Chương 2
ẹ, con phải đi thật mà.” Kim nài nỉ.
Tess Chaykin cau mày nhìn con gái vẻ khó chịu. Ba người bọn họ - Tess, bà Eileen mẹ cô và Kim – chỉ vừa mới bước vào viện bảo tàng, và Tess hy vọng sẽ xem một vòng phòng triển lãm này trước khi những bài diễn văn, những cuộc trao đổi chuyện trò và phần còn lại của thủ tục nghi thức không thể tránh khỏi diễn ra. Nhưng dự tính đó giờ dường như phải hoãn lại. Kim đang xử sự như bất cứ một bé gái chín tuổi nào trong những dịp như thế này, đó là việc cứ nín cho đến lúc không thích hợp nhất lại khăng khăng đòi đi vệ sinh.
“Kim, ngoan nào, con.” Đại sảnh đông nghịt người. Len lỏi qua bao nhiêu con người để dẫn con gái đến nhà vệ sinh nữa vào lúc này quả là một việc Tess chẳng thấy hứng thú chút nào.
Mẹ của Tess chen vào; không cần che giấu sự thích thú nho nhỏ bà tìm thấy trong việc này. “Để mẹ dẫn nó đi. Con cứ tiếp tục đi xem đi.” Với nụ cười đầy cảm thông, bà Eileen nói thêm, “Tuy rằng mẹ cũng thích xem c lại khoản lợi tức của mình.” Tess cau mặt với mẹ, rồi nàng nhìn con gái và mỉm cười, lắc đầu. Khuôn mặt bé xíu và đôi mắt xanh biếc long lanh của con bé luôn làm người ta phải chiều lòng nó trong bất kỳ tình huống nào.
“Mẹ sẽ gặp con trong sảnh chính,” nàng nghiêm mặt chỉ tay vào Kim. “Bám sát bà ngoại đấy. Mẹ chẳng muốn lạc mất con trong cái rạp xiếc này đâu.”
Kim rên rỉ và đảo mắt nhìn quanh. Tess nhình theo hai bà cháu lẫn vào đám đông rồi quay người bước thẳng vào phía trong.
Đại sảnh phòng giải lao đồ sộ của viện bảo tàng đã chật cứng các quý ông tóc hoa râm và các qúy bà đẹp mê hồn. Cà vạt đen và dạ phục là nghi thức bắt buộc, nên khi nhìn quanh Tess cảm thấy khá ngượng ngùng. Nàng e mình quá nổi bật vì vẻ thanh lịch khiêm tốn và có cảm giác bực bội khó chịu khi thấy mình cũng là một phần của đám người đông đúc xung quanh, cái đám đông mà chắc chắn nàng chẳng buồn quan tâm.
Điều Tess không nhận ra là việc người ta chú ý đến nàng chẳng liên quan gì đến chuyện trông nàng cũng thanh lịch trong bộ váy đen may vừa vặn lơ lửng phía trên đầu gối vài phân, cũng chẳng liên quan gì đến vẻ căng thẳng khó ở của nàng khi tham dự những sự kiện vừa có vẻ trọng đại nhưng cũng khá vô vị như thế này. Người ta chỉ chú ý đến nàng. Có vậy thôi. Thiên hạ luôn như vậy. Làm sao có thể trách móc người ta được. Mớ tóc xoăn quyến rũ ôm lấy đôi mắt xanh ấm áp, toát lên vẻ thông minh thường kích thích người ta chú ý. Dáng người khỏe mạnh ở tuổi ba mươi sáu cùng những bước chân thoải mái linh hoạt cũng khẳng định điều đó, hơn nữa thái độ dường như hoàn toàn không để ý đến vẻ duyên dáng của mình càng làm thiên hạ chú ý đến Tess. Chỉ có điều là Tess luôn yêu nhầm những gã chẳng ra gì. Thậm chí Tess đã kết hôn với kẻ cuối cùng trong cái đám mạt hạng đó, một sai lầm mà nàng vừa mới sửa chữa gần đây.
Tess tiến vào phòng chính, tiếng trò chuyện rì rầm dội lại từ các bức tường xung quanh thành một âm thanh rì rào buồn tẻ, không làm sao phân định được tiếng gì với tiếng gì. Có vẻ như âm học không phải là yếu tố giành được nhiều sự quan tâm trong việc thiết kế của viện bảo tàng, Tess nghe có tiếng nhạc thính phòng và lần theo tiếng nhạc nàng thấy một ban tứ tấu đàn dây toàn nữ đang tụm trong một góc phòng, ban nhạc chơi rất nhiệt tình nhưng hầu như không ai nghe được gì từ nhạc cụ của họ. Im lặng gật đầu chào những khuôn mặt tươi cười trong đám đông, Tess tìm cách đi ngang qua chỗ người ta thường đặt hoa tươi tưởng niệm Lila Wallace[6] và chỗ hốc tường nơi bức tượng Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng bằng đất nung men lam tuyệt vời của Andrea della Robbia[7] đang hiền hậu đứng nhìn xuống đám nhân gian ồn ào đông đúc bên dưới. Đêm nay, dù sao Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng cũng có bầu bạn, vì đây chỉ là một trong nhiều tranh tượng mô tả Jesus và Đức Mồng trinh giờ đây được dùng trang điểm cho viện bảo tàng.
Hầu hết các vật phẩm trưng bày đều đặt trong tủ kính, và chỉ cần nhìn thoáng qua cũng biết chúng vô cùng giá trị. Ngay cả với người thiếu niềm tin tôn giáo như Tess, chúng cũng để lại ấn tượng sâu sắc, thậm chí gây xúc động, và khi đi lướt qua chiếc tủ kính khổng lồ để vào phòng triển lãm, Tess cảm thấy lòng háo hức với dự cảm đang dâng trào.
Có những bệ thờ bằng cẩm thạch trắng của xứ Burgundy, chạm khắc các hoạt cảnh sống động về cuộc đời Thánh Martin. Có hàng chục cây thánh giá, phần lớn bằng vàng ròng và khảm nhiều loại đá quý; một trong số đó là cây thánh giá có từ thế kỷ mười hai làm bằng nanh hải mã, chạm khắc hình của hơn một trăm nhân vật. Có những bức tượng nhỏ bằng cẩm thạch rất tinh xảo và những chiếc hộp gỗ chạm khắc đựng Thánh tích; tuy những chiếc hộp đều trống rỗng, không có gì bên trong, nhưng chúng vẫn là những ví dụ tuyệt vời về nghệ thuật chế tác tinh xảo của các nghệ nhân thời Trung cổ. Một kệ để sách giảng ở nhà thờ có hình con chim ưng bằng đồng lộng lẫy đứng uy nghi bên cạnh một chân nến Phục sinh của Tây Ban Nha đầy họa tiết, cao trên 1,8m đã được trưng dụng từ các căn hộ của Giáo hoàng.
Khi xem qua nhiều vật phẩm trưng bày khác nhau, Tess không sao ngăn được cảm giác thất vọng trỗi dậy trong lòng. Những vật phẩm trước mắt nàng có một chất lượng mà trong suốt những năm lăn lộn làm việc tại các hiện trường khảo cổ trước đó nàng không bao giờ dám mơ đến. Thực ra, những năm tháng làm việc trước kia rất tốt, những năm đầy thử thách và cũng rất bổ ích xét ở mức độ nào đấy. Chúng đã cho Tess cơ hội chu du khắp thế giới, thâm nhập vào những nền văn hóa đa dạng và hấp dẫn. Một số cổ vật quý giá do Tess khai quật đã được trưng bày tại nhiều viện bảo tàng rải rác trên khắp thế giới, nhưng nói thẳng ra không có món đồ nào đủ giá trị để làm vẻ vang cho Phòng triển lãm của Viện Bảo tàng Sackler về Nghệ thuật Ai Cập hay Phòng triển lãm của Viện Bảo tàng Rockefeller về Nghệ thuật Nguyên thủy. Có lẽ… có lẽ nếu mình gắn bó với công việc thêm ít lâu nữa. Tess gạt bỏ ý nghĩ đó. Giờ đây, nàng biết rằng cuộc sống đó đã trôi qua, ít ra là trong tương lai trước mắt. Tess buộc phải bằng lòng với việc tận hưởng những thoáng nhìn tuyệt vời vào quá khứ dưới quan điểm xa cách và thụ động của một người quan sát với lòng biết ơn.
