Chương 3
un lên và bực bội với chính mình, Maggy đi nhanh đến vườn hoa Luxembourg và để rơi mình xuống ghế, vô tình với những tiếng kêu của đám trẻ con xung quanh. Trong chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, giấc mơ nàng đã ôm ấp từ 4 năm nay tan tành mây khói một cách thảm hại. Nhục nhã, nàng co ro quanh tay lại và cúi đầu.
Nhảy tâng tâng đến, 1 thằng bé đặt quả bóng lên đầu gối nàng, nàng ngước mắt và mỉm cười với nó, rồi lăn quả bóng dọc theo lối đi. Thằng bé lại mang quả bóng đến cho nàng, như trò chơi của một con chó con và chẳng mấy chốc bọn trẻ đã vây quanh nàng. Sung sướng vì có người lớn hạ cố ấy chơi với chúng.
Trong 1 tiếng đồng hồ, Maggy hoà mình vào thế giới những trò chơi giản dị, nhắc lại tuổi nhỏ của nàng, cái thời kỳ nàng còn là 1 đứa nhóc bà mụ nặn nhầm với những món tóc dài bay hai bên mặt như những cánh chim. Nàng là đứa con gái duy nhất trong trường có thể ném 1 hòn đá xa như con trai, đuổi kịp bất cứ quả bóng nào và biết trèo cây.
Tới giờ ăn trưa, khu vườn vắng đi và Maggy cũng ra khỏi đấy. Cơn đói làm nàng trở lại ngã tư Vavin và tất cả các hiệu ăn mà nàng đi qua, trước cửa đều đã đầy chặt.
Nàng mua 1 bông cẩm chướng ở một hàng rong và cài nó vào áo blu. Nàng bỗng cảm thấy vui vẻ hơn và, đầu ngẩng cao, bước vào quán coffee Seleet, hy vọng tìm thấy 1 chỗ trống bên trong. Nó là một cái bàn nhỏ ở tít đầu kia gian phòng.
Để tiết kiệm, nàng chỉ gọi 1 chiếc bánh kẹp pho mát và một cốc nước chanh. Nàng quan sát những con người ồn ã và ăn mặc kỳ quặc. Chung quanh nàng, tiếng trò chuyện dâng lên như một con sông đang mùa nước lũ. Tiệm mỗi lúc mỗi dày đặc khói. Khách khứa có những giọng nói khác lạ. Vào hồi ấy, nhiều nghệ sĩ nước ngoài sống ở Montparnasse. Người ta gặp ở đấy Picasso, Chagall, Zadkine, Kisling, Chirico, Brancusi, Mondrian, Diego, Rivera và Fongita. Những nghệ sĩ Pháp là thiểu số. Nhiều người Mỹ là thiểu số. Nhiều người Mỹ, Đức, Bắc Âu và Nga ở đầy khu phố.
Đựơc sự vô danh che chở, cảm thấy là mình vô hình vì không quen biết ai, Maggy không nhận ra là nàng thu hút những cặp mắt quan tâm. Ở đây, ít nhất cũng là cuộc sống thật sự ở Montparnasse, cuộc sống mà Constantin Moreau, ông thầy dạy vẽ của nàng đã không chán kể lại. Là một nghệ sĩ thất bại, ông luôn luôn nói với học sinh về đời sống văn hoá của Montparnasse, kể cho các em nghe về những buổi tối mà có thể ông chẳng bao giờ đựơc dự và về những cuộc cãi cọ mà có lẽ ông cũng chẳng bao giờ tham gia. Nhưng thầy Moreau đã làm phong phú trí tưởng tượng của Maggy, nàng luôn mơ mộng đến cuộc sống bôhem ấy. Miệng há ra, nàng nhìn ngắm những người khách kì quặc của tiệm Select. Đó là hình ảnh mà ta đã tưởng tượng về thiên đừơng, nàng tự bảo.
