Mùa Tôm epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần I - Chương 1
nh này, bố em sắp tậu một chiếc thuyền đánh cá và một bộ lưới, thế là nhà em sẽ có thuyền và lưới riêng.
- Vận may đến với gia đình em đấy, Karuthamma ạ!
Karuthamma không biết trả lời ra sao. Một lúc sau, cô nói:
- Nhưng nhà em không dủ tiền. Anh cho vay một ít nhé!
- Anh đào đâu ra tiền? - Parikutti nhún vai.
Karuthamma cười.
- Vậy sao anh được gọi là cậu Muthalali [1]?
- Gọi thế làm gì, em!
- Thế gọi anh là gì?
- Là Parikutti.
Karuthamma bắt đầu nói: “Pari..” rồi dừng lại cười khanh khách. Parikutti muốn cô đọc hết tên mình. Nhưng Karuthamma nén cười, lấy vẻ nghiêm trang: “Không đâu”, cô lắc đầu.
- Em không thể gọi anh như vậy.
- Thế anh cũng sẽ không gọi em là Karuthamma nữa.
- Thì anh gọi em bằng gì nào?
- À, sẽ gọi em là chị hai Marakkhan [2].
Karuthamma lại cười. Chàng trai cũng cười theo.Hai người cứ thế cười, cười mãi, tưởng như họ không kìm nổi mình nữa.
- Thôi được. Khi nào gia đình chị hai có thuyền và lưới rồi, liệu chị hai có nói với cha bán cá cho anh không?
- Có chứ, anh cứ trả giá cao vào thì nhà em sẽ bán cho anh. - Karuthamma nói.
Họ lại cười như nắc nẻ.
Có gì trong câu chuyện khiến đôi trai gái cười nhiều đến thế? Những lời đối đáp của họ ý nhị ư? Hay cả những điều thường tình nhất cũng có vẻ ngộ nghĩnh?
Karuthamma cười đến giàn giụa nước mắt. Hổn hển, cô nói:
- Thôi, cậu Muthalali, đừng chọc em cười nữa.
- Thì em cũng đừng chọc anh nữa.
- Ôi, cậu...
Hai người lại cười. Họ cười tưởng như đang cù nghịch nhau. Kiểu cười ấy có khi kết thúc trong nước mắt.
Bỗng Karuthamma nghiêm sắc mặt. Mặt cô đỏ sậm. Cô có vẻ bực mình giận dỗi.
- Đừng nhìn em như thế!
Cô vùng ra xa Parikutti, khoanh tay trước bộ ngực để trần và quay đi. Cô nhận ra người cô chỉ che mỗi một mảnh vải.
- Sao lại thế, cậu Muthalali?
Bỗng có ai đó trong nhà gọi Karuthamma. Chakki, mẹ cô đã đi chợ về rồi, Karuthamma chạy ào về nhà. Parikutti nhận ra cô đã ỏ về giữa lúc bực tức. Anh ân hận, Karuthamma cũng cảm thấy cô đã nói một câu gì hơi quá đáng. Có thể Prikutti đã bị xúc phạm.
Chưa bao giờ cô cười như thế trước mặt Parikutti hay bất kỳ ai khác. Cô có một cảm giác thật lạ thường, tưởng như không thở được, như thể lồng ngực cô muốn vỡ ra. Lúc bấy giờ, cô cảm thấy mình đứng tràn tụi trước mặt anh. Cô những mong có thể tan biến đi trước con mắt anh. Chưa bao giờ cô có cảm giác như thế.
Bộ ngực Karuthamma là biể tượng tuổi thanh xuân đầy nhựa sống. Nhìn cô, dừng ánh mắt trên ngực cô, Parikutti cảm thấy mình bùn rủn cả chân tay. Có phải vì thế mà tiếng cười đã tắt đi chăng?
Karuthamma chỉ có mỗi một mảnh vải quấn quanh thân. Bên trong, cô không mặc gì. Mà mảnh vải ấy lại mỏng tang.
Parikutti đâu khổ thấy Karuthamma đã giận dỗi bỏ đi. Thái độ anh có gì đáng trách không? Liệu cô còn đến với anh nữa không?
