Chương 2 - Chợ Phiên
áng hôm sau Snorri khoan khoái thức dậy sớm, và Ullr, đã trở lại lốt ban ngày là một con mèo cam gầy nhẳng có chóp đuôi đen đang đả một con chuột làm bữa sáng. Snorri quên phéng bóng ma con thuyền Hoàng gia, đến khi cô sực nhớ ra nó trong lúc điểm tâm bằng cá trích muối chua và bánh lúa mạch đen, Snorri kết luận đó chẳng qua là mình mơ thôi.
Snorri lôi cái túi đựng hàng mẫu dưới hầm, lẳng nó lên vai và đi xuống tấm ván cầu, hòa mình vào buổi ban mai rực rỡ, lòng phấn chấn, hạnh phúc lâng lâng. Snorri thích vùng đất lạ mình vừa mới đặt chân tới này- cô thích mặt nước sông lờ lững, xanh ngát, và mùi lá thu quyện trong khói đun củi lơ lửng trên không, và cô rạo rực trước bức tường thành cao nghễu nghện của Lâu Đài sừng sững ngay trước mặt mình, bên trong ấy là cả một thế giới hoàn toàn mới cho cô khám phá. Snorri leo hết con đường dốc dẫn tới Cổng Nam và hít vào một hơi thật sâu. Không khí lẩn quất hơi lạnh thấu xương, nhưng chẳng giống chút nào với làn sương giá mà Snorri biết mẹ mình sẽ thức dậy với nó ở quê nhà, trong căn chòi gỗ ảm đạm bên bến sông. Snorri lắc đầu để xua tan những ý nghĩ về mẹ rồi rẽ vào lối đi dẫn tới Lâu Đài.
Khi Snorri bước qua Cổng nam cô nhận thấy một người ăn xin già ngồi dưới đất. Liền móc một đồng 4 xu từ trong túi ra- bởi vì dân tộc cô quan niệm rằng ta sẽ gặp vận may lớn khi bố thí cho người ăn mày đầu tiên mình thấy trên đất khách- và ấn vào tay lão già. Quá trễ, khi bàn tay cô thọc hẳn qua tay lão, Snorri mới nhận ra đấy là một con ma. Còn kẻ ăn mày ma thì giật mình kinh ngạc trước cú chạm của Snorri, cáu sườn vì bị Xuyên Qua liền đùng đùng đứng dậy, bỏ đi khỏi. Snorri dừng chân và thả cái bao nặng xuống đất. Cô nhìn quanh và tim cô trùng thõm xuống. Lâu Đài đông nghẹt, chật cứng và tràn ngập những con ma đủ hình thù, mà một người Kiến Vong như Snorri không còn lựa chọn nào khác là phải nhìn- bất chấp lũ ma đó có chịu Hiện Hình với cô hay không. Snorri thầm hỏi làm thế nào mình có thể tìm ra cha giữa đám đông đen đặc thế này. Suýt chút nữa thì cô đã quay ngoắc lại ngay tại chỗ và trở về nhà, nhưng cô tự nhủ rằng mình đến đây còn để buôn bán nữa, và là con gái của một nhà buôn danh tiếng, thì buôn bán đương nhiên là cái nghiệp của cô.
Cúi gằm đầu xuống và cố tránh càng nhiều ma càng tốt, Snorri đi theo bản đồ của mình. Tấm bản đồ vẽ thật chính xác, chẳng bao lâu sau cô đã bước qua mái vòm gạch cổ xưa dẫn vào thánh địa của những nhà buôn, từ đó đi thẳng tới văn phòng đăng ký. Đó là một căn liều rộng mở bên trên treo tấm biển đề NGHIỆP ĐOÀN HANSEATIC VÀ HỘI LIÊN HIỆP LÁI BUÔN PHƯƠNG BẮC. Trong lều kê một chiếc bàn bộ ngựa, hai bộ cân lỉnh kỉnh đủ các loại quả cân và thước đo, một cuốn sổ cái to đùng, và có một thương nhân già quắt quéo đang đếm tiền trong chiếc hộp kim loại tổ bố đựng tiền mặt. Bỗng dưng, Snorri cảm thấy sờ sợ, hệt như cảm giác khi cô bước vào quán Trà và Rượu của Sally Mullin. Đây là khoảng khắc cô phải chứng minh rằng mình hội đủ quyền buôn bán và mình là thành viên của Nghiệp Đoàn. Cô khó nhọc nuốt nước miếng khan, ngẩng cao đầu lên và bước vào lều.
