Chương 3 - Chiếc Tua-Bin Bằng Cây Sậy
ác anh các chị ấy tìm gì trên những mỏm đá này? Người thì nằm sấp, rình mò, người thì ngồi nghiêng dùng kính lúp soi lên vách đá. Có anh chị lại dùng thước đo một chỗ đá nứt làm cho vách sụp xuống, so le. Vài ba người không làm gì, đi lang thang trong rừng tìm hái hoa lan.
Nhưng họ có liên quan gì tới chuyện xây đập thủy điện trên thác Trị An?
Ðó là câu hỏi thỉnh thoảng vẫn hiện ra trong đầu Sơn lúc ấy đang đưa thuyền sang sông đón các bạn nhỏ đi học về.
Trên đồi đá mấy thầy trò cũng đã đến giờ nghỉ. Những sinh viên tìm được địa khai đem tới khoe thầy Văn và khoevới nhau. Những con vật nhỏ tròn tròn như vỏ sò. Nhữngcon khác trông giống như nòng nọc. Tất cả chỉ còn để lại dấu vết trong đá. Các sinh viên phải dùng búa bửa đá ra mà tìm, nhưng không phải chỗ nào cũng có.
Phượng lấy được một mẫu đá có in dấu sóng biển và đem đến hỏi giáo sư Văn. Ông xem, có vẻ thích thú, lấy sổ tay ra ghi và coi theo hình mà vẽ các vết lăn tăn trên mặt giấy.
- Chỗ này là vùng biển cạn. Gió thường xuyên thổi theo hướng Ðông Bắc nên sóng nhỏ lăn tăn và hướng sóng xô về phía ấy.
Phượng cũng ghi chú trong sổ tay của chị. Lát sau Phượng nghe có tiếng gọi tên mình, chị biết là Thành nên đi lại phía có anh sinh viên đeo kính cận đang ngồi.
Nơi ấy là một tảng sa thạch màu nâu đen khá bằng phẳng. Bên cạnh có một cây ru rì lớn mọc từ dưới đáy sông nhô lên quá đầu của Thành một tí.
- Anh gọi em? Phượng hỏi nhỏ.
Thành ra dấu cho Phượng ngồi xuống và hỏi:
- Cây phong lan em hái ở đâu hay quá vậy?
- Thằng bé đưa đò hái cho em đó. Em gặp trên đường đi. Anh lấy cái vỏ cây hay cái gì bọc nó lại đi.
Thành ngắt một trái rù rì. Ðó là một thứ trái nhỏ như một cái pháo màu xanh, hai đầu nhọn. Thành đưa nó cho Phượng.
- Em coi nè. Ðây là một cái địa khai rất kỳ lạ.
Phượng tách đôi mẩu vật ấy ra.
Bên trong có một con tôm nhỏ đã chết nhưng hãy còn tươi. Phượng kêu lên:
- Xạo. Anh này cứ chọc quê người ta hoài hà.
- Xạo sao? Em đến hỏi thầy đi.
Phượng làm thinh thấy con tôm vần còn ngo ngoe mấy cái chân nhỏ, chị bắt nó ra để trong lòng bàn tay rồi ngâm tay xuống nước đợi cho nó sống lại. Một lúc sau con vật động đậy rồi lập lờ bơi đi.
- Anh bắt nó ở đâu vậy?
- Trong kẹt đá.
- Hay quá vậy. Chỉ chỗ đi.
Họ vây bắt những con tôm nhỏ trong khi các anh chị sinh viên khác lấy cơm và bánh mì ra ăn.
