Tâm Trạng Hồng epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Trên Bộc Trong ... Sầu Riêng
a tuồng trên Bộc, trong dâu
Nguyễn Du
Thấy chồng săm soi cây chĩa ba, bà Hương trưởng Nếp hỏi:
- Ông định đêm nay đi xăm ếch hả?
Ông Nếp cười rồi đáp:
- Ờ, nhưng mà xăm "ếch bà" hay nói đúng hơn là xăm "ếch ông".
Thấy vợ ngơ ngác, ông Nếp hạ giọng xuống rồi cắt nghĩa:
- Bà không thấy chó sủa nhiều trong mấy đêm liền sao? Ăn trộm nó biết tôi với bà ở trong, nên nó rình miết...
- Con Điệp của mình cũng tệ quá, ngủ như chết. Tôi chắc nó không hay biết gì nên không thấy nó nói gì hết.
- Sáng nay tôi ra vườn đếm lại thấy mất gần cả chục trái.
- Nên ông rình để đâm ăn trộm! Ghê quá, rủi đâm trúng thì làm sao?
Ông nếp cười ha hả:
- Bà nói kỳ cục. Đã quyết đâm, mà sợ đâm trúng thì đâm làm gì.
- Tôi ớn lắm khi tưởng tượng thằng ăn trộm nó kêu cái ẹo như con ếch kêu.
- Bà đừng lo. Chĩa ba nầy chỉ để hộ thân thôi. Tôi quất bằng hèo cũng đủ cho nó sụm rồi.
- Chỉ sụm thôi thì được. Ông đừng có báo hại mà tôi phải chiêm bao cả năm: tôi sợ ông đâm nó lắm!
Vườn sầu riêng của Hương
trưởng Nếp to nhứt làng Bình-Nhâm. Sầu riêng nhà ông lại có tiếng là đều đặn, trái nào chắc trái nấy, chớ không phải đầu vườn thì sượng, cuối vườn thì mỏng cơm như ở các nhà khác.
Nên chi tới mùa là ăn trộm nó xấn rấn bên nhà ông thường hơn ở đâu cả.
Sầu riêng giá sỉ, mạt lắm cũng hai mươi đồng một kí. Mỗi đêm bị trộm độ chục trái, tức trộm trên hai mươi kí, có phải là vứt đi ngót bốn trăm không?
Như vậy nhà nào cũng cất chòi ngoài vườn rồi người nhà thay phiên nhau mà thức ngoài ấy để gác sầu riêng.
Năm đêm liền, vợ chống ông Nếp không được thơ thới trong người, nên cô Điệp, con gái của ông bà phải canh liên tiếp.
Có lẽ vì mệt mỏi mà cô ngủ quên nên trộm nó mới làm già.
Mặc dầu chưa thật khỏe mạnh, ông Nết quyết thay phiên cho con đêm nay, vì ông rất nóng của, rất sốt ruột mỗi khi sáng lại, nhận thấy vườn bị trộm trong đêm rồi.
Tên trộm nầy là một thằng đáng giận. Của lấy, của ăn. Nó ăn tại gốc, bỏ vỏ bừa bãi ra đó như chửi vào mặt chủ vườn.
Ông mà túm được nó thì, trước khi đem nạp cho nhà chức trách, ông sẽ nện cho nó một trận cho bỏ ghét.
Trời mới chạng vạng mà trong vườn đã tối om như giữa canh khuya. Tàng măng cụt dày mịt đã gọi đêm về rất sớm trong đó.
Ông Nếp kêu con đang dọn dẹp dưới bếp:
- Điệp à, đem nóp lên đây cho ba.
Cô Điệp dạ một tiếng rồi lên nhà trên, nhưng tay không. Cô hỏi:
- Ba hỏi nóp làm chi, ba?
- Đêm nay ba thế cho con, để con ngủ một bữa.
- Ý trời, ba không được mạnh, chịu mù sương với hơi ẩm sao được?
- Thây kệ, ba coi bộ con đuối sức rồi, để ba thay một bữa.
- Mệt bao nhiêu con cũng ráng. Để cho ba trúng cảm, con sao đành.
- Thôi, đừng nói lôi thôi, đem nóp lên cho ba.
Cô Điệp mặt buồn hiu và lo lắng, ú ớ như muốn nói gì nữa. Nhưng biết tánh cha là người khó đổi ý, cô nhẫn nại đi xuống nhà sau mà lấy nóp lên.
Hương trưởng Nếp cụ bị một cục thuốc to và một cuộn giấy quyến, uống một tô trà Huế thật bự, rồi thong thả ra vườn.
Vườn ông Nếp nằm giữa đường, mặt tiền rộng sáu mươi thước và ăn sâu vô trong trên hai trăm thước.
Nhà ông cũng gần đường, nhưng chòi canh thì nằm co ro tận ngoài sau cùng.
Nhưng ông Nếp không ra chòi ấy liền. Ông đi rảo quanh các ranh vườn ông. Chòi canh vườn ông Thìn lấp ló giữa những thân cây trống gốc; đứng ở ranh đất nhà, ông Nếp thấy điếu thuốc người láng giềng chốc chốc lại lóe sáng lên trong bóng đêm. Ông kêu nói:
- Anh Sáu đó hả?
- Ừ! Tôi đây! Hôm nay chú canh?
- Ừ! Mấy đêm rồi có gì lạ không?
- Bên tôi thì không, nhưng bên chú thì chó sủa dữ lắm.
Rồi cả hai không nói với nhau gì nữa. Ông Nếp đi tuốt ra chòi.
Chòi rộng chỉ vừa hai người nằm, nóc cao tới đầu người đứng. Chỉ có bốn cây cột, dùng làm chân chõng luôn.
Ông Nếp leo lên chiếc chõng treo trên bốn cây cột đó, mò kiếm chiếc gối bằng tre, rồi ngả lưng xuống.
Ông đem nóp theo phòng hờ nhưng không dùng. Nằm trong nóp đã ấm lại không bị muỗi đốt. Dễ chịu như vậy, rủi ngủ quên đi sao? Nên chi ông đành lòng thỉnh thoảng đập cái bạch vào da mình, không biết như vậy có giết được con muỗi nào không, nhưng cử động thì bớt lạnh lại bớt buồn ngủ.
Ông hút liên tiếp một hơi sáu điếu thuốc, điếu nầy mồi qua điếu khác, hầu lát nữa nhịn thèm. Phải, ông quyết giả đò ngủ quên để đập ăn trộm cho đã giận, nên định không động đây, không để đốm sáng nào cho trộm thấy hết.
