Môt Ngày epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 3
rở lại cuộc sống
Thứ Bảy, ngày 15 tháng Bảy năm 1989
Wolverhampton và Rome
Phòng thay đồ dành cho nữ
Trường Tổng hợp Stoke Park
Wolverhampton
Ngày 15 tháng Bảy năm 1989
Chào “người đẹp”!
Cậu khỏe không? Rome thế nào? Thành phố vĩnh cửu(3) thì quả thật là rất đẹp, nhưng mình đã ở Wolverhampton hai ngày nay rồi nên giờ cũng cảm thấy khá là “vĩnh cửu” đây (dù mình có thể bật mí với cậu là bánh Pizza Hut ở đây ngon tuyệt, đúng là tuyệt vời.”
3. Rome còn được mệnh danh là Thành phố vĩnh cửu (Eternal City).
Kể từ lần trước gặp cậu, mình đã quyết định sẽ làm công việc mà mình đã kể với cậu, với Tổ hợp Nhà hát Sledgehammer ấy, và trong bốn tháng qua bọn mình đã lên kế hoạch, diễn tập và đi lưu diễn vở “Cruel Cargo” (Chuyến hàng nghiệt ngã), một kiệt tác do Hội đồng Nghệ thuật tài trợ, chủ đề nói về nạn buôn bán nô lệ được thể hiện thông qua một câu chuyện kể; với phần hát dân gian và kịch câm khá là bất ngờ. Mình gửi kèm một bản phô tô tờ rơi không được đẹp lắm để cậu hình dung ra đẳng cấp thật sự của nó.
Cruel Cargo là một vở kịch mang tính giáo dục kiểu TIE (hay ta còn biết đến với cái tên là Theatre-in-Education(4)) hướng đến thanh thiếu niên từ mười một đến mười ba tuổi - những đối tượng với tư tưởng kích động cho rằng nạn chiếm hữu nô lệ là Điều Xấu. Mình đóng vai Lydia, ừm, thật ra đó là VAI CHÍNH, một cô gái kiêu căng và hư hỏng, con gái Ngài Obadiah Grimm độc ác (có lẽ chỉ cái tên cũng đủ cho cậu biết ông ấy không phải là người tử tế?) và trong phân đoạn cao trào nhất của vở kịch, mình đã nhận ra rằng tất cả những thứ đẹp đẽ của mình, từ váy áo (mình chỉ vào chiếc váy) cho đến trang sức (cũng làm tương tự) đều được mua bằng máu và nước mắt của đồng loại (hu hu) và mình cảm thấy mình dơ bẩn (nhìn vào tay như thể NHÌN THẤY MÁU) dơ bẩn đến tận TÂM HỒN. Đó là một thứ cảm xúc rất mãnh liệt, mặc dù tối qua đã bị một vài tên nhóc làm hỏng khi chúng ném sô cô la Maltesers vào đầu mình.
4. Một công ty của Anh chuyên tổ chức các hoạt động nghệ thuật mang tính giáo dục.
Nhưng thật ra, nói một cách nghiêm túc, điều này cũng không tồi tệ đến thế, không phải trong hoàn cảnh ấy, mà không hiểu sao mình lại cay độc như vậy, có lẽ đó là cơ chế tự vệ. Thật ra, bọn mình nhận được phản hồi tốt từ đám trẻ xem kịch - những đứa không ném đá lên sân khấu, bọn mình đã tổ chức những buổi hội thảo cực kỳ gây phấn khích tại trường học. Mình đã rất bất ngờ khi thấy những đứa trẻ này, kể cả những đứa gốc Caribe, biết rất ít về di sản văn hóa cũng như nơi xuất thân của chúng. Mình cũng thích viết về điều đó và nó giúp mình thai nghén nhiều ý tưởng cho các vở kịch khác. Thế nên, mình nghĩ việc viết lách đó cũng đáng làm đấy chứ mặc dù cậu cho rằng mình đang lãng phí thời gian. Dexter à, mình thật sự nghĩ rằng bọn mình có thể thay đổi mọi thứ. Ý mình là họ có hàng tá rạp hát cấp tiến ở Đức trong thập niên 1930 và hãy xem sự khác biệt mà CHÚNG đã tạo nên. Bọn mình sẽ xóa bỏ định kiến về màu da ở miền tây trung du, dù phải tuyên truyền với từng đứa trẻ một.