Hai giờ chiều họ làm việc trở lại. Thầy Văn nói:
- Chúng tôi đã có kết luận về vị trí tối ưu để xây đập nhưng tôi muốn các anh chị hãy tự tìm dọc theo dòng sông, từ thác trở lên xem chỗ nào sẽ là nơi tốt nhất để xây đập. Năm thứ hai và năm thứ ba chia nhau đi khảo sát đề tài ấy, năm thứ tư và thứ năm sẽ khảo sát các mội nước ngầm để lập cho được một bản đồ về sự rò rỉ quanh vách hồ. Ðây là một công tác rất quan trọng. Khi đậy xây xong, mực nước trong hồ sẽ lên tới trên sáu mươi mét, nếu vách hồ có những hang ba-dan hay những lòng sông cổ thì nước hồ sẽ theo những hang ấy, hoặc thấm qua lớp cát của những dòng sông cổ kia mà chảy tuột đi mất và chúng ta sẽ không chứa được nước trong hồ và nhà máy không thể hoạt động được. Do đó lập một bản đồ chi tiết về chế độ rò rỉ quanh vách hồ cần phải được quan tâm đúng mức. Tôi phát hiện ra một lỗ mội khá lớn ở ấp Thanh Giang II này, cái này cùng dạng với cái ở Bến Nòm nhưng nhỏ hơn. Ngay từ sáng sớm ngày mai, các anh chị năm thứ tư, thứ năm nên bắt đầu công việc của mình.
°
Mặt trời vừa lên, khi sương mù còn phảng phất trên những bông cỏ đuôi chó, Phượng và các bạn đã cầm la bàn, thước và sổ tay lên đường. Hôm nay, những nhà địa chất trẻ tuổi này không mang búa vì công việc khảo sát này không cần dùng đến nó.
Toán của Phượng có ba người nữ học năm thứ năm. Họ đi qua những vườn mít um tùm, những đám mì xanh cao quá đầu người. Con đường đất vàng nhiều cát sạn và dốc dẫn các chị đi sâu vào trong xóm. Cáng đi tới thế đất càng trũng xuống và phẳng lần ra thành một cánh đồng khá rộng. Mương nước chảy xấp xấp nổi đầy váng gạch cua. Phượng theo một cái lối mòn giữa hai hàng cây để vào trong sân một ngôi nhà tranh nhưng khá cao ráo sạch sẽ.
- Mình xem cái giếng nước này một tí. Phượng bảo các bạn, thầy nói nên để ý thành phần cấu tạo của đất dưới giếng. Nếu có cát nhiều thì cũng có khả năng rò rỉ.
Ba chị sinh viên địa chất đứng vây quanh cái giếng, ngay bên dưới một tàn cây mận lớn. Nước giếng trong vắt nhưng vì khá sâu nên không nhìn thấy đáy. Phượng hỏi các bạn:
- Không biết khi đào giếng người ta đổ đất ở đâu. Mình quan sát đống đất cũng có thể biết được thành phần cấu tạo bên dưới.
Nhưng cả ba cô sinh viên thành phố nhìn quanh mà đều không thấy dấu tích gì của những đống cát. Các em có biết tại sao không? Vì trước khi xây nhà người ta đào cái giếng và người ta dùng đất ở dưới giếng để xây nhà, như thế rất tiện lợi. Các chị sinh viên thành phố không làm sao biết được điều ấy nên đứng ngó lui, ngó tới hoài. Họ vừa định vào nhà để hỏi thăm chủ nhà thì nghe từ phía trong có tiếng người cãi cọ càng lúc càng to. Ba người thiếu nữ lắng nghe. Tiếng một người đàn ông nói vọng ra:
- Tôi không ăn xin các người. Các người đừng tưởng các người đến đây để bố thí tiền cho tôi, nhiều hay ít là tùy lòng hảo tâm của các người. Ðây là nhà của tôi. Tôi sanh cơ lập nghiệp ở đây từ đời cha đời ông tới bây giờ. Thời đánh Pháp tôi đã ở đây rồi, sang thời đánh Mỹ, bà con ấp này dời lên thành phố, khi hòa bình lập lại thì gia đình tôi là gia đình đầu tiên trở về quê, đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt tạo dựng cái nhà, cái vườn. Các ông nói chuyện sao dễ dàng quá vậy?
Tiếng một người đàn ông khác nghe cũng rõ tuy có nhỏ hơn:
- Chúng tôi biết mồ hôi nước mắt của bác nhưng đây là việc chung. Nhà nước góp từng đồng để xây cái đập này, bác đòi bồi thường nhiều quá lấy tiền đâu xây dựng nhà máy thủy điện.