Đêm quê vắng lặng sớm quá. Nhưng lại uyên náo âm thầm mà chỉ có kẻ rình trộm mới hay biết: côn trùng hòa tấu những bản nhạc buồn muôn đêm không thay đổi, và chó sủa kẻ gian chẳng biết mỏi mồm.
Ông Nếp nằm đó lắng tai nghe. Ở những khu vườn trong xa, chó đưa người từ đầu xóm đến cuối thôn. Gần hơn, giữa khu vườn, thỉnh thoảng nghe soạt một tiếng rồi tiếp theo đó một vật rơi nặng xuống đất ẩm kêu cái bịch. Đó là sầu riêng rụng. Ấy thế, sầu riêng không thể hái lúc già mà vú được như xoài. Nó chỉ chín trên cây thôi và len lén rụng về đêm. Ăn trộm khỏe ru, chỉ việc đem cà-ròn tới lượm mang đi.
Ông Nếp đếm thử theo tiếng động thì từ đầu hôm đến giờ rụng đi năm trái rồi.
Bỗng phía trước, chó nhà ông sủa vang lên. Nhưng nó chỉ sủa vài mươi tiếng thôi.
Kẻ qua đường đã đi khỏi đó rồi chăng? Rất có thể là như vậy lắm. Nhưng ông Nếp lại nghĩ khác, vì ông đã quan sát kỹ lưỡng mấy đêm rồi. Đêm đầu chó sủa suốt hai tiếng đồng hồ, đêm sau nó sủa trong một tiếng thôi, rồi mấy đêm kế đó, thời gian báo động của nó càng đêm càng rút ngắn lại.
Phải chăng trộm đã đánh thuốc độc cho chó bằng thức ăn? Ông nghi rằng thế. Nhưng sáng ra, ông không thấy chó chết hoặc bịnh hoạn gì hết.
Thành ra, mặc dầu ông vẫn không hiểu tại sao chó càng đêm càng biếng sủa, nhưng ông cứ tin rẳng gian phi vẫn có mặt cả trong lúc chó im thin thít.
Ông lồm cồm ngồi dậy, chõng tre kêu răng rắc khiến ông phải ngưng ngồi giữa lúc thân mình ông chưa đứng hẳn. Ông chống tay để dựng thẳng người lần lần lên.
Gì mà nghe như vật nặng rơi xuống mương, kêu lủm chủm. Ông Nếp mở bét mắt ra soi bóng tối mà vẫn không thấy gì hết. Nhưng ông tưởng tượng ăn trộm đang lần dò mò kiếm sầu riêng rụng. Ông vái thầm cho nó đi bậy vào gốc cây, rồi một trái sầu riêng nặng cỡ bốn kí-lô và lởm chởm chông gai cứng rơi xuống trên đầu nó cho nó chết tươi cho rồi.
Ông Nếp bước xuống đất, mò dưới chõng thì tay đụng phải cây hèo giấu dưới đó. Ông định lấy chĩa ba nhưng nhớ lại rằng bà Hương trưởng rất sợ án mạng, nên ông tạm dùng hèo vậy.
Ông Nếp đưa mặt tới mà dòm, làm như hễ chồm tới một chút là gần tên ăn trộm hơn một chút và vì vậy dễ thấy nó hơn. Nhưng bóng đêm tùng đảng vẫn dày đặc một cách đáng tức.
Thình lình ông nghe nhánh khô dướì đất như bị ai đạp lên, kêu rốp một cái. Tiếng động kêu lên ở phía trái ông. Ông Nếp nín thở lắng nghe. Tên trộm hình như cũng đang nghe ngóng nên phía đó lại im phăng phắc.
Nhưng kìa, tiếng động lại nổi lên, một tràng tiếng rôm rốp nầy kế tiếp một tràng khác sau một thời khắc ngắn. Rõ ràng là tên trộm đang bước.
Ông Nếp bước trịch qua một chút thì...
Đàng xa, bên vườn Ba Nâu, có một khoảng đất trống. Đêm nhiều sao rọi chút ít ánh sáng xuống đó và vệt sáng mờ ấy làm nền, giúp cho ông thấy dáng một người đang dè dặt bước.
Nó lần đi tới chỗ ông đứng, như vậy, ông chỉ có thể đâm nó bằng chĩa ba mà thôi. Ông Nếp rón rén bước để tránh đường đi của kẻ gian và để sang qua bên hông của nó.
Bấy giờ, nó chỉ còn cách chỗ ông đứng độ ba gốc sầu riêng nữa mà thôi. Ông đưa ngang cây hèo, co gối để hạ mình xuống thấp rồi dồn hết thần lực vào hèo, ông quất ngang tới.
Hèo đi có gió, rồi chạm phải gì kêu một cái cộp.
Tiếp theo đó là tiếng kêu: "Trời ơi!" nho nhỏ và tiếng người té nghe một cái thụi.
Ông Nếp biết rõ là ăn trộm bị thương
chỗ nào, vì ông đã hạ cây hèo ngang ống quyển nó. Tiếng cộp là tiếng gõ va vào xương ống quyển của hắn.
Tuy vậy ông cũng rút cây đèn ló ở lưng quần ra để rọi cho rõ thêm và để biết vài chi tiết khác.
Tên trộm rên hừ hừ, nằm nghiêng dựa bờ một cái mương, và lạ kỳ hết sức, con chó nhà cũng đang ở đó và đang theo hửi nó.
"Chó nãy giờ ở đâu mà không nghe sủa, và bây giờ cũng chẳng lên tiếng như vầy?"
Hai câu hỏi trên, ông Nếp vừa thấy rằng đáp không được, thì ông bị nhiều câu hỏi khác dồn tới trong đầu ông.
Hà, ăn trộm mà lại mặc âu phục đàng hoàng: sơ-mi cao-bồi bỏ ngoài, quần trô màu cứt ngựa, giày da, đế cao-su sống.
Ông Hương trưởng bước tới rọi đèn vào mặt nó thì nhận ra đó là một gã thanh niên độ hăm lăm tuổi, mũi cao, da trắng, đẹp trai lắm.
Ông Nếp ngờ ngợ một lát vì nét mặt đặc biệt của tên trộm. Bỗng ông nghĩ ra điều nầy: đó là nét mặt riêng biệt của người Tàu, nói rõ hơn, của người Triều-Châu.
Chỉ biết được có bấy nhiêu đó thôi, còn tại làm sao mà người con trai tướng sang, y phục mắc tiền nầy lại đi ăn trộm thì ông nghĩ không ra.
