Chương 3: Socrates (469–399 Ttl)
ột số người, có ý nghĩ điên khùng, đã khư khư cho rằng sự vĩ đại của Socrates hoàn toàn nhờ vào ngòi bút Plato. Nhưng Socrates không phải là người đầu tiên hay cuối cùng trong hàng các bậc triết gia vĩ đại, không để lại một bút tích nào, không sáng lập ra một học viện nào, và suốt đời chỉ biết đi tìm kiếm không ngừng để đến một chân lý sống thực. Cứu cánh của Socrates là đưa tinh thần con người đến với tư tưởng là, HÃY TỰ BIẾT MÌNH, với ý hướng đó con người có thể suy nghĩ về điều hay lẽ phải. Socrates quả quyết con người sẽ không còn một cứu cánh nào khác hơn cứu cánh trên con đường đi đến chân lý sống thực của cuộc đời. Nhưng đức hạnh chói ngời của ông khiến dân Athens giết chết ông, và sự nghiệp ông đã được khoát lên chiếc vương miện bất tử.
Socrates là một người đàn ông nhỏ thó, hình dạng xấu xí, mũi tẹt, hểnh, bụng phệ và mắt ốc nhồi. Ông nói thật nhiều mà hành động chẳng bao nhiêu. Chúng ta biết đến ông như một trong những triết gia vĩ đại của thời cổ, có lẽ Athens là nơi sản xuất ra những vĩ nhân. Tên tuổi ông gây sự thán phục, sùng kính và danh dự. Thiên tài ông bộc lộ khiến ai cũng biết đến ông và cũng chính vì tư tưởng khác thường khiến ông bị kết án tử hình. Một con người hoàn toàn thành thật, ngay thẳng không thể đứng vững trên cõi đời. Cuộc đời ông chói lọi như một sợi chỉ vàng óng ánh trong một khung vải đen của lịch sử thế giới con người.
Tất cả những gì chúng ta thâu thập được về ông đều do những bút tích của bạn bè và các môn đồ ông, Plato và sử gia kiêm triết gia Xenophon. Trong những đoạn văn vấn đáp của Plato đã tiết lộ được con người sống động của Socrates, những lời ông nói, những gì ông tranh luận, những tra cứu đi tìm chân lý, những tư tưởng của ông, thái độ của ông đối với sự sống và sự chết, cũng như sự vĩ đại của ông. Mặc dù ông chỉ nói chuyện trong vòng thân mật với một số các bạn và môn đồ, nhưng dư âm của ông hãy còn đồng vọng khắp nơi.
Socrates sinh năm 469 trước tây lịch, và sống suốt thời đại hoàng kim của Athens, khi nơi đây còn là một Quốc Gia hùng mạnh của dân Hy Lạp,và sự học hỏi, nghệ thuật,thương trường chưa bao giờ dồi dào như thế. Cha ông làm nghề điêu khắc, và trong một thời gian, cậu bé Socrates cũng tập tễnh theo nghề đó. Mẹ ông làm nghề cô đỡ. Sau đó, Socrates thấy cần phải theo nghề cô đỡ của mẹ ông trong khoa ngôn từ. Ông thường so sánh “Mẹ tôi đỡ đẻ cho những sản phụ, tôi đỡ đẻ cho những bộ óc”.
Giống như tất cả những công dân Athenes, ông cũng gia nhập quân ngũ. ông tham gia đánh trận tại Potidee, và đã chiến đấu một cách anh dũng. Suốt trận chiến, ông đã bảo vệ cho anh hùng Alcibiades và trở nên bạn kiêm môn sinh của ông. Sau đó, ông đánh tại Delium và tại Amphipolis. Mang sẵn trong người sự can đảm, ông đã chứng tỏ được trong đời sống dân sự khi ông tự chủ được những cơn khủng hoảng trầm trọng và những biến cố lớn lao.
