Chương 2 - Nguyễn Trường Tộ Với Khổng Giáo Và Hủ Nho
ng Nguyễn Trường Tộ đã sinh trưởng ở cửa Khổng, sân Trình, đã từng đọc hết Ngũ Kinh, Tứ Thư, đã từng đọc cả Bách Gia Chư Tử, vậy ông cũng là một Nhà Nho, nhưng là một Nhà Nho chân chính.
Ông vẫn tỏ ý kính phục Đức Khổng Tử, kính phục tư tưởng của Ngài; nhiều khi ông lại còn rập hành vi của ông theo khuôn mẫu của Ngài nữa.
Trong các tập điều trần của ông, ông thường viện dẫn những lời nói của Đức Khổng Tử để làm cho vững vàng những lý thuyết của ông. Ông lại hay kể đến tư cách hoặc những chính tích của Ngài để làm gương cho người khác noi theo. Thí dụ khi bàn đến nghĩa vụ ông quan, ông không quên nói: ‘’Xưa kia khi Đức Khổng Tử làm Quan Tư Không nước Lỗ, Ngài trước hết để ý phân biệt tinh chất năm thứ đất, rồi sau chỉnh đốn những hủ tệ. Lúc Ngài tới Ấp Bồ, khen ngợi quan sở tại, cũng chỉ khen trong vùng cỏ rác được sạch sẽ, ruộng nương được tốt màu, tường vách được bền chặt, cây cối được tốt tươi (Tế cấp bát điều, điều thứ hai: 20 tháng 10 năm Tự Đức thứ 20-1867). Ông tin rằng Đức Khổng làm như thế là phải và mong các ông quan đều bắt chước Ngài.
Xét những tính tình, tư tưởng của ông ta cũng có thể nghiệm được cái ảnh hưởng của Khổng Giáo.
Đức Khổng Tử là người đạm bạc, biết tìm ‘’thú vui trong sự ăn cơm hẩm, uống nước lã, gối đầu cánh tay’’ (Phạn sơ tự, ẩm thủy, khúc quăng nhi chẫm chi lạc tại kỳ trung hỉ), thì ông Nguyễn Trường Tộ cũng là một người giản dị, vui sống trong cảnh đơn chiếc, thanh bần. Mục đích của ông cũng như tôn chỉ của Ngài, chỉ là ‘’tu kỷ trị nhân’’, sửa mình để giúp ích cho đời. Cũng như Ngài, nhiều khi biết việc làm không chắc thành công mà ông cũng cứ cố gắng làm (Tri kỳ bất khả nhi vi chi-Luận Ngữ).
Vì cũng như Ngài, ông tự biết mình lắm; Đức Thánh khi xưa bôn tẩu ở các nước: Lỗ, Tần, Vệ, Tống, Trần, Thái, Diệp, chủ ý muốn tìm một cơ hội để hành đạo, là Ngài tự biết cái đạo của Ngài mà thi hành được, tất có kết quả tốt tươi (Cần hữu dụng ngã giả, cơ nguyệt nhi dĩ khả dã, tam niên hữu thành-Luận Ngữ). Ông Nguyễn Trường Tộ muốn đem bầu nhiệt huyết ra giúp nước nhà, cũng vì cái lòng tự tin ấy, cho nên ông đã nói: ‘’Tôi tự xét học lực của tôi cũng đủ ứng phó với đời, và những khi gấp vội, cũng đủ có cơ quyền’’ (Điều trần ngày 18 tháng 2 năm Tự Đức thứ 24-1871).
Đến lúc hành sự, Đức Thánh có quan niệm tùy thời, chiết trung (Quân tử nhi thời trung-Trung Dung), thì ông cũng khuyên người nên lựa chiều che gió và châm chước cái cũ của ta với cái mới của người (Trong bài điều trần ngày 23 tháng 7 năm Tự Đức thứ 19-1866) ông có viết câu: ‘’Tôi muốn giữ lấy cái hay của mình, nhưng phải học thêm cái hay của thiên hạ mới tìm ra, như thế cái mới của họ ta cũng có, mà cái cũ cũng ta thời họ thiếu đi’’.
Ông lại còn chịu ảnh hưởng cái thuyết chính danh của Đạo Khổng (Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử-Luận Ngữ). Trong bài ‘’Tế cấp bát điều’’ ông viết: ‘’Đại phàm ở thế gian, tất cả các loài sinh vật, đã chịu một cái tính chất phú thác cho, thì phải có một chức trách...Loài người cũng vậy, nào vua, nào quan, nào lính, nào dân, ai nấy đều có một phận sự’’. Vậy thì người nào ở địa vị người ấy, mỗi người có một bổn phận riêng, mỗi người có một quyền hành riêng.
Đến cả cái thuyết tiên mệnh, tri mệnh của Đức Thánh, ta cũng thường thấy nhắc đến luôn trong các tờ điều trần. Ta hãy so sánh hai câu sau này: Trong Trung Dung có câu:
‘’Trời sinh muôn vật, tất nhân cái tài lực của từng vật mà làm tăng lên, cho nên vật nào có thể vun đắp thì vun đắp thêm vào; vật nào đã sẵn nghiêng lệch thì làm cho đổ nát đi’’ (Thiên chi sinh vật, tất nhân kỳ tài nhi đốc yên; cố tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi-Trung Dung).
Trong bài điều trần về lục lợi, ông viết:
‘’Đấng Tạo Vật vô cùng hiếu sinh, đã ban cho ta những địa lợi rất tốt, lại sinh cho ta những nhân vật rất hay, hẳn cũng muốn cho ta được thịnh vượng để dựng nên vâng theo cái ý rộng rãi của Đấng Tạo Vật’’.
Xem mấy điều sơ lược đó, ta thấy rõ ràng rằng ông Nguyễn Trường Tộ dù đã thâm tín Tây học, cũng vẫn còn là một đồ đệ trung thành của Đạo Khổng, nhưng là của Đạo Khổng uyên nguyên chứ không phải của Tống Nho.
Vì thế chính ông là một Nhà Nho, mà ông ghét cay ghét đắng bọn hủ nho. Ông cho rằng tại bọn họ mà quốc gia yếu hèn, tại bọn họ mà dân trí thấp kém, tại bọn họ mà các hủ tục cứ tồn tại mãi mãi với núi sông.
Đối với ông cái học của bọn hủ nho là một cái học không thiết thực. Họ chỉ chúi đầu vào sách, học những cái viễn vông quá mùa, chứ hỏi đến thực tế thì ù ù cạc cạc.
Họ nói đến những phong tục, chính sự bên Tàu từ đời thượng cổ mà không biết gì đến những việc xảy ra ngay trước mắt; bàn đến Hàn Tín, Tiên Hà, mà không hiểu đến lịch sử cận đại. Khi điều trần về sự cải cách việc học, ông viết:
‘’Nếu họ đem cái công học những tên người, tên đất, những chính trị, nghĩa lý từ Đường Ngu cho đến Tống Nguyên mà chăm học về hình luật, tài chính, kiến trúc, nông tang, thêu dệt, và những cách mới ngày nay, thì cũng có thể làm cho nước được giàu mạnh; cớ sao trong dân gian không người nào đua nhau học những sự thực dụng ấy, mà chỉ thấy bàn bạc đến những việc đời Phục Hy, Thần Nông mà thôi?’’
Đứng trước những công việc bề bộn của nước nhà, bọn hủ nho chỉ biết ngân nga thơ phú. Họ không biết rằng: ‘’Thơ phú chỉ trau giồi những lời mây, gió, mưa, mù, không thể đem ăn cho đỡ đói được; kinh nghĩa thì đã có tiên nho chú giải rõ ràng, cần chi phải chắp đuôi thêm!...lại như văn sách cho trị đạo Nhà Hán là tạp bá, trị đạo Nhà Đường là chưa thuần, tạp bá với chưa thuần thì cũng mặc người ta! Về phần mình thì hãy xét trị đạo của mình đã; nước chưa giàu sao không kiếm cách gì làm cho nước giàu, binh chưa mạnh, sao không làm cách gì cho binh mạnh, dân chưa lương thiện, dân đen cực khổ, sao không tìm cách cứu giúp cho họ...’’ (Tế cấp bát điều, điều thứ tư).
Đã không hiểu được thời thiết, bọn hủ nho lại còn dương dương tự đắc, trọng mình, khinh đời. Họ tự cho họ là thanh cao, là quý giá, nhưng thực tình, họ chỉ là những con ký sinh trùng của xã hội. Ngay lúc còn đi học, họ đã được hưởng cái lệ nhiêu học là một cái lệ đặc biệt của nước ta: ‘’Khắp cả thiên hạ, không đâu có lệ ấy, thế mà nhân tài của nước ta chẳng thấy thêm nhiều, mà nhân tài nước khác chẳng thấy bớt đi, vậy nước ta chỉ cho vay mà không ai trả lại...Chính mắt tôi thường thấy nhiều người khuyên nhau cứ học về món văn chương, dù không có phận làm quan đi nữa, cũng khỏi phải ra lính như đàn bà, sẽ được thung dung tự tại. Lại có nhiều người đi học vừa có tiếng giỏi đã ngày nào cũng miệt mài trong sòng bạc; vay tiền của người ta rồi hẹn rằng: ‘’Để khi nào tôi dạ một tiếng ở cửa trường thi, sẽ tha hồ có tiền để các ông tiêu’’. Bọn ấy thực là bọn ăn trộm thuế khóa của nhà nước một cách khéo léo!
Vì được trọng đãi quá, nên họ sinh ra kiêu căng, miệt thị tất cả mọi người, cho ai cũng thua kém mình cả. Chính bọn họ là những người phản động, câu nệ, chỉ muốn bo bo giữ lấy những thói tục nghìn xưa: ‘’Nước ta có nhiều Nhà Nho thường khen xưa chế nay, đem lời biện luận mà làm rối việc chính trị...Không biết rằng thời thế đổi thay, nhiều phương pháp ngày xưa, không thể áp dụng đời nay nữa (Điều trần về Lục lợi, tháng 5 năm Tự Đức thứ 17-1864).
Vì Nhà Nho có những cử chỉ ương gàn, nên lắm lúc ông Nguyễn Trường Tộ phải phát cáu lên: ‘’Các Nho Sĩ cả đời đọc sách, đáng lẽ hành vi cử chỉ phải mực thước mới phải, thế mà có nhiều người xử kỷ tiếp vật lại không bằng những người dốt nát, là tại làm sao?’’
Đấy là ông mới nói sơ sơ mà thôi, vì ông còn sợ châm nọc những người đồng thời với ông. Cho nên ở cuối điều thứ tư trong tập ‘’tế cấp bát điều’’, ông viết: ‘’Tôi cũng chỉ nói những cái tệ thiển cận hiển nhiên mà thôi, còn như những mối tệ đoan của Nhà Nho đã làm tai hại cho cả nước Tàu và nước ta, thì dù có nói đến vài trăm khoản cũng không hết được’’.
Muốn trừ những mối tệ ấy, không những ông xin triều đình cải cách việc học cho thiệt thòi (như bài sau sẽ nói đến), mà ông còn muốn các hạng tú, cử bỏ văn chuộng võ, cho họ thay đổi được tư cách họ chăng? ‘’Đương lúc này, cớ sao Triều Đình không lựa những cử nhân, tú tài có sức mạnh, bắt họ bỏ văn qua võ, học cách sách võ kinh, rối phong cho họ những chức quản đội trở xuống; hễ họ đã học việc binh được ba năm thì cho họ thi mà bổ dụng, chắc là họ phải khá hơn những viên ở binh ngũ thăng lên. Như thế có hơn là để họ nhàn cư rồi dự vào việc dân làng cho thêm nhũng nhiễu không?’’.
Đọc những lời ông Nguyễn Trường Tộ ta thấy ông bực mình với bọn hủ nho ở cuối Thế Kỷ thứ 19; ông công kích họ, vì họ đã làm chậm cuộc tiến hóa của dân tộc ta. Nhưng thực ra, ông không phản đối Khổng Giáo như Giáo Sư Trần Độc Tú ở thời kỳ Tân Văn Hóa vận động bên Tàu, hoặc như ông Tú Phan Khôi, một nhà nho ở nước ta đã phải lòng ‘’cô Lý Luận’’ Âu-Tây. Ông có phản đối là phản đối cái Nho Giáo của Tống Nho nó đã sinh đẻ ra một hạng người ươn hèn, hủ lậu, không ưa hoạt động, không thích canh tân, chỉ mong mỏi sống một cuộc đời an nhàn vô sự, bên mấy cây cảnh, giữa đám hầu non, với một bầu rượu và những bài thơ yếm thế. Hạng người ấy quả là một cái ung độc trong xã hội Việt Nam.
Nguyễn Trường Tộ Nguyễn Trường Tộ - Nguyễn Lân Nguyễn Trường Tộ