Anh phải cầu xin cô tha thứ. Anh sẽ không lập lại cử chỉ không đúng đắn ấy nữa.
Hai người phải xin lỗi nhau.
Hồi còn là một cô bé bốn tuổi, Karuthamma thường ra bãi biển nhặt vỏ trai và cá nhép mà những người đánh cá rũ khỏi lưới. Một hôm, cô bé Karuthamma có một người bạn nhỏ đến cùng chơi. Karuthamma còn nhớ rất rõ hôm cậu bé Parikutti đến làng Niakunnam lần đầu tiên. Parikutti mặc quần dài, áo sơ-mi vàng, cổ quàng khăn lụa và đầu đội mũ có núm bông, tay cứ níu chặt lấy bố. Hai bố con Parikutti dựng một nhà sấy cá chếch về mé phía nam nhà cô. Nhà sấy cá ấy nay vẫn còn, và cậu thanh nhiên Parikutti bây giờ đã trở thành cậu chủ cơ sở ấy.
Hai đứa trẻ cạnh nhà nhau đã lớn lên bên nhau tại làng chài ven biển.
Nhóm xong lửa trong bếp, Karuthamma ngồi nghĩ mơ màng về những ngày vui sướng ấy. Vừa lúc lửa sắp lụi thì mẹ cô bước bào nhà, bà lấy chân thúc nhẹ Karuthamma. Cô giật mình bừng tỉnh.
- Ngồi đấy mà nghĩ gì thế hả? - Chakki gắt.
em gái Karuthamma là Panchimi liền mách:
- Mẹ ơi, chị Karuthamma đứng đằng sau thuyền ở ngoài bãi cười thi với cậu Muthalali đấy, mẹ ạ.
Karuthamma đỏ mặt. Đó là chuyện thầm kín tội lỗi của cô. Bây giờ nó đã bị lộ.
Panchami chưa thôi:
- Mẹ ơi, giá mẹ được nghe hai người cười với nhau!
Rồi Panchami giơ ngón tay dứ dứ về phía Karuthamma như muốn bảo: “Chị mà tìm cách đánh lừa em thì sẽ bị như thế” rồi cô bé bỏ chạy.
Chả là Karuthamma đã bỏ đi chơi để Panchami phải ở nhà trông nhà. Bố của hai cô là Chemban Kunju cất giấu trong nhà một ít tiền để mua thuyền và lưới, nên ông dứt khoát bắt lúc nào cũng phải có người ở nhà, giờ cô bé trả thù chị.
Người mẹ không thể bỏ qua những lời Panchami vừa mách
- Tao vừa mới nghe chuyện gì thế hả? - Bà Chakki hỏi Karuthamma.
Karuthamma không biết nói sao.
- Mày có hiểu việc mày làm không?
Buộc phải trả lời mẹ, Karuthamma lắp bắp:
- Con chỉ đi chơi ngoài bãi biển.
- Ừ, thế đã xảy ra chuyện gì khi mày đi chơi ngoài bãi biển?
- Lúc đó, Muthalali đang ngồi ở trong thuyền.
- Có thế mà mày phải cười à?
Karuthamma tìm cách thanh minh:
- Con hỏi vay số tiền mà nhà ta còn thiếu để mua thuyền và lưới.
- Việc của mày đấy à?
- Hôm nọ bố mẹ chả bảo nhà ta phải hỏi vay cậu Muthalali là gì?
Nhưng những lời biện bạch của Karuthamma không đánh lừa được mẹ. Hồi bằng tuổi Karuthamma, trên bãi biển này, Chakki cũng đã từng thấy những người chủ Hồi giáo trong các nhà sấy cá. Và đằng sau những chiếc thuyền phơi mình trên bãi cát, những Muthalali trẻ tuổi thời bấy giờ hẳn cũng đã chọc ghẹo khiến Chakki phải cười. Nhưng Chakki là một cô giá lớn lên trong tập tục của cái làng chài này. Bà là người kế thừa một số chân lý lâu đời và một nếp sống chặt chẽ.