Tiếng một người đàn bà nổi lên:
- Ôi, xây nhà máy là chuyện bạc tỉ, bạc triệu chớ sá gì mấy chục ngàn. Chẳng lẽ vợ chồng tụi tôi lợi dụng chuyện này để kiếm tiền sao?
- Ðâu có. Tụi cháu đâu dám nói bác như thế. Nói chung là bồi thường như thế cũng không xứng đáng đâu nhưng làm việc ích lợi chung thì mỗi người nên hy sinh một chút.
Tiếng người đàn ông lúc này lại vang lên, kèm theo một chuỗi cười khô khan:
- Một chút? Ha… Ha… một chút à? Thôi, các ông về đi. Tôi không chịu đâu. Tôi còn phải xây dựng lại gia đình, còn phải nuôi con tôi ăn học nữa chớ. Các ông về đi.
Sau đó là bước chân ba bốn người đi ra phía sau vườn. Ba chị sinh viên hoảng quá, không biết làm gì bèn núp sau đám mì. Ba người đàn ông và một người đàn bà đi ra. Hai người đi đầu trẻ hơn, chắc là cán bộ lo bồi thường thiệt hại cho các gia đình nằm trong khu vực sau này sẽ thành hồ chứa nước, người đàn bà theo sau là bà chủ nhà, còn người đàn ông trạc năm mươi tuổi thì mặt mày hầm hầm, tay xách một cái rựa to bản, sáng giới.
Bốn người lặng thinh đi bên nhau, không ai nhìn ai. Bước chân họ đi trên lá khô trong vườn nghe sột soạt rất rõ. Khi ra đến cổng hai người cán bộ chào ông già rồi ra đường. Ông già đứng dạng chân nhìn theo, dáng chắc nịch. Khi họ đi khuất rồi ông già quay lại bảo vợ:
- Bà đi vô đi.
- Ông làm gì đấy?
- Kệ tui.
- Ông đưa cái rựa đây tui vô chẻ lạt.
Ông già nghiêm sắc mặt, nói một cách lạnh lùng:
- Tôi bảo bà vô.
Cái nhìn của người đàn ông làm người đàn bà sợ hãi, bà lẳng lặng quay vào nhà. Còn lại một mình, ông già cầm ngang cái rựa, chậm rãi bước đến chỗ cây mít sum suê nhứt trong vườn. Ðó là cây mít ở gần giếng nước, trên cành lủng lẳng hàng chục cái mít to phình phịch như những con heo. Ông già đứng ngắm cây mít của mình bằng con mắt bất động, rồi bất thình lình, ông vung cây rựa lên bổ mạnh vào thân cây. Những nhát rựa đầu tiên đã khơi đậy cơn giận trong lòng ông khiến ông cảm thấy mình đang run lên. Ông bửa tới tấp vào thân cây mít tội nghiệp. Nhựa mít từ trong thân ứa ra trắng đục chảy thành dòng như những dòng máu. Cành lá rung chuyển, những trái mít to rung chuyển đau đớn.
Ba cô sinh viên núp trong đám mì sợ tái mặt nhưng không dám động mạnh. Cà ba đều ngồi xuống, nép vào nhau như những cô bé con trong chuyện cổ tích bị lạc giữa rừng.
Trong nhà chợt vang lên tiếng khóc và một cái bóng nhỏ nhắn hiện ra giữa lối đi đầy lá khô, bên dưới những tàng cây râm mát. Cái bóng ấy chạy rất nhanh về phía người đàn ông đang giận dữ.
- Ba ơi, đừng chặt nữa, ba ơi.
Phượng giật mình quay lại. Em bé đó chính là Sơn. Em đã đến sau lưng ba và níu lấy áo ông. Người cha dừng tay lại, quắc mắt nhìn con:
- Ði! Ông ra lệnh. Lẹ lên!