Ông khom xuống hỏi nho nhỏ, vì ông nghi có chuyện lạ, không muốn làm náo động xóm làng:
- Mầy tên gì, và ở đâu?
Tên trộm cứ rên, lâu lắm mới nói được:
- Đau chết tôi bác ơi!
- Ai bác, cháu, với mầy là đồ quân trộm cắp. Tao hỏi mầy tên gì và ở đâu? Nói mau đặng tao đưa ra nhà việc. Cho mầy biết một phen đặng mầy tởn tới già.
Giữa những tiếng rên, tên trộm nói:
- Bác ơi, cháu là Xường Hia, ở Lái-Thiêu.
- Ừ, mầy là cắc chú, Tiều, phải không, tao xem mặt là biết liền. Mầy là con cái nhà ai, chệch lò gốm hay chệch lò đậu?
- Hừ... hừ... hừ, cháu là con của chú Duỳn.
- Của ai? chú Duỳn, chú Duỳn chứa cờ bạc đó à?
- Dạ phải.
- Trời ơi, bộ tía mầy sạt nghiệp rồi sao mà mầy đi ăn trộm? Cha con mầy ác lắm, nên bị tổ trác đêm nay cũng phải.
- Ý ôi trời ơi,.. đau chết đi thôi... Hừ... hừ, bác ơi, cháu không phải ăn trộm bác à!
- Chớ mầy đi đâu nửa đêm nửa hôm trong vườn người ta?
- Thưa bác, khó nói lắm. Xin bác thương
giùm mà tha cho cháu. Thật tình cháu không phải ăn trộm.
- Không ăn trộm nòi, thì ăn trộm nảy. Thôi được. Mầy gãy cẳng rồi hả? Nằm đó tao đi kêu Hương quản đây.
- Cháu lạy bác, bác ơi! Đừng kêu tội nghiệp.
- Thì mầy khai thật đi, tao nghe coi.
- Cháu khai ra, sợ bác còn giận thêm.
Ông Nếp sanh nghi, tắt đèn rồi nói:
- Cứ khai thử xem làm sao, bằng không, tao đi kêu làng liền bây giờ.
- Hừ... hừ.. hừ bác ơi, xin bác thương
cháu... số là... hừ... cháu có hẹn với cô hai...
- Cô hai nào? Ông Nếp hỏi mà trống ngực ông đánh thình thình.
- Dạ cô hai Điệp, con của bác.
Ạch... ông Nếp đá vào lưng nó một cái rồi quát:
- Nói bậy!
Nhưng ông run lập cập. Đứa con gái mà ông ngỡ chính chắn lắm, đoan trang lắm, lại rước trai ban đêm. Hèn chi mà sáng sáng không nghe nó nói gì về vụ chó sủa về khuya hết, và hèn chi mà con chó nhà sủa càng đêm càng thưa. Phải mà, nó giới thiệu nhơn tình nó với con chó rồi, con nầy đâu có sủa nữa.
Con chó thật là đồ phản chủ. Hèn chi hồi nãy nó chạy lại liếm và hửi chú tửng gãy giò nầy.
Ông Nếp lặp lại:
- Mầy nói bậy, mầy chết bây giờ.
- Dạ quả thật như vậy. Không tin bác kêu cô hai mà hỏi thử coi.
Ông Nếp ngồi phệt xuống đất. Làm sao mà không tin được? Ông chỉ khổ là không biết làm sao đây. Tha cho nó thì cũng tức lắm. Nhưng dầu có cắn răng mà tha, nó cũng chẳng lết đi đuợc: cả hai ống quyển nó đều gãy.
Kêu Hương quản chăng? Hẹn với gái chưa chắc nó sẽ bị tội gì mà ông còn mang xấu với làng nước nữa là khác. Ra làng, nó khai tạch hoạch ra thì thiên hạ sẽ hay hết rồi đồn rùm lên.
Thủ tiêu nó để phi tang? Thằng dịch nầy phá con gái ông, đối với ông, thật nó đáng chết. Nhưng giết nó thì dễ mà làm cho mất xác nó, khó vô cùng.
- Bác ơi, cháu lên đây bằng xe máy, xe còn để ngoài đầu vườn ngoài của bác. Ai mà đi ăn trộm bằng xe máy đó bác!
Khổ ơi! Ông Nếp nghe đến điều sau đó thì càng rầu thêm nữa. Đó là một cục nợ thứ nhì, tang chứng cho cục nợ thứ nhứt nầy.
Mà thế nào cũng phải tính cho xong nội đêm nay. Bây giờ đã mười giờ khuya rồi. Vài giờ nữa là người ta sẽ thức sớm lượm sầu riêng, là bạn hàng sẽ qua lại dập dìu.
Ông ngồi đó hằng giờ, bóp nát trí mà không nghĩ ra mưu mẹo gì cả. Lắm lúc ông tức giận sôi gan cái chú tửng đã làm khổ ông. Ông muốn đập vài hèo cho nó hui nhị tì cho rồi, nhưng ông dằn được mà mỗi lần nén cơn giận là ông run lên.
Bỗng tìm ra được một kế, ông đứng phắt dậy.
o O o
Cô Điệp thao thức mãi không chớp mắt được. Cô van vái thầm người khuất mặt xui cho Xường-Hia đêm nay không lên. Đành rằng ông già sẽ rình liên tiếp đến bắt được trộm mới nghe. Nhưng mai nầy cô đi chợ, cho Xường-Hia hay là êm chuyện.
Mỗi lần chó sủa là cô giựt mình đánh thót một cái. Cô tưởng tượng tình nhân đang đạp xe máy nơi một xó rào rồi dò dẫm ra sau chòi.
Xường-Hia chắc đang lọt mương. Là dân chợ, y lội vườn rất dỡ, nhứt là về đêm.
Con gái Hương trưởng Nếp hồi hộp mà hình dung ngườì yêu đang bước gần tới chòi. Cha cô núp sẵn dưới gốc một cây măng cụt.
Rồi... trời ơi, ghê quá... cô Điệp không dám tưởng tượng thêm nữa. Tuy nhiên rồi cô cũng phải nghĩ tới. Hình ảnh rình trộm của cha cô cứ theo ám cô mãi, xua hoài nó không đi.
"Đó rồi ông già ổng nhảy ra, đâm mạnh chĩa ba vào bụng tên dạ khách. Chĩa ba lụi vào thịt nghe cái sựt. Xường-Hia la trời nhào xuống, ruột gan lòi ra lòng thòng lểnh thểnh."
