Chương 3
rời ơi! - Chàng đứng đó mà kêu than như vậy. Mười ba năm rồi! Biết bao nhiêu là nước đã chảy dưới cầu! Cái gì ở đây cũng vẫn còn nguyên như xưa, nhưng không rõ lòng người có thay đổi hay không?
Trong giây phút chàng hốt hoảng nghĩ đến những chuyện không hay đã xảy ra trong gia đình. Biết người đờn bà kia có...
Không chàng không dám nghĩ xa hơn, vì những thay đổi ấy ghê gớm quá, có thể nhận chàng chìm một lần nữa trong giấc kiện vong.
Chàng lại nghĩ đến gia đình, gia đình của chàng dưới kiếp tài xế. Thế là không muốn, chàng vô tình lập hai gia đình, và có hai dòng con. Tình trạng nầy sẽ gây rắc rối vô cùng. Nhưng cũng không hề gì, vì coi vậy mà việc lộn xộn ấy còn giải quyết được, đến như sự xáo trộn trong gia đình cũ, thì thật không biết nó sẽ đưa tới đâu.
Phi tức Sở vẫn còn tần ngần đứng dưới mưa mà thở dài. Chàng vừa ra khỏi một giấc mơ. Câu chuyện cũ đã xảy ra trong vòng mười ba năm, nhưng mà nghe xa như thiên vạn kỷ, hoặc nghe gần trong chốc lát như xem chiếu bóng ngắn ngủi trong cái khoảng thời gian mà chàng đề ra để hồi tưởng lại dĩ vãng từ cái lúc mà trí nhớ bỗng bừng dậy trong đầu chàng, từ cái lúc mà một tia lửa điện lóe ra trong ký ức của chàng.
Vậy ra trong người chàng có đến hai người, một anh tài xế và một chủ hãng buôn. Có nên dứt bỏ đời tài xế và nối lại sợi dây đời cũ hay không? Nối lại kể từ lúc mà chàng trợt chân dưới thác?
Anh tài xế Phi đang mắc hàm oan, bỏ anh ta là thượng sách. Nhưng anh ta đã có trên đời nầy, hành động như vậy tức là ám sát người ngay. Phải lo minh oan cho anh ta, và nhứt là đừng bắt vợ con anh phải khóc người biệt tích như vợ con anh Sở.
Mà trước hết phải dòm lại việc nhà xem sao. Phi (Sở) nhìn lại thì thấy một cánh cửa hiệu chỉ khép sơ, bên trong còn đèn. Chàng quyết định trở về dương thế và mạnh dạn bước vào đó.
Chàng ngạc nhiên mà thấy mặc cảm của người tài xế bỗng tiêu mất, và mặc cảm của một kẻ dính líu đến một vụ ám sát cũng bay luôn. Hình như gia đình có một bầu không khí ấm nào che chở được chàng, nên chàng khỏi sợ sệt nữa.
Phi (Sở) không gõ báo hiệu, cứ đẩy cánh cửa gỗ mà bước vào nhà như một chủ gia đình đi đâu mới về.
Tuy vậy chàng cũng hơi hồi hộp vì nhiều lò lắng và xúc động đang nổi lên trong lòng chàng.
Khi cánh cửa mở ra và được khép lại liền đó sau lưng chàng thì một cảnh tượng vừa ấm cúng vừa lạ mắt hiện ra trước mặt chàng.
Vợ chàng khi xưa bới đầu, nay uốn tóc dợn đang ngồi nói chuyện với hai thanh niên thanh nữ mà chàng đoán là thằng Tập, con Lệ. Phải, chính đó là hai đứa con của chàng, hai đứa con yêu quý mà chàng đã xa chúng lúc chúng mới lên tám và lên sáu mà thôi. Bây giờ thành nhân chúng đổi khác nhưng còn nhìn ra được.
Chàng vui, nhưng mà bùi ngùi quá trước sự đầm ấm ấy mà chàng bị gạt ra ngoài từ bao lâu nay, và bây giờ không chắc bước vào được.