Ông già không hề ngước lên. Vẫn điềm nhiến đếm tiếp những đồng tiền lạ lung mà Snorri chưa thông thuộc: đồng xu, đồng groat, đồng florin, đồng nửa crown và đồng nguyên crown. Snorri hung hắng ho hai cái nhưng ông già vẫn không ngẩng lên. Sau vài phút, Snorri không chịu nổi nữa, bèn cất tiếng. “Xin lỗi ông.”
“Bốn trăm hai mươi lăm, bốn trăm hai mươi sáu…” người đàn ông đếm to, vẫn chưa rời mắt khỏi hộp tiền.
Snorri không còn cách nào khác, đành phải đợi. Năm phút trôi qua ông lão mới going giả. “Một nghìn. Ớ, à cô gái, tôi giúp gì cho cô nào?”
Snorri đặt nguyên một đồng crown lên bàn bộ ngựa và nói rành mạch, bởi vì bao ngày qua cô đã miệt mài tập luyện nó chỉ để chờ cho đến giây phút này đây: “Tôi muốn đăng ký Giấy phép Bán hàng.”
Ông già nhìn xoáy vào cô gái bận trang phục thương lái bằng len thô đứng trước mặt mình và nhếch mép cười, như thể Snorri vừa mới ăn nói tầm xàm. “ Xin lỗi cô gái. Cô phải là thành viên của Nghiệp Đoàn thì mới được cấp giấy phép.”
Snorri rất hiểu tại sao ông già lại nói vậy. “ Tôi chính là thành viên của Nghiệp Đoàn,” cô bảo với ông già. Rồi không để lão kịp phản đối, cô rút ngay Giấy Chứng Nhận Quyền Thông Thương của mình ra và đặt cuộn giấy da dê cột ruy băng đỏ có dấu sáp niêm to, đỏ chói trước mặt ông già. Làm như muốn trêu ngươi cô, lảo ta đủng đà đủng đỉnh rút kính, lắc lắc đầu ra chiều bất mãn với lũ trẻ xấc xược ngày nay, và chậm rãi đọc cuộn giấy Snorri trình cho mình. Ngón tay lão miết theo dòng chữ tới đâu, nét mặt lão thất sắc, không tin nổi tới đó, và khi đọc xong lão chìa cuộn giấy da dê ra truớc ngọn đèn, cố soi xem có dấu hiệu giả mạo gì không.
Tuyệt nhiên không hề giả mạo. Snorri biết chắc chắn thế. Và người đàn ông già cũng thấy vậy. “Thật vô phép tắc,” lão ta bảo Snorri.
“Vô-phép-tắc?” Snorri hỏi lại.
“Vô phép tắc chưa từng thấy. Cha mà trao Giấy Chứng Nhận cho con gái là bất thường.”
“Hả?”
“Nhưng xem ra tất cả đều theo đúng trình tự.” Lão già thở dài và miễn cưỡng thọc tay xuống ngăn bàn, lôi ra một chồng giấy phép. “Ký vào đây,” lão ta bảo, đẩy một cây bút về phía Snorri. Cô ký tên mình xong, lão già dán tem vào giấy phép với thái độ như thể nó chứa đựng nội dung gì thô bỉ và riêng tư lắm.