Socrates tiêu pha những năm tháng còn lại trong việc diễn thuyết. Chưa bao giờ thời đó lại có một nhà nói chuyện hay như vậy, và giá trị những lời ông nói đã đem lại vinh dự cho ông ngay trong thời đại lúc bấy giờ, tiếng tăm lừng lẫy của nhà thông thái siêu việt nhất. Buổi sáng sớm, ông đi lang thang ra ngoài, dáng dấp xốc xếch đặc biệt của ông là một bộ mặt nổi tiếng nhất của Athens. Mùa Đông cũng như mùa Hè, ông đều đi chân đất và không mặc áo lạnh, nhưng không bao giờ ông muốn khoe khoang sự nghèo nàn đó. Ông tự tập cho mình quen với sự cực nhọc thân xác vì ông chỉ chú trọng đến những gì thuộc về linh hồn và tinh thần. “Nếu một tên nô lệ bị bắt buộc sống như vậy thì nó đã chạy trốn mất”, Antiphon đã viết như vậy.
Nhưng Socrates thì lại không chạy trốn. Thật sự, ông ít khi đi ra ngoài cổng thành Athens. Ông không có nguồn lợi sinh sống nào trong nước, chủ đề của ông là con người và ông cảm thấy có sứ mạng đối với con người. Ông lang thang khắp thành phố, đi đến những nơi chợ búa đông đảo và nơi ông thường lui tới là sân vạn động công cộng. Rồi bắt đầu hành nghề, nghề nói. Ông nói cho tất cả không chừa một người nào cả. Tất cả mọi giới, giàu nghèo sang hèn đều đến nghe ông nói và ông sẵn sàng đối đáp với họ bằng những lời giễu cợt nhưng hàm chứa chủ đích dạy đời của ông.
Ông cố ý giả vờ làm người ngu ngốc nhất trong bất cứ một cuộc tranh luận nào. Ông dùng những hình ảnh tầm thường, và hỏi những câu hỏi lại càng tầm thường hơn, lối mỉa mai châm biếm lừng danh của Socrates để làm trắc nghiệm những người nghe ông nói về sự Tốt. Chủ đích của ông là muốn ca tụng về điều tốt. Không có bản tính tốt, con người không là gì cả. Socrates tin rằng con người sẽ đi tìm đến điều tốt nếu họ thực sự có kiến thức hiểu biết, theo ông: Đạo Đức là đức tính vượt lên trên tất cả những đức tính của một con người. Một việc gì chỉ có thể tốt với điều kiện là nó hữu ích, hữu ích trong công việc tạo ra hạnh phúc cho chúng ta.
Không giống phần đông những người Athens khác, ông tham gia rất ít vào việc nước thời bấy giờ. Nhưng khi tham gia, ông tỏ ra hết sức thành thật và cương quyết, điều mà chúng ta chờ đợi ở một con người can đảm và bất chấp mọi dư luận, doạ cũng như bạo lực.
Có lần, ông là hội viên hội đồng quốc gia. Vài tướng lãnh người Athens bị mang ra toà xử và vì bị áp lực của dân chúng nên họ phải chịu án tử hình một cách bất hợp pháp. Toàn thể hội đồng đều ủng hộ quyết định đó, chỉ riêng có Socrates là chống đối. Mặc dù gặp sự phản đối của quần chúng, ông vẫn cương quyết duy trì công lý và luật pháp. Một lần nữa trong cuộc thanh trừng năm 404 trước tây lịch, khi đế quốc Athens đang hồi suy vong, Thirty, người đang cầm quyền ở Athens, ra lệnh cho Socrates bắt bớ bất hợp pháp. Socrates từ chối dù biết rằng sự từ chối có hại đến sinh mạng ông. Thật ra, mạng sống ông chỉ có thể được bảo toàn khi có sự nổi dậy của quần chúng để lật đổ Thirty. Đó là sự can đảm của một con người mà ông phải chịu đựng. Sự can đảm ông còn vĩ đại hơn trong khi ông bị đem ra xử tội và phải chịu án tử hình.
