Chương 3 -
rong năm phần tư năm 1920 tới năm 1929, năm nào lúa bán giá bực trung cũng 1đ50 một giạ, có lúc lên tới 1đ80 hoặc 2đ00. Dân trong xứ phần nhiều chuyên nghề làm ruộng, nhờ giá lúa cao đó, nên bạc tiền chớn chở không biết làm gì cho hết.
Những điền chủ ở các tỉnh, nhứt là ở miệt Tiền Giang, Hậu Giang, đua nhau cất nhà tốt, sắm xe hơi, mua hột xoàn, chơi bài bạc, bành trướng điền địa, cho con đi Tây, gây ra cuộc vui dầu tốn một hai ngàn không cần, được chúng bẩm dạ dầu hao đôi ba muôn cũng chịu.
Từ lớn chí nhỏ coi bạc tiền như đất cục, chê nhơn nghĩa là trái mùa, phải vọc bạc muôn mới ra mặt người sang, chớ luận đạo đức thì bị coi là đồ dại.
Đất hoang vu rừng bụi mà dành nhau mua đến một hai trăm đồng một mẫu, nợ năm bảy chục ngàn mà cho là chút đỉnh không đủ gì lo. Người nào có ý nghĩ xa, thấy nhơn tình với thế cuộc như vậy thì cũng lắc đầu tự hỏi: "Vậy chớ cái đường Việt Nam mình đi đó tới đâu mới cùng? Mà cái đường đó phải hay quấy?“
Tại cái thời cuộc đó mà ông Hội đồng Nghiệp với ông Cai Tổng Bình mới mua thêm đất, lại mua mắc, rồi đi vay bạc, người 30 ngàn, kẻ 50 ngàn mà coi như chuyện chơi.
Thiệt, nếu làng sóng thạnh vượng cứ bủa tới hoài, thì chừng vài ba năm, hai ông cũng trả đứt số nợ, không khó chi hết.
Rủi thay, qua năm 1930 mùa thất, ông Cai Tổng Bình thâu góp về đất cũ về đất mới chỉ có 45 ngàn giạ, chớ không phải 65 ngàn, còn ông Hội Đồng Nghiệp thâu góp được có 18 ngàn giạ.
Hồi đấu mùa thì giá lúa 1đ60 một giạ. Năm nầy hai ông phải đóng tất số tiền cho nhà nước, nên mới chẩn lại ít ngày, nhóng coi như giá lúa lên thêm nữa thì sẽ bán đặng có lời thêm một mớ. Nào dè cuối tháng 5 Tây, lúa sụt xuống 1đ50. Giá 1đ60 không bán, mà bán 1đ50 sao được. Để chờ nữa.
Té ra lúa không lên giá mà lại lần lần bị sụt thêm hoài, sụt xuống 1đ30, 1đ20, 1đ00, qua tới tháng 8 giá còn có 0đ80 một giạ. Chết tươi! Nhà nước gởi giấy thúc đóng tiền mua đất, chủ nợ gởi thơ buộc phải trả nợ.
Ông Cai Tổng chừa 5 ngàn giạ để cho tá điền ăn, ông bán 40 ngàn giạ lấy có 32 ngàn đồng. Ông Hội đồng chừa 3 ngàn giạ, ông bán 15 ngàn giạ lấy có 12 ngàn đồng.
Ông Cai Tổng phải đóng bạc mua đất 48 ngàn, phải trả tiền lời về 62 ngàn đồng bạc nợ, 7.440 đồng.
Ông Hội đồng phải đóng bạc mua đất 31 ngàn, phải trả tiền lời cho chủ nợ là 3.600đồng.
Làm sao có đủ bạc mà trả?
Hai ông bối rối hết sức, bàn tính với nhau rồi hiệp nhau vô nhà ông Huyện hàm Trương Hà tỏ việc rủi ro đã bị thất mùa lại bị lúa rẻ, rồi năn nỉ xin vay thêm cho đủ đóng bạc mua đất, còn vốn cũ nhập với vốn mới và nhập với tiền lời mà làm chung mỗi người một cái giấy mới cho dễ.
Trương Hà nghĩ hai ông đất nhiều, dầu cho vay thêm chẳng hại gì. Đã vậy hai ông lại có đất mới mua của nhà nước. Nếu muốn cố đất đó cho chắc chắn, thì cần phải trả tất cả số bạc mua đất đặng Nhà nước sang bộ mới được. Ông Trương Hà tính như vậy nên chịu cho vay thêm và chịu cho thay giấy nhập lời làm vốn thêm nữa.
Phần ông Cai Tổng Bình:
Số vốn cũ: 62.000$
Số bạc lời: 7.440$
Số vay thêm: 20.560$
Cộng: 90.000$
Phần ông Hội đồng Nghiệp:
Số vốn cũ: 30.000$
Số bạc lời: 3.600$
Số vay thêm: 16.4000$
Cộng: 50.000$
Hai ông về dắt hai bà vô làm giấy lại, ông Cai Tổng vay 90 ngàn, ông Hội đồng vay 50 ngàn. Mỗi cái giấy đều có vợ chồng đứng đủ, có biên cố ruộng đất, mà lại còn buộc hai ông bảo lãnh vần công cho nhau nữa.
Hai ông lấy thêm bạc mà đóng tất giá mua đất thì yên được một mối rồi, chỉ còn lo một mối nợ mà thôi.
Qua năm 1931 lúa thất luôn một mùa nữa, lại giá còn có 0đ60 một giạ.
Ông Cai Tổng thâu góp có 37 ngàn giạ, để dành nuôi tá điền 7 ngàn, còn bán có 30 ngàn giạ có 18 ngàn đồng bạc.
Ông Hội đồng thâu góp có 17 ngàn giạ, để dành nuôi tá điền 3 ngàn, còn bán có 14 ngàn giạ có 8.400 đồng bạc.
Tính nội tiền lời thì ông Cai Tổng phải trả 10.8000đ. Ông Hội đồng phải trả 6.000đ. bán lúa giá như vậy, nếu trả tiền lời rồi cũng không còn đủ bạc mà đóng thuế và ăn xài, có đâu mà trả vốn được.
Hai ông hiệp nhau đi nói với chủ nợ mà trả tiền lời xin để vốn lại, song ông Cai Tổng trả được có 7.800đ, còn thiếu số lời lại 3.000đ, còn ông Hội đồng rán trả được 5.000đ, để thiếu số lời lại 1.000đ.
Qua năm 1932, số lúa thâu góp chẳng nhiều hơn, mà giá lúa lại sụt hơn nữa, còn có 0đ50 một giạ. Hai ông trả tiền lời cũng không đủ, ông Cai Tổng để thiếu lại 4.000đ và ông Hội đồng 2.000đ.
Ông Huyện Hàm Trương Hà thấy 2 năm mà hai ông đều thiếu tiền lời luôn luôn, lại giá lúa sụt, đất cũng sụt theo, sợ bị tịch hết ruộng đất cũng không đủ số nợ, nên vào đơn tại Tòa Hộ mà kiện xin Tòa lên án đặng thi hành phát mãi sự sản của hai ông. Hai ông lo quá nên phải mướn Trạng sư bào chữa, viện lẽ kinh tế khủng hoảng mà xin Tòa châm chế cho đình lại chừng nào giá lúa phát lên lại rồi sẽ trả nợ.
Tòa cũng có nhơn, nên lên án cho đình lại một năm, nếu mãn năm mà không trả nợ thì sẽ thi hành phát mãi.
Bà Hội đồng Nghiệp thấy việc nhà bối rối thì bà rầu quá ăn ngủ không được, bịnh ho của bà phát lại, làm cho chồng con thêm lo nữa.
Ông Hội đồng Nghiệp bàn với ông Cai Tổng Bình, muốn bán bớt phân nửa ruộng đất mà trả nợ.
Ông Cai Tổng nói bán bớt ruộng đất xấu hổ nên khuyên ông Hội đồng để thủng thẳng mà tính, chẳng nên vội lắm.
Cách ít tháng sau, kỳ hạn Tòa định đã cận rồi, hai ông lính quýnh muốn bán ruộng đất thì không ai mua, túng thế vô Rạch Giá nói với chủ nợ xin định giá đất đặng hai ông làm tờ đoạn mãi một mớ mà trả số nợ.
Ông Huyện Trương Hà cười mà đáp rằng:
- Ruộng đất bây giờ không có giá, dầu hai ông bán năm chục đồng một mẫu cũng không có ai mua. Nếu hai ông bán hết ruộng đất nhà cửa cho tôi, hai ông cũng không trừ hết số nợ được. Bày mưu bán làm chi. Để chừng Tòa lên án thi hành phát mãi, nếu có ai muốn mua thì tôi cất giá lên cao cho đủ số nợ của tôi. Còn như không có ai dành mà mua, thì tôi lấy ruộng đất hết cũng được.
Hai ông trở về mặt buồn xo.
Năm ấy cô Xuân Hương thi đậu bằng cấp "Brevet supérieur“. Các nhựt báo đều khen ngợi lại đăng chơn dung của cô lên mặt báo cho công chúng biết, nhưng trong nhà đang bối rối về nợ nần, nên cha mẹ không mừng, rồi làm cho cô cũng không vui chi hết.
Hà Thiện Ý là con của ông Cai Tổng Bình, ở bên Tây cũng thi đậu bằng cấp Luật Khoa Cử Nhơn, muốn ở học thêm đặng lấy bằng Tấn Sĩ. Ngặt vì việc nhà của ông Cai Tổng Bình nguy lắm, ông không thể nuôi con ở bên Tây nữa được, nên đánh dây thép biểu phải về ngay lập tức.
Hà Thiện Ý về tới, cha mẹ dắt nhau qua thăm bà Hội đồng Nghiệp đau.
Hà Thiện Ý với Xuân Hương là cặp thanh niên tân học nên không e lệ chi hết, gặp nhau thì trò chuyện vui vẻ bình thường, lại coi có mòi dan díu thân thiết lắm!
Bà Hội đồng, vì rầu việc nợ nần, nên bịnh ho của bà càng ngày càng thêm, thân thể bà ốm như tàu lá.
Ông Hội đồng lo sợ, biểu con ở nhà coi sóc gia đình, rồi ông đem vợ lên Sài Gòn cho lương y chuyên môn về bịnh ho rọi kiếng mà trị bịnh. Ông đem thằng con trai lớn theo đặng giúp đỡ ông, còn đứa con trai út thì ông để ở nhà với Xuân Hương.
Một buổi sớm mơi, cậu út cỡi xe máy qua Rạch Gòi mà chơi. Cô Xuân Hương ở nhà một mình, cô đốc phách gia dịch đứa vô phân mấy bồn bông, đứa làm cỏ ngoài sau vườn. Cô mặc áo lụa trắng, quần lãnh đen, đầu gỡ sơ, chơn mang guốc, tai đeo một đôi bông lớn, tay trái đeo một chiếc vàng nhận hột xoàn, cô không trang điểm, không dồi phấn thoa son, mà vì cô có sắc sẵn, gương mặt sáng rỡ, bởi vậy ai thấy cô cũng phải trầm trồ khen thầm là gái đẹp.
Cô đi vòng theo mấy bồn bông coi bắt sâu. Cô cầm bông hường da người mà hưởi, bông kề vô mặt, coi nước da của cô còn đẹp hơn màu bông. Cô nắm bông huệ mà nhìn, mấy ngón tay của cô coi cũng đẹp như mấy búp huệ gần nở.
Cô đương xẩn bẩn trong hoa viên, bỗng có chú thường xuyên ở nhà việc làng đem một tờ nhựt báo với một cái thơ lại giao cho cô. Cô cầm cái thơ mà coi ngoài bao, thấy đề tên cô, cô chắc là thơ của chị em bạn học gởi. Cô cám ơn chú thường xuyên rồi thủng thẳng trở vô nhà.
Cô men men đi lại cái bàn viết đặng đọc thơ. Cô vừa ngồi đọc thì cô thấy chơn dung của Hà Thiện Ý để trên bàn viết, cô liếc mắt ngó mà cười rồi thủng thẳng lấy cái dao rọc giấy mà rọc bao cái thơ cô mới được đọc. Cô lấy cái thơ ra mà coi thì thơ như vầy:
Thạnh Hòa, le 10 Aout 1933
Em Xuân Hương rất yêu dấu ôi!
Mấy năm nay anh học ở bên Tây, thấy má anh viết thơ cho anh, thường hay khen tài đức của em và khuyên anh ráng học cho thành danh, đặng chừng trở về xứ sánh duyên cùng em cho xứng đáng.
Hồi nhỏ anh có giáp mặt em mấy lần mà không có nói chuyện gì với nhau. Từ khi anh đi Tây thì sẵn có tấm hình trong rương, hễ buồn thì anh lấy ra anh nhìn. Anh nhờ cái hình đó nung chí cho anh mới thành danh được.
Hôm qua anh qua thăm chú thím, anh muốn tỏ lời tạ ơn em, song anh bợ ngợ không mở miệng được. Vì vậy nên anh phải viết bức thơ nầy mà bày tỏ cái tình của anh đối với em cho em biết, và hứa chắc với em rằng anh sẽ hết lòng kính yêu bao bọc em trọn đời, cho tới chừng nào chết mới dứt.
Hà Thiện Ý.
Cô Xuân Hương đọc thơ rồi, cô xếp kỹ lưỡng mà bỏ vào túi.
Cô vói lấy cái hình của Thiện Ý trên bàn viết, cầm mà nhìn và miệng chúm chím cười.
Thình lình có một cái xe hơi chạy vô sân.
Cô Xuân Hương dòm ra thì thấy chiếc xe hơi lạ hoắc, trên xe leo xuống một người trai mập mạp vạm vỡ, nước da mét mét, mặc bộ đồ xám may thật khéo và còn mới tinh. Người ấy xăm xăm đi vô cửa.
Xuân Hương ở nhà một mình nên cô đứng dậy, tính bước ra tiếp khách.
Người trai ấy vô tới cửa, ngó thấy cô, liền dở nón cúi đầu mà chào đúng lễ.
Cô cũng cúi đầu đáp lễ, không bợ ngợ chi hết và hỏi rằng:
- Ông đến nhà tôi có việc chi, xin ông vui lòng cho tôi biết?
- Xin lỗi cô, có phải nhà nầy là nhà của ông Hội Đồng Võ Kế Nghiệp chăng?
- Thưa, phải.
- Tôi là Trương Hoàng Kiết, con của ông Huyện Hàm Trương Hà ở bên Rạch Giá.
- Xin lỗi ông, thuở nay tôi không biết, vậy xin mời ông ngồi.
Trương Hoàng Kiết bước vô "salon“, ngồi cái ghế phía ngoài, tay cầm nón, mắt ngó cô Xuân Hương ngồi cái ghế "canapé“ phía trong và kêu gia đinh bưng nước.
Trương Hoàng Kiết hỏi:
- Xin lỗi cô, không biết có ông Hội đồng ở nhà hay không?
- Ba tôi đem má tôi đi uống thuốc ở trên Sài Gòn.
- Té ra cô đây là con của ông Hội đồng ?
- Thưa phải. Ông hỏi thăm ba tôi, vậy ông muốn nói chuyện chi hay sao?
- Thưa phải. Tôi qua đây đặng nói chuyện riêng với ông Hội đồng. Thưa cô, không biết chừng nào ông Hội đồng về?
- Thưa, cái đó tôi không biết được. Ba tôi không có nói bữa nào về. Nếu có việc chi, xin ông nói với tôi rồi chừng ba tôi về tôi sẽ nói lại.
Hoàng Kiết liếc mắt ngó cô Xuân Hương, miệng chúm chím cười và nói rằng:
- Tôi có việc cần phải tỏ với ông Hội đồng, mà chuyện đó không phải là chuyện vui. Cô là một đóa hoa thơm, vừa có duyên, vừa có sắc, có lẽ nào tôi đành vô lễ đem chuyện không vui mà thỏ thẻ với cô, rồi làm cho hoa sầu liễu ủ hay sao?
Cô Xuân Hương hiểu mấy lời ấy thanh tao mà có ý chọc ghẹo, nên cô chánh sắc mà đáp rằng:
- Xin ông đừng ngại. Hoa cũng có nhiều thứ, có thứ yếu ớt sợ nắng sợ mưa, mà cũng có thứ vững vàng quen giông quen gió. Ông muốn nói chuyện chi với ba tôi, xin ông cứ nói ngay ra, như chuyện huỡn thì tôi đợi ba tôi về tôi sẽ nói lại, còn như chuyện gấp thì tôi sẽ gởi thơ cho ba tôi hay.
Hoàng Kiết gật đầu cười và nói rằng:
- Nếu cô cho phép thì tôi mới dám nói.
- Ông cứ nói mà.
- Tại cô ép quá, chớ thiệt tôi không muốn nói. Ông Hội đồng có thiếu bạc của cha tôi chút đỉnh. Bốn năm nay ông không trả vốn, mà bạc lời năm nào cũng không đủ, bởi vậy năm ngoái cha tôi kiện, ông Hội đồng xin Tòa đình lại một năm. Nay đã mãn hạn đình rồi, Tòa lên án dạy ông Hội đồng phải trả vốn và lời. Cha tôi sai tôi qua thưa cho ông Hội đồng hay, xin ông vui lòng trả số nợ theo án tòa dạy, bằng không cha tôi phải ép lòng mà giao án cho Trưởng Tòa.
- Không biết việc đó gấp hay quỡn? Đợi ba tôi về rồi tôi sẽ nói lại được hay không?
- Theo tôi thì cô muốn thế nào tôi cũng chịu hết. Ngặt vì việc nầy là việc của cha tôi, nên tôi không dám tự chuyện. Tuy vậy mà không sao. Để tôi về thưa lại với cha tôi mà xin quỡn ít ngày đặng đợi ông Hội đồng về rồi sẽ tính cũng được.
- Tôi cám ơn ông lắm.
- Thưa, tôi không dám. Tôi xin cô cho phép tôi hỏi ít điều.
- Ông muốn hỏi việc chi?
- Không biết ông Hội đồng có mấy người con?
- Có tôi với hai đứa em trai tôi nữa.
- Hôm trước tôi thấy nhựt trình in hình cô Xuân Hương thi đậu "Brevet supérieur“. Không biết phải là cô hay không?
- Thưa, phải.
- Xin lỗi cô. Vậy mà nãy giờ tôi không dè. Tôi xin mừng và khen cô đã có sắc, có duyên, mà lại thêm có tài. Thiệt là ông Hội đồng có phước quá, sanh con gái đáng ngàn vàng.
- Phận tôi là gái, học biết chút đỉnh, có tài bao nhiêu mà ông khen quá như vậy.
- Ấy là lời khiêm nhường của cô.
Hoàng Kiết móc túi lấy thuốc ra hút, coi bộ muốn ngồi mết mà nói chuyện dần lân.
Cô Xuân Hương bèn đứng dậy đi mở tủ lấy thuốc và hộp quẹt để trên bàn, rồi cô lại bàn viết mà đứng, không ngồi nữa. Hoàng Kiết hiểu ý chủ nhà muốn đuổi mình, nên chàng đứng dậy mà nói rằng:
- Thôi, tôi xin kiếu cô tôi về. Để bữa nào có ông Hội đồng ở nhà rồi tôi sẽ qua ở nói chuyện chơi lâu.
Hoàng Kiết từ cô rồi bước ra sân. Cô Xuân Hương đi theo mà đứng tại cửa giữa.
Hoàng Kiết ngó quanh quất, thấy bên tay trái có mấy liếp hường trổ màu, thì bông nào cũng lớn thì day qua nói rằng:
-Cô trồng hường trổ bông đẹp quá. Xin cô cho phép tôi coi một chút. Tôi có tánh ái hoa, nên thấy hoa không thể đi được. Chàng đi lại mấy liếp hường rờ rẫm từ bông, rồi lại day vô ngó cô Xuân Hương và nói rằng:
- Yêu hoa thì phải để hoa trên nhành mà xem. Ngặt vì tôi không ở đây được mà xem, Biết làm sao. Vậy xin cô cho phép tôi hái một cái bông đem về Rạch Giá làm kỷ niệm cái ngày tôi có phước mà được đến Cái Tắc .
Cô Xuân Hương gật đầu mà thôi, chớ cô không đáp một tiếng chi hết.
Hoàng Kiết hái một cái bông hường trắng còn hàm tiếu, dắt tại túi áo trên, ngó cô Xuân Hương mà cười, rồi dỡ nón cúi đầu mà từ và bước lên xe.
Cô Xuân Hương trở vô, sắc mặt có vẻ buồn.
Một Đời Tài Sắc Một Đời Tài Sắc - Hồ Biểu Chánh Một Đời Tài Sắc