- Nào, em bé của chị, em là người mới phải không? Cho phép chị mời em 1 cốc nhé!
Ngẩn ra, Maggy quay lại. Nàng đã không để ý đến người đàn bà ngồi bàn bên cạnh đang bình thản ngắm màu hung lấp lánh của mái tóc nàng và khuôn mặt nàng gây sững sờ vì không son phấn.
- Thế nào, em là người mới, đúng không nào? - người đàn bà hỏi.
- Ôi, nếu chị bảo mới, thì em là mới - Maggy trả lời và quay sang phía người lạ.
Bà này phải hơn 40, nàng nghĩ. Nhưng còn tươi tắn và đẹp, đầu hơi quá tròn trĩnh, giống như những người đàn bà ưa khoái lạc trong tranh của Fragonard, càng có tuổi càng béo ra.
- Chị là Paula Deslands - người đàn bà tuyên bố, vẻ quan trọng - Còn em, em tên gì?
- Maggy Lunel
- Maggy Lunel - ng đàn bà thong thả nhắc lại, như để nhấm nháp cái tên của nàng. Mắt Paula cận, màu nâu nóng. Maggy quan sát thấy vậy.
- Không tồi...Người ta có sự quyến rũ nào đó, một sự hăng hái nào đó. Cái đó có lẽ có thể tiến hành đựơc. Và rồi người ta lại có hai âm tiết chủ yếu, và, vì chị không biết có một Maggy nào khác hiện đang làm việc trong khu phố - chị biết tất cả mọi cái xảy ra ở đây - dù thế nào đi nữa, lúc này chị cũng tán thành.
Thật may cho em biết bao! Mà nếu không thì sẽ ra sao?
- Này, này người ta lại biết bắt bẻ nữa!
Cái mỉm cười của Paula cũng có nét.
- Em có vẻ chẳng sợ sệt gì, tuy là một người ở tỉnh lẻ.
- Một người ở tỉnh lẻ! - Maggy nóng giận nói - A, không, thế là đủ. Đây là lần thứ 2, hôm nay, em đã bị gọi là người tỉnh lẻ.
Mặc dầu chỉ biết 1 người Paris duy nhất là thầy Moreau, nàng cảm thấy việc là người tỉnh lẻ là một đề tài luôn luôn giúp vui cho những người có cái may mắn là sinh ra ở thủ đô nước Pháp.
- Nhưng cái đó thì rõ ràng như mũi ở giữa mặt, con chim bồ câu của chị ạ - Paula nói mà không xin lỗi - Cái đó không quan trọng. 90% người ở Montparnasse là những người tỉnh lẻ. Trừ có chị.
Paula rất tự nào về mình là người con của Montparnasse, bông hoa của vỉa hè, như ả thường nói, kèm với 1 cái thở dài lãng mạn. Ẳ là con gái của người bán khung tranh và đã lớn lên chỉ cách ngã tư, chỉ cách Vavin vài thước. Tất cả cái gì mà Paula biết, hay chả bao giờ muốn biết, về thiên nhiên, đều nằm sau hàng rào của khu vườn Luxembourg.
Những ngày thứ 2, khi cái quán ăn Quả táo vàng của ả đóng cửa. Paula tự hiến cho mình 1 cuộc la cà khắp trong khu Montparnasse và thu nhận tất cả những chuyện ngồi lê đôi mách mà ả không đựơc nghe trong suốt tuần làm việc. Những ngày khác, ả đón tiếp những người nghệ sĩ và những người sưu tầm đã nuôi sống và làm nên danh tiếng cho cửa hàng của ả. Paula Deslanges là một người có khiếu kể chuyện. Ẳ chịu khó thu nhặt những mẩu tin đây đó để xây dựng thành một câu chuyện có đầu có đuôi, có tình tiết.
- Nào, Maggy Lunel, chuyện với Mercues sáng nay không xuôi lọt lắm, phải không?