Nhóm diễn viên của mình có bốn người. Kwame là Nô lệ Quý tộc, và cho dù trong kịch bọn mình diễn vai chủ tớ, bọn mình thật sự hòa hợp (mặc dù có một lần trong quán cà phê, mình bảo cậu ấy đưa mình bịch khoai tây chiên, cậu ấy nhìn mình như thể mình đang ÁP BỨC cậu ấy vậy). Nhưng cậu ấy là người tử tế và nghiêm túc trong công việc mặc dù cậu ấy khóc rất nhiều trong các buổi diễn tập, điều mà mình cho là hơi thái quá. Nếu cậu hiểu ý mình thì đúng là cậu ấy hơi mít ướt. Trong vở kịch có một cảnh yêu đương mãnh liệt giữa bọn mình, nhưng một lần nữa, cuộc sống không thể nào giống như nghệ thuật được.
Tiếp đến là Sid, người đóng vai ông bố Obadiah độc ác của mình. Mình biết suốt thời tuổi thơ cậu ấy chỉ toàn chơi trò crikê kiểu Pháp trên cánh đồng hoa cúc tuyệt vời khủng khiếp và cậu ấy không phải làm những việc tầm thường như xem ti vi, nhưng Sid đã từng khá nổi tiếng, trong một chương trình truyền hình có tên gọi là City Beat và cậu ấy chẳng buồn che giấu sự kinh tởm khi phải hạ mình diễn vai NÀY. Cậu ấy thẳng thừng từ chối diễn kịch câm vì cho rằng thật không xứng tầm khi phải diễn với một vật thể không thật sự tồn tại ở đó cho người khác xem, và mỗi một câu nói bắt đầu bằng “hồi tôi lên truyền hình” có nghĩa là cậu ấy đang nói “khi tôi hạnh phúc.” Sid đi tiểu trong chậu rửa mặt và có những chiếc quần bằng vải polyester trông phát sợ - thứ mà ta chỉ cần CHÙI thay vì giặt và tồn tại nhờ những miếng bánh nhân thịt bò tại các cửa hàng thực phẩm, còn mình và Kwame thì cho rằng cậu ấy thực sự là một kẻ phân biệt chủng tộc bí mật, nhưng ngoài điều đó ra thì cậu ấy đích thì là một người đàn ông rất rất đáng yêu.
Và còn có Candy, à Candy. Cậu sẽ thích Candy cho mà xem, cô ta ngọt ngào đúng như tên gọi. Cô ta đóng vai Người hầu hỗn xược, một Chủ điền trang và Ngài William Wilberforce, Candy đẹp, có tâm hồn và, dù mình không tán thành từ này lắm, rất lẳng lơ. Cô ta cứ luôn hỏi mình là thật sự mình bao nhiêu tuổi và rằng mình trông mệt mỏi, rằng mình sẽ xinh ra phết nếu mình đeo kính áp tròng, dĩ nhiên và MÌNH RẤT THÍCH điều này. Cô ta rất háo hức thể hiện cho mọi người thấy rằng cô chỉ làm điều này để nhận được Thẻ thành viên của Hiệp hội Diễn viên Hollywood và giết thì giờ trong lúc đợi được một nhà sản xuất Hollywood phát hiện ra khi người này tình cờ đi ngang qua Dudley vào một buổi chiều thứ Ba ẩm ướt để tìm kiếm tài năng của TIE. Diễn xuất là chuyện tầm phào phải không? Khi bắt đầu làm việc cho Tổ hợp nhà hát Sledgechammer, bọn mình thật sự háo hức muốn thiết lập nên một tập thể nhà hát tiên tiến không chứa đựng những tư tưởng đại loại như cái tôi - danh vọng - xuất hiện trên ti vi - thể hiện cái tôi - phô bày mấy chuyện nhảm nhí, và mang tính chính luận đầy phấn khích. Có thể đối với cậu, tất cả những điều đó nghe thật ngớ ngẩn, nhưng đó là những gì bọn mình muốn làm. Nhưng vấn đề với những tập thể theo chủ nghĩa bình dân chủ nằm ở chỗ ta phải lắng nghe mấy kẻ ưa kiếm chuyện như Sid và Candy. Mình sẽ chẳng than phiền nếu như cô ta có khả năng diễn xuất, nhưng chất