Cả nhà đều giựt mình mà thấy có người vào đột ngột. Họ kinh sợ ngỡ cướp, vừa toan kêu lên thì y phục ướt loi ngoi và đỏ lòm những máu của người khách làm cho họ nghĩ khác và càng kinh khủng hơn.
Tiếng kêu tắt hơi trong cổ họng của Tập và Lệ vì cô cậu khủng khiếp đến cực độ. Còn bà chủ hiệu Thần Tốc thì té lăn cù và la lên những tiếng vô nghĩa: bà chợt nhận ra chồng, thấy máu me đầm đìa trên người ông nầy, ngỡ là hồn ma của chồng hiện về trong hình thức lúc y mới chết vì tai nạn nào đó.
- Ba... a... ba... bây... thành... ma... a... ma!
Bấy giờ cả nhà ráp nhau mà la vì hai người con của họ cũng chợt nhận ra người cha ấy còn khá giống người trong mấy bức ảnh ở nhà, và vì họ bị mẹ họ truyền lây cái ý nghĩ về ma qua trí họ.
Tiếng kêu la càng lúc càng to, và cả ba đều xáp lại với nhau thật sát cánh để lui vào trong buồng. Cũng may là trời mưa to nên bên ngoài không ai nghe biết gì cả.
Phi (Sở) vội vỗ về vợ con:
- Không, đừng có la, tôi đây mà! Tôi là người đang sống, chớ không phải ma cỏ gì đâu!
Nhưng ba người kia cứ tiếp tục la và ôm nhau mà lủi vào bên trong. Phi (Sở) phải kêu lên:
- Tập, con là con trai, hãy tỏ ra can đảm coi, hãy làm cho má con với con Lệ đỡ sợ coi.
Người con trai cả của ông chủ hiệu Thần Tốc nghe vậy trấn tĩnh lại được, và nín lặng mà nhìn con người có thể là cha của mình. Nhờ thái độ ấy mà bà Thần Tốc và cô Lệ cũng nín im và đứng yên được.
Phi (Sở) cười mà nói:
- Cũng tại tôi vô ý, nên vợ con phải sợ. Nhưng thôi, nhìn lại mà xem, chính tôi đây, tôi còn sống nhăn đây.
Bà Thần Tốc ôm con gái, thở hổn hển, trố mắt nhìn chồng mà chưa nói năng gì được. Phi (Sở) bước tới đặt tay lên vai vợ mà kêu:
- Em?
Bà Thần Tốc lại giựt mình vì sự đụng chạm ấy, rồi ú ớ hỏi:
- Có thật là ông đó hay không?
Phi (Sở) chua xót khi ông ta nhận ra mình không còn son trẻ nữa trước cái tiếng "ông" mà vợ ông dùng để xưng hô với ông.
Trời ơi, mười ba năm đã qua rồi còn gì nữa! Lúc ông lâm nạn ông ba mươi tuổi, nhưng ngủ một giấc say, thức dậy là đã bốn mươi lăm rồi. Thế mà ông cứ ngỡ mình mới đi vắng hôm qua đây và ông còn là chàng thanh niên đầy sức lực.
Phi (Sở) gượng cười mà rằng:
- Tôi đây chớ còn ai mà bà ngờ vực. Vợ chồng ăn ở với nhau hơn mười mấy năm, bà không quen hơi bén tiếng sao?
- Trời ơi, nhưng làm sao ông lại đến đỗi nầy?
Phi (Sở) hiểu rõ là vợ ám chỉ đến cách ăn mặc nghèo nàn của ông (quần bố xanh của thợ máy, sơ mi tưa cổ) đến sự dầm mưa ướt loi ngoi của ông, chớ không phải ám chỉ đến vết thương vì nguyên nhân của vết thương dễ hiểu hơn sự kém sút về phong độ của ông nhiều.
- Dài lắm, nói suốt đêm cũng không hết, để thỉnh thoảng rồi hãy hay. Tập à, con lấy cho ba chiếc gương nhỏ coi.
Người con trai lớn của kẻ trở về thi hành liền ý muốn của cha, còn cô con gái kế thì chạy lại ôm mẹ mà khóc nức nở.
