Chương 2: Khu Foggy Bottom: Nơi Quyền Lực Thông Minh
goại trưởng đầu tiên của Hoa Kỳ mà tôi từng gặp là ông Dean Acheson. Ông làm việc dưới thời Tổng thống Harry Truman vào thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh, nhà ngoại giao lớn. Lúc đó tôi còn là sinh viên đại học, rất lo lắng vì lần đầu tiên sẽ phải trình bày trước công chúng về nhân sinh quan của tuổi trẻ. Đó là vào mùa xuân 1969, Eldie Acheson, -bạn cùng lớp ở Wellesley-, cô cháu nội của cựu Ngoại trưởng Dean Acheson, bọn tôi cần đề cử người thay mặt lớp phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp. Sau khi giám đốc trường đại học phê duyệt nội dung, lớp yêu cầu tôi phát biểu về bốn năm tại đại học Wesllesley, mãn khóa chia tay mà chưa biết tương lai như thế nào
Đêm trước lễ tốt nghiệp, bài diễn văn viết vẫn chưa xong, tôi đến nhà Eldie. Eldie nói với ông nội: “Chị này sẽ phát biểu vào ngày mai đấy, ông ạ.” Người đàn ông bảy mươi tuổi vừa hoàn thành cuốn hồi ký, “Sự Hiện Diện Trong Sáng Tạo”, cuốn sách này giành giải thưởng Pulitzer vào năm sau. Vị cựu Ngoại trưởng mỉm cười, bắt tay tôi, bảo: “Ông muốn được nghe cháu phát biểu những gì nào.” Hoảng quá, tôi vội vã quay về ký túc xá, thức suốt đêm để hoàn thành.
Tôi không bao giờ tưởng tượng bốn mươi năm sau, tôi sẽ theo bước chân của Acheson tại Bộ Ngoại giao, khu “Foggy Bottom” thân thương ấy, kế sát bên Nhà Trắng ở Washington D.C. Ngay cả ước mơ thời thơ ấu của tôi trở thành phi hành gia xem ra có vẻ thực tế hơn trở thành nhà ngoại giao. Tuy vậy, sau khi trở thành Ngoại trưởng, tôi không bao giờ quên hình ảnh vị chính khách tuổi cao, có mái tóc bạc đã gặp trong đêm đó tại Wellesley. Ẩn sau vẻ bình thường bên ngoài, ông là nhà ngoại giao đầy sức sống, phá bỏ những khuôn khổ giao thức thông thường để hoàn thành công việc xuất sắc, có lợi nhất cho đất nước và do Tống thống giao phó.
Sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới giống như một cuộc chạy đua tiếp sức. Ngoại trưởng, Tổng thống và cả hệ điều hành lần lượt được trao gậy trong cuộc đua, sau đó chúng tôi chuyền gậy ấy cho lớp người kế tục. Thông qua những trải nghiệm của người tiền nhiệm, tôi đã rút ra những bài học quý báu, có những sáng kiến ngay từ khi bắt đầu trong những năm tại vị ở Bộ Ngoại giao, nơi đã đơm hoa kết trái và tôi chuyền chiếc gậy cho Ngoại trưởng John Kerry.
Tôi nhận ra ngay nhiệm vụ chính của Ngọai trưởng, bao gồm ba việc chính: Người đứng mũi chịu sào về công tác ngoại giao; Cố vấn số một của Tổng thống về chính sách đối ngoại; Tổng Giám đốc điều hành của một bộ rộng lớn và đầy thách thức. Ngay từ buổi ban đầu tôi đã phải biết cân bằng giữa thời gian và sức khỏe do đòi hỏi của công việc, phải điều hành chính sách ngoại giao chung và những cuộc thảo luận bí mật của ngoại giao để tháo gỡ mối căng thẳng của đồng minh, xây dựng quan hệ với đối tác mới. Ngoài ra còn phải chỉ đạo chính sách ngoại giao ngay trong nội các, đặc biệt chính sách tại Nhà Trắng và Quốc Hội, kể cả nội bộ, tìm kiếm người có năng lực, nâng cao tinh thần và tính hiệu quả để có đủ khả năng đáp ứng những thách thức mới.
Một cựu Ngoại trưởng gọi điện khuyên: “Đừng cố giải quyết mọi việc cùng một lúc”. Điều này tương tự từ những vị cựu trào các Bộ khác từng khuyên người kế nhiệm “Bạn có thể điều chỉnh chính sách, hoặc cải cách bộ máy hành chính, nhưng bạn không thể một lúc giải quyết cả hai.”
Lời khuyên tôi thường được nghe: Chọn vấn đề chính, tìm cách xử lý. Đây không phải lời cảnh báo trước tình hình quốc tế ngày càng trở nên phức tạp đang chờ đợi. Đôi lúc Ngoại trưởng tập trung giải quyết những vấn đề then chốt, các sếp phó và trợ lý phải biết điều hành và giải quyết các vấn đề khó khăn nảy sinh. Nhưng những ngày ấy đã qua rồi. Chúng tôi đã rút ra được bài học (ví dụ, Afganistan sau khi Liên Xô rút quân năm 1989) chỉ vì thiếu lưu ý khu vực ấy, để các mối đe dọa phát triển rồi xảy ra tổn thất khôn lường. Vì thế cần phải lưu ý tính toàn cục trên ván cờ thế giới.
Kể từ sau ngày 9-11, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tập trung vào những mối đe dọa lớn nhất, nhưng vẫn phải cảnh giác đề phòng những vấn đề mới phát sinh. Đồng thời cần thúc đẩy hơn nữa để nắm được những cơ hội lớn nhất, đặc biệt khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Cần phải đối phó một loạt các thách thức mới, nó đòi hỏi sự chú ý cao và chiến lược phải sáng tạo, chẳng hạn làm thế nào kiểm soát được sự cạnh tranh các nguồn năng lượng dưới đáy biển từ Bắc Cực đến Thái Bình Dương hoặc phải biết đối phó trước sự bắt bí về kinh tế do những doanh nghiệp thuộc sở hữu quốc gia hùng mạnh và làm thế nào để kết nối với tầng lớp thanh thiếu niên trên toàn thế giới thông qua giới truyền thông. Tôi hiểu những người mang tính truyền thống trong việc thiết lập chính sách ngoại giao sẽ hỏi, liệu Ngoại trưởng sử dụng Twitter có thực sự cần thiết hay không, hoặc hỏi về chương trình dành cho các nữ doanh nghiệp, hay tìm cách bảo hộ các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở nước ngoài. Không những thế tôi phải nắm vững mọi vấn đề, vì nó là công việc của nhà ngoại giao thế kỷ XXI.