Cô Điệp rùng mình. Cô lại nghĩ tiếp, theo một giả thuyết khác. "Đó rồi ông già ổng nhảy ra. Nhưng Xường-Hia có võ nghề. Ừ, chú Duỳn nổi danh là tay giang hồ mã thượng, lại không truyền võ cho con à? Y tránh kịp rồi giựt chĩa ba mà đâm lại ông già."
Cô Điệp nước mắt ràn rụa khi nghĩ rằng cha cô có thể mang hại vì cô.
Lắm lúc cô muốn mở cửa chạy ra chòi quì lạy thú tội với cha, để tránh tai họa xảy đến. Nhưng cô không dám, nên đành nằm đó mà xót xa.
Cái lần chó nhà cô sủa, tim cô như muốn phá ngực cô mà nhảy ra. Cô nín thở muốn hụt hơi, nhưng đợi mãi mà không nghe động tịnh.
Cô đoán đủ điều, nhưng đều thấy là sai. Nếu Hia bị thương, thì ông Nếp đã đi kêu làng. Nếu Hia chạy thoát, cha cô đã rọi đèn sáng cả vườn và tri hô lên rồi.
Cô đợi gần hai tiếng đồng hồ mà không nghe thấy gì lạ nên định bụng đêm nay Hia không có lên. Rồi mỏn quá, cô ngủ quên luôn.
Sáng hôm đó, cô Điệp dậy thật sớm, chạy ra vườn xem có gì lạ hay không.
Ông Nếp đã vào nhà sớm hơn nữa để uống nước trà hừng đông thường lệ mà cô Điệp đã nấu và châm sẵn.
Trời mới mờ mờ đất, chưa phân biệt được gì. Tuy nhiên Điệp vẫn cố quan sát quanh chòi, coi có dấu vết chiến đấu nào sót lại không.
Không, cây cỏ vẫn y nguyên, không có lấy một nhánh tươi nhỏ nào gãy hết, hoặc một chòm cỏ nào trốc gốc cả.
Nhưng kìa, gì mà trăng trắng như chiếc khăn tay? Điệp bước sấn lại chỗ đó, cúi xuống dòm thì thày quả đó là chiếc khăn mu-soa. Nàng cầm lên thì hỡi ơi, rõ ràng là khăn của người yêu! Chữ Tống, họ của Hia, thêu nơi góc khăn theo lối cổ triện, hiện ra mờ mờ trong ánh sáng mới hừng.
Điệp ngồi xuống dòm sát dưới cỏ thì bỗng khủng khiếp vô cùng: một bãi máu to bằng bàn tay, đã khô lâu rồi, đang bám vào đất bồi đen-đen ươn-ướt nơi bờ mương.
Điệp bối rối vô cùng. Thế nầy là anh ấy đã bị thương. Tuy chạy thoát được nơi đây nhưng không rõ có về đến nhà và có sống được hay không.
Đứa con gái trên Bộc, trong sầu riêng nầy héo xụ trở vào nhà, loay hoay làm rớt một cái thau kêu cái rổn, đánh bể một cái tộ và làm ngã chồng vỉ tráng bánh tráng kêu cái rầm.
Ông Nếp nhìn con hầm hầm, khiến Điệp lấm la, lấm lét không dám ngó lên.
Trong nhà không khí khác lạ lắm. Bà Nếp thì buồn hiu và chẳng nói với Điệp lời nào như mọi bữa.
Đây là một nỗi lo mới cho Điệp. Chắc chắn ba má cô đã biết hoặc đã nghi cái gì rồi. Liệu cô khỏi đòn bọng hay chăng?
Cô Điệp hối hả làm công việc cho mau xong để đi xẹt lại đằng hàng xóm, coi có nghe tin tức gì về một người con trai người ta bắt gặp nằm giữa đường lòi ruột hay không.
Nhưng tuyệt nhiên không nghe ai nói đến tai nạn gì lạ xảy ra cả. Và suốt ngày đó, Điệp bứt rứt vô cùng, trông cho mau hết ngày, vì hôm sau là ngày đi chợ, nàng sẽ có địp xuống dướì nghe ngóng.
Ngày kế đó, Điệp tới bữa đi mua thức ăn để dự trữ hai ha hôm trong tuần. Cái gì nàng muốn biết là được biết ngay. Thiếm Phòn ở sạp chạp phô tại chợ Lái-Thiêu vốn rõ cuộc tình duyên thầm lén của cặp Hia Điệp vì thiếm là thùng thơ miệng của hai đàng, cho Điệp hay rằng Hia đã mất tích một ngày và hai đêm rồi.
Hia ra đi tối hôm kia, hồi tám giờ, đi bằng xe đạp. Người nhà chỉ biết có thế, và cả chợ không ai gặp y đêm đó cả, nên chẳng biết y đi về hướng nào.
Điều chắc chắn là y không có lấy tiền bạc của ông già y. Thế tức là không phải y trốn nhà. Cũng không lẽ bị ai giết để giựt tiền.
Nghe xong, mặt Điệp tái lét. Thiếm Phòn ngỡ nàng lo sợ cho tánh mạng của người yêu, nên cũng chẳng ngạc nhiên.
Điệp mua hối hả vật nầy thức nọ, quên năm bảy món và không thèm đếm tiền họ thối lần nào cả, rồi thót lên thổ mộ về nhà.
"Thôi thế là chết rồi,
nàng nghĩ. Chắc chắn là ông già ổng đã thủ tiêu anh ấy rồi. Bị thương
có máu, nhưng nạn nhơn thì không ai tìm ra, thì có phải là y đã bị chôn vùi đâu đó rồi chăng?
Ðiệp như đứa mất hồn, làm đâu quên đó, đập món nầy, đánh rơi món khác.
Khi ăn cơm trưa xong, nàng lại chạy ra vườn, tìm quanh quất coi có gặp chỗ đất nào bị đào và mới lấp lại không.
Ông Nếp rình từ cử chỉ nhỏ của con. Ông giận sôi gan, và khi Điệp trở vào ông hét:
- Tao đă chôn nó rồi, đố mầy kiếm mộ nó được!
Nói xong ông chụp đầu con, kéo xển Điệp vô trong rồi rút roi đuôi cá đuối mà quất thôi như mưa sa gió táp
Vừa quất ông vừa nói:
- Nè, tao có con, tao gả cho An nam[1], chớ nào tao có thèm gả cho chệch đâu. Mà lại là chệch hút máu người ta nữa. Thứ cái quân gạt người lấy của đó, lạy tao, tao cũng chẳng thèm ngó.