Đáng lý gì cô Lệ nầy ôm cha mà khóc mới hợp lẽ chớ. Nhưng sự bỡ ngỡ chưa tan, cô chỉ có thể ôm mẹ mà thôi. Người cha đã vắng mặt lâu quá, hơn thế, người ta đã cầm bằng như người cha ấy chết rồi, người ta đã nguôi sầu và tình thương yêu đã bị đứt đoạn, muốn nối lại nào có dễ dàng gì. Kẻ đi vắng thường được người thân yêu nhắc nhở, chớ người chết thì bị quên đi chớ, vì người ta còn bận sống kia mà!
Trong khi cậu Tập mang gương lại thì cô Lệ chạy đi lấy chai rượu chín chục chữ, một cục gòn và một cuộn băng rồi chính tay cô băng bó vết thương cho ông Thần Tốc.
- Vết thương chỉ nhẹ thôi ba à, cô nói rồi thêm một lời của các tay trinh thám nhà nghề: "Chắc nó đánh ba bằng một vật không bén".
- Phải, vết thương không sâu, ba biết, nhưng ba suýt bất tỉnh vì sự va chạm mạnh lắm, có thể giết người được.
- Nhưng ba không chết thì...
- Chẳng nhưng ba không chết mà thôi, mà còn sống lại là khác nữa, sống lại sau một thời gian chết rất lâu.
Những lời úp mở của ông Thần Tốc khiến bà lo ngại lắm. Ông có thể điên và đi lang thang từ ấy những nay, và bây giờ mò được về nhà cũng chưa tỉnh hẳn và còn nói xàm.
Cô Lệ làm thân với cha rất mau lẹ. Tình thương yêu cho dẫu là đứt đoạn, vẫn còn ngủ yên nơi lòng, đứa con gái nhiều tình hơn đứa con trai kia và người đờn bà nọ mà cuộc sống quay cuồng đã xóa phai những lời thề nguyền sâu đậm nhứt.
Ông Thần Tốc tủi thân, rưng rưng nước mắt. Hai đứa bé nầy, ngày xưa ông thường đặt chúng nó lên đầu gối của ông, và từ lúc ông ra khỏi hang tối kiện vong, ông cứ có cảm giác là chúng vẫn còn bé bỏng như ngày nào.
Giờ chúng xa ông hằng vạn dặm, xa vì tình thương yêu tiêu mòn, khó thành hình trở lại, mà cũng xa thì chúng đã ra khỏi tuổi được nâng niu. Nếu ông ở nhà thì chúng cũng xa như thế nầy một khi chúng lớn lên, nhưng như vậy, chúng xa lần lần, và ông đủ thì giờ làm quen được với tình trạng đó. Đằng nầy vụt một cái thì ông mất con, chúng đã thành người lớn trong khi ông chưa phỉ tình thương yêu chúng.
Chỉ có Lệ là còn bé. Con gái thì bao giờ cũng bé, cho dẫu chúng nó đã hai mươi. Nó bé, vì nó bé thật sự, bé hơn đờn ông là người cha đây, mà cũng bé vì cái dịu dàng của nó nữa.
Ông Thần Tốc muốn hôn con, nhưng bỗng lại thấy nó to xác quá rồi để ông có thể tỏ tình yêu thương bằng cách đó. Ông chỉ là người Việt Nam.
- Nhưng mà ai đánh ba đó ba?
Ông Thần Tốc vui sướng đến ứa nước mắt một lần nữa. Người đầu tiên săn sóc đến sức khỏe của ông là đứa con gái yêu quí nầy. Hai người kia, bà mẹ thì bận sợ ma, và cũng tại lý do gì khác nữa đó không rõ, anh con trai thì ít tình như bất kỳ anh con trai nào khác, hai người kia chưa bao giờ tỏ ra sốt ruột trước vết thương của ông.
Cô Lệ rửa máu quanh vết thương bằng rượu khiến ông Thần Tốc nghe rát rân nơi đó nên cứ hít hà luôn miệng. Ông hỏi giữa hai cái hít hà.