Nhưng Sơn vận đứng yên, nhìn chăm chăm vào những dòng nhựa cây đang cuồn cuộn chảy ra. Ông già lại ra lệnh cụt ngủn:
- Ði!
Một cái bạt tai bất thình lình xáng vào mặt Sơn làm em xiểng liểng. Em chưa kịp hoàn hồn thì người cha đã xốc tới co chân sắp đá khiến em ôm mặt bỏ chạy. Người cha nổi sùng rượt theo khiến Sơn phải chui tọt vào đám mì mà chạy. Ông ta dừng lại, ném cái rựa xuống đất, đứng thẩn thờ một lát rồi buồn bã ngồi xuống thềm giếng, móc hộp thuốc rê trong túi ra, vấn hút.
Ðến lúc ấy ba chị sinh viên núp trong đám mía mới đỡ sợ. Cả ba người đều chạy theo Sơn, giống hệt ba con cút, lủi trốn trong bụi rậm. Chạy được một lúc họ nghe tiếng nước chảy róc rách nên chui ra khỏi đám mì và gặp ngay dòng sông quen thuộc của mình. Phượng nhận ra ngay cậu bé đang ngồi trên mỏm đá cao nhìn dòng nước. Phượng đến bên bảo:
- Xuống đây chơi.
Sơn nhớ lại rất nhanh cái dáng nghiêng nghiêng của Phượng trong vùng sáng của nắng sớm viền qua tóc lúc em đưa đò. Các dáng Phượng bây giờ cũng nghiêng nghiêng như thế nhưng không có viền sáng của nắng.
- Xuống đi. Phượng cười rất tươi.
Sơn ngoan ngoãn leo xuống, đứng bên Phượng nhưng không nhìn Phượng mà nhìn dòng nước. Phượng nói:
- Lúc nãy chị cũng có mặt trong vườn nhà em.
Sơn quay lại nhìn Phượng nhưng không nói gì. Hai cô bạn của Phượng vừa khám phá ra một cái tổ chim gì treo tận trên một cành nhỏ trên cao. Họ chỉ chỏ, cãi nhau, không để ý gì tới Phượng. Phượng cũng không để ý gì tới hai người bạn của mình. Chị hỏi:
- Sao sáng nay em không đi học?
- Ba nói, ít bữa trường cũng phải dời đi. Học làm chi.
- Trường dời đi chỗ khác còn đàng hoàng hơn. Sao lại không học.
Sơn làm thinh, em tìm một hòn đá bằng phẳng và ngồi xuống. Có tiếng hai chị sinh viên gọi:
- Về, Phượng ơi.
Sơn quay lại:
- Ðừng về. Em muốn hỏi chị vài chuyện.
- Chuyện gì vậy?
- Gia đình em có nhiều chuyện buồn lắm. Chị ở lại với em một lát đi.
Phượng ra hiệu bảo các bạn mình về trước nhưng hai người đã đi khuất sau những lùm cây rồi. Sơn ném một viên sỏi xuống dòng sông.
- Chị thấy cái vườn trái cây của em ngon lành không?
- Ba em bắt đầu trồng từ lúc nào vậy?
- Từ hồi giải phóng tới giờ đó. Hồi mới về chỗ đó cũng đầy gai góc. Ba em, má em đổ công vô đó nhiều nên bây giờ ông tiếc ghê lắm. Em cũng tiếc. Sao mình không câu điện ở đâu về xài mà làm nhà máy ở đây chi cho phiền vậy, chị?
- Ðiện mình có dư đâu mà câu. Nước mình thiếu điện kinh khủng lắm em à. Em không lên thành phố mà coi. Cúp điện liên miên. Nhà máy còn phải nghỉ, mỗi tuần làm việc có bốn, năm ngày. Mai mốt mở thêm những nhà máy lớn nữa lấy điện đâu mà xài.
- Chớ không phải thiếu điện do mình không có dầu chạy máy điện sao?