Khi người đánh cá đầu tiên chống chọi với gió to sóng cả ngoài biển khơi, một mình một chèo trên mảnh ván lênh đênh tận phía bên kia đường chân trời thì ở nhà người vợ dõi mắt nhìn ra biển, dốc lòng cầu nguyện cho tính mạng chồng được an toàn. Biển nổi sóng dữ dội. Hàng đàn cá voi ngoác miệng lừ đừ tiến lại. Hàng ngàn cá mập lo đến quật đuôi vào mạn thuyền. Một luồng nước hung dữ cuốn phăng con thuyền vào một xoáy nước ghê rợn. Nhưng kỳ diệu thay, người trai đánh cá lại thoát mọi hiểm nguy. Không những thế. Anh còn kéo về bờ một con cá rất lớn. Làm sao anh thoát được cơn bão? Và sao con cá voi lạ không nuốt chửng anh? Vì sao cá mập không quật chìm thuyền anh? Chiếc thuyền ấy vì sao lại có thể vượt qua xoáy nước? Vì đâu mà tất cả cơn hiểm nghèo ấy lại qua đi? Ấy là vì trên bờ có một nguồi phụ nữ trinh tiết và trong trắng đang hết lòng cầu nguyện cho tính mạng chồng mình ngoài biển cả.
Những người con gái ở biển hiểu sức mạnh của lời cầu nguyện và ý nghĩa của nếp sống ấy. Chakki cũng sống theo triết lý đó. Hồi Chakki bước vào tuổi thành niên có lẽ cũng có một Muthalali trẻ tuổi nào đó nhìn vào bộ ngực trần của bà. Nhưng chắc hẳn mẹ bà cũng đã dạy cho bà hiểu rõ sức mạnh của những lời cầu nguyện và nếp sống của những người con gái biển cả.
Không biết Chakki có thấu hiểu nõi lòng của con gái hay không, song bà nói:
- Con không còn nhỏ nữa. bây giờ con đã là một người phụ nữ dân chài rồi.
Những lời “chị hai Marakkan” của Parikutti lại văng vẳng bên tai Kruthamma.
- Ngoài biển rộng mênh mông kia, gì cũng có, con ạ - Chakki lại nói - cái gì ngoài biển cũng có hết. Con nghĩ xem, làm sao người đàn ông ra biển đanh cá lại trở về yên lành? Đó là vì người đàn bà ở nhà sống trong sạch. Nếu không thì các luồng nước hung dữ ngoài biển cả sẽ dìm họ. Tính mạng người đàn ông đi biển nằm trong tay người đàn bà trên bờ.
Đây không phải là lần đầu Karuthamma được nghe những lời nhắc nhở ấy. Ở làng chài này, hễ ba bốn người phụ nữ gặp nhau thì y như rằng người ta lại được nghe những lời răn như thế.
Nhưng cười với Parikutti thì có gì sai đâu? Cô chưa giữ gìn tính mạng của một ai đi đánh cá ngoài khơi. Khi nào cô có một cuộc đời cần phải giữ gìn thì cô sẽ hết lòng chăm nom bảo vệ nó. Cô biết cần phải làm những gì. Không cần ai phải dạy người phụ nữ dân chài làm điều đó cả.
- Con có biết tại sao có lúc biển đen sẫm lại không? - Chakki nói tiếp - Đó là lúc Nữ thần Biển nổi giận. Những lúc ấy Người sẽ hủy diệt tất cả. Còn những lúc khác, Người lại ban cho những đứa con của Người mọi thứ. Có vàng ngoài biển đấy, con ạ, có vàng đấy.
Đức hạnh rất quan trọng con ạ. Trong sạch, đức hạnh. Sức mạnh và của cải của người đánh cá trên biển quê ta phụ thuộc vào đức hạnh của người vợ.
Có một số Muthalali lại không đứng đắn đã làm ô uế cả bãi biển. Những người đàn bà thuộc các đẳng cấp thấp kém từ trong đất liền đến chọn cá, ướp cá tại các nhà sấy, họ cũng làm nhơ bãi biển. Họ không phải là con gái Nữ thần Biển, con ạ. Dân chài ta lại phải trả nợ cho những việc làm của họ.
