Chương 3
ù tôi đã hết sức giấu kín, sự tinh nghịch của tôi sau cũng đến tai thầy tôi như thường. Trong bữa cơm chiều hôm ấy, thầy tôi lừ lừ nhìn tôi một lúc đoạn thong thả nói: "Thì ra những giờ tôi vắng mặt ở nhà, thằng Lộc vẫn trốn đi chơi láo; nó nghịch ngợm, hỗn xược đến nỗi ai người ta cũng phải kêu là đồ mất dạy. Thứ hai này, tôi sẽ nói với ông đốc Thường cho nó vào học ở trường công hàng tỉnh!".
Mỗi điều muốn của thầy tôi là một luật lệ bất khả xâm phạm, mỗi lời thầy tôi nói ra là một mệnh lệnh cho cả nhà. Mẹ tôi chỉ dám tán thành:
- Phải đấy! Nó đã mười ba, mười bốn rồi còn gì! Trẻ con nhà khác, vào trạc nó, đã đỗ đạt rầm rĩ, chứ có đâu lêu lổng như nó!...
- Những lúc tôi bận đến sở thì nó vào trường; còn buổi trưa, buổi tối tôi ở nhà, tôi sẽ trị cho nó!
Tôi lẳng lặng ăn cho xong bữa. Sự quyết định của thầy tôi không làm tôi sờn lòng. Trái lại, nó là một điều tôi đương chờ đợi: ngày hai buổi tới trường, tôi sẽ thả cửa đùa nghịch. Lũ học trò trường công phần nhiều lại sợ tôi; do đấy, tôi sẽ làm ông tướng. Ấy là nói những lúc chơi. Còn khi học? Tôi sẽ học cho thầy mẹ tôi xem! Nếu thầy mẹ tôi, và cả các người lớn nào khác nữa, tin rằng tôi chỉ hơn lũ trẻ cùng tuổi ở cái tinh nghịch thì thầy mẹ tôi và mọi người ấy đều lầm to.
Thực vậy, tôi đã khiến thầy và bạn học của tôi phải ngạc nhiên ngay từ buổi đầu tôi đến trường. Tôi vừa thông minh vừa chăm chỉ. Kỳ cộng điểm nào tôi cũng được nhiều hơn anh em, và được ngồi nhất. Thầy tôi, thấy tôi thế, rất lấy làm bằng lòng. Nói hẳn rằng thầy tôi bằng lòng tôi thì không đúng; thầy tôi bằng lòng chính bởi người cho rằng người đã quyết định được một điều khôn ngoan. Dù sao, mỗi buổi chiều ở sở về, thầy tôi kông quên rẽ vào hiệu khách, mua cho tôi nào là chocolat, nào là bánh biscuit, vân vân... Chưa bao giờ, thực chưa bao giờ tính hiếu thắng của tôi lại được mơn trớn bằng hồi này. Đến nỗi sự học trở nên một thú vui cho tôi. Tôi không thiết đùa nghịch chút nào nữa. Tôi không để thầy tôi phải nhắc, cứ luôn luôn ngồi trước bàn viết với một quyển sách mở rộng dưới đôi mắt chăm chú. Mẹ tôi thỉnh thoảng lại đến gần tôi, vừa cười vừa nói bằng một giọng chan chứa yêu thương: "Con tôi ngoan quá! Giá lúc nào cũng nết na như thế này, con hẳn không phải thầy nói nặng lấy nửa câu!". Rồi mẹ móc túi lấy tiền cho tôi. Lòng tôi ấm hẳn lên trước vẻ vui sướng của mẹ tôi, mặc dầu tôi hiểu rõ sự vui sướng ấy nguyên do ở sự đắc ý của thầy tôi một nửa.
Một hôm, bấy giờ tôi đã học tới lớp nhất và sắp đi thi lấy bằng tiểu học Pháp Việt - mẹ tôi khẽ mách thầm vào tai tôi: "Này, thầy vừa bảo nếu con đỗ, thầy sẽ mua cho con một cái xe đạp đấy!". Tôi nắm vội lấy vạt áo mẹ tôi và hỏi: "Thật à, mẹ? Nếu vậy, thể nào con cũng được cái xe đạp!".
Tội Nhân Hay Nạn Nhân Tội Nhân Hay Nạn Nhân - Lan Khai Tội Nhân Hay Nạn Nhân