- Ðó cũng là một nguyên nhân, nhưng ví dụ như mình có đủ dầu chạy tất cả các nhà máy thì cũng không đủ điện cung cấp cho các nhà máy. Lâu nay, thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải xài điện của nhà máy thủy điện Ða Nhim là chính. Nhà máy điện chạy bằng dầu ở Thủ Ðức chỉ cung cấp một phần điện cho thành phố thôi.
- Ủa, vậy điện Ða Nhim không xài dầu à?
- Không. Thủy điện không cần xăng dầu gì cả. Vậy mới quý chớ. Chỉ cần sức nước làm chạy máy và phát ra điện thôi. Mình làm cái Trị An này còn mạnh gấp đôi lần cái Ða Nhim nữa. Tha hồ mà xài.
- Nhưng người ta dùng sức nước để chạy máy như thế nào? Sao em không thấy có cái máy nào chạy bằng nước?
Phượng bật cười:
- Máy chạy bằng nước thì cũng có, ví dụ như đầu máy xe lửa loại cổ lổ sỉ đấy. Nhưng nước làm chạy máy điện lại khác.
- Khác sao?
- Như thế này nè….
Phượng ngập ngừng cố tìm cách nào giản dị nhất để nói cho cậu bé học lớp năm hiểu.
- Như thế này…. Thôi, em lại đây. Ðứng lên.
Phượng kéo tay cậu bé. Hai chị em đi tìm một khe đá nhỏ. Ðó là chỗ tảng đá bị nứt ra thành một cái rãnh để nước chảy qua như một con suối nhỏ. Phượng bẻ hai nhánh cây dài độ một gang tay có chảng ba ở đầu và cắm chúng xuống hai bên dòng nước nho, xong chị bảo Sơn kiếm mấy ống sậy. Sơn nhảy qua mấy mô đá một cách lẹ làng và chỉ vài phút sau em đã đem đến nguyên một bó sậy.
- Không cần nhiều như thế. Chị chỉ lấy một đoạn nhỏ.
Phượng lựa một đoạn suông sẻ, bẻ nó ra thành ba khúc, mỗi khúc độ một tấc rồi đem xâu chúng vào nhau như cái chong chóng. Xong chị gác cái trục chong chóng ấy lên hai cái chảng ba. Cái chong chóng ở giữa bị dòng nước nhỏ, cuốn đi, quay tít.
Sơn khoái quá reo lên:
- Số một. Số một! Chị Phượng làm hay quá.
Phượng hỏi:
- Em đã thấy sức nước làm quay chong chóng chưa?
- Rồi sao nó thành điện?
- Chong chóng quay sẽ kéo cái máy phát điện quay theo nó. Thế là sinh ra điện.
- Hay quá hén. Vậy thì dễ ẹc.
- Nhưng mà không dễ đâu. Vì một nhà máy phát điện với công suất một tỉ bảy trăm triệu kilô watts tức là gấp hai lần Ða Nhim thì đồ sộ lắm. Ðầu tiên người ta phải đắp đê và xây một cái đập lớn để ngăn nước lại thành một cái hồ khổng lồ, lớn hơn cái biển. Xong người ta mới tháo nước từ cái hồ đó từ trên cao đổ xuống như một dòng thác rất mạnh. Dòng nước ấy sẽ làm quay một cái chong chóng khổng lồ chớ không phải bằng cây sậy như mình đang làm đâu. Cái chong chóng khổng lồ ấy, người ta gọi là tua-bin. Người ta dự tính ở nhà máy thủy điện Trị An sẽ làm bốn cái tua-bin như thế để quay bốn cái máy phát điện lớn.
- Thế rồi nước từ bốn cái thác ấy đổ xuống chảy thẳng vô nhà máy, làm sao chứa cho hết?
- Chứa à?