Lão lùa tờ giấy qua bàn cho Snorri. “Quầy số 1. Cô đến sớm đấy. Người đầu tiên tới đây. Hai tuần nữa kể từ thứ Sáu phiên chợ sẽ bắt đầu lúc bình minh. Ngày cuối cùng sẽ rơi vào Trước Lễ Đông Chí. Đến chạng vạng tối là phải dọn dẹp vệ sinh xong xuôi. Đến nửa đêm thì mọi rác rưởi phải đem đổ ra bãi rác Bờ sông Thơ mộng. Lệ phí là một đồng crown.” Người đàn ông gì cầm đồng tiền Snorri để trên bàn và quẳng vào một thùng tiền khác, tiếng nó đáp xuống nghe đánh kịch, rỗng không.
Snorri cươi tười hớn hở cầm tờ giấy phép. Cô đã làm được rồi. Cô đã là một lái buôn có bằng chứng nhận, hệt như cha cô trước đây.
“Đem hàng mẫu của cô tới kho kiểm định chất lượng. Ngày mai tới lấy đem về.”
Snorri để bao hàng mẫu nặng chịch của mình vào thùng hàng mẫu bên ngoài nhà kho. Cô cảm thấy long nhẹ bẫng. Lúc cô nhún nhảy bước ra khỏi khu chợ, cô tông thẳng vào một bé gái bận áo chẽn đỏ viền vàng. Cô bé có mái tóc đen dài, đội chiếc vòng vàng như vương miện trên đầu. Sát bên cô bé có một con ma mặc áo thụng tía, đôi mắt xám hiền từ và bím tóc xám cột đuôi ngựa ngay ngắn đằng sau. Snorri cố tránh không nhìn vào vết máu rỉ khỏi áo thụng bên dưới tim con ma, bởi vì nhìn vào cách thức một người gia nhập kiếp ma là thất lễ.
“Ối, xin lỗi,” cô bé áo đỏ nói với Snorri. “Tôi không nhìn đường đi.”
“Không. Tôi xin lỗi mới đúng,” Snorri nói. Cô mỉm cười và bé gái cũng mỉm cười đáp lại. Snorri tiếp tục quãng đường về lại thuyền Alfrún, đầu nghĩ ngợi khôn nguôi. Cô nghe nói trong Lâu Đài có một công chúa, nhưng lẽ nào lại là cô bé đi lại điềm nhiên như bao người khác ấy?
Bé gái đó, đích thị là công chúa, đang hướng về Cung Điện với con ma áo thụng tía.
“Cô ấy là người Kiến Vong,” con ma lầm bầm.
“Ai ạ?”
“Cô lái buôn trẻ ấy. Tôi không Hiện Hình với cô ấy, thế mà cô ấy vẫn nhìn thấy tôi. Trước giờ tôi chưa bao giờ gặp người Kiến Vong. Họ rất hiếm, và thường chỉ có ở vùng đất Đêm Trường thôi.” Con ma rùng mình. “Khiến tôi ớn lạnh.”
Công chúa cười phá lên. “Cụ thật tếu ghê, cụ Alther. Con dám chắc chính cụ mới khiến người khác ớn lạnh chứ.”
“Bao giờ nào!” Con ma công phẫn bài bác. “À mà… chỉ khi nào tôi muốn thôi.”
Trong những ngày sau, tiết thu kéo về. Từng cơn gió bấc lột sạch lá khỏi cây, cuốn bay là đà trên phố. Không khí trở lạnh và người ta bắt đầu cảm nhận trời mau tối thế nào.
Nhưng với Snorri Snorrelssen, thời tiết thật đẹp. Hàng ngày cô rảo quanh Lâu Đài, thám thính những đại lộ, ngõ hẻm, sửng sốt ngó vào cửa sổ những gian hàng nhỏ tí hin, lọt thỏm trong những hốc vòm ở khu Mở Rộng nhưng lại bày bán những mặt hàng nữ trang rất độc đáo. Cô đã choáng ngợp ngước lên tháp Pháp Sư, sững sờ nhìn dáng vẻ cực kỳ đường bệ thoáng qua của Pháp Sư Tối Thượng, và cô bị sốc trước những đống phân to lù lù mà cánh pháp sư ủ ngay trong sân nhà họ. Cô đã nhập vào đoàn khách xem cỗ đồng hồ cổ trong khu Xưởng Dệt điểm mười hai tiếng buổi trưa, và bật cười giòn giã trước mười hai hình nhân bằng thiếc nhàn nhã đi ra từ sau chiếc đồng hồ. Bữa khác cô lại tản bộ trên đường Pháp Sư, làm một tua tham quan nhà máy in xưa nhất, nhân thể hé mắt qua hàng rào gỗ chiêm ngưỡng Cung Điện cổ xinh đẹp- nó nhỏ hơn cô hình dung. Thậm chí cô còn bắt chuyện với một con ma già khọm tên là Gudrun ở cổng Cung Điện, bà nhận ra cô là đồng hương dù họ đã cách xa nhau hàng bảy thế kỷ.
Nhưng trong lúc đi thơ thẩn con ma mà cô tha thiết và hy vọng gặp lại dường như tránh né cô. Dẫu cô chỉ biết mặt cha qua bức ảnh mẹ để cạnh đầu giường mẹ, nhưng cô chắc chắn mình sẽ nhận ra ngay nếu trông thấy ông. Dù vậy, Snorri vẫn không sao gặp được cha.
Một buổi chiều tà, sau khi dò la mấy con hẻm tối tăm đằng sau khu Mở Rộng, nơi có nhiều lái buôn ở trọ, Snorri đã bị một mẻ sợ hết hồn. Hoàng hôn dần buông, cô vừa mua một cây đuốc cầm tay tại tiệm Đuốc thắp sẵn Maizie Smalls. Trong lúc trở lại hẻm Thắt Ruột để tới Cổng Nam, Snorri rờn rợn cảm thấy có kẻ đi theo mình, nhưng hễ quay lại thì chẳng thấy gì. Thình lình Snorri nghe tiếng vật lộn sau lưng, quay phắt lại thì thấy… một cặp mắt tròn đỏ lòm và một cái răng dài nhọn như kim lóe lên trong ánh đuốc cô đang cầm. Nhưng vừa bập trúng ánh đuốc, đôi mắt đó liền tan loãng vào bóng tối chạng vạng và Snorri không còn thấy chúng đâu nữa. Snorri bụng bảo dạ đó chỉ là chuột thôi, nhưng không lâu sau đó, lúc hấp tấp quay trở lại đường phố lớn, Snorri nghe thấy một tiếng thét rợn gáy từ hẻm Thắt Ruột vọng ra. Chắc là ai đó không đuốc liều lĩnh đi vào con hẻm đã không gặp may.
Snorri sợ bủn rủn và chợt khao khát được ở bên con người, thế là cô đến quán của Sally Mullin để ăn tối. Bà Sally rất niềm nở tiếp Snorri, bởi vì theo như lời bà kể lại với bà bạn Sarah của mình: “Ta không thể trách cứ một cô gái trẻ vì hoàn cảnh bất hạnh phải làm lái buôn, vả lại, chị không nghĩ tất cả bọn họ đều tồi. Thể nào em cũng thán phục con bé ấy cho coi, Sarah, nó một thân một mình lái hẳn một chiếc thương thuyền lớn tới đây. Chả biết nó xoay xở cách nào. Chị cứ tưởng điều khiển chiếc Muriel đã là khó lắm rồi chứ.”
Quán ăn tối đó vắng một cách kỳ dị. Snorri là vị khách duy nhất. Sally thêm cho Snorri một bánh lúa mạch nướng và tới ngồi bên cô. “Công việc làm ăn thất bát kinh khủng, với đà dịch bệnh này,” bà than thở. “Chả ma nào dám ló mặt ra khỏi nhà khi trời tối mặc dù tôi đã bảo họ rằng chuột chạy xa cả dặm khi thấy lửa. Tất cả việc họ cần làm chỉ là vớ lấy cây đuốc mà cầm thôi. Nhưng chẳng ăn thua. Dạo này dân tình đều hồn xiêu phách lạc cả rồi.” Sally rầu rĩ lắc đầu. “ Chúng cứ nhè mắt cá chân người ta mà cắn. Nhanh như chớp. Phập một cái, thế là xong. Nạn nhân sẽ tiêu luôn.”
Snorri thấy khó mà hiểu những lời nói tuôn trào như suối của Sally. “Tiêu luôn?” Cô hỏi, chỉ kịp nghe được mẩu cuối của câu.
Sally gật đầu. “Hầu như vậy. Không ngỏm ngay đâu, nhưng người ta cho rằng chết vẫn chỉ là vấn đề thời gian. Ta vẫn khỏe bình thường, tự dưng chỗ cắn sưng tấy lên, ta chóng mặt, nhức đầu như búa bổ… kế tiếp ta chỉ còn biết mình lăn đùng ra đất, siêu thoát cùng với tiên.”
“Tiên?” Snorri thắc mắc.
“Ừ,” Sally đáp, đứng bật dậy đon đả ra đón một thực khách.
Vị khách đó là một phụ nữ cao chàng dàng, tóc ngắn chĩa ra tua tủa. Mụ ta kéo áo khoác sát vào người. Snorri không thấy rõ mặt mụ, nhưng căn cứ theo dáng điệu thì mụ này đang giận sôi sùng sục. Kế tiếp là tiếng rù rù rì rì giữa mụ và bà Sally, sau đó người phụ nữ cong cớn biến thoắt đi.
Mỉm cười, Sally trở lại với Snorri, cô đang ngó mông lung ra sông. “Hừ, một luồng gió bệnh hoạn thổi đến, mang điêu đứng cho dân lành,” Sally nói trước vẻ hoang mang của Snorri. “Cái mụ Geraldine vừa xông vô đó. Đàn bà gì mà quái đản, làm cho tôi nghĩ tới một người mà tôi nhớ không ra. Hờm, mụ yêu cầu tôi cho đội trấn áp chuột tập kết ở đây trước khi đi, è, giày xéo chuột”.
“Xéo-chuột?” Snorri hỏi.
“Hờ, tức là bắt chuột í. Họ cho rằng nếu tống khứ hết lũ chuột, tức thì cũng tống khứ dịch bệnh luôn. Tôi thấy vậy có lý. Mà hài lòng là đằng khác. Vào lúc này quán đành phải chấp nhận tiếp một toán bắt chuột đói và khát.”
Chả còn ai bén mảng vào quán nữa sau khi Geraldine tóc chỉa đi khỏi, và không lâu sau Sally bắt đầu quăng ghế băng lên bàn rầm rầm và chuẩn bị lau sàn nhà. Snorri hiểu ý và nói lời từ biệt bà Sally.
“Chúc ngủ ngon, cưng,” Sally vui vẻ. “Đừng có léo hánh ở ngoài đường nữa nghe chưa.”
Snorri không có ý định léo hánh ngoài đường. Cô trở về thẳng thuyền Alfrún và mùng húm thấy Ullr Đêm đi vơ vẩn trên boong. Để Ullr đứng gác ở đó, Snorri chui xuống cabin, chốt chặn cửa sập lại và để ngọn đèn dầu thắp suốt đêm.
Septimus Heap Tập 3 - Y Thuật Septimus Heap Tập 3 - Y Thuật - Angie Sage Septimus Heap Tập 3 - Y Thuật