Các thành viên mới của đội ngũ an ninh quốc gia chính quyền Tổng thống Obama họp ngày ngày 15-12 trong sáu giờ liền ở Chicago. Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ khi thành lập hai tuần trước đó. Chúng tôi nhanh chóng lao vào thảo luận một số tình huống khó xử, gai góc nhất về chính sách ngoại giao, bao gồm chiến tranh ở Iraq, Afghanistan và triển vọng hòa bình ở Trung Đông. Đồng thời thảo luận kéo dài các vấn đề khó khăn cần giải quyết ngay, làm thế nào để thực hiện lời hứa của Tổng thống phải đóng cửa nhà tù quân sự ở Vịnh Guantanamo (Cuba).
Tôi tham gia chính quyền Obama với những ý tưởng về phong cách lãnh đạo Hoa Kỳ lẫn chính sách đối ngoại, cũng như về tinh thần tập thể mà bất kỳ Tổng thống nào cũng mong đợi từ các thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia. Tôi dự định là người ủng hộ mạnh mẽ, từ những sự kiện lịch sử và kinh nghiệm bản thân, dấu ấn Harry Truman tại Phòng Bầu Dục: Tổng thống là người chịu trách nhiệm. Và vì đây là cuộc chiến quan trọng kéo dài, giới báo chí theo dõi thường xuyên - thậm chí còn hy vọng - tìm kiếm sự bất hòa giữa tôi và Nhà Trắng. Tôi muốn họ xóa bỏ ấn tượng về chuyện đó.
Đội ngũ do Tổng thống lựa chọn rất ấn tượng. Phó tổng thống Joe Biden giàu kinh nghiệm quốc tế, ông từng lãnh đạo Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện. Mọi người quý ông vì lòng nhiệt tình và tính hài hước mỗi khi họp ở Phòng Tình huống. Hàng tuần, Joe và tôi cố gắng gặp nhau ít nhất một lần trong bữa điểm tâm ở tư dinh của ông thuộc Cơ quan Quan sát Hải quân, gần tư dinh của tôi. Ông luôn luôn tỏ ra lịch thiệp, khi xe vừa dừng, ông đến đón tôi, cùng nhau đến góc hiên đầy nắng ấm, nơi chúng tôi dùng bữa điểm tâm và bàn công việc. Tuy chúng tôi có cùng quan điểm nhưng cũng không ít bất đồng, tôi đánh giá cao sự thẳng thắn, tính cởi mở mỗi khi bàn công việc.
Tôi biết Rahm Emanuel khi ông giúp chồng tôi trong chiến dịch bầu cử năm 1992, sau đó làm việc trong Nhà Trắng, rồi về Chicago và ông trúng cử Hạ nghị sĩ. Ông là ngôi sao đang lên, dẫn đầu chiến dịch thành lập phe đa số mới của đảng Dân chủ năm 2006, bây giờ Tổng thống Obama cử ông làm Chánh văn phòng Nhà Trắng. Rahm nổi tiếng vì cá tính mạnh mẽ, ngôn ngữ sinh động lịch thiệp, không những thế, ông còn là nhà tư tưởng tiên tiến, chuyên gia tài năng trong lĩnh vực lập pháp, cánh tay phải đắc lực của Tổng thống. Trong chiến dịch sơ bộ đầy căng thẳng, Rahm ở thế trung lập vì ông có mối quan hệ thân thiết cả tôi lẫn Thượng nghị sĩ Obama. Ông kể với tờ báo quê nhà Chicago Tribune (Diễn đàn Chicago): “Mình đã phải chạy trốn”. Giờ đây chúng tôi rất cần sự góp sức của mọi người, Rahm là người kết nối ban đầu của “nhóm đối thủ” lại với nhau. Ông sẵn sàng lắng nghe ý kiến và mở rộng cánh cửa West Wing (Cánh Tây), nơi chúng tôi thường xuyên bàn công việc.
Tân Cố vấn An ninh Quốc gia là vị tướng Thủy quân Lục chiến về hưu, Jame Jones, người mà tôi đã từng quen biết trong thời gian tôi làm việc ở Uỷ ban Quân lực Thượng viện, ông phục vụ trong Bộ Chỉ huy Tối cao Đồng Minh châu Âu (SACEUR). Ông là người nghiêm túc, điềm đạm, chính trực, vui tính, đầy đủ phẩm chất Cố vấn An ninh Quốc gia.
Vị phó của Tướng Jones, ông Tom Donilon, sau này là nguời kế nhiệm, tôi biết ông từ thời chính quyền Carter. Tom đã từng giữ chức Chánh văn phòng của Ngoại trưởng Warren Christopher, nên ông rất am hiểu, biết rõ công việc của Bộ Ngoại giao. Đồng thời ông chia sẻ với tôi mối quan tâm về Châu Á – Thái Bình Dương. Tom trở thành đồng minh quý giá, người theo dõi những khó khăn, phức tạp chính sách liên ngành, phân tích có lựa chọn, đệ trình lên Tổng thống. Ông có thói quen đặt ra những câu hỏi khó buộc mọi người suy nghĩ và nghiêm túc khi đưa ra các quyết định quan trọng.
Tổng thống bổ nhiệm bà Susan Rice làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, người từng là thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia và sau đó làm Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề châu Phi trong những năm 1990. Trong thời kỳ bầu cử sơ bộ, Susan tích cực ủng hộ Obama, thường xuất hiện trên truyền hình tấn công tôi. Tôi biết đó là một phần của công việc của bà, giờ đây chúng tôi đã bỏ qua quá khứ, cộng tác với nhau chặt chẽ - ví dụ như, kỳ bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc về quyết định trừng phạt mới đối với Iran, Bắc Triều Tiên và nhiệm vụ bảo vệ thường dân tại Libya.
Điều kinh ngạc nhất, Tổng thống vẫn để Robert Gates giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, người có sự nghiệp xuất sắc từng phục vụ cho tám đời Tổng thống -(Nixon, Ford, Carter, Reagan, Bush (cha), Clinton, Bush (con) và Obama -ND)- của cả hai đảng trong CIA và Hội đồng An ninh Quốc gia, trước khi Tổng thống George W. Bush kéo ông ra khỏi chức Chủ tịch trường Đại học A & M Texas năm 2006, thay thế Donald Rumsfeld tại Lầu Năm Góc. Tôi đã từng chứng kiến những hoạt động của ông khi tôi là thành viên trong Lực lượng Vũ trang và nghĩ ông là người có khả năng bổ xung những kế hoạch, biết chèo lái, nhờ thế chúng ta giải quyết được hai cuộc chiến của nhiệm kỳ trước để lại. Ông cũng là người đưa ra những triết lý ngoại giao đầy thuyết phục và phát triển những cơ sở tìm nguồn tin, nâng cao vai trò hoạt động trong chính sách đối ngoại. Hầu như không có quan chức nào ở Washington đề xuất tăng ngân sách cho bộ khác. Nhưng Bob lại khác, quan sát bức tranh chiến lược tổng thể sau nhiều năm, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ được chi phối bởi quân đội, giờ ông tin, đã đến lúc cần phải có sự cân bằng ngân sách của cả ba bộ: Quốc phòng, Ngoại giao và Phát triển mà tôi gọi là 3D (Defence, Diplomacy, Development).