Nói xong ông lại quất lia lịa.
Sợ hàng xóm hay được mang xấu, cô Điệp chỉ kêu trời nho nhỏ mà chịu, cắn răng hít hà và van lơn cha nới tay cho.
Khi đã mỏi tay, ông vừa quất roi cuối cùng vừa nói:
- Chết đi cho rảnh rồi tao chôn chung với nó một lỗ.
Cô Điệp rêm cả mình mẩy, lùi vào xó bếp mà khóc thút thít. Bà Hương trưởng cứ ngồi đó mà gọt củ cải không thèm nói tới con một lời.
Nhưng cái đau nơi thân thể nào có thấm vào đâu đối với cái đau nơi lòng.
"Thế là không còn anh Hia yêu dấu nữa, anh Hia đẹp trai, và nói tiếng Việt còn sành hơn các cậu trai quê khác!.Nhưng ông già chôn anh ấy ở đâu cà, mà mình tìm mãi không ra? Còn chiếc xe máy của ảnh lưu lạc về đâu? Mỗi đêm ảnh đều đạp xe máy lên đây kia mà?
Điệp bỏ ăn suốt bốn hôm, rồi sau đó, chỉ liếm láp qua loa thôi. Nàng gầy đi trông thấy. Mới có mấy ngày mà má nàng hóp vô, nước da ngả màu huỳnh đàng, tóc thì rối nùi không buồn chải gỡ gì hết.
Chiều chiều cô hay đi ra bờ rạch ở ranh vườn hướng Tây. Cô hồ nghi ông Hương
trưởng vứt xác Hia xuống đó, nhưng đầu rạch, cuối rạch, không thấy và không nghe nói có xác ai nổi lên.
Đêm đêm, cô van vái vong hồn Hia về báo mộng coi anh ấy bị chôn ở đâu, để biết mà săn sóc mả mồ. Nhưng hồn Hia chắc còn vương vấn đâu đó,
nên chưa về được.
Điệp thường đọc tiểu thuyết trinh thám. Trong đó vụ sát nhơn nào, rốt cuộc cũng bị trừng phạt.
Thám tử họ tài lắm: chỉ có một chéo khăn, một mẩu thuốc lá, một dấu chơn làm chứng mà họ cũng tìm ra được thủ phạm, hoặc tìm ra được nơi vùi xác nạn nhon.
Điệp rất sợ ngày kia, một thám tử đại tài nào sẽ khám phá được cái mồ bí mật mà chính nàng tìm mãi không ra.
Hởi ôi, đã mất người yêu, rồi lại mất cha già, vì thế nào ông Hương trưởng cũng sẽ hị bắt, bị tù đày hay xử tử cũng nên.
Những lúc nghĩ tới vụ đổ bể tùm lum ra đó, Điệp lại khóc òa.
Ông Hương trưởng thì lạ lắm. Ông không đi đâu nữa cà, trái với tật dạo xóm của ông mọi lần.
Tối lại, đêm nào ông cũng bắt Điệp canh vườn chớ không phải thay phiên như trước. Có lẽ ông nghĩ: "À, như mầy hư rồi, cũng chẳng giữ làm chi, vả lại càng nên bắt mầy chịu lạnh cho đáng kiếp.
Bốn ngày sau, tới ngày đi chợ. Điệp lại dò la tin bạn, nhưng thiếm Phòn vẫn không biết gì thêm về Hia. Chú Duỳn đã đi cớ bót. Có nhựt trình đăng tin nầy nữa và họ cũng đã nêu ra nhiều giả thuyết đọc nghe hay như tiểu thuyết trinh thám.
Chú Duỳn lại có treo giải thưởng: aì mà tìm được con chú, hễ tìm sống thì đền ơn năm muôn, chỉ xác thì một muôn, còn ai mà biết dấu vết gì mách cho, cũng được hưởng năm ngàn.
Người Tàu rất thích ăn sầu riêng. Họ lại khoe của bằng số tiền ăn sầu riêng mỗi năm. Năm rồi, chú Duỳn khoe đã ăn hai muôn bạc sầu riêng thì biết chú giàu đến bực nào. Nên khi đứa con trai một của chú mất, tốn bao nhiêu để tìm ra nó, chú cũng chẳng tiếc.
Đó là những tin tức ăn trợt, không giúp Điệp biết thêm gì hơn về vụ mất tích của người yêu.
Lụi đụi mà nửa tháng đã qua. Vết roi cá đuối đã lành, nhưng vết thương
bên trong chưa khép, Bà Hương trưởng bớt ghẻ lạnh với con, còn ông Hưong thì càng bữa càng quạu quọ hơn.
Một buổi trưa kia, thấy ông Hương
nằm thiếp đi trên bộ ván giữa nhà, Điệp mới đám ló lên nhà trên, lại bàn thờ lấy bộ truyện Thuyết Đường đọc cho đỡ buồn.
Cô vừa thò tay lên bàn tổ tiên thì bỗng văng vẳng nghe tiếng rên hừ hừ nho nhỏ. Cô dừng tay lại, nín hơi để nghe ngóng. Ảo tưởng chăng? Tiếng rên nhỏ quá, mơ hồ quá, như ở đâu dưới âm phủ vọng tên, hoặc như tiếng oan hồn thoảng qua trong gió.
Cô đợi vài phút thì bỗng nghe lại tiếng đó. Cô rán lắng tai thì có cảm giác rằng tiếng ấy ở bên chái nhà phía tả.
Nhẹ và lẹ như con mèo, Điệp bước lại chái, kê sát tai vào vách nhưng đợi hơn mười phút mà khỏng nghe gì nữa hết.
Ông Nếp cựa mình khiến cô con gái hoảng sợ rút êm xuống nhà bếp.
Nhà ông Nếp kiến trúc theo lối nhà có của ngày xưa ở thôn quê: ba căn hai chái, nhưng hai chái lại đóng vách ba bên bốn bề thành hai cái buồng thật kín. Ngồi giữa nhà, người khách cứ ngỡ nhà chỉ có ba căn vì chái bị ngăn ra bằng vách bổ kho kiên cố. Hai cái chái ấy dùng làm lẫm lúa rất tiện nhiều bề. Trộm có đào huyệt có khoét vách thì gặp lúa ngay, không thế nào vào nhà được.
Mùa sầu riêng trùng với giữa mùa lúa, nên chái bên tả đã trống trơn, vì lúa đã bán hết phân nửa.