Nhưng Socrates không để ý đến cái chết, ông tin tưởng ở sự tồn tại của linh hồn và ông tin ở phần đức hạnh. Tôn giáo của ông không phải là một thứ lý thuyết thừa nhận các vị thần linh trong các huyền thoại như dân Athens thường tôn thờ. Những nguyên tắc luân lý đạo đức của ông gần với Thiên Chúa giáo hơn các tôn giáo khác, ông là một con người có vẻ thần bí và ông lại rất thực tế. Người ta kể lại rằng, ông đã đứng suốt hai mươi bốn giờ để đắm chìm trong suy tư. Và ông như đang nghe tiếng gọi của vị thần linh của ông, một âm hưởng mơ hồ như đang bảo cho ông không được làm điều gì. Điều dĩ nhiên là Socrates không thể tiếp tục diễn thuyết trước công chúng và làm hài lòng tất cả mọi người được. Sự thật, sự phê bình thẳng thắng của ông đã làm phiền lòng một số người. Aristophanes, hài kịch gia vĩ đại, đã viết vở hài kịch The Clouds (vào năm 423 trước tây lịch) để châm biếm Socrates, Socrates được xem như tiêu biểu cho một triết gia vừa là một ông già điên điên khùng khùng và dạy cho những thanh niên những tư tưởng gàn dở đáng khinh bỉ. Cái nhìn của hài kịch gia Aristophanes nhắm vào Socrates có lẽ cũng được một số đông những người dân Athens hưởng ứng, nhưng cũng không ngăn cản được một số người giàu có, nghèo có, các môn đồ lúc nào cũng quây quần quanh Socrates. Vài người tìm đến ông để thoả mãn chủ đích của họ là học hỏi thiên tài ông về khoa biện chứng pháp, về khả năng biện luận và tranh luận của ông. Những người khác thì học ông cách cải thiện đời sống. Họ kết hợp thành một đoàn thể hỗn tạp. Critias, một trong ba nhà độc tài, Alcibiades, thông minh và dâm đảng, Crito, Plato, Xenophone, Pericles, Celes triết gia ở Thebes và Euripides, kịch tác gia vĩ đại, tất cả đều theo tinh thần của Socrates là chứng tỏ cho mọi người thấy sự khoáng đạt và bền vững của linh hồn.
Socrates bắt đầu tự biện hộ cho chính mình “Hỡi mọi người ở Athens, tôi không biết những lời buộc tội tôi đã có ảnh hưởng đến các bạn như thế nào, vì riêng tôi, khi lắng nghe những người buộc tội tôi, tôi hầu như quên mất tôi, những cuộc tranh luận của họ có vẻ hợp lý lắm, tuy nhiên, khi nói, họ lại không bao giờ nói sự gì đúng cả”.
Ông không lo lắng bối rối tìm cách chạy tội. Ông chỉ tỏ bày một cách hết sức giản dị và cao thượng chủ đích của ông. Ông đem tất cả của cải giúp vào những việc công ích cho Athens. Ý nguyện của ông là làm cho đồng bào được hạnh phúc. Đó là bổn phận mà ông thi hành theo lịnh của thần linh, và ông đã nói với các quan toà là “Thần linh là những người mà tôi xem là có đầy đủ uy quyền hơn các ông”.