Người ta thấy rõ sự mất cân đối trong dự toán ngân sách. Mặc dù dân chúng tin, viện trợ nước ngoài chiếm ít nhất một phần tư ngân sách liên bang, sự thật mỗi đô-la chi tiêu của chính phủ liên bang, chỉ dành một xu chi cho ngoại giao và phát triển. Trong bài phát biểu năm 2007, Bob nói, ngân sách đối ngoại “tương đối ít và không tương xứng so với những gì chúng ta chi tiêu về quân sự”. Ông so sánh, quân nhân trong các ban quân nhạc Hoa Kỳ nhiều bằng số nhân viên ngoại giao đoàn.
Ngay từ đầu chúng tôi đã trở thành đồng minh. Để Quốc hội có một ngân sách an ninh quốc gia khôn ngoan hơn, chúng tôi phải tự kiếm đồng minh trong những cuộc tranh luận về chính sách quản lý nội bộ, tránh các cuộc đấu đá thường xảy ra giữa Quốc gia và Quốc phòng mà trong nhiều lãnh đạo tiền nhiệm đã trở thành bi kịch như chuyện tình trong vở nhạc kịch “West Side Story” về số phận bi thảm của đôi trai tài Tonny (nhóm Jet), gái sắc Maria (nhóm Sharks). Chúng tôi đã tổ chức cuộc họp chung giữa hai bộ Ngoại giao và Quốc phòng, thống nhất quan điểm trong những cuộc trả lời phỏng vấn về chính sách đối ngoại.
Tháng 10-2009, chúng tôi tham dự tại hội trường toà thị chính của Đại học George Washington do hãng CNN ôn hoà tổ chức và phát sóng. Họ hỏi chúng tôi cảm tưởng như thế nào khi hai bộ hợp tác. Bob cười vang, trả lời: “Hầu hết trong sự nghiệp của tôi, Ngoại trưởng và Bộ trưởng bộ Quốc phòng tiền nhiệm chả bao giờ nói chuyện với nhau. Vấn đề này đúng là tồi tệ, phải không? Vì thế, thật tuyệt vời khi mối quan hệ giữa hai bộ giờ đây lại cùng nhau thảo luận trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề. Chúng tôi hợp tác, cùng nhau giải quyết mọi vấn đề thật êm thấm. Nói một cách thẳng thắn, không úp mở, dựa theo kinh nghiệm của bản thân, Bộ trưởng bộ Quốc phòng, tôi hiểu rõ và sẵn sàng thừa nhận, Ngoại trưởng phải là người phát ngôn chính thức cho chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Một khi ai đó vượt qua làn ranh giới đỏ, bạn đã phạm phải sai lầm lấn sân vào vị trí của người khác”.
Đội ngũ chúng tôi thừa kế những khó khăn, thách thức vào thời điểm khả năng dẫn dắt của Hoa Kỳ trên thế giới bị giảm sút rất nghiêm trọng.
Nếu bạn mua một tờ báo trong những ngày ấy hoặc vô tình gặp cố vấn hàng đầu của Washinton bạn có thể nghe thấy những lời than phiền, Hoa Kỳ đang rơi vào thời kỳ suy thoái. Ngay sau khi cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2008, Hội đồng Tình báo Quốc gia, các nhà phân tích và chuyên viên đưa ra cảnh báo đăng tải với tiêu đề: “Xu hướng Toàn cầu 2005: Sự chuyển đổi của Thế giới”. Bài nghiên cứu đề cập dự báo ảm đạm suy giảm do ảnh hưởng của Hoa Kỳ, tính cạnh tranh toàn cầu, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên và sự bất ổn lan rộng. Các nhà phân tích tình báo còn dự đoán, mối quan hệ dựa vào sức mạnh kinh tế, quân sự của Hoa Kỳ sẽ sụt giảm trong những năm tới và hệ thống quốc tế chúng ta xây đắp, bảo vệ kể từ Thế chiến II sẽ bị suy yếu do ảnh hưởng ngày càng tăng của cường quốc kinh tế mới nổi như Trung Quốc, các quốc gia giàu dầu mỏ như Nga và Iran cùng với các tổ chức phi quốc gia như al-Qaeda. Trong điều kiện khắc nghiệt bất thường họ gọi nó là “sự chuyển giao lịch sử của sự giàu có và sức mạnh kinh tế từ Tây sang Đông”.
Ngay trước lễ nhậm chức của Tổng thống Obama, Paul Kennedy - sử gia Đại học Yale - viết bình luận đăng trong tờ Wall Street Journal, với tiêu đề “Quyền lực Hoa Kỳ Lụi tàn”. Nhấn mạnh sự chỉ trích người ta thường thấy trong năm 2008 và 2009, giáo sư Kennedy đổ lỗi cho sự suy giảm quyền lực của Hoa Kỳ do nợ nần chồng chất, ảnh hưởng của Đại suy thoái tác động đến nền kinh tế và “sự mở rộng thái quá” trong chiến tranh Irag, Afghanistan. Ông đưa ra sự liên tưởng tương tự để giải thích, tại sao có thể cảm nhận Hoa Kỳ mất vị trí như một quốc gia lãnh đạo toàn cầu: “Một người khỏe mạnh, thân hình cân đối và cường tráng có thể đeo chiếc ba-lô nặng trĩu trên lưng trèo dốc trên quãng đường dài. Nhưng nếu người đó sức khỏe yếu dần (do khủng hoảng kinh tế) nhưng trọng lượng gánh nặng trên lưng không giảm thậm chí còn nặng hơn (Học thuyết Bush) và địa hình địa vật trở lên khó khăn hơn (các cường quốc mới nổi, chủ nghĩa khủng bố quốc tế phát triển, sự sụp đổ nhiều quốc gia) thì chàng trai cường tráng kia bước đi sẽ chậm dần và có thể ngã gục. Trong khi đó người thanh niên bé nhỏ, nhanh nhẹn trên lưng đeo chiếc ba lô trọng lưọng nhẹ hơn cùng leo dốc với người đeo chiếc ba-lô nặng, ban đầu cả hai bước đi bằng nhau, nhưng kết quả cuối cùng, người thanh niên nhỏ bé kia sẽ tiến xa về phía trước. Đây là lời nhận xét chính xác không thể chối cãi.
Tuy nhiên về cơ bản tôi vẫn lạc quan tương lai của Hoa Kỳ. Sự tự tin của tôi bắt nguồn từ cuộc đời đèn sách, trải qua những thăng trầm lịch sử nước Mỹ và với đôi mắt tinh tường đánh giá những lợi thế của chúng ta trong quan hệ với các nước trên thế giới. Sự thịnh vượng của quốc gia tăng hay giảm mà dân chúng dự đoán thảm họa sắp xảy ra thiếu chính xác. Mỗi khi phải đối mặt với thách thức, - chiến tranh, tình trạng suy thoái hoặc cuộc cạnh tranh toàn cầu-, người Mỹ đã tự đứng dậy bằng cách siêng năng làm việc và đóng góp nhiều sáng tạo.
Những phân tích mang tính bi quan đánh giá quá thấp điểm mạnh của Mỹ, bao gồm cả khả năng của chúng ta về phục hồi và tái tạo. Nhưng lực lượng quân sự của chúng ta vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trên thế giới, nền kinh tế vẫn lớn nhất, ảnh hưởng ngoại giao vẫn vô song, các trường đại học vẫn đứng đầu theo tiêu chuẩn toàn cầu, các giá trị của chúng ta về tự do, bình đẳng và cơ hội vẫn là điểm thu hút mọi người khắp nơi muốn đặt chân lên bờ biển của chúng ta. Khi cần giải quyết khó khăn bất cứ nơi nào trên thế giới, chúng ta có thể kêu gọi sự trợ giúp rất nhiều từ bạn bè và đồng minh.
Những gì xảy ra với Hoa Kỳ vẫn tuỳ thuộc vào phần đông công chúng Mỹ và chỉ là sự dự phòng. Chúng ta có những lợi khí sắc bén nhất và biết cách áp dụng hiểu quả nhất. Tất cả những điều đưa ra về sự suy giảm có trong phạm vi chúng ta phải đối mặt. Nó tái khẳng định quyết tâm của tôi để mai kia trong trang sách của sử gia Steve Jobs “nghĩ khác đi” về vai trò của Bộ Ngoại giao (Hoa Kỳ) trong thế kỷ XXI.
Các Ngoại trưởng nhậm chức vài năm rồi lại ra đi, nhưng hầu hết cán bộ nhân viên làm việc tại Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID- United States Agency for International Development) vẫn tiếp tục làm việc. Nếu tính số cán bộ nhân viên của hai cơ quan này trên toàn thế giới, gần 70 ngàn người. Nhưng nếu so sánh với con số 3 triệu cán bộ viên chức làm việc cho Bộ Quốc phòng thì quá ít, mặc dù con số cũng khá đông, Khi tôi giữ chức Ngoại trưởng các chuyên viên chuyên trách ở trung ương và USAID đã phải đối mặt với sự cắt giảm ngân sách và trong khi nhu cầu đòi hỏi cao hơn, nhưng ban lãnh đạo quyết tâm bảo vệ những thành quả quan trọng mà họ đã thực hiện. Tôi muốn trở thành người lãnh đạo như vậy. Để thực hiện được điều này tôi cần đội ngũ cán bộ nhân viên tài năng, nhiệt tình chia sẻ những gì tôi quý trọng và tập trung hết sức mình đạt được kết quả.
Tôi đề cử Chery Mills làm tư vấn kiêm Chánh văn phòng. Chúng tôi là đôi bạn thân từ khi Cheryl giữ chức Phó trưởng Ban tư vấn Nhà trắng trong những năm 1990s. Bà có tật nói nhanh nhưng những gì bà nghĩ còn nhanh hơn, với khả năng lập luận sắc bén như dao sắc của các bác sĩ phẫu thuật, cắt lát từng khía cạnh khi gặp phải những vấn đề hóc búa. Tuy vậy bà có tấm lòng khoan dung, trung thành, liêm chính và kiên quyết bảo vệ sự công bằng trong xã hội. Sau khi rời Nhà Trắng, Cheryl giữ những chức vụ quan trọng về pháp lý, quản lý trong lĩnh vực tư nhân và ở Đại học New York, nơi bà giữ chức Phó giám đốc. Bà nói với tôi sẽ chỉ giúp trong thời kỳ quá độ của Bộ, không muốn rời Trường Đại học New York để làm việc lâu dài trong chính phủ. Rất may, bà đã thay đổi ý kiến.
Cheryl giúp tôi quản lý “Cơ cấu tổ chức”, bộ phận mà tất cả mọi người trong Bộ (Ngoại giao) gọi là cơ quan hành chính sự nghiệp, đồng thời Cheryl đảm nhiệm giám sát thực thi những ưu tiên hàng đầu, bao gồm an ninh lương thực thực phẩm, chính sách y tế toàn cầu, quyền của người LGBT (Lesbian- đồng tính nữ; Gay- đồng tính nam; Bixesual- song tính/lưỡng tính; Transsexual/Transgender- chuyển giới) và khu vực Haiti. Ngoài ra, bà còn đóng vai trò liên lạc chính giữa tôi với Nhà Trắng các vấn đề nhạy cảm, kể cả vấn đề nhân sự. Mặc dù Tổng thống cam kết tôi được tự do lựa chọn đội hình, nhiều lần đã phải tranh luận gay gắt với cố vấn của ông khi tôi tìm kiếm những người tài năng nhất cho đội ngũ.
Cuộc tranh luận về Capricia Marshall, tôi muốn bổ nhiệm bà giữ chức Trưởng ban Lễ tân của Bộ, quan chức cấp cao chịu trách nhiệm nghinh đón nguyên thủ nước ngoài đến Washington, tổ chức hội nghị thượng đỉnh, tham gia với các đoàn ngoại giao, tháp tùng Tổng thống công du nước ngoài, lựa chọn những món quà cho Tổng thống và tôi sẽ tặng đối tác. Từng là đệ nhất phu nhân, tôi hiểu được tầm quan trọng nghi thức ngoại giao. Nếu một chủ nhà hào phóng hay là vị khách lịch thiệp sẽ giúp ích rất nhiều trong việc xây dựng mối quan hệ đối ngoại, nếu thiếu khôn ngoan có thể dẫn đến kết quả xấu ngoài ý muốn. Tôi muốn chắc chắn phải nắm phần thắng trong tất cả cuộc chơi.
Là Tổng thư ký Xã hội Nhà Trắng những năm 1990, Capricia hiểu rõ công việc phải làm, nhưng Nhà Trắng muốn cử một người đã từng ủng hộ Tổng thống. Đây là cách nhìn thiển cận, dù hiểu rằng trong quá trình hợp nhất giữa hai bên từng là đối thủ, tất nhiên sẽ xảy va chạm khó tránh giữa đội ngũ Obama và đội ngũ Hillary. Tôi cam kết với Capricia: “Tôi sẽ giải quyết việc này, tôi không đặt chị ở vị trí không thích hợp với năng lực sở trường vốn có.”
Tổng thống hỏi, có cần ông giúp hòa giải giữa Cheryl và Denis McDonough, một trong những cố vấn thân cận nhất của ông, nhưng tôi thấy không nên. Cuối cùng Capricia nhậm chức theo yêu cầu của tôi. Tôi hiểu bà không thất vọng mà đúng như thế thật. Sau này Denis kể lại với vợ -bà Kari-, khi nghe Capricia trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh NPR (National Public Radio) bản tin buối sáng. Kari chăm chú lắng nghe và hỏi về nhà ngoại giao “tao nhã” này. Denis thừa nhận, lúc đầu ông phản đối việc bổ nhiệm Capricia, còn Kari cho rằng chồng bà nghĩ quẩn. Sau này Denis nói với Cheryl: “Suýt nữa tôi phạm phải sai lầm. Thật may tôi đã sửa”.
Thành công của Capricia là đã biết tổ chức xây dựng mối quan hệ làm việc chặt chẽ giữa các đối thủ cũ và đồng nghiệp. Cheryl và Denis đã thành đồng nghiệp và bạn bè thân thiết. Hàng ngày họ thường xuyên trao đổi công việc và gặp nhau bữa điểm tâm ngày cuối tuần, đưa ra chiến lược trên chiếc bàn có đĩa trứng tráng và cốc nước sô-cô-la (chocolate) nóng. Cuối nhiệm kỳ Ngoại trưởng, Tổng thống đã gửi thư chia tay với Cheryl, cảm ơn chúng tôi biết sáng tạo từ “đội ngũ các đối thủ” thành “đội ngũ không có đối thủ”.
Tôi bổ nhiệm Richard Holbrooke, rất có năng lực, được coi là nhà ngoại giao hàng đầu của thế hệ chúng ta. Những nỗ lực của ông mang lại hòa bình cho khu vực Balkan trong những năm 1990. Là Đại sứ của Liên Hiệp Quốc, ông đã thuyết phục đảng Cộng hòa đóng lệ phí cho Liên Hợp Quốc và coi việc phòng chống HIV/AIDS như một vấn đề an ninh. Ngay sau khi nhậm chức Ngoại trưởng, tôi mời ông làm Đặc sứ Hoa Kỳ tại Afghanistan và Pakistan. Ngay từ ngày đầu tiên, tân chính phủ đã phải đối mặt với những câu hỏi nghiêm túc về tương lai của cuộc chiến ở Afghanistan, đặc biệt là việc có nên gửi thêm quân, theo yêu cầu của Lầu Năm Góc hay không. Nếu Tổng thống quyết định, chúng tôi phải sử dụng nỗ lực ngoại giao và tăng cường phát triển giữa hai nước. Richard Holbrooke dầy dạn kinh nghiệm và đủ bản lĩnh theo đuổi mục tiêu đó.
Một ưu tiên khác, hơn bao giờ hết là việc theo đuổi hòa bình ở Trung Đông. Tôi đề nghị cựu Thượng nghị sĩ George Mitchell đảm nhiệm nhiệm vụ này. Tính cách George đối lập Holbrooke, ông kín cạnh trong khi Richard thiếu kín đáo, nhưng lại là chuyên gia tài năng và giàu kinh nghiệm. Ông đã đại diện cho Maine (một vùng thuộc bang Massachusetts -ND) tại Thượng viện suốt mười lăm năm, trong đó có sáu năm lãnh đạo Phe đa số. Sau khi thôi chức vào giữa thập niên 1990, ông làm việc với chồng tôi, ông đưa ra tiến trình hòa bình Ailen. Sau đó, ông đứng đầu Uỷ ban Tìm kiếm Sự thật Sharm el-Sheikh, điều tra phong trào intifada đệ nhị, cuộc nổi dậy của người Palestine vào năm 2000.
Nhiều đời Tổng thống và Ngoại trưởng đã sử dụng Đặc phái viên làm việc này, một chính sách còn tranh cãi trong chính phủ Hoa Kỳ. Tôi đã chứng kiến công việc họ làm tốt như thế nào. Một số nhà bình luận lo ngại, bổ nhiệm nhà ngoại giao tài năng như Holbrooke và Mitchell có thể làm giảm vai trò của tôi trong chính sách cũng như những quyết định quan trọng. Tôi lại nghĩ khác, bổ nhiệm những người tài năng càng nâng cao thêm uy tín của Ngoại trưởng cũng như của chính quyền. Có họ hiệu quả công việc tăng gấp bội, sau khi báo cáo, tôi làm việc với Nhà Trắng. Tổng thống chấp thuận, Phó Tổng thống tuyên bố chính thức cả Richard và George công tác tại Bộ Ngoại giao. Tôi rất vui có những người tài năng đảm nhận công việc trong đội ngũ. Sau thời gian, cả Richard lẫn George hoàn thành công việc xuất sắc, phục vụ vì tổ quốc và nhân dân.
Tôi còn cần bổ xung thêm một Thứ trưởng có khả năng đảm nhiệm quản lý công việc của Bộ. Tổng thống giới thiệu Jim Steinberg, tôi đồng ý cử ông làm Thứ trưởng phụ trách chính sách của Bộ. Một số tờ báo tung tin, Jim là người của Obama cài vào để kiểm soát và nghi ngờ giữa chúng tôi có mâu thuẫn. Đúng là những phỏng đoán ngớ ngẩn. Tôi biết Jim từ khi ông làm Phó Ban cố vấn An ninh cho chính quyền Bill Clinton. Trong chiến dịch chạy đua năm 2008, ông giữ chức vụ tư vấn chính sách đối ngoại cho hai bên, Tổng thống và tôi đều ngưỡng mộ ông. Ông là nhà nghiên cứu về Châu Á – Thái Bình Dương, khu vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách của tôi. Trong phiên họp đầu tiên, tôi giới thiệu ông với đội ngũ và trao trách nhiệm chức Thứ trưởng. Jim chấp thuận. Đến giữa năm 2011, Jim rời Bộ về làm hiệu trưởng trường Maxwell thuộc Đại Học Syracuse. Tôi mời Bill Burns, nhà ngoại giao tài năng, giàu kinh nghiệm thay thế ông.
Theo thông lệ chỉ có một Thứ trưởng ngoại giao. Vị trí thứ trưởng thứ hai điều hành bộ và quản lý tài chính do Quốc Hội đề cử, nhưng chưa bao giờ thực hiện. Vì thế tôi cần người phụ trách giúp tôi giành nguồn kinh phí với Quốc Hội và Nhà Trắng, đồng thời quản lý nguồn chi đúng mức. Tôi chọn Jack Lew, người từng giữ chức Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách quốc gia những năm 1990. Kinh nghiệm của ông đã giúp tôi cải cách quản lý, chi tiêu và sắp xếp tổ chức.
