P
hảng phất một ngọn gió xuân khe khẽ thoảng qua, hoa đào trong vườn Thương Uyển dần dần nở rộ. Song đê chạy dài mười dặm từ đông sang tây, dòng nước cuộn chảy xiết màu ráng đỏ, hai bên bờ sông Phu hoa đào khoe sắc xen lẫn với hàng liễu rủ vàng nhạt in bóng trên mặt nước khiến cho từng gợn sóng cũng sáng lên diễm lệ. Quả nhiên là một trong Thượng Uyển bốn mươi sáu cảnh đẹp ” Song đê tri xuân”. Thượng Uyển xưa vốn là hoa viên trong tư dinh tiền triều đại học sĩ Triệu Mật, diện tích vô cùng rộng lớn, về sau bị phá hủy bởi nạn lửa binh, trở thành một mảnh đất hoang tàn đầy ngói gạch vụn. Tới triều đại Vĩnh Khánh, thiên hạ thái bình yên ấm, Cảnh Tông hoàng đế bèn cho tu sửa nơi đây, xây dựng đình đài quán các, trải qua hơn năm mươi năm, đến năm đầu triều Thiên Hữu thì xong bốn mươi sáu cảnh, trở thành vường ngự uyển quy mô nhất của hoàng gia. Thượng Uyển hành cung cách Tây Trường kinh không quá sáu mươi dặm, xa giá một ngày là tới nơi. Kể từ thời Cảnh Tông hoàng đế, hàng năm các cuộc du xuân đều được tổ chức ở đây. Năm nay Hoàng Đế cũng theo lệ dẫn các cung phi mỹ nữ cùng quan lại, rầm rầm rộ rộ đại giá rời Tây Trường kinh, dừng chân nghỉ tại Thượng Uyển. Liền mấy ngày lập xuân, yến tiệc liên tiếp mở ra, vua và quần thần tận lực vui vẻ, cảnh tượng sôi nổi nào nhiệt không ngừng... *************************** Trước mắt Như Sương là “Ngọc thần liên ba” – một trong bốn mươi sáu cảnh đẹp Thượng Uyển. Đây là một quán viện để nghỉ ngơi vào mùa hè, sau lưng có hồ, rừng tùng vây quanh, vô cùng tĩnh mịch. Vốn hoàng đế xưa nay chỉ thích lạnh mà không ưa nóng, hàng năm đến tháng sáu liền đi Đông Hoa kinh nghỉ mát, cho nên Ở Thượng Uyển mấy chỗ nghỉ mát cũng không có mấy cảnh đẹp, chỉ có vài cung nữ do Trực điện phân phó làm vài việc quét dọn, vẩy nước. Như Sương ở đây đã hơn một tháng, công việc mỗi ngày cũng chỉ có cầm chổi quét bụi bặm, đến chiều đã chẳng còn việc gì làm, vô cùng nhàn hạ. Ngày hôm đó làm xong việc, các cung nữ tụ tập chơi đùa với nhau, ngắt hoa hái cỏ. Như Sương vốn thường ngày không ưa nói chuyện, nên lặng lẽ ngồi một bên xem các nàng chọi cỏ với nhau. Lúc này vào giữa xuân, tiết trời đang thịnh, Thượng Uyển tràn ngập những kỳ hoa dị thảo, người tìm cỏ, kẻ hái hoa, bảy miệng tám lời, ồn ào náo nhiệt. Đến tận lúc Tiểu Dư – tiểu thái giám của Trực điện mang chổi mới đến cũng chẳng ai thèm để ý. Như Sương bèn đứng dậy tiếp nhận, theo Tiểu Dư đến chỗ phòng kho. Lúc mở cửa phòng kho, Tiểu Dư nhìn quanh thấy không có ai, bèn hạ thấp giọng nhỏ như muỗi: “Nghe nói hoàng thượng muốn ban thưởng mười hai cung nữ cho Đạt Nhĩ hãn vương, mong cô nương sớm lo liệu.” Như Sương gật nhẹ một cái, nhẹ đến nỗi ngay cả viên ngọc trên hoa tai cũng không lay động nửa phần, Tiểu Dư