Dĩ nhiên là lời nói của ông làm mất lòng toà án, nhưng điều xảy ra còn bi đát hơn. Ông nói “Nếu đồng bào đề nghị tha bổng tôi với điều kiện là tôi phải chấm dứt việc đi tìm chân lý thì tôi sẽ nói rằng, tôi cám ơn đồng bào – những người dân Athens, nhưng tôi phải vâng lệnh Thượng Đế vì tôi tin rằng Thượng Đế đã giao phó nhiệm vụ đó cho tôi, và khi nào tôi còn sống, còn hơi thở thì tôi sẽ không bao giờ chấm dứt triết lý của tôi. Tôi sẽ tiếp tục đi theo những người mà tôi gặp để nói với họ rằng, bạn không xấu hổ sao khi chỉ biết yêu tiền tài danh vọng, bạn không nghĩ gì đến sự thông thái, chân lý và tìm cách làm cho linh hồn được thăng hoa? Tôi không biết chết là gì, có lẽ đó cũng là một điều hay, và tôi không sợ chết. Nhưng tôi biết rằng bắt một người phải xa rời nhiệm vụ của mình là một điều xấu và tôi thì thích những điều tốt hơn là những điều mà tôi biết rằng xấu”.
Ông bị một thiểu số buộc tội. Các quan toà đề nghị xử tử hình ông. Theo luật pháp ở Athens, Socrates được quyền chọn lựa hình phạt, như lưu đày chẳng hạn. Ông đề nghị được đối xử như từ trước đến giờ, tức là như một người làm việc thiện. Như thế là ông phải khoản đãi và chi tiêu cho những việc công cộng, như chịu tốn kém ban thưởng cho người thắng cuộc ở Thế Vận Hội Olympic. Đột nhiên, ông lại đề nghị chỉ trả số tiền chuộc là một đồng Hy Lạp để thay cho cái chết. Các bạn ông van nài ông trả ba mươi đồng, ông cương quyết từ chối.
Toà án đã nổi giận thực sự. Socrates đã tỏ ra khinh bỉ những người xử ông vì chính sự thông thái của ông. Rồi không cố gắng khó nhọc gì nữa. Socrates bị kết án tử hình bằng cách uống độc dược, một phương pháp trừng phạt của dân Athens. Triết gia chấp nhận bản án đó một cách im lặng, và vẫn tiếp tục tuyên bố trước phiên toà để chứng tỏ phẩm hạnh của mình “Bây giờ là phút chia tay, để tôi chết và các bạn được sống, nhưng trong chúng ta ai sẽ được siêu thoát thì chỉ có Thượng Đế mới biết”.
Vì phải lo tổ chức lễ tế thần mà sự hành quyết Socrates được hoãn lại ba tuần lễ. Ông bị nhốt trong tù và bị xiềng, nhưng ông vẫn tiếp bạn bè và nói chuyện vui vẻ. Crito, một trong những môn đồ trung thành nhất của ông, đã có mặt trong phiên toà xử ông, và xin được giúp đỡ ông ba mươi đồng để chuộc tội, đến gặp Socrates trong tù và sắp xếp cho ông trốn thoát, nhưng Socrates từ chối đề nghị đó. Ông đã bị toà án xử tử và ông có bổn phận phải tuân theo luật pháp ở nước ông.
Plato trong quyển Phaedo đã kể lại màn bi kịch cuối vô cùng cảm động. Một nhóm bạn đến thăm ông vào ngày cuối cùng. Họ thấy ông bị nhốt trong củi sắt, tay chân vừa được tự do, với Xanthippe và đứa con trai út. Xanthippe, nức nở khóc. “Socrates, các bạn ông sẽ đến nói chuyện với ông lần cuối cùng”. Nhưng Socrates nhìn Crito và nói “Crito, bảo ai đưa bà ta về đi”. Sau khi bà lặng lẻ đi ra, tội nhân ngồi thẳng trên giường, đang xoa bóp cho chân bị xiềng và bắt đầu diễn thuyết một cách bình tĩnh về tương quan giữa khoái lạc và đau đớn. Mọi người ngồi chung quanh ông và bàn về cuộc sống, về sự chết và về sự bất diệt của linh hồn. Trưa hôm đó, Socrates bỏ họ ngồi đó và đi tắm. Đến khi ông trở lại vào lúc hoàng hôn là giờ hành quyết sắp bắt đầu.