Và nó quả là một thoáng nhìn tuyệt vời. Việc đứng ra tổ chức cuộc triển lãm này đúng là một sự kiện quan trọng của Viện Bảo tàng Metropolitan, vì gần như chưa có một vật phẩm nào do Rome gửi đến từng được trưng bày trước đó.
Không phải tất cả đều là châu báu sáng ngời hay vàng bạc lóng lánh.
Trong tủ kính trước mắt Tess hiện giờ là một vật có vẻ tầm thường. Đó là một thiết bị máy móc gì đó bằng cỡ chiếc máy đánh chữ cũ, giống một cái hộp, làm bằng đồng. Mặt trên có nhiều nút cùng với nhiều con số lồng vào nhau và các cần điều khiển nhô ra từ các cạnh bên. Cái máy trông có vẻ lạc lõng giữa tất cả những món đồ lộng lẫy xung quanh.
Tess vén tóc qua một bên, nghiêng người tới trước để nhìn gần hơn. Khi nàng đang với lấy bảng danh mục của mình, phía trên cái bóng mờ mờ của Tess phản chiếu trong tủ gương bỗng xuất hiện bóng một người tiến tới phía sau nàng.
“Nếu cô vẫn đang tìm Chén Thánh[8] hẳn tôi sẽ làm cô thất vọng mất. Cái chén không có ở đây.” Giọng nói khàn khàn vang lên bên cạnh Tess. Mặc dù đã nhiều năm không còn nghe giọng nói đó nhưng Tess vẫn nhận ra, ngay cả trước khi quay lại.
“Clive.” Tess quay lại và nhìn thấy người đồng nghiệp cũ. “Lâu nay anh thế nào? Trông anh tuyệt vời lắm.” Thật ra không đúng như Tess nói, dù mới bước vào tuổi năm mươi nhưng Clive Edmondson trông già sọm.
“Cảm ơn cô. Cô khỏe chứ?
“Em vẫn bình thường,” Tess gật đầu. “Công việc cướp bóc mồ mả của anh dạo này thế nào rồi?”
Edmondson chìa hai mu bàn tay ra với Tess. “Chỉ riêng tiền sửa móng tay cũng đang giết tôi rồi đây này. Ngoài cái đó ra thì vẫn vậy thôi. Thật đấy.” Anh ta cười tủm tỉm. Nghe nói cô cộng tác với Manoukian.”
“Vâng.”
“Thế nào?”
“Ồ, tuyệt vời!” Tess nói với Clive như vậy. Nhưng sự thực không phải vậy. Tham gia vào Viện Nghiên cứu Manoukian danh tiếng là một cơ hội lớn đối với Tess, nhưng theo như công việc thực tế diễn ra ở đó, mọi thứ chẳng có gì là tuyệt vời như nàng nói. Mà những chuyện như vậy thì chỉ nên giữ cho riêng mình mà thôi, nhất là trong cái thế giới khảo cổ học đầy những chuyện thị phi đâm bị thóc chọc bị gạo sau lưng nhau không thể ngờ được này. Tìm một cách diễn đạt chung chung, Tess tiếp tục, “Anh cũng biết đó, em thực sự rất nhớ những ngày tháng cùng làm việc với mọi người bên đó.”
Nụ cười nhạt của Edmondson cho Tess biết anh ta chẳng tin chút nào lời nàng nói. “Cô chả nhớ gì nhiều đâu. Bọn tôi nào có được giật tít trên báo.”
“Không phải vậy. Chỉ là…” Tess quay lại liếc nhìn vô số những vật trưng bày xung quanh họ. “Bất kỳ món nào ở đây đều tuyệt vời cả. Bắt kỳ món nào.” Tess nhìn anh ta, bất chợt cảm thấy chán nản. “Tại sao chúng ta chẳng bao giờ phát hiện được gì đáng giá như thế này nhỉ?”
“Này, tôi vẫn đang hy vọng đấy chứ. Chỉ có cô là người đã đổi con lạc đà để lấy cái bàn giấy.” Anh ta châm biếm. “Đó là chưa kể ruồi muỗi, cát bụi, cái nóng, thức ăn, nếu cô gọi đó là…”
“Ôi lạy Chúa, thức ăn,” Tess cười. “Cứ nghĩ đến chuyện đó là em không chắc mình còn nhớ nhung gì nổi nữa!”
“Cô biết đấy, cô có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào mà.”
Tess nhăn mặt. Đó là điều nàng cũng thường nghĩ đến. “Em không nghĩ thế. Dù sao em cũng không quay trở lại ngay đâu.”
Edmondson nhe răng cười, một nụ cười có phần gượng gạo. “Cô cũng biết là chúng tôi luôn có một cái xẻng có tên cô trên đó,” anh ta nói, giọng không còn chút hy vọng nào. Giữa họ bỗng có một thoáng im lặng kỳ lạ. “Nghe này,” anh ta nói thêm, “người ta vừa mở một quầy bar trong Phòng Ai Cập, nhìn từ bên ngoài có vẻ như họ có một tay biết pha cocktail chiến lắm. Tôi gọi cho cô một ly nhé.”
“Thế cũng được. Lát nữa em sẽ gặp lại anh,” Tess nói. “Em đang đợi mẹ và con gái em.”
“Hai bà cháu cũng có ở đây à?”
“Vâng.”
Edmondson giơ cả hai bàn tay lên. “Ui chà. Cả ba thế hệ nhà Chaykin – thú vị thật.”
“Anh được cảnh báo rồi đấy nhé.”
“Nhớ rồi.” Edmondson gật đầu khi đi lẫn vào đám đông. “Lát nữa tôi sẽ gặp lại cô. Đừng có biến mất đấy.”
Bên ngoài, không khí xung quanh khu quảng trường đang sôi nổi. Anh chàng quay phim chen lấn để cố lấy cho được góc quay thật tốt trong khi tiếng vỗ tay và tiếng reo hò từ đám đông phấn khích át mất lời bình luận của cô nàng phóng viên. Quang cảnh càng ầm ĩ hơn khi đám đông nhận ra anh chàng hộ pháp mặc bộ đồng phục bảo vệ màu nâu đã rời chỗ đứng hối hả chạy về phía đám kỵ sĩ đang tiến tới.
Chỉ nhìn liếc qua, anh chàng quay phim có thể nhận thấy có chuyện gì đó diễn ra không theo đúng kế hoạch. Bước đi hấp tấp, cả quyết của người bảo vệ và ngôn ngữ cơ thể của anh ta rõ ràng cho thấy có điều gì đó không nằm trong kịch bản.
Khi chạy đến chỗ những con ngựa, tay bảo vệ giơ hai tay lên ra hiệu dừng lại, ngăn tốp người đang tiến lên. Các kỵ sĩ ghìm cương khiến những con ngựa giậm chân khịt mũi, rõ ràng là chúng khó chịu khi phải đứng yên trên các bậc
Dường như đang có một cuộc đôi co. Anh chàng quay phim nhận thấy đó là cuộc tranh cãi từ một phía vì không thấy các kỵ sĩ có bất kỳ phản ứng rõ ràng nào trước sự la lối của người bảo vệ.