Những lúc lẫm lúa trống, Điệp cũng không đến đó làm gì, lại còn cố tránh nó vì thuở bé cô rất sợ cái xó nhà tối thui có vẻ đầy ma quỉ ấy.
Tối hôm ấy Điệp cố ngủ sớm để có thể dậy vào giữa khuya. Quả thật, khi cô mở mắt, nhìn sao trên trời thì biết bấy giờ cũng đã hơn hai giờ đêm rồi.
Thuộc nẻo trong vườn, cô đi thoăn thoắt ra nhà, đứng phía sau nghe ngóng giây lâu xem ông Hương trưởng thức hay ngủ. Ông nầy đang ngáy pho pho ở buồng sau đó.
Yên lòng, Điệp bọc qua phía tả, lần lại sát vách, rồi kề tai vào. Giây lâu cô như muốn ngộp hơi: tiếng rên lại nổi lên! Đây là nhà thờ xưa đã mấy đời. Không biết bao nhiêu người đã chết trong đó rồi, thì có thể có ma lắm. Nhưng ma chỉ hiện cho người ta thấy, chớ ít khi nghe nói ma rên.
Đánh bạo, Điệp gõ nhẹ vào vách và hỏi nhỏ: Ai đó? Không nghe đáp mà tiếng rên cũng dứt.
- Cộp, cộp, cộp, ai đó? Cô lặp lại.
Tiếng rên lại vang lên và tiếp theo đó như ai lấy ngón tay gõ vào thanh ghế bố cũng kêu lên cộp cộp nhưng nhỏ quá vì thanh ghế bố không dội tiếng được như vách.
Điệp cứ hỏi ai đó mãi mà không nghe đáp. Mỏi quá và sợ động, cô rút lui về chòi và thao thức đến gà gáy.
Nửa tháng nay làng trên có dịch thổ tả. Nhà nước tổ chức chích thuốc ngừa tại các làng chung quanh. Vì dịch mạnh nên sự bắt buộc tiêm thuốc rất gắt. Người ta đi từ nhà bảo phải ra công sở chích thuốc.
Điệp đã tiêm rồi, ông bà Hương trưởng không thể lánh mặt được nên cũng phải ra.
Ở nhà một mình, Điệp tìm được chìa khóa của kho lúa (ống khóa khi mua có hai chìa, mà ông Nếp chỉ giữ một thôi, còn một móc trên cây đinh dưới bếp rồi quên luôn). Nàng bậm môi mở đại lẫm lúa ra mặc dầu rất sợ không biết cái gì trong đó.
Thừa cơ cửa mở, ánh sáng a vào, đuổi bóng tối chạy rút vào phía bên trong. Mùi bụi bậm chọc Điệp nhảy mũi liên tiếp hai ba cái. Nàng không thấy gì cả, vì đang ở ngoài sáng mờ nhìn vào đó, mắt còn lòa.
Nhưng ngó kỹ thì thấy bên trong có dạng người nằm trên sạp. Người nầy nghe tiếng mở cửa, ngước lên dòm.
Cả hai chợt nhận ra nhau và Điệp kêu:
- Anh Hia!
Hia làm thinh, khoát tay, ý muôn bảo Điệp đừng có lên tiếng.
Con gái ông Nếp chạy a lại chỗ chú tửng nằm, ngồi xuống ôm bạn rồi khóc òa. Giây lâu nàng tấm tức tấm tưởi hỏi:
- Tại làm sao mà ổng nhốt anh như vậy?
- Thả anh thì anh đi không được. Còn giao anh cho cảnh sát làng thì ổng sợ đổ bể. Ổng định nuôi anh lành rồi thả đi.
- Mà anh bị thương ở đâu?
- Bị ổng quất gãy giò.
- Trời ơi, em cứ ngỡ anh chết, em lo sợ và rầu chín ruột.
- Em có cái gì ngọt ngọt cho anh ăn được không? À mà sao em dám vào đây?
- Đừng hỏi lôi thôi, ổng về thì khốn, em lấy chuối anh ăn.
Khi Điệp trở vô, Hia ngốn một hơi hết bốn trái chuối chà. Điệp lấy vỏ chuối bỏ vào túi áo nàng cho mất dấu rồi nói:
- Bây giờ anh nên đi rồi em sẽ liệu phận em.
- Đi không được, xương chưa lành. Mà em đừng lo, sớm tối gì anh cũng ra khỏi nơi đây. Chỉ cực khổ một lúc thôi.
Điệp lại khóc rấm rức một hồi. Khi sực nhớ rằng cha mẹ gần về, nàng vội từ giã bạn rồi ra đi, khóa cửa lại cẩn thận.
Ông Nếp về tới nhà thì thấy Điệp đang xắt chuối cho heo ăn nên không nghi ngờ gì cả.
Ông cũng định
"cho heo ăn" nhưng nhớ ra rằng hồi nãy đã quên giấu cơm. Ông dùng thầm với ông ba tiếng "cho heo ăn" đó vì ông tức chú tửng Xường Hia lắm.
Đêm ấy, sau vài giờ ngồi ngoài vườn lạnh để tính kế, ông nhớ ra lẫm lúa bỏ không và quyết nhốt Hia vào đó, đợi cho liền xương.
Ông dịu giọng bảo rằng:
- Thôi tao nuôi bịnh mầy một lúc, rồi lành thì tao cho về. Bây giờ thả mầy, mầy đi không nổi, mà giao cho cảnh sát cũng tội nghiệp mầy. Nhưng mầy phải nhớ điều kiện sau đây: là mầy phải cắn răng cam chịu, rên la thì tao giết liền.
Xường Hia hiểu ngay thâm ý của ông Nếp. Nhưng cũng đành phải vưng dạ chớ biết sao.
Ông Hương trưởng cõng chú tửng trên lưng. Đi được vài bước, nghe nặng quá, ông nổi dóa lên, muốn quăng nó xuống cho rồi.
Chợt nhớ ra một điều, ông quăng y xuống đất thật và bỏ y ở đó mà đi mất.
Nửa giờ sau, ông trở về với bốn tấm tre cứng. Ông Nếp đã thấy nhiều trường hợp cứu thương, nên ông biết bó cẳng gãy.
Ông kẹp mỗi ống quyển của Xường-Hia vào giữa hai tấm tre đó rồi lấy dây chuối khô mà cột lại bên ngoài, bó băng nhiều tuôn dây như người ta ràng bánh tét.
Chú tửng cắn răng hít hà mà kêu trời liền miệng. Công việc nầy mà đợi vào nhà mới làm thì Điệp nó hay đi còn gì. Nên chi ông Nếp mò trong bóng tối mà ràng rịt hai cẳng gãy của chú tửng.