- Sao chị biết? - Maggy kêu lên, lúng túng - Mới lần đầu tiên chị gặp em.
- Mọi câu chuyện đều lan đi rất nhanh trong khu phố - Paula trả lời, vẻ tự phụ.
- Nhưng...ai đã nói với chị?
- Vava. Hắn đã đến nhà Mercues ngay sau khi cái gã đểu cáng ấy đuổi em đi, em bé khốn khổ của chị à. Và, rõ ràng là Vava không thể không vui thú mang chuyện này kể gắp. Đó là cái tật ngồi lê đôi mách của hắn, như chị vẫn thường bảo thế. Không hề gì - ả vội nói thêm khi thấy Maggy đỏ bừng mặt - không nên coi đó là nghiêm trọng, những bước đầu trong nghề có bao giờ dễ dàng đâu, em biết đấy.
Maggy thôi không nghe ả nữa. Hai người đàn bà và 3 người đàn ông vừa mới vào ngồi ở chiếc bàn giữa phòng. Nàng nhận ra Kiki ở Montparnasse đang huých khuỷ tay vào cô bạn và hất cằm để chỉ Maggy cho cô này.
- Lại là con này. Mình chỉ còn thiếu có thế thôi - Maggy thì thầm.
- Tại sao em nói thế? Kiki có liên quan gì đến em?
- Nó đã chửi em sáng nay ở ngoài phố.
- À,à! Thật sao? -Paula thì thào, dáng suy nghĩ
- Chẳng có gì là lạ - Maggy đối lại, giọng ráo hoảnh, tức tối vì cái vẻ trầm ngâm của Paula.
- Không, chẳng có gì là lạ, nhưng mà hay đấy. Con đĩ ấy chẳng bao giờ quá hạ cố để chửi người khác đâu. Thế là nó phát hiện ra em rồi...này, phải nhận ra là nó có con mắt tinh đời.
- Chị biết nó à?
- Có, tất nhiên. Chúng ta ra khỏi đây thôi. Có mùi khó ngửi, đột nhiên...Chị mời em ăn trưa, một bữa ra trò. Đi, tối vừa rồi chị đã chơi pocơ, thắng Zborowski, lão chủ hàng buôn, ba trăm phrăng. Thôi đừng bận tâm gì về con ác mỏ ranh ấy. Hãy quên nó đi. Ta sẽ đi ăn món salic ở cửa hàng Donminique.
- Salic? Salic là cái gì hả chị? Dù sao thì em cũng đói lắm rồi. Lúc nào em cũng thấy đói.
Maggy đứng lên, mong rời tiệm Select cho nhanh. Paula nhìn cô gái vươn cái cơ thể cao 1m7 lên và nhíu mắt.
- Trời ơi, phải cả một thực đơn đầy đủ thì mới thoả mãn cô em đựơc. Không sao, đi nào, ở đằng ấy bao giờ cũng rất đông người, nhưng rồi họ sẽ tìm đựơc cho chúng ta một cái bàn - Ẳ kéo Maggy ra khỏi tiệm coffee, không 1 lần liếc nhìn về Kiki.
Phố Brea. Paula mở một cánh cửa nom như là cửa hiệu bán thịt. Đủ các món nhập khẩu của Nga bày la liệt ở mặt cửa hàng. Họ vào một gian phòng nhỏ trần thấp, màu đỏ, có 1 cái quầy bằng đá hoa.
Cả hai ngự trên những chiếc ghế đẩu và Paula gọi các món rồi nghiêng về phía Maggy.
- Em hãy kể cho chị nghe về em đi. Nhưng hãy nhớ rằng, nếu em giấu một cái gì đó, chị sẽ biết ngay.