giọng vùng Đông Bắc của cô ta thật không thể chịu được, giống như đang bị nghẹn ấy, và còn một điều này nữa là cô ta mặc đồ lót để khởi động trước khi tập yoga. Điều này thu hút sự chú ý của cậu phải không? Đó là lần đầu tiên mình nhìn thấy có người mặc đồ lót liền làm động tác Tôn thờ thần Mặt trời. Làm vậy là không đúng phải không? Lão Sid tội nghiệp còn không nhai nổi miếng thịt bò nấu cà ri, cứ há hốc miệng lên nhìn. Cuối cùng khi cô ta phải chịu mặc thêm đồ vào để lên sân khấu, thì thế nào cũng có một đứa trẻ bên dưới huýt sáo trêu chọc hoặc làm một tiếng động tương tự, và sau đó, khi đã yên vị trên xe buýt, cô ta luôn làm ra vẻ thật sự bị xúc phạm và làm như một nhà nữ quyền. “Mình ghét lúc nào cũng bị đánh giá qua vẻ bề ngoài. Cả đời mình luôn bị phê phán vì khuôn mặt quá xinh đẹp và cơ thể trẻ trung săn chắc,” cô ta vừa nói vừa chỉnh lại đai tất, giống như đó là một vấn đề CHÍNH TRỊ to lớn, giống như bọn mình đang dựng lại một vở kịch kể về cảnh ngộ của những người phụ nữ bị nguyền rủa do có bộ ngực đồ sộ. Không hiểu mình có đang cường điệu hóa chuyện không nữa? Cậu đã mê cô ta chưa? Có lẽ mình sẽ giới thiệu với cậu khi cậu trở về. Mình có thể hình dung được vẻ mặt cậu lúc đó, bạnh quai hàm ra, nghịch môi rồi hỏi về sự nghiệp của cô ta. Có lẽ, tốt hơn hết là mình sẽ không giới thiệu cậu...
Emma Morley úp lá thư xuống khi Gary Nutkin bước vào, gầy trơ xương và đầy lo lắng, và đó là lúc vị đạo diễn kiêm đồng sáng lập viên của Tổ hợp Nhà hát Sledgehammer này tiến hành trao đổi chuẩn bị cho buổi diễn. Phòng thay đồ tập thể không còn là phòng thay đồ nữa mà chỉ là phòng dành cho nữ tại một trường tổng hợp nội thành, nơi thậm chí cuối tuần vẫn còn vương mùi trường học: chất kích thích tố, nước xịt xà phòng màu hồng, những chiếc khăn tắm mốc meo.
Ngay lối vào, Gary Nutkin hắng giọng; khuôn mặt nhợt nhạt và nhẵn nhụi, cúc áo trên cùng của chiếc sơ mi đen được cài chặt, biểu hiểu của phong cách George Orwell(5). “Các bạn ạ, tối nay rất đông! Gần nửa nhà hát, không phải là tệ, xét đến!” mặc dù xét đến cái gì thì anh ta không nói, có lẽ vì mất tập trung bởi Candy đang biểu diễn màn lắc hông trong bộ váy liền thân chấm bi. “Hãy cùng mang đến cho họ một màn trình diễn tuyệt vời đi các bạn. Hãy cùng khiến cho mọi người kinh ngạc!”
5. George Orwell (1903-1950): Tên thật là Eric Arthur Blair, là một nhà văn và phóng viên người Anh.
“Mình chỉ muốn đập chết bọn họ,” Sid làu bàu, vừa nhìn Candy vừa nhặt mấy mẩu vụn bánh mì. “Gậy đánh crikê có gắn đinh, bọn khốn.”
“Làm ơn suy nghĩ tích cực chút đi Sid,” Candy dài giọng.
Gary tiếp tục, “Hãy nhớ là luôn duy trì vẻ tươi trẻ, luôn gắn kết, luôn sôi nổi, thể hiện lời thoại như thể đó là lần đầu tiên bạn diễn và quan trọng hơn cả là đừng để khán giả dọa dẫm hay kích động các bạn dưới bất kỳ hình thức nào. Tương tác là điều cần thiết nhất. Không được trả đũa. Đừng để họ khiến các bạn tức giận. Đừng để họ đạt được điều đó. Còn mười lăm phút nữa nhé!” Nói xong, Gary bước ra và đóng cửa phòng lại, chẳng khác nào một tên cai ngục.