Năm 2010, Tổng thống tái cử Jack giữ chức vụ Chánh Văn phòng Quản lý và Ngân sách (Office of Management and Budget –OMB), Tom Nides kế nhiệm ông, người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thương mại lẫn dịch vụ công ích. Những năm làm Chánh văn phòng cho Chủ tịch Hạ Viện Tom Foley và sau đó làm việc cho Đại diện Thương mại Mỹ Mickey Kantor, -người bạn của tôi, tận tình giúp ông ủng hộ Bộ với Quốc hội đồng thời giữ vai trò đại diện cho các công ty Hoa Kỳ ở nước ngoài. Ông có tài thuyết phục, xử lý với những vấn đề gai góc, như việc đã giải quyết được bế tắc với Pakistan năm 2012.
Khi phải giải trình trước Ủy ban Thượng viện về Quan hệ Đối ngoại, tôi tập trung chuẩn bị tài liệu. Jake Sullivan, hăng hái, tài năng của bang Minnesota cung cấp thông tin đáng tin cậy (từng được Học bổng Rohdes, Thư ký Văn phòng Toà án Tối cao, trợ lý Thượng viện), cố vấn tin cậy trong cuộc chạy đua của tôi, sau đó hỗ trợ Thuợng nghĩ sĩ Obama trong chiến dịch bầu cử. Tôi mời Jake làm việc với Lissa Muscatine, bạn tôi và là một cựu viết diễn văn của Nhà Trắng, sang viết diễn văn cho Bộ (Ngoại giao). Họ giúp tôi đưa ra những giải pháp gửi thông điệp tới thính giả, trả lời các câu hỏi mà chúng tôi dự đoán. Jake trở thành phó Văn phòng Chính trị, sau giữ chức Giám đốc Hoạch định Chính sách, Jake thường xuyên bên tôi trong suốt nhiệm kỳ bốn năm.
Nhóm nghiên cứu quá trình chuyển tiếp làm việc với các chuyên viên chuyên trách của Bộ, tôi bị ngập trong đống tài liệu các báo cáo tổng hợp, từ ngân sách cho căng-tin của Building đến vấn đề liên quan từng thành viên Quốc hội. Tôi chia sẻ, ấn tượng hiểu được tầm quan trọng của cuốn sổ tổng hợp theo quy định của Bộ. Mọi chi tiết của các vấn đề lớn nhỏ đều được quan tâm (giống thời kỳ đế chế Byzantine) giải quyết, buộc các chuyên viên của Bộ và chính phủ phải cân nhắc thận trọng.
Ngoài những báo cáo tóm tắt theo thông lệ, tôi dành nhiều thời gian đọc, suy tính, tiếp kiến các chuyên viên và bè bạn để tìm hiểu vấn đề. Bill và tôi vừa đi dạo vừa trao đổi tình hình thế giới. Tony Blair, cố nhân, thăm chúng tôi tại tư dinh ở Washington vào đầu tháng 12. Ông cập nhật cho tôi về công việc của ông với “Tứ cường” – Hoa Kỳ, Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu và Nga - về các cuộc đàm phán hoà bình Trung Đông từ khi ông từ chức Thủ tướng Vương quốc Anh từ tháng Sáu năm 2007.
Ngoại trưởng Condoleezza Rice mời tôi đến tư dinh trong khu tổ hợp Watergate dùng bữa tối, đây là cơ hội để chúng tôi thảo luận về những thách thức, các quyết định mang tính chất cá nhân tôi phải đối mặt. Bà Condoleezza Rice chỉ có một câu hỏi: Liệu tôi có tiếp tục sử dụng tái xế của bà không? Tôi đồng ý, ngay lập tức anh làm việc cho tôi như Condoleezza ngày xưa.
Condi (cách gọi thân mật Condoleezza- ND) còn mở bữa tiệc chiêu đãi giới thiệu tôi và quan chức cao cấp của bà ở tầng 8, phòng ăn kín đáo của Bộ Ngoại giao. Những lời tư vấn của bà trong vai trò mới của tôi thật hữu ích.
Tôi đã trao đổi với nhiều vị tiền nhiệm giữ chức Ngoại trưởng. Đây là câu lạc bộ đầy hấp dẫn vượt qua rào cản về đảng phái. Họ trong nhóm chạy đua tiếp sức và giờ đây sẵn sàng giúp tôi nắm lấy chiếc gậy để tiếp tục chạy trong cuộc đua. Bà Madeleine Albright, người bạn lâu năm của tôi, một đối tác trong việc thúc đẩy các quyền và cơ hội cho phụ nữ, đồng ý chủ trì mô hình hợp tác công-tư (PPP- Public - Private Partnership) mới để thúc đẩy phát triển mô hình chủ doanh nghiệp đổi mới ở Trung Đông. Warren Christopher đã cho tôi những lời khuyên thực tế nhất: Đừng nghỉ phép vào tháng Tám vì tháng đó thường có nhiều biến động, chẳng hạn như Nga xâm lược Georgia năm 2008 (vào tháng 8- ND). Còn Henry Kissinger hay gặp tôi, chia sẻ những nhận xét sắc sảo về các nhà lãnh đạo nước ngoài của ông và thường gửi cho tôi những văn bản trong những chuyến công du. James Baker hỗ trợ những nỗ lực của Bộ đảm bảo đúng những nghi lễ của Ban Tiếp tân Ngoại giao, thực hiện mục tiêu dài hạn của việc xây dựng bảo tàng về ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington. Colin Powell cung cấp những nhận xét cá nhân và đường lối một cách trung thực mà tôi và Tổng thống quan tâm. Lawrence Eagleburger, người đầu tiên và duy nhất cán bộ của Ban Đối ngoại làm Ngoại trưởng, cùng tôi dự lễ lần thứ 15 thành lập Trung tâm Hoạt động của Bộ (hay “Ops” như những người trong Building gọi). Nhưng George Shultz lại tặng tôi món quà quý giá nhất: chú gấu bông, mỗi khi tôi ấn vào nút ở bàn chân, nó hát “Đừng có lo âu, hãy vui lên, bạn ơi” theo băng nhạc ghi sẵn. Tôi bày nó ngay phòng làm việc, thoạt đầu là trò vui, nhưng sau nó thực sự đã giúp tôi. Mỗi khi gặp khó khăn, tôi ấn nút dưới chân nó để nghe bài hát cho khuây khoả.
Tôi nghiền ngẫm kinh nghiệm của những người tiền nhiệm từ vị Ngoại trưởng đầu tiên, Thomas Jefferson. Những dự thảo đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ giống như người làm xiếc đi trên dây, phải biết cân bằng giữa tính bền vững và sự đổi mới. Tôi cố hình dung những gì mà Dean Acheson, người mà tôi đã gặp năm xưa ở Wellesley, về sự ảnh hưởng của người tiền nhiệm đối với ông, ngài George Marshall, họ đã nghĩ gì về cảnh quan quốc tế đầy biến động trong thời gian tại chức.