cũng rời đi. Mấy ngày trôi qua, quả nhiên ban Ti Lễ hạ lệnh, từ trong hậu cung sẽ lựa chọn mười hai cung nữ ban cho Đạt Nhĩ hãn vương – lúc này sắp ra về. Như Sương nghe thấy tên mình trong danh sách, vốn là trong dự kiến, thái độ thờ ơ chẳng chút bận tâm. Mười hai cung nữ vừa được tuyển ra, liền bị đưa đến một khu riêng biệt, được ban Ti Lễ chỉ dạy các lễ nghi. Đến khoảng hơn nửa tháng, Đạt Nhĩ hãn vương khởi hành về Phiên, liền qua chỗ các nàng. Đạt Nhĩ hãn vương đã ngoài lục tuần, tuổi già sức yếu, lại là phiên vương khác họ, theo lệ cũ nếu không có chiếu thì không được vào kinh. Vùng quan ngoại cát sỏi mênh mông, cực kỳ nghèo khổ. Các nàng vừa đi vừa lo sợ có lẽ cả đời cả kiếp này cũng chẳng còn cơ hội trở về, nên dù cho hằng ngày ăn uống sung sướng, lại có chuyên gia hầu hạ nhưng mười hai cung nữ được tuyển chọn vẫn mang tinh thần ảm đạm thê lương như cũ, quay lưng mà gạt nước mắt. Đêm hôm nay, Như Sương vừa chợt tỉnh giấc, nghe vọng lại mơ hồ có tiếng khóc nỉ non. Các nàng vốn hai người một phòng, vậy nên nàng biết chắc chính là cô cung nữ giường bên. Ban đêm yên tĩnh, Như Sương vốn khó ngủ, lúc này đã tỉnh rốt cuộc không ngủ lại được, chỉ đành mở to hai mắt nằm đó, nghe tiếng khóc ai oán, trong lòng thẫn thờ mà chẳng có nửa phần thương cảm. Còn có thể khóc, thật tốt! Nàng ngay cả muốn khóc cũng khóc không được, nước mắt đã sớm khô cạn. Từ ngày tiểu nha hoàn chết đi, đó là một lần cuối cùng nàng gào khóc, đem nước mắt cả cuộc đời đều chảy ra hết. Nàng từ nay không còn nước mắt để chảy, muốn chảy chỉ có thể là chảy máu! Đáy lòng giống như tiềm tàng một ngọn lửa âm ỉ, khiến lục phủ ngũ tạng đều đau như bị đốt. Nàng không thể lại nghĩ đến tiểu nha hoàn, nghĩ về quá khứ từ trước mười sáu tuổi, bởi chỉ thoáng nhớ lại nửa phần, khí huyết trong tâm sẽ quay cuồng dậy lên mãnh liệt khiến nàng không thể áp chế được. Lòng bàn tay nàng nóng bỏng, lần bên dưới chiếc gối lấy ra một lọ nhỏ màu xanh, mở ra bên trong đều là thuốc viên lớn như đậu tằm, một luồng hương khí lành lạnh tản mát, xộc lên mũi làm sinh ra một cảm giác trấn định tức thì. Nuốt xuống một viên, rốt cuộc hơi thở cũng đã kiềm chế lại. Vì lần trước nàng bị ngạt thở quá lâu, tâm mạch hay bị yếu, Duệ Thân Vương nhờ một thầy thuốc có tiếng bào chế cho loại thuốc viên bí truyền này, từ ngày nàng vào cung, sai người đưa lọ thuốc đến tận tay nàng. Lúc phát bệnh chỉ cần ăn một viên là sẽ hồi phục. Nếu một ngày nào đó hen suyễn chữa không được, cứ thế chết đi, không biết là hạnh phúc hay là bất hạnh. Thuốc dần dần có hiệu lực, toàn thân chật vật cùng tim đập nhanh cũng trở lại bình thường. Nàng nhớ lại ánh mắt lười nhác như cười của Duệ Thân Vương, khi ánh mắt chàng lướt qua, nàng có ảo giác tựa hồ không phải đang nhìn