Phượng bật cười, lấy ngón tay trỏ chận cái chong chóng bằng cây sậy lại một lúc xong lại thả ra cho nó tiếp tục quay tít. Phượng nói:
- Làm sao người ta có thể chứa một lượng nước khổng lồ như thế. Người ta sẽ dẫn cho nó chảy trở lại ra sông và tiếp tục trôi về biển hoặc lấy một ít dẫn vô những cánh đồng để tưới cho lúa, hoa màu… Rồi em sẽ thấy chung quanh đây mọc lên một thị trấn đông đúc, có khách sạn, trường học, bệnh viện, khu giải trí, khu dân cư. Ðiện sáng choang trên các đường phố, vườn hoa. Người ta tính xây dựng một khu du lịch lớn. Khi nào có dịp chị sẽ chỉ cho em xem cái khu du lịch ấy. Ðó là một chỗ rừng cao trên sáu mưới mét. Khi nước dâng lên thành cái hồ lớn thì chỗ ấy vẫn chưa bị ngập nước và sẽ trở thành một cái cù lao giữa biển, có cây cối cao vút, có hoa phong lan, có chim chóc. Người ta sẽ xây nhà, xây công viên trên đó. Những chiếc du thuyền sẽ đi qua đi lại.
Sơn nhìn chăm chú vào cái miệng của Phượng. Em nghe mê nhưng càng nghe lòng em càng băn khoăn. Khi thì em thả trí tưởng tượng theo những viễn cảnh tươi đẹp mà chị Phượng vẽ ra về một thị trấn bên bờ hồ kia, khi thì nó nghĩ tới ngôi nhà, khu vườn trái cây và ba má nó. Nó chợt hỏi:
- Thế sao người ta không cho em ở trong cái thị trấn ấy mà bắt em phải dọn nhà đi. Em thích ở quanh bờ hồ như chị nói. Có rạp xi-nê không?
- Ðương nhiên là phải có. Một nơi đẹp đẽ như vậy mà không có rạp xi-nê sao được. Còn gia đình em phải dời đi là vì chỗ đó nằm trong lòng cái hồ nước.
Sơn phát một cử chỉ phản đối. Em nhăn mặt:
- Làm gì có. Nhà em ở chỗ cao lắm. Năm nào đó người ta nói lụt lớn chưa từng có vậy mà nước có vô được nhà em đâu.
- Nhưng đây không phải là nước lụt. Mà là người ta đắp đập ngăn sông lại, không cho nó chảy nữa, nó sẽ dâng lên dần cao tới sáu mươi mét.
Phượng ngước lên chỉ ngọn cây sao cao vút:
- Em nhìn đi. Cái ngọn cây sao đó. Thấy nó cao chưa? Nhưng không ăn thua gì. Nước sẽ dâng lên ngập nó luôn. Dù cho cây cao gấp đôi như thế cũng ngập luôn. Ðó. Nhà em chịu nổi không? Mấy cây mít, cây xoài nhà em chịu nổi không?
Sơn làm thinh. Em có vẻ hiểu. Và hiểu thấm thía nữa là khác. Những điều em biết vừa làm em thích vì thỏa mãn tính hiếu kỳ vừa làm em sợ vì em tưởng tượng ra một trận lụt khủng khiếp. Ngôi nhà của em đang chìm dần, chìm dần xuống và mất hút đi. Biệt tăm. Cả cái chỗ em nằm, cái nơi em thường treo võng, cái giếng nước má em thường trộn cám heo… tất cả đều chìm lỉm, mất tăm.
Tự nhiên Sơn rùng mình. Phượng hỏi:
- Em lạnh à? Thôi về.
- Em phải ra chỗ bến sông một chút để đưa các em đi học. Chị lên đó với em đi rồi về gần hơn.
Sơn dẫn Phượng đi qua các hốc đá, những mô đá phiến màu nâu đen sần sùi, bị nứt nẻ như những thân gỗ mục nhưng những cạnh của nó còn sắc bén. Sơn leo qua một gốc cây lớn, chuyển qua các cành thấp cố ý để cho Phượng không nhìn thấy. Nó núp sau một cái rễ to và chờ Phượng đi tới. Phượng qua khỏi gốc cây không thấy thằng bé đâu, đứng dáo dác nhìn quanh. Lúc ấy thiên nhiên yên lặng vô cùng, chỉ có tiếng thác phía trước gầm lên là nổi thật rõ. Và thốt nhiên Phượng cảm nhận hết tắt cả sức mạnh của dòng thác qua tiếng nước đổ hùng tráng, trầm ấm.
