Chương 3
au ngày ông Mạc Cư dẫn chàng đi xem các công việc và tiếp xúc với mọi người trong đảo, A Lịch cảm thấy vui vui, quên nhớ nhà và người yêu. Mọi người đều niềm nở đón tiếp chàng như một vị thượng khách. Nhất là các trẻ em xúm quanh chàng, ca hát nhảy múa tưng bừng. Chàng nhận thấy trẻ em ở đây đơn sơ, hồn nhiên, không như trẻ em ở thành phố Manila. Văn minh vật chất và sách báo nhảm nhí đã đầu độc trẻ em thành phố: mới 2, 15 tuổi đầu, chúng đã thành thạo những việc lẽ ra chúng chưa nên biết!... Vì thế, chàng có thiện cảm với mọi người ở đây và nhất là với trẻ em. Chàng cũng nhận thấy chàng đang ở trong một hoàn cảnh "chim lồng, cá chậu": ông bà Mạc Cư dù đối với chàng rất tốt, nhưng nếu chàng làm phật ý họ, chưa biết hậu quả tai hại sẽ thế nào? Điều chàng mong ước là được đưa tin tức về cho gia đình an tâm về chàng, thì ông Mạc Cư đã hứa chuyển lá thư chàng viết về cho cha mẹ chàng.
Chàng biết thế nào ông Mạc Cư cũng sẽ đọc thư chàng viết trước khi gởi đi. Vì thế chàng chỉ viết là chàng bị bắt cóc đi chữa bệnh cho một nhóm người ở xa Manila. Hiện giờ chàng đang lo khám bệnh và cho thuốc. Chàng cũng cho biết là chàng được đối xử hết sức tử tế. Chàng an ủi cha mẹ và người yêu an tâm, đừng quá lo lắng về chàng. Cuối thư, chàng hẹn tái ngộ cha mẹ và người yêu khi công tác xong...
Từ hôm ấy, ngày ngày chàng đến trụ sở, xem bệnh và cho thuốc. Hai người y tá trong đảo cũng đến, vừa để phụ lực với chàng, vừa học hỏi thêm. Có nhiều loại thuốc mới phát minh, chàng ghi vào giấy để ông Mạc Cư cho người về Manila mua. Chàng cũng dạy cho các trẻ em những điều vệ sinh thường thức, cách ăn ở sạch sẽ v.v.. Đồng thời, chàng cũng mở lớp dạy cho người lớn về cách phòng ngừa bệnh tật, cách trị liệu cấp cứu... Đây là môn học sở trường của chàng, khiến chàng say mê phổ biến. Và mọi người đều thấy, nhờ chàng mà trí óc được hiểu biết thêm nhiều điều mới lạ, bởi thế ai cũng mến phục ca tụng chàng.
Một buổi sáng, chàng đang dạy học thì trời đổ mưa lớn và gió thổi mạnh. Những người đục đá để làm chỗ chứa đất trồng rau, chạy vào trú mưa trong trụ sở cạnh lớp học. Ông Mạc Cư đang điều khiển người làm, cũng theo vào. A Lịch cho học trò nghỉ để sang chuyện vãn với mọi người. Mãi đến gần trưa, mưa bão mới ngớt. Mọi người sửa soạn ra về thì một người đến báo cho ông Mạc Cư và mọi người hay: Phía Tây bắc đảo, có một người con gái bị bão tấp vào bờ, còn sống. Ông Mạc Cư bảo đưa người con gái bị nạn về tạm nhà ông và ông sẽ giải quyết.
Khi ông Mạc Cư và A Lịch về tới nhà, thì bà Mạc Cư đã lo lắng cho cô gái tử tế, tuy cô vẫn còn run rẩy vì rét lạnh và sợ hãi. Cô ta trạc tuổi với Cát Tiên, nước da ngăm ngăm đen, chứng tỏ con nhà chài lưới. Nét mặt cô biểu lộ thật thà chất phác.
Cô mếu máo kể: Cô tên là Ly Kim, ở trong đảo gần đây. Thường ngày, cô theo mẹ cô, chèo thuyền nhỏ ra khơi mua cá nơi các thuyền lớn, để về đảo bán lại. Hôm nay, mẹ con cô vừa ra đến khơi, thì mưa bão nổi lên, thuyền mẹ con cô bị lật úp, mẹ cô mất tích, còn cô thì lội được một lúc, rồi nhờ sóng đánh giạt vào đây... Cô kể rồi òa lên khóc thảm thiết:
- Mẹ ơi! Mẹ bỏ con một mình trên đời này sao, mẹ?
Ông Mạc Cư ái ngại, hỏi:
- Thế cô không còn người thân thích nào nữa hay sao?
Ly Kim vẫn khóc nức nở:
- Dạ thưa ông bà, cha cháu mất sớm, cháu chỉ còn mẹ cháu đó thôi, chứ không có ai thân thích nữa!
Nãy giờ Cát Tiên lắng tai nghe, thấy hoàn cảnh đáng thương người bạn gái như mình, nàng liền thưa với cha mẹ:
- Thưa ba má, nếu ba má bằng lòng, xin cho con nhận Ly Kim làm em nuôi, để có chị có em cho vui!
Bà Mạc Cư âu yếm cầm tay Ly Kim:
- Cháu Ly Kim, cháu có vui lòng làm em Cát Tiên không?
Ly Kim lau nước mắt, sụp lạy ông bà Mạc Cư:
- Thưa ông bà, con là kẻ chài lưới nghèo hèn, được ông bà và cô như thế này, thật con lấy làm có phước quá!
Nói rồi, nàng quay lại nắm lấy tay Cát Tiên:
- Em xin làm em chị suốt đời!
A Lịch từ nãy đến giờ đứng nhìn sự việc diễn tiến, chàng buột miệng khen:
- Giải quyết như thế thật là êm đẹp!
Mọi người đều cười vui vẻ. Ly Kim ngước mắt nhìn A Lịch một lúc lâu, nhưng hình như chàng không để ý.
Bữa cơm hôm ấy thật là vui, nhất là Cát Tiên nay có thêm một người cùng phái, nàng hớn hở, nói cười như con sáo nhỏ!
Tướng Cướp Biển Tướng Cướp Biển - Nguyễn Hòa Giang Tướng Cướp Biển