Nhật Ký Son Môi epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 3: Sau Cơn Mưa Trời Lại Mát
ây mặc nhiên không phải là một cuốn sách triết lý, tôi cũng không hề có ý định liệt kê cơn đại khủng hoảng tuổi hai mươi của mình rồi chỉ ra cho mọi người rằng tôi đã vượt qua nó ra sao.
Cuộc đời này, có vô vàn các “kiểu khủng hoảng” khác nhau. Người ta vượt qua nó hoặc người ta giãy đành đạch với nó. Nếu nói tôi đã giải quyết những vẫn đề đó của mình như thế nào, thì thừa thãi quá. Bởi nó chẳng thể là đáp số chung cho mọi bế tắc. Tôi chỉ muốn tâm sự một cách đầy bản năng rằng, tôi đang đi qua những vùng trũng.
Đối với bạn thì thế nào? Nếu bạn ở trong hoàn cảnh của tôi bây giờ? Ôi, bạn làm sao mà biết được, giống như tôi cũng sẽ chịu chết khi ở trong bế tắc của bạn. Bởi vì bạn là bạn, và tôi là tôi. Chúng ta không giống nhau. Vì thế, khi đứng ở đưa ra những giả thiết. Mà những giả thiết thì, chưa chắc đã chính xác.
Thực ra vấn đề trầm trọng nhất trong cuộc đại khủng hoảng tuổi hai mươi của tôi là vấn đề TÂM LÝ. Tôi cảm thấy cô đơn khi đơn lẻ trước cuộc đời này. Tình yêu làm tôi đau khổ từng ngày vì nó thờ ơ với tôi. Tôi lạc lõng trong một thành phố lớn như Sài Gòn với số vốn là hai bàn tay trắng. Sự lạc lõng đến rùng rợn đôi khi làm tôi thấy muốn…lạc lõng.
Một số người nói, tôi đã quá hà khắc với bản thân, hà khắc đến độ những gì đang trải qua với tôi sẽ trở nên quá nhỏ nhoi nếu tôi chịu khó buông lỏng ra một chút.
Ví dụ như để có tiền thì chúng ta có thể có nhiều cách, ngoài tài năng tôi có một chút nhan sắc (hãy cứ cho tôi tự tưởng tượng thế đi, tôi tin là mình có nhan sắc). Mọi người phụ nữ có nhan sắc hoặc một người con gái dễ nhìn như tôi, có thể kiếm tiền từ nhiều cách. Từ lâu rồi, việc tận dụng những điểm mạnh của mình để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn đã chẳng có gì là tội lỗi. Người phụ nữ nghiễm nhiên có thể dựa vào một người đàn ông. Người đàn ông đó chu cấp cho người phụ nữ ấy một cuộc sống như người phụ nữ đó mong chờ. Còn người phụ nữ đó, cho người đàn ông ấy cái mà anh ta muốn. Anh ta muốn gì thì chỉ có anh ta và người phụ nữ đó biết. Tôi không biết và không nhất thiết phải biết. Bởi muốn biết sẽ phải suy đoán. Mà suy đoán thì lại chưa chắc đã chính xác.
Nhưng dù cho việc tận dụng nhan sắc và vốn tự cho để nuôi sống bản thân là điều không có gì đáng phải xấu hổ, tôi cũng sẽ không bao giờ làm như thế! Tôi có những lý do của riêng mình, niềm kiêu hãnh không thể nào bị mất đi ngay cả khi bản thân trở nên suy sụp.
Quay lại vấn đề tôi vượt qua khủng hoảng như thế nào, thực ra bây giờ, đến giờ phút này, khi tôi viết những dòng này, tôi vẫn chưa hoàn toàn vượt qua được.
Tâm trạng nặng nề như đám mây mù vẫn đang phủ kín tâm hồn đói khát yêu thương của tôi.
Nhưng tôi cũng đã vượt qua được một-phần-nào. Tất nhiên, không phải bằng cách mà người ta đã khuyên ở phía trên kia, rằng tôi phải dùng điểm mạnh là nhan sắc và dùng thế mạnh là phụ nữ của mình. Tôi không muốn bị người ta khinh.
Tôi sống tình cảm và tình cảm là thứ nuôi sống tôi. Tôi không thể bóp chết mình bằng bất cứ giá nào. Bóp chết mình bằng cách cắt tay, treo cổ, tự sát, uống thuốc ngủ, còn dễ dàng hơn việc phụ thuộc vào một người đàn ông một cách rất “giá cả”. Đặc biệt là khi mình không hề yêu họ.
Bây giờ, tôi đã có việc làm. Sau khi có việc làm, tôi có thể nói thêm câu này: “Khi một thứ trở lại với bạn – Những thứ khác sẽ lần lượt trở lại với bạn”.
Đơn cử như việc làm của tôi, tôi có được nhờ Chúa, Trời, Phật, Thần Thánh-đó là may mắn mà một đấng thần linh nào đó đã giúp tôi. Cám ơn họ, những đấng tối cao đó. Họ đã cho tôi một công việc. Bạn không thể tưởng tượng được, một người thất nghiệp và nghèo đói, buồn bã và đau khổ, nợ nần và bế tắc như tôi, khi kiếm được một công việc thì sẽ mỉm cười to như thế nào đâu. Ngay sau khi tôi có một công việc, thì thật điên rồ, hàng loạt những lời mời làm việc béo bở tới tấp và ồ ạt đến với tôi. Tôi được mời làm chủ nhiệm trong một chương trình giải trí trên truyền hình, làm manager cho một thương hiệu mới hoặc quản lý một dự án…v…v.. khi một thứ trở lại với bạn, nhiều thư ồ ạt tìm đến bạn một cách rất vô lý như thế đấy.
Hàng ngày, tôi đến công ty, mang theo gánh nặng tâm lý trĩu lên đôi vai mình. Mừng thì mừng thật đấy, nói không vui thì hóa kẻ nói điêu. Công việc ban đầu còn mới mẻ, chẳng có gì nhiều. Nhưng không được liên lạc với người yêu, rồi mỗi đứa một nơi làm tôi ủ dột.
Thỉnh thoảng, tôi thèm chửi thề, chửi người yêu là thằng chó, thằng đĩ, thằng nọ, thằng kia. Thỉnh thoảng, tôi thèm được hỏi những câu hỏi tại sao rất ngu si, theo kiểu: Tại sao anh lại bỏ mặc em lúc này? Tại sao anh lại để em một mình ở đây? Chống chọi với ngần đó thứ mà em tưởng như với sức lực này em sẽ chết ngoẻo??? Tại sao và tại sao?
Có gì là nông nổi không với những suy nghĩ ấy? Có gì là sai trái không với ham muốn chửi rủa và trách móc ấy? Có! Nông nổi hoàn toàn sai trái hoàn toàn! Ham muốn vị ham muốn!
Đi làm là bước đầu chứ không phải là bước cuối của việc giải quyết khủng hoảng. Tôi nợ, vẫn nợ, hàng ngày vẫn mệt mỏi với những con số. Vẫn phải nhờ vả người này người nọ – những người còn sót lại của cái gọi là bạn bè, những người hiếm hoi không bỏ mặc tôi hoàn toàn khi tôi kiệt quệ. Tôi vẫn phải chống chọi với sự tàn phai nhan sắc ở cái tuổi mới hơn hai mươi một tí, vẫn phải lo lắng với sự xuất hiện của mình trước đám đông một tẹo…
Thực sự cần một chỗ dựa, nhưng chẳng biết dựa chỗ nào, tôi cảm thấy mỏi lưng, cảm thấy tức ngực, cảm thấy mệt đứ đừ.
Nhớ cái hồi tôi mới bị khủng hoảng. Tôi còn muốn chết cơ. Này nhé, bố mẹ sinh ra mình khó khăn biết chừng nào, nuôi lớn mình gian khổ biết bao nhiêu. Rồi tự dưng, một ngày, mình vì chuyện này chuyện nọ mà chẳng phải là vì bố mẹ, mình lăn quay ra chết. Ngoài việc bất hiểu thì rõ ràng còn nhiều vấn đề khác nữa. Chết là một giải pháp tức tưởi nhất thời.
