Tàu Ngựa Cũ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Quà Tết
inh hỏi Quế:
- Chị đang nghĩ gì đấy?
Đôi mắt Quế vẫn nhìn lên trên trần nhà mơ mộng, không trả lời em.
- Chị nghĩ gì, phải nói ra chứ!
Quế gắt:
- Ơ hay, ý nghĩ là tư sản của người ta, sao lại bắt buộc phải nói ra?
- Nhà này không có phép như thế! Cấm mơ mộng, cấm buồn, cấm khóc. Muốn gì phải xin phép em. Tư tưởng không nói ra, không công khai, là tư tưởng...lậu thuế! Chị định giữ lấy một mình để làm chợ đen phải không?
Hai chị em cùng bật cười.
- Thôi để ta nói cho mà nghe. Đồ độc tài. Thật rõ là càng trẻ con càng ưa bắt nạt người lớn! Ta đang nghĩ đến những cái Tết tha hương đã trải qua trong đời.
- Tưởng gì lạ, chứ Tết tha hương thì em cũng có. Những mười cái cơ đấy. Chị được bao nhiêu?
- Có lẽ mười ba.
- Con số rủi. Tết năm nay, chắc chúng mình sẽ....no!
- Em đoán lối gì kỳ quái vậy?
- Em đoán theo kiểu " phép giải mộng" " sanh dữ tử lành" mà!
Hai chị em cùng yên lặng một lúc, Minh nói:
- Lạ quá chị ạ, sao những cái Tết no vui thì mình quên cả, còn Tết nào đói hay là khổ là mình nhớ đời. Em nhớ nhất hồi chúng em "được" ăn mứt gừng suốt cả ba ngày Tết. Năm ấy, chúng em nghèo quá chừng: tiền học chưa có, tiền nhà chưa trả, tiền ăn không biết còn đang lưu lạc nơi đâu... Đợi mãi vẫn không thấy thư nhà. Mãi đến chiều ba mươi Tết mới nhận được quà của cô bạn thân nhất gời cho: một gói mứt gừng thật lớn chị ạ. Mứt gừng là một món ăn rất sang trọng và xa xỉ ở ngoại quốc, nhưng mình không có gì ăn cả ngoài nó ra nên phải ăn suốt ba ngày. Trời, nóng ruột gần muốn điên luôn!
- Còn chị, chị nhớ hồi ở Nam Kinh cũng bị hoàn cảnh như thế. Các sinh viên Việt Nam không ai còn đồng nào cả. Tình cảnh có vẻ nhiều hy vọng được ăn Tết với nước lã lắm. Đêm ba mươi, bỗng có anh Thanh đến chơi. Anh ấy làm trong quân đội Tàu, đánh giặc mướn hộ ông Tướng mấy chục năm vẫn không chết. Anh trịnh trọng đưa cho chị một gói nhỏ và bảo đấy là quà Tết cho tất cả. Trước khi mở, anh bắt đoán. Mọi người cầm gói, nào lắc, nào nghe, nào sờ, nào nắn, làm đủ, nhưng cũng chỉ đoán được đấy là một thứ đồ hộp, mà không biết món gì. Mãi sau, mở ra mới biết, đấy là một hộp sữa đặc. Anh Thanh cho biết anh không còn đồng nào, chỉ định đến thăm anh em, chuyện trò suốt đêm giao thừa thôi, không ngờ lúc đi đường, thấy cái hộp sắt có vẻ còn mới bên bờ cỏ, anh đá nó một cái và định nhặt để đem cho bọn này làm gáo múc nước. Anh thấy nặng. Thì ra, một hộp sữa còn nguyên. Thế là cả bọn được uống sữa như trẻ con suốt ba ngày Tết. Kể ra, không ấm lòng bằng mứt gừng, cũng không no giống như mứt gừng, nhưng ngọt ngào thì đủ lắm.
Minh đứng dậy đến bàn chải đầu, bảo:
- Đến giờ rồi, em sửa soạn đi hát. Hôm nay, em muốn chị đi với em. Em mới ốm dậy, hát buổi đầu, run lắm. Chị đi để em vui và thêm tin tưởng.
Trang điểm xong, Quế xách đàn, Minh cắp tay nàng, hai chị em đi co ro trong trời đêm giá rét. Đêm đã khuya, các tiệm bán hàng đều đóng cửa, chỉ còn vài tiệm cà
phê đèn còn sáng. Minh nhìn vào cửa kính một tiệm bán hàng phụ nữ, hỏi chị:
- Tết năm nay, em muốn tặng chị một món quà để kỷ niệm chúng mình gặp lại sau mười bốn năm xa cách. Chị thích gì?
Quế gạt đi:
- Thôi đừng bày đặt ra nữa! Em tặng chị, rồi chị biết mua gì tặng em? Tiền chị để bên nhà, chưa có cách gì gởi sang; có lẽ thứ hai đi học vẫn còn phải cuốc bộ! Túi sạch sẽ lắm, không quà cáp gì cho ai hết!