Ông không biết kéo làm sao cho hai khúc xương gãy ngay đường lại, hầu chỗ xương gãy ăn khớp, nhưng ông không bận tâm lắm về vụ đó.
Ông nghĩ bất quá là nó mang tật, chớ cũng chẳng sao. Ngày sau, nó mà đi cà dẹo thì càng đỡ khổ cho con gái đẹp trong xóm trong làng.
Xong đâu đấy, và đợi cho Xường-Hia bớt đau, bớt rên, ông mới cõng y lên lần nữa mà vào nhà.
Bắt đầu từ đêm ấy, ông khổ không tả được.
Mỗi bữa ăn, ông phải ép vài chén cơm cho nó dẽ dặt rồi giấu trong túi với lại một miếng cá khô.
Ăn cơm xong, ông lừa dịp Điệp chạy đâu đó, để đem cơm nước vào dưng cho tên tù.
Bị mất công, người gác ngục bất đắc dĩ tức mình lắm, khổ nhứt là việc tiểu tiện và đại tiện của Hia.
Ông có cho hắn một cái hũ. Nhưng hắn không ngồi dậy được thành hắn đi bậy ra đó, dơ dáy hôi thúi chịu không nổi.
Sợ mùi hôi thúi bay ra ngoài lộ việc, ông Nếp lại phải mỗi ngày mấy bận, lén vào đó giúp y tiểu tiện, đại tiện. Thật là con cưng không bằng.
Lắm lúc bưng cái hũ đi đổ, ông nổi dóa muốn tưới lên đầu nó cho nó đáng kiếp. Giận quá mà! Hồi thuở cha ông bịnh già, đến lúc cụ ngặc mình ông còn chưa nuôi dưỡng chu đáo đến như thế.
Mỗi ngày Hia chỉ ăn có hai bữa cơm khô, và uống vài lần nước. Nhưng sự thiếu thốn ấy không lỗi tại ông Nếp. Ông không làm sao hơn được.
Ông chỉ ác có mỗi một việc sau đây: là ông nấu vỏ măng cụt, bắt Xường Hia uống. Nước vỏ măng cục có dược tánh làm cho táo bón. Như vậy, ông bớt được nhiều lần đi đổ hũ. Ông không sợ mất công lắm, nhưng vô ra nhiều lần quá, rủi Điệp nó bắt gặp thì hỏng việc.
o O o
Từ ngày Điệp khám phá ra cái ngục kín ấy thì Hia dễ chịu được đôi phần.
Đêm nào người yêu của chú tửng cũng đem vào khám bánh, chuối, măng cụt, thơm, nước trà, v. v...
Dễ chịu hơn nữa là nàng đem tin tức bên ngoài vào khiến Hia khỏi thấy mình sống cách biệt với thế gian.
Ông Nếp thì yên lòng nên đêm nào cũng ngủ say trong nhà. Đôi bạn nhờ thế mà rù rì được từ nửa đêm đến gần sáng, Điệp bỏ phế việc canh vườn và ăn trộm thật sự mặc sức mà lượm sầu riêng.
Đêm ấy là đêm thứ ba mươi từ khi Hia bị gãy giò.
Điệp mới rón rén bước vào lẫm lúa thì ai rờ trúng nàng. Nàng hoảng hốt muốn la lên thì Xường-Hia cười hì hì và suỵt một tiếng bảo im.
- Anh đã đi được rồi!
- Chút ít thôi, còn run dữ lắm nhưng không nghe đau nhức gì trong ống chơn hết, chắc là lành rồi.
- Vậy thì anh nên xa chỗ nầy...
- Vô ích em ơi, lại còn có hại nữa là khác!
- Sao lạ vậy?
- Thì em tính! Đã tu chín kiếp rồi, còn một kiếp dại gì ngã mặn. Chịu cực khổ suốt tháng,
mấy ngày nữa thì lành, đi ra đường hoàng, trốn làm gì cho khó thấy mặt nhau về sau.
Vả lại anh mà trốn, thì chỉ nhờ em thôi. Như vậy rồi em cũng phải trốn nữa mới yên được. Rắc rối lắm mà nào có đáng gì.
Vì vậy, anh quyết ở lại cho trọn đạo rể con.
Nói xong Hia cười dài, cười một cách ghê rợn khiến Điệp phải rùng mình.
Nàng rờ chơn bạn thì nghe, qua hai ống quần, bốn thanh tre vẫn còn cồm cộm.
- Lành rồi chắc gỡ tre ra được chớ?
- Đợi cho chắc ý mới dám gỡ. Ngứa ngáy ở trỏng khó chịu muốn chết đi. Nhưng anh cũng phải ráng.
- Sao họ nói phải bó ngải mới lành?
- Ở nhà thương
người ta bó bằng thạch-cao, chớ không có ngải nghệ gì hết. Hình như là tự nhiên để lâu thì nó lành chớ không cần thuốc. Ờ đây tre thay thế cho thạch cao, thì cũng tạm được.
o O o
Trưa hôm sau, Điệp đi chợ, ông Nếp vào lẫm lúa thấy Hia vịn vách mà lần đi, ông nói:
- Mầy đi được rồi, thì khuya nay tao đưa mầy ra đường, mầy đón xe sớm và về. Còn xe máy của mầy tao cất phía trong kia kìa, thì đến chừng thiệt mạnh, mầy trở lên, giả đò đí mua trái cây, tao sẽ trả cho.
Xường-Hia lễ phép nói:
- Thưa bác, cháu mang ơn bác nuôi dưỡng bấy lâu thật không biết lấy chi đền đáp. Nên chi cháu quyết định ở lại đây luôn.
Ông Nếp kinh ngạc một giây, rồi nổi giận đùng đùng. Ông muốn tống cho chú tửng một đạp cho y gãy giò một lần nữa.
Nhưng ông dằn được, quày quã bước ra và đóng cửa lại một cái rầm.
o O o
Nằm sải lai trên ván giữa, ông Nếp gác tay lên trán mà thở ra vào, khổ tâm muốn chết được.
Bà Hương trưởng thì cứ thủ phận thái mắm sau bếp. Từ thuở giờ, bà không quyền dự vào việc lớn của ông, nên cứ lo nồi cơm trách cá với con.
Vụ nầy bà Nếp đã biết nhưng không ngờ nó rắc rối như vậy về sau.