nàng, mà là đang nhìn một lưỡi dao sắc bén vô song, không một tiếng động xuyện qua da thịt, đâm vào nơi tâm mạch quan trong nhất của đối thủ. Mà trong con ngươi ấy luôn lấp lóe một tia sáng, bất chợt ánh lên một sự ngạo nghễ cùng đắc ý, miệng chàng khẽ cong, nhàn nhạt ý cười vân đạm phong khinh, toát ra vẻ của một hậu duệ thân vương quý tộc. Năm xưa thiếu nữ chỉ giấu mình trong khuê phòng, ngoài cha và các anh ra, Như Sương căn bản chưa từng gặp qua nhiều nam nhân khác. Nàng ngẫu nhiên nhớ đến vài vị anh lớn trong gia đình, nhưng bọn họ hằng năm đều theo cha chinh chiến bên ngoài, về nhà dù có dỡ áo giáp thay bằng quần áo thường ngày, khuôn mặt ngăm đen đậm nét phong sương cùng đôi mắt đen với ánh nhìn như chim ưng vẫn khiến người ta không dám đến gần. Mà con ngươi tinh anh của Duệ Thân Vương, luôn tản mạn vô thần, tựa như bất kỳ cái gì trên đời cũng không thể khiến chàng hứng thú. Nhưng nàng biết chàng ta muốn gì, nàng biết bên dưới cái vẻ thờ ơ lạnh nhạt cất giấu một dã tâm mãnh liệt hơn cả. Chàng là đứa con được yêu chiều nhất của Hưng Tông hoàng đế, trong người chàng vẫn chảy xuôi một dòng máu hoàng gia tàn bạo. Chàng muốn lợi dụng nàng để đạt được điều gì, mà nàng cũng sẽ lấy được thứ mình muốn, một trận giao dịch này, nàng quyết không chịu thiệt. Nàng cuộn tròn trên giường không nhúc nhích, từ ngày cửa nát nhà tan, nàng vẫn luôn có một tư thế ngủ như vậy, tựa như một con thú nhỏ bé sợ hãi trong rừng rậm, không thể nào ngủ yên giấc. Nàng cứ lẳng lặng nằm co quắp như vậy, nghe ngoài cửa sổ có âm thanh nho nhỏ, rơi ở mặt trên chiếc lá chuối vừa ra. **************************************** Đó là một ngày mưa, mưa từ ban đêm từng giọt từng giọt lưa thưa bay bay mãi cho đến tận lúc bình minh. Lúc mọi người bắt đầu trang điểm, ban Ti Lễ đã cho người đến thúc giục “Đừng lầm canh giờ”. Vì là buổi trọng đãi phiên vương, theo lệ hoàng hậu phải ra mặt cùng mười hai cung nữ, thăm hỏi cổ vũ vài câu, làm lễ tiễn biệt. Nhưng đương kim hoàng đế lúc còn là tứ gia Nghị Thân Vương, nguyên phi là Chu thị đã bệnh nặng, hoàng đế vừa lên ngôi không quá một năm thì hoàng quý phi lại bị đẻ non mà chết, bởi vậy trong cung chưa có chính cung(hoàng hậu), đành phải phân phó Hoa phi chủ trì ban thưởng yến tiệc. Như Sương xốc lại tinh thần, cùng mọi người rửa mặt chải đầu, thay bộ đồ mới, đều là quần áo trẻ trung hợp thời được đặc cách may, một chiếc áo đơn màu vàng nhạt cùng váy xanh lá mạ. Mười hai mỹ nữ duyên dáng yêu kiều, tư thái lả lướt, dung mạo xinh đẹp, theo sau thái giám ban Ti Lễ đi đến yến tiệc. Tiệc rượu diễn ra ở Minh Nguyệt Châu, đó là một hòn đảo nho nhỏ nổi lên giữa hồ, bắc trên mặt hồ là một chiếc cầu đỏ, lan can màu đỏ, như một chiếc cầu vồng giữa sóng nước. Mọi người đang theo từ trên cầu khúc khuỷu đi xuống, bỗng thình lình vang lên một tràng vỗ tay tán thưởng. Thái giám vội vàng khẽ quát một tiếng, các nàng đã được dạy dỗ, cũng lập tức cung kính quỳ xuống trên thềm đá. Như Sương khẽ liếc mắt, chỉ thấy dập dềnh trong hồ một chiếc thuyền hoa cực lớn, bốn phía còn có hơn mười thuyền nhỏ tùy tùng vây quanh, trong thuyền mơ hồ vọng ra tiếng thổi sáo trúc. Như Sương nhìn mũi thuyền hình rồng, đám quan lại đang vây quanh khoang đầu, trong mênh mang lờ mờ nhận ra, chính là ngự thuyền, trong lòng không khỏi điên cuồng nhảy dựng lên, hình như có vật gì đang muốn từ trong ngực bắn ra, máu toàn thân cũng xông hết lên đỉnh đầu. Nàng cố sức cắn chặt môi, khó khăn lắm mới đè lại nổi kích động trong đáy lòng. Nguyên là địa thế của Thiên triều, tây à đông thấp, trong có hơn phân nửa châu quận giáp biển, rất nhiều ao hồ, nên người dân trong nước vẫn thường dùng thuyền đi lại.Chiếc thuyền này trên được xây thêm tầng, lunng linh như lầu các, được gọi là “Lâu thuyền”. Ngự thuyền này đương nhiên là rộng rãi sáng sủa, mái đẹp nóc quý, phi nha đấu củng(bó tay vì cụm này), giống như một tòa lâu đài nhô lên giữa nước, phiêu đãng trong hồ, đàn ca múa hát giữa sóng nước ẩn hiện lại càng thêm du dương trầm bổng. Nhìn ra bên kia hai bờ sông hàng dương liễu rủ, xen lẫn vào những cụm hoa đào rực rỡ, cách đó không xa lại là lầu gác trùng trùng điệp điệp trong làn mưa bụi, cả không gian đẹp hoàn mỹ như một bức tranh cuộn. Thật sự là một cảnh sông núi đẹp đẽ quý báu! ************************** Duệ Thân Vương khẽ nhấp một ngụm rượu, ánh mắt như vô tình hữu ý liếc về phía vị đế vương đang ngự trên tòa. Tòa son chín rồng, mỗi một chiếc vảy rồng vàng đều sống động như thật, hoàng đế ngồi ngay ngắn bên trên, đang lắng nghe Dự Thân Vương cùng Đa Nhĩ hãn vương đàm tiếu, khóe miệng thoảng hoặc hơi cong lên, nhìn giống như là đang cười, chung quy lại thấy hình như không phải như vậy. Hoàng đế xưa nay quả thực cười mà không vui, có lẽ bởi vì thời Hưng Tông còn tại thế cũng không có yêu thích lắm đứa con này, mà mẫu phi của chàng là Chung thị lại thiên vị đứa con nhỏ là hoàng tử thứ mười một Kính Thân Vương Định Vịnh, cho nên một tuổi thơ sống giữa sự coi nhẹ của song thân đã dưỡng thành một vị hoàng đế tính tình lãnh đạm, lạnh nhạt. Ngôi vị hoàng đế này vốn không thuộc về chàng, thời Hưng Tông hoàng đế còn giữ ngôi vị, ông có mười hai người con, mà Duệ Thân Vương Định Trạm là hoàng tử thứ sáu, chính do quý phi Mạo thị sinh ra. Mạo quý phi xuất thân nghèo khổ, sau lại được Hưng Tông một mực yêu quý, sinh Định Trạm không lâu liền được sắc phong làm hoàng quý phi. Con dựa hơi mẹ, Định Trạm sinh ra lại cực kỳ thông minh, Hưng Tông đương nhiên có ý lập chàng làm thái tử, thế nhưng nội quan triều đình lại vâng mệnh quy chế từ xưa, chủ trương lập con trương của hoàng hậu là Định Nghi làm thái tử. Định Nghi tư chất bình thường, hoàng đế xưa nay vốn không coi trọng đứa con này, vì thế mà vua tôi giằng co, các quần thần lấy việc từ chức để uy hiếp, bãi triều một thời gian, Hưng Tông cuối cùng đành phải nhượng bộ. Lập Định Nghi làm thái tử, còn đứa con yêu thì sắc phong cho làm Duệ Thân Vương. Lúc này Duệ Thân Vương mới hơn chín tuổi, nhưng là vị hoàng tử duy nhất của bản triều suốt bốn trăm năm qua được phong vương khi còn là vị thành niên. Sau khi Hưng Tông băng hà, thái tử Định Nghi vào thế chỗ, lấy hiệu Mục Tông hoàng đế. Năm được phong thái tử, Mục Tông mười tám tuổi, Hưng Tông dạy dỗ cực kỳ nghiêm khắc, Định Nghi thường trước mặt phụ hoàng ngay cả đi cũng không dám nhầm nửa bước, trải qua hơn mười năm quả thực bị gò ép khuôn khổ. Lên ngôi nhất thời giống như chim sổ lồng, tùy ý làm bậy. Chỉ biết tin tưởng mù quáng một nhóm nội quan, hoang dâm vô độ, ngay tại quốc tang đã tức tốc mở cuộc tuyển chọn mỹ nữ, lấp đầy cả nội cung, lại còn tin lời bọn đạo sĩ ăn “thuốc hồi xuân”, kết quả đăng cơ mới được bốn tháng, còn chưa kịp đợi đến năm thứ hai thay đổi niên hiệu, vào ngày Bính Tý tháng mười năm Thiên Hữu thứ bốn mươi hai, nửa đêm khuyu khoắt đã từ giã cõi đời vì bạo bệnh nơi chính điện.
Trong vòng một năm mà có đến hai hoàng đế băng hà, Mục Tông chết, theo như tổ huấn thì “Huynh chết đến đệ”, cần phải lập ngay một hoàng đế kế vị. Được xưng là “Nội tướng” trong ban Ti Lễ, thái giám Cẩm Đường cấu kết với em trai cùng mẹ của Mục Tông cũng là con trai thứ hai của Hưng Tông: Lễ Thân Vương Định Đường, phong tỏa tin tức Mục Tông băng hà, suốt đêm dẫn quân vào thành. Lễ Thân Vương Định Đường tự cao tự đại vì là con thứ trưởng của Hưng Tông, có ý đồ lấy cảnh vệ cấm cung mưu soán ngôi đoạt vị. Ai ngờ tướng chỉ huy quân doanh Sử Mộ Nguyên giả vờ đáp ứng, đợi đến lúc lâm trận thì quay ra phản kích, chia bính lính làm hai đường, một đường bao vây vương phủ Lễ Thân Vương, giam lỏng Định Đường, một đường thì tầng tầng lớp lớp vây quanh cấm thành, chặn đứng cửa cung. Lý Cẩm Đường cư nhiên là không biết gì, cho quân mở cửa đón chào, không nghĩ đến Sử Mộ Nguyên dẫn mấy vạn hùng binh bảo vệ một người chính là Nghị Thân Vương Định Thuần dẫn vào. Lý Cẩm Đường bấy giờ biết thất thế, lập tức quỳ mọp xuống hô to Nghị Thân Vương “vạn tuế”. Định Thuần chẳng qua chỉ đơn giản cười lạnh một tiếng, tự tay vung kiếm chém chết Cẩm Đường, sau đó dùng vạt áo bào mà lau máu, lệnh cho Mộ Nguyên “Trừ gian nịnh, đuổi loạn thần”, Mộ Nguyên khom người lĩnh mệnh. Ban đêm, quân doanh đóng cửa thành đại hạ sát đồng đảng của Định Đường cùng Lý Cẩm Đường, mà đời sau sử sách ghi lại