- Con làm, sao coi bộ thạo quá vậy?
- Dạ con có học một khóa cứu thương ba à.
- Giỏi. Nhưng còn chữ nghĩa, con đã học đến đâu?
- Dạ, con rớt trung học đệ nhứt cấp bốn kỳ rồi thôi không học chữ nữa.
- Trung học đệ nhứt cấp? Bằng cấp quái gì mà nghe lạ tai vậy?
Tập cười rồi đáp hớt:
- Như là bằng Thành chung ngày xưa vậy. Bây giờ ta đã độc lập và theo chương trình Việt.
- Độc lập thì ba đã biết rồi. Nhưng ba sống trong một giới mà người ta không học hỏi, nên ba không có theo dõi cuộc thay đổi ấy. Thế còn con, Tập, con đã học tới đâu?
Tập lại cười mà rằng:
- Con rớt tú tài hai năm liền, nên cũng thôi học luôn.
- Thành ra hai đứa, không đứa nào học tới nơi tới chốn cả.
Bà Thần Tốc bấy giờ mới mở miệng:
- Thằng Tập phải coi hiệu tiệm nầy, nên dầu có muốn theo học nữa cũng chẳng được. Còn con Lệ thì nó là con gái, không biết đi lấy chồng ngày nào, học lắm cũng chỉ có bên chồng nó là nhờ.
Ông Thần Tốc dòm lại thì quả thấy đứa con cả của ông ăn mặc chững chạc, có áo đàng hoàng chớ không phải mặc sơ sài như các học sinh lớn tuổi. Nó ra vẻ chủ nhân ông lắm, khiến ông rất bằng lòng, mặc dầu chưa quên cái buồn vì con thất học.
Cô Lệ đã băng đầu cho cha xong, day lại nói với anh cô:
- Nãy giờ mà anh vẫn đứng đó. Không đi lấy đồ mát của anh cho ba thay hả?
Con gái tuy yếu đuối nhưng oai rạch lắm. Con trai sợ mẹ, chồng sợ vợ, mà anh cũng kiêng nể em gái nữa. Tập riu ríu vâng lời em vì cô em ấy có oai, mà cũng vì cậu ta thấy cái sáng kiến của em rất hợp lý mà cậu thì ngốc quá và quá vô tình.
Ông Thần Tốc nghe êm dịu nơi lòng không biết bao nhiêu. Người đờn ông thích bảo vệ đờn bà, nhưng trái lại họ thích được đờn bà săn sóc họ trong những việc nhỏ nhặt vụn vặt của cuộc sống hằng ngày. Thuở còn bé, họ làm nũng với mẹ, lớn lên họ nhõng nhẽo với vợ, đến tuổi xế chiều, họ ưa được dâu, con làm cho một bữa ăn ngon, hoặc mạng cho đôi vớ rách.
Nhưng ông lại tủi thân. Bà Thần Tốc chưa già, chưa đến tuổi ích kỷ, chưa đến tuổi thôi chìu chồng để quay về sống với mình. Bà vẫn còn sống và đang ngồi đó thì những săn sóc nầy đáng lý do bà nghĩ đến.
Ngày xưa, bà còn trẻ, được ông cưng lắm, thế mà mỗi khi ông đau đầu, hay ăn không ngon miệng là bà xót xa, bà lăng xăng, bà rối rít.
Bây giờ bà ngồi đó như là khách bàng quan. Bà còn hoảng chăng? Không, nỗi kinh sợ phút đầu đã qua từ lâu. Nếu còn gì, là còn sự tò mò về mười mấy năm qua của ông chồng biệt tích thôi.
Ông liếc mắt nhìn bà. Không, bà không nhìn ông, mắt bà không hỏi thăm đôi giày bố rách của ông vì sao mà có, không âu yếm mơn trớn gương mặt thân yêu mà ngày xưa bà thề thờ phượng đến bạc đầu.
Bà chỉ băn khoăn thôi. Khi bà lo ra thì hai con mắt như không còn hồn nữa, nó ngó mà không thấy gì cả. Bà Thần Tốc đang băn khoăn về điều gì?
