháp hay ở Ý, mẹ nhé?”
Tiếng Pháp trở thành một thứ ngôn ngữ bí mật, đậm tình mẫu tử, một kho báu, ngôn ngữ của buổi tối, của những bức thư viết cho Fanny.
Anh hai mươi tuổi và từ ngày đó cuộc đời anh được nói bằng tiếng Đức.
Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả - Patrick Deville Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả