M
ột làng nọ, tất cả đàn ông trong làng từ ông to, sang nhất trở xuống, không một người nào là không sợ vợ, mà sợ cho đến nỗi đứng trước một người đàn bà nào, là tất cả đều run lên và nín thinh, chẳng ai nói đặng một câu nào. Tới khi dân làng mở hội nghị, các ông mới đem chuyện này ra thảo luận, và cho đó là một vấn đề tối quan trọng cần được giải quyết. Nhưng giải quyết làm sao? Các ông bàn đi bàn lại mãi không ông nào nẩy ra được ý kiến gì; sau đó, một ông già tuổi cao chức trọng nhất làng đưa ra một ý kiến là tế Trời thì hết. Toàn thể đều hoan nghinh, nhưng làm sao mà tế? tế ở đâu? Sau chót, một ông nẩy ra sáng kiến là để đến sáng ngày 30 Tết thì tế, tế tại một cánh đồng ở đầu làng, vì chỉ có sáng hôm ấy, tất cả các bà đều vắng nhà đi chợ sắm Tết. Ý kiến ấy lại cũng được tán thành và hoan hô nhiệt liệt. Thế rồi, đến ba mươi Tết, trong khi các bà đi chợ Tết, các ông mới ùn ùn tựu lại và cử hành tế lễ.
Cuộc tế lễ bắt đầu. Ông cụ già tuổi cao chức trọng làm chủ tế, hai ba ông thứ nữa làm bồi bái. Còn bao nhiêu thì xúm quanh dự lễ. Cuộc lễ diễn hành. Khói nhang nghi ngút. Trống kèn vang dậy. Ông chủ tế và ba ông bồi bái cùng mặc áo tế: Tất cả bốn ông đều quỳ xuống, làm lễ, đọc văn. Đang lúc ấy, bỗng đâu có hai người đàn bà ở làng khác đi chợ về qua. Thần hồn nát thần tính, các ông ở xa ngó thấy tưởng mấy bà trong làng, mới ùn ùn mạnh ai nấy chạy, đen cả cánh đồng như đàn chim vỡ tổ. Khi chạy một quãng xa, các ông nhìn thấy hai người đàn bà đã khuất bóng, mới hoàn hồn vía. Song lúc đó các ông thấy ông chủ tế và ba ông bồi bái vẫn quì mà không chạy, nên bảo nhau: « Chắc là mấy cha vô tế chính thức nên Trời Thần mới phù hộ cho không còn sợ nữa ». Thế rồi các ông trở lại, nhưng đến nơi thì mấy ông bồi bái và ông chủ tế đã… chết cóng từ lúc nào mà không hay, vì các ông này sợ quá nên không còn kịp đứng lên mà chạy được.