Những năm cuối của thập niên 1940, nhiệm vụ của chính quyền Truman là tạo ra một thế giới mới -thế giới tự do- vượt qua phế tích của Thế chiến II và sự chìm trong bóng tối của Chiến tranh Lạnh. Acheson mô tả nó như một sứ mệnh “chỉ kém kinh khủng hơn một chút so với mô tả trong chương đầu của Kinh cựu ước”. Những đế chế cũ sụp đổ, quyền lực mới nổi lên. Phần lớn châu Âu bị tàn phá và bị chủ nghĩa cộng sản đe dọa. Những gì còn lại được gọi là Thế giới Thứ ba, người dân của thế giới này bị áp bức từ bao đời nay họ đang tìm lại tiếng nói của mình và đòi hỏi quyền tự quyết.
Đại tướng Marshall, anh hùng của Thế chiến II, đảm nhiệm cả hai chức vụ Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Truman, ông hiểu nền an ninh và thịnh vượng của Mỹ phụ thuộc vào các đồng minh, chính những đồng minh này sẽ chia sẻ lợi ích và trao đổi dịch vụ thương mại với chúng ta. Quan trọng hơn, ông biết Hoa Kỳ còn có trách nhiệm lớn lao, một cơ hội để lãnh đạo thế giới và với thách thức mới là sẽ người dẫn dắt theo con đường mới.
Marshall và Truman đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng, tái thiết những nước châu Âu bị tàn phá, ngăn chặn sự lan truyền của chủ nghĩa cộng sản bằng cách dùng mọi yếu tố của quyền lực Mỹ: quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa và đức hạnh. Họ đã vượt qua hành lang nhỏ hẹp dựa vào sự ủng hộ của cả hai đảng, lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức hệ thống lao động và đại học để thực hiện mục tiêu đề ra cho nhân dân Hoa Kỳ.
Sáu mươi năm sau, vào cuối thập niên đầu của thế kỷ 21, Hoa Kỳ một lần nữa thấy mình cần điều hướng một thế giới đang thay đổi chóng mặt. Công nghệ và toàn cầu hóa đã làm cho thế giới kết nối với nhau, phụ thuộc lẫn nhau hơn bao giờ hết và chúng ta vật lộn với sự lười biếng của con người, chiến tranh mạng và các phương tiện truyền thông. Nhiều quốc gia - gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi- đã có ảnh hưởng trong các cuộc thảo luận toàn cầu, trong khi các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ cũng như các nhà hoạt động xã hội dân sự, các tập đoàn đa quốc gia và mạng lưới khủng bố ngày càng đóng vai trò lớn lao trong các vấn đề quốc tế vì mục đích tốt đẹp hay tồi tệ.
Dù một số người có thể khát vọng về Học thuyết Obama – thuyết đại đoàn kết với lộ trình đơn giản, thích hợp cho chính sách đối ngoại trong thời đại mới, giống như “chính sách ngăn chặn” đã từng thực hiện trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh -. Nhưng chẳng có điều gì đơn giản, dễ dàng về mọi vấn đề chúng ta phải đối mặt. Không giống như những ngày trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi chúng ta phải đối mặt với một đối thủ duy nhất Liên bang Xô viết, giờ đây chúng ta phải đối mặt với nhiều lực lượng chống đối. Vì vậy, giống như những người tiền nhiệm sau Thế chiến II, chúng tôi phải cập nhật thường xuyên, tính toán, suy tính đường lối làm sao phù hợp với những sự thay đổi xung quanh mà chúng ta nhận biết.
Các chuyên viên chính sách đối ngoại thường xuyên tham khảo các hệ thống tổ chức, liên minh, các định mức xây dựng sau Thế chiến II phải là những “kiến trúc sư” tài năng. Nhưng vẫn cần một quy tắc dựa trên trật tự toàn cầu để có thể quản lý sự tương hỗ giữa các quốc gia, bảo vệ các quyền tự do cơ bản, huy động và cùng hành động. Nó sẽ mang tính linh hoạt, toàn diện hơn so với trước. Khi tôi nhậm chức, giống như đã có nền kiến trúc cổ xưa của đền Parthenon ở Hy-Lap với những đường nét cân đối, rõ ràng. Các cột trụ giữ nó vững vàng - một số lớn các tổ chức, các đồng minh và hiệp ước - mạnh mẽ phi thường. Nhưng qua thời gian đã làm suy yếu, kể cả phần chính của lâu đài, giờ đây chúng tôi cần một kiến trúc sư mới cho thế giới mới, lớn lao hơn với tinh thần của Frank Gehry hơn thời kỳ cổ điển Hy-Lạp. Những cây cột cái, chính là điểm tựa chịu trọng lực của cả thế giới, giờ đây rất cần sự kết hợp năng động giữa vật liệu, hình thái và cấu trúc một cách hài hòa.
Trong nhiều thập niên, các biện pháp trong chính sách đối ngoại đã được chia ra “quyền lực cứng” thuộc lực lượng quân đội và “quyền lực mềm” thuộc lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, nhân đạo và ảnh hưởng nền văn minh. Tôi muốn loại bỏ phương cách tổ chức của mô hình này vì đã lỗi thời, phải suy tính một cách toàn cục, nó sẽ ở đâu, như thế nào mà chúng ta có thể sử dụng tất cả những yếu tố cơ bản chính sách đối ngoại của Hoa kỳ một các hài hòa, đồng bộ.
Ngoài những công tác ngoại giao truyền thống đàm phán các hiệp ước, tham dự các cuộc hội nghị ngoại giao, chúng tôi phải – trong số nhiệm vụ khác – tham gia hoạt động truyền thông xã hội, giúp việc xác định các đường ống dẫn năng lượng, hạn chế lượng khí thải carbon, khuyến khích phe thiểu số tham gia chính trị, biết đứng dậy vì luật nhân quyền của Liên hiệp quốc và bảo vệ quy luật kinh tế thị trường trên con đường phát triển. Khả năng của chúng tôi đảm đương vào việc này tuỳ thuộc sức mạnh của quốc gia chúng ta.
Sự tổng hợp phân tích giúp tôi phải biết nắm lấy, được gọi là quyền lực thông minh, vốn đã được phát động ở Washington vài năm trước. Joseph Nye thuộc Đại học Harvard, Suzanne Nossed của Tổ chức Giám sát Nhân quyền hay một vài tổ chức khác cũng hoạt động giống như thế, mặc dù sự suy nghĩ có đôi chỗ khác nhau về ý nghĩa và mục đích. Đối với tôi, quyền lực thông minh có nghĩa là sự lựa chọn kết hợp với các biện pháp - ngoại giao, kinh tế, quân dự, chính trị, luật pháp và văn minh - phải áp dụng cho từng tình huống.
Mục tiêu của quyền lực thông minh và mở rộng của chúng ta là tập trung vào công nghệ, quan hệ đối tác giữa nhà nước và tư nhân, năng lượng, kinh tế và những vấn đề khác vượt quá giới hạn theo thông lệ của Bộ Ngoại giao, bổ xung cho các phương pháp và các ưu tiên ngoại giao truyền thống theo từng giai đoạn chứ không phải thay thế chúng. Chúng tôi muốn đưa mọi khả năng tăng sức chịu đựng ngày một lớn và khó khăn nhất đang thách thức nền an ninh quốc gia. Thông qua toàn bộ cuốn sách, bạn đọc sẽ hiểu những công việc đó thực hiện ra sao. Hãy đánh giá đúng những nỗ lực của chúng tôi về vấn đề Iran. Chúng tôi sử dụng biện pháp tài chính mới, các đối tác khu vực tư nhân để thực thi các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt và tách Iran ra khỏi nền kinh tế toàn cầu. Ngoại giao năng lượng của chúng ta đã giúp làm giảm doanh số bán dầu mỏ của Iran, tìm kiếm những nguồn cung cấp mới để ổn định thị trường. Chúng tôi nhằm vào phương tiện truyền thông xã hội để giao tiếp trực tiếp với người dân Iran, đầu tư vào các công cụ công nghệ cao tân tiến giúp những người bất đồng chính kiến tránh sự đàn áp của chính quyền. Tất cả sự ủng hộ của các nhà ngoại giao theo đường lối cũ giờ đây cần thay đổi với mục đích cốt lõi của nền an ninh quốc gia của chúng ta.
Ngày 13-1-2009, tôi ngồi đối diện các Thượng nghị sĩ tại Thượng viện trong phiên điều trần xác nhận của tôi với Uỷ ban Đối ngoại. Qua hơn năm tiếng đồng hồ, tôi giải thích lý do tại sao và trình bày kế hoạch làm sao có thể xác định được vai trò Ngoại trưởng, vạch ra những giải pháp trước thách thức lớn nhất đang phải đối mặt, trả lời các câu hỏi về mọi vấn đề từ chính sách Bắc cực đến nền kinh tế thế giới và vấn đề cung cấp năng lượng.
Ngày 21-1-2009, Thượng viện bỏ phiếu bổ nhiệm tôi với số phiếu 94/2. Chiều tối, trong một buổi lễ nhỏ trong văn phòng Thượng viện tại Toà nhà Russell, cán bộ nhân viên trong văn phòng Thượng viện vây quanh, Thẩm phán Kay Oberty đọc tuyên thệ cho tôi, trong khi chồng tôi cầm cuốn kinh thánh.
Ngày 22-1-2009, theo lễ truyền thống với tân Bộ trưởng, tôi đi vào Bộ Ngoại giao qua cổng chính trên phố C. Các đồng nghiệp cổ vũ tôi đứng đầy sảnh đón chào. Tôi tràn ngập niềm vui, khiêm tốn đáp lễ mọi người. Những lá cờ các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ treo dọc hai bên lối đi tung bay trước gió. Tôi sẽ phải công du hơn một nửa trong số 112 quốc gia Hoa Kỳ có quan hệ mà gió lốc đang bắt đầu. Tôi nói trước đám đông: “Với niềm tin sâu sắc từ tận đáy lòng, tôi tin Hoa Kỳ đang bước vào kỷ nguyên mới”
Phía sau đám đông ở hành lang, tôi nhìn thấy trên bức tường đá cẩm thạch khắc tên hơn hai trăm nhà ngoại giao đại diện cho Hoa Kỳ ở hải ngoại đã hy sinh kể từ khi những năm đầu của nền cộng hòa. Họ đã cống hiến đời mình vì chiến tranh, thiên tai, khủng bố, dịch bệnh thậm chí do đắm tàu. Tôi hiểu, những năm sắp tới có thể nhiều người Mỹ chúng ta phải hy sinh khi làm những nhiệm vụ ở những nơi đầy nguy hiểm và bất ổn. (Đáng buồn chuyện ấy đã xảy ra từ cuộc động đất ở Haiti đến các cuộc tấn công khủng bố ở Benghazi, Libya cũng như nhiều nơi khác nữa). Ngày ấy và hàng ngày tôi quyết tâm tìm mọi giải pháp để bảo vệ tất cả cán bộ nhân viên Hoa Kỳ bất kể nam hay nữ đang làm nhiệm vụ được tổ quốc giao phó trên thế giới.
Văn phòng của Bộ trưởng nằm ở tầng bảy, còn được gọi “Mahogany Row”. Hành lang treo các bức chân dung những người tiền nhiệm. Tôi sẽ làm việc dưới sự theo dõi sát sao của họ. Toà nhà gồm văn phòng và phòng hội nghị được bảo vệ bởi các sĩ quan Cục An ninh Ngoại giao, thường xuyên rà quét tìm kiếm các thiết bị nghe lén. Nó được gọi là Ban xử lý các thông tin nhạy cảm (SCIF-Sentisive Comrtmented Information Facility), chúng ta cảm thấy an tâm làm việc trong một khu vực an toàn tuyệt đối. Để chống nghe lén, không một ai được phép đem bất kỳ thiết bị điện tử kể cả điện thoại di động vào khu vực này.
Sau lời chào hỏi, tôi bước vào văn phòng riêng và lần đầu tiên ngồi xuống chiếc ghế của Ngoại trưởng. Lá thư của người tiền nhiệm, Ngoại trưởng Rice, nằm trên bàn. Phía trong bức tường của văn phòng được ốp gỗ anh đào do cựu Ngoại trưởng George Shultz lựa chọn, tạo cho căn phòng nhỏ một cảm giác ấm cúng, khác lạ với văn phòng to lớn phía ngoài, nơi tôi sẽ tiếp khách. Trên bàn đặt ba chiếc điện thoại, trong đó có đường dây trực tiếp tới Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và CIA. Tôi cho đặt thêm chiếc ghế trường kỷ để tiện đọc tài liệu, đôi khi ngả lưng chợp mắt lúc nghỉ trưa, sát bên có phòng bếp nhỏ và buồng tắm đầy đủ tiện nghi kể cả vòi hoa sen.
Văn phòng trở thành ngôi nhà thứ hai, tôi có thể đàm thoại với các nhà lãnh đạo nước ngoài, vừa cầm mày vừa dạo quanh căn phòng xinh xắn. Nhưng ngay lúc này, trong ngày đầu tiên, những chiếc điện thoại vẫn nằm ngay ngắn trên bàn.
Tôi cầm lá thư của Condi. Thư ngắn gọn, ấm áp và chân thành. Bà viết, chức Ngoại trưởng là “chức vụ tốt nhất trong nội các” và tự tin khi trao quyền cho người đáng tin cậy. “Cậu là người có đầy đủ phẩm hạnh quý giá nhất để giữ chức vụ này với tấm lòng yêu nước nồng nàn”. Tôi thật xúc động với những lời của bà.
Tôi bắt tay vào công việc.
Những Lựa Chọn Khó Khăn Những Lựa Chọn Khó Khăn - Hillary Rodham Clinton Những Lựa Chọn Khó Khăn