Nhân viên hành quyết đi vào và xin lỗi ông để được thi hành phận sự. Hắn xin Socrates đừng giận hắn, và rồi quay đi khóc nức nở. Crito, cố gắng thuyết phục Socrates đừng vội vã vì mặt trời chưa hoàn toàn lặn, nhưng Socrates chỉ mỉm cười và ra lệnh cho Crito đi tìm người mang độc dược tới. Socrates nâng ly lên, rải vài giọt cúng thần linh và uống cạn phần còn lại. Bạn bè ông đứng chung quanh không đè nén được nỗi đau đớn. Nhưng Socrates khiển trách họ “Các bạn làm gì vậy?” Ông hỏi. “Cũng vì lý do này mà tôi phải đuổi đàn bà đi vì sợ họ sẽ có những hành động điên khùng như vậy. Vì tôi đã thường nghe rằng cái chết được yên lành với những dấu hiệu tốt. Hãy im lặng đi và chịu đựng”.
Chất độc dược dần dần thấm vào, cơ thể ông càng giá lạnh và ngay trước khi ông lâm vào trạng thái hôn mê, ông còn đưa ra những lời giáo huấn nói về sự hy sinh mà ông đã quên dạy.
Plato kết luận như sau: “Đó là giờ phút cuối cùng của bạn chúng ta, một con người xứng đáng mang danh con người nhất ở thời đại ông, hay hơn nữa, là nhà thông thái sáng suốt nhất”. Đó là lời khắc trên mộ bia của ông đã phản ánh trung thực nhất con người ông.
Chẳng bao lâu sau khi mai táng Socrates, dân Athens bắt đầu hối hận. Những kẻ trước kia buộc tội ông bị tẩy chay hoàn toàn. Vài kẻ tuyệt vọng quá phải treo cổ tự tử. Nhưng giờ đây, triết gia không còn nữa, dân thành Athens giao cho Lysippus đúc tượng ông bằng đồng.
Cuộc đời Socrates là một tấm gương cho lý tưởng ông. Triết lý của ông được Plato phổ biến, đã đánh dấu một kỷ nguyên mới trong tư tưởng con người. Cicero, hùng biện gia người La Mã viết “Ông đã mang triết lý từ thượng giới xuống trần gian”. Vì Socrates là người đã khai sáng nên triết lý đạo đức. Ông không quan tâm đến siêu hình học, nhưng với chính con người và sự giáo huấn con người, ông đã bị giễu cợt khi đưa ra những thí dụ tầm thường trong đời sống hằng ngày, nhưng ông làm như vậy để dẫn dắt con người đến điều thiện, đến chân lý và cái đẹp. Ông đã dùng lý trí để tự điều khiển lấy mình.
Có một lần, khi nhìn cặp mắt lồi, đôi môi dày, chiếc mũi xẹp của con người lùn mập nhỏ thó, một thầy tướng đã nói rằng, gương mặt Socrates đã biểu lộ ông là một con người dâm đảng, một trong những kẻ bần tiện, tự đắc và sa đoạ nhất thế giới.
Những người tôn thờ triết gia nổi giận và gần như muốn ám sát tên thầy tướng, nhưng Socrates ngăn lại và lưu ý rằng “những điều tên thầy tướng nói đều đúng nhưng nhờ ông đã biết dùng lý trí để sửa chữa những khuynh hướng phóng đảng tồi tệ của mình”.
Nhưng nếu chúng ta phán đoán cuộc đời ông thì chúng ta thấy rằng, những khuynh hướng thấp hèn của con người xấu xí đó được kiểm soát và điều khiển bằng lý trí và sự luyện tập tinh thần để đi đến sự toàn thiện toàn mỹ của con người, đó là sự vĩ đại của linh hồn.
Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới - Đỗ Châu Huyền-Hoàng Trí Đức Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới