Chương 3
ăm đó, vào đêm đầu tiên của hội Rước Ðèn, đường phố tràn ngập đèn đủ màu đủ kiểu. Thị trấn nhỏ của chúng tôi trông giống như một chốn tiên cảnh. Trước kia, vào những dịp này, Mẹ lo sợ chúng tôi bị lạc và chỉ đứng nguyên tại một góc phố. Nhưng bây giờ mọi sự đã thay đổi. Ðã có Chú. Vì thế chúng tôi rất thích thú được đi rước đèn. Chú cõng em gái tôi lên vai. Tôi đi theo cùng với các chị tôi, và gia nhập vào cái dòng người ngoài đường.
Em gái tôi giơ cao chiếc đèn con thỏ lên. Màu trắng của đèn và kiểu đèn đã làm cây đèn nổi bật, cây đèn sáng hơn tất cả những cây đèn màu mè trong đám rước. Trước khi chấm dứt đêm rước đèn, tất cả đèn đều bị cướp giật. Chú dẫn chúng tôi ra xem đèn rồng và những người làm trò xiếc. Chúng tôi rất hồ hởi với niềm hân hoan sung sướng.
Chú trọ trong một gia đình gần nhà chúng tôi. Chú là người làm việc chăm chỉ, ít khi nào ở không. Buổi sáng Chú đến nhà tôi. Chú quét sân, dọn dẹp phòng xay lúa, chăm sóc con la bệnh hoạn, sửa lại chỗ mái nhà dột, và khuân những bao lúa mì để xay.
Một hôm, Mẹ đang rây bột và Chú ngồi bên cạnh, bế em gái tôi trên đùi. Chú hát một bài ca để ru em tôi ngủ:
"Nhà tôi trong thung lũng ngàn hoa, giữa núi cao sông dài,
Muôn loài chim nhởn nhơ ca hót điệu sơn ca..."
Tôi vỗ lưng Chú và hỏi, "Bài ca gì thế? Mẹ con cũng hát bài này."
Chú trả lời, có vẻ e thẹn, "Người nhà quê chúng ta thường hát những bài sơn ca. Khi lùa cừu trên núi, chúng ta hát một mình. Những lúc tuốt lá ngô trên bãi đập của chủ, chúng ta hát cùng nhau. Lan nói đúng lắm, mẹ con thường hát bài này khi mẹ con còn nhỏ..."
Tôi quay lại nhìn Mẹ, nhưng Mẹ chỉ nhìn đăm đăm về phía trước, hai mắt ướt, như thể sống lại những lúc Mẹ hát bản sơn ca ấy.
Chú thương hại cho tình cảnh tuyệt vọng của chúng tôi và quyết định ở lại một thời gian để giúp chúng tôi qua nạn đói mùa xuân. Vài ngày sau, Chú tìm được việc làm trong xưởng giặt len ở ngoại ô thị trấn. Xưởng giặt chỉ có vài cái giếng đào xuống đất để ngâm len dơ. Cách xa vài dậm người ta dã có thể ngửi thấy mùi rồi. Những người thợ giặt phải cởi quần áo và nhảy xuống giếng, dùng bàn chân đạp lên len để giặt len. Công việc này liên tục ngày đêm, mùa hạ cũng như mùa đông. Công việc thực là cực nhọc. Nhưng Chú vẫn lao vào việc này, để kiếm một số tiền công thật tội nghiệp vài quan cho một ngày làm việc. Chú nói không nề hà sự vất vả, miễn là Chú có thể giúp được chúng tôi.
Chú làm việc trong xưởng giặt len được khoảng một tháng thì biến cố xảy ra - tên nghiện thuốc phiện bất thình lình xuất hiện tại cửa nhà tôi, mặt đỏ bừng giận dữ. "Mụ đã xỉ nhục tổ tiên. Tại sao mụ cả gan như vậy! Một góa phụ phải cư xử như một goá phụ, không được chường mặt ra ngoài cổng chính, không được bước qua cổng bên trong. Thế mà mụ đã dẫn về nhà cái gã lạ mặt này."
Mẹ hét lên phản đối, và tên nghiện thuốc phiện gầm lên. Liền đó tất cả lối xóm kéo tới xem. Mặt Mẹ tái mét một cách đáng sợ, răng nghiến lại, nhưng tên nghiện vẫn tiếp tục la mắng Mẹ.
