Chương 3
hở dài, Arrietty cất cuốn nhật ký rồi đi vào bếp. Cô bé lấy vòng hành tây từ bà Homily, và quàng nhẹ nó trên vai mình trong khi lục tìm lưỡi dao cạo. “Hay nhỉ, Arrietty,” bà Homily kêu lên, “không được làm thế trên cái áo len sạch của con! Con có muốn bốc mùi như một cái sọt rác không đấy? Này, cầm lấy kéo...”
Arrietty bước qua cái vòng hành tây như thể nó là một chiếc vòng của trẻ con, và bắt đầu chặt nó ra thành từng khúc.
“Bố con về muộn,” bà Homily lại lẩm bẩm, “và đó là lỗi của mẹ, con có thể nói như vậy. Trời ơi là trời, mẹ ước chi đã không...”
“Đã không gì ạ?” Arrietty hỏi, nước mắt giàn giụa. Cô bé khịt mũi thật to và chỉ muốn lau mũi vào tay áo.
Bà Homily đẩy một lọn tóc mảnh ra phía sau bằng bàn tay lo lắng. Bà nhìn Arrietty với vẻ lơ đãng. “Cái tách trà mà con đã làm vỡ,” bà nói.
“Nhưng đã từ lâu rồi mà...” Arrietty cất tiếng, mấp máy mí mắt, và cô bé lại khụt khịt lần nữa.
“Mẹ biết. Mẹ biết. Không phải con. Mà là mẹ. Chuyện làm vỡ không quan trọng, mà chuyện mẹ đã nói với bố cơ.”
“Mẹ đã nói gì với bố?”
“Ờ, mẹ chỉ nói - có phần còn lại của bộ ấm trà, mẹ nói - ở trên kia, nó vẫn luôn ở đó, trên chiếc tủ trong góc phòng học.”
“Con không thấy có gì xấu trong chuyện đó cả,” Arrietty vừa nói vừa thả những khúc hành xuống nồi xúp, từng khúc từng khúc một.
“Nhưng nó là một chiếc tủ cao,” bà Homily kêu lên. “Phải trèo lên qua rèm cửa. Mà bố con ở tuổi này...” bà ngồi thụp xuống một cái nút sâm banh kim loại. “Ôi, Arrietty, mẹ ước gì mẹ chưa bao giờ nhắc đến nó!”
“Mẹ đừng lo,” Arrietty nói, “bố biết là bố có thể làm gì mà.” Cô bé kéo một cái nút cao su của chai nước hoa ra khỏi cái lỗ của ống nước nóng và để một tia nước nóng chảy xuống chiếc nắp thiếc của một lọ thuốc nhức đầu. Cô bé cho thêm nước lạnh vào và bắt đầu rửa tay.
“Có thể,” bà Homily nói. “Nhưng mẹ đã bai bải chuyện đó suốt. Cái tách trà thì có gì đâu! Bác Hendreary của con chẳng bao giờ uống thứ gì nếu nó không được đựng trong một chiếc cốc tầm thường làm từ quả sồi. Ấy thế mà bác ấy sống đến già cấc và vẫn còn sức để di cư. Bên ngoại của con tuyệt chẳng bao giờ có gì ngoài một cái đê nhỏ bằng xương dùng chung nhau. Nhưng một khi con đã được dùng một cái tách trà rồi thì, nếu con hiểu ý mẹ...”
“Vâng,” Arrietty vừa nói vừa lau khô tay bằng một cuộn khăn làm từ băng phẫu thuật.
“Cái rèm cửa ấy,” bà Homily kêu lên. “Ông ấy không thể trèo lên rèm cửa ở cái tuổi này - và không thể trèo lên bằng các cục bông rèm cửa!”
“Với cây kim của bố thì được,” Arrietty nói.
“Cây kim của bố! Mẹ lại lôi bố vào cả chuyện đó nữa. Lấy một cây kim mũ ấy, mẹ nói với bố, và buộc một đoạn ruy băng vào đầu kim, rồi tự kéo mình lên tầng trên. Hồi đó là để bố con mượn chiếc đồng hồ ngọc lục bảo từ phòng ngủ của Bà để mẹ đo thời gian nấu bếp.” Giọng bà Homily bắt đầu run run. “Mẹ của con là một người xấu xa, Arrietty ạ. Xấu xa và ích kỷ, mẹ là thế đấy!”
“Mẹ biết gì không?” Arrietty bất chợt kêu lên.
Bà Homily lau nước mắt. “Không,” bà mệt mỏi nói, “gì cơ?”
“Con có thể trèo lên rèm cửa.”
Bà Homily đứng lên. “Arrietty, con dám đứng đó mà lạnh lùng nói lên một việc như thế ư!”
“Nhưng con làm được! Con làm được mà! Con có thể đi mượn. Con biết là con làm được.”
“Ôi!” bà Homily thảng thốt. “Ôi, cái đứa con gái xấu xa ngoại đạo này! Sao con lại nói thế được!” và bà lại ngồi thụp xuống cái ghế làm bằng nút chai. “Thế là chuyện đã đến mức này rồi!” bà nói.
“Nào, mẹ, con xin mẹ,” Arrietty van xin, “nào, mẹ đừng như thế!”
“Nhưng con không hiểu, Arrietty...” bà Homily thảng thốt; bà nhìn chằm chằm xuống bàn không nói nên lời và rồi, cuối cùng, bà cũng ngước khuôn mặt phờ phạc lên. “Đứa con tội nghiệp của mẹ,” bà nói, “đừng nói như thế về việc đi mượn. Con không biết đâu - và, ơn Chúa, con sẽ không bao giờ biết” - bà hạ giọng xuống thành tiếng thì thầm sợ hãi - “ở trên nhà như thế nào...”
Arrietty im lặng. “Nó như thế nào?” cô bé hỏi sau giây lát.
Bà Homily lau mặt bằng tạp dề và vuốt lại tóc. “Bác Hendreary của con,” bà bắt đầu, “Bố của Eggletina...” rồi bà ngừng. “Nghe này!” bà nói. “Cái gì đấy?”
Một rung động nhẹ vang trên gỗ - một tiếng tách ở phía xa. “Bố con đấy!” bà Homily kêu lên. “Ôi, nhìn mẹ này! Cái lược đâu rồi?”
Họ có một cái lược: một cái lược chuốt lông mày bé xíu, bằng bạc, làm từ thế kỷ mười tám lấy từ tủ ngăn kéo trong phòng khách nhỏ trên nhà. Bà Homily dùng nó để cào tóc rồi tráng qua đôi mắt đỏ tội nghiệp của mình và, khi ông Pod bước vào, bà đang mỉm cười và vuốt phẳng tạp dề xuống.
Những Người Vay Mượn Tí Hon Những Người Vay Mượn Tí Hon - Mary Norton Những Người Vay Mượn Tí Hon