Minh phụng phịu:
- Không, em khác. Em còn hơn một trăm quan. Tối nay em hát, mai có tiền đi chợ, mua được cả củi đốt sưởi nữa là khác! Giàu đến thế còn gì nữa! Chị không nhận là khinh em, ghét em, em giận chị đấy!
- Ừ, nếu thế em cho chị một cuốn vở hay một tập giấy trắng cũng được.
Hai chị em cùng xiết chặt tay nhau.
Đến nơi, Minh và Quế vào cổng sau, lối đi riêng của nghệ sĩ để lên sân khấu. Quế giúp em thay áo và nàng thầm cầu nguyện cho Minh tối nay hát hay. Minh ốm đã hơn mười lăm ngày. Hôm nay nàng khỏi, và đi hát lại, nhưng vẫn còn yếu lắm. Quế sợ nhất là cái giọng. Nếu Minh bị mệt, tắt giọng nửa chừng thì tai hại vô cùng.
Trên sân khấu, người ta để hai gối bông, trên phủ gấm đen, sau lưng là tấm màn nhung màu rượu chát. Minh mặc áo kim tuyến trắng. Minh sẽ đứng ghếch một chân lên nệm gấm, ôm đàn lục huyền cầm và hát luôn ba bài.
Ngày thường, nếu Minh khoẻ mạnh, nàng có thể hát đến muời bài không mệt, nhưng hôm nay Minh còn yếu, nên Quế thấy lo lắng vô cùng. Quế đứng trong sân khấu sau tấm màn, đợi nghe Minh hát. Bỗng thấy người gĩư phông đến bảo:
- May quá, có cô ở đây. Ông giám đốc bảo hôm nay phải che thêm nhung cả hai bên cô Minh, để khỏi thấy lối vào trong sân khấu. Tôi tìm mãi, nhưng người phụ của tôi đi đâu mất, cô giúp tôi một tay nhé, để che liền hai tấm màn lại cho kín.
Quế gật đầu và đến cạnh kéo sát hai ấm màn lại. Quế đứng ngay cạnh em, nhưng không trông thấy mặt, chỉ thấy bóng Minh in trên tấm màn nhung, mái tóc Minh xoả dài xuống lưng. Quế thấy mình tự nhiên cũng nín thở mỗi khi Minh nín thở để hát một câu dài. Trong lúc Minh nhìn nghiêng; Quế trông thấy được bóng môi em mấp máy rung. Không trông được mặt Minh, nàng cũng biết Minh đang nhìn vào khoảng không, tưởng tượng đang hát với một người nào đó, hát riêng cho một người nào đó nghe, để diễn xuất tất cả tình cảm của bài hát giữa đám nguời xa lạ.
Minh hát xong bài thứ nhất, đến bài thứ hai là một bài Pháp. Tâm trí Quế đi theo từng chữ trên môi em. Trong khi Minh hát ngoài sân khấu, Quế cũng hát trong lòng.
"Anh làm một cái hình nhân để tưởng nhớ tới em.
Miệng em là một trái mơ
Vỏ ốc làm tai, củ cải làm mũi
Tim em, anh để một viên đá
Hai nắm cỏ kết thành mái tóc
Đoá hoa xanh là đôi mắt em
đang rưng rưng lệ
Những giọt lệ mắt anh đã chảy ra
Dù anh không muốn..."
Minh hát xong, Quế mừng thầm, nhưng lại lo hơn, vì không biết em còn đủ sức hát nốt bài thứ ba không.
Bên ngoài, Minh đã bắt đầu giới thiệu:
- Đây là bài dân ca Mông Cổ. Bài hát người nông dân ca ngợi vẻ đẹp hùng tráng mỹ lệ của quê hương. Chàng ngồi bên bờ suối, nàng khoác tay chàng ca hát, và một con chim đậu trên cành líu lo hoà theo...
Minh lấy giọng vui để diễn tả tình cảm của bài hát rộn rã tưng bừng. Quế thấy bóng Minh trên màn rung rung, từ cánh tay vỗ đàn, mái tóc cho đến bàn chân ghếch lên chiếc gối phủ gấm, tất cả đều rung động, làm Quế cũng thấy rung theo.
Mỗi một phút bây giờ sao dài quá! Bài hát Mông Cổ hôm nay cũng thấy dễ ghét lạ! Nó lên cao xuống thấp một cách bất tử và tốn hơi vô cùng. Quế thấy trán mình lấm tấm mồ hôi. Những hạt mồ hôi cứ to dần và chảy dài xuống mặt.
Nhưng rồi cũng xong. Minh đã giữ được giọng cho đến câu cuối cùng. Nàng cúi chào khác giả trong tiếng vỗ tay hoan hô. Hai dòng nước mắt Quế đã cố gắng hết sức nén giữ mãi, bây giờ cũng chảy dài xuống má, hoà lẫn với những giọt mồ hôi. Quế khóc sung sướng vì thấy Minh đã đứng vững được suốt ba bài hát.