Bây giờ là lúc Sid bắt đầu khởi động buổi tối, một tràng tụng niệm tôi-ghét-công-việc-này-tôi-ghét-công-việc-này. Ngồi cạnh cậu ta là Kwame, cởi trần với dáng vẻ đau khổ trong chiếc quần rách tả tơi, hai tay khoanh vào kẹp dưới nách, đầu ngửa ra sau, trầm tư suy nghĩ hoặc có lẽ đang cố kìm nén không phải để hét lên. Bên trái Emma, Candy đang hát những ca khúc trích từ vở Những người khốn khổ bằng chất giọng nữ cao, mỏng, đứng bằng mũi ngón chân mà cô ấy đã có được nhờ mười năm múa ba lê. Emma quay lại ngắm mình trong chiếc gương đã nứt, xoắn hai ống tay áo bồng của chiếc đầm dài thời Victoria lên, tháo kính và buông một tiếng thở dài kiểu Jane Austen.
Năm vừa qua là một năm đầy những thất bại, lựa chọn sai lầm, và những dự án bị lãng quên. Cô đã từng đảm nhận vai trò giọng nữ trầm trong một nhóm nhạc nữ được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như Throat, Slaughterhouse Six và Bag Biscuit, ngay cả cái tên còn chưa quyết định được chứ đừng nói đến định hướng âm nhạc. Làm việc ở một hộp đêm nơi không ai buồn đặt chân đến, cuốn tiểu thuyết thứ hai cùng chung số phận, vài công việc mùa hè khốn khổ như bán khăn cashmere và khăn choàng kẻ cho khách du lịch. Vào thời kỳ khốn khổ nhất của mình, cô đã tham gia một khóa đào tạo kỹ năng làm xiếc cho đến khi thực tế chứng minh rằng cô chẳng có chút tài nghệ làm xiếc nào hết cả. Mấy trò nhào lộn đu quay này không phải là giải pháp cho cuộc sống khốn khổ của cô.
Chương trình Second Summer of Love(6) được quảng cáo rầm rộ là một trong những chương trình nhàm chán và vô bổ. Ngay cả thành phố Edinburgh thân yêu của cô cũng bắt đầu khiến cô thấy buồn chán. Sống trong khu đại học mà cô có cảm giác như mình đang nán lại một bữa tiệc khi mọi người đã về hết, và vì thế vào tháng Mười, cô đã từ bỏ căn hộ tai phố Rankeillor và chuyển về sống cùng bố mẹ suốt một mùa đông dài ẩm ướt với những lời buộc tội nhau, những tiếp dập cửa phòng và những chương trình truyền hình buổi chiều trong ngôi nhà dường như càng ngày càng trở nên chật chội hơn bao giờ hết. “Nhưng con được nhận bằng danh dự hạng nhất mà! Chuyện gì đã xảy ra với tấm bằng của con vậy?” mẹ cô hỏi mỗi ngày, cứ như thể tấm bằng của Emma có một sức mạnh siêu phàm mà cô bướng bỉnh không đem ra sử dụng. Em gái cô, Marianne, cô y tá có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và một bé gái mới chào đời, thường xuyên ghé chơi mỗi tối chỉ để hả hê nhìn thấy cô con gái vàng của bố mẹ đang bị bẽ mặt.
6. Một chương trình âm nhạc tại Anh vào thập niên 1980.
Nhưng thỉnh thoảng còn có Dexter Mayhew. Vào ít ngày ấm áp cuối cùng của mùa hè sau lễ tốt nghiệp, cô đã đến thăm ngôi nhà xinh đẹp của gia đình cậu hay nói đúng hơn đó là một tòa biệt thự tại Oxfordshire. Tòa nhà rất rộng, được xây vào thập niên hai mươi với những tấm thảm đã bạc màu, những bức tranh trừu tượng khổ lớn treo trên tường, và đồ uống dùng kèm với đá. Trong khu vườn rộng bát ngát thơm mùi cây cỏ, họ đã trải qua một ngày dài chậm chạm hết ở hồ bơi rồi lại đến sân tennis, và đây là lần đầu tiên trong đời, cô được nhìn thấy những thứ không phải do chính quyền địa phương xây dựng nên. Ngả người lên những chiếc ghế mây, uống rượu gin, nước tăng lực và ngắm nhìn khung cảnh xung quanh, cô đã nghĩ về cuốn Đại gia Gasby. Dĩ nhiên là cô đã làm hỏng không khí đó, cô trở nên căng thẳng và uống quá nhiều rượu tại bữa tối, lại còn hét vào mặt bố của Dexter - một người rất chừng mực và biết lý lẽ - về Nicaragua, trong khi đó Dexter luôn nhìn cô với ánh mắt vừa chán nản vừa trìu mến, như thể cô là một chú cún con vừa làm bẩn tấm thảm trải sàn. Có thật sự là cô đã ngồi vào bàn ăn và ăn thức ăn của họ rồi gọi bố cậu ấy là người theo chủ nghĩa phát xít? Đêm hôm đó, cô nằm trong căn phòng ngủ dành cho khách với tâm trạng bàng hoàng, nuối tiếc, chờ đợi tiếng gõ cửa nhưng rõ ràng điều đó không bao giờ xảy ra; thế là những khoảnh khắc lãng mạn đã tiêu tùng vì những kẻ Nicaragua theo đảng Sandinistas, mà họ thì khó có khả năng biết ơn cô về điều đó.
Họ gặp lại nhau ở Luân Đôn vào tháng Tư, tại bữa tiệc sinh nhật lần thứ hai mươi ba của một người bạn chung có tên Callum, cùng nhau trải qua một ngày tiếp theo tại Kengsington Gardens, uống rượu bằng chai và trò chuyện không ngớt. Rõ ràng, cô đã được tha thứ, nhưng cả hai cũng bắt đầu bước vào giai đoạn thân mật đáng bực mình của tình bạn; ít ra là đáng bực mình đối với cô, nằm trên thảm cỏ xanh ngát, tay họ gần chạm nhau khi cậu bắt đầu kể về Lola, cô gái tuyệt vời người Tây Ban Nha mà cậu đã gặp trong lần trượt tuyết trên núi Pyrenees.
Và rồi cậu lại lên đường, đi đây đó để mở mang đầu óc. Trung Quốc hóa ra lại quá xa lạ và mang tư tưởng quả là mới mẻ đối với Dexter, nên thay vào đó, cậu đã thực hiện chuyến đi nhàn nhã kéo dài một năm trời đến tất cả những nơi mà sách hướng dẫn du lịch gọi là “Những thành phố tiệc tùng.” Vì thế, giờ họ là bạn bè qua thư từ, Emma viết hàng đống thư dài ngoằng tràn trề cảm xúc kèm theo những câu bông đùa, những chữ gạch chân phía dưới, cộng thêm cả sự giễu cợt gượng gạo và không hề che giấu nỗi khát khao; mọi cử chỉ yêu thương đều bộc lộ trên trang thư dài hai nghìn tư. Những lá thư, giống như những cuộn phim tài liệu, thật sự là phương tiện đắc lực để thể hiện những cảm xúc bị che giấu, và rõ ràng, cô đang dành quá nhiều thời gian và công sức cho việc đó. Đổi lại, Dexter chỉ gửi cho cô những tấm bưu thiếp bị trả lại do không đủ bưu phí: “Amsterdam ĐIÊN KHÙNG”, “Barcelona ĐIÊN LOẠN”, “Dublin TUYỆT CÚ MÈO. Sáng nay mệt như CHÓ.” Về khoản viết nhật ký đi đường cậu ấy chẳng hề giống Bruce Chatwin(7), song cô vẫn nhét những tấm bưu thiếu đó vào túi áo bành tô trong những chuyến đi bộ dài đầy cảm xúc trên vùng dầm lầy Ilkley Moor, tìm hiểu ẩn ý của câu “VENICE HOÀN TOÀN CHÌM TRONG NƯỚC!!!”.
7. Charles Bruce Chatwin (1940-1989): một tiểu thuyết gia người Anh và là nhà văn chuyên viết nhật ký đi đường (travel writer.)
“Thế Dexter là ai?” Mẹ cô hỏi, mắt nhìn chăm chăm mặt sau của những tấm bưu thiếp. “Bạn trai hả?” Tiếp theo là một ánh mắt quan tâm. “Đã bao giờ con nghĩ sẽ làm việc cho Cơ quan cung ứng khí đốt của Anh chưa?” Emma đã làm công việc rót rượu tại một quán bar địa phương, và theo thời gian, cô cảm thấy não của mình bắt đầu nhũn ra giống như một thứ gì đó bị bỏ quên dưới đáy tủ lạnh.
Khi ấy, Gary Nutkin đã gọi điện, tay đạo diễn theo chủ nghĩa Trotsky gầy gò đã hướng dẫn cô trong quá trình dàn dựng vở kịch chán ngắt Nỗi sợ hãi và đau khổ của Đế chế thứ ba của Brecht vào năm 1986, và sau đó hôn cô suốt ba tiếng đồng hồ cũng chán ngắt tại bữa tiệc cuối cùng. Ngay sau đó, anh ta đã đưa cô đi xem hai vở kịch liên tiếp của Peter Greenaway, chờ đợi suốt bốn tiếng đồng hồ trước khi đưa tay qua và lơ đãng đặt lên ngực trái của cô như thể đang điều chỉnh công tắc đèn điện. Tối hôm đó, họ đã làm tình theo phong cách Brecht trên chiếc giường đơn cũ rích bên dưới tấm áp phích quảng cáo bộ phim Trận chiến thành Algiers. Gary đã chăm sóc thật cẩn thận để đảm bảo rằng cô không cảm thây sức mạnh bị xem như một món đồ đem ra đổi chác. Sau đó, không ai liên lạc với ai, cũng không có gì khác lạ xảy ra, mãi cho đến tháng Năm cô nhận được một cuộc gọi lúc nửa đêm, bằng giọng nhẹ nhàng lẫn chút do dự, anh ta nói, “Cô có muốn làm việc cho tổ hợp nhà hát của tôi không?”
Emma không có tham vọng trở thành diễn viên cũng như không có bất kỳ tình yêu vĩ đại nào đối với nhà hát, có điều cô xem nó là phương tiện thể hiện các ý tưởng và quan điểm. Và Sledgehammer là một tổ hợp nhà hát tiên tiến kiểu mới có thể cùng chia sẻ những ý tưởng, lòng nhiệt huyết, tuyên bố và cam kết thay đổi cuộc sống của những người trẻ tuổi thông qua nghệ thuật. Có lẽ còn có chút lãng mạn nào đó nữa, Emma đã nghĩ thế, hay chí ít là một chút tình dục. Cô gói ghém hành lý, chào tạm biệt hai bậc phụ huynh đầy hoài nghi của mình, và bước lên xe buýt như thể đang dấn thân vào một sự nghiệp cao cả nào đó, đại loại như một vở kịch về cuộc nội chiến Tây Ban Nha do Hội đồng Nghệ thuật tài trợ.
Nhưng ba tháng sau, điều gì đã xảy ra với sự ấm áp, tình thân thiết, ý nghĩa của những giá trị xã hội, những lý tưởng cao đẹp xen lẫn niềm vui thích? Họ đúng là một tổ hợp. Đó chính là những gì được viết ở thùng xe tải, chính cô đã tô màu lên trên đó. Tôi-ghét-công-việc-này-tôi-ghét-công-việc-này, Sid nói. Emma lấy tay bịt tai lại và tự hỏi bản thân một số câu hỏi cơ bản.
Vì sao mình lại ở đây?
Liệu mình có tạo ra sự khác biệt?
Cái mùi gì thế không biết?
Mình muốn ở đâu vào lúc này?
Cô muốn ở Rome với Dexter Mayhew. Trên giường.
“Đại lộ Shaf-tes-bury.”
“Không phải, Shafts-bury. Ba âm tiết.”
“Quảng trường Lychester.”
“Quảng trường Leicester, hai âm tiết.”
“Sao không phải là Ly-chester?”
“Không rõ nữa.”
“Nhưng anh là giáo viên của em, anh phải biết chứ?”
“Xin lỗi,” Dexter nhún vai.
“Thôi được, em nghĩ đó là thứ ngôn ngữ ngốc nghếch,” Tove Angstom nói và đập vào vai Dexter.
“Thứ ngôn ngữ ngốc nghếch. Hoàn toàn đồng ý. Nhưng dù sao thì không cần phải đánh anh như thế.”
“Xin lỗi,” Tove nói, hôn vào vai, rồi hôn vào cổ và miệng Dexter, và một lần nữa, Dexter lại bất ngờ trước sự tưởng thưởng xứng đáng của việc dạy học.
Trong căn phòng nhỏ của cậu, họ nằm giữa những đống chăn gối trên sàn gạch, không còn cần đến chiếc giường đơn vì cho rằng nó không đủ đáp ứng nhu cầu của hai người. Trong cuốn sách về Percy Shelly của trường Anh ngữ Quốc tế, chỗ ở của giáo viên được mô tả là “ấm cúng với nhiều đặc điểm mang tính xoa dịu” và điều này đã mô tả chính xác thực tế của căn phòng. Căn phòng của cậu ở Centro Storico trông ảm đạm và giống như phòng làm việc, nhưng ít ra nó còn có ban công, một ô cửa rộng ba mươi xen ti mét nhìn ra một khu đất xinh đẹp, mà theo phong cách rất Rome thì nơi đó còn có chức năng làm bãi đậu xe. Mỗi sáng, cậu đều bị đánh thức bởi âm thanh của các nhân viên văn phòng khi họ vội vàng quay đầu xe và đụng phải nhau.
Nhưng trong không khí ẩm ướt của buổi chiều tháng Bảy, âm thanh duy nhất là tiếng bánh xe của những chiếc va li du lịch kéo lê trên con đường rải sỏi bên dưới, và họ nằm đó, cửa sổ mở toang và hôn nhau một cách lười biếng, tóc cô gái vướng vào mặt cậu, mái tóc dày, đen và thơm mùi dầu gội Đan Mạch: mùi gỗ thông nhân tạo và mùi thuốc lá. Với tay qua ngực cậu, cô lấy gói thuốc trên sàn, đốt hai điếu và đưa cho cậu một điếu rồi cậu ngả người lên trên những chiếc gối, để cho điếu thuốc đung đưa trên môi giống như Belmondo hay nhân vật nào đó trong một bộ phim của Fellini, nhưng rất quen thuộc với những tấm bưu thiếp: rất phong cách, đen và trắng. Dexter không thích ý nghĩ rằng mình là kẻ kiêu ngạo, nhưng đôi lúc, cậu muốn một ai đó có mặt ngay tức thì để ghi lại hình ảnh của mình.
Họ lại hôn nhau, và cậu mơ hồ tự hỏi liệu có tiêu chuẩn đạo đức hay cách đối nhân xử thế nào trong tình huống này hay không. Dĩ nhiên, đây không phải là lúc để lo lắng về việc nên hay không nên ngủ với sinh viên mà phải là ngay sau bữa tiệc tốt nghiệp đại học, trong lúc Tove còn đang lảo đảo ngồi vào mép giường để tháo khóa đôi bốt của cô. Thậm chí khi đó, trong trạng thái lẫn lộn giữa rượu và ham muốn cậu thấy mình nghĩ về Emma Morley và tự hỏi cô ấy sẽ nói gì. Ngay cả khi Tove xoắn lưỡi cô quanh tai cậu, cậu vẫn có vẻ phản đối: cô ấy mười chín tuổi, đã trưởng thành, và dù sao thì mình không phải là giáo viên thật sự của cô ấy. Hơn nữa, lúc đó Emma đang ở rất xa, đang thay đổi thế giới trên chuyến xe buýt nhỏ dọc đường vành đai của một tỉnh lị, và dù sao đi nữa thì tất cả những điều này có liên quan gì đến Emma? Lúc này, đôi bốt cao đến đầu gối của Tove đã nằm ở một góc căn phòng, trong một nhà nghỉ nơi cấm khách viếng thăm ở lại qua đêm.
Cậu nhích người ra chỗ gạch mát hơn, nhìn ra ngoài cửa sổ để ước lượng thời gian qua khoảng trời nhỏ, hình vuông, xanh biếc tươi tắn. Nhịp thở của Tove thay đổi khi cô chìm vào giấc ngủ, nhưng cậu lại có một cuộc hẹn quan trọng. Cậu thả phần thuốc lá còn lại vào ly rượu, và với tay lấy đồng hồ đang đặt trên cuốn sách Có được là người của Primo Levi vẫn còn chưa đọc trang nào.
Môt Ngày Môt Ngày - David Nicholls Môt Ngày