gọi đó là “Bính Tý chi biến” (biến cố ngày Bính Tý). Ngay sau lúc Nghị Thân Vương dùng kiếm giết Cẩm Đường, vương phủ Lễ Thân Vương bỗng nổi lên hỏa hoạn, ngọn lửa cháy bừng bừng khiến cả bầu trời kinh thành đêm ấy rực hồng. Lúc bấy giờ trăm họ trong thành mới biết xảy ra biến cố, mà quân đội lúc vào thành đã phái một lực lượng quân binh để duy trì giới nghiêm về đêm, do chính tay Dự Thân Vương – tâm phúc thường ngày của Nghị Thân Vương – dẫn đầu, tất cả mọi người đều cấm không được đi lại trên đường, khiến cho người ta lại càng thêm hoảng loạn. Về sau người ta đều bảo nhau, Lễ Thân Vương Định Đường vì âm mưu phản nghịch bại lộ mà uất thẹn phóng hỏa tự thiêu. Hơn ba trăm ngươi trong vương phủ, cũng theo ngọn lửa mà đều trở thành tro cốt không còn gì, ngay cả một mạng cũng không thể sống sót, cả bao rường cột chạm trổ dài đến vài dặm trong phủ, bao đình đài gấm vóc, tất cả đều ở trong ngọn lửa ngút trời mà hóa thành hư ảo. Liên tục ba ngày, ngọn lửa bùng lên cuồn cuộn khói đặc, tựa như mấy ngày liền trên đầu đều bị che đậy bởi một luồng ảm đạm không ánh sáng, mãi đến ngày thứ tư mới có quân từ kinh đô đến dập tắt dần dần. Lúc này vương phủ Lễ Thân Vương đã sớm bị đốt thảnh một mảnh tro tàn, mà từ trong cung đến ngoài cung đều chỉ nghe hô một tiếng “giết”, không chỉ có bè đàn của Lý Cẩm Đường mà ngay cả tâm phúc của Lễ Thân Vương cũng bị tru diệt sạch sẽ. Nghị Thân Vương Định Thuần tại triều đình xưng đế, năm thứ hai đổi niên hiệu là Vĩnh Thái, cũng chính là đương kim hoàng đế. Chỉ mấy ngày trước “Bính Tý chi biến”, Duệ Thân Vương vừa hay lại bị Mục Tông điều đi dụ lăng tế thờ Hưng Tông, đợi đến khi trở về, thì thế cục đã định. Hoàng đế sai sử ra vùng ngoại ô, Duệ Thân Vương chỉ đành cúi đầu xưng thần, hoàng đế đối xử với người anh em này cũng vô cùng khách khí, ban cho thật lớn số lượng tiền tài trang ấp, lại ban thưởng hắn bổng lộc thân vương gấp đôi. Vốn được Hưng Tông sủng ái quá mức, Duệ Thân Vương thuở nhỏ đã xa hoa vô cùng. Lúc này không ai quản thúc, lại càng ăn chơi đàng điếm, không có chí tiến thủ, mỗi ngày chỉ ở trong vương phủ của mình dùng đủ các của hiếm lạ quái đản để mua vui. Duệ Thân Vương có tài viết thư pháp rất đẹp, bọn tay chân vì muốn nịnh nọt nên thường đi chiếm đoạt những bức thư pháp gia truyền của các bậc học sĩ. Vừa thích đâm giết đầy tớ, lại hay cường đoạt con gái nhà lành làm thê thiếp. Một thời khiến cho lòng dân căm tức sôi sục, ngay cả quan Ngự sử cũng phải đứng ra tố tội, song đều bị hoàng đế nhất nhất gạt bỏ. Bây giờ cả triều đình đều biết hoàng đế đối với người anh em này là mở một mắt nhắm một mắt. Duệ Thân Vương mỗi lần ngự triều thì đều tỏ ra bớt phóng túng, song khi trở về lại theo thói cũ tìm hoan mua vui, phóng đãng khôn kể.