Mà lạ, bà Thần Tốc đẹp, không phải đẹp theo cái tuổi bốn mươi mốt của bà, mà đẹp như một thiếu phụ cuối xuân. Nhìn màu da hồng hào của bà, ông bỗng nhớ ra rằng bà đang vào độ hồi xuân, sinh lý âm thầm biến đổi và sự chuyển mình của thể xác để bước qua tuổi già, đưa ra ngoài tất cả sinh lực còn sót lại trong con người, nhan sắc bừng lên một lúc để rồi tàn lụn, như ngọn đèn sắp cạn dầu rực sáng lên giây lát.
Ông Thần Tốc mừng, vì ông đã trở về kịp lúc. Ông bỏ bà vào lúc bà đang độ xuân thì, tội nghiệp biết bao cho người không may, phải chịu cảnh chăn đơn gối chiếc từ bao lâu rồi. Nếu ông trở về trễ vài năm, xuân bà đã qua mất, và hai người sẽ ngẩn ngơ thương tiếc cái thời không bao giờ trở lại ấy.
Ông nhớ lại câu chuyện của đôi vợ chồng Hoa kiều kia, giựt mình mà thấy mình suýt lâm vào cảnh của chú Khách ấy: Chú ta cưới vợ xong thì phải lìa quê qua xứ "An Nam" để kiếm ăn, hẹn với vợ ba năm sẽ trở về làng. Đó không phải là lời hẹn ước vu vơ vì đất "An Nam" hay đãi người mới, nhứt là người Khách; chú nào sang đây vài năm thì nếu chưa làm chủ hiệu buôn to thì ít lắm cũng thừa tiền để về Tàu rước vợ sang đây.
Tuy nhiên vẫn có một số chú Khách cứ sa lầy mãi trong kiếp "cu li" của họ, không bao giờ thoát ra được.
Chú Khách của ta thuộc vào hạng ấy và chú cứ hẹn lần với chú, từ năm nầy đến năm khác là sẽ về quê rước vợ.
Năm tháng âm thầm trôi qua và phủ lên tóc chú Khách màu sương của buổi chiều đời, mãi cho đến năm răng chú bắt đầu long chú mới gom đủ tiền để "hui thòn sán" một chuyến.
Bà vợ trẻ ở nhà cứ trọn đạo dâu con, hầu hạ cha mẹ chồng, rồi đến khi ông bà qua đời, thay cho ông bà để lo việc hương khói.
Xuân qua, xuân qua, rồi xuân qua, hồng đã mấy mươi mùa trổ trái, nàng đã mấy mươi lần hái quả bán ra các thương khẩu để họ xuất cảng sang xứ "An Nam", thế mà người chồng tha hương cầu thực bên xứ đó vẫn bặt tin.
Xuân của nàng cũng qua, nó đến độ tột cùng của nó rồi héo lần cho đến lúc bừng dậy cái lần quá thì của phụ nữ, rồi tàn lụn luôn.
Nàng, bấy giờ là bà lão rồi, vì quá sức nhẫn nại nên đâm ra căm thù người chồng đã làm hỏng cuộc đời của bà.
Nên chi cái ngày mà chú Khách về quê, bà đóng chặt cửa bên trong như một tướng giữ ải cố thủ thành trì quyết phạt tội kẻ đã làm cho cuộc đời mụ ta vô nghĩa.
Nhẫn nại bị dồn ép đã nổi loạn lên trong buổi chiều đời và cả làng đều nghe tiếng khóc kể của mụ ở trong vọng ra.
Tuổi hồi xuân! Rồi bà Thần Tốc sẽ quá thì, sẽ càu nhàu khó chịu, nhưng dầu sao xuân của bà vẫn đang hồi và hai vợ chồng còn hưởng hạnh phúc được vài năm nữa. Họ sẽ sống vội vàng, sống tham lam, sống ngốn ngấu cho bỏ những năm không được sống kia.
Khi Từ Thức Về Trần Khi Từ Thức Về Trần - Bình Nguyên Lộc Khi Từ Thức Về Trần