Maggy ngần ngừ, không biết nên bắt đầu ra sao. Trong 17 năm qua, chưa hề ai yêu cầu nàng như vậy. Ở Tours, nơi nàng vẫn sống, mọi người đều biết những gì cần biết về nàng. Nàng sẽ che đậy sự thật đi chăng? Nhưng một cái gì đó trong cái nhìn thẳng thắn đáp lại. Maggy cũng cần tâm sự với 1 người nào đó, như cần ăn uống. Nàng hít lấy hơi để kể cho chóng xong.
- Điều ghi dấu ấn nhất trong đời em là bố em đã mất vì bệnh đậu mùa một tuần lễ trước ngày cưới mẹ em. Nếu ông còn sống, em chỉ là đứa đẻ non chứ không phải 1 đứa con hoang.
- Quả thế thật! Nhưng những cái ấy vẫn xảy ra trong nhiều gia đình.
- Nhưng không ở trong những gia đình Do Thái đáng kính. Em là đứa con hoang duy nhất trong tập thể Do Thái ở Tours và luôn luôn có người nhắc em điều đó.
- Nhưng sao mẹ em không bỏ đi xa? Bà có thể sống 1 nơi nào khác và khai là chồng chết như nhiều đàn bà khác vẫn làm.
- Mẹ em đã chết khi sinh em. Bác gái Esther vẫn giận mẹ em là trốn trách nhiệm và không dám nhận cái hạnh kiểm tai tiếng của mình.
- Hay! Thật là những tình cảm dễ mến! Chính bà bác dễ thương ấy đã nuôi em à?
- Không, em đã sống với bà ngoại cho đến khi bà mất, cách đây 4 tháng. Bà em thật đáng kính. Bà luôn luôn chế giễu bác Esther, và bác vẫn tiếp tục khẳng định là chẳng chóng thì chầy em sẽ phải trả giá cho sự ra đời nhục nhã của mình. Chính bà em đã gọi em là Magali. Đó là cái tên đầu của phụ nữ mà gia đình bà em rất thích. Nhưng mọi người gọi em là Maggy. Họ Lunel trước kia ở vùng Provence đã đến sinh sống ở Tours sau cuộc Cách Mạng. Tiếng vùng Provence, Magali có nghĩa là Marguerite.
- Vậy là em gốc miền Nam?
- Vâng, và cả đằng bố em nữa, ông tên là David Astrue. Astrue tiếng Provence có nghĩa là "có số may". Nhưng con người khốn khổ đó không thể xem là đựơc số phận nuông chiều. Bà em vẫn thường kể em nghe những chuyện về gia đình để kích thích tinh thần cho em mỗi khi em bị những đứa trẻ khác gọi là con hoang. Bà đã cho rằng bố mẹ em có sai lầm chăng nữa thì họ cũng là dòng giống của một gia đình Do Thái đã sinh sống ở Pháp từ nhiều thế kỷ, "trước cả những đoàn thập tự chinh rất lâu", và em phải lấy đó làm niềm tự hào.
- Thế sau khi bà mất thì sao? Paula hỏi, vui thích vì cái ý nghĩa cảm động vinh quang đã mất.
- À, đây là chuyện tại sao em lại đến đây, tại sao em lại rời bỏ Tours và tại sao em không bao giờ đặt chân lên đất ấy nữa. Bác gái em đã vội vã tìm cách rũ bỏ em. Đám tang chưa xong đựơc bao lâu thì việc săn chồng cho em bắt đầu. Không phải ở Tours, tất nhiên là thế. Ở đấy thì em bị xem là một đứa con hoang, nhưng ở những thành phố khác. Cuối cùng bác đã tìm thấy cho em một gia đình ở Lille có người con trai nom tệ đến mức chẳng thể nào làm cho một cô gái dù xấu xí nhất chịu hài lòng. Và họ đã thu xếp đám cưới - Bằng một cử động mạnh, Maggy hất tóc về phía sau - Một đám cưới sắp đặt, hiện nay...trong thời đại chúng ta! À, vâng, cái đó vẫn còn! Ngay khi biết tin đó, em quyết định trốn đi.
Nàng ngừng lại một lúc để ăn nóng món cừu non ướp. Nàng nhớ lại cái ngày mà sự chống đối của nàng không còn là ý định mới chớm. Nàng có đựơc ít tiền để dành - khoảng 500 phrăng - của bà ngoại cho. Nàng đã tiêu mất 300 trong những cửa hàng lớn ở phố Bordeaux. Nàng đã có 1 cái va li rẻ tiền, mấy cái váy và ít áo sơ mi. Sự ngông cuồng duy nhất của nàng là sắm ba đôi tất lụa dài: chẳng lẽ đến Paris mà đi tất vải bông?
- Như vậy, tóm lại - Paula nói- là em còn trinh, một cô gái Do Thái đẹp và mồ côi.
Maggy bật cười. Trong tranh tối tranh sáng của quán ăn, hàm răng tuyệt vời và đôi mắt màu lục của nàng ánh lên.
- Có thể nói, từ trước đến nay chưa hề có ai khen là em đẹp. Kể cả còn trinh.
- Em như thế chứ?
- Tất nhiên là như thế rồi - Maggy trả lời hoảng hốt.
Nàng đã qua một thời trẻ chạy đua với bọn con trai, nhất là trèo cây và sống bừa bãi.
- Như thế lại hơn - Paula nói - Ít nhất là trong lúc này. Em còn có cả cuộc đời trước mặt, và đó là cách tốt nhất để chinh phục Paris.
Paula đã biết nhiều thế hệ con gái ở Montparnasse. Ẳ đã trông thấy nhiều cô ngự xe Bugatti với những nhà triệu phú và không bao giờ quay lại nữa, và ả đã trông thấy số khác chết chỉ trong 1 tuần lễ vì bệnh giang mai cấp tính. Một số lấy chồng nghệ sĩ và trở thành những bà nội trợ tốt, số khác thành những mụ ác mỏ. Nhưng chưa bao giờ ả tin rằng 1 ngày nào đó sẽ gặp một cô gái có tương lai hứa hẹn như Maggy Lunel.
- Đấy, em đã kể hết cho chị rồi đấy, chỉ trừ là em đã trải cái bước đầu tệ hại nhất mà không ai tưởng tượng nổi.
Không có gì, kể cái dạ dày cuối cùng đã đầy và vẻ chú ý lắng nghe làm vui lòng người kể của Paula, không có gì làm cho nàng quên đựơc cái buổi ngồi làm người mẫu vẽ tai hại cho Mercues.
- Hãy nghe chị, em nhỏ của chị, hãy quên Mercues và tính khí mất dạy của hắn. Vava cho hắn là 1 tài năng thì tại sao hắn không bán đựơc tranh? Một tài năng không có khả năng đến ăn 1 bữa ở quán của chị?
Rõ ràng là qua cái thước ấy mà Paula đã đo tài năng của mọi người.
- Cái đứa ấy, con Kiki de Montparnasse, có ăn ở quán chị không? - Maggy tò mò hỏi.
- Chẳng bao giờ nó dám bước qua ngưỡng cửa nhà chị! Tên nó không phải là Kiki de Montparnasse, tất nhiên là thế rồi, mà là Alice Prin, nó mới lắm tham vọng làm sao chứ! Nếu người ta biết là nó không hề sinh ra ở Paris!- Paula thốt lên với 1 cái bĩu môi kinh tởm.
- Người ta bảo em: nó là bà chúa của những người mẫu.
- Láo đấy. Mọi người chẳng biết gì về chuyện ấy cả. Chị, chị đã từng là bà chúa của những người mẫu. Mà cách đây không lâu! NhưngAlice Prin thì không bao giờ! Còn xa!
Paula mím môi. Đối với ả, thật khó giải thích cho cô bé Maggy ngây thơ rằng cái con đĩ đựơc gọi là Kiki cướp của ả không chỉ một, mà là nhiều người tình, và con đĩ ấy đã khoe khoang những chuyện ấy khắp Montparnasse.
- Tại sao nó bỉ ổi như thế đối với em, là người chẳng bao giờ làm gì nó cả? - Maggy hỏi.
- Nó rất ư tự phụ về mình đến nỗi phải chế nhạo mọi người phụ nữ mà nó gặp. Nhưng cái nhóm người ngưỡng mộ nó chẳng có sức nặng gì đâu. Nghe chị đây này, Maggy, em chẳng giống ai trên thế giới này cả. Em sinh ra để đựơc vẽ.
- Sinh ra?
Maggy ngừng lại. Những lời nói của Paula đựơc nói với một uy tín lớn đến nỗi nàng không thốt lên đựơc lời nào nữa.
- Phải, sinh ra. Cũng như chim sinh ra để hót, ong để hút nhuỵ và gà để bị ăn thịt. Cái việc bôi nhọ em ở chợ người mẫu ấy không thành vấn đề, em hiểu không? Chị sẽ giới thiệu em với những hoạ sĩ có thể trả tới 15 phrăng mỗi buổi làm người mẫu, ba giờ. Tất cả bọn họ đều là bạn thân của chị. Tiện đây hỏi luôn, Mercues có trả tiền em không? Không, tất nhiên là không, cái đó chẳng làm chị ngạc nhiên. Nhưng, bắt đầu từ bây giờ, em phải làm việc với giá cao nhất. Tất nhiên là em phải học một hai điều nhưng không có cái gì mà chị không bảo đảm đựơc. Và điều cần thiết là em phải đồng ý bỏ quần lót đi. Rồi em sẽ thấy như thế rất tốt. Em biết không, các hoạ sĩ có thói quen của họ. Dù chúng ta nghĩ gì về cái ấy, thì họ vẫn cần đến chúng ta nhiều hơn là chúng ta cần họ.
- À, vâng - Maggy nói ngạc nhiên.
- Tất nhiên là thế. Một hoạ sĩ không có người mẫu thì chẳng có gì cả. Chị sẽ nhận quảng cáo cho em. Nhưng hãy chú ý không phải chỉ do tốt bụng đâu. Chị muốn rằng em sẽ nghiền nát con rệp kia, cái con Alice Prin đáng tởm đã vênh váo nghĩ rằng nó đã thay thế chị vì tuổi trẻ của chị đã bay biến mất và chị đã nẩy ra 2,3 cân. Một ngày nào đó, rồi nó cũng sẽ từ giã tuổi trẻ của nó, và cả em nữa, con chim bồ câu 17 tuổi của chị ạ. Vậy em nghĩ thế nào, Maggy?
Nàng chưa kịp trả lời thì Paula đã giơ 1 tay lên ra hiệu phải coi chừng.
- Em có chắc làm nổi việc ấy không? Vì chị không muốn mất thì giờ của chị. Đó là 1 công việc chán ngắt. Em sẽ có lúc buồn hay vui, và giữ đựơc dáng ngồi làm mẫu là rất khó khăn chứ chẳng dễ như người ta nhầm tưởng. Có những ngày người ta phát khóc lên đựơc vì mệt mỏi, nhưng không thể lộ ra cho khách hàng. Chỉ sau mỗi nửa giờ người ta mới đựơc động đậy. Vậy là chúng ta sẽ làm cho con Alice Prin phải hối hận về những lời chửi rủa của nó không? Chúng ta có phản công không?
- Ồ, có chứ!
Trong lúc hăng hái, Maggy gạt rơi chén trà của nàng xuống sàn. Đột nhiên giấc mơ thủa nhỏ của nàng lại hiện ra, trong tầm tay với. Nàng có cảm tưởng như chỉ cần dang đôi cánh tay là ôm đựơc Paris.
Người Đàn Bà Vùng Gió Người Đàn Bà Vùng Gió - Judith Krantz Người Đàn Bà Vùng Gió