Bà xỉa qua xỉa lại cục thuốc, suy nghĩ giây lâu rồi nói:
- Thôi, chắc nó nằm vạ đặng buộc mình gả con Điệp cho nó, chớ không gì lạ.
Gả thì ông quyết không gả rồi. Nhưng tình sự như vầy, ông cũng phải hứa bướng với nó đi. Nó mà ra khỏi nhà nầy rồi thì không còn gì đáng lo nữa hết.
- Khổ quá, có con gái như chứa súng lậu trong nhà, lời tục nói không sai.
Hai ông bà bàn qua lại mà không hay Điệp đã đi chợ về. Nàng rình nghe rõ đầu đuôi và buồn cười lắm.
- Chết ông già rồi, nàng nói thầm. Phen nầy mà không gả thì nó nằm vạ đến Tết cũng không chịu vế. Tốn cơm cho ổng biết chừng!
Điệp mừng lắm và khen phục người yêu biết cách lợi dụng tình thế.
Tối lại ông Hương
trưởng lại vào lẫm. Lần nầy ông cầm theo một gói bánh và xách theo một bình trà. Lại thắp đèn sáng lên.
Chủ khách lễ phép với nhau, coi có vẻ lắm.
- Cháu à, ông Nếp ngọt giọng nói, cháu ăn bánh uống nước, rồi bác nói chuyện cháu nghe.
Hia xin phép rồi tấn công bánh liền. Y ăn được nửa bữa, ông Nếp vô đề:
- Cháu nè, bề gì con của bác nó cũng đã hư với cháu rồi. Nên bác nghĩ, không gả cho ai mà hơn gả cho cháu. Vậy mai cháu về thưa lại với ba cháu, cậy mai lên hỏi là bác gả liền.
Xường-Hia hạ tách trà xuống, cười hóm hỉnh rồi nói:
- Bác thương
như vậy, cháu đội ơn bác vô cùng. Nhưng cháu quyết ở đây. Bác nghĩ thử coi, hẹn với con bác mà tội đáng bao nhiêu. Bác lại nỡ nhốt cháu hơn tháng trời, cực khổ không thể tả. Bác biết, ngang nhiên mà nhốt người như vậy, sáu tháng tù là ít....
Ông Nếp tái xanh mặt đi. Ừ thằng nầy nó muốn gì mà lại nói kỳ cục vậy. Muốn làm rể lại dám hâm dọa ông nhạc à? Nhưng cũng làm tỉnh, ông nói:
- Thì chuyện đã lỡ rồi, dầu sao cháu cũng sẽ là rể con trong nhà, buồn làm gì....
- Liệu bác sẽ nhớ lời hay không?
- Bác người lớn lẽ nào đi nuốt lời.
- Hay là bác bảo đảm bằng cái gì?
- Cháu muốn cái gì?
- Mùa nầy bác bán sầu riêng, măng cụt được ít lắm là bốn chục ngàn. Xin bác đưa cháu số tiền ấy để làm tin, bằng không, cháu sẽ nằm vạ hoặc ra đi rồi đồn rùm vụ nầy lên, coi ai xấu cho biết.
- Trời!
Ông Nếp chỉ biết kêu trời lên một tiếng thôi. Thật là quá lắm rồi, không thể tưởng tượng được.
Lần nầy ông không giận được nữa, chỉ sợ thôi. Ông nhỏ nhẹ kiếu từ tên tù, hứa sẽ trả lời rồi rút êm ra.
Lẽ cố nhiên bà Hương
lại được dự vào đại sự nầy.
- Thì ra nó nằm vạ để tống tiền mình! Bây giờ bà tính sao! Tôi nghĩ chỉ giết nó mới yên được bà ơi!
- Ý, thôi đi ông ơi, ông nói làm chi cái đó, ghê quá.
Ông Nếp cũng ghê lắm. Ông không phải là một tay sát nhơn. Chỉ vì bí quá nên nghĩ quẩn mà thôi.
Hai vợ chồng im lặng giây lâu, rồi ông đấm vào ngực một cái mà nói:
- Tức chết đi thôi. Tôi phải giết nó mới được. Mặc kệ, rồi sau sẽ hay. Tối mai, tôi đem đồ ăn tẩm thuốc độc vào cho nó.
o O o
Bảy giờ tối. Điệp đã ra chòi. Ông Nếp hồi hộp bưng tô cháo gà vào khám. Ông liều lần chót, vì đồng tiền là núm ruột của ông.
Ông vừa thọc chìa khóa vào ống, bỗng giựt mình nghe tiếng người trong bóng tối:
- Thôi ba, để con liệu cho.
Ông Nếp tức giận tràn hông, cầm tô cháo ném vào hướng mà ông nghe tiếng con.
Bị cháo nóng đổ lên người, Điệp hít hà nhưng vẫn nói:
- Ba bình tĩnh lại, con vô để cứu ba đây. Con nghe biết hết mọi việc rồi.
Đoạn nàng bấm đèn lên, bước lại mở khóa. Ông Nếp đứng chết cứng ngoài hàng hiên và nghe tiếng con trong lẫm. Điệp dõng dạc kêu:
- Xường Hia, lại đây!
Nghe tiếng bước lần, đoạn lại nghe:
- Nè, tao nói cho mầy biết. Mầy đầu cơ vừa vừa thì người ta còn bóp bụng chịu. Mầy làm quá, phải nổ.
Bây giờ thì mầy ra ngay mà về Lái-Thiêu. Mầy cứ đi tố cáo tao đi, không ai sợ đâu. Ừ, tao ra tòa sẽ khai là mầy ghẹo tao không được mà tối vẫn mò lên, tao ngỡ ăn trộm, đập mầy. Tao sợ tội, lén cha mẹ giấu mầy trong nhà mà nuôi cho lành. Ừ tội gì?
Tội nhốt người à? Tao sẽ được hưởng trường hợp giảm khinh, tao đập mầy để tự vệ, tao giấu mầy cũng để bảo vệ cái danh tiết tao. Tội gì? Hừ, tao hỏi mầy?
Hà, mầy đầu cơ tới cái danh tiết của con gái người ta nữa à? Trời ơi, tao ngỡ mầy chỉ học đòi đầu cơ hàng hóa thôi chớ. Đi ra cho mau.
Chú thích
1 Câu chuyện xảy ra trước khi nước nhà thâu hồi độc lập và viết ra với lại đăng báo sau đó ba năm, nhưng tác giả vẫn ghi đúng lối nói của người dân thuở ấy.
Tâm Trạng Hồng Tâm Trạng Hồng - Bình Nguyên Lộc Tâm Trạng Hồng