Sơn ghé mắt nhìn qua những rễ cây chằng chịt và em lại nhớ cái dáng nghiêng nghiêng của Phượng hôm ở trên thuyền. Gió thổi bay tóc Phượng dữ dội, bay tung từng sợi. Phượng có vẻ thích thú vì cơn gió còn Sơn thì vẫn ngồi im chờ đợi.
- Sơn ơi!
Phượng cúi nhìn các hốc đá tìm kiếm. Rồi chị bước tới mấy bước, đi một đoạn khá dài.
- Sơn ơi!
Sơn giả tiếng con chim cheo bẻo kêu làm Phượng dừng lại, ngó quanh quất, lại gọi:
- Sơn!
Tiếng chèo bẻo đáp lại, Phượng gọi một tiếng nữa vẫn chỉ có tiếng chèo bẻo đáp. Chị khám phá ra trò chơi của cậu bé nhưng làm bộ không biết, nói như nói một mình:
- Bỏ về trước rồi. Thôi mình về đường của mình.
Và chị rẽ vô đám mì. Nhưng Sơn đã bật dậy:
- Ðừng đi. Ngõ đó có rắn đấy.
Phượng hoảng quá chạy trở lại. Sơn cười ngặt ngoẽo.
- Em ở đâu vậy?
- Ðây là nhà của em. Sơn chỉ cái hốc đá phía dưới những rễ cây chằng chịt. Trưa nào em cũng ngủ ở đây.
Sơn chỉ cái tảng đá phẳng mà em thường nằm và bảo Phượng:
- Lại đó đi. Em chỉ cho chị coi dấu chân con ngựa thần.
- Dấu chân ngựa thần à? Ai nói với em vậy?
- Rồi chị sẽ biết. Ðó là sự thực.
Sơn phóng lên tảng đá, lăn một vòng vào tận phía những rễ cây ở trong cùng.
- Lên đi.
Phượng đưa tay cho thằng bé nắm, tay kia chị bám vào một cái rễ cây.
- Ðâu? Ngựa đâu?
Ngay lúc hỏi câu hỏi đó Phượng nhận ra "dấu chân con ngựa thần" ở ngay trên đầu mình. Chị reo lên như trẻ thơ:
- Ô. Trời ơi!
Sơn thích thú ngắm nhìn vẻ ngạc nhiên của chị sinh viên năm thứ năm địa chất.
- Thấy chưa. Em nói có sai đâu.
Nhưng Phượng không để ý đến những lời của thằng bé. Chị nhìn cái dấu vết đó một cách say sưa rồi lại lấy tay rờ rẫm lên những nét lồi lõm in trong đá. Miệng cứ lẩm bẩm "trời ơi" hoài, khiến Sơn phải ngạc nhiên:
- Có chuyện gì vậy?
Bây giờ thì Phượng nghe câu hỏi, nhưng chị vẫn săm soi các vết tích trên đá ấy. Rồi bỗng nhiên chị quay lại thật nhanh, ôm lấy thằng bé và hôn lên tóc lia lịa. Sơn ngộp đi vì những cái hôn bất thần ấy. Em cảm thấy như đột nhiên mình được nâng lên trên một cụm mây và bay đi trong một rừng hoa và tâm hồn em rung lên một cảm xúc bâng khuâng mới lạ. Phượng buông thằng bé ra và hỏi em:
- Em biết đó là cái gì không? Không phải là dấu chân con ngựa thần đâu.
- Ðó là cái gì vậy?
- Chị sẽ giải thích cho em nghe. Nhưng hãy đợi chị một lát.
Nói xong, Phượng mở túi xách của mình ra lấy cuốn sổ tay, cây thước và cái kính lúp, vẻ mặt rất chăm chú.
Vùng Biển Mất Tích Vùng Biển Mất Tích - Đạo Hiếu Vùng Biển Mất Tích