Bụi cây trong làng và mui thuyền gác ngoài bãi, đó là những chỗ con phải coi chừng!
Hết sức nghiêm trang, Chakki nhắc con gái:
- Con không còn nhỏ nữa mà đang độ thanh xuân tươi tắn nhất. Các Muthalali trẻ tuổi và bọn con trai táo tợn trong làng, lấc xấc, vô đạo đức sẽ nhìn chằm chằm vào bộ ngực để trần của con với con mắt hau háu, con ạ.
Karuthamma rùng mình. Đó đúng là điều đã diễn ra dưới bóng thuyền. Sự bực bội của cô đối với Parikutti ban nãy có lẽ là một nhân tố di truyền từ đời này sang đời khác? Để cho kẻ khác nhìn chằm chằm vào bộ ngực trần của mình là trái với đạo đức những người con gái của Nữ thần Biển.
- Con ơi, con chớ để mình thành nguyên nhân gieo rắc tai họa cho cẩ làng chài đấy.
Karuthamma kinh hoàng.
- Nó không phải là con dân chài. Nó sẽ không coi trọng những gì ta tin đâu. - Chakki nói.
Đêm ấy, Karuthamma không chợp mắt được. Cô không giận Panchami đã tiết lộ chuyện thầm kín của cô. Em cô không có gì ác ý. Karuthamma thuộc về một cộng đồng có một luân lý riêng. Luân lý ấy đã được duy trì hàng trăm hàng nghìn năm nay. Có lẽ bây giờ cô nhận thức được điều đó. Cô chỉ lo nhỡ ra cô sa chân vào con đường lầm lỗi.
Bỗng nhiên, từ ngoài biển có thiếng hát vọng đến. tiếng hát chơi vơi ấy xóa nhòa ý thức về cái phải cái trái ở cô. Karuthamma lắng nghe. Parikutti đang hát. Anh không phải là người hát hay. Nhưng anh có cách nào khác nhắn với cô là anh đang ở đây.
Karuthamma xốn xang, thấy có cái gì đó thôi thúc trong lòng. Nếu cô ra với anh, anh sẽ nhìn vào bộ ngực trần của cô. Rồi anh sẽ xuống dưới bóng thuyền. mà đấy là nơi cô phải coi chừng. Parikutti không phải dân chài. Karuthamma nhớ đến lời mẹ dặn.
Nhưng anh lại đang hát một bài hát của dân chài. Cứ nghe mãi tiếng hát ấy, Karuthamma sợ cô sẽ chạy ra đấy mất. Con mắt đăm đắm của Parikutti, tưởng như nhìn xuyên suốt đời cô, đã làm cô rùng mình xao xuyến. Dẫu sao, cô chỉ là một con người bằng xương bằng thịt. Karuthamma nằm úp sấp mặt, áp ngực xuống nền nhà. Cô lấy tay bịt tai. Nhưng vẫn không bịt nổi tiếng hát kia.
Karuthamma giàn giụa nước mắt.
Cửa buồng có thể mở dễ dàng. Hoặc nó có thể tự nó bật mở. Nhưng cô đang sống trong bốn bức tường của một pháo đài không gì phá nổi. Đó là những bức tường cao dầy của nề nếp và những điều cấm đoán đối với những đứa con của biển đã tồn tại hàng bao thế kỷ nay. Nó là một pháo đài không cửa.
Nhưng da thịt con người lại không phá nổi pháo đài đó sao? Những bức tường ngăn cấm kia chẳng đã bị phá sập rồi sao?
Tiếng hát của Parikutti vẫn chơi vơi ngoài bãi biển. Bài hát được đặt ra không phải để quyến rũ con gái dân chài lén ra khỏi nhà ban đêm. Bài hát có nhịp điệu, giai điệu không phải đã hay. Giọng người hát cũng không thật đặc sắc, lôi cuốn. Nhưng nó có cái gì làm người ta náo nức. Anh buộc lòng phải nhắn cho cô hay là anh đang ngồi đây. Anh muốn cầu xin cô tha lỗi. Giọng Parikutti lạc hẳn đi vì cố hát mãi.