Song, tôi thề rằng, lúc đó dù có nghĩ được như vậy đi chăng nữa thì cảm giác muốn chết vẫn tròn đầy và y nguyên là cảm giác muốn chết. Muốn chết chết đi được. Thứ duy nhất níu kéo tôi lại với cuộc đời, không phải bởi tôi nhớ tới công lao dưỡng dục sinh thành của cha mẹ. Tôi không thể nói điêu như vậy được, tôi không thể nói là tôi có nghĩ tới điều đó để băn khoăn rằng mình có nên chết hay không. Vì tôi không nghĩ thế, nên nếu nói thế thì hóa ra nói dối. Thứ níu kéo tôi sống, là chính tôi. Cũng giống như cách chính tôi tự khiến mình trở nên suy sụp, chính tôi giữ tôi lại với cuộc đời. Bởi một lý do không đáng để làm lý do (mà trên đời này, nào ai biết lý do nào đáng để làm lý do cơ chứ? ) lý do đó là vì: Tôi vẫn còn sợ chết!
Nếu người ta vượt qua được nỗi sợ chết căn bản, chắc gì người ta đã sống? Nếu tôi trong tuyệt vọng có đủ dũng cảm để không sợ chết, thì chắc quái gì tôi đã ngồi đây? Nếu một con người chí phèo tới mức, coi mạng sống của mình như giẻ rách thì chắc gì họ đã cảm nhận được tí xíu nỗi đau nào mà trở nên buồn khổ và muốn chết? Nếu con người ta không sợ chết, thì sự tuyệt vọng nào có thể hiển hiện trên đời?
Nhưng “sợ chết” cũng chẳng phải là cách tôi vượt qua khủng hoảng. Tôi vượt qua bằng cách nào, tôi cũng chẳng biết nữa. Có lẽ bằng cách dành phần lớn thời gian của mình vào việc quan sát cuộc sống. Việc ghi chép lại những thứ diễn ra xung quanh mình khiến tôi bớt suy nghĩ viển vông. Đôi khi là thế!
Tôi đã từng có một sự nghiệp-xin thưa là như vậy. Nhưng giờ đây, tôi chỉ có hai bàn tay và một bộ não găm đầy những ký ức với không thiếu những nhận định.
Tôi đã từng là một cây bút-xin thưa là như thế. Sách của tôi bán chạy-không thể phủ nhận điều này-cho dù người ta có chửi nó, khen nó, khoa trương nó hay báng bổ nó. Ôi chao, khi viết những truyện ngắn của mình, tôi đã có những nhân vật. Những nhân vật của tôi không phải là tôi, nhưng tôi đã đặt tôi vào trong họ.
Nhưng thời kỳ khủng hoảng tuổi hai mươi này tôi, tôi không thể làm được điều ấy. Tôi không thể tạo ra nhân vật trừ khi họ sẵn có. Tôi cũng ngao ngán quá chừng cái việc đặt mình vào nhân vật. Họ mệt mỏi, tôi cũng mệt mỏi bỏ xừ. Mệt mỏi khi phải da diết với họ, oằn oại với họ, khóc lóc như họ và đau đớn như họ.
Thế nên, chỉ cần quan sát rồi thủ công ghi chép, có lẽ là cách tốt nhất của tôi bây giờ. Tôi không tạo nên nhân vật nữa. Tôi viết cề những người thật việc thật. Đôi lúc, tôi đối chiếu bản thân mình với họ. Lắm khi, tôi nhìn lại mình và rên rỉ tý chút.
Cuộc sống này có quá nhiều định nghĩa. Tôi mêt mỏi với những định nghĩa ấy. Cuộc sống này có vô vàn số phận. Những số phận đó chẳng đi theo một định nghĩa nhất quán nào.
Ở khủng hoảng tuổi hai mươi, tôi lao vào cuộc đời và va đập để rồi sẽ tỉnh ngộ? Hoặc như một đứa bé bị bỏ trong rừng hoang mà tôi đã nói làm ví dụ, tôi chờ thú dữ ăn thịt mình? Chẳng phải ai cũng có thể làm Tarzan!
Nhật Ký Son Môi Nhật Ký Son Môi - Gào Nhật Ký Son Môi