Và rồi, sau cùng một kỵ sĩ đã làm gì đó.
Chậm rãi, làm cho khoảnh khắc đó bộc lộ hết kịch tính của nó, tay hiệp sĩ ở gần người bảo vệ nhất, trông như một con gấu, rút thanh kiếm ra khỏi vỏ, giơ cao lên khiến một loạt ánh đèn flash khác lóe lên cùng với nhiều tiếng vỗ tay hoan hô nữa.
Tay hiệp sĩ vẫn giơ cao thanh kiếm, bằng cả hai tay, mắt nhìn trừng trừng về phía trước. Không lộ chút nao núng.
Mặc dù gắn chặt một mắt vào ống kính máy quay, anh chàng quay phim vẫn quan sát xung quanh bằng con mắt còn lại, và đột nhiên anh ta cảm nhận có điều gì khác nữa đang xảy ra. Anh ta vội vàng phóng lớn khuôn mặt người bảo vệ. Nét mặt người bảo vệ lúc đó trông thế nào nhỉ? Bối rối? Sửng sốt?
Và anh ta chợt hiểu đó là gì.
Kinh hoàng.
Lúc này, đám đông đã trở nên điên loạn, vỗ tay và hoan hô cuồng nhiệt. Theo bản năng nghề nghiệp, anh chàng quay phim phóng lớn góc quay để thu hình tay kỵ sĩ.
Ngay lúc đó, tay hiệp sĩ bất thần xả thanh kiếm xuống, chớp nhoáng quét một đường cong. Lưỡi kiếm loáng lên ghê rợn trong ánh đèn nhân tạo đang lóe lên vào ngay dưới tai người bảo vệ; lực và tốc độ nhát chém rất ác liệt, lưỡi kiếm đi ngọt qua thịt, sụn và xương của nạn nhân.
Từ phía đám đông khán giả, một tiếng thở hổn hển rất lớn của cả đám đông vang lên rồi vỡ thành những tiếng thét kinh hoàng, vang động cả bầu trời đêm. To hơn cả là tiếng thét của cô nàng phóng viên đang bám chặt vào cánh tay anh chàng quay phim làm hình ảnh trong máy bị rung mạnh, anh phải huých cô ta ra để tiếp tục quay.
Đầu người bảo vệ văng ra phía trước, lăn lông lốc một cách ghê rợn xuống những bậc cấp viện bảo tàng, để lại phía sau một vệt máu dài, đỏ thẫm. Và sau khoảng thời gian tưởng như dài vô tận, cái thân thể mất đầu của người bảo vệ đổ sập qua một bên, phun ra một dòng máu nhỏ.
Đám thiếu niên la hét, ngã nháo nhào tìm cách chạy thoát thân khỏi cảnh tượng đó, trong khi những người khác ở xa phía sau không biết chính xác chuyện gì nhưng biết là có điều gì đó khủng khiếp vừa xảy ra, nên đổ xô nhau lấn về phía trước. Chỉ trong chốc lát, đã có một đống những thi thể chồng chất lên nhau trông rất ghê rợn, những tiếng gào thét la khóc vì đau đớn v rền vang bầu trời đêm.
Ba con ngựa gõ móng lách cách trên các bậc cấp. Lúc đó, một trong các tên hiệp sĩ gào lên, “Xung phong, xung phong, xung phong!”
Tên đao phủ vừa rồi thúc ngựa tiến lên, xông thẳng vào các lối đi rộng mở của viện bảo tàng. Các tên kia cũng lao lên, bám sát theo sau.
Nhật Ký Bí Mật Của Chúa Nhật Ký Bí Mật Của Chúa - Raymond Khoury Nhật Ký Bí Mật Của Chúa