Karuthamma bỏ những ngón tay bịt tai ra. Ở buồng bên, cha cô đang nói chuyện với mẹ cô. Hai người đang bàn tính chuyện gì gay gắt lắm. Karuthamma lắng tai nghe. Cha mẹ cô đang nói chuyện với nhau về cô.
- Tôi biết rồi, bà không phải kể nữa. Tôi cũng là một thằng đàn ông. - Chemban Kunju nói.
- Đàn ông mà thế à? Ông tưởng là ông biết rồi hay sao? Người sẽ lầm đường lạc lối chính là con gái ông- Karuthamma nghe tiếng mẹ nói.
- Bậy nào. Tôi sẽ kiếm chồng cho nó trước khi xảy ra chuyện gì.
- Ông kiếm chồng cho nó bằng cách nào? Không có của hồi môn, ai thèm hỏi lấy nó?
- Bà nghe đây - Chemban nói, rồi ông bắt đầu vẽ ra kế hoạch của ông cho tương lai. Karuthamma đã được nghe kế hoạch này dễ đến hàng trăm lần.
- Được rồi. Ông cứ việc tậu thuyền và lưới của ông đi. - Chakki nói, giọng vừa buồn vừa giận.
- Tôi sẽ không cho ai chạm đến một đồng anna [3] nào trong số tiền ấy đâu. Đừng nghĩ sẽ rút ở đấy ra được tí gì để làm của hòi môn. - Chemban nói, giọng kiên quyết.
Chakki nổi giận:
- Rồi một thằng con trai Hồi giáo sẽ gây chuyện chẳng lành cho con gái ông, rồi ông xem.
Chemban lặng thinh. Ông có hiểu ý nghĩa câu đó không? Một lúc sau ông bảo:
- Tôi sẽ tìm cho nó một thằng con trai.
- Không cần của hồi môn à?
Chemban gật đầu.
- Chắc là một đứa ngu ngốc đần độn nào đấy thôi. - Chakki nói.
- Rồi bà sẽ thấy, bà sẽ thấy!
Không mảy may tin lời chồng, Chakki nói:
- Thà ông dìm chết con gái ông ngoài biển còn hơn.
Chemban rủa vợ.
- Thuyền lưới ấy ông sắm về cho ai? - Chakki hỏi.
Chemban không trả lời. Thuyền và lưới đánh cá là ước vọng cẳ đời ông. Ông không bao giờ đặt câu hỏi ông tậu thuyền và lưới cho ai hết.
Chakki gợi ý:
- Ông thấy thằng Velayiudan, con nhà Venlamanalin thế nào?
- Không, nó không được.
- Sao không được? Nó có gì đáng chê trách?
- Nó chỉ là một tên Marakkhan. Một tên Marakkhan không hơn không kém.
- Ông định tìm ai khác làm chồng con gái ông, nếu không gả nó cho một người thuộc đẳng cấp Marakkhan?
Chemban không biết cách nào trả lời.
Bên tai Karuthamma còn văng vẳng: “Một thằng con trai Hồi giáo sẽ gây chuyện chẳng lành cho con gái ông”. Cha cô không thấy hết sức mạnh của câu nói đó. Cô tưởng như tim mình vỡ ra. Một thanh niên Hồi giáo chẳng làm cô xốn xang rồi đấy sao?
Ở ngoài kia Parikutti vẫn đang hát.
Chú thích:
[1] Nguyên văn là Kochumuthalali. Muthalali nghĩa là “ông chủ”, chủ đất, chủ hiệu.. Kochu có nghĩa là nhỏ, trẻ tuổi. Muthalali là cách gọi thân mật những người Hồi giáo, nhất là những nhà buôn Hồi giáo..
[2] Marakkhan là đẳng cấp thấp nhất trong bốn đẳng cấp dân chài. Valia có nghĩa là người già.
[3] Đồng ana: bằng 1 phần 16 đồng rupi.
Mùa Tôm Mùa Tôm - Thakazhi Sinvasankara Pillai Mùa Tôm