Trên đường về, gió cuồn cuộn thổi ngược, hai chị em dắt díu nhau, những bước chân chập choạng như bước chân đứa bé mới học đi.
Con đường chợ bây giờ đã được quét dọn sạch tất cả rác bẩn, chỉ còn lại những cái thùng gỗ đựng hoa quả, nguời ta vứt bên vệ đường, đợi xe chở rác đến nhặt. Mắt Quế sáng lên.
Thấy một người say rượu, bước chân ngã nghiêng, từ đằng xa đi đến, Quế dặn em:
- Kìa, thằng say. Em nhìn thẳng, chứ đừng nhìn vào mặt nó. Nhưng cũng phải để ý xem chừng, nhỡ nó đến gần còn liệu.
- Liệu thế nào? Vác đàn đánh vào đầu nó, hay chạy? Hay kêu ầm lên?
- Tất cả!
Anh chàng say vừa đi vừa hát. Hắn nhìn hai chị em một cách nhơ ngác, rồi lãng đi nơi khác.
- Đố chị, tại sao hắn sợ chúng mình?
- Tại hắn trông hai hoá làm bốn, nên " biết mình biết người", chuồn trước thế là phải.
Đến nhà, Quế đưa em vào phòng xong, về phòng mình thay giầy thấp và lặng lẽ xuống chợ.
Bên vệ đường, mấy cái thùng gỗ vẫn còn nằm yên. Quế nhắc một chiếc, hai chiếc, ba rồi bốn. Bốn chiếc thùng không, tuy không nặng nhưng rất cồng kềnh, khó mang. Quế đi rất chậm, nhưng chỉ một lúc đã thấy mệt.Vừa trông thấy cửa, Quế vội vàng vào ngay, không hề nghĩ ngợi gì cả. Muốn cẩn thận, Quế không bật đèn cầu thang, để lúc vào, đi ngang qua phòng, người gác khỏi trông thấy. Cầu thang hẹp, bốn cái thùng lại vác nghênh ngang nên rất khó đi, Quế phải lách mình đi từng bước một, mãi mới đến được từng thứ ba. Quế ngừng lại thở một lúc và hơi ngạc nhiên vì trong bóng sáng mờ mờ của cửa kính chiếu đèn ngoài đường vào, cầu thang có vẻ là lạ. Quế kinh hoảng tìm chỗ bật đèn, cũng không tìm thấy cái khuy bấm vẫn ở chỗ mọi ngày thường bấm.
Lúc bật được đèn, Quế mới biết đã vào nhầm cầu thang nhà khác. Cũng may, chỉ mới đến gác ba!
Bốn cái thùng gỗ lại nghênh ngang được tha xuống. Bây giờ, Quế bỗng thấy khổ sở vô cùng. Mấy cái thùng không đựng gì, nhưng sao mà nặng thế! Cả cái thân mình cũng gần lê không nổi, hơi thở thì ngắn ngủi, nghẹn ngào, tức tưởi.
Bao nhiêu tính gan lì bướng bỉnh của Quế đều được gọi đến làm viện binh. Quế nhất định không chịu bỏ dở công việc. Quế nhất định chống cự lại với tất cả sự sụp đổ của tâm hồn và thể xác. Quế nhất định vác bốn cái thùng gỗ về đến nhà cho kỳ được.
Lần này, trông thấy lối vào, Quế cũng còn cẩn thận nhìn số nhà, thấy đúng rồi mới vào. Bây giờ, Quế không thấy ngượng ngùng gì nữa. Nàng bật đèn ngay từ lúc mới bước vào cửa, mặc cho ai trông thấy thì thấy, muốn cười cứ việc tha hồ cười. Nàng nhặt gỗ về đốt lò sưởi, chứ có gì là lạ!
Quế nhón chân cố bước lên cầu thang rất nhẹ, sợ làm thức giấc mọi người ở các phòng khác, nhưng bốn cái thùng như muốn phá đám, vẫn cứ vướng víu, hết đụng cửa bên phải lại va vách tường bên trái. Lách bề ngang không được, xoay bề dọc cũng không xong, Quế mệt mỏi, chán nản quá chừng. Nàng cố gắng hết sức mới lên được đến gác cầu thang tầng thứ sáu. Một cơn suyển bỗng từ đâu kéo đến đùng đùng chớp nhoáng, làm Quế ngạt thở và tim như muốn đứng dừng lại. Quế cố sức kêu to:
- Minh ơi, ra đón...quà Tết...nặng quá...
Quế cố lê mấy bước cuối cùng đến trước cửa phòng em và chân nàng mềm đi. Quế không còn biết gì nữa.
Lúc Minh nghe tiếng động, mở cửa chạy ra, nàng thấy chị nằm ngất đi giữa đám thùng đổ ngổn ngang.
Món quà Tết của Quế cho em, đúng là nặng thật.
Minh không làm sao "vác" nổi chị vào phòng.
Tàu Ngựa Cũ Tàu Ngựa Cũ - Linh Bảo Tàu Ngựa Cũ