Khi Chú đi làm về, tên nghiện nắm lấy cổ áo Chú, và quát lên, "Ðừng nghĩ nhà họ Vương chết cả rồi! Còn sống mụ ta là người họ Vương, và khi chết mụ sẽ là ma họ Vương. Tại sao mày dám lợi dụng một goá phụ? Hãy coi chừng kẻo có ngày bị thiêu sống!"
Chú có thể nắm cái hình nộm ấy liệng qua tường. Nhưng Mẹ đang run rẩy bên cạnh, vì thế Chú chỉ nới tay và mắng hắn, "Ngươi nói cái gì thô bỉ thế? Mọi người đều biết ta là một người bà con."
Tên nghiện cười rú lên, "Bà con! Làm như là mọi người không biết chúng bay ngủ với nhau! Hãy đi khỏi đây ngay! Ðừng nói là mày chưa được cảnh cáo!" Nói xong, hắn hùng hổ bỏ đi, tay vung ve chiếc lồng chim.
Chúng tôi rất ngạc nhiên là ngay đêm đó Chú bị cái gia đình cho ở trọ đuổi đi. Rồi những kẻ thù bí mật ném đá vào Chú về ban đêm. Mẹ sợ nguy hiểm cho Chú, vì thế Mẹ vừa khóc vừa khuyên Chú ra đi. Sau khi Mẹ đi tiễn Chú về, Mẹ gục xuống và ho ra máu. Mẹ phải nằm dưỡng bệnh mãi tới mùa hè.
Trong những thị trấn nhỏ như thị trấn của chúng tôi, chẳng có gì mà người ta vẫn có thể tung ra lời đồn đãi. Vì thế rất dễ tưởng tượng ra sự tai hại cho chúng tôi do tên nghiện thuốc phiện gây ra. Chúng tôi đi đâu người ta cũng chỉ vào Mẹ và than, "Ðó là một goá phụ vô liêm sỉ." Chúng tôi có thể cảm thấy sự khinh bỉ của họ, những cái nhìn thù ghét của họ đuổi theo chúng tôi khắp nơi. Chúng tôi không dám đi ra ngoài về ban đêm, nhưng dù thế một vài tên nhãi ranh vẫn ném đá vào tường nhà chúng tôi về ban đêm.
Cảm thấy một cơ hội mới, mụ vợ mập ú của người lái buôn ngoài thị trấn trở lại. Mụ ngồi vắt chéo chân giữa căn phòng trống và lạnh lẽo của nhà chúng tôi, trong lúc mụ giảng dạy Mẹ bằng cái giọng ghê tởm của mụ. "Này cô em, cô em có hiểu câu nói "Sự vu khống đuổi theo bước chân người goá phụ" không? Nhưng dĩ nhiên cô em cũng nên tự trách nữa. Sao cô em cặp kè với cái tay nhà quê chết tiệt ấy? Tôi đã nói với cô em, chồng tôi không có con trai. Chồng tôi muốn lấy thêm một vợ bé nữa. Thật là hoàn toàn cho cô em. Tôi sẽ đối xử với cô em như một người em gái." Sau khi nói xong, mụ đàn bà lạch bạch bỏ đi một cách ngạo mạn, như thể mụ vừa làm ơn cho chúng tôi.
Mẹ tái mặt và run rẩy vì giận. Em gái tôi kêu khóc vì đói, nhưng Mẹ dường như không nghe thấy gì.
Ngày Tết Trung thu lại trở về - một ngày hội cho gia đình doàn tụ. Nghĩ đến số phận mình, Mẹ coi ngày hội này như là một ngày đau buồn. Tôi nhớ lại khuôn mặt của Mẹ trong ngày hôm ấy, tái mét và úa héo. Ban đêm, khi mặt trăng lên cao và là lúc mọi gia đình ngắm trăng và ăn bánh Trung thu, thì Mẹ ôm mặt khóc với trời cao bằng tiếng khóc đứt ruột. Mẹ rền rĩ cái thảm cảnh của một goá phụ nghèo, và cái cảnh ngộ tuyệt vọng của Mẹ và các con. Tôi cảm thấy thế giới đảo lộn quanh tôi và căn phòng tràn đầy sự kinh hoàng. Tôi không thể chịu đựng được cảnh Mẹ khóc và bỏ chạy ra khỏi nhà. Tôi chạy lại cây du ngay lối vào ngõ, và ngồi xuống gốc cây. Cái ngõ trống vắng và hoàn toàn im lặng, và mặt trăng rọi vào tôi qua đám lá cây. Chị tôi tìm thấy tôi khi đêm đã khuya. Chị phải lay mạnh để đánh thức tôi.
Thầm Tưởng Niệm Thầm Tưởng Niệm - Wen Bin